Dạy bảo con cái về đức tin Công Giáo luôn luôn là một thách đố, vì mỗi một đứa trẻ đều có cá tính độc đáo và mức độ phát triển khác nhau. Nhưng vấn nạn kế tiếp là phải dạy bảo chúng những gì ở các giai đoạn phát triển khác nhau.
Các nhà giáo dục tôn giáo, nhà mô phạm Công Giáo cũng như các cha mẹ đồng ý rằng bất cứ tuổi nào cũng có thể giúp các em nhận biết Thiên Chúa.
Bà Carolyn Sims, một giám đốc của trường Pacific Crest Academy ở Camas, Hoa Thịnh Ðốn, cho biết hành trình đức tin của các em được bắt đầu càng sớm bao nhiêu thì các em càng dễ nhận biết Thiên Chúa cũng như dễ nhận ra sự quan trọng của đời sống tâm linh và giáo huấn Công Giáo bấy nhiêu.
Bà nói: “Cha mẹ phải đưa con cái đến nhà thờ ngay từ lúc thơ ấu. Khi được 2 tuổi, chúng phải ý thức về sinh hoạt tâm linh ở trong gia đình, từ việc đi lễ đến việc cầu nguyện trước bữa ăn. Từ 2 đến 5 tuổi, cha mẹ phải dạy con cái biết làm dấu thánh giá, và các kinh quen thuộc, như Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh. Khi 5 tuổi, chúng phải có thể đọc một chục kinh Mai Khôi và tối thiểu phải ý thức về sự hiện diện thực sự của Ðức Giêsu trong Thánh Thể.”
Chị Elaine Potvin, giám đốc các lớp giáo lý của nhà thờ Thánh Borromeo ở Worcester, Mass., đồng ý với nhận định trên. Chị nhấn mạnh rằng cha mẹ phải giúp Thiên Chúa trở nên sống động đối với con cái, càng sớm càng tốt.
Chị Elaine còn đề nghị, cha mẹ không những chỉ dạy con cái về các kinh quen thuộc, mà còn phải giúp con em nghĩ đến Thiên Chúa như một người cha tốt lành mà mọi người con đều mong ước -- luôn luôn yêu thương, đùm bọc và hiện diện với con cái.
Chị nói: “Tôi khuyên các cha mẹ nên hỏi con cái xem điều gì sung sướng nhất mà cha mẹ đem đến cho chúng. Câu hỏi này giúp chúng liên hệ với Thiên Chúa tốt đẹp hơn và coi Ngài như một người cha đầy yêu thương và ân cần.”
Chị Elaine còn nhấn mạnh rằng, con cái cần được thấy gương mẫu tốt lành của cha mẹ, và phần lớn đời sống tâm linh sau này của con cái là tùy thuộc vào gương mẫu ấy. Chị cho biết, trong gia đình là nơi con cái nhận biết sự kính mến Thiên Chúa qua việc cầu nguyện chung hàng ngày, tham dự Thánh Lễ và thi hành việc bác ái; con cái thi đua noi gương cha mẹ.
Chị cho biết thêm: “Xã hội mà chúng ta đang sống thì không quý trọng đời sống đức tin. Bởi thế nên, thật quan trọng để giúp con cái nhận biết Thiên Chúa là tâm điểm của đời sống càng sớm càng tốt.”
Nếu cha mẹ đã thấm nhập nơi con cái ý thức về Thiên Chúa thì họ đã đặt một nền tảng cho sự phát triển tâm linh kế tiếp, khoảng từ 6 đến 9 tuổi. Trong lứa tuổi này, các em được chuẩn bị để xưng tội và rước lễ lần đầu.
Các nhà mô phạm Công Giáo nhấn mạnh rằng, chính cha mẹ là người tiếp tục phát triển đức tin của con cái, mặc dù chúng đã theo học các lớp giáo lý hoặc trường Công Giáo.
”Cha mẹ có bổn phận chính yếu để dạy con cái về bí tích, nhất là việc xưng tội và rước lễ, và phải giải thích cho các em hiểu tại sao các bí tích đó lại là tâm điểm của đức tin,” Cha Kevin Devine của nhà thờ Chúa Chiên Lành ở New York cho biết như thế.
Bà Carolyn Sims nói thêm: “Các em từ 6 đến 9 tuổi cũng phải biết Mười Ðiều Răn, cộng thêm với ý thức về việc xưng tội và tại sao chúng ta phải sạch tội trước khi rước lễ. Ngoài ra, các em ở tuổi này cũng phải hiểu biết hơn về Thánh Lễ, và tại sao chúng ta được mời gọi để tham dự Thánh Lễ một cách tích cực.”
Ông bà Yates ở Maine có tám người con, từ 14 đến 29 tuổi. Hai ông bà luôn luôn để ý đến việc giáo dục con cái ngay từ nhỏ kể cả việc giúp con cái nhận biết và kính mến Thiên Chúa.
Bà cho biết, “Chúng tôi dạy con cái bằng lời nói và làm gương.”
Ðiều này bao gồm cả sự chú trọng đến các bí tích, nhất là bí tích hòa giải và Thánh Thể. Sự chú trọng này đã đem cho con cái họ một nền tảng đức tin vững chắc.
Khi con cái lớn lên, cha mẹ có thể làm gì để tiếp tục giúp chúng xây đắp đức tin?
Bà Carolyn Sims cho biết, một trong những phương cách là khuyến khích con cái đọc Phúc Âm, hạnh các thánh và các sách thiêng liêng khác.
Bà nói thêm: “Chúng cũng nên biết về lịch sử của Giáo Hội để biết quý trọng Giáo Hội hơn. Tôi cũng khuyên các cha mẹ nên giúp con cái hiểu biết về thánh quan thầy để chúng có thể bắt chước gương mẫu của các ngài.”
Cha Kevin Devine nói rằng, từ 10 đến 12 tuổi, các em phải được khuyến khích để thi hành một vài công việc phục vụ nhà xứ hoặc cộng đoàn.
Ngài nói: “Khi giúp các em biết nghĩ đến tha nhân, điều này củng cố đức tin các em và giúp các em sống đức tin của mình.”
Chị Elaine khi đề cập đến hạnh các thánh, Chị cho biết: “Các em thường dễ cảm thông với gương can đảm của các thánh. Ðiều này giúp các em chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp, là chuẩn bị chịu phép thêm sức.”
Mọi cha mẹ đều biết rằng, khi đến tuổi niên thiếu các em sẽ bắt đầu va chạm với đời nhiều hơn. Hệ thống truyền hình, Internet, ảnh hưởng chúng bạn và nhiều thứ khác có thể lôi cuốn các em, khiến các em không còn chú ý đến tôn giáo và ngay cả việc sống đức tin dường như bị chìm vào quên lãng.
Chương trình chuẩn bị thêm sức là một trong những vấn đề khẩn trương nhất của mọi giáo phận ở Hoa Kỳ. Sự thách đố lớn nhất, theo Cha Devine cho biết, là giúp các thiếu niên còn liên lạc với Giáo Hội trong thời gian chuẩn bị và sau khi đã lãnh nhận bí tích. Ðiều này có thể thực hiện được chính yếu là qua chương trình giáo lý phù hợp và hấp dẫn với tuổi các em cũng như các công tác từ thiện, xã hội để giữ các em còn nghĩ đến tha nhân.
Chị Elaine thú nhận rằng, việc duy trì đức tin của các thiếu niên “ngày càng khó khăn. Vì các em phải đương đầu với quá nhiều cám dỗ.”
Chị nhấn mạnh rằng cha mẹ phải đặt nền tảng đức tin cho các con ngay từ khi còn nhỏ, và kiên cường đức tin ấy qua đời sống gương mẫu của cha mẹ, cũng như thường xuyên tham dự Thánh Lễ và thi hành các việc thiêng liêng khác.
Một trong những kết quả của đời sống gương mẫu được thấy ở giáo xứ Ðức Mẹ Núi Camêlô ở Hamden, Conn. Trong niên học vừa qua, toàn thể đội banh “football” cấp trung học đã cùng nhau cầu nguyện trước mỗi lần giao đấu.
Chị Ann cho biết: “Khởi sự chỉ có hai thanh niên ở giáo xứ, họ đến với tôi để cầu nguyện trước mỗi lần giao đấu. Sau đó, một ngày kia, tôi nhìn ra cửa sổ thấy bãi đậu xe đầy người, không hiểu có chuyện gì, và sau đó tôi vui mừng khi biết toàn thể đội banh -- nhiều em không phải là Công Giáo -- đã đến với chúng tôi để cầu nguyện. Bây giờ, trước mỗi lần giao đấu các em đều đến đây để cầu nguyện.”
Khởi sự chỉ có hai em và đã phát triển thành một nghi thức hàng tuần với đông người tham dự. Chắc chắn rằng hai em này có được một nền tảng đức tin sâu xa.
Chúng ta không lạ gì khi thấy nhiều thiếu niên không còn trung thành với việc tham dự Thánh Lễ, không còn siêng năng cầu nguyện, và họ viện dẫn đủ mọi lý do.
Một trong những lý do hiển nhiên, như Cha Devine cho biết, là vì trẻ em ngày nay không được học hỏi giáo lý tường tận như trước.
Ngài nói: “Các em không biết nhiều về giáo lý, trong khi, hàng ngày chúng bị tấn công bởi truyền hình, bởi chúng bạn và thường thường là những điều thiếu lành mạnh.”
Cha Devine cho biết thêm, ngày nay, các em, nhất là thiếu niên, không muốn đọc sách nhiều.
Cha nói: “Các em không thích đọc. Hơn thế nữa, những gì các em phải đọc chỉ liên hệ đến việc học chứ không liên hệ đến tôn giáo.”
Ông David Lachiondo, hiệu trưởng trường Trung Học Giám Mục Kelly ở Boise, Idaho, nói rằng ông ngạc nhiên khi thấy rất nhiều em trong trường không hiểu về sự Hiện Diện thật của Ðức Kitô trong Mình Thánh.
”Tôi còn khó chịu hơn nữa khi thấy các em không màng gì đến sinh hoạt của giáo xứ,” ông cho biết. “Thái độ của các em đối với Giáo Hội thì không tốt.”