(bị bắt 20-5-1839, xử trảm 26-11-1839)
Thánh Tôma Dụ là linh mục bản xứ thuộc dòng Ða Minh. Người sinh tại Phú Nhai quãng năm 1783. Không thấy nói gì về đời thơ ấu của người, chỉ biết rằng người nhập dòng Ða Minh sau khi người đã chịu chức linh mục. Người khấn dòng ngày 21-12-1814, lúc đó người đã 31 tuổi. Người là linh mục đạo đức thánh thiện, người trội vượt trên đường ăn chay hãm mình đến nỗi các cha và các thầy dòng tặng cho người biệt hiệu thánh Bruno.
Trong cuộc đời mục vụ của người, người được đức cha cho bài sai coi xứ Ðông Xuyên và xứ Quất Lâm. Sau này người lại được bài sai coi xứ Liễu Ðề dưới thời Minh Mệnh bắt đạo. Trong thời kỳ này, một tên phản bội, tên là Lý Mỹ, đi ra Nam Ðịnh thưa với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh rằng trong làng Liễu Ðề có Cha Liêm và nhiều linh mục ẩn tránh. Không chậm trễ, quan tổng trấn ra lệnh cho quân lính bao vây xứ Liễu Ðề ngày 20-5-1839. Quả thực trong xứ lúc đó có Cha Dụ và ba cha khác nữa. Ba cha truyền giáo may mắn tìm được chỗ trú ẩn. Phần Cha Dụ, lúc đó đang làm lễ tại nhà bà Agnes Thu. Cha biết không thể chạy tới chỗ trú ẩn kịp thời, và cũng không muốn liên lụy tới chủ nhà, cha liền bảo bà Thu đem giấu các đồ lễ: “Con hãy giấu các đồ lễ này đi vì nếu họ bắt được, con sẽ bị khốn khó. Cha sẽ cố gắng chạy trốn, nếu cha bị bắt cha sẽ bị kết án tử hình, tuy nhiên cha không muốn làm liên lụy đến ai cả. Con cho cha cái gì để cha cầm trong tay, như vậy họ sẽ không khám phá cha là linh mục, và cha sẽ chạy thoát”.
Bà Thu đưa cho cha bộ quần áo nhà nông, và một cái chép, sau đó cha liền lẻn qua vườn nhà người hàng xóm tên là Ðỗ Quỳnh. Cha cúi xuống nhổ cỏ và làm vườn như một người nông dân. Lính tuần tiễu và quan quân đi qua đi lại nhưng vẫn không nhận ra người là linh mục. Bỗng đâu một tên phản bội, nhận biết người liền chỉ cho quân lính. Lập tức, lính vây bắt người, chúng trói tay người lại, đánh đập và điệu người về đình làng cho quan xét xử.
Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đích thân tra hỏi người. Ông quan khát máu này tỏ ra rất bực tức với người Công Giáo, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần. Vừa trông thấy Cha Dụ, ông hống hách tra khảo: “Tên nghịch tặc, nhà ngươi làm nghề gì?”
Cha Dụ liền trả lời: “Tôi coi con chiên bổn đạo của tôi”.
Người không muốn tiết lộ chỗ trú ẩn của Cha Liêm và các cha khác, dù quan tổng đốc dùng đủ mọi lời lẽ khuyên dụ và đe loi. Sau cùng tên bạo chúa truyền quân lính đánh người 21 hèo. Sách ghi lại rằng người không hề kêu than một tiếng dù với tuổi già sức yếu. Lúc đó người đã 56 tuổi. Tra tấn xong, quan tổng đốc truyền quân lính lục soát trong người của người, chúng chẳng thấy gì ngoại trừ cỗ tràng hạt mà người vẫn mang luôn trong mình. Quan càng bực tức, truyền bắt bà Thu, người đã chứa chấp người. Bà Thu bị phạt tù 24 giờ, nhưng ngày hôm sau được thả về. Hôm sau, đúng vào buổi trưa nóng bức của mùa hè, chúng bắt Cha Dụ ra phơi nắng, thân mang gông cùm, tay chân bị xiềng xích, sau đó giải về Nam Ðịnh và bị tống vào ngục thất.
Tại Nam Ðịnh quân lính hành hạ người đủ điều, nhưng người thà chết nghìn lần chứ không chịu phản lại đạo thánh Chúa. Chúng lại dụ dỗ người bằng nhiều hứa hẹn để xin người khai ra những nơi ẩn núp của các nhà truyền giáo và các giáo dân khác. Sau cùng chúng khuyên dụ người bỏ đạo bằng những lời ngọt nhạt cũng như đe dọa. Người vẫn một lòng kiên trung. Quan tổng đốc tức giận truyền quân lính đánh người 90 roi. Sau đó người lại bị trói và điệu về nhà giam. Ở đây người lại được dịp làm việc tông đồ cho những tội nhân đủ loại: trộm cướp, giết người, v.v.... Nhiều người đã tin theo người.
Sau đó người còn bị điệu ra điệu vào để tra khảo không biết bao nhiêu lần mà kể. Mỗi lần quan dùng một hình thức tra khảo khác nhau: nào hứa hẹn chức quyền, tiền bạc, nào đe dọa bằng những hình khổ càng ngày càng dữ tợn hơn. Có lần người bị đem ra phơi nắng, vai vẫn đeo gông nặng và chân tay vẫn bị xiềng xích, rồi đêm tối người lại bị ném vào trong ngục thất lạnh lẽo. Hầu hết lần nào người cũng bị đánh đòn, có lần 20 roi, có lần 30 roi. Có lần quan giận quá, vừa ra lệnh đánh đòn vừa nói đánh cho nó sáng mắt ra. Dĩ nhiên lần nào người cũng kiên trung, cương quyết nhất định không chịu quá khóa. Có lần bị hạch sách nhiều quá, người thưa lại với quan: “Tôi chẳng phải là trẻ con mà các quan cứ hỏi đi hỏi lại mãi làm chi. Tôi đã nói rằng tôi chẳng quá khóa, thì xin các quan cứ làm án cho tôi”.
Ông Giuse Hiền kể lại có lần mẹ người giả làm bà ăn mày đến thăm con tại nhà giam, thấy con khổ sở quá, nhất là vai mang gông nặng, mẹ người muốn nâng đỡ người một chút. Người liền thưa với bà cố: “Con yếu sức phần xác thật, song vì Chúa Giêsu thêm sức, con xin chịu được. Chúa Giêsu xưa chịu khó vì tội thiên hạ, thì nay con cũng phải chịu một chút để bắt chước Người”.
Người luôn luôn vui vẻ chịu đựng các hình khổ, không hề than trách một lời. Người còn nói với những người đến thăm viếng người là dù hình phạt gia tăng mà người lại thấy bớt đau đớn hơn trước. Người tâm sự với rất nhiều người lòng mong mỏi được chết vì đạo như có lần người nói với một người tới thăm viếng người: “Cha mong sự chết lắm nhưng chẳng biết bao giờ đến”.
Lần khác người tâm sự với một người khác: “Cha chưa biết ngày nào sẽ được chết vì đạo, chẳng biết con có được trông thấy cha nữa chăng, cứ cầu nguyện cho cha được chịu mọi sự khốn khó cho nên, cùng bằng lòng mọi đàng”.
Lần khác nữa, người lại bảo người khác: “Con cầu nguyện cho cha, nguyện Chúa ban ơn cho cha chịu sự khó để được vinh quang mà Người dành cho cha”.
Sau 5 tháng trong tù và tra tấn, ngày 10-10-1839 lòng mong mỏi của người trở thành sự thật, các quan đã tuyên án xử trảm người. Khi ở trong tù người đã nêu gương sáng và giúp đỡ các phạm nhân, thì giờ đây được tin chết vì đạo, người rất vui mừng hoan hỉ. Bản án được gửi về kinh đô để vua phê chuẩn. Bản án của người cũng giống như các bản án của các thánh tử đạo khác: Tội theo đạo Gia Tô tà đạo, dù khuyên nhủ và đe dọa cũng như tra tấn mà vẫn không chịu bỏ đạo. Bản án kết luận: “Tên cứng đầu và ngỗ nghịch này phải trừng trị xứng đáng. Y đã bị trừng trị bằng những hình phạt nặng nhất. Ðáng lẽ bị phạt nó phải than trách, nhưng không, nó chẳng hề than trách...”
Bản án này được nhà vua phê chuẩn ngày 7-11-1839 và truyền hành quyết vào ngày 26-11. Chiếu chỉ của nhà vua như sau: “Ta đã xem án đạo trưởng Gia Tô tên là Ðinh Viết Dụ. Tên phạm này khi còn bé đã theo đạo trưởng tây Bường là danh trùm cả mà học đạo. Nó biết chữ tây, cũng biết danh trùm Hai và danh trùm Hiền là những kẻ đã bị xử rồi, chỉ có danh trùm Vọng là kẻ còn ẩn lánh. Vào tháng Giêng năm nay tên phạm này dám đem dấu đồ đạo ở nhà Nguyễn Văn Trinh và Ðỗ Cáp. Ðến tháng Năm, quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh dựa theo lời tố cáo của dân đem binh đi vây nã, và bắt được tên phạm này. Ðem ra tra tấn thì thú nhận tất cả, nhưng không chịu bỏ đạo ấy. Còn như danh trùm Vọng trốn đi đâu, cùng ẩn náu ở đâu, thì tên phạm này là đứa mê muội, tối tăm, cố chấp không chịu nói. Vậy tên Ðinh Viết Dụ phải đem đi trảm quyết”.
Vài ngày trước khi xử án Cha Dụ, một tin vui mừng rất lớn đến với người là Cha Ða Minh Xuyên, một linh mục cùng dòng đã bị bắt ít tháng trước tuy nhiên bị giam tại nhà giam khác, bây giờ lại bị giam cùng nhà giam với người. Cha Xuyên cũng bị biết bao nhiêu hình khổ, và tới lúc này người cũng đã có án xử. Hai đấng tử đạo, có dịp an ủi và khuyến khích nhau chịu khổ vì Chúa. Hai vị ban các bí tích cho nhau, nhất là bí tích giải tội. Một bà giáo dân đạo đức tên là Rose Trương, kể lại với các cha sau này rằng ít ngày trước khi hai cha bị xử án, chồng bà vào nhà giam để thăm Cha Dụ, người xin ông một miếng vải trắng, ông đã cho người. Nhận miếng vải, cha cám ơn ông và nói với ông rằng người đã có án tử và sẽ bị trảm quyết vào ngày 26 trong tháng, đoạn cha cho ông một miếng vải có thấm máu của người.
Ngày hành quyết đến, hai vị thánh tử đạo bị điệu đến nơi hành quyết, với đoàn lính nghiêm chỉnh và dân chúng theo xem rất đông. Một vị quan ngồi chễm chệ trên thớt voi thật lớn, theo sau có quân lính hầu và hộ tống. Hai vị tử đạo, vai đeo gông nặng, chân tay mang xiềng xích, bị đưa đến pháp trường Bẩy Mẫu. Nữ tu Maria cũng có mặt hôm đó đã kể lại chi tiết cuộc xử trảm của hai vị như sau: “Hai vị quỳ xuống, tay chắp lại, rồi ngước mắt nhìn lên trời. Lính dùng cưa cắt gông cùm và bẻ gẫy xiềng xích, rồi trói các đấng vào cột trụ. Chúng lấy nước rửa cổ các đấng. Tên lý hình giơ gươm lên, và chém đầu Cha Tôma Dụ. Ðầu Cha Dụ lìa khỏi xác và rơi trên đất. Tên đao phủ nhặt đầu người lên, và liệng trên không ba lần đoạn hô lớn: 'Ðầu tên linh mục tả đạo đã bị chặt đứt'”.
Các giáo hữu, theo như thường lệ, chạy lại lấy xác và thấm máu các đấng tử đạo. Xác người được an táng gần đấy. Sau hơn một năm, vào tháng Giêng năm 1841 xác người được cải táng và chôn tại nhà trường Lục Thủy. Từ khi Ðức Giáo Hoàng phong Á Thánh cho người, hài cốt của người được đặt tại nhà thờ Phú Nhai cho mọi người tôn kính.
(bị bắt 18-8-1839, xử trảm 26-11-1839)
Thánh Ðôminicô Xuyên sinh năm 1786 tại làng Hương Cáp tỉnh Nam Ðịnh. Người là con một trong một gia đình rất hiền lành đạo đức. Người học hành rất sáng dạ, cha mẹ liền cho đi học chữ nho, rồi khi đã lớn đưa vào nhà xứ xin Ðức Cha Y coi sóc. Dù bận công việc học hành, nhưng người vẫn không trễ nải việc đạo đức. Người nổi tiếng là dễ dạy và chịu khó. Ðức Cha Y thấy người có nhân đức, gửi người vào trường La Tinh tại Lục Thủy. Năm 33 tuổi, người được đức cha phong chức linh mục. Sau đó, người xin gia nhập dòng Ða Minh, và khấn dòng ngày 20-4-1820 tại trường La Tinh làng Lục Thủy.
Trong vụ điều tra phong Á Thánh cho người, nhiều người đã làm chứng là người rất có lòng sốt sắng, siêng năng giữ lề luật dòng, hay ăn chay, nguyện ngắm, và hay thương kẻ nghèo khó. Người vẫn bảo kẻ canh cổng rằng: “Hễ có kẻ khó nào đến xin ăn thì phải cho, dù cơm của cụ dùng cũng phải cho, còn dư bao nhiêu thì cụ sẽ dùng”.
Vào trong ngục, người cũng giữ đức bác ái như vậy. Khi con chiên bổn đạo đem tiền bố thí cho người, người lại chia sẻ với các tù nhân trong ngục.
Lòng bác ái của người đã trội vượt, mà lòng thương con chiên và lo lắng phần hồn cho họ còn trội vượt hơn. Người phụ trách một vùng rất rộng lớn, vừa đi giảng dạy, vừa ban các bí tích. Người chu toàn nhiệm vụ của một cha sở đầy nhiệt thành, dù thời đó đang có cuộc bách hại đạo gắt gao. Người được Ðức Cha sai về làm phó xứ Phạm Pháo, rồi về xứ Kẻ Mèn làm phó xứ chừng bốn năm. Trong thời gian này người đã siêng năng giúp nhiều người trở lại đạo, đồng thời lập một họ lẻ gọi là họ Vinh Sơn. Người ở xứ Vinh Sơn một thời gian rồi đổi về coi sóc con chiên bổn đạo xứ Ðông Xuyên khoảng 13 năm. Tại đây Chúa ban cho người được bảy năm thái bình, nhưng sáu năm sau thật nhiều khốn khó: nào mất mùa, đói khát, cướp bóc, hạn hán. Bổn đạo rất cực khổ, và người cũng cùng chung số phận ấy. Bị hạn hán, dân chúng coi đó như là một hình phạt của trời. Dân chúng đói khổ sinh ra trộm cướp. Giặc giã nổi lên cướp bóc và đốt phá dân làng. Giặc cướp còn đánh đập và giết những ai cả gan chống đối họ. Giặc cướp cũng vào trong nhà xứ và nhà thờ để cướp phá, có lần người mất cả đồ lễ. Người bằng lòng chịu sự khốn khó, và nói với giáo dân: “Nếu Chúa không muốn cho cha dùng đồ ấy nữa, thì cha xin bằng lòng chẳng dám kêu trách”.
Cuộc bách hại đạo của Minh Mệnh, càng ngày càng khốc liệt hơn, đức cha sai người về tiểu chủng viện Ninh Cường giúp Cha Giuse Hiền. Sau 18 tháng, người lại có lệnh về giúp Ðức Cha Y ở Bùi Chu. Chẳng bao lâu sau, Ðức Cha Y phải trốn qua làng Kiên Lao, và bị bắt ở đó. Quãng tháng 5 năm 1838, Cha Xuyên tiếp tục coi sóc con chiên mình hơn một năm nữa, chẳng bao giờ được bằng an. Người phải lẩn trốn nay đây mai đó để cử hành Thánh Lễ ban đêm và an ủi nâng đỡ giáo dân trong thời bách đạo.
Ngày 18-8-1839, người đi làm lễ tại họ Phú Ðường, rồi trở về Hạ Linh ngay. Hôm đó là lễ Thánh Joachim, quan thầy của họ đạo. Một người giáo viên, quen biết người khi người còn ở Bùi Chu, biết người đang ở Hạ Linh, đã đi tố cáo người với quan ở gần đấy.
Quan liền đi vây hai làng ấy ngay. Sáng ngày 18, lính ẩn núp ngoài lũy để rình bắt người. Và khi Cha Xuyên bắt đầu mặc áo làm lễ, thì tiếng tù và, chiêng trống nổi lên. Cha cố gắng tìm chỗ trú ẩn nhưng không kịp nên bị quân lính bắt giữ. Ðồng lúc quân lính vây hãm, trong làng cũng có một cha khác nữa đang làm lễ, cha này vội vã rước Mình Máu Thánh rồi chạy trốn tại hầm trú ẩn gần đó. Còn hang trú ẩn của Cha Xuyên thì xa quá nên không kịp.
Bị điệu tới trước mặt quan, cha bị tra hỏi lý lịch và nghề nghiệp. Cha Xuyên trả lời: “Tôi là Cụ Xuyên, linh mục Công Giáo. Tôi không thuộc về làng này nhưng về làng khác”.
Quan đưa cho người cây thánh giá, và hỏi người: “Ông có biết ông Chúa này không?”
- “Có, Người là Chúa Giêsu mà chúng tôi thờ”.
- “Nếu cụ có tiền, chúng ta sẽ lo liệu cho”.
- “Nếu quan làm ơn làm phúc tha cho thì tôi có nhờ, nếu quan bắt tôi, thì tôi phải vâng. Tôi không có tiền gì cả, ngoại trừ cái thân nghèo này”.
Cha Xuyên lập tức bị trói và đóng gông giải về phủ Xuân Tràng. Khi giáo dân Hạ Linh thấy người bị bắt đã đến phủ xin chuộc người. Tuy nhiên Cha Xuyên khuyên bảo họ: “Các con cứ lo liệu cho họ đạo của mình thôi, còn phần cụ cứ để thánh ý Ðức Chúa Trời định liệu. Chúa đã thương cụ như vậy, thì chẳng mất tiền chuộc làm chi, kẻo lại trái thánh ý Chúa”.
Dù người có nói thế nào đi nữa, bổn đạo vẫn không nghe, cứ đến quan phủ xem có thể chuộc được người chăng. Quan trả lời dân rằng: “Tội chúng bay thì liệu thế nào cũng xong, còn tội cụ thì không thể xong được vì quan trên đã biết rồi. Dù quan phủ có muốn tha mặc lòng cũng không dám đâu”.
Bổn đạo buồn bã ra về, có người đi trình Cha Xuyên rằng: “Chúng con đã làm hết sức mà không được xin cha vui chịu vâng theo thánh ý Chúa. Xin cha nhớ cầu nguyện cho chúng con”.
Cha Xuyên trả lời: “Chúa đã định như vậy thì chẳng ai làm khác được, chúng con cứ cầu cho cha được chịu khó cho nên”.
Người phải đeo gông rất nặng, cần hai người nâng đỡ mới đi lại nổi. Khi đến gần tỉnh quan không cho ai giúp đỡ người nữa, người phải mang gông lấy một mình. Ðể chóng về tới tỉnh quân lính buộc dây vào đầu gông và lôi kéo người đi. Từ lúc bị bắt, Cha Xuyên chỉ biết một điều là vâng theo thánh ý Chúa. Người có thể nói dối để nhân viên chức dịch có cớ tha người mà người không chịu. Chẳng hạn khi người ở trong tù, một viên chức dịch tới thăm người, nói với người: “Tôi rất buồn bực về thái độ của cha, khi cha biết quân lính vây làng sao cha không lẩn trốn với dân để chạy, hay ra đầu thú như dân chúng. Nếu làm thế có ai biết cha là cụ đâu? Và khi hỏi cha có phải là linh mục không, tại sao cha lại nói cha là linh mục?”
Cha chỉ trả lời: “Tất cả là thánh ý Chúa, hơn nữa tôi cũng không thể nói dối”.
Cùng ngày, người bị áp giải về tỉnh, quan tổng đốc không thèm tra hỏi, chỉ truyền quân lính tống giam cha vào ngục và bắt nhịn đói. Ngày hôm sau, cha bị điệu ra tòa thẩm vấn. Tại phiên tòa, quan hỏi người: “Ngươi là một tên có máu mặt và thế giá trong làng, tại sao ra nông nỗi này? Tên ngươi là gì? Ở làng nào và làm nghề gì?”
- “Thưa quan lớn, tôi là Ðôminicô Xuyên, quê cha tôi ở làng Hương Cáp, mẹ tôi ở làng Sa Cát, khi tôi còn bé đi giúp Ðức Giám Mục Y, người cho tôi được làm cụ trong đạo”.
- “Từ ngày làm cụ thì ngươi ở đâu và làm những gì?”
- “Khi vua chưa cấm đạo thì tôi ở làng Ðông Xuyên giảng đạo cho người ta biết đạo Thiên Chúa là đạo thật, về sau khi vua cấm đạo thì tôi ở nhiều nơi. Sợ người ta bắt nên tôi phải ẩn ở nhiều nơi, lúc ở nơi này lúc ở nơi kia”.
Quan truyền đưa tượng chịu nạn lại cho người và bảo người: “Nếu ông vâng lời nhà vua mà dẵm lên tượng chịu nạn này, và bỏ đạo hẳn thì ta tha, bằng không thì ông phải chết, như nhiều người khác đã chết rồi”.
Quan còn dùng nhiều lời ngon ngọt để dụ dỗ người. Tuy nhiên người quỳ xuống, để tay vào ngực rồi lạy tượng chịu nạn, rồi thưa cùng quan rằng: “Bẩm quan lớn, quan lớn thương tôi thì tôi cám ơn bội phần, còn bước qua Chúa tôi thì tôi chẳng dám”. Quan lớn tức giận xỉ vả người. Các lính đứng bên thấy vậy khuyên nhủ người: “Ông cứ xuất giáo đi kẻo chết thì hoài”.
Người đáp lời quân lính: “Chết thì chết chứ tôi chẳng dám bước qua Chúa tôi đâu”.
Quan tức giận truyền lệnh quân lính: “Chúng bay đem nó ra mà đánh chết đi, cứ việc đánh nát xác cái thằng ngu dại này”.
Thừa lệnh quan, lính nọc người ra, buộc chân tay người rất chặt chẽ, chúng kéo lôi người mạnh đến nỗi sái cả khớp xương của người, rồi đánh đập người. Người chỉ luôn miệng kêu: “Giêsu Maria, lạy Chúa tôi, xin cứu lấy tôi”.
Quan giục đánh mãi cho tới chết. Sau vì sức người có hạn nên người ngất đi. Quan lại tưởng là người đã chết, vì ông truyền cho người đứng lên lạy tạ mà về nhưng người không biết gì hết. Sau cùng quân lính phải dìu người về ngục thất.
Bảy ngày sau người vẫn còn đau đớn vì vết thương do trận đòn vừa qua, quan lại đòi triệu người lên thẩm vấn lần nữa. Quan dùng đủ mọi cách bắt người quá khóa. Lần này người cũng bị đánh đập, tuy nhiên Thiên Chúa đã ban cho người ơn can đảm, và cũng cảm thấy bớt đau hơn những lần trước. Người đến trước mặt quan và nói rằng: “Tôi dù sống chết cũng không bỏ đạo Thiên Chúa. Tôi không dám bước qua tượng Chúa tôi là Chúa cả trời đất. Tôi thà chết mà sống cùng Chúa tôi ở trên trời chứ nhất định không nghe các quan cho được sống một ít lâu rồi phải chết vô cùng”.
Quan giận quá quát lớn: “Ta chẳng nghe thằng ngu dại này nữa. Nó đã uống thứ thuốc bùa nào mà không dạy bảo được nữa, cứ việc đánh đòn mà thôi”.
Quân lính được lệnh lại trói người vào cột trụ và đánh người 30 roi. Dù bị đánh, người không hề than vãn một tiếng, khiến quan tổng đốc ra lệnh cho quân lính ngừng tay. “Cỡ này thì không dạy được nữa, chỉ còn đem đi giết mà thôi”.
Quan tổng đốc liền truyền lệnh làm bản án để xử tử người. Ðang khi quan truyền nghị án, thì có đứa tâu với quan rằng: “Người này là kẻ kế quyền tên Giám Mục Y và giữ nhiều của cải của ông ấy”.
Vừa nghe thế, quan động lòng tham, liền ngưng lệnh xử án tử, để quan tra xét thêm. Quan bắt người đến trước mặt vào lúc ban đêm, ông đặt ra các hình cụ thật dữ tợn để đe dọa, và dùng những lời đường mật để buộc người phải khai chỗ giấu của. Cha thánh tâu với quan rằng: “Bẩm quan lớn, tôi chẳng được nối quyền người đâu. Tôi có ở với người mãi đâu, khi còn bé thì người nuôi tôi, cho tôi vào chủng viện. Ðến khi tôi lớn thì cho tôi làm cụ đạo. Tôi chỉ được gặp người mỗi năm một lần mà thôi. Tôi chẳng biết của cải nào của người sốt”.
Ðang còn bực tức và tham lam, quan truyền quân lính nung kìm đỏ lên rồi kìm chín thịt người. Người chịu hình khổ dữ tợn như vậy mà không một lời than khóc hay kêu la. Thấy kìm chín không làm người hoảng sợ, quan truyền kìm sống. Lúc này người đau đớn quá nên bất tỉnh nhân sự. Một lúc lâu người mới tỉnh lại. Quan lại truyền đem người vào giam trong ngục thất. Ở đây vì thiếu thuốc men, thịt của cha thối tha xông mùi hôi hám, không ai chịu nổi. Bấy giờ quan mới cho phép thầy thuốc vào chữa trị.
Có lần, một nữ tu tên Maria Nụ được vào thăm người. Vị nữ tu này còn vào nhiều lần nữa để lấy nước nóng và thuốc buộc vết thương cho cha. Các lần đến thăm này, bà chỉ thấy cha đọc kinh và lần hạt mân côi. Cha nói với bà là thế nào cha cũng sắp được phúc tử vì đạo rồi. Với đầy lòng khiêm nhường, người xin nói với giáo dân cầu nguyện cho người. Ðối với những giáo dân đến thăm người, người không quên trực tiếp xin họ cầu nguyện cho. Có lần vì thịt người bị thối rữa đau đớn quá đến nỗi ai cũng tưởng người chết. Tin này đồn ra khắp thành, quan trấn sợ người chết trước khi có lệnh vua nên triệu y sĩ tới bắt phải cứu người để người sống cho tới ngày vua ra lệnh xử.
Ngày 25-10-1839, quan viết án tử và gửi về kinh xin vua xử tội. Ngày 12-11, vua cho chiếu chỉ hạ lệnh xử trảm Cha Xuyên. Vài ngày trước khi bị xử tử hình, người may mắn được chuyển nhà tù, ở đây cha gặp Cha Tôma Ðinh Viết Dụ. Hai đấng ban bí tích cho nhau và khuyến khích nhau chịu khó vì đạo Chúa.
Ngày 26-11-1839, cha và Cha Dụ bị điệu đến pháp trường Bảy Mẫu. Ở đây, sau khi lý hình cởi gông và bẻ xiềng xích, chúng buộc hai cha vào cột trụ. Hai cha quỳ gối, chắp tay ngước mắt lên trời cầu nguyện. Lý hình chém cha đến nhát thứ ba đầu cha mới rơi.
Sau khi xử trảm người, bổn đạo chạy xô vào lấy gông cùm, xiềng xích và thu thập thể xác của người. Họ bỏ người trong quan tài đã chuẩn bị sẵn và chôn cất tại một nơi gần đó. Ðến tháng Giêng năm 1841, mộ người được cải táng mang về chôn tại trường La Tinh làng Lục Thủy.
(bị bắt 29-6-1838, xử giảo 19-12-1839)
Thánh Phanxicô Mậu sinh năm 1790 tại làng Kẻ Riền tỉnh Thái Bình. Không có tài liệu nào nói về gia thế của người cũng như đời sống của người khi còn thơ ấu. Thánh Phanxicô Mậu là thầy giảng, được đức cha sai làm việc tại làng Ðứa Trai cũng gọi là làng Kẻ Mốt thuộc địa phận Bắc Kỳ. Người là người hiền lành, nhân đức, được nhiều người mến chuộng. Người rất siêng năng công việc, chu toàn các việc bổn phận của thầy giảng, nên bổn đạo ai cũng kính trọng người. Khi nghe tin Cha Tự bị bắt tại làng Kẻ Mốt, thầy lẩn vào với dân chúng để xem sự thể ra sao. Lúc bấy giờ, tuy đã bắt được cụ Tự, nhưng quan biết rằng cụ có nhiều thầy giảng giúp cụ, nên sai quân lính lùng bắt các thầy giảng. Trong hoàn cảnh nguy cấp, bà Tuân, một giáo dân đạo đức khuyên người tìm cách trốn lánh. Bà đề nghị với người đi trú tại nhà một người ngoại giáo, vì nghĩ rằng quan sẽ không khám xét các nhà bên lương. Thầy Mậu ưng thuận, và bà Tuân đem gửi thầy tại nhà một người lương tại làng Nhất Trai. Chẳng ngờ, chủ nhà ham tiền thưởng đi tố cáo với quan đến vây bắt người.
Sau khi bị bắt, quan Bố Chính cho điệu người ra xét xử. Tại phiên tòa, quan hỏi thầy: “Mày có phải là một trong những tên theo hầu cụ Tự không?”
Thầy Mậu trả lời quan lớn với những lời khẳng khái và hãnh diện vì danh hiệu thầy giảng của mình. Lúc đó quan đưa tượng thánh giá bắt thầy phải dẵm lên mới được tha về nhà mà tiếp tục nghề làm thuốc. Lúc đó Thầy Mậu đáp lại: “Thiên Chúa là Chúa trời đất đáng cho mọi người phải tôn kính. Làm sao tôi dám giơ chân đạp lên Người?”
Cũng trong phiên tòa này, quan điệu Cha Tự ra để đối chứng với Thầy Mậu. Cha Tự không muốn cho thầy phải chết nên có ý không muốn nhận thầy là một trong những thầy giúp của mình. Vì thế, khi nghe Thầy Mậu xác nhận rằng thầy là một trong những kẻ theo cha, thì người quay mặt đi nơi khác có ý phủ nhận. Thầy Mậu biết ý cha, nên chạy tới quỳ trước mặt người: “Lạy cụ, xin thương mà nhận lấy con, để con được chết với cụ”.
Cha Tự thấy thầy vững lòng như thế, thì xác nhận thầy là một trong những thầy vẫn theo giúp người. Quan hạ lệnh tống giam thầy vào ngục thất.
Tại nhà tù, thầy chịu biết bao sự khốn khổ, nhất là bị tra hỏi về các đấng khác hiện đang bị giam tại đó. Cùng giam với người còn một số các thánh tử đạo khác nữa. Khi quan đã hạ lệnh chém Thánh Tự và Thánh Cảnh, người được bốn Thánh Uy, Vinh, Ðệ, và Mới coi như anh cả để hướng dẫn tâm hồn. Ngoài việc giúp các bạn đồng tử đạo, người còn dạy dỗ nhiều người ngoại giáo bị giam trong ngục với người. Theo chứng từ của Cha Huấn thì Thầy Mậu dạy giáo lý cho 44 người, trong số đó có một người thông minh hay chữ tên là Hùng. Ông chỉ học kinh trong một tháng, ăn năn thống hối tội lỗi của mình. Khi quan truyền đem ông đi xử, ông xin được phép đi gặp Thầy Mậu để chịu phép rửa tội. Thầy Mậu đã rửa tội cho ông. Ông rất vui mừng vì được ơn trở lại. Ông hỏi thầy Mậu: “Bây giờ con phải làm gì nữa không?”
Thầy Mậu bảo ông cứ ăn năn tội liên mãi. Ông vâng lời và vui vẻ đi đến nơi chịu án xử.
Trong thời gian tù đày, thầy bị điệu ra trước mặt các quan. Thấy thầy còn trẻ và anh tuấn, các quan có vẻ hối tiếc hỏi thầy: “Mày có hình dáng đẹp đẽ, và hãy còn ít tuổi, mày có muốn làm quan thì tao sẽ bầu cử tâu vua cho, hay là có muốn về nhà làm thuốc, thì tao sẽ liệu cho, song mày phải bước qua tượng này đã”.
Thầy Mậu thưa lại các quan: “Bẩm lạy quan lớn, tôi chẳng dám đi qua mặt Chúa tôi”.
Các lính đứng bên cũng thúc giục người cứ việc bước qua đi rồi quan sẽ thưởng. Nhưng thầy đáp lại họ: “Ðấng Thiên Chúa đáng kính mến hết lòng hết sức, dù thế nào tôi cũng chẳng dám bước qua”.
Bấy giờ quan tức giận truyền tống thầy vào ngục. Trong ngục tù, Thầy Mậu cùng bốn đấng tử đạo khác khuyên dạy các tù nhân ngoại đạo. Ban đêm các đấng này đọc kinh một bè, các tù nhân ngoại đạo đang học đạo đọc một bè, nên nhà tù trở nên như nhà thờ. Nhờ lòng đạo của các đấng này mà nhiều tù nhân đã xin theo đạo. Trong bức thư gửi cho Cha Huấn, Thầy Mậu kể: “Những kẻ được rửa tội trong ngục lên tới 14 người. Sáu người đã thuộc các kinh hàng ngày và các kinh quen đọc ngày lễ trọng, còn tám người kia thì thuộc ít, nhưng vẫn đang học đạo. Ngày 13-1-1839, vua truyền xử tử mấy tên tù, trong số đó có ba người con đã rửa tội trước và một người nữa con mới rửa tội xong. Khi bị đem đi xử, những người này cứ đọc kinh to tiếng cho đến nơi xử và phó linh hồn trong tay Chúa Giêsu”.
Bị giam đã lâu, Thầy Mậu và các bạn lại bị điệu ra tòa để thẩm xét lần nữa. Lần này quan đặt một tượng Chúa vác thánh giá, một tượng chịu nạn, hai mẫu ảnh Ðức Bà, và một thánh giá không có ảnh tượng. Quan gọi Thầy Mậu và các bạn tới và nhắn nhủ: “Chúng bay đã bị giam trong ngục lâu ngày khốn khổ lắm, bấy giờ nếu chúng bay bước qua các đồ này thì tao sẽ cho chúng bay ra về”.
Thầy Mậu thưa thay cho các bạn: “Thưa quan lớn, chúng tôi thờ phượng một Thiên Chúa dựng nên trời đất muôn vật cùng linh hồn và xác chúng tôi, chúng tôi chẳng dám làm sự vô phép cùng Thiên Chúa, quan lớn truyền chém đầu chúng tôi thì cứ chém, hay là làm khốn cách nọ cách kia, rồi giết thì cứ giết, chúng tôi xin vâng và sẵn lòng”.
Các quan hội họp nhau, rồi kết luận dù ta có muốn tha những tên này cũng không thể tha được vì chúng chẳng muốn được tha. Sau cùng các quan lại truyền giam tất cả vào ngục như trước.
Trong nhà ngục, Thầy Mậu và các đấng khác tiếp tục ăn chay cầu nguyện để thêm lòng nhân đức và chuẩn bị ơn thiêng cho những lần tra khảo sắp tới. Thầy Mậu đề nghị anh em gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Trong thư gửi cho Cha Huấn, thầy viết: “Con và bốn anh em cố kiêng thịt, ăn chay như lề luật dạy là trong một tuần lễ thì giữ các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy, song có khi giữ được một hai ngày có khi không giữ được, cho nên xin cha thương chước cho chúng con. Chúng con cũng xin khấn dòng, xin cha thương mà nhận cho, chúng con xin hứa và muốn giữ luật Dòng Ba Ða Minh”.
Ngày 24-11-1839, Thầy Mậu và anh em lại bị điệu ra trước tòa lần nữa, lần này quan đặt dưới đất hai tượng chịu nạn, hai thánh giá, và hai ảnh Ðức Bà rồi truyền cho các đấng đạp lên. Thư Thầy Mậu viết cho Cha Huấn như sau: “Quan lại gọi chúng con đến trước mặt để tra hỏi. Khi đến nơi chúng con thấy ở dưới đất có hai tượng chịu nạn, hai câu rút và hai ảnh Ðức Bà, chúng con liền quỳ gối xuống mà thờ lạy các tượng ảnh ấy. Bấy giờ quan truyền các lính bắt con đem ra ngoài, rồi quan bắt anh Mới, anh Vinh, anh Úy, anh Ðệ vào, các anh ấy cũng quỳ gối trước mặt các tượng ảnh mà đọc kinh Sáng Danh. Khi đã đọc gần xong kinh ấy, quan lại truyền cho vào.
Khi con đến con lại quỳ gối mà đọc kinh, đọc đến nửa mùa quan lại truyền kéo lôi con đi, song con cứ đọc cho hết. Bấy giờ quan bảo chúng con rằng: - 'Chiếu chỉ vua truyền xử giảo chúng bay, song chúng bay có bước qua đồ thờ này thì tha, không thì phải xử ngay.
Lúc bấy giờ ơn Ðức Chúa Trời soi sáng cho con thưa lại ngay: 'Thưa quan lớn tôi thờ lạy một Thiên Chúa, là Cha trên hết các cha, là Chúa trên hết các Chúa, là Chúa rất tôn rất sang, không có sự gì vinh hiển ví cùng Ðấng Thiên Chúa được, chúng tôi thà chết chẳng thà làm sự gì vô phép phạm đến Chúa tôi.
Quan giận dữ nói với chúng con: - 'Những người này chẳng biết chúng ăn giống gì mà ngu dại quá, chúng nó không thương cha mẹ mình, ai sinh ra bay ở thế gian này?'
Con thưa rằng: - 'Thưa quan lớn, cha mẹ tôi sinh ra tôi, song cũng bởi quyền phép Chúa tôi thì mới có'.
Bấy giờ quan làm án tâu vua để xử chúng con cho xong, cho khỏi trông thấy chúng con nữa”.
Ðến ngày 19-12 có chiếu chỉ của vua truyền xử giảo thầy và bốn đấng kia. Tuy nhiên quan vẫn chưa nản lòng, ông còn điệu cả năm đấng ra một lần nữa để khuyến dụ các đấng bỏ đạo. Lần này quan đặt các tượng ảnh chịu nạn ra, và không buộc các đấng phải bước qua, chỉ bắt đi chung quanh cũng được tha. Các đấng vẫn một lòng trung thành với Chúa nhất định không bước chung quanh tượng ảnh. Thầy Mậu lại một lần nữa đại diện anh em thưa cùng quan: “Thưa quan lớn, chúng tôi ao ước được chết vì đạo đã lâu, như con nai mệt nhọc khát nước, mà bây giờ chúng tôi được như ý, thì chúng tôi xin quan lớn cứ vâng chỉ vua mà xử giảo chúng tôi”.
Ðến ngày hành hình, quân lính điệu năm vị anh hùng tử đạo đến nơi xử. Thầy Mậu vẫn đi trước anh em, còn bốn vị kia xếp hàng đôi đi theo thầy theo thứ tự: Ðệ và Úy, Mới và Vinh. Trên đường đi các đấng rất hân hoan, chào hỏi mọi người như sắp được đi lãnh một món quà: món quà tử vì đạo. Các đấng được đưa tới một nơi ngoài thành Cổ Mễ. Ở đây các đấng bị xử giảo.
Dân họ Ðồng Tiến lấy xác của Thầy Mậu về an táng ở họ mình. Ba năm sau xác người được cải táng về họ Kẻ Riền. Khi mở quan tài, xác người vẫn còn nguyên vẹn, và xông mùi hương thơm ngào ngạt.
(bị bắt 29-6-1838, xử giảo 19-12-1839)
Thánh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh tại làng Bồ Trang thuộc tỉnh Thái Bình. Người cùng quê với Thánh Mới và Thánh Ðệ. Người là một nhà nông chân thật, hiền lành và chịu khó. Vì kế sinh nhai người bỏ làng đến ở họ Kẻ Mốt thuộc xã Ðức Trai, làm mướn cho các chủ điền ở đấy. Mãi đến năm 25 tuổi người vẫn chưa lập gia đình.
Năm 1838, khi quân lính vây họ Kẻ Mốt, Cha Thánh Tự bị bắt. Quan cũng bắt dân chúng phải điểm mục. Khi dân chúng tụ họp tại đình làng, quan đặt mấy ảnh tượng để bắt dân bước qua hoặc bỏ đạo. Lúc bấy giờ ông Vinh mới đang học đạo và chưa được rửa tội nhưng ông cũng cùng số phận với dân làng. Rất nhiều người đã chối bỏ đức tin lúc đó. Quan cũng bắt ông Vinh phải bước qua thánh giá, nhưng ông không chịu mà còn quỳ xuống hôn kính thánh giá. Bực mình vì cách xưng đạo của ông Vinh, quan bắt ông đeo gông và mang xiềng xích, rồi giải ông về phủ cùng với Cha Tự và bốn ông Mậu, Mới, Ðệ, và Úy. Ông Vinh tỏ ra rất hãnh diện vì được kể là người Công Giáo. Thực ra ông không buộc phải coi mình là người Công Giáo vì ông chưa được rửa tội nên chưa chính thức thuộc về Chúa. Theo chứng thư của Thầy Mậu sau này thì khi bị giam trong tù, Thầy Mậu và Thầy Úy đã rửa tội cả trăm tù nhân ngoại giáo, người đầu tiên xin các đấng rửa tội là Thánh Nguyễn Văn Vinh. Quả thực đây là hồng ân Chúa ban để ông luôn coi mình là con của Chúa.
Khi giải về tỉnh, quan lại tra khảo ông như cũ. Ông vẫn một mực vững bền, và thưa cùng quan rằng: “Bẩm lạy quan lớn, thà chết chứ tôi không chịu bỏ đạo”.
Ông lại bị tra tấn và giam lại trong ngục cùng với bốn Thánh Mậu, Mới, Ðệ, Úy. Như trong truyện các thánh trên, cả năm ông đều bị điệu ra tòa cùng một lượt mỗi khi quan lớn có lệnh triệu các ông hầu tòa. Có lần quan bắt ông Vinh bước qua thánh giá, ông quỳ gối trước tượng, ôm tượng thánh giá rồi đọc kinh to tiếng. Quan lớn bực mình lại truyền quân lính nọc ông ra đánh đòn, sau đó lại giải ông về nhà lao.
Trong thời gian tại nhà lao, ông Vinh cùng với bốn ông Mậu, Mới, Ðệ, Úy, xin khấn Dòng Ba Ða Minh. Các ông đã nhờ Thầy Mậu đại diện anh em để biên thư cho Cha Huân xin người nhận lời khấn của các ông.
Sau bao lần tra khảo ông và bốn anh em kia, quan thất vọng vì sự cứng đầu của các ông. Ngày 27-7-1838, các quan họp nhau làm sớ tâu vua xin phạt các ông 100 trượng rồi phát lưu các ông ra Bình Ðịnh. Ông và các bạn được xếp vào loại những người thờ cúng và làm nghề phù thủy. Sớ tới kinh thành, Vua Minh Mệnh thấy vấn đề không đơn giản như thờ cúng và làm phù thủy. Nhà vua truyền ngưng phát lưu các ông, nhưng phải khuyên bảo các ông bỏ đạo. Ai bỏ đạo thì được tha, ai không bỏ đạo thì bị xử giảo.
Ngày 5-9, Cha Tự và ông Cảnh bị xử trảm. Ông và các bạn lại lo sợ không biết mình có bền vững trung thành với Chúa không. Vì Cha Tự là chủ chiên của các ông, Chúa nhân lành đã cho Cha Tự hiện về sau ba ngày người bị xử trảm. Cha Tự khuyên các ông vững lòng, và lập nhiều công đức để chuẩn bị lãnh phúc tử đạo. Ông Vinh và các bạn càng gia tăng việc lành phúc đức trong tù.
Ngày 24-11, các ông lại bị điệu ra tòa và trải qua nhiều thử thách nào đe dọa, nào dụ dỗ, nào lôi kéo các ông qua thánh giá, nào chỉ cần các ông đi chung quanh tượng cũng đủ. Ông Vinh và các bạn vẫn trung kiên.
Ngày 19-12, chiếu chỉ vua ban ra truyền xử giảo ông và bốn anh em. Quan lớn vẫn thương các ông vì các ông hiền lành nhân đức. Quan tìm đủ mọi cách để cứu các ông, nhưng các ông không chịu chối đạo mà nhất định xin quan cứ theo chiếu chỉ vua mà xử tội các ông.
Ngày hành hình đến, ông Vinh bị điệu đi với các bạn. Thầy Mậu đi trước, sau đó đến đôi ông Ðệ và Thầy Úy, rồi đến đôi ông Mới và ông Vinh. Quan quân hộ tống rất đông, họ đưa các đấng tới pháp trường gần làng Cổ Mễ. Trên đường đi các đấng vui vẻ chào hỏi những người quen, không ai trong các đấng tỏ ra khiếp sợ. Tới pháp trường, các đấng bị xử giảo. Ðể chắc chắn các đấng đã chết, quân lính dùng đuốc lửa đốt chân các đấng. Có đứa còn lật úp xác các đấng xuống trên mặt đất. Sau đó lính đạp xác các đấng và chửi rủa các đấng bằng những lời thậm tệ để làm vừa lòng quan phụ trách việc thị sát cuộc hành hình.
Sau cuộc hành hình, bổn đạo nhặt xác người về táng ở họ Hương La thuộc xứ Tứ Nê.