(bị bắt 29-6-1838, xử giảo 19-12-1839)
Thánh Ðôminicô Úy sinh quãng năm 1814 tại họ Tiền Môn, thuộc làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Thánh Úy rất ngay thật không biết quanh co nói dối. Người theo giúp Cha Tự coi Kẻ Riền một thời gian. Cha Tự rất quý mến Thầy Úy, nên luôn cho thầy đi theo người. Khi Cha Tự đổi ra Kẻ Mốt, Thầy Úy cũng đi với người. Ai ai cũng khen thầy có tính nết hiền lành chịu khó. Thầy một lòng trung thành với Cha Tự. Trong thời gian cấm đạo, thầy luôn ở bên cạnh cha để giúp đỡ cha. Khi làm hầm trú ẩn, thầy bắt người ta phải làm hầm hai tầng, thầy ở tầng gần cửa để nếu quan quân có đến bắt thì chúng sẽ bắt thầy trước và Cha Tự có thời giờ chạy thoát. Thầy thường nói với các giáo dân: “Nếu quan đến bắt tôi thay vì bắt cụ thì tôi bằng lòng chịu thay, tôi sẽ lặng yên để cứu cụ, tôi chỉ lo các sự khốn khó bổn đạo phải chịu về sau mà thôi”.
Thầy Úy chỉ sợ nếu con chiên mất chủ chiên thì nguy hiểm cho họ, nên cố lòng bảo vệ Cha Tự. Tuy nhiên thánh ý Chúa nhiệm mầu đã không để thầy bị bắt thay cho cha, mà bị bắt cùng một lượt với cha. Lúc quan hạ lệnh đánh Cha Tự, Thầy Úy lại xin chịu đòn thay cho cha: “Thưa quan, cụ con không trốn, xin các quan đừng đánh người, có đánh thì xin đánh con”.
Sau khi các quan bắt thầy bước qua ảnh tượng mà thầy không chịu, họ liền cho quân lính áp giải cả hai cha con về tỉnh Bắc Ninh. Bấy giờ, Thầy Úy quãng chừng 25 hay 26 tuổi. Vì tính thầy quá thật thà lại còn trẻ trung, nên Cha Tự hết lòng lo lắng không biết thầy có bền vững xưng đạo ra không. Do đó, để thử thầy Cha Tự bảo thầy: “Con có muốn sống thì cụ sẽ liệu nói cách nhẹ cho con được sống”.
Thầy Úy hỏi lại cha xem cha sẽ nói thế nào. Cha Tự bảo rằng: “Cụ sẽ nói với các quan con là kẻ theo làm cơm cho cụ mà thôi”.
Thầy Úy một mực xin Cha Tự cứ việc nói nặng cho thầy để thầy được chết với cha. Thấy Thầy Úy can đảm Cha Tự mừng lắm. Người nói với thầy: “Vậy cha sẽ nói con là thầy giảng đạo, như thế thì con sẽ được chết vì đạo”.
Vừa nghe như vậy Thầy Úy mừng rỡ vội vàng quỳ xuống xin Cha Tự ban phép giải tội để chuẩn bị chịu chết vì đạo.
Thầy Úy được như lòng mong ước sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa. Lúc này, quan truyền cho lính bắt thầy đeo gông rất nặng, chân tay bị xiềng xích rồi đem ra tra khảo. Quan lớn dùng đủ mọi mánh khóe, nào những lời ngọt ngào dụ dỗ thầy bỏ đạo, nào để những hình cụ gớm ghê trước mặt để thầy khiếp sợ mà phải quá khóa. Tuy nhiên những hình khổ này vẫn không làm sờn lòng thầy giảng kiên trung của Chúa. Chẳng những thầy không chịu quá khóa mà còn dám đối đáp lại với quan: “Bẩm lạy quan lớn, quan có dám bước qua mặt vua không mà bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi?”
Quan giận quá truyền đem chém, thầy lại hô lớn: “A! Các anh em ơi, tôi được chém đầu bây giờ!”
Một lần khác quan muốn dùng áp lực tinh thần để đe dọa thầy, quan nói: “Mày còn trẻ mà sao mày cứng đầu hơn thầy mày? Thầy mày đã bỏ đạo rồi, sao mày vẫn không chịu bỏ đạo?”
Thầy Úy đáp lại: “Tôi không tin rằng thầy tôi bỏ đạo. Mà dù thầy tôi có bỏ đạo tôi cũng không bỏ đạo”.
Thấy thầy đối đáp xuôi xắn, lại còn trẻ, các quan ai cũng thương mến, muốn tìm đủ cách tha cho thầy. Một lần khác các quan lại điệu thầy ra tra khảo, lần này các quan ngon ngọt dụ dỗ thầy: “Thầy mày không chịu bỏ đạo đã đành, còn mày hãy còn trẻ đẹp, có tương lai, sao mày cứ nghe theo thầy mày hả? Thôi mày cứ bước qua câu rút đi thì ta tha về mà làm nghề thuốc kiếm ăn”.
Thầy Úy cảm động về lòng thương của các quan nên từ tốn đáp lại: “Tâu lạy vua, lạy ba quan lớn, từ khi con còn ở trong lòng mẹ sinh ra thì con được nhiều ơn Thiên Chúa phù hộ cho con, bây giờ con đã lớn lên, con chẳng dám bỏ Chúa con. Nếu con cả lòng bước qua câu rút, thì con mất lòng Chúa con, lại phạm đến cha mẹ sinh ra con, vì đã dạy dỗ con và bảo ban con giữ đạo hẳn hoi cho đến chết, lại làm cực lòng cho thầy con nữa, vì đã nuôi nấng và dạy dỗ con bấy lâu nay, để cho con biết làm việc thờ phượng kính mến Chúa con, nên con chẳng dám làm sự ấy”.
Quan lại bảo người: “Mày nói khéo lắm, song mày phải nghĩ, Chúa mày thì ở trên trời, mà ở đây chỉ có một mảnh gỗ thôi. Mày cứ việc bước qua”.
Thầy Úy đáp lại: “Con xin quan lớn xét cho một lời thì con sẽ thưa, quả thật Chúa con ở trên trời, mà ở đây thật chỉ có một mảnh gỗ, song mảnh gỗ này là hình tượng Chúa con, thì con phải trọng kính. Thí dụ như cha mẹ con đã chết, mà linh hồn đã ở nơi khác rồi, ở dưới đất này chỉ còn xương thôi, nếu quan lớn truyền cho con đập xương cha mẹ con, có lẽ nào mà con dám làm thế. Con càng không dám vâng lời quan lớn bước qua câu rút, vì phạm đến Chúa đã dựng nên trời đất cùng mọi sự”.
Quan lớn thất vọng vì không chiêu dụ được thầy, sau cùng tuyên bố nếu thầy không chịu thì sẽ bị chết. Thầy Úy chẳng sợ hãi, mà trái lại còn vui mừng thưa với quan: “Lạy quan lớn, con sẵn sàng chịu chết!”
Thầy lại bị đem vào ngục giam lại. Trong lao tù, thầy ăn chay hãm mình và xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Thầy và Thầy Mậu cùng nhau dậy rất nhiều tù nhân ngoại giáo. Nhiều tù nhân được ơn ăn năn trở lại, chịu phép rửa và vui vẻ chịu án hình mà vua xử họ.
Sau nhiều lần khuyên dụ thầy bỏ đạo mà thầy vẫn không chịu, ngày 27-7-1838 quan đề nghị bản án xử tử người: “Chúng tôi vâng nghĩ đạo Gia Tô là tà đạo, chỉ dối dá làm cho người ta nhầm mà ngỡ là đạo thật. Ðạo này làm mất các thói tục nhà nước, coi rẻ mọi sự dữ và mọi tai vạ, nên chúng tôi thiết nghĩ không nên để. Năm thứ 13 vua đã cấm đạo này, song các tây dương đạo trưởng còn lẩn quất ở nơi giáo dân và dậy dỗ người ta, chia các nơi làm nhiều xứ, và sai nhiều tín đồ cùng giao nhiều sách cho họ đi giảng đạo ấy nhiều nơi. Nhiều kẻ trong thứ dân dốt nát phải chước dối dá mà theo đạo ấy, mà chúng nó ngỡ là đạo thật, cứ một ngày một vững vàng. Dù làm thế nào chúng nó cũng không chịu bỏ đạo ấy. Dù phạt thế nào chúng nó cũng chẳng chịu tố các tây dương đạo trưởng ra, cứ giấu giếm mãi, cho nên hóa ra chúng nó giữ đạo ấy một ngày một vững bền. Chúng tôi thiết nghĩ phải phạt những kẻ ấy thẳng tay và đe cách nặng, để cho chúng nó biết mà chừa. Vậy theo lề luật nhà nước đã cấm, những kẻ tin theo thì phải phạt 100 trượng, phát lưu 3,000 dặm. Nay chúng tôi đã bắt được tên đạo trưởng Nguyễn Văn Tự và một người chứa nó là Hoàng Lương Cảnh, chúng tôi xin phạt hai tên làm đầu này như lề luật ấy, là phải xử giảo. Còn những đầy tớ nó là tên Mậu, tên Úy cũng theo trọn án với thầy mình, và tên Ðệ, tên Vinh, tên Mới là những kẻ làm dịp cho nhiều người theo đạo ấy thì phạt như lề luật là 100 trượng, cùng phát lưu ở tỉnh Bình Ðịnh, đi làm việc nhà nước”.
Khi vua nhận được sớ ấy, ông cho rằng những kẻ theo đạo Thiên Chúa còn tệ hại hơn những kẻ làm nghề phù thủy, nên truyền lệnh điều tra lại xem các đấng có bỏ đạo không, nếu không bỏ đạo thì phải xử giảo các đấng.
Ðược lệnh vua, các quan lại điệu thầy và các bạn ra để tra khảo lần nữa. Lần này các đấng cũng bị bắt phải bước qua các ảnh tượng, các đấng vẫn không chịu. Các quan lại truyền giam các đấng ấy vào ngục như trước.
Ngày 5-9-1838, Cha Tự và ông Cảnh bị trảm quyết. Ðợi hơn một năm sau, trải qua bao nhiêu lần khuyên dụ mà các đấng vẫn không thay dạ đổi lòng, bản án xử giảo các vị được vua phê chuẩn ngày 19-12-1839.
Ngày hành hình đến, Thầy Úy bị điệu đến pháp trường với bốn vị anh hùng tử đạo khác. Tại một nơi ngoài làng Cổ Mễ, thầy bị xử giảo. Dân Ðồng Tiến đến lấy xác thầy và an táng trong nhà thờ họ ấy. Sau lại chuyển xác người về trại Khánh Khê. Ðến thời bình, dân lại cải táng người về chôn tại nhà thờ họ Ðồng Tiến.
(bị bắt 29-6-1838, xử giảo 19-12-1839)
Ông Augustinô Mới sinh tại làng Bồ Trang cũng gọi là làng Kẻ Bái thuộc tỉnh Thái Bình. Ông sinh ra trong một gia đình ngoại giáo. Khi lớn lên ông đi làm ăn tại họ Ðức Trai. Ở đây người được ơn Chúa soi sáng, nên xin tòng giáo. Người rất chịu khó học kinh. Năm 31 tuổi người chịu phép rửa tội. Từ khi trở lại đạo, người sống rất đạo đức và làm gương sáng về đọc kinh và lần hạt. Ngày nào dù mệt nhọc hay làm khuya thế nào cũng không bỏ đọc kinh tối. Ông hiền lành, chăm chỉ làm ăn. Sau đó ít lâu ông kết hôn với một thiếu nữ Công Giáo ở trong làng.
Một hôm, có kẻ tố giác làng Ðức Trai có cụ đạo trú ẩn. Quan liền đem quân lính đến vây làng. Lúc đó quân lính bắt được Cha Tự, đang ẩn náu tại làng Kẻ Mốt thuộc xã Ðức Trai. Sau khi bắt được Cha Tự rồi, quan liền truyền dân làng ra để điểm mục. Quan truyền lệnh cho mọi người Công Giáo phải quá khóa, nếu không sẽ bị bắt. Lúc đó có rất nhiều người sợ quá đành bỏ đạo. Trong số những người bị bắt ra điểm mục có ông Nguyễn Mới. Quân lính hỏi người: “Mày có biết cụ đạo không?”
Ông Mới đáp lại có biết. Ðáp lại câu hỏi mày có đạo không, ông Mới lại trả lời là có. Quan lại hỏi thế ai cho mày học đạo? Ông Mới liền chỉ Cha Tự và nói: “Cha là người đã dạy đạo cho tôi”.
Lúc đó các quan bắt ông phải bỏ đạo, nhưng ông nhất định không chịu. Quan liền truyền đóng gông bắt người phải mang và lệnh cho quân lính xiềng xích tay chân người để giải về phủ. Cùng bị áp giải một lượt với người là Cha Tự, Thầy Mậu, Thầy Úy, ông Ðệ và ông Vinh.
Tin các đấng bị bắt về tới kinh đô, Vua Minh Mệnh liền hạ chiếu chỉ phải làm khốn các đấng, có ý làm cho các đấng ấy sợ mà chối đạo. Các quan liền theo lệnh vua hành tội các đấng. Tuy nhiên khi thấy những hình cụ và hình phạt không làm lay chuyển được lòng dạ sắt đá của các đấng, các quan lại dùng lời ngọt ngào mà khuyên dụ. Ông Mới và các bạn phải giam từ ngày 30-6-1838 cho tới 27-7 mới có sớ tâu vua xin xử tử các đấng.
Trong sớ tâu vua, các quan muốn ghép các đấng vào tội theo phù thủy. Người đứng đầu phải trảm quyết, còn kẻ tùy tùng phải phạt 100 trượng và bị đầy khổ sai biệt xứ 3.000 dặm. Trong sớ tâu, các quan xin vua xử trảm Cha Tự và ông Hoàng Lương Cảnh (mà họ tưởng là linh mục), còn ông Mới và bốn ông khác thì các quan xin nhà vua phạt 100 trượng và đầy ra Bình Ðịnh. Thấy vấn đề không đơn giản như đạo phù thủy, vua truyền các quan không được áp dụng luật này, mà phải cố làm sao cho các đấng bỏ đạo, nếu không bỏ đạo thì Cha Tự và ông Hoàng Lương Cảnh phải trảm quyết, còn các ông này phải bị xử giảo.
Ðược lệnh vua, các quan lại bắt ông Mới và các bạn ông bỏ vào ngục để tìm dịp khuyên bảo. Lần này quan đặt mấy tượng ảnh chịu nạn, thánh giá không ảnh, tượng Ðức Bà, và bên cạnh những bức ảnh tượng này quan đặt nào roi, vồ nọc, và các đồ hình khổ, cùng nhiều lính trực chung quanh. Khi điệu ông Mới và các bạn ra, quan hy vọng các ông sẽ sợ mà quá khóa. Quan gọi từng người một, vừa khuyên vừa đe nếu không theo lệnh quan thì sẽ bị làm khốn rồi bị giết đi. Khi quan bắt ông Mới bước qua tượng chịu nạn, ông quỳ gối xuống lạy rồi hôn tượng ấy mà than rằng: “Lạy Chúa tôi, tôi chẳng dám bước qua Chúa tôi. Dù chết thế nào mặc lòng thì tôi cũng không bỏ đạo. Trái lại còn xưng đạo Chúa tôi ra hơn nữa”.
Quan tức mình truyền đem ông và các bạn vào ngục như trước. Trong ngục các ông đọc kinh nguyện ngắm đêm ngày để xin ơn bền vững.
Ngày 5-9-1838, Cha Tự và ông Cảnh bị xử trảm quyết. Ông Mới và bốn ông kia buồn bã vì không còn ai dẫn đầu, sợ không biết có bền vững đến cùng không. Ðang khi các ông lo buồn và sợ hãi thì tối ngày thứ ba sau khi Cha Tự bị trảm quyết, các ông thấy Cha Tự hiện đến an ủi các ông: “Chúng con đừng buồn làm chi, chúng con sẽ được phúc tử vì đạo, vì Ðức Chúa Trời sẽ gìn giữ chúng con, song chúng con phải lập công trước đã”.
Ðược tin ấy, các đấng vui mừng hết sức, và càng gia tăng ăn chay hãm mình. Các đấng khuyên bảo nhau chịu xỉ nhục xỉ vả của những tù nhân bị giam cùng với các đấng. Khi giáo dân đem đồ ăn đến cho các đấng, các đấng đem chia sẻ với những bạn trong tù.
Gần một năm sau, vua lại truyền cho các quan đem các đấng ra xử lần nữa. Nhà vua hứa hẹn sẽ tha cho những ai bỏ đạo và sẽ xử giảo những ai không tuân theo lệnh của nhà vua. Ông Mới và các bạn đều không tuân theo lệnh của vua.
Ngày 19-8-1839, ông Mới và các bạn lại bị điệu ra lần nữa. Lần này quan cũng khuyên các ông quá khóa nhưng các ông vẫn không chịu. Quan liền sai lính lôi các ông qua thánh giá. Khi bị lôi tới gần thánh giá, ông Mới vội quỳ xuống than thở cùng Chúa Giêsu: “Lạy Chúa tôi, xin Chúa chữa tôi, tôi phó cả linh hồn và xác tôi trong tay Chúa”.
Thấy tội nghiệp cho ông và các bạn, nhất là vẻ hiền lành nhân đức của các ông, quan cũng muốn tha, nhưng không dám. Quan liền truyền cho quân lính: “Thôi không kéo chúng nó nữa, thấy chúng nó hiền lành ta cũng tội nghiệp. Ta thương chúng nó hết sức, mà chúng nó chẳng muốn nghe”.
Thầy Phanxicô Mậu, một trong năm vị tử đạo này, đã kể lại cảnh phiên tòa xử năm vị trong thơ gửi cho Cha Huân (còn có tên là Cha Thuận): “Ngàn lạy cha, bổn phận của chúng con là con cái phải viết thư cho cha, thuật lại những gì đã xẩy ra. Chúng con bị điệu đến trước mặt quan tổng trấn. Họ đặt trên đất một tượng Chúa Giêsu vác thánh giá, hai ảnh Ðức Bà Mân Côi, một ảnh chịu nạn, và một cây thánh giá không có ảnh tượng. Khi điệu chúng con tới, quan nói với chúng con như sau: - 'Chúng bay đã ở trong tù ngục lâu rồi, và chịu khổ cũng đã nhiều. Hãy đến đây, bước trên những đồ vật này thì ta sẽ tha cho chúng bay và cho chúng bay về nhà. Các người muốn quyết định thế nào?'
Nhân danh anh em, con đã thưa cùng quan: - 'Bẩm lạy quan lớn, tôi đã quyết định thờ một Chúa tôi, là Chúa cả và trời đất, Chúa mọi sự, Chúa của linh hồn và thể xác tôi. Tôi chẳng thà chịu chết chứ không dám phạm đến Chúa tôi. Quan lớn có thể truyền lệnh chém đầu tôi, người có thể giết tôi như người muốn. Tôi xin vâng và chấp nhận quyết định của người.
Quan lớn liền truyền đuổi con ra ngoài. Ðoạn quan hỏi ông Úy, ông cũng đáp lại như con. Ðến lượt chú Ðệ cũng bị hỏi, và cũng đáp lại như chúng con, chú còn ăn nói khéo léo đến nỗi quan lớn ngạc nhiên và nói: 'Tên này biết cả chữ nho.
Ðến lượt ông Vinh và ông Mới bị hỏi, họ cũng đáp lại quan như những người trước. Quan liền truyền kéo ông Mới qua thánh giá, bằng cách dùng gậy mà đánh vào cẳng chân ông. Ông liền kêu lên: 'Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa.
Nhưng khi chúng lôi ông tới gần thánh giá quan lại ra lệnh thôi không lôi ông ấy nữa. Một tù nhân khác bị bắt đưa vào ở với chúng con đã thuật lại cho chúng con là sau đó các quan đã nói với nhau: 'Không thể tha cho chúng nó được, chúng ta muốn cứu chúng nó mà chúng nó chẳng muốn được tha”.
Trong ngục, năm ông còn muốn hy sinh nhiều hơn nữa nên các ông đã quyết định xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Thầy Mậu liền đại diện anh em viết thư xin Cha Huấn nhận lời khấn của anh em: “Con xin cha nhận lời khấn của chúng con viết ra đây như lời khấn bằng miệng của chúng con đọc trước mặt cha: Vinh danh Thiên Chúa toàn năng là Cha và Con và Thánh Thần, Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria, Thánh Ða Minh. Chúng con, Phanxicô, Ðôminicô, Tôma, Augustinô và Stêphanô, trước mặt Cha Huấn là đại diện bề trên Tổng Dòng Ba Ða Minh, tuyên hứa và sống giữ luật và hiến pháp của Dòng Ba Ða Minh cho tới chết”.
Ở trong ngục, ông Mới và các bạn rửa tội được 14 người, trong số đó bốn người đã chết. Ngày 23-11, quan truyền lệnh tách rời các ông khỏi những người bên lương. Ngày 24-11, ông Mới và các bạn lại bị điệu ra tòa lần nữa, lần này ông Mới và ông Vinh quỳ xuống trước tượng ảnh mà đọc kinh, rồi sấp mình xuống hôn Thánh Giá và ảnh Ðức Bà.
Ngày 18-12, chiếu chỉ vua tới truyền xử giảo các ông. Quan lại một lần nữa khuyên các ông: “Chỉ vua ra hôm nay truyền các ngươi phải chết. Song ta biết các ngươi chẳng có tội tình gì, chỉ mê muội theo những sự dại dột. Thôi cứ bước qua thánh giá thì tao sẽ tha và sẽ tâu vua tha cho chúng bay nữa”.
các đấng vẫn một mực trung thành với Chúa. Cho dù các quan chỉ bắt ông và các bạn đi chung quanh tượng cũng đủ để được tha, thế mà ông và các bạn vẫn không chịu. Các ông lại một mực xin quan cứ chiếu chỉ vua mà xử giảo các ông.
Ngày hành quyết đến, năm ông bị điệu đi xử giảo, Thầy Mậu đi đầu, Thầy Uý và ông Ðệ đi giữa, còn ông Mới đi chung đôi với ông Vinh sau cùng. Các ông mặc áo tràng dòng ba Ða Minh tiến đến chỗ xử giảo một cách vui vẻ như bắt được món quà khiến ai nấy cũng đều ngạc nhiên. Các người có đạo cũng như kẻ ngoại đạo theo xem rất đông. Bản án của các đấng được ghi trên miếng ván và mang đi trước mặt các đấng. Án được ghi như sau: “Những tên gian ác theo tôn giáo Gia Tô, sau khi đã khuyên bảo nhiều lần, phạt hai ba lần, nhưng chúng vẫn không dẫm trên thập giá. Chúng phải bị xử giảo”.
Ðến pháp trường gần làng Cổ Mễ, lý hình tháo gông, và xiềng xích, rồi chúng buộc dây vào cổ các đấng và xiết dây theo hiệu lệnh. Sau khi đã xử giảo các đấng, lính đánh xác các đấng để làm vừa lòng các quan. Chúng còn chửi rủa bằng những lời thậm tệ. Ðể chắc chắn các đấng đã chết, có tên lấy lửa đốt chân các đấng.
Liền sau đó các bổn đạo chạy xô vào, người nhặt quần áo, dây thừng, kẻ nhặt gông cùm, xiềng xích của các thánh tử đạo. Các bổn đạo cũng chạy đến lấy xác các đấng về táng trong các nhà thờ thuộc tỉnh Bắc Ninh. Xác Thánh Mới được chôn tại nhà thờ họ Phượng Mao.
(bị bắt 29-6-1838, xử giảo 19-12-1939)
Thánh Tôma Nguyễn Văn Ðệ sinh năm 1810 tại làng Bộ Tràng thuộc tỉnh Thái Bình. Sau người theo cha mẹ ra họ Kẻ Mốt thuộc xã Ðức Trai để làm ăn. Người sống bằng nghề thợ may, và cũng thường may áo quần cho những người trong nhà xứ. Ngày 28-6-1838, theo lời tố cáo có cụ đạo trong họ Kẻ Mốt, quân lính vây bắt được Cha Tự. Quan phủ lại truyền dân chúng phải tụ họp để điểm mục. Sau khi tra khảo và đe dọa, nhiều người Công Giáo đã bỏ đạo. Ông Ðệ sợ không biết mình có vững lòng tuyên xưng đức tin không nên không chịu ra đình làng, ông trốn ở trong nhà. Tuy nhiên khi quân lính vây và lục soát từng nhà, chúng bắt được ông.
Trước khi bị bắt, ông Ðệ biết mình không thể trốn tránh được nữa nên gọi vợ con lại khuyên bảo. Sau đây là đoạn ghi lại những lời ông khuyên vợ: “Bà nhận lấy các con và về nhà cha mẹ, chịu khó làm ăn mà coi sóc các con, để chúng nó biết thờ phượng kính mến Ðức Chúa Trời và giữ đạo cho nên. Trong phen này tôi vào trận thì trông ơn Ðức Chúa Trời thương, mà tôi nhất định theo chân cụ Tự cho đến chết, chẳng có lẽ nào cho tôi về nữa. Nếu bà có thương thì cầu xin Ðức Chúa Trời ban sức cho tôi được chịu khó theo cụ mà thôi”.
Khuyên vợ con xong, ông Ðệ để cho quân lính bắt mình. Lúc đó ông Ðệ quãng 28 tuổi. Ông có ba người con.
Tại đình làng, gọi là Làng Tài, nhiều giáo dân đã bỏ đạo, nhưng ông và bốn anh em khác cũng như Cha Tự không chịu nên bị tra khảo và đánh đập cho đến khi bỏ đạo. Ông Ðệ nhất định không chịu quá khóa còn thưa với quan: “Bẩm quan lớn, tôi không thể bỏ Chúa tôi được”.
Rồi ông ôm ảnh chuộc tội thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa tôi, tôi không dám bước qua mặt Chúa tôi, tôi xin theo cụ tôi, mà cụ tôi chịu sự khó gì, thì tôi cũng xin chịu sự khó ấy”.
Quan tức giận truyền trói người và đóng gông để giải về tỉnh. Ngày 1-7, ông và các bạn bị dẫn về tỉnh Bắc Ninh.
Trong thời gian ở lao tù, mỗi khi quan truyền lệnh tra khảo và bắt bỏ đạo ông đều hiên ngang tuyên xưng đạo Chúa như các ông Mậu, Úy, Mới và Vinh. Dù quan dùng cực hình tra tấn hay dùng những lời khuyên dụ ông bỏ đạo vẫn không thể lay chuyển được lòng trung kiên với Chúa của ông. Tuy nhiên những lời than khóc và thương tiếc của người vợ hiền và các con dại cũng làm cho người phân vân khó xử. Nhưng Thiên Chúa vẫn ban đủ ơn cho người để người có đủ can đảm khuyên bảo vợ con vâng theo thánh ý Chúa và để người được chịu chết vì Chúa: “Bà về nuôi lấy con cái cho tôi, tôi thì không về nữa, tôi chỉ trông mong chịu tử vì đạo mà thôi, và tôi đã dâng bà và các con cho Ðức Chúa Trời rồi”.
Thật là một cử chỉ anh hùng!
Một câu chuyện khác đặc biệt của người là khi quan hỏi Chúa là ai, ông Ðệ đã xưng ra: “Chúa là cội rễ mọi sự, là Chúa thật dựng nên trời đất”.
- “Chúa mày là mảnh gỗ ư?” Vừa nói quan vừa đưa cây thập giá cho người xem.
- “Nào quan lớn có biết đâu là Chúa thật. Xin quan lớn cho tôi được hỏi một lời. Quan lớn có biết nguồn gốc của Phật không? Nếu quan lớn chém đầu tôi, thì tôi sẽ về cùng Chúa tôi trên trời, hưởng phúc vui vẻ vô cùng”.
Bấy giờ quan giận quá truyền lính lấy roi và vồ nọc đánh đập hành hạ ông. Nhưng khi đã sắp sẵn roi rồi quan lại truyền thôi không đánh nữa kẻo bẩn roi, rồi truyền làm án để vua xử cho xong.
Trong các thánh bị bắt cùng lượt với ông, thì ông Ðệ nổi tiếng là đối đáp văn vẻ nhất. Khi cần đối đáp chữ nho thì người đối đáp chữ nho nên quan cảm phục khen ngợi người hay chữ.
Mỗi khi bị bắt bước qua tượng ảnh ông lại hôn kính, hoặc ẵm lấy tượng rồi đọc kinh Tin Kính. Trong ngục, ông đồng một lòng với các bạn xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh.
Ngày 24-11, ông và các bạn bị nghị án xử giảo sau khi quan đã cố gắng hết sức khuyên dụ các ông mà các ông vẫn không nghẹ Dù lần này để cứu các ông, quan chỉ ra lệnh các ông đi chung quanh thánh giá, các ông vẫn không chịu.
Ngày 19-12-1839, chiếu chỉ vua tới truyền xử giảo ông và bốn vị. Các ông từ chối lời khuyên cuối cùng của quan lớn, và xin quan cứ theo chiếu chỉ của vua mà thi hành.
Ngày hành hình đến, quan lớn và quân lính điệu các đấng tới một nơi ngoài thành Cổ Mễ. Sau khi các ông qùy đọc kinh, quân lính buộc dây vào cổ và xử giảo các ông. Sau đó quân lính đốt chân các ông để biết chắc các ông đã chết, và để làm hài lòng các quan chúng còn đánh đập trên xác các đấng và chửi rủa thậm tệ rồi mới bỏ về. Bổn đạo chạy ùa vào để lấy các di tích của các đấng.
Một người bổn đạo chạy vào vác xác Thánh Ðệ và đưa về Kẻ Mốt. Ông này kể lại câu chuyện xảy ra khi ông vác xác thánh như sau: “Tôi vác xác thánh vào lúc nửa đêm. Bất chợt xác người tỏa ra ánh sáng, chỉ đường cho tôi phải đi về đâu. Khi tới bờ sông, tôi rất lo lắng vì tôi biết chắc chắn không có đò vào giờ đó thì làm sao tôi qua được bờ bên kia? Nhưng trái với ý nghĩ của tôi, lúc đó nước rút xuống rất thấp đến nỗi tôi có thể lội qua bờ bên kia rất dễ dàng. Hơn nữa khi tôi đến làng Kẻ Mốt, tôi thấy cổng làng đã mở, dù cổng làng luôn đóng chặt vào lúc ban đêm. Tôi vác xác thánh vào nhà thờ và đặt người trên bàn thờ. Lúc đó không có ánh sáng trong nhà thờ, nhưng có ánh sáng lạ lùng phát ra từ thân thể của người”.
Xác người được táng tại họ Phong Cốc thuộc địa phận Bắc. Mãi đến ngày 11-3-1877, xác người được cải táng về nhà thờ họ Phương Lê.
(bị bắt 10-11-1839, xử trảm 21-12-1839)
Cha Anrê Dũng sinh khoảng năm 1795 tại tỉnh Bắc Ninh. Cha mẹ không có đạo. Năm 12 tuổi cậu Dũng đi về Hà Nội rồi theo đạo và ở nhà thầy với Cha chính Leroy (Lan) đang làm bề trên trường Kẻ Vĩnh.
Cậu Dũng có trí nhớ lạ lùng, xem giấy tờ gì chỉ hai lần là nhớ hết, một tuần lễ đã học thuộc hết sách bổn. Người còn thông thạo chữ Nho và chữ La Tinh. Sau 3 năm ở trường Kẻ Vĩnh, cậu Dũng được rửa tội và giao cho một cha Việt Nam trông coi, 8 năm sau được lĩnh bằng thầy giảng. Tiếp tục làm thầy giảng được 10 năm thì bề trên sai thầy về học lý đoán để làm linh mục. Ngày 15-3-1823 thầy Dũng được Ðức Cha Longer phong chức linh mục, lúc ấy mới có 28 tuổi.
Trước hết Cha Dũng được sai đi giúp Cha Khiết ở Ðồng Chuối rồi giúp Cha Thi ở xứ Ðoài và Cha Duyệt ở Sơn Miêng. Sau đó Ðức Cha cử người làm chính xứ Kẻ Ðầm lúc người 40 tuổi. Ở đâu Cha Dũng cũng được mọi người quí mến vì người đối xử khôn khéo lại giảng đạo sốt sắng. Người rất nhiệm nhặt trong việc ăn mặc. Mùa chay, người ăn chay mọi ngày, nhiều khi cả những ngày thứ Tư và thứ Sáu trong năm nữa. Trong thời kỳ bị cấm đạo Cha Dũng phải trà trộn ở trong nhà giáo dân, nếu họ dọn cơm thịt hay cá lớn thì người trách: “Ðừng làm như vậy, hãy mua tôm tép như thường dân khác mà ăn”.
Cha Dũng còn có lòng thương giúp những người nghèo túng. Khi được mời đi kẻ liệt, người đi một mình để tránh cho các thầy khỏi bị bắt. Khi không đi làm phúc được, Cha Dũng thường sai các thầy đi các nơi để thăm hỏi và khuyên bảo giáo dân tìm đến người mà xưng tội. Lúc người coi xứ Kẻ Ðầm thì các nhà chung đã phải rỡ hết.
Năm 1835 ông Lý Nhâm vì ghét Tổng Thìn là người có đạo, muốn cho ông phải tội đã đem lính đến bắt Cha Dũng cùng với 30 giáo dân đang xem lễ ở Kẻ Sui. Ông Tổng Thìn phải đưa 6 nén bạc cho quan huyện Hào Khánh ở Ðôn Thư xin liệu việc với quan phủ cho khỏi án. Quan huyện lấy 4 nén còn hai nén cho người nhà quan phủ và trình rằng: “Cậu tôi về xem lễ ở Kẻ Sui mà quan bắt thì xin tha”.
Cha Dũng được tha về còn những người khác bị giam lại 21 ngày. Sau đó Cha Dũng phải đổi tên là Lạc vì quan quân đã biết đến tên người. Cha Lạc thường hay xuống tỉnh Nam Ðịnh thăm viếng an ủi các giáo dân bị bắt. Người nói với những người khác rằng: “Những người chết vì đạo thì được lên thiên đàng ngay, còn tôi cứ phải ẩn trốn và mất nhiều tiền bạc mới thoát khỏi tay các quan, thà rằng tôi bị bắt và chết vì đạo thì hơn”.
Sau 7 năm làm cha sở Kẻ Ðầm, khoảng 4 năm sau lần bị bắt trước, Cha Lạc bị bắt lại ngày 10-11-1839, khi người sang thăm và xưng tội với Cha già Thi ở Kẻ Sui. Ông Lý Pháp không biết Cha Lạc nên có nhiều người dục người trốn đi, nhưng người nói: “Phó mặc cho ý Thiên Chúa, đây sẽ là lần thứ hai tôi bị bắt vì Chúa Giêsu Kitô”.
Vì vậy khi Lý Pháp hỏi người có phải là cụ đạo không, người nhận ngay nên bị bắt trói lại. Giáo dân muốn có cha giúp đỡ phần thiêng liêng cho họ nên đã phải chạy tiền mới xin cho Cha Lạc được tự do. Cha Lạc dùng thuyền về nhà nhưng trên đường gặp mưa gió lớn phải đến một nhà quen trú ẩn. Cũng lúc đó, vì nghe Lý Pháp bắt được cụ đạo nên quan huyện đang dẫn người đi tới. Người nhà thấy vậy vội hô lên nho nhỏ để người chèo thuyền không ghé lên bờ: - “Quan! Quan!”
Nhưng người chèo thuyền lại nghĩ là người ta nói đùa nên cứ ghé lên bờ. Cha Lạc liền bị chận hỏi, người nhận mình là cụ đạo nên bị bắt trói còn những người khác chạy trốn được. Ðêm ấy Cha Lạc ngồi nói chuyện vui vẻ với lính canh và người nhà quan. Cha nói: “Vua cấm đạo và Ðức Chúa Trời định cho tôi phải bắt, tôi không sợ gì, trái lại vui nữa là khác”.
Sáng hôm sau quan ngồi ăn một mâm, Cha Lạc cũng ngồi ăn một mâm, quan nói: “Ông ngồi một mình một mâm thì cũng là quan, ông là quan bên đạo, tôi là quan bên đời”.
Trước khi đưa về huyện, quan sai làm gông bằng tre nhẹ đeo vào cổ Cha Lạc.
Về tới huyện Bình Lục, quan nói với Cha Lạc: “Tôi không có ý bắt ông nhưng kẻ tố giác cứ lên cáo mãi nên tôi phải đi”.
Cha Lạc thưa lại: “Ông không có ý bắt tôi thì hãy tha tôi về”.
Quan đáp: “Bây giờ sự việc đã lộ rồi không làm gì được nữa”.
Quan nói như vậy là có ý muốn ăn tiền đút lót, nên giáo dân lo gom góp tiền, và ông Cửu Bình cũng muốn cầm cả cơ nghiệp để có đủ tiền chuộc cha về, ông viết thư cho người: “Thưa cha, cha chịu chết thì một mình cha lên thiên đàng, mà nếu cha còn ở lại thì bổn đạo chúng con được nhờ, vậy xin cha nghĩ lại”. Nhưng cha Lạc đã cấm họ đem tiền chuộc, cha nói: “Tôi bị bắt lần này là lần thứ ba, thì đó đúng là thánh ý Chúa định cho tôi như vậy, anh chị em đừng mất tiền chuộc tôi làm gì”.
Ðức Cha Retord (Liêu) cũng sai Thầy Sự mang 5 nén bạc đi chuộc Cha Thi và Cha Lạc, đức cha nói: “Hai cụ ấy tốt lắm, có thể chuộc được thì chuộc”.
Cha Lạc nói lại với Thầy Sự: “Thầy nghĩ mà xem, tôi cũng như Thánh Phêrô, khi phải bắt lần trước được giáo dân cầu nguyện cho và được về, lần thứ hai giáo dân cũng lo liệu cho được thoát khỏi, nhưng ý Chúa đã định cho tôi phải chết vì Người như thánh Phêrô, thì nói bổn đạo đừng chuộc tôi nữa”.
Quan huyện lấy lời ngọt ngào dụ dỗ hai cha quá khóa, với Cha Lạc ông nói: “Thầy đạo, thầy biết nhiều chữ nghĩa và còn trẻ nữa thì tại sao lại muốn chết, có phải là uổng không? Hãy tin tôi đi, nhắm mắt lại bước qua ảnh thánh hoặc chỉ đi vòng chung quanh, nếu thầy muốn thì để cho lính của tôi khiêng thầy qua, tôi sẽ làm án tha ngay”.
Cha Lạc dõng dạc thưa lại: “Tôi không bao giờ làm theo ý quan vừa nói đâu. Hãy khép án tôi phải cắt trăm mảnh thì hơn”.
Không lay chuyển được lòng hai cha, quan huyện làm tờ trình là bắt được hai cha ở ngoài ruộng để không ai bị phiền vạ lây, rồi dẫn giải cả hai về Hà Nội giao cho quan án. Về sau Cha Lạc sai người nhà mang rượu và 100 viên thuốc biếu quan huyện để cám ơn ông đã khai như vậy.
Với giáo dân đi theo tiễn đưa khóc lóc, Cha Lạc nói: “Chúng tôi cám ơn anh chị em, anh chị em hãy về nhà và sốt sắng làm tôi thờ phượng Chúa cũng như là chúng tôi còn ở giữa anh chị em. Than khóc như thế này không có ích lợi gì mà còn tăng thêm sự phiền khổ cho chúng tôi”.
Ngay ngày hôm sau khi vào nhà tù ở Hà Nội, ngày 17-11, các quan bắt đầu cuộc thẩm vấn, chính Cha Lạc thuật lại trong thơ gởi cho Ðức Cha Jeantet như sau: “Ngày 17, quan đã giao nộp chúng con cho quan án để truyền lệnh bắt chúng con bước qua ảnh thánh giá. Vì chúng con từ khước nên năm sáu anh lính xấn lại khiêng chúng con qua. Cha Thi đã ôm được thánh giá nhấc lên và hôn kính. Phần con, con cho chân lên rất cao và nói với họ: - 'Hãy chặt bớt chân ta đi, ta rất bằng lòng chứ đừng hòng trông ta chối đạo.
Sau đó quan lại hỏi vì sao đạo không cho phép thờ kính tổ tiên. Con đáp lại: 'Nếu có ai chào khi cha mẹ đang ngủ thì không có kể là tôn kính bởi vì các đấng không biết gì. Cũng một lẽ ấy còn mạnh hơn đối với người đã chết'.
Ngày 19 các quan lại gọi chúng con ra tòa lần thứ hai để ép buộc chúng con. Lần này họ bắt con đeo gông nặng hơn, và ngày 21 lại thay bằng xiềng. Xiềng của Cha Thi nhẹ hơn. Bốn ngày đầu con cứ chảy nước mắt hoài khi nghĩ đến các cha thừa sai và các anh em con. Nhưng từ ngày 15 tới nay thì con vui vẻ và bằng lòng, coi các khổ cực như không. Con thương Cha Thi vì tuổi cao không kham nổi những khốn khổ. Chúa đã thêm sức cho chúng con để không lo lắng gì nữa”.
Ðức Cha Jeantet viết thư cho hai cha để nâng đỡ các đấng bền gan chịu khổ cho đến cùng và xin Cha Lạc thuật lại các câu đối đáp với các quan. Cha Lạc đã viết thư trả lời: “Thưa Ðức Cha, khi chúng con được thư đức cha an ủi thì cảm động chảy nước mắt ra. Chúng con là gì mà được các cha thương lo lắng. Chúng con được biết đạo thật là nhờ ơn các đức cha và các cha thừa sai. Chúng con không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của chúng con. Riêng với đức cha, xin đức cha cầu cùng Chúa cho chúng con được giữ nghĩa cùng Chúa cho đến cùng. Chúng con đã viết tất cả những gì xảy ra cho chúng con trong tù cho đến bây giờ, con vẫn phải đối đáp những lời châm biếm của các người tù khác châm biếm đạo thánh. Con xin đức cha thương nhớ đến chúng con. Trong nhà tù rất khó viết thư cũng như nhận thư. Con không còn gì để viết. Vững mạnh như núi thái. Trần An Dũng”.
Ngày 30-11, các quan cho đòi hai cha lên để ký nhận bản án. Tuy nhiên các quan còn cố ép các cha quá khóa. Một người nhắc đến việc Thầy Phanxicô đã muốn chết hơn là chối đạo. Cha Lạc nhân cơ hội nói lên sự can đảm của mình: “Người tín hữu mà quan vừa nói chỉ là một đồ đệ của chúng tôi, đã biết chọn nghĩa vụ hơn là sự sống. Còn chúng tôi là các thầy đạo lại kém lòng can đảm hơn không dám đi theo con đường chúng tôi đã vạch ra cho họ sao? Không bao giờ, thưa các quan, các quan đừng chờ đợi việc hèn nhát này”.
Các quan bế mạc phiên tòa nói với nhau: “Bọn chúng bám vào tôn giáo đến nỗi điên khùng”.
Ba lần bị tra khảo nhưng các đấng không bị đánh đập tàn nhẫn, chỉ một vài cái tát mà thôi. Cha Lạc làm một bài thơ gửi cho Cha Thực nói lên chí khí của người Kitô:
Lạc rầy đã rõ chốn quân quan.
Bút chép thơ này gửi thở than.
Lòng nhớ bạn non còn vất vả.
Dạ thương khách chạy chưa yên hàn.
Ðông qua tiết lại thời xuân tới.
Khổ tạm mai sau hưởng phúc an.
Làm kẻ anh hùng chi quản khó.
Nguyện xin cùng gặp chốn thanh nhàn.
Tuy không phải chịu khốn khổ nhiều nhưng lòng các cha hằng muốn cho mình được xứng đáng đổ máu đào vì Chúa. các đấng xin với những người nhà cầu nguyện để các đấng được bền vững trong khi chờ án tử. Các quan đã làm án xử trảm cho các đấng. Ngày 20 Cha Trân mang Mình Thánh Chúa cho hai cha. Ngày hôm sau bản châu phê án được mang về tới Hà Nội. Cha Dũng cùng với Cha già Thi vui mừng hát thánh ca theo chân lý hình ra khỏi thành. Tới nơi, các đấng quì cầu nguyện, ngước mắt lên trời và nghiêng cổ ra cho lý hình chém. Nhiều người làm chứng là đã nhìn thấy một con chim trắng, to lớn hơn chim bồ câu, bay lượn trên các đấng lúc hành quyết. Lệnh quan vừa dứt, đầu Cha Dũng cũng rơi xuống đất.
(bị bắt 10-11-1839, xử trảm 21-12-1839)
Cha Phêrô Phạm Văn Thi sinh năm 1763 tại Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nội, trong một gia đình rất đạo đức. Người có cháu ruột cũng tử vì đạo là Thánh Ðường.
Vì cha mẹ nghèo, từ nhỏ cậu Thi phải đi chăn trâu cho nhà dòng ở Kẻ Ðầm cũng thuộc một nhà Kẻ Sở. Các bà thấy cậu Thi có nết na lễ độ thì xin cha xứ nuôi và cho vào nhà Ðức Chúa Trời. Năm ấy cậu được 12 tuổi. Sau nhiều năm học La Tinh trong nhà tràng, cậu Thi được chính thức nhận vào bậc kẻ giảng năm 1796. Thầy Thi sốt sắng và nhiệt thành với bổn phận, lại có nhiều năng khiếu nên đuợc bề trên gọi về học thần học và chịu chức linh mục ngày 22-3-1806. Năm ấy cha được 43 tuổi.
Trước hết Cha Thi được bổ nhiệm coi xứ Sông Chảy thuộc vùng Hưng-Tuyên. Người ở đó 27 năm cho đến năm 1833. Giáo dân đã làm chứng về người như sau: “Cha Thi là người nhân đức khác thường, mỗi ngày người đọc kinh lâu giờ ba bốn lần, làm lễ nghiêm trang, hay bị sốt và đau bụng, có nhân đức tiết kiệm, khắc khổ trong việc ăn uống và thường ăn chay các ngày thứ Sáu”.
Ðức Cha Phó Jeantet (Du) cũng khen cha như sau: “Tôi quen biết Cha Thi từ năm 1835 và rất thán phục cha là người phúc độ sốt sắng, trung thành tuân giữ các luật chung, hiền lành và khôn ngoan”.
Ðặc biệt Cha Thi trổi trang về nhân đức khó nghèo và muốn cho mọi người khác cũng bắt chước yêu chuộng nhân đức ấy. Cha chỉ mặc áo vải nâu và đội khăn sồi mà thôi. Tại nhà xứ, mọi người trong nhà phải giữ phép tắc, chăm chỉ học hành, đọc sách và không được chuyện trò lâu với đàn bà. Chính Cha Thi khi tiếp khách cũng rất mực khiêm tốn, ít lời, nhưng với các cha khác thì người vui vẻ vồn vã hơn. Mỗi năm người chỉ ở trong xứ hai tháng, còn lại đi thăm các họ lẻ, sốt sắng dậy dỗ và khuyên bảo con chiên bổn đạo. Có một lần đi làm phúc ở họ Thác Ba người bị đắm thuyền, người giúp việc chết đuối nhưng người nhờ ôm hòm đồ lễ đã thoát nạn.
Năm 1833, Cha Thi đã 70 tuổi được bề trên đổi về xứ Kẻ Sông trong sự nhớ nhung của bổn đạo xứ Sông Chảy. Thời kỳ này có cuộc bắt đạo dữ dội, Cha Thi phải trốn ẩn trong nhà giáo dân không thể đi làm phúc được. Nhiều khi người ta không dám mời người đi giúp bệnh nhân sắp chết vì sợ người bị bắt, nhưng người bảo họ phải liệu mọi cách để giúp người sắp chết, còn nếu Chúa muốn cho phải chịu khổ vì đạo thì hoàn toàn phó thác theo ý Chúa. Dù tuổi cao sức yếu và hay bị bệnh Cha Thi vẫn không bao giờ kêu ca, mà vẫn luôn yên ủi và niềm nở với mọi người. Người ở Kẻ Sông được 7 năm thì ý Chúa muốn cho cha được làm chứng lời chân thật người đã rao giảng bằng cái chết anh hùng vì đức tin.
Cha Dũng (Lạc) ở xứ bên cạnh thường sang gặp Cha Thi để bàn hỏi và xưng tội. Ngày 10-11-1839, hai cha đang ở nhà ông khán Hộ thì ông lý trưởng Pháp cùng với bốn gia nhân đến bắt. Lúc bấy giờ là giữa trưa. Hay tin, Cha Thi vội đi trốn vào phòng riêng nhưng Lý Pháp đã theo sát người và bắt người trói lại. Cha Dũng cũng bị bắt luôn. Sau một hồi lâu Lý Pháp cởi trói cho hai cha và mời cùng ngồi để đàm luận. Lý Pháp bắt đầu nói với hai cha: “Tại sao có lệnh vua cấm đạo rồi mà các ông cứ lén lút dậy đạo?”
Cha Thi đáp: “Thiên Chúa sai chúng tôi đi để dậy người ta tập tành nhân đức làm việc thiện, tôn kính cha mẹ. Ðạo chúng tôi không dậy điều gì sai trái cả”.
- “Dù đạo phải hay trái, không thành vấn đề, nhưng có lệnh vua cấm thì tôi bắt các ông”.
các đấng đáp lại điều đó tùy ý quan. Tuy nói là lệnh vua cấm nhưng ông lý trưởng đã đề nghị nộp cho ông 300 quan tiền ông sẽ trả tự do. Các cha nói với ông điều đó tùy giáo dân. Quan cho gọi người đứng đầu trong họ đạo để dàn xếp nội vụ. Giáo dân chỉ có 200 quan để nộp nên ông chỉ trả tự do cho Cha Lạc, còn bắt Cha Thi. Khi trở về, Cha Lạc lại bị bắt lần nữa khiến ông lý trưởng sợ lộ tẩy đã phải giải Cha Thi về huyện quan Bình Lục. Trên đường hai cha gặp lại nhau trong cảnh tù đầy.
Quan huyện được giáo dân đút lót chút đỉnh nên làm tờ phúc trình bắt được các cụ ở ngoài đồng để giáo dân không ai bị liên lụy. Thấy Cha Thi có tuổi mà trời rất lạnh, quan huyện mới hỏi Cha Thi xem có chăn đắp không thì người lính nói thay là Lý Pháp đã lấy rồi. Quan truyền lệnh phải trả chăn lại cho cụ Thi. Quan huyện tiếp đón các đấng rất tử tế, mời các đấng ngồi trên phản có chiếu sạch. Khi giáo dân dọn cơm thì quan bắt lấy mâm của mình mà dọn cho các đấng. Sau ba ngày, quan huyện giải hai cha về Hà Nội, có đông giáo dân theo khóc lóc. Thấy vậy quan huyện nói: “Ðạo dậy những gì mà giáo dân thương tiếc các cụ như thế?”
Một bà đạo đức đứng gần thưa lại quan: “Bẩm quan lớn, các cụ dậy chúng tôi những điều nhân đức, chồng phải hiền lành, đừng cờ bạc, rượu chè, còn vợ thì phải biết nhịn nhục, vâng lời chồng”.
Vì Cha Thi đã nhiều tuổi không đi được nữa, quan bảo giáo dân thuê cáng mà mang người. Trước khi lên đường quan huyện còn giết heo cúng tế trời đất và biện bạch: “Không phải lỗi tại tôi muốn bắt bớ những người hiền lành mà chỉ vì tôi phải theo lệnh. Xin án phạt có xuống thì xuống trên người đã ra lệnh”.
Ngày 16-11, Cha Thi được giải đến Hà Nội và giam trong trại gần cửa đông, không phải ở chung với các tù phạm khác. Các tên lính canh cũng rất tử tế với các đấng, chúng nói: “Chúng tôi biết hai cụ không phải như các tù nhân khác. Hai cụ hiền không nghĩ đến việc trốn đi nên chúng tôi chẳng dám làm khổ các cụ”.
Vì thế Cha Thi không phải mang gông cùm bao giờ, còn Cha Dũng (Lạc) phải mang gông có ba tối. Thức ăn giáo dân mang đến hai cha cũng chia sẻ cho lính canh. Mỗi ngày hai buổi các cụ đọc kinh chung với nhau. Có bà Ro thuộc nhà dòng Kẻ Uối và tổng Thìn lo săn sóc các việc vật chất cho hai người.
Hai cha phải tra hỏi ba lần. Phần Cha Thi vì già và nghễnh ngãng nên Cha Dũng thưa thay. Quan huyện cũng bẩm với quan thượng rằng: “Hai thầy đạo thà chịu chết chứ không bước qua ảnh đạo, tôi đã thúc ép hai lần ở dưới huyện mà không thành công. Hai người thật thà xin quan lớn thương”.
Lần thứ ba quan thượng bảo hai cha quá khóa nhưng các đấng không chịu, một tên lính liền đẩy Cha Dũng ngã xuống. Cha Thi vì già vẫn ngồi yên liền sấp mình xuống ôm chân thánh giá.
Trước lòng kiên quyết của các đấng, quan làm bản án tử hình cho các đấng như sau: “Sau khi họp hội đồng, các thần là Nguyễn Phúc Hoan, quan hộ, và Lương Mộc Quang, quan án, đã xem xét kỹ lưỡng hai tội phạm Trần An Lạc và Phạm Văn Thi đã theo tà đạo từ thuở nhỏ và dụ dỗ lê dân. Họ đã ghi khắc sâu đạo lý sai lầm từ lâu chứ không phải một vài ngày. Hoàng thượng đã ra nhiều chỉ dụ cấm dậy dỗ dân chúng đạo này và bắt từ bỏ những thói tục sai trái, thế nhưng họ chẳng những đã không tuân lệnh mà còn tàng trữ sách đạo và ẩn trốn cho đến ngày bị bắt. Ðược khuyên bảo bước qua ảnh họ vẫn một mực cố chấp xin được chết hơn là làm điều này. Hiển nhiên là đạo này đã ăn sâu vào tâm hồn chúng. Chúng thần xét nghĩ là họ đáng chết theo như luật quốc gia đã định rằng kẻ nào tàng trữ sách quấy quá, hoặc dậy dỗ thực hành quái lạ thì phải giam trong ngục cho đến khi được định thể khác. Vậy đối với hai tội phạm Trần An Lạc và Phạm Văn Thi các thần muốn áp dụng khoản luật vừa nói nhưng chúng đáng chịu một hình phạt nặng nề hơn, phải chém đầu để răn bảo những người khác”.
Ðể chuẩn bị cho ngày được dâng mạng sống mình vì đức tin, Cha Thi thường xuyên đọc kinh cầu nguyện và ăn chay hãm mình mỗi tuần 4 ngày. Ngày 21-12 cha được rước Mình Thánh lần cuối cùng do Cha Trân mang vào. Giữa trưa hôm đó có người lính báo rằng bản phê án của vua đã tới. Cha Thi nói ngay: “Ðúng là án của chúng tôi rồi”.
Tức thì cha và Cha Dũng phân phát cho lính canh các đồ dùng còn lại. Ngay sau đó ông lãnh binh đã đem lính đến nhà giam để dẫn giải các đấng đến pháp trường. Cha Thi vì yếu đã ngã trên đường. Lúc ấy có một tên lính đến nói nhỏ mình cũng là người tín hữu Kitô xin được cõng cha trên lưng. Cha Thi đã cởi đôi xăng đan, một đồ dùng cuối cùng, và cho anh ta. Tới Ô Cầu Giấy, Cha Thi quì cầu nguyện trên chiếc chiếu do các bà dòng đã trải sẵn. Người cầu nguyện và dáng điệu vững vàng hơn bao giờ hết. Trước khi hành quyết, quan giám sát truyền lệnh cấm không ai được thấm máu tử tù và khi có hiệu thì phải chém đồng loạt. Khi hiệu vừa ban ra, tên lý hình điêu luyện đã chém cổ người vừa khít để lại một chút da treo đầu trên cổ để giáo dân dễ dàng ráp lại. Nhưng quan lại bắt phải lấy hẳn đầu ra rồi ông và đoàn tùy tùng mới rút lui.
Giáo dân thu xác Cha Thi lại đem về an táng tại Kẻ Sở. Tên lý trưởng đã bắt Cha Thi về sau bị Chúa phạt hóa ra điên, còn cô con gái lấy khăn thánh may yếm để mặc đã bị thổ tả chết một ngày sau khi mặc yếm vào người.