Trong lịch sử bắt đạo ở Việt Nam, cuộc bắt đạo dưới thời Minh Mệnh là nổi bật về thái độ thù ghét đạo Công Giáo hơn cả và là cuộc bắt đạo tàn bạo, khoa học và rất luật pháp. Các vị anh hùng tử đạo đã hoàn toàn tự do đón nhận vinh dự được đổ máu vì đức tin Kitô chứ không chịu để chuộc tự do bằng tiền bạc hay bằng lời khai gian dối. các đấng đều lãnh nhận một bản án tử đạo rõ ràng.
Lý do của cuộc bách hại chính là thái độ thù ghét đạo Công Giáo của Minh Mệnh. Trong khi ít giao tiếp với các thừa sai, Minh Mệnh đi tìm một lập trường của mình trong các sách cổ Trung Hoa và đưa lý thuyết Nho Học lên địa vị độc tôn, vì Nho Học củng cố chế độ quân chủ chuyên chế. Chính vì mộng ước muốn biến mình thành chúa tể mà Minh Mệnh đã nổi giận trước thái độ suy tôn một Thiên Chúa của người Công Giáo và coi Hoàng Ðế chỉ ở bậc thứ nhì. Minh Mệnh coi đạo Công Giáo do ngoại nhân đem vào là một xỉ nhục cho quốc gia, một tai họa cho dân chúng. Với Minh Mệnh, trong nước không thể có hai vua cũng như không thể có hai tôn giáo, đã có đạo tự nhiên thờ kính ông bà rồi thì không thể có đạo thờ Thiên Chúa trời đất. Minh Mệnh mô phỏng đạo Công Giáo để lập ra các lễ lạy và 10 điều răn cho dân chúng dễ thấm nhập.
Nhịp độ bắt bớ người Công Giáo tùy thuộc vào hoàn cảnh chính trị trong nước. Ta có thể chia cuộc bách hại đạo Công Giáo của Minh Mệnh thành hai giai đoạn:
- giai đoạn thứ nhất khi chưa nắm vững ngai vàng vì còn nhiều cựu thần và giặc giã (1820-1833), Minh Mệnh còn dè dặt trong cuộc bách hại đạo Công Giáo;
- giai đoạn thứ hai sau khi đã dẹp xong giặc giã và củng cố được lớp quan lại trung thành và mù quáng với chế độ quân chủ, điển hình là những người như Nguyễn Công Trứ, Minh Mệnh thẳng tay thi hành chương trình tiêu diệt đạo Công Giáo (1833-1841).
Kế hoạch bắt đạo trong giai đoạn thứ nhất của Minh Mệnh rất khôn khéo. Ðể tránh tiếng là một hôn quân bạo chúa, Minh Mệnh xúi các quan làm tờ kiến nghị lên án đạo Công Giáo là tà đạo, mê hoặc dân chúng, làm hủy hoại thói lành trong nước. Các quan liên tiếp viết các kiến nghị như kiến nghị ngày 12-2-1825, kiến nghị tháng 8-1826, lệnh ngày 1-1-1827, lệnh tháng 9-1830. Chương trình tinh vi của Minh Mệnh là khủng bố tinh thần giáo dân với những sắc lệnh cấm đạo và lên án đạo Công Giáo là tà đạo, ngăn chặn số thừa sai vào nước, tập trung các thừa sai để vô hiệu hóa các hoạt động truyền giáo, cấm chứa chấp đạo trưởng.
Bắt đầu từ giai đoạn hai Minh Mệnh hạ lệnh xử tử đạo trưởng cũng như những người chứa chấp đạo trưởng và những người cố chấp, đồng thời phủ dụ dân chúng bằng 10 điều huấn dụ ngày 15-7-1834. Nhưng trước các kế hoạch nói trên số tín hữu vẫn gia tăng đến nỗi Minh Mệnh sợ có thể trở thành mối nguy lớn nếu họ nổi loạn. Từ năm 1838 Minh Mệnh ra lệnh đánh đập tra khảo tàn ác không chút thương xót.
Chính Minh Mệnh đưa ra những lời vu cáo chế diễu đạo, như móc mắt người sắp chết làm bùa mê, trai gái chung chạ nhau để lấy chất làm thuốc mê quyến dũ. Trong các hình khổ tra tấn, Minh Mệnh đã sáng chế ra một thứ cổ quái là lấy rắn độc đút vào áo của các nữ tín hữu trong khi cột chặt các ống chân ống tay áo để rắn không chui ra được.
Lệnh của Minh Mệnh không hẳn là được mọi quan thi hành, tuy nhiên các quan trông thấy Minh Mệnh là run sợ nên cũng phải thi hành cho có lệ. Người bị Minh Mệnh khiển trách không thi hành lệnh vua là Trịnh Quang Khanh, quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh, một nơi có đông đảo giáo dân Công Giáo. Minh Mệnh đã biến Trịnh Quang Khanh thành tên đồ tể sát hại không biết bao nhiêu người Công Giáo để giữ vững địa vị. Thâm độc không kém gì Minh Mệnh, Trịnh Quang Khanh dùng tù nhân làm mật thám để lùng các nơi trú ẩn của linh mục, và hành hạ thân nhân để tra khảo. Kết quả riêng tại Nam Ðịnh số các anh hùng tử đạo được tôn phong thật là cao, gần một nửa số nạn nhân của Minh Mệnh. Trong số 58 thánh tử đạo dưới thời Minh Mệnh thì Nam Ðịnh đã đóng góp 24 vị. Số còn lại thuộc các tỉnh khác nhau: Quảng Bình 5, Sơn Tây 4, Nghệ An 1, Hà Nội 4, Ninh Bình 3, Bắc Ninh 7, và Hải Dương 2.