Thống kê cho thấy 50% việc ly dị xẩy ra trong năm năm đầu của hôn nhân, với 33% trong số đó xẩy ra ngay trong hai năm đầu sau đám cưới.
Rõ ràng, những năm đầu--ngay cả những tháng đầu--chung sống rất quan trọng. Chúng tạo nền tảng cho tất cả những gì về sau và có thể định đoạt việc ly dị hay chung sống bạc đầu.
Cuộc nghiên cứu cho thấy 97 phần trăm của những trục trặc hôn nhân phát sinh từ vấn đề tiền bạc.
”Tài chánh là một vấn đề đa dạng,” bà Kathy Beirne ở vùng Porland, Maine nói. Bà cộng tác với người chồng 26 năm của bà, ông Steve là giám đốc đời sống gia đình của giáo phận Portland, để ấn hành tờ Foundations, một bản tin cho những đôi tân hôn.
Bà nói, “Hãy nói chuyện với nhau để tìm ra thái độ của mỗi người về vấn đề tiền bạc. Thông thường, trục trặc xẩy ra khi có những ý tưởng khác biệt về cách dùng tiền cho việc gì. Vấn đề an sinh? Giúp đỡ người khác?”
Ông Paul và bà Joan Leingang, lấy nhau 23 năm, giữ chức vụ chủ tịch của Phong Trào Gia Ðình Kitô Giáo, là một tổ chức nhỏ được thành lập khoảng cuối thập niên 1940. Bà Joan Leingang nói, “Những đôi tân hôn phải chuẩn bị đối phó với những thay đổi. Thật khó để mất độc quyền kiểm soát tiền bạc, nhưng vợ chồng phải gộp chung tài sản hơn là giữ riêng một chương mục. Ðó là dấu hiệu của việc liên kết cuộc sống một cách đậm đà hơn. Thái độ 'tiền của tôi, tôi sài, tiền của anh, anh tiêu' khiến khó hòa hợp đời sống.”
Bà Mary Lou Monroe, làm việc như giám đốc ngành dịch vụ gia đình của cơ quan Bác Ái Công Giáo và dịch vụ cộng đồng của giáo phận Denver, đã lập gia đình 44 năm, nói rằng, “Mỗi người phối ngẫu phải tiếp tay trong việc đảm bảo con tầu gia đình bằng yên. Nếu một trong hai không giữ lời hứa về tài chánh, chắc chắn sẽ đau khổ.”
Chúng ta cảm thấy điều này từ lâu, nhưng bây giờ sách vở cho biết cách đối thoại của đàn ông và đàn bà khác nhau. Tổng quát, các bà nói về sự liên hệ và nhắm đến tâm tình. Các ông nói về tình trạng và thích những dữ kiện.
Bà Kathy Beirne cho biết, “Hãy biết rằng đàn ông và đàn bà dùng những phương cách khác nhau khi họ cần sự giúp đỡ.”
Kiểu nói có thể thay đổi, bà Joan Leingang nói, nhưng sự thành thật phải là gốc rễ của việc đối thoại.
“Những kiểu nói khi hẹn hò không nhất thiết được dùng mãi về sau,” bà cho biết, “Cách tôi nói chuyện khi còn trẻ và lần đầu gặp nhà tôi thì khác với bây giờ.
“Thành thật là điều tiên quyết. Bạn không thể để câu chuyện lôi bạn đi. Hãy tìm một cách đối thoại. Nó có thể mất thì giờ tìm kiếm, nhưng đó là căn bản.”
“Vợ chồng cần nói với nhau những gì được coi là vấn đề,” chồng bà nói. “Ðừng tách biệt các bà ở dưới bếp và các ông ngồi xem TV.”
Ðôi tân hôn có thể đồng ý hay không đồng ý. Nhưng cãi nhau vì những bất đồng cũng phải theo một số quy tắc, các nhà kinh nghiệm nói như thế.
Ông Paul Leingang nói: “Nó phải cởi mở và công bằng--không giấu diếm hay tấn công cá nhân--sự tranh luận thì tốt, đến mức độ nào đó. Vợ chồng phải giữ thái độ cởi mở dù có sai chăng nữa, hay đó là cả một sự khác biệt để giải quyết vấn đề.”
“Một trong những sai lầm cá nhân của tôi là chỉ muốn im lặng và bỏ đi không tranh luận,” ông cho biết, “Tranh luận cần phải có tiến bộ nếu vợ chồng muốn giải quyết bất cứ gì.”
Bà Beirne nói rằng, “Khi cãi nhau, đừng nói lạc đề. Có hai chữ cấm kÿ: 'luôn luôn' và 'không bao giờ.'”
Bà Monroe khuyến khích đôi tân hôn phải nhớ hai tiêu chuẩn. “Hãy nhớ rằng, cãi thua không phải là mất mặt. Và câu nói sau cùng có thể chấp nhận được khi nó có nghĩa 'Tôi hiểu.'”
Sự mật thiết là xi măng của hôn nhân. Nhưng sự thân thiện đòi hỏi thời giờ, và thời giờ trở nên hiếm hoi cho những vợ chồng có đến hai sự nghiệp.
Cố tìm sự quân bình giữa sự nghiệp và gia đình chứng tỏ sự cố gắng của đôi tân hôn. Ðôi tân hôn cần giữ quân bình giữa việc làm, công việc nhà, những bó buộc ngoài xã hội và nhu cầu thân mật.
“Sự phấn đấu để chọn ưu tiên giữa những giằng co của thế giới bên ngoài là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong xã hội ngày nay,” bà Monroe nói.
“Vợ chồng phải chiến đấu để gìn giữ sự mật thiết bằng cách đặt giới hạn cho những đòi hỏi bên ngoài. Tương lai không tự nhiên xẩy đến--chúng ta tạo ra nó, và nó phản ảnh lời hứa của chúng ta.”
“Nhu cầu cho hai người có hai sự nghiệp là một vấn đề, và nó đòi hỏi đôi tân hôn những sáng tạo để giữ sự liên hệ,” ông Paul Leingang nói. “Họ không còn thời giờ, sức lực và tiền bạc để làm những gì họ đã làm như trong những buổi hẹn hò trước đám cưới, bởi thế đôi vợ chồng cần tìm những cơ hội khác để thân thiện với nhau--có thể cùng ăn sáng nếu họ quá mệt cho bữa ăn tối và đi xem xi-nê ban đêm.”
Bà Joan Leingang nói, “Ðể có được sự quân bình, bạn phải biết những gì là ưu tiên. Nó rất khó, nhưng gia đình phải trước hết. Cả hai người phải hứa kiến tạo gia đình, tạo ra những truyền thống.”
“Một cuộc ái ân tốt đẹp không bắt đầu từ cửa cho đến cái giường.” bà Beirne cho biết. “Vợ chồng phải tôn trọng lẫn nhau, dành giờ cho nhau và chú ý đến những chi tiết của lối sống người khác, hãy trò chuyện và hãy lưu tâm.”
”Cuộc chăn gối tốt đẹp bắt đầu từ việc trò chuyện êm đềm,” bà Joan Leingang nói. “Nó không phải là vấn đề kiểu cọ; nó là vấn đề tình yêu, sự tôn trọng và sự gần gũi với một người khác. Nếu bạn không có một đối thoại êm đẹp, nó không có hiệu quả.”
“Việc ái ân không chỉ giới hạn ở ý nghĩ về chuyện chăn gối,” ông Paul Leingang cho biết. “Ðối với hai người yêu nhau thì bất cứ hành động gì cũng được coi là sự diễn đạt tình yêu. Sự vuốt ve thật quan trọng, và nó không bắt buộc phải là một phần của sự chung đụng dẫn đến việc chăn gối. Vuốt ve âu yếm là một hình thức tuyệt vời có giá trị để diễn đạt tình cảm con người.”
Ngạn ngữ, “Gia đình cùng cầu nguyện thì cùng chung sống” được thực tế chứng minh. Nhà xã hội học và tác giả là Cha Andrew Greeley đã tổng lược một thống kê kinh ngạc liên hệ đến phẩm chất và sự bền vững của những vợ chồng có tham dự năng động trong đời sống Giáo Hội.
“Có sự liên hệ chặt chẽ giữa những hôn nhân bền vững, hạnh phúc và chung thủy với sự tích cực hoạt động trong Giáo Hội,” bà Beirne nói.
Vấn đề là, sau đám cưới, nhiều cặp vợ chồng không còn hoạt động tích cực trong Giáo Hội cho đến khi rửa tội đứa con đầu tiên.
Bà Beirne nói: “Có thêm nhiều ích lợi, nhưng trên thực tế, thật khó để thuyết phục người ta tin như vậy. Những vợ chồng thì thiện chí, nhưng rất bận rộn, bởi thế từ từ họ xa Giáo Hội.”
”Sức mạnh tinh thần do bởi việc giúp đỡ tha nhân và từ đó dẫn đến Thiên Chúa,” ông Paul Leingang cho biết. “Sức mạnh tinh thần giúp vợ chồng nhận thức được sự tốt lành và thánh thiện của tình yêu và sự hợp nhất của họ. Và nó giúp họ muốn tìm kiếm sự thánh thiện thường xuyên hơn.”
”Sức mạnh tinh thần không phải là đi lễ ngày Chúa Nhật,” bà Monroe nói. “Những nguyên tắc đức tin của chúng ta không tách biệt với những gì chúng ta làm hằng ngày. Tình yêu của đôi vợ chồng phản ảnh tình yêu Thiên Chúa: trao ban sự sống, gìn giữ, vĩnh viễn.”
“Hôn nhân là một ơn gọi,” bà Joan Leingang nói. “Cùng với người bạn đường tôi trao cuộc sống của tôi cho họ, chúng tôi chung sống trong sự liên hệ với Thiên Chúa. Tôi thấy hôn nhân như một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới. Sự phục vụ và lời hứa của chúng ta với Thiên Chúa được thể hiện qua việc chu toàn bổn phận hôn nhân.”
Bà nói, “Với quá nhiều hôn nhân đổ vỡ, thật quan trọng để vợ chồng hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau khi lớn tuổi. Là người Công Giáo, hôn nhân quan trọng hơn cuộc đời rất nhiều. Một hôn nhân tốt đẹp có thể giúp người bạn đường thật nhiều, hơn là khi họ chỉ có một mình. Ðôi vợ chồng có thể là ân sủng cho nhau và cho Giáo Hội.”