(bị bắt 25-6-1833, xử trảm 11-10-1833)
Cha Tùy là con của một gia đình Công Giáo đầu tiên tại họ đạo Bằng Sơ thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Ðông. Người sinh năm 1773. Ngay từ nhỏ đã được học tại trường Kẻ Vĩnh. Sau khi thụ phong Phó Tế, người được bài sai giúp Ðức Giám Mục phó La Mothe, tên Việt là Hậu, tại tỉnh Nghệ An. Sau khi thụ phong linh mục, người lần lượt làm cha phó tại Ðông Thành, Chân Lộc và sau làm cha chính tại Nam Ðường.
Thánh Phêrô Lê Tùy được vinh dự mở đầu trang sử đẫm máu dưới thời Minh Mệnh. Thật vậy, trước khi ra tay tận diệt đạo Kitô, Vua Minh Mệnh đã nói với triều đình làm một bản kiến nghị xin ra lệnh cấm đạo Công Giáo. Sắc dụ cấm đạo được công bố ngày 6-01-1833. Khắp nơi quan quân được dịp làm tiền và trả thù người Công Giáo. Tại Bắc Việt ngày 25-6-1833, một nhóm lương dân làng Thanh Trác đã bắt Cha Phêrô Lê Tùy đang trên đường thăm kẻ liệt. Nhóm người này liền giải người đến quan huyện. Quan hứa sẽ cho chuộc tiền nếu người chịu khai là thầy thuốc. Cha Tùy đã một mực từ chối lời nói dối ấy. Dù đã 60 tuổi, người vẫn bị quan bắt đeo gông và giam tù.
Ít ngày sau khi bị bắt, quan phủ Nghệ An cho lấy lời khai: “Ông có phải là linh mục không?”
- “Thưa phải, tôi là linh mục”.
- “Ông có phải là đạo trưởng không?”
- “Thưa phải, nhưng tôi còn có nhiều cấp trên nữa”.
- “Ông cũng biết, tất cả những người gặp ông đều mộ mến ông, không ai muốn lên án tử cho ông cả, ta cũng không nữa. Vậy ông hãy viết một lời khai là thầy thuốc đi, như thế ta có thể cứu ông. Ông có sợ chết không?”
- “Tôi không hề sợ chết, dù chết cách nào đi nữa, điều đó không quan trọng đối với tôi. Mọi người đều phải chết, hoặc chết êm ái trên giường, hoặc bị cọp xé xác, hoặc cá nuốt sống, hay bị giáo đâm, hay bị chém đầu, bá đao. Chắc chắn là phải chết. Vậy tại sao tôi lại sợ chết chứ?”
Sau đó cha Tùy được dẫn trở lại nhà giam và ở đó 3 tháng. Mọi người đều yêu quý, từ quan cho đến lính và bạn tù. Các bạn tù nói: “Trời ơi! Giam giữ một người hiền lành nhân đức như vậy có phải là ác không? Chúng ta bị giam phạt thì đáng tội rồi, còn ổng có làm gì đâu?” Cha Tùy còn bị tra khảo nhiều lần nữa nhưng vẫn một mực nhận mình là đạo trưởng. Các quan liền làm án thông báo về hội đồng nội các tại Huế. Bản án viết rất nhẹ để có thể tha bổng, nếu như có vài nén bạc đút lót. Bản án đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện tội nhân đã ngoài 60 tuổi và theo luật pháp Việt Nam hồi đó thì không được kết án tử hình những người từ 60 tuổi trở lên.
Trái lại vua Minh Mệnh chụp ngay cơ hội để trút lên đầu người Công Giáo lòng thù ghét đạo của ông, và mở đầu trang sử oanh liệt của các tử đạo Việt Nam trong thế kỷ thứ 19. Nhà vua đã trả lời cho bản tường trình của các quan hôm 10-10 như sau: “Tên Tùy đã công khai thú nhận là đạo trưởng và dậy dân chúng đạo Công Giáo, vậy hắn phải bị xử tử”. Ngày hôm ấy viên ký lục thông báo cho một người Công Giáo để thưa lại với Cha Tùy: “Thưa cha, con lạy cha, xin cha hãy chuẩn bị giờ chết, giờ Chúa gọi đã đến”.
Cha Tùy không biểu lộ dấu sợ hãi khi nghe tin đó, người tỏ ra hân hoan, hỏi lại xem tin có thực như vậy không. Khi được quả quyết chắc chắn, người tỏ ra vui mừng chưa từng có. Người ăn chút cháo như thường lệ rồi cáo từ mọi người, lui vào một chỗ riêng để có thể cầu nguyện với Chúa và chuẩn bị cho giờ trọng đại sắp tới. Sáng sớm hôm sau, ngày 11-10, một quan và 300 binh lính đến đem người ra pháp trường. Người bước đi như đi dự hội, nét mặt hớn hở, làm cho các quan, binh lính và đám đông dân chúng sửng sốt nghĩ thầm là chưa bao giờ thấy một cảnh lạ như vậy.
Khi tới chợ Quân Ban, nơi được chỉ định hành quyết, một người Công Giáo trải chiếu xuống đất, Cha Tùy liền quỳ gối, bên cạnh là tấm bảng gỗ viết bản án như sau: “Tên Tùy là Lê Tùy thuộc tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, tổng Minh Xã, làng Bình Sơ. Tội nhân là người An Nam, đã theo đạo ngoại quốc từ lâu và tự xưng mình là linh mục, đi vào nhiều làng để khuyên dụ dân chúng. Nên đã bị bắt và xét xử công minh. Bản án vua ra là phải trảm quyết”. Bảng gỗ này hiện đang được lưu giữ tại chủng viện thừa sai Paris.
Ngay lúc ấy trời bỗng bị mây bao phủ và những người lý hình nói thầm với nhau: “Người này có phải là một vị thần không mà trời ra tối tăm làm vậy?” Trong khi đó Cha Tùy bảo Thầy Giảng Bernard Thu chỉ cho người hướng Ðông. Thế rồi người quỳ gối xuống, mắt hướng về phía Ðông. Thầy Thu xin quan cho người được cầu nguyện đôi phút. Quan cho như ý và cho thêm 60 đồng theo tục lệ của vua để mua ít thức ăn và rượu nhưng người từ chối và bắt đầu cầu nguyện.
Khi đã sẵn sàng, Thầy Thu quỳ trước mặt người thưa: - “Thưa cha, cha được đến nơi hạnh phúc như lòng mong ước từ lâu, còn con phải ở lại thung lũng đầy nước mắt này, xin cha nhớ đến con”. - “Này con, hãy can đảm lên. Con cũng sẽ được thưởng công”.
Sau đó các giáo hữu lạy người 4 lạy. Ðoạn người nói: “Tất cả đã sẵn sàng”.
Một hồi chiêng nổi lên, một tên lính liền giơ đao chém đứt đầu Cha Tùy. Dân chúng vội vã ùa đến hôn kính thi hài vị anh hùng tử đạo. Họ cầu xin, họ thu lấy những di tích nhuốm đầy máu, họ lấy giấy và bông thấm máu đào, họ chia nhau tấm chiếu và quần áo người. Sau đó giáo dân đem xác người về chôn cất tại nhà nguyện Trang Nứa, trước kia là học viện của tỉnh Nghệ An.
Thầy Bernard Thu làm chứng về đời sống và cuộc tử đạo của Cha Tùy như sau: “Nhiều lần tôi nghe kể lại những phép lạ do lời cầu bầu của cha thánh nhưng chưa ai viết ra. Tuy nhiên, riêng tôi, tôi tin chắc chắn rằng nhiều lần khi tôi chữa trị cho các bệnh nhân nan y tôi thường cầu khẩn với Cha Tùy, chính người đã chữa họ lành. Tôi cũng biết chắc một sự kiện khác là đang khi lương dân không làm sao ngăn chặn được sâu phá hoại mùa màng, tôi liền chạy đến cầu nguyện với Cha Tùy và rảy nước thánh trên cánh đồng. Lời cầu nguyện của tôi được chấp nhận. Mọi người sửng sốt thấy ruộng của họ thì bị sâu phá hoại còn ruộng của tôi thì trổ bông. Họ liền ca ngợi đấng tử đạo.
Một ít năm sau người ta định cải táng và đưa xương người về Pháp. Khi mở mộ ra, người ta ngửi thấy mùi thơm ngọt ngào tỏa ra và nước trong bao quanh xác người. Nhiều bệnh nhân đã lấy nước này uống và đã được chữa lành. Một số khác giữ lại để khi ốm sẽ dùng đến.”
Ðức Thánh Cha Leo XIII đã tôn phong người lên bậc chân phúc tử đạo ngày 27-5-1900.
(bị bắt tháng 12-1832, xử trảm 23-10-1833)
Quan đội Tống Viết Bường sinh tại Phủ Cam gần kinh thành Huế, trong một gia đình Công Giáo và có chức tước trong triều đình. Trong thời gian đi lính, người tỏ ra lanh lợi và can đảm nên được vua Minh Mệnh cho làm cai đội coi 50 người, về sau người còn được cất nhắc lên làm quan thị vệ. Quan Phaolô Bường một mực giữ đạo, hết lòng thờ phượng Chúa và trung thành với vua.
Khoảng năm 1831, có giặc cướp đến phá phách ở Ðá Vách thuộc tỉnh Quảng Ngãi, vua sai người đi dẹp giặc. Khi trở về người tâu trình với vua thì vua hỏi người có đến chùa Non Nước không, nhưng người khéo léo thưa lại rằng: “Vì Bệ Hạ không có dậy bảo nên thần chẳng dám đi”. - “Thường thường các quan khi dẹp giặc yên trở về hay đi viếng chùa sao ngươi lại không đi?” - “Hạ thần là người có đạo Công Giáo nên không đi viếng chùa”.
Vua Minh Mệnh liền nổi giận mắng nhiếc và ra lệnh bắt người bỏ đạo. Quan đội Bường nhất quyết một mực xưng đạo nên bị đánh 80 trượng và tước đoạt các chức tước, và phải đầy làm tôi tớ trong cơ binh. Nhờ đút lót tiền cho quan, ông được về nhà thong dong.
Một năm sau, nhân khi vua Minh Mệnh ra lệnh kê khai các lính thị vệ có đạo mới thấy thiếu tên ông đội Bường, vua liền ra lệnh bắt người, năm ấy người 50 tuổi. Hôm ấy vào tháng 12, 1832. Cha M. De Lamotte, lúc ấy đang giảng đạo tại kinh đô Huế, viết về cuộc xưng đạo của quan đội Bường như sau: “Tháng 12, quan đội Bường cùng với 6 người lính thị vệ bị bắt giam trong ngục, phải mang gông cùm. Một người đã chết trong tù ngày 8-3-1833. Một người khác cũng anh hùng xưng đạo là ông Tađêo Quyền, con rể của quan đội Bường”.
Có một hôm, quan coi ngục muốn đổi gông nhẹ cho đội Bường, nhưng người đã thưa lại rằng: “Xin quan bỏ thêm xích xiềng cho nặng hơn vì trước đây họ có đánh tôi nhưng cũng chưa đủ”.
Trong những lần tra khảo, đội Bường một mực chỉ nói về đạo mà thôi. Nếu quan ra lệnh bỏ đạo thì người thưa: “Tôi nhất định không chịu. Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật mà tôi thờ phượng xưa nay, làm sao tôi có thể bỏ được?”
Mỗi lần khẳng khái thưa như vậy thì người lại bị đánh đòn. Lính cố gắng kéo chân người qua ảnh chuộc tội song người cố co chân lên và la lớn rằng: “Ðây là việc quan lớn làm, tôi không chiều theo đâu”.
Ðánh đòn không ăn thua gì, quan lại dỗ dành và bảo: “Này, hãy theo thời mà sống. Bây giờ vua đang cơn thịnh nộ thì hãy tạm vâng lời bỏ đạo đi cho đẹp lòng vua một lúc, sau này sẽ hay, việc chi mà phải cứng cỏi làm vậy?”
Quan đội Bường thưa lại: “Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi xin thưa rằng: hãy để tôi trọn một lòng trung hiếu cùng Thiên Chúa của tôi”.
Khi bị giam ở trấn phủ, ông bị tra khảo 3 lần mỗi tháng. Ở trong tù ông thường khuyên nhủ các đồng đạo cũng bị giam như sau: “Chúng ta hãy vui lòng chịu mọi sự khốn khó để giữ nghĩa cùng Chúa cho đến khi nào thánh ý Chúa định thể khác. Nếu quan có hành hạ thì cũng để mặc. Hễ xác chết rồi thì hồn chúng ta bay thẳng về trời, không sợ gì roi đòn. Chịu sự khó như vậy là vác thánh giá theo Chúa Giêsu. Nếu có đau đớn quá thì hãy xin Ðức Mẹ phù trợ cho được bền lòng đến cùng”.
Có lần mấy người ngoại đạo khuyên dụ các lính trẻ chối đạo, đừng theo gương ông đội Bường đã già, nhưng hãy nghĩ đến vợ con, cha mẹ ở nhà, như vậy có phải đi đạo là tốt không? Lập tức ông đội Bường trả lời ngay: “Bên đạo chúng tôi ai chết trẻ là đi đường tắt, ai chết già là đi đường trường. Song đàng nào cũng tới quê thật là nước thiên đàng vậy”.
Sau nhiều ngày giam tù và khuyên bảo không được, các quan làm án xin vua ra lệnh xử tử, song vua muốn hành hạ nhiều hơn. Dầu vậy người vẫn một mực trung thành, các quan tâu lại với vua rằng: “Người Công Giáo thật cứng lòng, dù có gia hình đến đâu cũng không thay đổi, vậy xin theo phép nước mà khép án cho xong, kẻo để lâu ngày mất công vô ích”.
Lúc ấy Vua Minh Mệnh mới ưng cho các quan bộ hình ra án trảm quyết và phải bêu đầu quan đội Bường, người thông ngôn Micae, con rể quan đội Bường, và 6 binh sĩ: Vui, Mang, Quân, Hang, Minh và Phú.
Riêng quan đội Bường phải đem đi xử trước vào ngày 23-10. Khi hay tin, người gọi các bạn tù lại và xin họ cầu nguyện cho người được ơn bền đỗ xưng đạo Thánh Chúa và cũng để từ giã họ nữa. Tới giờ, lính đến điệu người đi. Lúc bấy giờ đã chiều tối họ phải mang đuốc đi theo. Ði đầu là một tên lính cầm bản án rao to rằng: “Người này bị xử vì theo đạo Gia Tô, nên phải xử trảm quyết, đầu treo 3 ngày”. Họ đi rất nhanh, đội Bường nói đùa với họ: “Các bạn việc gì mà phải đi nhanh thế? Tôi biết đường mà, chúng ta không lạc đâu!”
Khi đến họ Thợ Ðúc, gần Trường An, vua còn sai quan đến khuyến dụ người đạp ảnh chuộc tội để được tha. Quan nói rằng: “Ðội Bường, ông không phải là tướng cướp, cũng không phải là tên giặc. Ông không có tội gì ngoài tội theo đạo Công Giáo, ông hãy xuất giáo rồi vua sẽ tha cho ông và hoàn cấp bực lại cho ông”.
Người liền thưa với quan giám sát rằng: “Xin điệu tôi đi xử cho mau, cho tôi được về với Chúa, còn việc bỏ đạo thì không bao giờ tôi theo”.
Lúc ấy cô con gái của người cũng ra nhìn mặt cha lần cuối. Nơi xử là nền nhà thờ cũ của họ Thợ Ðúc. Nhưng cầu sang bên ấy bị gẫy nên lính cho xử người ngay tại gần nhà con gái. Người xin họ cho ít phút để cầu nguyện. Khi đã sẵn sàng người nói với họ: “Việc tôi đã rồi”. Người lính đao phủ liền chém đầu người. Quan cho phép đem xác người đi chôn, còn đầu phải bêu tại nền nhà thờ Thợ Ðúc 3 ngày theo lệnh của vua. Ðức Thánh Cha Leo XIII tôn phong người lên bậc Chân Phước ngày 27-5-1900.