Khoảng bốn năm trước, khi tôi đang chọn rau trong siêu thị, tôi nghe có giọng người đàn ông nói, “Trời ơi, chị lại có bầu nữa!”
Tưởng lời trách móc đó không ám chỉ về mình nên tôi không quay lại. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông tiến đến ngay sau lưng tôi và nói, “Chị Mai, chị muốn nói gì với cái bầu này đây!”
Người đàn ông này là bà con của tôi, và quả thật tôi đang mang bầu. Ðứa con thứ bốn sắp sửa chào đời trong vòng vài tuần. Ðể trả lời câu hỏi của ông, tôi đỏ mặt, ấp úng và cười giả lả. Vì không quen nói về đời tư nơi công cộng, tôi thay đổi đề tài và xin lỗi để tiếp tục đi chợ.
Trên đường về nhà, tôi nhớ lại những gì đã xẩy ra. Tôi tưởng tượng ra một cách trả lời bình tĩnh và trôi trẩy hơn. Dù sao đi nữa, tôi là người có chồng. Chồng tôi đi làm để nuôi gia đình trong khi tôi ở nhà nuôi con. Không bao giờ tôi xin người bà con đó tiền bạc, hay nhờ giữ giùm mấy đứa nhỏ. Tại sao họ lại khó chịu như vậy?
Khi gia đình tôi càng gia tăng (bây giờ tôi có năm con), chúng tôi càng phải chịu đựng hơn nữa với những lời phẩm bình của người lạ, người quen, người trong giáo xứ và ngay cả linh mục. Ðiều làm tôi khó hiểu là trong những lời phẩm bình của họ có đôi chút tức giận.
Trong lớp về luân lý ở trung học, tôi được biết rằng sự giao hợp có hai mục đích. Nó liên kết vợ chồng bởi canh tân tình yêu và giúp lưu truyền sự sống. Mục đích kết hợp và lưu truyền sự sống không thể tách biệt.
Ngừa thai nhân tạo đã lấy đi ý nghĩa của hành động tính dục bởi nó giới hạn khía cạnh lưu truyền sự sống. Một cách căn bản, điều xẩy ra là một “âm mưu chống lại sự sống” như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong văn kiện Evangelium Vitae (Phúc Âm Sự Sống). Ðiều này có vẻ riêng tư, và một số người cho rằng nó chính đáng, nhưng quyết định của vợ chồng khi ngừa thai nhân tạo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trên đời sống hôn nhân, trên gia đình và ngay cả xã hội. Không có tội nào thật sự là tội cá nhân.
Sự hiểu biết của tôi về điều dậy dỗ này đã thay đổi trong 11 năm chúng tôi lấy nhau. Lúc đầu chúng tôi chấp nhận vì vâng phục quyền bính của Giáo Hội mà không thật sự hiểu rõ. Những sự bào chữa của chúng tôi về việc cấm ngừa thai nhân tạo đối với những người nghĩ rằng chúng tôi khùng thì hoàn toàn có tính cách lý thuyết, thiếu sức mạnh thuyết phục.
“Sự hiểu biết là phần thưởng của đức tin,” Thánh Augustine nói. “Ðừng cố để hiểu những gì bạn tin, nhưng hãy tin để có thể hiểu được.”
Chúng tôi được “phần thưởng” sau bốn năm chung sống. Vào lúc đó chúng tôi có được một thai nhi bình thường, sau một lần xẩy thai và hai lần sinh nở thật khó khăn.
Chúng tôi rất vui với ba đứa con lành mạnh mà Chúa đã ban cho, nhưng dường như Ngài thử thách chúng tôi quá khả năng. Mặc dù tôi không dùng thuốc ngừa thai, tôi có tâm trạng muốn ngừa thai--không tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Với sự đề nghị của một người bạn, chúng tôi tham dự lớp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên để biết một phương cách chắc chắn và phù hợp đạo lý nhằm trì hoãn việc thụ thai. Quan trọng hơn, chúng tôi bắt đầu thật sự hiểu biết và yêu quý những dậy dỗ của Giáo Hội.
Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để trở nên người bạn với Người trong việc tạo dựng sự sống mới--một sự sống mới với một linh hồn bất tử để vinh danh Người muôn đời. Thụ thai không còn là điều gì phải sợ hãi; đó là một sức mạnh kinh hoàng Chúa ban. Kể từ lúc đó, chúng tôi dùng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên để trì hoãn việc thụ thai hay để mở lòng chấp nhận hoạch định của Thiên Chúa cho gia đình chúng tôi.
Trong khi Evangelium Vitae được báo chí chú ý đến điều mà Ðức Giáo Hoàng gọi là “văn hóa sự chết,” nhất là liên hệ đến việc phá thai, mê tử (euthanasia) và án tử hình, họ đã quên đi điều người phê bình về “não trạng ngừa thai” của xã hội chúng ta, mà ngày nay rất suy đồi, ngay cả trong chính cộng đồng Công Giáo. Hậu quả của não trạng này là con số ly dị tăng vọt, nhu cầu phá thai và hành động tình dục ngoài hôn nhân lan rộng.
Những người ủng hộ việc ngừa thai tuyên bố rằng đôi vợ chồng có tự do tình dục bất cứ lúc nào mà không sợ bị thụ thai thì hạnh phúc hơn và bền vững hơn. Sống tiết dục vào thời kỳ người phụ nữ có thể thụ thai thì bị cho rằng quá khó khăn. Họ cũng tin rằng nếu có nhiều con hơn một hay hai đứa cũng khiến hôn nhân bị đe dọa. Hậu quả là đứa trẻ bị coi như một trở ngại cho sự thành công của cá nhân hay một lối sống thoải mái.
Sự lan tràn việc ngừa thai đã kéo theo tỉ lệ ly dị. Vào năm 1910, cứ trong 11 hôn nhân thì có 1 ly dị. Vào cuối thập niên 1920, khi Margaret Sanger vận động việc dùng thuốc ngừa thai, con số ly dị tăng lên 1 phần 6. Thuốc ngừa thai được phổ biến trong năm 1960 và tỉ lệ ly dị leo thang đến 1 phần 4. Vào năm 1977, chỉ còn một nửa số hôn nhân là tồn tại. Con số đó vẫn còn đúng cho tới ngày nay.
Không may, nhiều người Công Giáo đã du nhập việc ngừa thai và bây giờ tỉ lệ ly dị của người Công Giáo cũng giống như những người đời.
Ngược lại, tổ chức Couple to Couple đã bán chính thức dò hỏi những đôi vợ chồng dùng phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên và thấy rằng tỉ lệ ly dị ít hơn 1 phần 100.
Phải có một khuyết điểm nào đó trong việc dùng thuốc ngừa thai. Dĩ nhiên, không phải bất cứ đôi vợ chồng nào ngừa thai đều ly dị, nhưng ngừa thai không làm tăng tiến liên hệ vợ chồng.
Tôi nhận thấy rằng ngừa thai đã tạo một ngăn cách thật sự giữa hai vợ chồng. Họ nói với nhau, “Anh yêu em, nhưng không yêu buồng trứng của em.” Toàn thể con người đã không được yêu quý thật sự và vô điều kiện. Ngăn cách tạo nghi ngờ, và nghi ngờ ngày càng phá vỡ liên hệ vợ chồng.
Minh và Giang, bạn của chúng tôi, dùng thuốc ngừa thai khi mới lấy nhau. Sợ trách nhiệm làm cha mẹ và muốn sống “thoả thích,” Minh đã dùng thuốc. Mặc dù cả hai là người Công Giáo và biết rằng việc dùng thuốc ngừa thai bị ngăn cấm, họ không hiểu lý do tại sao. “Ngoài ra,” Minh nói thêm, “ông Giáo Hoàng không nói cho tôi biết là tôi sẽ có bao nhiêu đứa con.”
Nhưng hậu quả của thuốc ngừa thai đã khiến Minh phải tìm một phương cách lành mạnh, bền bỉ khác, và lúc đó người em của Minh đã chỉ cho phương pháp kế hoạch hóa gia đình cách tự nhiên. Vì vẫn chưa tin hẳn vào phương pháp này, họ thử dùng mà vẫn uống thuốc ngừa thai phòng ngừa. Sau vài năm liên tục dò hỏi gia đình, bạn hữu, linh mục và ngay cả các tác giả về phương pháp kế hoạch hoá gia đình, họ đã nhận thức và quý trọng những dậy dỗ của Giáo Hội.
”Sống không dùng thuốc ngừa thai đã kiên cường hôn nhân của chúng tôi,” Minh nói. “Bây giờ chúng tôi tin tưởng vào Thiên Chúa hơn cả tiền bạc, hay ngay cả khả năng của chúng tôi.”
Những đôi vợ chồng nào tôn trọng ý nghĩa của hành động giao hợp thì yêu thương và tử tế với nhau hơn. Họ tôn trọng người phối ngẫu, cùng hợp lực và ít khi coi thường nhau. Khi cần phải trì hoãn việc thụ thai, thời gian khiết tịnh kéo dài trong khoảng từ 7 đến 10 ngày đã trở nên thời gian để ve vãn nhau. Vợ chồng phải diễn tả tình yêu trong một phương cách phi thể xác, và sự đối thoại, là chìa khóa của bất cứ liên hệ tốt đẹp nào, lại được tăng tiến.
Trong thời gian khiết tịnh của chúng tôi, chúng tôi chăm sóc nhau cách đặc biệt. Có thể tôi làm một cái bánh ngọt cho chồng, và anh ấy khiến tôi ngạc nhiên khi tìm người giữ trẻ để chúng tôi có thể đi ăn tối và xem xi-nê. Khi thời gian khiết tịnh chấm dứt, tuần trăng mật lại bắt đầu và đôi vợ chồng lại cảm nghiệm được sự mới mẻ của tình yêu thể xác. Bây giờ đời sống chúng tôi luân phiên giữa tuần trăng mật và thời gian ve vãn. Không một dụng cụ ngừa thai nào có thể đạt được điều đó.
Khi ý nghĩa của hành động tình dục được hiểu đúng đắn, con cái được xem như ân sủng và đôi vợ chồng trở thành những người bạn đường của Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Mỗi đứa con, dù muốn hay không muốn, được tạo dựng trong hình ảnh và giống như Cha trên trời của chúng ta. Chỉ có Ngài mới có thể thổi linh hồn bất diệt vào sự sống mới.