Trong sắc lệnh ngày 3-10-1839 Minh Mệnh ra hạn một năm bắt các quan phải giảng dậy việc thờ kính ông bà và dựng miếu với quyết tâm xóa bỏ hẳn được dấu vết đạo Công Giáo. Nhưng năm đó lại là năm cuối cùng Thiên Chúa để cho ông sống. Từ vua cho đến quan không làm cái gì khác ngoài việc bắt bớ và xử tử các đạo trưởng cũng như những giáo dân trung kiên. Ðiều này không những không hủy diệt được đức tin của các tín hữu mà trái lại còn có tác dụng khích lệ ngay cả lương dân thêm xác tín vào đạo Thiên Chúa là đạo thật. Giáo hội có thêm 15 vị anh hùng tử vì đạo trong năm 1840 này.
Ngoài việc bắt bớ đạo Công Giáo, Vua Minh Mệnh còn một mối lo là họa xâm lăng của các cường quốc tây phương. Những người của các nước này đã đặt chân lên Ấn Ðộ, Trung Hoa. Năm 1840, Minh Mệnh sai nhiều tầu Việt Nam đi dò la thái độ của các quốc gia tây phương ở Anh, Nam Dương và chính tại Âu châu. Ngày 28-2-1840 một chiếc tầu đi Ấn Ðộ để tìm hiểu thái độ của người Anh, một tầu khác đi Batavia để dò la người Hoa Lan. Thừa sai Regereau trong lá thư đề ngày 25-4-1840 cho biết có ba nhóm sứ giả Việt Nam tới Penang, Mã Lai để sửa soạn đi các nơi dò la tin tức. Ðến tháng 11 thì một nhóm khác gồm hai vị quan và hai thông ngôn đi Pháp và Anh. Theo Dương Quảng Hàm và Phan Phát Huồn thì Phan Thanh Giản là một trong các vị sứ giả này. Theo Phạm Văn Sơn thì hai vị quan nói trên là Tôn Thất Tường và Trần Viết Xương. Phái đoàn được bộ thương mại tiếp ngày 5-1-1841 rồi sau đó sang Anh. Phái đoàn trở lại Penang thì được tin Minh Mệnh đã qua đời ngày 20-10-1841 vì ngã ngựa.
(bị bắt 24-8-1837, xử trảm 28-4-1840)
Trong số các linh mục tử đạo, Cha Khoan là người đối đáp rất nhiều và rất hay với các quan. Người cũng bị giam tù gần ba năm trời nâng đỡ hai thầy giảng cùng bị bắt và tử đạo. Sau đây là bản tường thuật theo những chứng nhân có liên hệ mật thiết với người trong mỗi giai đoạn.
Cha Khoan sinh năm 1771 tại Thôn Trung xã Duyên Mậu tỉnh Ninh Bình, thuộc xứ đạo Phúc Nhạc. Về sau khi cha mẹ người xuống Trại Bò (Phúc Hải) cũng thuộc xã Duyên Mậu thì gia đình mới theo đạo. Cậu Khoan được cố Thạch ở xứ Ðông Biên (Hảo Nho - Hiếu Thuận) nhận cho vào nhà thầy. Mẹ người là một người đàn bà đạo đức, khi về già thường được người ta võng đến nhà thờ dự lễ. Gia đình chỉ có cậu Khoan là con ruột, và một người con nuôi làm thầy giảng.
Cuộc đời thơ ấu của Cha Khoan không được thuật lại, chỉ biết rằng khi người làm kẻ giảng thì được chỉ định làm thầy cai coi chủng viện Vĩnh Trị. Không biết người được thụ phong linh mục khi nào, các nhân chứng sống với người ở Vĩnh Trị làm chứng là người có lòng đạo đức, trực tính, vui vẻ với mọi người và hay thương người nghèo. Người rất nhiệm nhặt trong cách ăn mặc. Khi làm linh mục rồi các nhân đức trên càng nổi bật hơn. Mỗi buổi sáng sau Thánh Lễ người chỉ uống trà, và trong ngày ăn hai bữa thanh đạm. Dù có tuổi hay phải làm việc vất vả, người vẫn ăn chay suốt mùa chay. Người không chịu để cho người ta võng cáng mà chỉ đi bộ. Áo quần của người rất đơn sơ bằng vải thường. Tuy nhiệm nhặt với mình song người lại rộng rãi với người khác, nhất là với kẻ khó. Người mua sắm quần áo có khi mua đất làm nhà cho họ nữa. Các bài giảng của người thường là về bổn phận giữ đức trong sạch và công bằng, vì người tin là nếu giữ được hai nhân đức ấy chắc chắn rỗi linh hồn. Với người nhà Ðức Chúa Trời thì cha khuyên họ đặc biệt về nhân đức khiêm nhường và vâng lời, năng nghĩ đến Chúa luôn. Với các người xưng tội cha rất từ tốn, siêng năng giải tội dù là về khuya. Ðời sống linh mục tận tụy của cha đã thu phục được lòng cảm mến của mọi người. Khoảng 60 tuổi người được bổ nhiệm làm cha xứ Phúc Nhạc, kiêm thêm hai họ Ðông Biên, Tôn Ðạo và nhà dòng Yên Mới. Dù có ba cha phó giúp, Cha Khoan vẫn đến thăm các họ và nhà dòng mỗi tháng một lần. Người có lòng quý mến bề trên, cứ hai tháng một lần về thăm đức cha.
Cha Khoan bị bắt cùng với hai Thầy Hiếu và Thành tại nhà Ðức Chúa Trời ở Ðông Biên ngày 24-8 -1837. Lúc ấy người được 67 tuổi. Sự kiện diễn tiến như sau: Sau khi đi thăm kẻ liệt tại Trại Bò, Cha Khoan và hai thầy trên đường về Phúc Nhạc nghỉ lại Ðông Biên vài ngày. Tại đây có nhà Ðức Chúa Trời nhưng vì bị cấm đạo nên chuyển sang cho phó tổng Dụ đứng tên. Một lý trưởng làng ngoại giáo bên cạnh là ông Lý Trạc vì ghét Tổng Dụ nên chỉ tìm cơ hội tố cáo. Ðêm đó Cha Khoan nghỉ lại ở Ðông Biên, một tên trộm biết có đạo trưởng đến liền đi báo cho Lý Trạc hay. Ông này sáng sớm đem người nhà đến bắt. Cha Khoan và các chú đang sửa soạn lưới để đi bắt cá nấu cháo thì thấy chung quanh có người bao vây. Cha Khoan liền cho người đi gọi ông Tổng Dụ. Trong khi ấy Lý Trạc đã bắt trói Cha Khoan và hai thầy, còn các người khác ông cho về tự do. Khi Tổng Dụ đến xin với Lý Trạc bỏ qua nội vụ, Lý Trạc không chịu. Ông Tổng Dụ liền đem tiền lên quan huyện Yên Khánh nói là mình bắt được đạo trưởng, đồng thời Lý Trạc cũng làm tờ trình là bắt được đạo trưởng. Quan huyện Yên Khánh bắt cả hai làm chung tờ khai rằng có biết đạo truởng đến làng và viên thơ lại Nguyễn Huy Sách đã bắt được đạo trưởng ở ngoài ruộng. Sau khi bị bắt các đấng bị dẫn giải về tỉnh Ninh Bình ngay.
Theo chứng từ của nhiều người--người nấu cơm, thầy giáo săn sóc người, và chính cai tù--chúng ta được biết chút ít đời sống cực khổ trong tù của các đấng. Ban đầu các đấng phải đeo gông rất nặng, ngày cũng như đêm, cùm chỉ được mở khi dùng thức ăn. Sau này nhờ có tiền đút lót, lính cho đeo gông và xích nhẹ hơn. Trong tù có nhiều bọ và muỗi cắn rất nhức nhối. Cả ba vị có nhiều lúc bị vết cắn làm độc xưng lên. Trong tù mỗi ngày Cha Khoan bắt người nhà thổi nhiều cơm để phân phát cho các người tù khác, khoảng 30 người. Mới đầu những người tù ngoại giáo cứ lẩm bẩm chửi rủa mỗi khi các đấng đọc kinh, nhưng về sau thấy lòng tốt và trìu mến của Cha Khoan, họ lại có cảm tình với người. Hằng ngày các đấng đọc kinh chung với nhau ba lần. Ở trong tù, Cha Khoan thường khuyên nhủ các người tù sửa đổi đời sống. Người đã rửa tội cho một người con của tướng cướp trong tù khi nó sắp chết. Trong các giờ nhàn rỗi Cha Khoan và hai thầy đan thúng để tặng những người đến thăm. các đấng luôn luôn tỏ ra vui tính trong thời gian ba năm bị giam giữ.
Lần đầu tiên quan tuần phủ Ninh Bình ép Cha Khoan quá khóa, người đã thẳng thắn thưa lại: “Quan lớn dậy như vậy chẳng phải”.
Quan nói lại: “Sao lại chẳng phải? Ông vâng lời thì sống mà cưỡng lại thì phải chết. Ông có chịu nghe lời không?”
Cha Khoan đáp: “Bẩm quan lớn, quan lớn đã mang ơn đức vua nhiều năm, nếu có giặc đến vua truyền quan đi đánh. Giả như quan sợ chết mà không vâng lệnh vua, lại theo về phe giặc, thì có phụ ơn đức vua không? Tôi đã mang ơn Ðức Chúa Trời từ thuở bé mà bây giờ quan lớn giục tôi bỏ Chúa, có phải là điều quấy quá không?”
Nghe vậy quan tuần tức giận vất quạt xuống đất truyền lệnh đánh cha 12 roi.
Lần thứ hai Cha Khoan bị điệu ra trước mặt quan án. Ông này chửi mắng, ăn nói bậy bạ về đạo và bảo Cha Khoan: “Sao ông không chịu nghĩ lại mà biết mình lầm và bỏ đạo, vâng lời vua. Ðừng có nghe những thằng tây nữa”.
Trước thái độ này Cha Khoan chỉ cương quyết nói vắn tắt: “Sống chết tôi không bỏ đạo”.
Thấy không lay chuyển được người, quan tuần họp hội đồng các quan tỉnh để tra xét, khi thì dọa nạt khi thì khuyên lơn mong xúi dục được Cha Khoan bỏ đạo. Cha Khoan vẫn một mực cương quyết không chối đạo. Các quan truyền giam riêng Cha Khoan một nơi, hai thầy một nơi để dễ lung lạc, đồng thời bắt các đấng đeo gông nặng hơn. Quan nói dối rằng hai thầy đã bỏ đạo. Ðiều này làm Cha Khoan đau khổ mãi cho đến khi có người nói lại là hai thầy vẫn xưng đạo rất anh hùng. Ít ngày sau các quan làm án xử tử người: “Cụ Khoan là đạo trưởng thì phải chém đầu và bêu đầu ba ngày làm bia cho người ta sơï”.
Cha Khoan hay tin thì mừng là giờ được về trời đã gần. Nhưng chiếu chỉ của vua Minh Mạng truyền rằng: “Người có tội này lừa dối dân chúng đã lâu, lại không chịu quá khóa thật đáng chết, nhưng vì đã hơn 60 tuổi chẳng còn sống được bao lâu nên phạt nó giảo giam hậu”.
Thế là Cha Khoan lại phải giam tù lâu hơn. Trong dịp này Ðức Cha Liêu (Retord) gửi cho người một lá thơ dùng những lời lẽ khôn ngoan của người Việt để khích lệ: “Tôi mới nghe biết lệnh vua muốn các quan thử thách cha nhiều lần. Tôi không hoài nghi là cha sẽ chiến thắng, cũng như các lần trước Thiên Chúa ở với cha thì ai có thể chống lại được. Tuy nhiên để giúp cha dễ dàng chiến thắng hơn tôi xin được nói vài lời khuyên nhủ. Nếu những lời của tôi làm tăng thêm lòng can đảm của cha thì tôi cũng được tham dự vào công nghiệp của cha. Thật là có phúc biết bao những cực khổ trong tù. Nhưng cũng thật vô phúc nếu vì yếu đuối mà bỏ mất những khốn khổ đã phải chịu từ lâu. Những đau khổ đắt giá này phải mang lại hạnh phúc trường sinh. Hãy đứng vững trên con đường về trời và trong bàn tay Chúa đã xếp đặt. Một triết nhân đã nói: 'Thà chết còn hơn là chối bỏ lẽ phải. Trong vận may cũng như rủi, người quân tử phải đứng thẳng, không ngả nghiêng bên trái cũng như bên phải, người quân tử không lạc xa con đường đã theo từ trước.'
Cha hãy kiên nhẫn trung thành bất khuất.... Sách tiền nhân có ghi: 'Thà chết vinh hơn sống nhục'. Xin cha xem gương những người chối đạo, họ thật điên rồ, có ai nhắc nhở đến họ nữa. Trái lại khắp bốn phương trời hằng lập lại lời khen ngợi những kẻ chết vì đức tin. Những anh hùng tử đạo giống như tiếng loa từ trời mà mọi người muốn lắng tai nghe hòa điệu của họ. Người chối đạo sống trên đời này tựa như khúc gỗ khô mặc sức cho búa rìu chặt cắt để nuôi ngọn lửa hỏa ngục, trái lại máu các đấng tử đạo tựa như hạt sương chiều làm tươi mát vườn giáo hội và thông báo một mùa gặt phong phú mới. Thật vậy tôi thèm muốn ơn phúc cha được và vinh quang mà cha sắp bước vào vui hưởng. Tôi vẫn còn phải sống giữa kẻ thù của ơn cứu rỗi, giữa những gai góc của thung lũng nước mắt. Các thiên thần Chúa đã nghiêng mình đến gần linh hồn cha hầu có thể đem về đặt vào ngai tòa.
Vinh quang đã được sắm sửa từ trước muôn thuở. Thưa cha, tôi muốn gợi lên cho cha điều đó để khi cha được đón nhận vào lòng Thiên Chúa thì xin nhớ đến chúng tôi... Tôi viết vội cho cha ít lời ước mong chúng trở nên cơn gió thuận đưa cha đến bên bờ quê hương an bình, ước mong chúng như bó hoa thơm tỏa hương quyện chung quanh trái tim vui sướng của cha trong giờ phút giao tranh cuối cùng. Tôi xin cung kính bái chào cha, hôn những gông xiềng của cha và xin cha đừng bao giờ quên tôi”.
Cha Khoan vui lòng chịu những sự khổ kéo dài trong tù. Người thường cầu nguyện, suy tưởng về trời, về ơn phúc tử đạo và cũng xin các giáo hữu đến thăm viếng cầu xin ơn tử đạo cho người nữa. Cha Khoan tin chắc rằng sự thống hối làm đẹp lòng Chúa nên ăn chay các ngày thứ Sáu mỗi tuần. Khi mùa thu đến, quen gọi là thu thẩm vì các quan trong triều đình thường xét lại hồ sơ các vụ án, Cha Khoan cũng nhận được một tin mới là vua đã gửi lệnh ngày 22-11-1839 bắt quan tỉnh Ninh Bình phải cố gắng một lần nữa bắt cha quá khóa. Quan cho gọi cha đến nói: “Ông phải biết hoàng đế thương ông vì ông sinh ra ở trong đất nước này. Hoàng đế giam tù ông là để ông hồi tâm sửa đổi để được ơn khoan hồng. Chính hoàng đế đã ra lệnh cho tôi được quyền tha thứ cho ông nếu ông chịu bước qua ảnh thánh giá. Phần tôi, tôi cũng yêu quý ông rất nhiềụ Xin ông hãy vâng lệnh hoàng đế để tôi có thể trả tự do cho ông”.
Cha Khoan đáp lại: “Thưa quan lớn, tôi rất cảm kích lòng tốt của người đối với tôi, nhưng tôi buộc phải làm phiền lòng quan lớn mà nói ra lời từ chối. Tuy nhiên tôi dám xin quan lớn cho tôi được biết trước sớm hết sức ngày xử để tôi có thể thu xếp việc riêng trước khi từ bỏ cõi thế này”.
Quan hứa với cha là sẽ báo cho cha biết trước và mời cha vào trong công đường để uống trà mở đầu một chiến thuật mới. Quan dùng câu chuyện hỏi han thân mật để lung lay đức tin của cha. Quan nói: “Tôi rất thương tiếc ông, ông hãy làm cho tôi vui mà bước qua ảnh đi”.
Cha Khoan ôn tồn thưa lại: “Tôi đã suy nghĩ lời quan nói. Nhưng lạ thay, tôi càng suy đi nghĩ lại thì tôi càng thấy đạo của tôi là đạo thật, càng thấy những lý lẽ mạnh để không chối bỏ mà trái lại càng sẵn lòng tuân giữ cho đến chết. Ngày xưa Hoàng Trợt cũng đã cấm đạo và tôi phải đi ẩn trốn.”
- “Hoàng Trợt là ai?”
- “Ông Hoàng Trợt là một người thuộc dòng họ Tây Sơn đã nổi lên dấy nghịch cùng vua Lê. Khi vua Gia Long, phụ vương của đương kim hoàng đế, ra ngoài kinh đô Thăng Long. Sau khi chiến thắng, chúng tôi đã đến bái lạy người thì người đã cho phép chúng tôi tự do giảng đạo Kitô. Vua Gia Long đã nói với chúng tôi như thế này: 'Các ngươi hãy dậy dỗ thần dân của ta cho cẩn thận. Hãy khuyên bảo họ sống hòa thuận mà cầy cấy làm ăn, đừng có theo tên nghịch tặc Hoàng Trợt quấy rối đất nước'. Kể từ đó chúng tôi hết lòng vâng mệnh vua mà khuyên bảo dân chúng bỏ đàng tà, xa tránh các thói hư và luyện tập nhân đức, không ham chơi cờ bạc hay rượu chè say sưa, không hà hiếp aị Chúng tôi cũng khuyên họ thờ kính một đấng tối cao làm chủ trời và đất, cầu nguyện cho hoàng đế và các quan để các vị điều khiển quốc gia được an bình và thịnh vượng. Vậy, nếu tôi từ bỏ Phúc Âm tôi sẽ tránh được cái chết, nhưng khi trở về nhà tôi lại giữ đạo như trước, cả vua lẫn các quan sẽ không hay biết gì. Nhưng làm như vậy không phải là ngay thẳng, vừa không trung thành với Chúa Trời đất mà tôi đã thờ kính cho đến ngày nay, vừa không vâng lời vua Gia Long đã truyền cho chúng tôi giảng đạo Kitô, mà còn lừa dối đương kim hoàng đế nữa và chính quan cũng như tất cả những người đã nghe tôi giảng cũng mắc lừa nữạ Các giáo dân coi tôi như người cha mà nếu họ thấy tôi không kiên tâm và trung thành thì bao nhiêu người trong họ sẽ phải vấp phạm?”
Tới đây quan quay sang nói với các viên nha lại: “Các ông thấy chưa, người can đảm lý sự như thế thì làm sao mà ép buộc được!”
Rồi quay qua nói với Cha Khoan: “Tôi biết rõ ông sẽ không thay đổi quyết định, nhưng tôi nghĩ tôi có thể dễ dàng khuyên dụ được hai người học trò của ông. Tôi đã cho gọi họ đến trước vì sợ rằng họ thấy gương của ông mà bắt chước vững lòng. Nhưng tôi không thành công, họ cũng tỏ ra một mực cương quyết như ông. Nhưng hãy nói cho tôi, ông có muốn sống không?”
- “Thưa quan, nếu quan thương tôi và để tôi sống thêm thì tôi đội ơn quan, vì có ai mà không thích sống? Các loài vật không có trí cũng còn sợ chết phương chi con người biết rõ giá trị sự sống lại càng sợ hơn. Nhưng chết vì đấng đã tạo dựng nên mình thì người Công Giáo tin rằng sẽ được thưởng bội hậu ở trên trời, hơn mọi sự ở dưới thế gian này”.
- “Biết vậy, nhưng làm sao biết có thiên đàng?”
- “Thưa quan, hoàng đế cai trị đất nước này không có những tước vị, chức quyền để thưởng cho các người tôi trung sao? Cũng vậy Chủ Tể vạn vật lại không có phần thưởng nào dành cho những người trung thành đến chết sao? Vậy những phần thưởng và nơi được thưởng ấy chúng tôi gọi là thiên đàng”.
- “Nhưng làm sao ông biết được có một Chúa chủ tể trời đất?”
- “Thưa quan lớn, không cần phải đi đâu xa để biết điều đó. Vũ trụ như một cuốn sách mở dậy cho con người nếu biết nhìn ngắm những kỳ công tuyệt vời của thiên nhiên thì cũng dễ dàng nhận ra có người đã tác tạo nên, có một Chúa Tể cai quản. Chính vị đó chúng tôi gọi là Chúa trời đất và chúng tôi thờ kính Người”.
Quan tán thưởng và đồng ý với những lời lẽ Cha Khoan vừa nói. Ông quay qua các nha lại và bảo họ: “Ông này nói nhỏ nhẹ nhưng những điều ông nói thật là cao đẹp. Ông ta không phải là một người thường đâu, ông xác tín có thiên đàng”.
Với Cha Khoan, quan nói: “Tôi thú thật khi nghe ông nói thì trong lòng cảm xúc muốn cứu ông. Nhưng luật nước rất nghiêm ngặt. Nếu ông không bước qua ảnh thì chắc chắn ông phải chết. Ông có giận ghét Cha Duyệt là người đã vâng lệnh vua mà quá khóa không?”
- “Không, đạo chúng tôi cấm sự giận dữ và ghen ghét.”
Quan lại nói với nha lại: “Thật là một điều lạ, trong đạo này người ta không giận dữ không ghét bỏ ai. Thật lạ”.
Quan lại hỏi Cha Khoan: “Cha Duyệt còn có thể lên thiên đàng được không?”
- “Người còn có thể miễn là người thống hối và làm việc đền tội”.
- “Phần tôi, tôi nghĩ là cha đó không thể vào thiên đàng được bởi vì khi ông thấy cha đó tới cửa thì ông sẽ lấy hết sức mà xô xuống”.
- “Không, chúng tôi không bao giờ xua đuổi cha đó như thế và dù chúng tôi có muốn làm như vậy thì cũng không được”.
- “Tại sao?”
- “Thí dụ, có một quan lớn vẫn ngồi chung một chiếu với quan, nhưng thình lình làm mất lòng vua vì bị tố cáo là phản nghịch. Tức thì vua cất chức tước và giáng xuống làm lính quèn. Nhưng ngay khi ông quan ấy hối lỗi và cố gắng lập công để được tha thứ. Sau nhiều việc tốt lành của ông, vua gia ân và phục chức cũ cho ông ta, ông trở lại ngồi cùng một chỗ với quan. Vậy trong trường hợp đó quan có còn giận ghét ông ta nữa không? Quan có dám xua đuổi ông ta trong khi hoàng đế đã tha thứ vì những việc lành ông ta đã làm? Cũng vậy chúng tôi không có thể xua đuổi Cha Duyệt khỏi thiên đàng nếu cha đó đã thống hối và được Chúa Trời đất tha thứ”.
- “Ðủ rồi! Ông đã thắng tôi, ông không phải là một người tầm thường”.
Các quan thấy không còn cách nào chinh phục được nữa thì làm án cho người phải xử tử. Lần này vua Minh Mệnh châu phê ngay. Nhưng đầu năm 1840 quan tuần vũ bị gọi về kinh đô nên việc thi hành án lại phải trì hoãn đợi quan mới về nhậm chức. Khi quan mới về cũng cho đòi Cha Khoan và hai thầy ra công đường, dụ dỗ ép buộc bỏ đạo. Ông nói với các đấng: “Nếu các ông theo lời khuyên của tôi, các ông được sống, nếu không chẳng còn hy vọng cứu chữa, chắc chắn phải chết. Hãy nghĩ lại đi”.
Cha Khoan đáp: “Chúng tôi đã suy nghĩ nhiều rồi, quyết tâm của người Kitô không có thay đổi, vả lại bản án của chúng tôi đã có sẵn, chúng tôi được thỏa nguyện khi vua châu phê. Còn đạp ảnh thì không bao giờ, bởi vì đó là Chúa chúng tôi thờ. Nếu chỉ vì muốn sống mà phạm một tội ác khác, chúng tôi đã không chờ lâu tới lúc này”.
Nghe vậy quan tuần vũ mới ấn định ngày 28-4- 1840 sẽ đem ra hành quyết.
Các anh hùng xưng đạo chuẩn bị cuộc chiến cuối cùng bằng lời cầu nguyện và bác ái. Cha Khoan còn năm lạng bạc đem phân phát cho các người tù và binh lính canh, chào từ giã họ. Tới ngày xử, khi sĩ quan đến ngục để điệu đi thì mọi người trong tù khóc lóc. Cha Khoan ban phép lành cho mọi người rồi cất lên bài ca chúc tụng Chúa. Ra tới thành phố gặp đám đông, Cha Khoan dừng lại nói với đám đông: “Anh chị em đừng thương tiếc cho số phận của chúng tôi, chúng tôi vô tội, chúng tôi không làm gì chống lại vua hay luật lệ quốc gia. Lỗi duy nhất mà họ trách là chúng tôi là người Kitô. Chúng tôi chết vì không chịu từ bỏ đạo Chúa Giêsu là đạo chân thật. Với quý ông quý bà theo chúng tôi và nhìn máu chúng tôi tuôn đổ hãy suy nghĩ đến sự cứu rỗi, hãy trở về nhà bằng an”.
Hai quan lớn cỡi hai con voi, hai quan nhỏ cỡi ngựa và đông binh sĩ làm thành vòng tròn để ba vị tử đạo ở giữa rồi tiến về nơi xử là Lò Gạch tại Ninh Bình. Tới nơi, Cha Khoan lại lên tiếng nói: “Chúng ta hãy thờ lạy tôn kính yêu mến Thiên Chúa, Chủ Tể trời đất, vì yêu Người mà chúng tôi phải chết. Chúng tôi cầu chúc đức vua được giầu sang phú quý cai trị muôn năm và chớ gì người ngưng cuộc bách hại đạo trời là đạo duy nhất mang lại hạnh phúc.”
Sau đó các lý hình sửa soạn, Cha Khoan bắt hát lên ca khúc vui mừng “Alleluia! Alleluia!”. Phần quan giám sát, ông nói với ba vị tử đạo: “Máu các ông xin đừng đổ trên đầu chúng tôi, chúng tôi không phải là người giết các ông”.
Giáo dân trải chiếu cho ba vị ngồi lên trên. Lính đến tháo gông xiềng, trói hai tay đàng sau nhưng không buộc vào cọc. Cai đội hình, theo đạo Phật, lấy nước đổ xuống đất và niệm: “Nam mô a di đà Phật”. Rồi nghiêng về phía các đấng nói: “Tội phạm đến các đấng không phải là tại tôi, xin đừng thù oán”.
Tiếng trống thứ ba vừa dứt, các lý hình vung đao chém. Họ chém Cha Khoan ba phát mới đứt đầu. Người lý hình cầm lấy đầu dưới đất giơ cao lên rồi lại bỏ xuống. Thầy Huân nhấc lên đặt vào trong vạt áo và lấy xác đem về an táng tại Phúc Nhạc.
Lòng tôn kính vị anh hùng tử đạo đã thúc đẩy giáo dân cầu xin nhờ các đấng bầu cử. Nhà dòng Mến Thánh Giá và y sĩ tại đây đã quả quyết rằng chị Mến được khỏi mụn độc cách lạ.
(bị bắt 24-8-1837, xử trảm 28-4-1840)
Thánh Gioan Baotixita Ðinh Văn Thành trẻ hơn Thánh Hiếu 10 tuổi nhưng lại được nhiều người tại Phúc Nhạc biết đến và được Cha Khoan tin tưởng giao cho làm thầy coi nhà Ðức Chúa Trời ở Ðông Biên, nơi cả ba vị bị bắt ngày 24-8-1837.
Thánh Thành sinh năm 1796 tại Nộn Khê thuộc làng An No huyện Kim Sơn, Ninh Bình. Cha mẹ không có đạo và thuộc giới bình dân. Năm 18 tuổi cậu Thành mới xin vào nhà Ðức Chúa Trời học đạo và được rửa tội ở Phúc Nhạc. Ban đầu cậu giúp Cha Jean Bellamy, sau mới giúp Cha Khoan. Người cũng có người anh tên là Thiện giúp việc nhà xứ tại Phúc Nhạc cho Cha Khoan. Thầy Thành có tài quản lý nên chỉ một năm sau Cha Khoan chỉ Thầy Thành làm thầy cai coi nhà Ðức Chúa Trời ở Ðông Biên. Thầy Thành rất siêng năng giữ luật nhà, khuyên bảo và dậy dỗ người khác. Tính thầy hiền lành, không có ai kêu trách người điều gì. Thầy hay làm việc, trong vụ mùa dù sức khoẻ yếu thầy cũng ra sân làm việc với người làm, ca hát và đọc kinh to tiếng cho họ theo. Mỗi khi nghe xảy ra có cuộc bắt đạo ở xứ nào thì người lại tỏ ra tiếc không được dịp xưng đạo Chúa.
Sau khi bị bắt và giải về Ninh Bình, Thầy Thành luôn tỏ ra khiêm nhường, quan có hỏi điều gì thì người mạnh bạo thưa lại: “Tôi là người giúp việc cho đạo trưởng đây, người định làm sao tôi cũng theo như vậỵ Bẩm quan lớn, quan lớn thương thì tôi được sống, còn nếu quan lớn bắt tôi bỏ đạo thì tôi xin chịu chết, chứ không bỏ đạo”.
Người bị đánh đòn và đeo gông từ sau buổi tra vấn thứ nhất. Quan tuần vũ muốn lung lạc tinh thần hai thầy giảng nên giam riêng Cha Khoan ra để dễ dàng dụ dỗ họ. Quan đòi riêng Thầy Thành lên ép chối đạo, dọa rằng sẽ mổ bụng, sẽ đánh đập. Có lần quan bảo tên nọ tên kia cũng đã bỏ đạo, vậy hãy theo gương mà bỏ. Dầu vậy Thầy Thành vẫn một mực cương quyết không bỏ đạo. Lính đánh đập rồi lôi qua thánh giá nhưng người vùng vẫy co chân lên cho khỏi chạm đến. Quan lại cho Cụ Duyệt, đã chối đạo, đến thúc giục Thầy Thành chối đạo. Cụ đạo bất trung này dụ dỗ: “Hãy bắt chước Thánh Phêrô đi, chối đại rồi ăn năn trở lại”.
Nghe lời gớm ghiếc ấy, Thầy Thành ôm mặt không nói gì. Quan lại cho đánh. Cứ mỗi lần như vậy 20 roi hay 30 roi. Người im lặng chịu đau đớn không la hét khiến các lý hình nói với nhau: “Tên Thành này xác nó như hòn đá, đánh nó thì cũng như đánh gỗ, nó chẳng coi ra gì”.
Sau 11 ngày tra khảo dụ dỗ riêng không được, quan chịu thua, đem thầy về giam chung với Cha Khoan như trước. các đấng gặp lại nhau vui vẻ, cùng đọc kinh chung và thỉnh thoảng được rước lễ. Bản án đầu tiên quan xử tử Cha Khoan, nhưng hai thầy giảng thì phải giảo giam hậu. Thầy Thành phàn nàn không được chết tử đạo. Phải giam trong tù hơn một năm mới có chiếu chỉ của vua đề ngày 22-11-1838 truyền lệnh cho quan tuần vũ Ninh Bình phải tra xét dụ dỗ lại ba tù nhân Công Giáo trước khi làm bản án mới. Cả ba vị vẫn một lòng trước sau như một nên quan khép cho cả ba phải xử trảm. Án được vua Minh Mệnh châu phê ngay nhưng gặp dịp đầu năm phải hoãn lại, rồi quan tuần vũ phải đổi nên bản án mãi đến khi quan tuần vũ mới đến xem xét lại rồi ấn định ngày 28-4-1840 hành quyết các đấng.
Suốt đêm trước ngày bị đem đi chém Thầy Thành cầu nguyện và đọc kinh, tỏ ra rất hân hoan. Khi lý hình chém, chỉ một phát là đầu thầy đã rơi xuống đất. Ðầu và thân thể được đặt lại với nhau và an táng ở Yên Mối, sau lại rước về Phúc Nhạc.
Cả ba vị đã được Ðức Thánh Cha Gregorio tôn dương lên bậc Ðáng Kính năm 1843 và Chân Phúc năm 1900.
(bị bắt 24-8-1837, xứ trảm 28-4-1840)
Thầy giảng Phêrô Nguyễn Văn Hiếu, 50 tuổi, bị bắt đang khi giúp Cha Khoan ở Phúc Nhạc được khoảng ba bốn năm.
Chúng ta không biết gì nhiều về tuổi thiếu thời của người, chỉ được biết là người sinh tại Ðồng Chuối huyện Bình Lục năm 1784 và vào nhà Ðức Chúa Trời từ nhỏ. Người hay vâng lời và hằng vui lòng làm việc thờ phượng Ðức Chúa Trời. Khi làm kẻ giảng thầy đã giúp nhiều cố thừa sai và sau cùng đến giúp Cha Khoan ở Phúc Nhạc. Giáo dân thường gọi là thầy già, vì thầy có học sơ qua về lý đoán. Thầy rất nghiêm nhặt nhưng cũng rất hiền lành dễ mến, không phí phạm thời giờ truyện trò vô ích. Thầy rất siêng năng theo Cha Khoan đi làm việc tông đồ không sợ bị bắt. Những lúc ở trong nhà thầy cũng giữ luật rất cẩn thận, sốt sắng đọc kinh lần hạt.
Trong thời gian bị giam tù thầy bị tra tấn nhiều lần nhưng vẫn một mực không chịu quá khóa, bằng lòng chịu mọi khổ cực trong nhà tù một cách vui tươi. Ðể lung lạc người, quan cho giam riêng hai thầy và đánh đòn ép buộc hai thầy chối đạo. Hai thầy không còn được sự giúp đỡ thiêng liêng của Cha Khoan nhưng được gần nhau để khuyến khích nâng đỡ nhau chịu đòn cho đến chết. Một lần lính lôi người qua ảnh, người co chân lên và phân phô to tiếng là lính lôi tôi đi chứ tôi không chịu. Trong thời gian này người ăn chay các ngày thứ Sáu. Ban đầu quan xử cho người bị giảo giam hậu. Người vừa buồn vừa vui, buồn vì không được đổ máu mình ra, còn vui vì được chịu khổ thêm vì Chúa Giêsu.
Ðến mùa thu năm 1939 quan lại cho đòi thầy ra thúc ép quá khóa lần nữa, thầy mạnh mẽ thưa: “Nếu chúng tôi muốn phạm tội này để được sống thì chúng tôi chẳng phải chờ đợi đến ngày hôm nay”.
Các quan đành phải khép án trảm quyết cho người. Án được vua châu phê và ngày xử được ấn định vào 28-4-1840 cùng với Cha Khoan và Thầy Thành.
Khi lính canh đến ngục dẫn đi, Thầy Hiếu lộ vẻ hơi buồn. Thấy vậy Cha Khoan phải khích lệ thầy. Nhưng khi đến gần pháp trường thầy lại vui tươi hẳn lên. Trên đường đi thầy cùng hát kinh với Cha Khoan. Tới nơi, lính tháo gông xiềng và trói hai tay lại đằng sau. Khi quan giám sát ra hiệu lịnh, lý hình chém hai nhát vụng về chỉ vào vai người, khiến người đau đớn hét lên: “Tôi đau quá xin chém ngay đầu tôi”.
(bị bắt 20-12-1839, xử trảm 9-5-1840)
Thánh Hiển sinh vào khoảng năm 1775 tại làng Quần Anh, tỉnh Nam Ðịnh. Ngay từ hồi còn bé người đã dâng mình cho Chúa, sau theo giúp Ðức Giám Mục Y. Sau khi chịu chức linh mục, người được khấn dòng Ða Minh ngày 13-10-1812. Người đã coi giúp rất nhiều xứ đạo, về sau người về coi giúp xứ Cao Mộc. Ở đâu người cũng làm hài lòng các Bề Trên và làm gương sáng cho giáo dân. Giáo dân ai cũng làm chứng là người rất trung thành với kinh nguyện, dâng lễ sốt sắng, và hăng say rao giảng Lời Chúa cho giáo hữu cũng như cho những người ngoại đạo.
Khi vua Minh Mệnh bắt đầu cấm đạo, người đã phải ẩn trốn nhiều nơi để có thể tiếp tục coi sóc bổn đạo. Người bị lùng bắt như một tên trộm cướp hay như một thú dữ. Người ẩn trốn không phải vì hèn nhát không dám chết cho Chúa Kitô, nhưng vì phần rỗi các bổn đạo nên người không xuất đầu lộ diện khi không cần thiết. Người còn coi đó như một nhiệm vụ. Có lần người nói: “Tôi phải chạy và ẩn trốn, nhưng nếu Thiên Chúa lại định cho tôi bị bắt và chết vì đạo thì lại càng hay hơn”.
Ðến khi cấm đạo gắt gao quá người về giúp Ðức Cha Minh (đức Cha Henares) cho tới lúc Ðức Cha rời ra Xương Ðiền thì người về họ Ðất Vượt, làng Quần Anh, ẩn trốn tại nhà bà Thìn, em ruột người, khoảng một tháng. Sau đó người sang họ Hưng Nghĩa ẩn trốn tại nhà ông Trùm Hào một tháng nữa. Và sau cùng, người về làm hang kín đáo ở bếp nhà ông Mai Văn Mới tại làng Trung Thành, xã Kiên Trung, để ẩn trốn một thời gian lâu dài.
Người ở đó được khoảng chín tháng thì một hôm có một người ở kế cận làng Trung Thành tên là ông Ðội Nhật bị bệnh nặng gần chết. Ông ta bỏ xưng tội đã lâu nên ước ao được gặp linh mục để xưng tội và chịu các phép bí tích. Ðêm ngày mùng 7-11-1839, người sang giải tội và xức dầu cho ông. Không ngờ có một tên ăn trộm ngó thấy người đi kẻ liệt thì theo dõi xem người ẩn chỗ nào rồi tức tốc đi báo cho quan Trịnh Quang Khanh, tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh lúc bấy giờ. Trịnh Quang Khanh liền sai quân đi vây làng Trung Thành. Có người báo cho người biết nhưng người cứ sửa soạn dâng Thánh Lễ và chịu Mình Máu Thánh Chúa rồi cất Mình Thánh và đi nghỉ như thường lệ. Nhưng chỉ một lát sau, tiếng chân chạy, tiếng loa kêu gọi vang lên giữa đêm tối: “Quan ra lệnh tất cả các đàn ông mười tám tuổi trở lên phải đến tụ họp tại đình làng, nếu không tuân lệnh thì phải chết”.
Tảng sáng chúng bắt đầu lục soát tất cả mọi nhà và như mọi lần chúng còn cướp bóc của cải của dân chúng nữa. Chỗ người trú ẩn rất kín đáo và khéo léo khó có ai biết được nên người và chủ nhà tin chắc rằng chúng sẽ không khám phá ra được. Nhưng quân lính tìm ra chỗ trú ẩn của người thật dễ dàng, vì tên trộm đã theo dõi và biết chỗ người trú ẩn. Quân lính liền bắt người, tịch thu đồ lễ, và bắt luôn cả chủ nhà ngày 20-12-1839.
Giữa tiếng reo hò vui mừng của quân lính, người bị điệu đến trước mặt quan Trịnh Quang Khanh. Quan hỏi người chỗ ở của Trùm Vọng, tức là Ðức Cha Liêm và cũng là Ðức Cha Hermosilla, nhưng người thưa không biết. Quan liền bắt người bước qua cây Thánh Giá, nhưng người chỉ trả lời: “Thưa quan lớn, tôi chỉ thờ lạy một Ðấng Thiên Chúa, chẳng lẽ nào tôi lại dám bước qua Người!”
Quan giận dữ thề nguyền, quyết làm cho người phải đổi ý cho bằng được mới thôi, nên ra lệnh nọc người xuống sân, trói người vào ba cây cọc sắt rồi đánh người 40 roi dữ tợn đến nỗi da thịt cùng máu me bắn ra tung tóe. Nhưng người chịu đựng không kêu la một tiếng nào mà chỉ thầm thĩ kêu tên cực trọng Chúa Giêsu. Càng giận dữ hơn, quan ra lệnh đóng gông nặng vào cổ người rồi giam trong đình, hai ngày sau điệu về tỉnh Nam Ðịnh giam chung với những tội nhân.
Dù ở nhà giam phải đeo gông cùm nặng nề và phải khổ cực thế nào nữa người cũng vẫn luôn luôn lo lắng giúp đỡ những người tù với người. Người giúp những người đã chối Chúa ăn năn hối lỗi, dậy dỗ những người ngoại giáo trở lại và rửa tội cho họ. Người còn vẽ các ảnh Thánh Giá để phân phát cho các bổn đạo đến thăm người, và khuyên nhủ họ luôn luôn tôn kính hình ảnh Ðấng Cứu Chuộc nhân loại. Nhờ ảnh Thánh Giá của người mà có nhiều người đã được ơn ăn năn trở lại, và cũng có nhiều người sinh thì được chịu các phép bí tích. Các bổn đạo lại càng đến đông hơn để xin người ảnh Thánh Giá. Cũng may có người bổn đạo bị tù với người có khiếu tạc gỗ đã tạc ảnh Thánh Giá vào khuôn gỗ như người đã vẽ để in ra nhiều ảnh vào giấy, vải, khăn tay hoặc bất cứ cái gì có thể in được do các bổn đạo mang tới. Theo lời Cha Recoder thì mấy ảnh này hiện nay vẫn còn được lưu giữ tại nhà dòng ở Manila. Ðức Giám Mục Marti cũng nói rằng: “Giáo dân dùng ảnh của người để khuyên nhủ bệnh nhân biết trông cậy vững vàng vào ơn Chúa thì sẽ được gặp linh mục để xưng tội và chịu các phép bí tích. Có hai trường hợp đã được ghi lại là nhờ ảnh Thánh Giá của người mà hai người bệnh nặng đã được ơn gặp linh mục và chịu các phép bí tích”.
Sau nhiều ngày bị giam, người bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc. Ông tìm đủ mọi cách bắt người khai chỗ ở của Ðức Cha Hermosilla và dẫm bước lên cây Thánh Giá. Nhưng vị anh hùng tử đạo đã thẳng thắn trả lời: “Tôi không biết Ðức Thầy ở đâu, còn việc quá khóa thì tôi là một vị linh mục, luôn luôn khuyên bảo giáo dân đừng bao giờ quá khóa vì tội này rất nặng phạm đến Thiên Chúa, lẽ nào tôi lại làm chuyện đó được. Tôi sẵn sàng chịu chết để đền đáp ơn Chúa đã chịu chết vì tôi”.
Những ngọn roi dữ tợn lại quất như mưa bão trên mình người không chừa một chỗ nào cho tới lúc toàn thân người bị thương, quan mới cho ngừng lại và hỏi người một lần nữa xem người có chịu bỏ đạo không. Nhưng người vắn tắt trả lời: “Tôi thà chết chứ chẳng thà làm chuyện ấy”.
Thế rồi quan lại bắt giam người như trước. Hai ba lần khác người cũng bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc. Quan vừa lấy lời ngon ngọt, hứa hẹn, vừa lấy lời đe dọa, lừa lọc, cùng đánh đòn tra tấn những cực hình hung ác nhất để bắt người bỏ đạo, nhưng đều vô ích, vị anh hùng tử đạo chiến thắng oai hùng. Quan lại càng giận dữ truyền lệnh đánh đập người hung dữ hơn, nhưng người trả lời: “Tôi đã già rồi nên chẳng sợ chết. Tôi còn ước ao được chết vì Thiên Chúa đã chịu chết cho tôi. Tôi nhất định không bỏ đạo”.
Quan liền thử cách tra tấn khác. Lúc bấy giờ đang mùa Ðông lạnh lẽo nhất trong năm. Ở Nam Ðịnh nhiệt độ có lúc xuống tới gần 0 độ. Quan truyền lấy nước lạnh đổ từ từ vào mình trần đầy máu của người, người vui lòng chịu đựng một thời gian khá lâu cho tới lúc người biết mình sắp sửa chết thì mong muốn được chết vì đạo nơi công chúng để tăng thêm đức tin cho giáo dân nên người nói với quân lính: “Ðây là dịp cho các anh lãnh thưởng. Các anh hãy mau đem tôi về nhà giam, nếu không tôi sẽ chết”.
Người lại bị giam vào tù bốn tháng nữa. Lúc đó, các quan biết là không thể nào lay chuyển đức tin mãnh liệt của người được nên bắt đầu viết tờ án tâu trình lên vua xét xử: “Dù biết rằng vua đã cấm đạo Gia Tô, tên Hiển không những đã theo đạo mà còn khuyến dụ người khác theo đạo nữa. Vì vậy tên này là một tội nhân đã phạm trọng tội nhất định không chịu quá khóa, và tên này phải chết”.
Vua đã phê chuẩn án tử ngày 29-4-1840. Chiếu chỉ của vua truyền xử tử người tới Nam Ðịnh ngày 9-5.
Ðức Cha Hermosilla Liêm có kể lại là ba ngày trước khi chết vì đạo, vị anh hùng của chúng ta đã bị điệu ra trước quan tòa và chúng cho người chọn lựa khóa quá hay là bị chém đầu, người đã anh dũng trả lời: “Tôi nhất quyết không khóa quá. Tôi vui lòng chịu chết, và tôi muốn giữ đạo Gia-Tô cho đến chết”.
Các quan truyền nọc người vào hai cái cọc và truyền đánh người cho đến khi người phải bỏ đạo. Quân lính tuân lệnh đánh người thật dữ tợn đến nỗi da thịt người bắn ra tung toé và máu người chảy ra ròng ròng. Lính thì hăng máu đánh đập người đến 26 roi, còn các quan thì tranh nhau dụ dỗ người bỏ đạo. Nhưng ý định của người không hề lay chuyển. Sau khi chửi rủa và xỉ vả người, chúng lại giam người vào tù. Dù chiếu chỉ của vua đã tới, chúng vẫn cố thuyết phục hòng lay chuyển ý định sắt đá của người. Lần này chúng dùng mưu khác là đem người và cả Thầy già Toán ra trước mặt một lần nữa hứa sẽ tha chết cho cả hai nếu chịu khóa quá. Cả hai đều phẫn nộ từ chối. Chúng liền đặt trước mặt mỗi người một cây Thánh Giá và dẫn hai con voi ra đứng sau lưng mỗi người một con để dọa hai người phải sợ voi dẫm sau lưng mà chạy qua cây Thánh Giá để trốn thoát. Nhưng kế này cũng chẳng ăn thua gì vì cả hai vị anh hùng chẳng hề nhúc nhích một bước dù biết rằng hai con voi khổng lồ đang từ từ tiến tới phía sau. Các quan truyền cản voi lại, người liền quay về phía các quan và nói: “Thưa các quan, tôi đã từng nói nhiều lần là tôi sẵn lòng chịu chết chứ chẳng bỏ đạo. Ðã đến giờ tôi được chết. Thật là đúng với lòng ước của tôi từ lâu. Tôi chỉ muốn chết vì Chúa tôi để tỏ ra lòng kính mến Chúa tôị Xin các quan cứ thi hành chiếu chỉ của Vua mà đừng phí thì giờ thuyết phục chúng tôi nữa làm chi thật vô ích”.
Nghe thấy thế các quan giận điên lên truyền đem người đi xử tử ngay tức khắc, còn Thầy già Toán thì bị đem về ngục và cấm không cho thầy già ăn uống để thầy chết đói.
Dù phần xác của người đã yếu đuối và đau đớn lắm, vị anh hùng vẫn vui tươi bước đến đoạn đầu đài để hoàn tất của lễ hiến dâng của người. Giáo dân chứng kiến thấy người vừa đi vừa chăm chú đọc kinh tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn được chết vì đạo, và cầu xin Thiên Chúa thêm sức mạnh cho được chịu đựng tới giờ phút cuối cùng đã gần kề hầu được lãnh cành vạn tuế và triều thiên chiến thắng.
Khi đến chỗ xử tử, người liền quì gối xuống cầu nguyện tha thiết hơn. Mặt người tỏa sáng với một nét tươi vui thật siêu thoát. Ðám đông ngắm nhìn người đầy cảm phục. Ðám cận vệ ngồi cao vót trên lưng voi giữa đám quân lính đã phải thốt lên: “Thật lạ lùng, với tất cả quyền lực dũng mãnh của chúng ta, cộng thêm kho tàng học thức của Khổng Tử, chúng ta cũng vẫn bị chinh phục bởi vị linh mục của Ðức Kitô này. Một tôn giáo có thể tạo nên những vị anh hùng như thế tất sẽ khải hoàn”.
Cuộc tử đạo vinh hiển của linh mục Hiển đã diễn ra ngày mùng 9-5-1840. Lúc đó người khoảng 65 tuổi. Giáo dân lấy khăn thấm máu người, lượm còng và tất cả những đồ vật dụng của người, còn xác người được chôn ngay gần chỗ đó. Tám tháng sau, Phêrô Dần, một người giáo dân còn trẻ, mang xác người về táng ở trong đất nhà tràng Lục Thủy. Sau này Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã phong Á Thánh cho người.
(bị bắt 10-1-1840, xử trảm 5-6-1840 tại Hà Nội)
Đức Cha Jeantet (Khiêm) nói về linh mục Loan: “Sau khi xem xét những việc Cha Loan đã làm từ khi chịu chức linh mục cho đến khi tử đạo, tôi tin chắc rằng không có linh mục Việt Nam nào có thể sánh được với người. Thật vậy, suốt đời tận tụy lo việc thiêng liêng cho giáo dân, lúc 84 tuổi cha còn dâng mạng sống mình làm chứng đạo thánh Chúa”.
Cha sinh năm 1756 tại làng Bút Quai (Bút Thượng) thuộc xứ Bái Vàng. Không ai còn nhớ được cha mẹ và tuổi thiếu thời của cha, chỉ biết rằng người học thần học ở Sở Yên Duyên gần Thăng Long. Người được thụ phong linh mục dưới thời Tây Sơn, sau đó làm phó xứ Nam Xang sáu tháng, xứ Song Nương mười năm, và xứ Kẻ Vồi giúp Cha Liêm đến năm Ðức Cha Longer chia xứ đặt Cha Loan làm chính xứ Kẻ Sở, cho đến khi bị bắt. Lúc 84 tuổi theo lời khai của Cha Loan thì người học với Ðức Cha Longer (Gia) ở Phú Ða và Ðông Bao (Kẻ Bèo).
Theo chứng từ của Cha Luca Triệu, ở với Cha Loan từ bé, thì Cha Loan luôn ngước mắt lên trời khi đọc kinh cầu nguyện, không để ý gì đến người hay sự việc chung quanh. Sau thánh lễ người thường cám ơn lâu giờ, có chú nào đến quạt hay không, người không bao giờ để ý chú đến và đi lúc nào. Áo quần của cha rất đơn sơ, dù cũ kĩ rách nát người cũng không muốn thay cái mới. Người thường nói: “Bao lâu còn mặc được thì còn dùng được không cần gì mà phải bỏ đi”.
Người dâng lễ rất khoan thai chậm rãi, các thầy có kêu ca thì người đáp: “Chúng ta là những tôi tớ của Chúa dưới thế trần nàỵ Có việc nào cấp bách mà các con phải hối thúc cha làm lễ nhanh? Thánh lễ Misa là của lễ cao qúi và lớn lao nhất vì thế chúng ta phải dâng với tất cả sự xứng đáng”.
Mỗi ngày người có một thứ công việc tay chân để làm. Tính người rất dịu dàng, không bao giờ la mắng người giúp việc dù bé nhỏ. Người ăn chay và bắt mọi người trong nhà cũng ăn chay mỗi thứ Sáu quanh năm, sau lễ người hỏi han các người trong nhà cách thức nguyện ngắm và khuyên nhủ về cách sống, đặc biệt là nhân đức trong sạch.
Vẫn theo chứng từ của Cha Triệu, Cha Loan rất khiêm nhường. Khi được chỉ định làm cha sở người đã lên xin dức cha ba lần để chỉ cha khác thay, người nói: “Con chưa biết coi sóc chính con, làm sao con dẫn dắt người khác”.
Vì thế người giao mọi việc cho thầy cai và chỉ lo lắng đến việc thiêng liêng cho người nhà và giáo dân. Người không biết đồ dùng có những gì, nhưng mỗi ngày thứ Bẩy người bắt cả nhà phải lau chùi xếp đặt cho có thứ tự. Khi người có cha phó thì người nói với các đấng: “Tôi đã già lão, tôi xin nhường lại mọi sự cho cụ coi sóc như cụ chính vậy, mọi người nhà và cả tôi nữa thì cũng thuộc về cụ”.
Cha Triệu còn làm chứng rằng người dậy dỗ người nhà rất cẩn thận, cấm đàn bà vào trong nhà xứ cũng như cấm người nhà Ðức Chúa Trời ăn trầu do các cô mời. Mỗi tháng đọc luật nhà một lần, mỗi năm cấm phòng một lần. Con cái cha có tới mười người làm cụ. Với giáo dân người nhiệt thành lo phần rỗi cho họ, quanh năm đi làm tuần đại phúc, chăm chỉ giảng dậy trong các thánh lễ, hỏi han từng nhà xem họ có đọc các kinh và lần hạt không. Thầy già Micae Lê Văn Toàn, ở với cha mười sáu năm, kể lại là người thường ví mình như con chó của Chúa, phải la lên phải sủa không ngừng hay ví mình như con gà của Chúa cúc rúc gọi đàn con. Người thường nói: “Các tín hữu là con cái tôi, lại không biết nghe lời tôi bảo ban họ sao?”
Người đặc biệt chú trọng việc dậy giáo lý cho trẻ em, khuyên bảo người khô khan tội lỗi trở lại.
Về lòng nhiệt thành giúp linh hồn người ta, Cha Gauthier còn kể lại một tích này: “Một lần người mắc bệnh phải nằm liệt trong giường nhưng khi nghe có một người trong xứ bị bệnh thổ tả, người chỗi dậy đi giúp họ ngay tức thì. Người nhà ngăn cản: - 'Nhưng mà cha đứng không nổi làm sao đi được?' - 'Vậy các con hãy khiêng cha đi.
Tới nhà bệnh nhân thì người bất tỉnh khoảng một tiếng. Khi tỉnh lại người hỏi ngay xem người bệnh còn sống không. Biết là còn sống người liền bảo họ đem bệnh nhân đến gần để người ban phép sau cùng cho người sắp chết”.
Ngày 10-1-1840 đang khi Cha Loan ngồi tại nhà ở Kẻ Chuông để chờ Cha Phái đến giải tội vì người vừa mới cấm phòng năm xong, bá hộ Khang và ký lục Cường vào nhà xứ lấy lý do đến thăm người bạn học cũ. Cha Loan pha trà mời họ uống. Sau đó họ mời cha xuống thuyền để về Kẻ Bún là làng của Bá Khang. Giáo dân biết là cha bị bắt nhưng không có cách nào đánh tháo được. Giáo dân xin chuộc nhưng Bá Khang đòi hai nghìn quan trong khi đó Ký Cường không muốn tha, vì có ý bắt nộp người để chuộc tội với quan. Cha Loan thấy tốn nhiều tiền mà dân chúng lại nghèo nên nói với họ là không có tiền. Họ bắt Thầy Hạnh đi theo và giữ ở nhà Bá Khang ba ngày, tiếp đãi rất tử tế. Một việc lạ xảy ra là khi Bá Khang thấy có khăn thánh trắng sạch lại có hồ cứng mới bảo đầy tớ đem ra bể giặt để ông dùng làm khăn tay. Khi đầy tớ vừa nhúng xuống nước thì bể xây bằng gạch tự nhiên vỡ ra gây một tiếng nổ lớn.
Bá Khang giải Cha Loan lên huyện Phú Xuyên nhưng quan huyện không muốn nhận việc, Bá Khang và Ký Cường lại dẫn giải Cha Loan lên phủ ở tỉnh Hà Nội. Sau khi hành quyết Cha Loan, Micae Lê Văn Toàn, là người theo giúp cha, đã bỏ tiền mua nơi Ký Cường bản sao tờ án. Nội dung bản tường trình của quan Phủ và quan án Quang như sau: “Ký Cường là quan bát phẩm có tội đã xin được tha tạm đi dọ thám và bắt những kẻ bất lương để chuộc tội. Bá Khang, chủ tiệm Quang Kí ở đường Velieri, đã giết vợ và bị kết án giảo giam hậu cũng đã xin được tự do để đi bắt những người có tội lập công. Ngày mùng 5, Minh Mệnh nguyên niên thứ 20, hai người này đến tổng Thịnh Ðức, huyện Phú Xuyên tình cờ bắt gặp một ông lão già ở ngoài đường có mang một gói đồ. Khi hỏi tên tuổi ông lại bỏ chạy nên đã bị bắt giữ. Ông không chịu khai gói đồ bên trong có những gì nên hai người nói trên đã mở gói đồ ra và thấy có nhiều đồ đạo: năm cuốn sách chữ Âu, một lá thơ, một bộ áo và một thánh giá. Lúc đó ông lão già mới khai gói đồ thuộc về mình: 'Tôi người làng Trại Bụt theo học đạo tại Phú Ða với đạo trưởng Gia, sau đó lại học ở Ðông Bao và được đạo trưởng Gia cho làm đạo trưởng. Trước khi bắt đạo, tôi đi đây đó dậy đạo, bây giờ không còn nhớ tên những nơi nào nữa. Từ khi vua cấm ngặt không còn ai tiếp chứa tôi nữa, tôi phải đi trốn ở các chùa, quán. Lần này tôi không may bị các ông bắt, tôi xin nộp mình'.
Ngày 11-12, Minh Mệnh nguyên niên thứ 20, ký lục Cường, chủ tiệm Quang Kí và cai tổng Thịnh Ðức tên là Phạm Bá Chấn đã giao nộp đạo trưởng Vũ Bá Loan ra công đường nhưng tên này vẫn một mực không chịu đạp ảnh, lại còn xin được chém đầu ngay. Chúng tôi xét là luật quốc gia nghiêm ngặt và người này không hề muốn đạp ảnh thì phải khép án chém đầu tức khắc. Mặc dù tên này đã ngoài 70 nhưng chính hắn đã xin như vậy, nên chúng tôi thuận theo. Chúng tôi xin thỉnh ý đại quan Bộ Hình cho ý kiến để chúng tôi thi hành”.
Bản tường trình của quan dĩ nhiên có nhiều chi tiết không hoàn toàn đúng với sự thật. Cha Loan bị tra vấn cả thảy hai lần: Lần đầu vào ngày 11-12 âm lịch, và lần thứ hai một tuần lễ sau. Theo chính lời Cha Loan kể lại với Thầy Toán khi họ hỏi về quê quán của cha thì cha đã trả lời giống như bản tường trình. Trong cả hai lần quan tuần và quan án đều ép buộc cha đạp ảnh. Quan nói: “Ông đã già lão, nếu muốn sống thì hãy mau đạp ảnh, bằng không thì sẽ phải giam tù và chịu hành quyết nữa”.
Cha Loan đáp: “Vâng tôi đã già, nhưng đó không phải là lý do để muốn sống thêm, tôi cũng không muốn đạp ảnh Chúa tôi dưới chân. Nếu các quan thương, tôi rất biết ơn, trái lại nếu các quan muốn lên án tử, tôi sẵn sàng và còn vui lòng nữa”.
Trong lần thứ hai, quan còn hỏi đến các lẽ đạo. Cha Loan đã cắt nghĩa cho quan là con người phải thờ lạy và yêu mến Thiên Chúa, trọng kính vua, quan, và thảo kính cha mẹ. Có lần quan hỏi: “Ông là người sinh ra ở nước này và có lệnh vua cấm đạo Kitô, sao ông lại không vâng lời còn đi truyền đạo ngoại lai để rồi vua sẽ trừng phạt với án xử tử?”
Cha Loan đáp: “Tôi là một người Kitô. Trong bất cứ thời buổi nào tôi cũng thờ kính Chúa tôi mà cả trời và đất này phải tùng phục. Ðó là đức tin ghi sâu trong tâm khảm. Nếu vua quan truyền lệnh gì hợp với lẽ phải, tôi sẽ vâng lời ngay, còn những điều gì nghịch lại với Chúa tôi, tôi thà chịu chém đầu còn hơn là nói một lời chống lại Người”.
Trước khi mang ra pháp trường hành quyết, quan còn dụ dỗ cha bước qua ảnh thánh giá nhưng người đáp: “Tôi vui mừng vì tôi mong mỏi ngày giờ này đã từ lâu. Không những tôi vui mừng giờ đã đến mà suốt đêm vừa qua tôi đã cảm thấy sự sung sướng và tràn đầy nghị lực”.
Ðời sống trong tù ở Hà Nội tương đối dễ thở hơn những nhà tù ở Ninh Bình và Nam Ðịnh. Hơn nữa Cha Loan được mọi người thương nên không hề bị đánh đập lần nào. Ban đầu cha phải đeo gông bằng gỗ xoan hơi nặng, nhưng nhờ các thầy đút tiền, về sau cha không phải đeo gông nữa, chỉ có ba đêm cha bị cùm chân. Chính quan án xuống nhà giam gặp cha và khi thấy người đứng lên lạy chào, quan án phải vội xin người đừng có lạy chào ông, và truyền cho quân lính phải lễ độ với người. Người cũng xin quan án trả lại cuốn sách lễ để đọc các bài đọc hàng ngàỵ
Ở trong tù người rất siêng năng đọc kinh. Ai đến thăm lúc người đang đọc kinh cũng phải chờ, có khi nửa giờ. Sau khi hỏi han những việc ở ngoài, Cha Loan thường khuyên họ chịu khó đọc kinh sáng tối. Người nói với Thầy giảng Toán: “Thiên Chúa nhân lành đã ban cho cha niềm vui vô cùng lớn lao, đã cho cha được ơn chết lành. Phần con, hãy ráng sức mà trung thành với đạo thánh, để cũng được chết tốt lành”.
Giáo dân có mang cơm nước hay bánh trái cho người, người đều chia cho các bạn tù và lính canh. Giáo dân mến người, muốn có kỉ vật của người để lưu giữ sau này, đã may quần áo cho người mặc, rồi khi người tử đạo họ giữ lại làm của gia bảo trong nhà. Có nhiều họ đạo cử người đến xin người cho phép họ đạo của mình được lĩnh xác về chôn cất trong họ đạo nếu sau này người chết, nhưng người thường bảo họ: “Xác cụ là đất, là vật hèn, lúc chết rồi thì tanh hôi chỉ làm mồi cho ruồi bọ còn xin làm gì?”
Dân làng Chuông Trung cũng đến xin người: “Các bậc huynh thứ trong làng cậy con xin với cụ: Dù hôi hám mặc lòng làng cũng xin rước về”.
Họ may mắn được Cha Loan đồng ý và ký vào giấy khiến các họ khác phải ghen tuông. Hồi cuối tháng Hai, Cha Loan bị ốm và chân xưng lên, quan coi ngục đã trình với quan án cho phép một người thuộc họ Chuông Trung được thường xuyên ở trong tù săn sóc cho cha.
Cha Loan ở trong tù được 5 tháng thì án của người được bộ và vua châu phê. Ðêm thứ Năm rạng ngày thứ Sáu, Cha Loan không ngủ, mắt ngước lên trời cầu nguyện. Lúc gà gáy, một tên lính đến báo cho người biết án tử của người đã về tới tỉnh. Người nói với người săn sóc: “Hôm nay cha sẽ không ăn gì hết, thức ăn không còn giúp gì cho thân xác sắp sửa làm mồi cho sâu bọ nữa. Cha ăn chay để lấy sức thiêng liêng chuẩn bị đón nhận niềm hạnh phúc cha mong chờ đã từ lâu”.
Thầy Huệ kể lại chiều hôm sau Cha Loan bảo làm một hộp trầu mời các lính canh để cám ơn họ. Tới lúc ra pháp trường ông cai đội xin cặp kính cha đang đeo, người lấy ra trao cho ông ngay. Ðể tỏ lòng kính trọng Cha Loan, quan có nhiệm vụ giám sát không dám cỡi ngựa mà chỉ bắt lính dắt theo sau. Ông còn truyền quân lính khiêng cha trên võng, hai bên có lính cầm quạt che. Tới nơi xử là Ô Cầu Giấy, quan bảo lựa một chỗ sạch sẽ rồi cho giáo dân trải chiếu mới trên một mô đất. Có rất đông giáo dân và lương dân đến chứng kiến. Quan giám sát để cha tự do chuẩn bị. Cha quì gối cầu nguyện nửa giờ. Lý hình trói tay cha và buộc vào cọc đàng sau. Mười tên lý hình được lệnh thi hành đã trốn đi mất, quan phải bắt một người miền Nam tên là Minh làm nhiệm vụ. Tên này cúi đầu thưa Cha Loan: “Thưa cha, con bị cưỡng ép làm theo lệnh vua, con sẽ ráng hết sức chém cho ngon ngọt, và khi cha về trời xin cha cầu nguyện cho con”.
Sau một lát gươm, đầu cha rơi xuống, giáo dân chạy vội vào lấy khăn vải hứng máu để máu khỏi rơi xuống đất. Họ còn lấy mọi sợi cỏ đem về. Hôm ấy là ngày 5-6-1840.
Giáo dân Chuông Trung đã chuẩn bị sẵn sàng đưa xác cha về an táng. Trước hết giáo dân ở tỉnh đem về Kẻ Sét để khâu đầu người lại và tẩm liệm, rồi có phường nhạc bát âm đưa xác người đến đầu làng Chuông Trung. Họ Chuông Thượng định cướp xác nhưng không được. Xác người được chôn trong nhà thờ Chuông Trung, gian thứ nhất.
Sau này có một người mù tên là Tôma Nguyễn Văn Hà đã quả quyết là mình được khỏi mù do sự bầu cử của Cha Loan. Khi Ðức Cha Retord đi kinh lý đến làng Kẻ Lương, bạn bè đến khuyên bảo người mù: “Từ lâu ông không có giữ đạo, nhưng nhân dịp có đức cha về Kẻ Lương ông đi với chúng tôi đến gặp người để xin phép lành và may ra trừ khỏi được bệnh này”.
Khi gặp đức cha, người cũng nói với ông là chỉ có thuốc thiêng liêng mới chữa lành được. Ông nghe lời xin xưng tội rồi dự lễ và rước lễ. Sau đó đức cha còn dặn ông về nhà làm việc lành kính Cha Loan, đọc kinh Lạy Nữ Vương, kinh Thiên Thần Bản Mệnh, kinh Lạy Cha và 5 kinh Kính Mừng. Về nhà ông đọc kinh như đức cha đã chỉ, lúc thì tại mộ của Cha Loan, lúc thì ở trong nhà. Năm ngày sau đức cha khởi công xây nhà thờ, người ta bảo ông ra trông coi việc xây cất. Ông nói các chỉ thị. Ngày hôm sau khi thợ vừa lấy mực xong đưa cho ông coi, tức thì ông thấy rõ tất cả, không còn bị mù lòa như trước.