(bị bắt 16-12-1839, chết đói khát 27-6-1840)
Thày Toán quê quán làng Cần Phán, tỉnh Thái Bình, sinh năm 1767. Người đã dâng mình cho Chúa ngay từ hồi còn bé. Vì người rất hăng say nhiệt thành làm việc tông đồ nên người được bề trên tin tưởng cho khấn Dòng Ba Ða Minh, và chọn người về coi sóc việc dòng tại nhà chung Trung Linh. Người đã làm việc ở đây rất lâu năm, cho đến khi cấm đạo gắt gao quá người đã ẩn trong làng với Cha Cố Tuyên. Lúc bấy giờ có một người trong làng tên là Lang Tứ đi tố cáo với quan phủ Xuân Tràng là có hai cụ ẩn trong làng. Ngày 16-12-1839, quan phủ dẫn lính đến vây làng Trung Linh. Quan bắt tất cả các thanh niên cho đến ông lão đến điểm mặt tại đình làng rồi đi lục soát tất cả mọi nhà. Cha Cố Tuyên rủ thầy già Toán đi ẩn trốn với người. Nhưng thầy già thưa với người: “Cha là linh mục nên cần phải đi ẩn trốn để giữ sinh mạng mà ban các bí tích cho giáo dân, những việc này con đâu có làm được”.
Thầy già nghĩ chắc chẳng có ai tố cáo mình nên nhập bọn với những người trong làng và lấy tên là Thi để ra đình điểm mục. Nhưng ác thay, tên chỉ điểm đã tả rõ hình dáng người với quan là có một cụ sói đầu nên thoạt thấy người, quan bắt tháo chiếc khăn quấn đầu ra để kiểm chứng. Người thưa với quan người không phải là đạo trưởng, nhưng quan không nghe, truyền đóng gông và giải người về phủ với hai vị quan viên của làng Trung Linh.
Về đến phủ, quan liền dụ dỗ hứa tha người về nếu người chịu quá khóa, nhưng người thưa: “Bẩm quan lớn, dù quan lớn có đánh đòn và giết tôi, tôi cũng chẳng dám làm chuyện đoù”.
Quan lớn hết dùng những lời ngon ngọt dụ dỗ đến những lời đe dọa, xỉ vả và đánh đập, người cũng nhất quyết không bỏ đạo. Quan giận dữ bắt người giam vào nhà tù. Ngày hôm sau quan phủ điệu người về tỉnh Nam Ðịnh giao cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Ở đây người cũng bị quan tổng đốc hành hạ đánh đập đủ mọi cách nhưng người vẫn không chịu bỏ đạo. Quan liền bắt người hết ngày này sang ngày khác, lúc thì phải đứng chết lạnh ngoài trời, lúc thì đứng trần truồng giữa sân để người ta qua lại chê cười và xỉ vả người. Dù hành hạ cách nào đi nữa người cũng cứ cương quyết không chịu bỏ đạo.
Nhưng hỡi ôi! Chẳng được bao lâu, người đã phải ngã gục hai lần trước sức mạnh tàn ác của kẻ thù, và cũng hai lần người đã trỗi dậy, ăn năn và than khóc cho sự yếu đuối của mình.
Lần thứ nhất, chúng dùng một vị quan viên làng Trung Linh, cũng bị bắt với người nhưng đã bỏ đạo, để dụ dỗ người. Quan truyền cho ông phải dụ dỗ người bỏ đạo cho bằng được, nếu không ông cũng sẽ bị chung số phận với người. Vị quan viên này cùng với ba người khác thuê thêm lính đến than khóc, năn nỉ, van nài người bỏ đạo để họ khỏi bị chết. Những tiếng khóc kêu van thảm thiết của họ đã dằn vặt tâm trí người quá đến nỗi người chịu đựng không nổi, thêm chút nữa thì người đã đầu hàng chịu thua rồi. Cách mấy ngày sau, 19-01-1840, quan lại truyền cho họ đến tiếp tục dỗ dành và kêu trách người thảm thiết hơn. Người động lòng thương hại muốn cứu mạng sống của những người này nên cuối cùng người đã đau xót đầu hàng chịu bỏ đạo. Ai có thể tả nổi quang cảnh lúc bấy giờ? Các quan toà, đám cận vệ, quân lính và tất cả những người chung quanh, ai ai cũng reo hò chiến thắng trên sự đau khổ của người. Chỉ có một người gượng ép bỏ đạo mà họ dậm chân múa tay reo hò vui mừng bất tận cứ như là cả một tôn giáo đã bị tiêu diệt rồi vậy. Quan chúc mừng thầy già đau khổ và khuyến khích người giữ mãi quyết định này, nhưng truyền đem người về giam lại trong ngục mấy ngày nữa xem người có thực lòng hay không rồi mới tha về. Nhưng về đến ngục, ơn Chúa đánh động tâm hồn người, người đã ăn năn khóc lóc cho tội lỗi của mình: “Lạy Chúa tôi, tôi thật đã quá điên rồ nên mới nghe người ta mà phạm tội chối bỏ chính Thiên Chúa tôi. Tôi quyết ăn năn dốc lòng chừa không bao giờ phạm tội như vậy nữa”.
Những tên phản nghịch cố gắng an ủi người và dụ người giữ quyết định bỏ đạo nhưng đều vô ích. Ơn Chúa đã khiến người ăn năn thật tình tự đáy lòng người. Khi Cha Cố Tuyên nghe tin người đã quá khóa, liền viết thư khuyên bảo người ăn năn trở lại. Cách mấy ngày sau, Cha Hiển cũng bị giam cùng chỗ với người, nhờ đó người được giải tội. Ơn thánh của bí tích giải tội đã mang lại sự bình an và yên tĩnh cho tâm hồn người. Ngày ngày ở trong ngục người ăn năn khóc lóc, hãm mình đền tội, cầu xin Chúa thêm sức mạnh để xưng đạo trước mặt các quan.
Sau biến cố trên, người bị giam cho tới ngày 18-4-1840, mới lại bị điệu ra trước mặt quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Ðức Cha Hermosilla thuật lại cuộc tra khảo này như sau: “Giữa tháng Tư, Thầy Toán lại bị điệu ra trước tòa án với hai người giáo dân đã bỏ đạo. Quan lớn nói với thầy: 'Bất cứ người nào trước đã không tuân lệnh vua, nhưng nếu sau ăn năn mà chịu bỏ đạo thì vua cũng sẽ tha, mà ta thì càng thương và tha ngay.
Thầy già liền trả lời: - 'Thưa quan lớn, tôi không có ý bỏ đạo bao giờ nữa.'
Quan lớn giận dữ truyền đánh đập thầy, xỉ vả và dọa nạt thầy đủ thứ. Chúng còn tìm đủ mọi cách ác ôn hành hạ tra tấn thầy cho đến khi chịu bỏ đạo mới thôi. Nhưng thầy già đáng kính của chúng ta đã anh dũng chịu đựng tất cả mọi cực hình đó”.
Khoảng hai ngày sau, quan lớn lại truyền mang người ra hành hạ người cách khác, nhưng tất cả đều vô ích, người vẫn nhất quyết không chịu quá khóa nữa. Thấy mọi cực hình và đánh đập chẳng ăn thua gì, viên quan độc ác lại giao người cho hai tên phản nghịch đã bỏ đạo và truyền cho chúng phải làm sao cho người bỏ đạo lại mới được, nếu không chúng cũng sẽ phải chết. Hai người giáo dân này lại hợp sức với quân lính và các quan cố làm cho người phải ngã lòng. Khó mà có thể diễn tả cho đầy đủ các cực hình khổ nhục mà thầy già đã phải chịu đựng trong bốn ngày liền. Kẻ thì xỉ vả chửi rủa người, kẻ thì nhổ nước miếng vào mặt người, kẻ thì đánh đập hành hạ người đủ mọi cách, có kẻ còn dám thốt ra những lời hèn hạ tục tĩu phạm thượng đến Chúa và Ðức Mẹ. Theo lời Ðức Giám Mục Hermosilla thì “chính những lời nói phạm thượng đáng sợ này đã làm cho thầy già đáng kính phải phải đau đớn khổ sở nhất. Cũng chỉ vì quá động lòng vừa thương hại người ta, vừa nghe những lời xấu xa khả ố xúc phạm đến Thiên Chúa, thầy đau đớn quá chịu không nổi đã đành lòng đầu hàng tuân theo lệnh của vị quan vô thần này”.
Quan lớn thấy người đã bỏ đạo nên rất mừng rỡ truyền tháo gông và thay quần áo sạch sẽ cho người rồi đem người đến một nơi rộng rãi cho người nghỉ ngơi. Thiên Chúa, đầy quyền năng và nhân từ đã không cho phép người ở lâu trong tình trạng đáng thương này. Với lòng nhân từ, Thiên Chúa đã dẫn lối cho người biết nhìn nhận tội lỗi gớm ghiếc của mình, đồng thời đổ tràn ơn thiêng xuống trên tâm trí người làm cho người khóc lóc ăn năn tội hết lòng hết sức. Dù cho những kẻ phản nghịch có cố gắng an ủi cách nào đi nữa, người cũng chỉ khóc lóc đấm ngực ăn năn dốc lòng chừa tội gớm ghê của mình, và hăng hái tuyên xưng đức tin hơn bao giờ hết. Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu đã xếp đặt cho người đầy tớ ăn năn được dịp thống hối ăn năn qua bí tích Giải Tội mà người hằng mong ước, vì đúng 15 ngày sau, Thiên Chúa gửi đến người Cha Ðôminicô Trạch, bị bắt và bị giam cùng chỗ với người để người được xưng tội cùng cha thánh tử đạo tương lai.
Sau vài ngày được rửa sạch linh hồn trong máu Con Chiên Thiên Chúa, người phải chiến đấu ác liệt hơn những lần trước. Vị quan độc ác với niềm vui giả dối, nói diễu với quân lính: “Mang cụ già Toán ra đây cho hắn tập quá khóa kẻo hắn quên mất”.
Quân lính liền điệu người ra lần nữa, quan lớn truyền cho người quá khóa, nhưng người thưa lại: “Thưa quan lớn, tôi chẳng dám bỏ đạo bao giờ nữa. Tôi sẵn lòng thà chết chứ chẳng thà tuân lệnh quan lớn”.
Trịnh Quang Khanh cứ nghĩ là thầy già sẽ tuân lệnh một cách mau mắn chứ đâu có ngờ người lại anh dũng trả lời như vậy. Ông giận dữ ra lệnh cho quân lính đánh đập người và kéo người qua cây Thánh Giá, nhưng chẳng làm sao được vì người đâu có lẽ nào chịu bỏ đạo nữa. Quan lớn vừa xấu hổ vừa bối rối giận dữ sai quân lính bắt người nằm ngửa xuống đất đập nát chân tay người. Chúng tuân lệnh đánh đập dữ tợn khắp thân thể người không chừa một chỗ nào. Rồi quan truyền lệnh lôi người qua cây Thánh Giá trong tình trạng đáng thương như vậy. Phẫn nộ vì hành động ép bức này, thầy già chỉ biết ăn năn tội và la lớn lên: “Thật tôi không muốn bỏ Chúa tôi đâu”.
Quan giận tím cả mặt mày chửi rủa người bằng những lời xỉ nhục độc ác nhất và truyền lính đóng gông rất lớn và nặng, đồng thời bắt chúng phải tìm đủ cách làm cho người quá khóa. Quân lính quyết phá tan thành trì đức tin được xây bằng đá rắn chắc này, nhưng tất cả những mũi tên của chúng dù có được bắn đi mạnh mẽ thế nào cũng không hề lay chuyển tâm hồn người được nữa, vì người đã được bảo vệ với sức mạnh trên trời. Quan lại truyền cấm không cho người ăn uống một chút nào, bắt trói người hầu như trần truồng nơi công cộng để người ta nhạo cười, xỉ vả và làm khốn nhục người. Suốt ba ngày liền, không ngày nào chúng để cho người yên thân. Kẻ thì nhổ nước miếng vào mặt, kẻ thì nhổ râu nhổ tóc người, có kẻ còn đi tiểu vào mặt người và nhiều sự vô phép với người. Ðã thế người còn phải chịu đựng mưa gió nắng rét ngoài trời cùng với biết bao nhiêu sự khốn khó khác, nhưng người bằng lòng chịu đựng những sự khổ nhục này, không kêu la một tiếng nào.
Sau đó quan truyền ngưng hành hạ người và bắt quân lính dọn một mâm cơm có nhiều đồ ăn ngon rồi bảo người: “Ăn đi còn lấy sức mà bước qua cây Thánh Giá”.
Nhưng người trả lời: “Ăn để mà bỏ đạo thì tôi không thèm”.
Quan nghe thấy vậy giận điên lên bắt giam người như trước và truyền lệnh cấm không cho ai được mang đồ ăn đến cho người. Như vậy quan đã có ý định muốn người phải chết đói mà không cho vua biết. Quan sợ vua không truyền giết người cho sớm nên ra lệnh: “Cấm không ai được đem thức ăn cho hắn, kẻo sống hắn lại tiếp tục giữ đạo Gia Tô”.
Ðức Giám Mục Marti cũng kể lại y hệt những lời nói của quan và nói rằng chuyện này xảy ra ngày 28-4-1840.
Một lần nữa, người lại bị đem ra đứng nơi công cộng chịu đói thêm 5 ngày nữa rồi chúng lại mang người về tra khảo, người vẫn một mực từ chối không chịu quá khóa. Quân lính lấy một cái dùi nung đỏ và dùi vào gót chân thâu suốt hai bên, rồi giam người trong nhà cầu tiêu hôi hám dơ dáy để hành hạ người. Nhưng người cứ chịu đựng chẳng nói một điều gì, như đá rất vững, sóng gió chẳng làm chi được người, và lũ quỉ dữ cũng chẳng làm cho người sờn lòng chút nào. Vì trước đã chối bỏ đức tin nên bây giờ người muốn tuyên xứng Ðức Kitô trước mặt mọi người. Dù có bị tan xương nát thịt người cũng vững vàng chịu đựng để đền tội mình. Lũ quỉ dữ chỉ có thể hành hạ đánh đập thân xác người chứ không thể thắng được linh hồn của vị anh hùng này.
Ðến ngày 9-5, như chúng ta đã thấy trong chuyện Cha Hiển, thầy già đáng kính đã bị điệu ra chung với Cha Hiển, rồi chúng đặt trước mặt mỗi người một cây Thánh Giá và sau lưng mỗi người một con voi, để mong hai đấng thánh này sợ voi đạp chết mà chạy qua cây Thánh Giá chăng. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì, vì cả hai đấng đều không sợ chết. Cũng ngày hôm đó, quan đã giận dữ đe dọa cấm không cho bất cứ ai đem đồ ăn cho người. Nhưng dù thế, nhiều giáo dân xưa nay đã giúp người vẫn tìm ra cách đút lót tiền cho lính canh để mang đồ ăn vào cho người. Nhất là một người ngoại đạo, tên là Tham, đang làm cai đội cũng thương giúp người cơm nước và những thứ cần thiết. Hai chục ngày sau người cũng vẫn chưa chết, quan ngạc nhiên nên bắt người ra tra cứu: “Một là Ðức Kitô của ngươi có phép gì giúp ngươi, hai là ngươi có thuốc 'kỳ nam' đeo trong mình nên không chết chăng?”
Người nhận là có một ít người tốt lành đã thương hại mang đến cho người ít cơm. Quan tức khắc ra lệnh đánh đòn cả người lẫn lính canh, và để phạt người ông cấm chỉ từ này về sau không được cho người ăn uống gì nữa. Trên thực tế, lệnh này không khác gì một án tử. Vị quan giận dữ như một con thú điên đã truyền giam người ngoài trời và bắt rào chung quanh để không một ai có thể đến gần đem thức ăn cho người. Người bị giam ở đó đêm ngày chẳng có gì che thân, chẳng có gì ăn uống, thật khổ sở. May nhờ có sự giúp đỡ của cai đội Tham mà hai người đàn bà đem cho người được một cái chõng, một cái chiếu và một chút cơm. Sự giúp đỡ quá khó khăn nên cũng chẳng được bao nhiêu so với sự yếu đuối hao mòn của thân xác người. Nhưng bấy giờ người chẳng mong ước gì hơn là được chết, và nhất là được chết dưới tay đao phủ để cất gương mù đã chối đạo hai lần. Với lòng mong ước đó người đã chịu đựng những sự khốn khó để làm việc đền tội, như lời người hằng than thở mỗi khi có người đến gần: “Khốn nạn cho tôi vì tôi đã cả lòng nghe người ta mà phạm tội chối Chúa tôi, tôi phụ ơn quá, tôi ăn năn chừa thật, và chịu mọi sự khó này để được đền vì tội tôi đã phạm”.
Cuối cùng, ngày 27-6-1840, khoảng giữa trưa người đã trút hơi thở tại chỗ giam, thọ 73 tuổi. Khi người gần qua đời, chính cai đội Tham đã đến bên chăm sóc người, thay quần áo sạch sẽ cho người và thu góp quần áo cũ để giữ làm dấu tích thánh, rồi thưa với người, theo lời Giám Mục Marti kể lại: “Lạy ông, khi ông lên trời nhớ đến tôi cùng”.
Một tài liệu khác viết rằng: “Ngày 2-7, biết giờ chết sắp đến, thầy đã xin lính canh ngục: 'Thưa ông, chúng ta ở đây chỗ vắng vẻ quá, xin ông ban cho tôi một đặc ân mà không ai biết được, là khiêng tôi ra giữa sân rộng rãi để tôi chết ở đó'. Người lính đã mang thầy ra giữa sân và độ hai tiếng sau thầy trút hơi thở, ngón tay còn đang để trong miệng vì khát nước”.
Khi các quan biết tin người đã chết liền truyền chôn xác người cùng một chỗ hay chôn các tù nhân. Phêrô Dần và hai người giáo dân khác đã đút lót quân lính để lấy xác người cho vào quan tài và chôn cất tử tế. Sắp sửa chôn thì có hai người đàn bà từng chăm giúp người trong tù ước ao được xem mặt người lần cuối cùng. Nắp quan tài được mở ra, mọi người đều kinh ngạc khi thấy mặt người chiếu sáng một vẻ đẹp siêu thóat. Họ liền cắt lấy một ít tóc của người và chia cho nhau giữ làm kỉ niệm. Người được chôn cất ngay chỗ cũ, mãi đến tháng Giêng, năm 1841, tức 7 tháng sau, xác người mới được đem về táng ở nhà trường Lục Thủy Hạ. Sau này Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã phong chức Á Thánh cho người.
(bị bắt tháng 7-1838, xử giảo 10-7-1840)
Ông Antôn Quỳnh Năm sinh năm 1768 tại Quảng Bình, Trung Việt. Khi còn nhỏ đã cùng với hai anh đi tu, ở với Ðức Cha Labartette, đại diện tòa thánh coi địa phận Ðàng Trong. Nhưng vì nhà đã có hai anh đi tu rồi nên bố người là ông Nguyễn Hữu Hiệp gọi người về nhà, và bắt người lập gia đình với một cô thiếu nữ Công Giáo.
Antôn Quỳnh Năm là một người lính can đảm nên khi vua Gia Long đánh Phú Xuân đã cho người làm cai đội. Khi thời bình, thấy đời sống quân ngũ khó lòng giữ đạo, người mua đất làm nhà và xin xuất ngũ để học nghề làm thuốc và buôn bán. Tài khéo léo đã giúp người chữa được nhiều bệnh nhân đồng thời cũng thôi thúc người làm việc bác ái không tiếc tiền. Gia đình có ngăn cản thì người dọa sẽ vay tiền để tiếp tục làm việc bác ái. Sau người sinh sống ở làng Mỹ Hương được chọn làm trùm trưởng, và Ðức Cha Labartette phong cho người làm thầy giảng.
Khoảng đầu tháng 6-1838, Vua Minh Mệnh bắt đạo rất gắt và đang truy lùng Thừa Sai Candahl (Cố Kim) lúc đó đang ẩn trốn ở Quảng Bình. Theo lời khai của hai người con của Thánh Quỳnh Năm, vì người thường giúp các thừa sai ẩn trốn trong nhà đã có tiếng với các quan nên quan huyện Lệ Thủy đã sai lính đến làng của người dò xét tung tích Cố Kim. Lúc ấy người đã đem các đồ đạo và Cố Kim trốn ở Kim Sen. Hôm ấy người sai ông Du, gia nhân của người, về làng cũ lấy thêm đồ dùng, nhưng ông bị quân lính chặn lại tra hỏi chỗ ông trùm Quỳnh Năm giấu Cố Kim. Ông Du chối không biết nhưng lại thú nhận là chủ mình có cất giấu đồ đạo ở Kim Sen. Quan quân vội vã đến Kim Sen bắt được các người có mặt và các đồ đạo. Người con cả hay tin đem tiền đến chuộc. Quan tha cho mọi người trừ ông trùm Năm. Sau đó ông bị dẫn giải về Ðồng Hới giam giữ tại đồn vệ 7 ngày rồi chuyển về khám đường. Tại đây Thừa Sai Borie (Cố Cao), Cha Khoa, Cha Ðiểm và Thầy Tự cũng bị dẫn vào. Ông trùm Năm và Thầy Tự bị giam giữ tại khám đường trong vòng hai năm.
Sau khi bắt được người, quan huyện Lệ Thuỷ tra hỏi xem người còn giấu sách các linh mục ở đâu không, nhưng người chỉ khai tên các cha và các thầy đã bị bắt rồi để không làm hại ai. Theo lời tường thuật của y sĩ Nguyễn Hữu Trí, người bị tra khảo và ép buộc đạp ảnh thêm ba lần nữa. Lần thứ nhất vào ngày 2-8 tại nhà quan bộ Uân ở Bố Chính. Vị quan này lôi người qua thánh giá nhưng người đã phản đối la lên: “Ðó là việc quan làm chứ tôi không chịu”.
Quan bộ tức giận đánh người 10 cái tát và nói: “Ta là tổng đốc dẫn ngươi đi, nếu lên thiên đàng thì ngươi cũng lên, nếu phải xuống hỏa ngục thì cùng xuống”.
Bấy giờ quan án Trư muốn làm vui lòng quan tổng đốc nên cũng lấy roi đánh người.
Lần thứ hai tại phòng quan án, cũng có mặt quan tổng đốc. Quan truyền lính khiêng người qua ảnh và tuyên bố: “Tên Năm đã chối đạo”.
Người phản đối liền: “Ðó là việc quan làm, không khi nào tôi dám làm”.
Lần thứ ba bị ép buộc bỏ đạo, người xin với các quan cho người một bản án được chết như Cố Cao. Người ta còn thuật lại rằng sau lần tra khảo đó, quan tổng đốc đã hỏi Cố Cao tại sao các giáo dân khác đã chối đạo mà trùm Năm thì nhất định không chịu. Cố Cao đáp: “Những người khác vì ít hiểu biết đạo lý nên mới chối đạo, còn những người thông hiểu giáo lý và có đức tin mạnh thì không bao giờ. Tôi xin quan lớn đừng có cưỡng bách niềm tin của ông ta nữa vì hình khổ nào có ích chi”.
Trong thời gian giam tù có ai đến thăm mà khóc lóc thì người khuyên: “Xin đừng khóc nhưng hãy tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho tôi để tôi có sức chịu khổ hình vì Thiên Chúa”. Có lần người nói với con cái: “Khi bị bắt, bố đã muốn khai tất cả mọi người trong gia đình để cùng được chết với nhau vì đạo thánh”. Sau khi Cố Cao, Cha Khoa và Cha Ðiểm bị hành quyết ngày 21-11-1838, ông và Thầy Tự còn được Cha Ngôn đến thăm và cho chịu lễ hai lần. Hằng ngày ông sốt sắng đọc kinh Truyền Tin.
Ông trùm Năm và Thầy Tự bị bắt từ tháng 6 năm 1838 cho tới ngày 10-7-1840 mới bị hành quyết. Sau đây là bản tường trình cuối cùng của vị quan có nhiệm vụ xét xử các đấng: “Hạ thần Nguyễn Xuân Quang, quan án tỉnh Quảng Bình, thừa hành theo lệnh của Hoàng Thượng xin tấu trình rằng: Vào tháng 9 năm Minh Mệnh thứ 19, quan tổng đốc có giao nộp một bản án nói rằng đã bắt được tên Nguyễn Khắc Tự, đồ đệ của Thừa Sai Cao (Cha Borie), và một người nữa tên là Nguyễn Hữu Năm đã thú nhận tội cất giấu sách đạo. Quan án Phan Trư đã báo cáo như sau: Nguyễn Hữu Năm có tội vì cất giấu sách đạo, không chịu đạp ảnh và cũng không chịu bỏ đạo. Không phải là đạo trưởng nhưng hắn cũng cứng đầu và có tội như đạo trưởng Khoa và Ðiểm. Vì thế hắn phải xử án chém đầu. Nhưng án này đã được đổi lại ngày 28-11-1838. Còn về tên Nguyễn Khắc Tự giúp việc cho Thừa Sai Cao, đã không chịu đạp ảnh và thuộc hạng cố chấp và bất trị. Vì vậy thần kết án phải đòn 100 roi và lưu đầy xa ba ngàn dặm, tức là đi Phú Yên, khắc vào má bên trái hai chữ 'Tả Ðạo và má bên phải hai chữ 'Phú Yên'. Tờ trình của quan án Phan Trư đã được châu phê như sau: Tên Nguyễn Hữu Năm đã cất giấu sách đạo, còn tên Nguyễn Khắc Tự đã không biết hổ thẹn khi giúp việc cho tên mọi rợ (ám chỉ Cố Cao) và cố chấp không đạp ảnh. Hiển nhiên cả hai tên phải xếp vào hạng cố chấp và bất trị. Mặc dù chúng không phải là đạo trưởng, nhưng chúng cũng không kém mù quáng và cố chấp, và vì vậy phải liệt chúng vào số những người đáng ghét. Vậy cả hai phải bị xử giảo giam hậu. Cứ thế mà thi hành.
Năm sau tức là Minh Mệnh nguyên niên thứ 20, theo lệnh Hoàng Thượng hạ thần lại đòi hai tên Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn Khắc Tự ra trước sảnh đường hai ba lần, khuyên nhủ họ thức tỉnh trở về đường ngay. Nhưng chúng vẫn cố chấp như trước, không chịu đạp ảnh. Thần xin lập tờ bá cáo tâu trình Hoàng Thượng: Quả thật hai tên Kitô này không phải là linh mục nhưng mù quáng và cố chấp thật đáng ghét. Thần nghĩ không còn lý gì mà phải giam giữ họ trong tù nữa. Ðó là tờ trình của thần, nhưng các thượng quan trong tòa Tam Pháp lại xét rằng hai tên này phải xử giảo ngay. Ðến tháng 10 thần lại nhận được thư của tòa Tam Pháp truyền rằng theo lệnh của Hoàng Thượng phải hoãn lại việc hành quyết và triệu tập hội đồng hàng tỉnh, thúc ép họ trong tòa xem có hối cải không, rồi trình lại tất cả sự việc và chờ lệnh. Theo lệnh vừa nói, thần lại gọi hai tên tín đồ Kitô ra trước tòa, khuyên bảo và ra lệnh đạp ảnh, từ bỏ cố chấp. Chúng vẫn cương quyết không tuân lệnh. Chứng tỏ chúng vẫn chìm đắm trong u mê mù quáng. Vì vậy thần lập tờ trình này để trông thánh chỉ của Hoàng Thượng”.
Sau đây là lệnh cuối cùng của Vua Minh Mệnh: “Chúng tôi, Võ Xuân Cẩn, Bùi Ngọc Quí và Ðinh Văn Huy, vâng theo lệnh Hoàng Thượng, đã xét tờ trình của quan vào ngày 21-5. Chúng tôi truyền lệnh như sau: Tên Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn Khắc Tự theo tà đạo, tội đáng chết. Nhưng vì chúng thuộc hạng lê dân ngu dốt và vì lòng nhân từ của Hoàng Thượng không muốn đối xử cay nghiệt nên đã không ngừng ra lệnh cho các quan phải khuyên nhủ chúng sửa đổi để được ơn khoan hồng. Thế nhưng hai tên tội phạm vẫn ngụp lặn trong u mê mù quáng và cố chấp không chịu đạp ảnh. Vì vậy chúng đã tự chuốc lấy án chết. Vậy hai tội phạm phải bị xử giảo không trì hoãn nữa để cái chết của chúng răn bảo những kẻ còn cố chấp không biết tự cải hóạ Cứ thế mà thi hành”.
Thái độ của hai vị quan thật cương quyết. Theo lời thuật của nhân chứng trong lần tra hỏi cuối cùng, ông trùm Năm đã mạnh mẽ thưa: “Không bao giờ tôi ưng việc đạp ảnh”.
Quan tức giận quát lên: “Tại sao chúng bay mù quáng như vậy?” - “Ðồng ý là có mù quáng, nhưng chính các quan mới là những người mù, còn chúng tôi thì không. Xin hãy ghép cho chúng tôi bản án ngay đi vì chúng tôi sẵn sàng chịu chết, còn đạp ảnh thì không bao giờ”.
Khi bản án được vua phê chuẩn gửi về tới tỉnh ngày 12-6-1840 âm lịch, người con cả là ông Ngôn vội vào trong tù báo tin lúc người đang ăn sáng. Người liền nói với con: “Bố mong đợi giờ này đã lâu, bây giờ được như ý thì còn dùng của ăn dưới thế gian làm gì nữa”.
Thứ Bảy ngày 10-7-1840 ông trùm Năm và Thầy Tự được dẫn đến pháp trường gần sảnh đường, cũng là nơi đã hành quyết các Cha Cao, Khoa và Ðiểm. Sau khi từ giã những người thân yêu, cả hai người liền quì gối xuống ngay tại chỗ các cha đã bị xử tử khi trước. Quân lính trói hai tay vào hai cọc và chân vào một cọc như hình thánh giá rồi vòng giây qua cổ, mỗi đầu giây có ba tên lính cầm để khi nghe lệnh thì xiết giây xử tử các đấng. Lúc đó ông trùm Năm thầm thĩ cầu nguyện: “Chúa tôi xưa cũng đã phải giang tay ra như tôi bây giờ mà chịu đóng đinh...” Ngay lúc đó có hiệu lệnh, quân lính liền kéo giây xiết cổ và linh hồn các đấng bay về với Chúa.
Ngày 19-1 năm Minh Mệnh thứ 22, chánh án tỉnh Quảng Bình đã làm tờ phúc trình hằng năm về các vụ hành quyết, trong đó có ghi lại vụ hai Thánh Năm và Tự như sau: “Án xử giảo tức khắc có hai tội nhân là Nguyễn Hữu Năm, sinh năm Mậu Tý, 73 tuổi thuộc làng Mi Hương, tổng Thạch Xá, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, người kia là Nguyễn Khắc Tự, sinh năm Kỷ Tí, 32 tuổi, không rõ quê quán, được biết cư ngụ tại ngoại thôn làng Bình Hải, huyện An Mô, tỉnh Ninh Bình....” Lý do và bản án giống như tờ trình trên.
(bị bắt tháng 7-1838, xử giảo 10-7-1840 tại Quảng Bình)
Trong các thầy giảng, Thầy Phêrô Tự là người đã nêu một tấm gương hào hùng và trung thành với truyền thống thảo hiếu của người Á Ðông nhất. Khi hay tin Cố Cao (Cha Borie) bị bắt, thầy không sợ hãi quan quân, dám đến bên thầy mình và ôm gông khóc lóc. Chính vì thế thầy cũng bị bắt. Cha Cao phần nào sợ thầy yếu lòng chối đạo nên tìm cách chuộc cho thầy được tự do, nhưng thầy khảng khái thưa: “Lạy cha, con trông ơn Chúa giúp con chịu khó cho nên”.
Thấy vậy Cha Cao liền xé khăn đống đang đội trên đầu làm hai, giao cho thầy một nửa và nói: “Con hãy giữ miếng khăn này làm chứng lời con nói”.
Từ đó hai cha con phải giam chung với nhau. Thực ra tuổi tác của hai người suýt soát nhau. Cha Cao ngoài 30, thầy Tự khoảng 28 hoặc 29 tuổi. Có thể nói đây là một cuộc kết nghĩa đồng sanh đồng tử. Nếu Cha Cao được vinh dự đức cha tín nhiệm chỉ định làm giám mục thì thầy Tự cũng được quan kính phục coi thầy như đạo trưởng. Vì có lần sau khi đã tra khảo và đánh thầy 110 roi quan đã phải thốt lên: “Cậu thiếu niên này quyết tâm trở thành đạo trưởng và quả thực cậu xứng đáng như vậy. Hẳn phải được ơn Chúa phù trợ ban sức mạnh và mẫu gương của thầy mình khích leä”.
Theo lời khai của y sĩ Gioan Baotixita Nguyễn Hữu Trí, Thầy Tự sinh quán tại tỉnh Ninh Bình, Bắc Việt, theo giúp Cha Borie ở Bình Chính. Thầy rất nghiêm trang khắc khổ, đạo đức và chuyên cần, can đảm và bền tâm. Nhưng theo tờ trình các vụ hành quyết của chánh án tỉnh Quảng Bình thì thầy sinh năm Kỷ Tý, 32 tuổi, cư ngụ làng Bình Hải, huyện An Mô, tỉnh Ninh Bình.
Thầy Tự bị bắt tại Mĩ Hòa rồi cùng bị giải về Ðồng Thới với Cha Cao. Tại phủ đường, quan đánh đập Cha Cao để điều tra các cha khác và những giáo dân chứa chấp các đấng. Nhưng cha nhất định không chịu khai báo gì, nên quan càng tức giận đánh đập Thầy Tự thật dữ, với hy vọng thầy sẽ sợ mà khai ra. Thầy bị tra tấn 4 lần. Lần thứ nhất 30 roi, cách ba hôm sau thêm 30 roi nữa nên thân thể của thầy bị nát như tương, 11 ngày sau mới tạm lành thì thầy lại bị 30 roi khác làm tan nát thịt ra lần nữa. Ít ngày sau thầy bị đánh lần cuối cùng, nhưng thầy vẫn một mực trung thành không tiết lộ tên một ai. Trong những ngày bị giam tù riêng tại khám đường, thầy luôn luôn dành thời giờ cầu nguyện. Ngày cũng như đêm thầy phải đeo gông cổ và xiềng xích chân, thỉnh thoảng quan và lính vào mắng nhiếc thầy. Sau đó thầy bị kết án cùng một lúc với Cha Cao, Cha Khoa, Cha Ðiểm và ông Năm, nhưng vua Minh Mệnh truyền giam lại hai người giáo dân để dụ dỗ thêm cho đến khi bỏ đạo.
Ngày Cha Cao bị dẫn đi trảm quyết, cha đã không quên người bạn kết nghĩa, trao phó cho ông Năm với những lời âu yếm này: “Cha tưởng là chúng ta cùng được chịu chết với nhau nhưng sự việc lại xảy ra thể khác. Cha công khai nhìn nhận Thầy Tự là con, vậy tất cả lòng ưu ái của ông dành cho tôi thì tôi xin ông chuyển sang cho người con yêu quí của tôi”.
Sau khi ba cha bị xử trảm rồi, ông trùm Năm được phép lên ở cùng một chỗ với Thầy Tự để sáng tối đọc kinh chung với nhau và an ủi nhau. Cai đội Ðoài cũng để cho con cái ông trùm Năm tự do vào tù săn sóc hai người. Trong thời gian gần hai năm bị giam giữ, Thầy Tự được Cha Ngôn giải tội và cho rước lễ 4 lần. Trong bản án của Thầy Tự có một điểm đặc biệt các quan đã ghi: “Tên Tự, học trò ông Cao, đã không chịu đạp ảnh vì người ta đã cho nó ăn thuốc làm tăng sức mạnh và kiên trì trong lầm lạc. Vì lý do này mà nó không có hy vọng sửa sai”. Thuốc làm tăng sinh lực ở đây các quan có ý nói đến Mình Thánh Chúa Kitô mà các tù nhân Công Giáo được linh mục ban cho.
Diễn tiến bản án của Thầy Tự được trình bầy trong truyện tử đạo của Thánh Năm Quỳnh ở trên.
Trước hết bản án xử giảo của thầy được vua Minh Mệnh đổi thành giảo giam hậu. Sau quan lại xử lại như sau: “Tên Nguyễn Khắc Tự, học trò Cố Cao, không chịu đạp ảnh, thuộc vào hạng cố chấp và bất trị, vậy tôi kết án đánh 100 roi và lưu đầy 3.000 dặm tức là đầy đi Phú Yên, và phải ghi vào má trái hai chữ 'Tả Ðạo và má bên phải hai chữ 'Phú Yên'”.
Vua Minh Mệnh còn truyền lệnh cho các quan thúc ép chối đạo hai ba lần nữa, nhưng cả hai vị anh hùng, một già một trẻ đã được công nhận là thầy giảng mặc dù ông Năm có gia đình, trung thành xưng đạo thánh cho đến cùng.
Năm Minh Mệnh thứ 21 các quan ra bản án cuối cùng như sau: “Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn Khắc Tự theo tà đạo, tội đáng chết. Nhưng vì chúng thuộc hạng người thứ dân ngu dốt nên Hoàng Thượng lấy lòng nhân từ không muốn khắc nghiệt đã không ngừng ra lệnh cho các quan khuyên nhủ chúng sửa đổi để được ơn khoan hồng. Thế nhưng hai tên tội phạm vẫn ngụp lặn trong u mê mù quáng và cố chấp không chịu đạp ảnh. Vì vậy chúng tự chuốc lấy án chết. Vậy hai tên Nguyễn Hữu Năm và Nguyễn Khắc Tự phải xử giảo tốc hành để cái chết của chúng răn bảo những kẻ còn cố chấp không biết cải quá”.
Ngày 20 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 21, bản án của hai vị được vua châu phê và gửi về tới tỉnh. Người con trai của ông trùm Năm liền vào trong tù báo tin cho hai vị tử đạo. Hôm ấy là ngày thứ Sáu, ông và Thầy Tự đang dùng sáng. Sau khi trối trăn, hai vị đóng cửa nhà tù không tiếp ai để dọn mình. Khoảng trưa hôm thứ Bẩy, quan giám sát việc hành quyết đến nhà giam đưa hai vị anh hùng đức tin ra pháp trường. Ông Năm đi trước, Thầy Tự đi sau, nét mặt vui mừng hớn hở vì giờ hạnh phúc đã tới. Thầy Tự nói: “Hồng ơn tôi được như thế này là do bởi một mình Thiên Chúa”.
Ông Năm nói tiếp: “Vậy chúng ta phải cám ơn Chúa cho đúng, thưa các anh chị em”.
Pháp trường cũng là nơi đã xử Cha Borie và hai Cha Khoa và Ðiểm. Thầy Tự liền hỏi cho biết đúng chỗ Cố Cao chịu xử để cũng được theo chân thầy mình. Sau khi lý hình chỉ chỗ đó, Thầy Tự quỳ gối cầu nguyện, còn ông Năm quỳ vào chỗ hai cha Việt đã chịu xử. Quan ra lệnh tháo gông cho các đấng. Con cái ông Năm được quan cho vào từ giã cha già. Khoảng ba giờ chiều, hai vị anh hùng đức tin thở hơi cuối cùng về với Chúa. Sau đó quan cho phép giáo dân táng xác các đấng tùy ý. Giáo dân đưa xác của cả hai đấng táng ở Nghệ An.
(bị bắt 11-4-1840, xử trảm 18-9-1840)
Thánh Ðominicô Trạch, vị thánh tử đạo thứ 26 trong thời bắt đạo của Vua Minh Mệnh, được phong Á Thánh do Ðức Giáo Hoàng Leo XIII.
Người sinh năm 1772 tại họ Ngoại Vối, tỉnh Nam Ðịnh. Người vào chủng viện tu hồi còn bé và được tiếng là hiền lành nhân đức. Người chịu chức linh mục năm 31 tuổi nhưng người lại ước ao sống theo lối sống của nhà dòng nên sau đó người xin vào tu dòng Ða Minh và được khấn dòng ngày 18-6-1825.
Tất cả những người làm chứng trong án phong Á Thánh cho người đều khen người rất siêng năng giữ các lề luật nhà dòng kỹ càng. Bề trên sai người về coi xứ Quần Cống, rồi sau đó coi xứ Lục Thủy Thượng. Người đúng là một chủ chiên thật, luôn luôn cẩn mật chăm sóc đoàn chiên mình. Dù rất bận rộn trong công việc chăm sóc giáo dân và giảng dậy cho những người tân tòng, người cũng vẫn cố gắng coi sóc chủng sinh của người cẩn thận. Người yên ủi, khuyên bảo và giục giã họ năng chịu các phép bí tích và giữ các lề luật xứng với bậc tu trì của mình. Chính người sống một đời sống gương mẫu, siêng năng, đạo đức và hãm mình. Người ta nói người không bao giờ uống rượu.
Dù bị bệnh lao đã lâu năm, người vẫn làm việc không ngừng cho đến khi bị những kẻ ngoại giáo ở làng Ngọc Cục bắt năm 1839. Giáo dân của người đóng góp được 200 quan tiền để đút lót quan quyền nên người được thả về. Nhưng từ đó người phải bỏ xứ Lục Thủy Thượng để đi ẩn ở nhà ông lang Thiện tại Thôn Bắc, làng Trà Lũ, và sau đó ở nhà ông trùm Bảo cùng làng. Vì người phải ẩn ở những nơi ẩm thấp thiếu dinh dưỡng cộng thêm những công việc mục vụ thất thường trong thời cấm đạo, sức khỏe của người càng ngày càng yếu hơn. Mùa Xuân năm 1840 người đành phải về dưỡng bệnh tại làng Ngưỡng Nhân với hy vọng sức khỏe được bình phục.
Không phải người không muốn chết vì đạo, nhưng trái lại người còn nhiệt thành ước ao được chết vì đạo. Trong một cuộc đàm thoại quanh quẩn về việc bách hại Kitô hữu, có lần người đã nói: “Tôi lấy làm buồn và xấu hổ cho vùng mình đã không cung cấp được vị tử đạo nào caû”.
Các thầy già cũng nói thêm vào: “Nếu ai trong chúng ta mà bị bắt bây giờ thì chắc chắn sẽ bị hành hạ dã man hơn bao giờ hết”.
Người trả lời: “Nếu tôi bị bắt, họ muốn làm gì tôi thì làm”.
Làng Ngưỡng Nhân từ trước vẫn được bình yên vô sự, nhưng đột nhiên chỉ vài ngày sau khi người đến, cai tổng Nhật đã đem dân phu đến vây chung quanh làng lục soát tất cả mọi nhà để bắt các vị linh mục. Lúc bấy giờ có tất cả 4 vị linh mục đang ẩn trốn trong làng. Ba vị may mắn thoát được, còn Cha Trạch vì sức khỏe đang yếu phải có người khiêng người trên võng mà chạy nên bị chậm trễ. Khi thoát ra khỏi làng, người tính về làng Tứ Liêu để ẩn, nhưng vừa mới đến cánh đồng làng Hoành Tam thì bị bắt ngày 11-4-1840. Chúng bắt người đeo gông trên cổ và giải người về làng, rồi sau đó đưa người về phủ Xuân Tràng. Quan phủ chẳng nói chẳng rằng đóng nọc chân tay người giữa sân hơn một tiếng đồng hồ rồi mới giam người trong tù.
Lúc bấy giờ trong nhà tù cũng có rất nhiều Kitô hữu bị bắt giam ở đó. Họ thấy người thì mừng rỡ khôn xiết, đón nhận người như một vị thiên thần trên trời Chúa gửi đến. Tất cả liền xin người giải tội cho họ. Dù người đang bị bệnh, sức khỏe yếu đuối, người cũng cố ngồi giải tội cho họ và khuyên bảo họ giữ vững đức tin, chịu những sự khốn khó cho nên, chứ đừng ngã lòng mà bỏ đạo. Người đọc kinh nguyện ngắm hằng ngày, nét mặt luôn luôn vui tươi và người thường nói với họ rằng: “Tôi đau yếu phần xác thật, song tôi đã bị bắt vì đạo thì tôi chẳng sợ, cũng chẳng dám phàn nàn than trách điều gì”.
Các quan lại giải người về tỉnh Nam Ðịnh và giam ngay vào ngục thất bất kể bệnh tật của người. Vị thánh đáng kính không những phải chịu đau khổ về phần xác do bệnh tật, tù đầy, mà còn phải chịu những đau đớn trong lòng khi thấy những Kitô hữu đã cả lòng bỏ đạo. Người âm thầm chịu đựng, đọc kinh lần hạt, nguyện ngắm, an ủi các bổn đạo, giải tội cho Thầy Toán và các bổn đạo ở ngoài lẻn vào tù xưng tội với người. Người xin họ cầu nguyện để người được diễm phúc tử vì đạo.
Tất cả các quan, đứng đầu là quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh, dùng bạo lực bắt ép người dẵm lên cây thánh giá, nhưng lần nào cũng bị thất bại. Vị anh hùng tử đạo dù yếu phần xác nhưng linh hồn lại được Thiên Chúa toàn năng tăng sức mạnh. Người đã bị điệu ra trước quan án biết bao nhiêu lần với những lời dụ dỗ tha người về nếu chịu bỏ đạo, hoặc những lời đe dọa tra tấn hành hạ dữ tợn, và mỗi lần mang người về nhà giam, chúng lại thêm một miếng sắt nặng vào gông cổ người để cho nó nặng thêm và làm cho người không đi đứng nổi.
Trong những lần bị điệu ra quan án, lần thứ ba là đáng kể nhất vì lần đó người đối đáp với các quan rất mạnh bạo và chịu đau đớn hơn hết. Trịnh Quang Khanh ra mặt rất uy nghiêm và rất hung dữ nói với người: “Ngươi xem cây thánh giá đó, quá khóa đi, không thì ngươi chết”.
Vị linh mục khả kính chầm chậm và nghiêm trang tiến tới, các quan hồi hộp vui mừng chờ đợi tưởng người sẽ quá khóa, ai dè đến gần cây thánh giá người liền quì gối xuống thờ lạy và hôn kính cây thánh giá, đoạn quay về phía các quan và thưa: “Thưa các quan, cây thánh giá này là hình ảnh cây thánh giá Chúa tôi chịu chết xưa, là biểu hiệu đức tin và đạo Giatô, nếu các quan muốn sống đời đời, các quan cũng phải thờ lạy cây thánh giá này. Còn về phần tôi, tôi chỉ thờ lạy cây thánh giá này thôi, tôi thà chết chứ chẳng thà dẫm dưới chân tôi”.
Các quan nghe nói thế thì giận dữ phát điên lên quên cả chức phận của mình mà nhào tới đấm đá người túi bụi cho hả cơn giận. Sau đó các quan mới ra lệnh cho quân lính cầm hai đầu gông nâng người lên và khiêng người qua cây thánh giá để làm sao cho chân người đụng vào cây thánh giá, nhưng người co rút chân lên. Dù quân lính dùng roi đánh vào hai chân người dữ tợn thế nào đi nữa cũng không làm sao bắt người thò chân xuống được. Các quan thất vọng vô cùng vì không làm sao bắt người bỏ đạo được liền bắt giam người trong ngục như trước. Nhưng lúc đó thì người cũng đã mệt đờ cả người, dở sống dở chết vì những cực hình.
Một lần khác các quan thấy dùng những cực hình cũng vô ích nên dụ dỗ người bằng những lời ngon ngọt hứa hẹn: “Ngươi bỏ đạo đi thì sẽ được về nhà bằng an”.
Vị linh mục đáng kính trả lời: “Lạy quan lớn, tôi chỉ muốn chết mà thôi”.
Bấy giờ các quan thấy không còn cách nào làm cho vị linh mục bệnh tật yếu đuối này phải sờn lòng bỏ đạo được, mới quyết định viết án đệ trình lên vua xét xử.
Về nhà giam, người viết thư cho Cha Tuyên và Cha Năng, trong lá thư người gọi hai cha là bác xưng cháu để tránh phiền phức cho họ:
“Kính gửi tới hai bác Tuyên và Năng trăm lời chào. Cháu vẫn thường nghĩ tới hai bác luôn, nên cháu viết lá thư này để xin hai bác thương cầu nguyện cho đứa cháu của hai bác được nhận cái diễm phúc Chúa đã dành cho cháu. Cháu van nài hai bác hãy nhớ đến cháu và giúp cháu mỗi lần hai bác dâng Thánh Lễ. Cảm tạ hồng ơn Thiên Chúa đã gìn giữ cháu nên cháu mới có thể đi được 7 chặng, tức là bẩy nơi cháu làm tù nhân, và đây chắc là chặng cuối cùng của cháu đó. Cháu chỉ ước ao sao ngày cuối cùng trước ngày trảm quyết đến thật mau. Cháu bị đau ốm từ ngày mới tới đây cho đến bây giờ. Cháu thường bị hành hạ luôn luôn, và chúng còn dùng bạo lực cố bắt ép cháu phải quá khóa. Cháu bị xử tàn ác hơn các bổn đạo khác rất nhiều. Quan lớn đã thử đủ hết mọi cách có thể tưởng tượng để hành hạ cháu và bắt cháu quá khóa và khai chỗ ẩn của Cha Hermosilla, nhưng tất cả đều vô ích. Quan lớn còn bắt cả những cai tù phải thuyết phục được cháu và thăm dò cháu tin tức này. Chúng cũng phải thất bại. Thấy vậy quan lớn cũng đành chịu phải viết án xử trảm cháu...”
Rồi người kể rằng trong 7 nơi bị tù người đã tiêu hết 400 quan tiền cho người và cho 4 giáo dân khác trong tù do người ta bố thí. Ðoạn người viết tiếp:
“Ở đây có một anh đội trưởng, ngoại giáo nhưng cưới vợ có đạo, muốn học theo đạo. Cháu van nài hai bác thương chú ý đến chúng, vì cả vợ lẫn chồng đều có công giúp đỡ các bổn đạo đang bị tù. Sau khi việc của cháu được sắp xếp, ông đội trưởng này tính bỏ nghề lính để về nhà giữ đạo. Cháu xin các bác đừng bỏ bê ông ta. Hai bác làm ơn viết thư cho Cha Hermosilla, kể cho người nghe tất cả những gì cháu đã nói. Xin người tha cho cháu tất cả những lỗi luật nhà dòng cháu đã phạm. Cháu chấp nhận bất cứ việc đền tội nào người ban ra. Cháu xin lỗi về những khoản chi phí do việc tù đầy của cháu gây ra. Cháu không biết làm cách nào để có thể trả được món nợ đó. Xin hai bác cũng làm ơn viết cho Cha Jimeno và Cha Marti xin các đấng cầu nguyện cho cháu để cháu không bị xét xử là không xứng đáng đủ để tham phần vào ơn thánh cao cả dành cho các Giám Mục (những vị tử vì đạo) của chúng ta. Cuối cùng cháu cũng xin sự tha thứ của hai bác và của bất cứ những ai cháu đã làm mất lòng mà không biết”.
Ngày 18-9-1840, các quan nhận được chiếu chỉ của vua truyền trảm quyết người. Ngay ngày hôm đó quan lớn truyền đem người đến và dụ dỗ người khóa quá lần cuối cùng: “Dù đã có chiếu chỉ của vua truyền trảm quyết ngươi, nhưng nếu ngươi chịu khóa quá thì ta sẽ tâu vua tha cho”.
Nhưng người vẫn cứ một mực thưa: “Vua đã truyền cho tôi phải chém thì tôi xin vui lòng chịu chết vì đạo Thiên Chúa, chứ khóa quá thì tôi nhất định không chịu”.
Khi thấy quân lính vào bắt đem đi trảm quyết, người mừng rỡ đi từ giã Cha Ngân và Cha Nghi, thuộc về địa phận Tây Ký cũng bị giam chung với người và sau này cả hai cha cũng đều tử vì đạo. Người nói với hai cha: “Hai cha nghỉ lại bằng an, tôi xin đi trước”.
Nói đoạn người điềm tĩnh đi theo quân lính đến pháp trường, và có nhiều người theo xem rất đông. Pháp trường rộng khoảng 7 mẫu là nơi mà máu của biết bao nhiêu vị anh hùng tử đạo đã từng đổ ra. Tới pháp trường, quân lính, gươm trong tay, dàn thành từng hàng vây chung quanh nạn nhân đã yếu ớt nhưng sắp sửa anh dũng đóng dấu đức tin bằng máu đào của mình. Quân lính bắt đầu tháo gông cho người. Người liền quì xuống phó linh hồn trong tay Chúa, và tạ ơn Chúa đã ban cho người diễm phúc được dâng lên cho Chúa một minh chứng tình yêu tuyệt vời của người bằng máu đào. Khi được lệnh của quan lớn, từ trên lưng voi, một lưỡi gươm vụt xuống đưa linh hồn vị thánh tử đạo về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên nước trời. Các bổn đạo tranh nhau lấy khăn thấm máu đào của người và thu góp những gì thuộc về người. Họ đặt đầu và xác người vào quan tài đã sửa soạn trước rồi an táng người gần đó. Vài tháng sau, Vua Minh Mệnh băng hà, họ liền đưa xác người về táng tại nhà tràng Lục Thủy Hạ. Người thọ 68 tuổi.