Trong bài báo có tựa đề “Cha Mẹ Phạt Con Về Thể Xác Có Sai Lầm Không?” nhà xã hội học Murray Straus của trung tâm Family Research Laboratory, thuộc Ðại Học New Hampshire nói rằng, “Việc khảo cứu cho thấy hậu quả tai hại của việc đánh con là một trong những bí mật của tâm lý trẻ em Hoa Kỳ” vì nó ám chỉ rằng “hầu như đa số phụ huynh Hoa Kỳ đều đánh con, kể cả những người viết sách chỉ bảo cho các phụ huynh.”
Ðưa ra một khảo cứu cho thấy 41 phần trăm cha mẹ cho rằng có thể đánh đòn con cái nếu nó đánh người khác, ông Straus nói rằng những phụ huynh này đã dậy con hai điều: Ðánh người khác thì xấu, nhưng không xấu nếu đánh một người làm điều xấu. Ông kết luận “Như thế, hình phạt về thể xác đã dậy con cái tính cách luân lý của việc đánh người.”
Sau khi trưng ra cuộc khảo cứu cho thấy việc đánh con đã đưa các em đến các hành động phạm pháp, nghiện rượu, buồn chán, tự tử, dùng thuốc kích thích và không có nghề nghiệp, ông Straus đi đến kết luận là kêu gọi luật pháp ngăn cấm việc đánh con dưới bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuy nhiên, ông đề nghị rằng những cha mẹ vi phạm luật đánh con không thể bị trừng phạt. Thay vào đó, như đã được thi hành ở Thụy Ðiển, họ buộc phải nhận “sự giúp đỡ.” Quan niệm của ông Straus đã được nhiều người (được gọi là) trợ viên tán thành.
Tôi phải kết luận rằng sự tranh luận có tính cách văn hóa chính trị hơn là tâm lý. Thật khó chịu khi một số người thuộc thành phần khoa học xã hội muốn ảnh hưởng đến chính sách xã hội, và bởi đó họ tìm cách áp đặt trên chúng ta quan điểm của họ về một thế giới tuyệt hảo.
Hầu như mọi người đồng ý rằng, ở điểm nào đó việc đánh con có thể bị lạm dụng. Tuy nhiên, việc la rầy cũng tương tự như thế. Nếu nới rộng lý luận việc cấm đánh con, thì việc xử dụng những lời lẽ “hạ cấp” khi la rầy con cái cũng phải bị ngăn cấm chứ?
Dĩ nhiên, ông Straus không thể chứng minh những gì ông đưa ra. Cách dùng chữ của ông khiến người đọc dễ cảm xúc, nhưng trong phần phân tích sau cùng thì không gì khác hơn là những tâm lý mơ hồ--xảo ngữ hơn là dữ kiện.
Ông Straus nói rằng luật cấm đánh con sẽ đưa chúng ta đến một xã hội an bình, thịnh vượng hơn. Cái nhìn phóng đại này sẽ làm nhẹ bớt hậu quả ngấm ngầm của những luật như thế, kể cả những phụ huynh nhận sự “giúp đỡ” cũng không còn quyền chọn lựa.
Những người ủng hộ việc cấm đánh con thích nhắc đến những phương cách khác để dậy con cái. Dĩ nhiên điều này chẳng cần phải nói. Nhưng điểm cần thắc mắc là: những phương cách khác có hữu hiệu không? Kinh nghiệm của chính tôi cho thấy có lúc hiệu nghiệm, có lúc không.
Khi là một phụ huynh trẻ, tôi tin rằng việc đánh con có thể thích hợp. Tuy nhiên, về sau tôi nhận thấy rằng, hành động đánh con hầu như không đưa đến kết quả gì. Vào lúc đó, tôi không còn dùng nó như một phương tiện để phạt và, thay vào đó, bắt đầu coi đó như một hình thức liên lạc không lời. Nói rõ hơn, một cái vỗ vào mông có mục đích lôi kéo sự chú ý của con cái đến những lời tôi muốn nói.
Tôi có khuyến khích việc đánh con không? Không, tôi khuyên rằng nếu bạn chọn việc đánh đòn, bạn hãy thi hành nó cách thích hợp. Vì lợi ích của con cái cũng như của bạn, đừng để cảm xúc lấn lướt. Trong quan điểm đó, sau đây là một vài hướng dẫn:
1. Chỉ nên thỉnh thoảng đánh đòn. Ðánh nhiều chúng sẽ dạn đòn và việc đánh đòn không còn ý nghĩa nữa.
2. Tổng quát, đánh đòn “hữu hiệu” hơn đối với những đứa nghịch ngợm và dễ bị khích động.
3. Chỉ nên đánh bằng tay, và chỉ đánh vào mông. Bàn tay có thể dùng ngay lập tức, và bàn tay thì có vẻ riêng tư hơn và tránh đưa đến những hậu quả đáng tiếc.
4. Ðánh một hai cái là đủ. Hãy nhớ rằng bạn chỉ muốn chấm dứt một thái độ nào đó và muốn duy trì sự vâng lời của con cái. Bạn không muốn trừng phạt con cái vì “điều xấu” hay dậy cho nó bài học nhớ đời.
5. Ðánh ngay lập tức. Càng để cơn giận gia tăng, bạn càng có thể đi quá trớn.
6. Luôn luôn theo sau việc đánh đòn là những lời dậy bảo cương quyết và hậu quả. Hãy nhớ rằng bạn đang dậy con, và giáo dục là mục đích của việc đánh đòn, chứ không phải sự đau đớn.