(bị bắt 18-6-1838, chết rũ tù 15-7-1838)
Một sử gia đã nói về người Việt Nam: “Người An Nam thường thường rất yếu đuối và hay xiêu lòng”. Khi nói câu này, ông đã đương nhiên phỏng đoán người Việt chúng ta một cách quá hồ đồ. Trái lại lịch sử Công Giáo đã minh chứng một cách rất hùng hồn về gương kiên trì và anh dũng của người Việt nói chung và các anh hùng tử đạo nói riêng.
Ðọc tiểu sử của Thánh Phêrô Tuần, linh mục tử đạo, chúng ta thấy cuộc đời của người đã minh chứng một cách rất hùng hồn.
Linh mục Phêrô Tuần sinh khoảng năm 1766 tại làng Ngọc Ðường thuộc tỉnh Hưng An. Làng Ngọc Ðường cũng như bao nhiêu làng khác, nằm gọn ghẽ giữa một đồng lúa bao la bát ngát. Làng gồm chừng hai chục mái nhà lá thấp lô nhô sau những hàng dừa nước nặng trĩu xâu quả. Khi chiều đến, những cậu bé lững thững dắt trâu về trong khói lam chiều đang vương tỏa, quyện trên những mái tranh vàng đậm, đã ngả màu đen theo thời gian mưa nắng. Thôn làng tuy đẹp và an bình như thế đó nhưng cậu Tuần đã vội vàng giã từ để dâng mình cho Chúa trong tiểu chủng viện lúc mới 13 tuổi. Trong chủng viện cậu hăm hở làm việc. Cậu lo phận sự rất chu đáo. Vì cậu rất thông minh nên các thầy giáo khuyên cậu theo học giáo lý Công Giáo và chữ Tàu. các đấng cũng khuyến khích cậu theo đuổi Ðại Học. Khi cậu mới bắt đầu ghi học La Tinh thì xảy tới thời kỳ cấm đạo gay gắt của vua Cảnh Thịnh. Sự thể bắt buộc cậu phải gián đoạn việc học. Cậu quyết định xin theo Cha J. Gatileppa để giúp đỡ giáo dân, và giúp linh mục trốn tránh lính. Sau một thời gian ngắn, Gia Long lên ngôi và sự thanh bình an vui trở lại. Cậu Tuần trở về chủng viện nhỏ bé và chịu chức linh mục năm 1807. Trong ba mươi năm trời, Cha Tuần hăng say làm việc, và làm mọi người vừa lòng.
Khi Minh Mệnh nối ngôi, thời gian cấm đạo trở lại gay gắt hơn xưa. Lúc đó Cha Tuần đang coi sở Lạc Môn. Khi người nghe Cha J. Fenandez đang tìm cách lẩn trốn mà không có ai dám chứa chấp, người dùng mọi biện pháp để lay chuyển giáo dân nương tay cứu giúp vị thừa sai và chính Cha Tuần đích thân hộ vệ Cha Fernandez. Khi làm việc đó đương nhiên Cha Tuần biết số phận của mình. Thình lình có tin lính nhà vua đang đến gần, các đấng lẩn trốn ngay tại làng Kim Sơn. Nhưng công việc quá khẩn cấp, các đấng đành phải lẩn núp trong bãi đồng lầy. Sau cùng qua sự can thiệp của một linh mục địa phương, các đấng được sự chấp thuận nương trú trong nhà một người ngoại. Nhưng cuối cùng, chính tên này đã bội phản và tìm nộp người. Người bị bắt hôm 18-6-1838.
Cha Tuần bị xiềng xích, gông cùm và giải nộp về Ninh Bình. Sau hai ngày, các đấng bị đưa về Nam Ðịnh. Quan tòa điều tra Cha Tuần rất gắt gao về thân thế, sự nghiệp, cũng như những liên hệ với các giáo sĩ ngoại quốc. Ðiều làm cho người hân hoan chấp nhận là thiên chức linh mục, còn ngoài ra người giữ yên lặng về những vấn đề khác.
Lính vua cố gắng thuyết phục người quá khóa: “Ông đã già rồi, và lại yếu nữa, ông sẽ không thể chịu nổi những cực hình, thôi hãy chà đạp thánh giá đi, rồi vua sẽ tha chết cho ông”.
Cha Tuần trả lời: “Ông nói đúng, vì tôi đã già rồi và rất yếu đuối, nhưng nếu Chúa cho tôi sức mạnh thì tôi sẽ chịu khổ được. Tôi sẽ chẳng bao giờ chịu quá khóa”.
Trong khi một người Công Giáo khác đã bị xiêu lòng và đã bước qua thập giá. Lính thấy vậy lấy gương đó khuyên Cha Tuần. Người khẳng khái đáp lại: “Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ bước qua thập giá. Tôi chỉ ao ước một ngày nào đó, tôi có thể giương đầu cho lý hình chém để lấy máu đào minh chứng Ðạo Thiên Chúa là Ðạo Thật. Kẻ bỏ đạo không phải là gương cho tôi, trái lại tôi quyết noi gương hai Giám Mục là những vị tôi rất hâm mộ và vì thế quyết theo cho tới cùng”.
Khi đó, lý hình tìm đủ cách để hành khổ người nhưng cuối cùng cũng không thể lay chuyển được. Ông Khấn, một người làm chứng đã thề nghe thấy lính nói với nhau: “Ông đó đã không chà đạp thánh giá hôm qua mặc dầu ông bị tra tấn dã man. Người ta có thể tưởng rằng người như ông này có thể dễ bị thuyết phục chăng? Nếu thế tại sao người ta còn đòi ông làm điều đó”.
Ngày 23-6 các quan làm án đệ vào kinh, ngày 16-7 vua phê án.
Sau bao nhiêu cám dỗ và thử thách, Cha Tuần vẫn không bị lung lay. Sau cùng lệnh vua đòi xử trảm. Nhưng lệnh vua chưa kịp ban ra, thì Cha Tuần đã chết rũ tù ngày 15-7-1838.
Nguồn tin chính xác cho biết một lính vua, sau khi thấy Cha Tuần bị đeo gông cùm, khổ sở quá, tên đó gọi một bà đạo đức tới để chăm sóc người. Bà này đã đút tiền cho lính canh mới có thể vào ngục. Bà rất đau đớn khi thấy Cha Tuần bị gông cùm làm lở loét thối tha, bà không biết phải làm sao. Bà liền lấy đất để rải trên chỗ da thịt bị cọ xát của cha.
Khi nghe tin cha đã chết rũ tù, dân chúng xin phép quan tòa để lấy xác và đem về mai táng gần hai Giám Mục Delgado và Hernares.
(bị bắt 29-5-1838, chết rũ tù 11-7-1838 tại Nam Ðịnh)
Ðức Cha Inhaxiô Clement Delgado sinh trong một gia đình đạo đức tại tỉnh Saragossa, Tây Ban Nha, ngày 23-11-1762. Năm 19 tuổi, cậu Delgado xin vào tu trong dòng Ða Minh tại tu viện Calatayud. Lòng nhiệt thành và sốt sắng đã thúc đẩy người làm đơn xin đi truyền giáo tại Á Ðông, trong tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi ở Phi Luật Tân. Ngày 19-9-1785, Thầy Delgado được lệnh sang Phi Luật Tân. Một năm sau thì tới Manila, thủ phủ nước này. Tại đây thầy được chịu chức linh mục và nhận bài sai sang truyền đạo ở Bắc Việt. Ngày 28-10-1792, người tới địa phận Ðông do các cha dòng Ða Minh coi sóc. Sau thời gian học tiếng Việt, Cha Delgado lấy tên Việt là Y và làm bề trên chủng viện. Ðến năm 1794, cha được bầu làm bề trên các cha Ða Minh tại đây. Dưới thời Vua Cảnh Thịnh cấm đạo, cha gửi thư cho các linh mục dạy phải ẩn mình đi và khuyên mọi người ăn chay cầu nguyện để Thiên Chúa cho cơn bắt đạo chóng chấm dứt. Ngày 11-2-1794, cha được Ðức Thánh Cha chỉ định làm Ðức Cha Phó với quyền kế vị, và ngày 20-9 thì được tấn phong. Cơn bắt đạo lại nổi nên, Ðức Cha Chính Alonso (Phê) qua đời ngày 2-2-1799 trên đường lẩn trốn.
Từ khi Vua Gia Long cai trị nước Việt, đạo Công Giáo được tự do, Ðức Cha Y sốt sắng đi thăm viếng các họ đạo, sửa sai các tệ trạng do bắt đạo gây ra, đồng thời tổ chức lại công việc truyền giáo, nhất là việc đào tạo thầy giảng và chủng sinh. Năm 1816, bộ truyền giáo viết thư khen ngợi Ðức Cha và địa phận như sau: “Chúng tôi rất vui mừng được biết rằng địa sở truyền giáo được bình yên và các tông đồ Phúc Âm hăng say vun trồng vườn nho của Chúa, gặt hái được nhiều thành công. Các chủng sinh mỗi ngày thêm đông, lại trổi vượt về đức hạnh và học vấn khiến chúng tôi đặt hết tin tưởng vào hoï”. Sau khi cám ơn Chúa, các Hồng Y đồng lòng ca ngợi đức cha và các thừa sai về lòng nhiệt thành truyền bá đức tin Công Giáo. các đấng khuyến khích đức cha và các người cộng sự tiếp tục làm vinh danh Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.
Ðức Cha Delgado còn có công lớn là làm án phong Chân Phước cho hai vị tử đạo dòng Ða Minh là Cha Giaxinhta Castaneda Gia và Vinh Sơn Liêm tử đạo năm 1773. Án được đệ trình về Roma ngày 19-8-1818. Trong thời kỳ tự do truyền đạo dưới thời vua Gia Long, số tín hữu Công Giáo tại địa phận Ðông lên tới 150,000 người. Từ năm 1825, Vua Minh Mệnh ra lệnh cấm các thừa sai mới vào trong nước và tập trung các thừa sai về kinh đô Huế mở đầu trang sử đẫm máu của giáo hội Việt Nam. Ðó là mưu lược của vua để khéo léo cầm tù các cha, vì thế các cha bắt đầu ẩn trốn. Ðức Cha Y phải đổi tên là Trùm Cả. Tổng đốc Nam Ðịnh là Trịnh Quang Khanh bị khiển trách vì đã không tận lực bắt đạo. Ông liền cho lính đi dò thám khắp nơi. Ngày 28-4, chẳng may dân làng An Liêm bắt được người đưa thư với các lá thư của Cha Viên gửi cho hai đức cha, cha chính và ba cha khác thì nộp cho quan tổng đốc. Trịnh Quang Khanh tưởng là báo về kinh sẽ được khen, nhưng Vua Minh Mệnh tức giận vì còn nhiều linh mục lén lút, mới truất chức ông và sai người khác là Lê Văn Ðức về làm tổng đốc để tận diệt đạo. Ðể chuộc tội, Trịnh Quang Khanh được lệnh trong một tháng phải bắt hết các đạo trưởng. Với 6,000 binh lính, ông sai đi khắp làng để lùng xét. Giáo dân sợ hãi không ai dám để các thừa sai trong nhà. Khi ấy Ðức Cha Delgado đến ẩn trong một hầm trú đã đào sẵn ở Kiên Lao thì có một gia đình Công Giáo, nhưng lại là một Giuđa đã ngầm báo cho quan võ Lê Ngọc Thể đến bắt. Ngày 29-5, một đội lính ập đến bắt người, giáo dân khiêng người đi lối sau. Nhưng vì quân lính rượt theo sau nên họ đã phải để người ở giữa đường. Quan bắt người đưa về nhà hội của làng để tra vấn. Quan hỏi: - “Ông ở những đâu từ khi có lệnh hoàng đế truyền bắt tất cả các người Âu Châu?”
Ðức Cha trả lời: “Từ khi có lệnh cấm đạo Thiên Chúa, tôi phải ẩn trốn, nay đây mai đó, mỗi nơi một ít ngày. Tôi không bao giờ ở một chỗ và Kiên Lao là nơi tôi ở ít nhất, tôi chỉ vừa mới tới khi quan đến bắt tôi. Vậy tôi xin quan lớn tha cho dân làng và đừng làm hại họ chỉ vì tôi bị bắt ở đây”.
Cha Thanh làm chứng là quan còn nói với đức cha hãy tự vẫn theo phong tục của những người can đảm khi gặp bước đường cùng. Ðức Cha trả lời: “Tự tử là một trọng tội, tôi không bao giờ làm, còn nếu quan giết tôi vì tôn giáo của tôi thì quan đã làm thỏa mãn ước nguyện của lòng tôi”.
Nghe vậy quan để cho lính xỉ nhục và đánh đập người. Tới ba giờ chiều, quan cho giải về phủ Xuân Tràng, có một ngàn lính áp tải. Tại đây Ðức Cha Y (Delgado) phải ngồi vào cũi tre. Ngày 30, quan dẫn giải đức cha về tỉnh Nam Ðịnh trong cũi với số lính đông hơn trước, khoảng hai ngàn. Dân chúng lương giáo đi theo xem rất đông. Tới cửa thành, thấy có thánh giá để giữa lối đi, đức cha xin lính cầm lên. Trước những lời lẽ quyết liệt họ phải nghe theo, nhưng khi khiêng người đi qua rồi họ lại đặt xuống làm cho giáo dân không vào theo được nữa. Ðức cha phải ngồi trong cũi phơi nắng tại cửa Nam gọi là trại Vệ trong vòng 43 ngày, chịu đủ mọi cực hình vì đói, vì khát, vì những lời nguyền rủa. Không một giáo dân nào có thể đến gần người được. Khi bị thẩm vấn, họ vẫn giam người trong cũi. Sau khi thẩm vấn nhiều lần, Trịnh Quang Khanh làm tờ trình về Minh Mệnh như sau: “Sau khi hạ thần đã tra xét kỹ lưỡng tù phạm, hạ thần thấy nó có mũi dài, da trắng và chòm râu rậm. Nó không nói như các người thường dân, nó đúng là một người Âu Châu. Hạ thần cũng được biết rằng tên phạm đã 79 tuổi, tên gọi là Y và được mọi người gọi là giám mục. Nó đã ở trong nước trên 20 năm và dạy đạo tại tỉnh Nam Ðịnh. Các điểm khác hắn không trả lời gì thêm”.
Theo một giáo dân tên là Gioan Khan, thì quan còn tra hỏi Ðức Cha trong một lần khác như sau: “Tại sao ông đến nước này?”
Ðức Cha trả lời: “Tôi đến chỉ để rao truyền đạo Ðức Chúa Trời.”
- “Ông đến khi nào?”
- “Từ đời ông Nguyễn Chung”.
- “Hoàng đế đã ra lệnh cấm, sao ông còn giảng đạo? Và ai bất tuân sẽ bị chém đầu”.
- “Tôi đến nước này chỉ để giảng đạo Ðức Chúa Trời, tôi không phạm tội gì cả, vậy nếu người giết tôi vì tôi đã giảng đạo thì tôi rất sung sướng được chết”.
- “Tại sao ông được mọi người gọi là thầy cả?”
- “Về việc giảng đạo, thì tôi là người đứng đầu trong tỉnh Nam Ðịnh”.
- “Có bao nhiêu thừa sai tất cả?”
- “Tôi không biết”.
Trong một lần khác Ðức Cha Y còn nói với các quan án rằng: “các ngài không hiểu biết đạo thật, nếu như các ngài biết rõ thì các ngài sẽ tin theo ngay”.
Các quan án nghe vậy liền ra án phải xử tử và đệ trình vào kinh. Vua Minh Mệnh không hài lòng vì không biết thêm chi tiết, nên ra lệnh phải điều tra kỹ hơn nữa. Thế là các quan gia hình khổ và tra hỏi người nhiều lần.
Ngày 14-6, quan tổng đốc Lê Văn Ðức tâu về kinh bản án của Ðức Cha Delgado như sau: “Chúng tôi đã vâng lệnh xem xét kỹ lưỡng và luận án người Âu Châu tên là Inhaxiô, làm giám mục và có danh hiệu là Trùm Cả. Tên ấy đích thị là người nước ngoài đã khéo léo vào được nước ta, trốn tránh và lén lút đi khắp các nơi. Không thể nào biết hết được những điều nó giữ kín trong lòng. Ðã từ lâu tên ấy giảng giải cho dân chúng tà đạo để dụ dỗ những người khờ khạo tin theo. Hắn đã làm như thế được 50 năm nay. Hắn là người đứng đầu và thứ nhất trong các người làm hại vì rao giảng và khuyến dụ dân chúng vào tà đạo. Sau cùng hắn bị bắt và tra hỏi nhưng không chịu tiết lộ một điều gì. Không thể chịu đựng thêm điều gian tà ngày càng lan rộng, vì thế theo luật pháp quốc gia chúng ta không thể tha thứ và miễn cho hắn khỏi tội chết được. Với lòng tùng phục, chúng tôi đã nhận được lệnh của hoàng đế do các quan hội đồng nội các gửi đến.
Trong năm Minh Mệnh nguyên niên thứ 10 (1835) có lệnh chống lại tất cả mọi đạo trưởng Âu Tây. Luật ấy nói: 'Ðã bao nhiêu lần các người Âu Châu trốn tránh ở một số nơi. Trẫm muốn rằng tất cả những người đứng đầu các làng xã phải bắt họ cho bằng được mà giao nộp cho các quan, để các quan xét xử theo luật lệ cấm các đạo trưởng tà đạo và tôn giáo ngoại lai, từng dụ dỗ và khuyến dụ người ta tin theo như là đạo thật. Những người này sẽ phải khép án tử hình và những người chứa chấp cũng phải chịu cùng một án'. Ðức vua đã chuẩn y các điều này và truyền lệnh phải tuân giữ như là sắc dụ được công bố. Chúng tôi cũng nhận được luật cấm các ảo thuật, phù thủy gồm những người dùng mưu chước để làm cho dân chúng tin là thật và tin theo tà đạo. Theo luật này thì những người đứng đầu làm những việc như thế phải chịu xử giảo cho chết. Khép xử tội phạm theo hình phạt như các tội phạm khác thì chưa đủ bởi vì dân chúng cũng đã biết rõ những hậu quả tai hại của việc sai trái. Còn nếu trừng phạt nghiêm khắc quá thì làm kinh sợ dân chúng. Vì vậy chúng tôi luận rằng, tên Inhaxiô danh Trùm Cả phải chém đầu, và đầu hắn phải bêu nơi công cộng và công bố án lệnh để mọi người đều được biết và như vậy mới trừ đi tận gốc rễ điều gian trá nói trên”.
Trong khi chờ đợi bản án được châu phê thì Ðức Cha Inhaxiô Delgado đã chết rũ tù ngày 12-7-1838 vì tuổi già sức yếu, thọ 76 tuổi. Khi các quan hay tin Ðức Cha Delgado đã chết thì truyền lệnh: “Tên tù này là kẻ khác giống người ta, đã sang nước này mà giảng đạo trái, dỗ dành nhiều người theo, thật nó cứng cổ chẳng chịu bỏ đạo phi lý ấy, cho nên không thể coi như các tù nhân khác, vậy phải giữ mọi sự như trong án đã ra cho người này, để cho ai nấy biết tỏ tội người này là tội nặng. Vậy quan truyền khiêng cũi ra nơi pháp trường Bẩy Mẫu mà chém đầu”.
Giáo dân liệu cách mua lại các đồ dùng của người và đem xác về chôn ở Bùi Chu, còn đầu thì bị bêu ba ngày rồi bỏ vào sọt đá thả xuống sông Vị Hoàng cho chìm dưới đáy. Ba tháng rưỡi sau có người đánh cá vớt được, không hư hại phần nào nhưng vẫn tốt tươi. Giáo dân liền đem đầu người về Bùi Chu và táng chung với xác của người.
(bị bắt 18-6-1838, xử trảm 24-7-1838 tại Nam Ðịnh)
Thánh Giuse Fernandez sinh ngày mùng 3-12-1775, tại làng Ventosa de la Cuesta trong địa phận Avila, tỉnh Valladolid, nước Tây Ban Nha. Ngay từ hồi còn trẻ người đã xin đi tu dòng Ða Minh. Cha Mẹ người rất đỗi vui mừng và lấy làm hãnh diện coi ơn kêu gọi đi tu dòng của đứa con trai mình như một đặc ân của Chúa. Ngày 12-8-1796, người khấn trọng thể tại tỉnh dòng Valladolid. Khi học xong Thần Học, người được thụ phong Linh Mục. Sau đó vì ước ao được dâng hiến đời mình cho công việc truyền giáo nên người xin Bề Trên chuyển về Tỉnh Dòng Mân Côi tại Manila. Người đến Manilla ngày 16-4-1805. Gần một năm sau, người được cử làm đại diện cho Hội Ðồng Truyền Giáo đi Ma-Cao ngày 18-2-1806. Sau đó người được Bề Trên sai đi Bắc Việt giảng đạo. Người đi tầu đến cửa Thuận An thì bão táp nổi lên nên người phải lên đất liền để đi bộ ra Bắc. Cuộc hành trình xa xôi thật vất vả nên người đến nơi thì kiệt sức phải nghỉ dưỡng bệnh một thời gian khá lâu. Lúc ấy là thời vua Gia Long đang trị nước, đất nước được bằng yên và các vị thừa sai được hoàn toàn tự do giảng đạo trong nước.
Người rất chăm chỉ học tiếng An Nam để có thể giúp đỡ giáo dân hữu hiệu và dễ dàng hơn, nên chẳng bao lâu người đã thông thạo tiếng An Nam. Vì người có tính hiền lành, khiêm nhường và dễ dãi nên tất cả mọi người, kể cả những người ngoại đạo đều kính mến người. Hạnh phúc của người là đem Chúa đến cho mọi người. Ðức tin mạnh mẽ của những người trong làng Xuân Dục là công lao người xây đắp. Xứ Kiên Lao nơi người coi một thời gian khá lâu cũng nhờ người mà số giáo dân lên tới 5.000 người thời vua Minh Mạng bắt đầu cấm đạo. Sau đó người về cai quản nhà trường lý đoán. Cuối năm 1837 khi người đang coi sóc nhà tràng La Tinh ở Ninh Cường thì bị bệnh lị rất ngặt nghèo, đe dọa tính mạng người. Nhưng phúc thay, qua mùa Xuân năm 1838 người được bình phục. Tính ra người đã sống cuộc đời truyền giáo tất cả được 30 năm. Bao nhiêu năm trời người làm việc không ngừng, nhưng có một điều người lấy làm hài lòng nhất là suốt thời gian qua người không phải làm bề trên các anh em trong dòng. Khi người vừa mới khỏi bệnh thì nghe tin Ðức Cha Y (Delgado) bị bắt tại Kiên Lao và đồng thời được tin bên Manilla các anh em trong dòng đã bầu người lên làm Bề Trên Tỉnh Dòng coi sóc các việc bên đó. Vì đức vâng lời, người vội vàng sửa soạn nhận chức vụ mới, nhưng chưa kịp làm gì thì việc cấm đạo bắt đầu gắt gao hơn, ngăn trở công việc của người.
Lúc đó người đang ở Ninh Cường, giáo dân trong làng sợ các quan bắt được người ở đó thì nguy cho cả làng, nên giục người đi nơi khác dù biết rằng người vẫn còn đang yếu đuối, sức khỏe chưa được hoàn toàn bình phục: "Xin cha đi khỏi nơi đây đi, nếu không cha bị bắt ở đây thì chúng con không những mất gia sản mà mất cả tính mạng nữa”.
Thế rồi người phải theo hai thầy kẻ giảng sang làng Quần Liêu bên cạnh, nhưng dân làng ở đó cũng sợ hãi chẳng kém gì bên làng Ninh Cường. Họ van xin vị truyền giáo đừng ở lại đó. Tội nghiệp cho vị linh mục già cả ốm yếu, dù người và hai thầy kẻ giảng đã dùng hết lý lẽ để khuyên bảo cũng vô ích. Thật đúng như lời Chúa Kitô nói: “Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con Người lại không có chỗ tựa đầu”. Ðang trong hoàn cảnh bối rối đó thì may thay có Cha Tuần đang coi xứ Lạc Môn đến, tạm thời gỡ rối cho người. Cha Tuần cảm thấy thật xấu hổ về hành động của họ nên người hết sức quở trách về sự hèn nhát, vô ơn và độc ác của họ. Vì vậy họ mới miễn cưỡng cho người trú ẩn trong làng nhưng chỉ hai ngày thôi, để người có đủ thời gian kiếm chỗ khác trú ẩn. Cha Tuần thấy người đã yếu đuối khổ sở như vậy nên quyết định ở lại bên cạnh giúp đỡ người dù có xẩy ra chuyện gì cũng không bỏ người.
Sau hai ngày trú ẩn trong làng họ bắt buộc người phải ra đi, nhưng chung quanh đó chẳng có chỗ trú ẩn nào an toàn cả. Cuối cùng Cha Tuần dẫn người sang địa phận Tây Ký, bên kia sông, để kiếm chỗ ẩn an toàn hơn. Khi mới sang đó, họ được bổn đạo Kim Sơn tiếp đón và giúp đỡ. Nhưng cũng chỉ được mười ngày vì khi quan tổng đốc tỉnh Nam Ðịnh hay tin vị linh mục ngoại quốc đã trốn thoát sang Ninh Bình, ông liền báo tin và xin quan tỉnh Ninh Bình dùng mọi cách để kiếm bắt người. Khi bổn đạo Kim Sơn nghe tin như vậy thì sợ hãi vô cùng. Họ ép buộc hai cha xuống chiếc thuyền nhỏ và giấu trong một cái đầm lầy ở gần đó. Thuyền thì nhỏ thiếu tiện nghi, mà trời mùa hạ lại nóng nực bức sốt, và nhất là đầm lầy dơ dáy nhiều muỗi nên hai vị đã phải chịu cực khổ biết bao nhiêu. Cha sở xứ Kim Sơn nghe biết hoàn cảnh đáng thương của hai cha này liền lo liệu cho họ ăn uống và đem họ đến nhà ông Bát Biên, một người ngoại đạo làm Thủ Chỉ làng Qui Hậu. Cha sở tin cậy ông ta vì trước người đã từng làm ơn cho ông, và ông ta đối với người cũng rất nghĩa thiết. Bát Biên bằng lòng nhận săn sóc hai đấng và hai thầy giảng. Ông ta cư xử với các đấng rất lịch sự hẳn hoi. Nhưng lòng tham lam của con người không biết đâu mà lường được. Ông ta bị cám dỗ nặng nề vì phần thưởng to lớn các quan hứa sẽ thưởng nếu ai bắt được hai vị này. Tám ngày sau ông ta không thể kìm hãm lòng ham muốn được thăng chức phẩm nữa, nên đi tố cáo với các quan, hẹn ngày và nơi để bắt cả hai người này. Ngày 18-6-1838, ông ta lập mưu giả vờ tỏ lòng thương nói với hai đấng: “Cứ theo các tin tức tôi nghe được thì hai Cụ ở đây nguy hiểm lắm. Cho nên tôi sẽ đưa Cụ Hiền đi trước sang nơi khác chắc hơn, rồi sẽ trở về đưa Cụ Tuần đi sau”.
Hai đấng cứ tin là thật vì cho đến lúc đó hai người vẫ chưa biết hắn đã phản bội. Cha Hiền và hai thầy giúp người liền theo ông ta xuống thuyền đến chỗ hẹn, nơi các quan và lính đã chờ sẵn ở đó. Tên phản bội nộp người cho họ nhưng lại cố ý để cho hai thầy được trốn thoát sợ họ khai với quan là đã để cho họ trú ẩn cả tuần lễ qua có thể làm liên lụy đến hắn. Sau đó ông lại trở về nhà để bắt Cha Tuần nộp cho quan theo đúng kế hoạch đã định trước. Ðể tưởng thưởng, vua đã thăng chức và cho hắn 100 lạng bạc.
Sau đó hai người được dẫn về đình làng bên cạnh nghỉ ngơi. Hai vị thánh lợi dụng những giây phút yên tịnh đó để giải tội cho nhau và khuyến khích nhau chịu đựng khổ cực chết chóc sẽ dành cho họ vì tình yêu Thiên Chúa. Ngày hôm sau, các quan bắt cả hai người về Ninh Bình. Chúng nhốt Cha Hiền vào cũi tre, còn Cha Tuần thì chúng đóng gông nặng nề quanh cổ người. Ở đó được hai ngày thì quan tổng đốc đem hai vị về Nam Ðịnh. Họ tới Nam Ðịnh ngày 22 tháng 6 giữa rừng lính trang bị súng ống và giữa tiếng hò hét vui mừng của quân thù.
Bị giam trong cũi chỗ xa xôi nhất của nhà tù Nam Ðịnh, Cha Hiền đã phải chịu khổ cực khủng khiếp vì đói khát và nóng nực. Có lẽ người đã phải chết rục tù nếu Thiên Chúa không soi sáng cho ông Dương, một Kitô hữu giàu có nhưng rất tốt lành, đến chăm sóc người. Ông đút lót quân lính và bọn gác tù mới được vào chăm sóc người hằng ngày. Chính ông đã phải tự tay giúp người ăn uống, vì người đã già lão tuổi tác mà phải chịu bao nhiêu cực khổ nên mắc chứng bệnh như người bất toại không đưa tay lên mà ăn được nữa.
Quan lớn Lê Văn Ðức thường bắt người ra trước công đường nhiều lần để tra hỏi tên tuổi người, lý do đến miền Bắc Việt và đến được bao lâu... Người trả lời rất khôn ngoan và cẩn thận để tránh không nói điều gì có thể làm liên lụy đến những người khác. Khi các quan hỏi điều gì người không muốn trả lời thì người nói tiếng Tây Ban Nha. Trước sau như một người chỉ nói đi nói lại có một câu: “Tôi là thầy cả trong đạo, đã sang nước này để giảng đạo mà thôi. Tôi nhất định giữ đạo Thiên Chúa cho đến cùng nên tôi sẵn lòng chịu chết vì đạo ấy”.
Quan lớn cố tra hỏi nhất là về chỗ ẩn núp của Cha Hermosilla và hai cha khác vì ông đang nhắm bắt họ cho bằng được. Quan dùng những lời ngon ngọt dụ dỗ hứa tha người và cho người làm thông dịch viên bên cạnh vua nếu người chịu tiết lộ. Thật quan Lê Văn Ðức chẳng hiểu tí gì về người cả nên mới dụ dỗ như vậy. Người yếu đuối về phần xác nhưng đức tin và ý chí người lại rất mạnh mẽ. Người đã không do dự trả lời quan lớn: “Từ ngày cấm đạo chúng tôi đã xa nhau và ai nấy cố sức ẩn núp. Ai mà biết được họ ở đâu bây giờ? Còn chức vị thông dịch cho vua thì tôi chẳng ham. Tôi đến đây không phải để phục vụ cho những ông vua của thế gian này, nhưng để giảng đạo Ðức Chúa Trời duy nhất mà thôi. Thưa quan, tôi không thể nói cho quan nghe các cố Tây ở đâu, nhưng tôi lại biết rất rõ nơi có thể kiếm thấy hai Ðức Cha Y và Minh”. (Người ám chỉ hai Ðức Cha đang bị tù tại Nam Ðịnh).
Các quan liền hỏi: “Ngươi biết những người này chứ? Ngươi có muốn gặp mặt họ không?” Người trả lời: “Tôi quen họ lắm và tôi sẽ rất mừng được gặp họ nếu quan lớn cho phép tôi”.
Quan lớn vui lòng cho người được toại nguyện nên truyền lệnh đem hai đức cha, cũng bị giam trong cũi như người, và cho phép họ được gặp gỡ nhau một tiếng đồng hồ. Chuyện được kể lại là Ðức Cha Delgado nói rất ít vì người đang bị bệnh rất nặng. Người nghe hai vị nói chuyện, chỉ thỉnh thoảng nói vài câu. Ðặc biệt có một lúc người lớn tiếng nói bằng tiếng An Nam với Cha Hiền: “Này, cha Bề Trên, cha muốn chịu xử trảm chứ?”
Cha Hiền trả lời: “Dĩ nhiên, không do dự”.
Các quan kinh ngạc khi nghe các đấng nói chuyện về cái chết sắp đến của họ một cách bình tĩnh mà còn hoan hỉ nữa.
Hai ngày sau quan cho điệu Cha Hiền ra trước công đường, còn dám đề nghị người khóa quá nữa, dẫn dụ cho người hy vọng là nếu người chịu khóa quá thì ông sẽ xin vua tha người ra và cho người về nước Tây Ban Nha, nhưng trái lại nếu người từ chối thì chắc chắn sẽ phải chết. Phẫn nộ vì lời dụ dỗ như vậy, người đanh thép trả lời: “Quan nên nhớ là tôi sẽ không bao giờ khóa quá. Còn việc trở về đất nước tôi thì đó không phải là điều tôi mong ước. Ðến Bắc Kỳ, tôi đã sẵn sàng đổ máu cho đạo Ðức Chúa Trời, và làm chứng trước mặt mọi người là chỉ có đạo Ðức Chúa Trời mới là đạo thật. Bởi thế tôi rất lấy làm vui mừng khi đạt được điều tôi hằng khao khát. Quan hãy tin chắc đi là tôi sẽ không bao giờ khóa quá”.
Quan thấy có đợi người bỏ đạo cũng vô ích, liền truyền đem người trở lại nhà tù và viết án tâu vua xử trảm người. Ngày 18 tháng 7, các quan tỉnh Nam Ðịnh nhận được chiếu chỉ của vua truyền xử trảm người. Ngày 24 tháng 7, các quan thử dụ dỗ người bỏ đạo lần cuối cùng: “Chốc nữa ngươi sẽ bị xử tử nếu ngươi không chịu khóa quá. Còn nếu ngươi chịu thì ngươi sẽ được tha về Âu Châu”.
Vị anh hùng tử đạo trả lời vắn tắt và cương quyết như sau: “Ta sẽ không chịu khóa quá. Chém đầu ta đi”.
Tức khắc quan ra lệnh sửa soạn cuộc xử trảm. Trong khi chúng sửa soạn diễn hành đến chỗ xử tử, người bị một số người bàng quang trong đám đông túm vào chế nhạo. Ðám trẻ con thì thò tay vào cũi thi nhau kéo giật tứ phía bộ râu dài của người. Người chịu đựng không kêu than la rầy chúng.
Khoảng hai giờ trưa thì cuộc diễn hành đến pháp trường nơi người sắp sửa hoàn tất của lễ hiến tế. Quân lính lôi người ra khỏi cũi và đặt người ngồi vào chiếc chiếu rách nát mà người thường nằm ngủ trong suốt thời gian bị bắt. Người đứng cũng không vững vì chúng đã bỏ người đói gần chết. Chân người bị tê gần như liệt vì phải ngồi mãi một tư thế không được thoải mái, nhưng tâm trí người lại rất tỉnh táo và vui sướng. Tại đó vị thánh tử đạo đã dâng lên Thiên Chúa của lễ hy sinh như trên bàn thờ. Người sấp mình say sưa cảm tạ Chúa đã ban cho người hồng ân được đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin chân thật mà người đã rao giảng tại Bắc Kỳ suốt 32 năm trời. Trong khi người đang chìm đắm trong lời nguyện, quan lớn đưa tay ra dấu, đao phủ thủ liền đưa linh hồn vị anh hùng tử đạo về trời. Một tên lính tung đầu vị anh hùng lên trời ba lần như thông lệ mọi khi. Trong khi đó hằng trăm Kitô hữu và cả những người ngoại đạo tranh nhau sờ tay trên thân xác không đầu của người. Dù các quan đã cố gắng ngăn cản, họ cũng mặc kệ, tranh nhau lấy di tích của người. Người thì lấy vải hoặc giấy thấm máu đào của người, người thì lấy cỏ hoặc đất mà máu người đã chảy xuống, người thì lấy quần áo, chiếu, hoặc cũi và cố gắng gìn giữ những đồ quý trọng đó vì lòng kính mến người. Thấy quang cảnh như vậy, các quan vừa hổ thẹn vừa giận dữ liền truyền lệnh tức khắc đào mộ chôn xác người ngay tại chỗ. Một Kitô hữu đã chuẩn bị sẵn mang theo một cỗ quan tài, liền đút lót các quan cho đặt xác người vào quan tài rồi mới chôn. Còn cái đầu của người thì quan ra lệnh treo lên cao nơi công cộng ba ngày để mọi người qua lại có thể nhìn thấy, rồi sau đó quăng xuống sông. Giáo dân đã cố công tìm vớt để chôn chung với xác người nhưng tìm hoài không bao giờ thấy. Vài tháng sau họ đem quan tài về táng tại nhà tràng Lục Thủy Hạ. Nhưng sau này xương thánh người được mang về nhà thờ Phú Nhai, làng Bùi Chu, có cả muỗm và nĩa người thường dùng tại Bắc Kỳ. Vị anh hùng đã tử vì đạo ngày 24 tháng 7, 1838, tại Nam Ðịnh, thọ 63 tuổi. Sau này Ðức Giáo Hoàng Leo XIII đã phong Á Thánh cho người.
(bị bắt 3-6-1838, xử trảm 1-8-1838)
“Thiên Chúa đã làm những sự lạ lùng cho dân người”. Thật vậy một linh mục đã 83 tuổi, yếu đuối, bệnh tật mà thà chịu mọi sự đau khổ vì Chúa còn hơn chối Người. Vị Thánh này là Cha Bernard Duệ.
Cha Duệ sinh khoảng 1755 tại làng Quần Phương, thuộc tỉnh Nam Ðịnh, cha mẹ là những vị đạo hạnh, đã dạy dỗ con từ tấm bé. Nên năm Cha Duệ mới 14 tuổi cha đã quyết định xin ở với các cha dòng Tên. Cha đã chăm chỉ làm mọi việc lớn nhỏ, từ sự học kinh bổn, ngoại ngữ cho đến thần học cha luôn chiếm ưu hạng. Ðức Cha Delgado đã truyền chức linh mục cho cha. Và trong rất nhiều năm cha đã làm việc đắc lực cho Chúa.
Năm 1832, lúc đó Cha Duệ đã 77 tuổi, vì bệnh tật và đau yếu luôn nên các Bề Trên cho cha về nhà Hưu Dưỡng tại Trung Lễ. Mặc dầu cha đang mang bệnh, nhưng cha sống rất nhiệm nhặt và hy sinh. Người ta kể lại rằng, cha ngồi hoặc nằm suốt ngày đêm trên tấm ván gồ ghề, chịu ruồi muỗi cắn. Thấy vậy họ khuyên cha nên nằm trên giường có màn và nghỉ ngơi, cha trả lời: “Cả đời tôi, tôi đã hy sinh và chịu khó rất ít, bây giờ tôi muốn bù lại một chút thì có sao?”
Suốt ngày cha nuôi dưỡng tâm hồn bằng suy ngắm Phúc Âm.
Ðầu năm bắt đạo thời Minh Mệnh, Ðức Giám Mục Delgado cũng phải trốn tránh tại Trung Lễ. Một ngày kia, khi Ðức Cha đến thăm Cha Duệ, người hỏi cha nửa đùa nửa thật xem Cha Duệ có muốn đi Nam Ðịnh không--nói khác đi là Cha Duệ có muốn được phúc tử vì đạo không--Cha Duệ hân hoan trả lời: “Thưa Ðức Cha ngày nào mà Ðức Cha bị bắt, xin cho con theo với”.
Lòng kính yêu của Cha Duệ đối với đức cha, đấng thay mặt Chúa, thật sâu đậm và trung tín. Từ ngày Cha Duệ được chịu chức linh mục do tay đức cha thì tình quý mến giữa đức cha và Cha Duệ càng thâm sâu. Khi nghe tin đức cha đã bị bắt, Cha Duệ khóc lóc đêm ngày, người hằng cầu xin Chúa để có dịp đến thăm đức cha. Dân chúng làng Trung Lễ lo ngại ngày đêm vì sợ quan quân bắt được vị linh mục khả kính của họ, và do vậy cả làng cũng bị vạ lây. Vì thế, họ xin đưa cha đến một nơi hẻo lánh hơn tại một nhà ở vùng thôn quê. Nhà đó thuộc về một gia đình cùi. Họ xin một bà đạo đức săn sóc cha. Họ xin cha: “Nếu chẳng may lính đến dò hỏi và bắt bớ, xin cha cứ nói cha là cha ông chúng con nhé”.
Cha ngay thẳng trả lời: “Không được, cha là linh mục của Chúa, cha đã lãnh bảy chức thánh, vậy nếu lính hỏi, cha sẽ nói sự thật”.
Sau đó, khi thấy lính tuần đi qua Cha Duệ kêu lớn tiếng: “Nếu anh em đi lùng bắt đạo trưởng, thì chính tôi là đạo trưởng đây”.
Quân lính nghe vậy mừng rỡ hết sức, liền bắt cha để nộp cho Trịnh Quang Khanh đang đóng đô gần làng.
Khoảng 4 giờ chiều ngày 3-6, khi thấy cha đã già yếu, lại bệnh tật nữa, quan khuyên cha: “Thôi ông đã có tuổi lại bệnh tật nữa, ta sẽ để mẫu ảnh dưới đất, và ông chỉ cần bước qua là ta sẽ tha cho ông ngay”.
Cha Duệ hiên ngang trả lời: “Xin quan lớn đừng bắt tôi làm chuyện đó. Với bất cứ giá nào tôi cũng không bao giờ bước qua thập giá”.
Quan rất bất mãn và truyền cho lính đeo gông vào cổ, và xích sắt vào chân cha rồi tống ngục tạm qua đêm. Họ không cho người ăn uống gì cả và suốt đêm quân lính cười nhạo người. Ngày 4-6, cha bị điệu về Nam Ðịnh và phải ra hầu tòa. Rất nhiều lần, họ dụ dỗ và tra khảo Cha Duệ. Họ đòi buộc cha phải chà đạp thánh giá nhưng cha vẫn một lòng cương quyết. Sau cùng họ đóng gông càng nặng hơn và tống ngục. Người nằm hoặc ngồi khom trên manh chiếu ẩm ướt lại bị nóng nực, ruồi muỗi quấy nhiễu ngày đêm, Cha Duệ vẫn một mực yên lặng. Cha cầu nguyện liên lỉ và thỉnh thoảng thở dài vì người mong ước cho chóng đến ngày được diễm phúc chịu chết vì Chúa.
Một bà đạo đức đã mua chuộc quan quân để được vào săn sóc Cha Duệ, bà muốn mang cho cha tấm chiếu dầy hơn thì cha bảo bà: “Thánh giá là giường nằm của Chúa còn sần sù hơn là cái chiếu của cha. Bà hãy về đi và nghe ngóng xem ngày nào cha được diễm phúc chết vì đạo thì bà cho cha biết ngay, thực ra cha không sợ chết đâu”.
Khi thấy lính canh dự định cho cha vào chỗ khô ráo hơn thì cha bình thản trả lời: “Không hề gì cả, hãy để tôi ở đây. Tôi không mong gì hơn là được sống trường sinh”.
Một người giáo dân khác báo cho Cha Duệ tin về Ðức Giám Mục Delgado đã bị chết gục trong cũi mà xác còn bị đem chém nữa. Cha Duệ liền bỏ chiếu ra ngay. Một bà đạo đức tên Phú có hỏi cha tại sao cha không nằm trên chiếu thì cha trả lời: “Cha đã bị chết trong cũi còn bị chặt đầu nữa còn con muốn nằm trên chiếu ư? Bà hãy đi dò la tin tức về cha và nếu có gì cho cha hay ngay để còn kịp dọn mình”.
Cha bị các quan kết án tử cùng với Cha Hạnh ngày 28-6 và đến ngày 21-7 án về tới Nam Ðịnh. Cha bị chém đầu ngày 1-8. Xác cha được chôn cất tại Lục Thủy.
(bị bắt 7-6-1838, tử đạo 1-8-1838)
Cùng bị xử với Cha Duệ có Cha Ðominicô Nguyễn Văn Hạnh. Cha Hạnh thuộc dòng Ða Minh. Người sinh năm 1772 tại làng Năng Á thuộc tỉnh Nghệ An. Cha đã sinh trưởng trong một gia đình đạo đức. Cũng như Cha Duệ, trong lúc thiếu thời người đã hiến thân cho Chúa trong nhà dòng. Người đến xin Ðức Cha Henares chấp thuận và Ðức Cha đã trao người cho Cha Liêm coi cóc dạy dỗ, sau đó cha chịu chức linh mục và đã được gửi đi nhiều nơi. Sau một thời gian, cha xin vào tu dòng Ða Minh và ngày 22-8-1826 cha khấn dòng. Từ đó trở đi, cha càng hăng say làm việc cho Chúa và các linh hồn.
Trong thời gian cấm đạo, Cha Hạnh ẩn trốn tại làng Quần Ðình Hạ. Sau một thời gian, giáo dân lại đưa cha đi ẩn trốn tại làng Kiên Trung. Về sau cũng hai người tên là Hảo Hội và Nhiêu Hậu giả cách đến tìm cha và đưa người về Quần Anh Hạ, và khi đi dọc đường chúng ngầm báo cho quan quân vây bắt. Ðó là ngày 7-6-1838.
Trong ngày phong Á Thánh cho cha, có một giáo dân tên là Joseph Vinh đã minh chứng rằng lúc Cha Hạnh lẩn trốn tại nhà anh ta, cha luôn luôn khao khát được phúc chết vì đạo.
Khi giải cha đến cửa thành, người ta đã đặt thánh giá sẵn để cha bước qua, nhưng khi nhìn thấy thánh giá cha nhất định không chịu bước vào thành. Thấy vậy họ phải cất thánh giá đi. Khi giải nộp người vào dinh quan, quan Bát Phẩm tên là Tuyên đã điều tra tuổi tác lý lịch người và hỏi người đã làm gì trong những năm qua người trả lời: “Tôi chỉ dạy người ta làm lành, lánh dữ mà thôi”.
Quan lại dụ: “Nếu ông bằng lòng xuất giáo tôi sẽ tha cho ông về ngay”.
Cha Hạnh hiên ngang trả lời: “Tôi không thể nào làm điều đó, tôi chỉ ao ước chết vì đạo và theo chân hai thầy tôi là hai Ðức Cha mà thôi”.
Quan lại hạch hỏi: “Tại sao ông ngu xuẩn thế, ông lại muốn chết? Cụ Duyệt đã bỏ đạo và được tha về sao ông không làm như vậy?”
Cha Hạnh vẫn nhất mực chối từ. Ngạc nhiên quan vặn lại: “Những người theo đạo Gia Tô, khi chết thì làm sao?”
Cha Hạnh trả lời: “Những người theo đạo Gia Tô khi chết được lên Thiên Ðàng”.
Quan bắt bẻ ngược lại: “Nếu vậy, những người không theo đạo Gia Tô khi chết phải đi đâu?”
Cha Hạnh vẫn thẳng thắn trả lời: “Những ai không theo đạo Gia Tô, mà còn chống lại một cách cố tình, khi chết phải xuống hỏa ngục”.
Quan nghe xong nổi giận, lấy giáo quạt quật mạnh vào mặt Cha Hạnh và chửi bới thậm tệ. Quan lại truyền cho lính đánh cha 15 roi da cùng bắt đeo gông cổ, những cục sắt cứa vào da thịt rất đau đớn. Quan còn cấm không cho ăn uống gì cả và bị tống ngay vào ngục. Mặc dầu bị tra tấn rất nhiều lần, nhưng cha vẫn không bị nao núng. Có lần họ đem mẫu ảnh Ðức Mẹ cho cha đạp lên, cha ôm lấy ảnh tượng và hôn kính. Thấy vậy, quan lại càng tức tối hơn và bắt lính đánh cha 100 đòn nữa. Tất cả mọi hành khổ cha đều chấp nhận một cách vui tươi, tỏ ra Chúa đã ban ơn siêu nhiên để hỗ trợ cha.
Sơ Maria Ơn, một nữ tu Việt Nam đã chứng kiến như sau: “Một ngày tôi vào tù xin cha giải tội, tôi thấy cha bị xiềng xích đau đớn lắm. Tôi có cho cha biết là tôi đã nghe cha bị một trăm đòn. Cha trả lời: 'Sở dĩ cha bị đòn, vì đã không chịu chà đạp ảnh Thánh Ðức Mẹ'. Và cha xin tôi cầu nguyện cho cha”. Sau đó, sơ sang thăm Cha Duệ đang bị giam tại chuồng súc vật. Nhưng sơ sợ lính canh nên chỉ nhìn xa thấy Cha Duệ đang nằm sấp mặt.”
Sau những trận đòn, những xỉ nhục và đau đớn hai Cha Duệ và Hạnh không hề nao núng, các quan phải đành ghép tội như sau: “Hai tên bản quốc Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh đã mắc phải mưu chước dối trá của người Tây Phương mà theo đạo Gia Tô đã lâu nay, chẳng những chúng đã tin dối trá mà còn quyến rũ người khác theo đạo ấy. Mặc dầu vua đã ra lệnh cấm cản nhưng họ cũng không coi ra sao và vì hai tên này đã quá mê tín đến nỗi sống chết cho đạo ấy, họ đã nhất quyết không bước qua thập giá, nên đã nhiều lần bị sửa phạt rồi lại khuyên nhủ mà họ cũng không theo, trái lại còn cho mình là thông thái hơn người, vì thế tôi xin vua phê chuẩn và xin xử trảm hai gã này”.
Ngày 28-6, quan đệ bản án vào kinh và được vua chấp thuận ngay. Mặc dầu chiếu theo luật người già 80 tuổi không bị chặt đầu, nhưng Minh Mệnh, con người tàn ác và khát máu, đã quyết định chặt đầu Cha Duệ mặc dầu người đã 83 tuổi.
Khi lệnh gửi về, các quan quân vẫn chưa tha hai cha. Họ sai mấy người khác đến dụ dỗ. Có người hứa với Cha Hạnh nếu bỏ đạo thì sẽ được làm lương y trong triều quan. Cha Hạnh khẳng định trả lời: “Ông hãy về và cho thầy ông biết, tôi không bao giờ bỏ đạo cả. Lòng tôi chỉ mong chóng tới lúc được chết vì đạo và làm con Thiên Chúa vĩnh viễn”.
Khi tin được tử đạo đến, hai cha mừng vui khôn tả. Hai cha dọn mình sốt sắng và xin sức mạnh để chuẩn bị chết vì Chúa Kitô.
Ngày 21-7, hai cha bị điệu tới pháp trường. Có cả một đám đông dân chúng theo saụ Hai quan oai vệ trên hai mình voi, một dẫn đầu và một hộ tống tới pháp đình. Chuông trống nổi dậy liên hồi khi họ điệu hai cha tới nơi. Cha Duệ, vì quá già yếu lại đau ốm, nên họ cáng cha, trong khi Cha Hạnh, 66 tuổi, bị đeo xiềng xích nặng nề và phải mang gông. Nhưng nét mặt hai cha rất hân hoan và bình an. Vì con đường tới pháp đình rất xa nên Cha Hạnh ngã quỵ nhiều lần. Sau cùng lính phải buộc ba cây tre lại và cáng cha tới pháp đình. Trên đường đi xử, Cha Hạnh khuyến khích giáo dân theo sau: “Hãy vui lên, vì cha sắp về với Chúa”.
Ðôi khi trong đám đông có một vài người chế riễu các cha: “Ðây là hai tên phạm nhân Duệ và Hạnh”.
Gương mặt hai cha tỏ lộ hy vọng và bình an. Cha Hạnh giơ tay cho lý hình trói lại còn Cha Duệ ngồi ngay ngắn trên đất. Sau khi gông, cùm, xiềng xích đã được tháo ra và tên lý hình tuốt gươm sáng ngời sẵn sàng chờ cho hồi trống báo hiệu là họ thi hành phận sự. Thấy vậy, Cha Hạnh bảo tên lý hình: “Nếu anh chặt đầu tôi ngay, tôi sẽ tặng anh món quà, anh hãy đến bảo anh Giuse Thái, anh ta sẽ tặng thưởng ba quan”.
Hồi chuông vừa dứt, hai lý hình chém đầu hai cha chỉ một nhát thôi, đầu rơi ngay và lý hình nhặt đầu hai cha tung lên cao ba lần cho các quan quân trông thấy.
Cũng như những lần trước, cả lương lẫn giáo ra thấm máu các đấng và tranh dành những gì thuộc về hai cha mặc dầu quan quân ngăn cản. Quan cho giáo dân lấy xác và đầu khâu lại và liệm vào ván đã có sẵn, rồi đưa về làng Lục Thủy. Nơi đó giáo dân chôn cất người trong thánh địa của làng.