Trong việc tôn phong các anh hùng tử đạo Việt Nam và đưa các đấng lên đài vinh quang trước mặt toàn thể thế giới phải kể công đầu là Ðức Thánh Cha Grêgoriô XVI. Trước hết chúng tôi xin giới thiệu con người của Ðức Thánh Cha Grêgoriô XVI và sau đó việc người làm cho giáo hội Việt Nam đang lúc bị bách hại gắt gao nhất.
Các sử gia giáo hội như Goyau hay Schmidlin đã tặng cho người tước hiệu “Vị Ðại Giáo Hoàng Truyền Giáo của thế kỷ 19” hoặc “Giáo Hoàng Truyền Giáo”. Quả thực biệt hiệu các sử gia tặng cho người rất đúng với hoạt động của người.
Tên người là Bartolomeo Alberto Cappellari, tu sĩ dòng Biển Ðức với thánh hiệu Fra Mauro, người Ý, sinh năm 1765 tại Bắc Venetia. Người là một người có tài lãnh đạo và hết mực trung thành với tòa thánh. Nhờ đó người bước lên những chức vị then chốt trong giáo hội. Người làm bề trên cả của dòng Biển Ðức, là cố vấn của nhiều bộ trong giáo triều Rôma và năm 1826 người được chỉ định làm tổng trưởng Bộ Truyền Giáo.
Trong giáo hội cũng như ngoài các chính phủ, người nào có tầm hiểu biết rộng và nắm vững tin tức là nắm vững quyền lực. Các vị giáo hoàng thường xuất thân trong ngành ngoại giao vì các đấng biết nhiều và từng trải nhiều. Bộ Truyền Giáo cũng là một trung tâm tin tức của giáo hội trên thế giới nhờ các phúc trình của các vị thừa sai.
Ðức Thánh Cha Grêgoriô hơn ai hết hiểu biết rõ tình hình các giáo hội địa phương, các khó khăn và thiếu sót. Khi làm tổng trưởng Bộ Truyền Giáo, người đã tích cực hỗ trợ cho Hội Truyền Giáo Phúc Âm và Hội Hài Ðồng, là những tổ chức quyên góp giúp các thừa sai và các địa điểm truyền giáo. Cũng chính người đã đẩy mạnh việc huấn luyện các linh mục bản xứ, thành lập hàng giáo sĩ và giáo phẩm địa phương.
Người được các Hồng Y bầu làm Giáo Hoàng ngày 2-2-1831. Giáo hội lúc này đang trải qua một khúc quanh lịch sử để thoát khỏi những chi phối của các đế quốc Âu Châu, các trào lưu tư tưởng cách mạng, tự dọ..
Khi người làm tổng trưởng Bộ Truyền Giáo năm 1826 thì Minh Mệnh đang cai trị Việt Nam, và vừa ra lệnh cấm thừa sai mới đến và tập trung các thừa sai có mặt trong nước về Huế, với danh nghĩa làm quan thông dịch cho triều đình, nhưng thực ra là để giam lỏng các thừa sai. Các thừa sai ở xa như ngoài Bắc hay trong Nam không ra mặt, chỉ hai hay ba cha ở kinh đô bị bắt.
Ðến năm 1831, người lên làm Giáo Hoàng thì Minh Mệnh cũng bắt đầu giai đoạn bách hại đạo trưởng và những người chứa chấp. Có những cuộc ép buộc chối đạo nhất là trong đám quân ngũ. Ðầu năm 1833 Minh Mệnh ra sắc lệnh thực sự bắt đạo tòan diện: “Phải bắt cho bằng hết các đạo trưởng, giáo dân phải hành hạ thế nào để họ chối đạo”. Suốt trong triều đại giáo hoàng của người, người chỉ nghe tòan tin bắt đạo tại Việt Nam và Trung Hoa. Khi Minh Mệnh đã đến lúc say máu người Công Giáo, đến nỗi các sử gia phải gọi ông là Néron Việt Nam, ông chỉ muốn đắc thắng thấy người Công Giáo phải đạp ảnh, nhưng Minh Mệnh đã tức tối vì không được hả dạ nên ba năm cuối đời của ông, ông đã lên án tử hình trên 50 vị anh hùng Kitô. Với cái nhìn và quan tâm về công cuộc truyền giáo, khi thấy 29 linh mục, 9 thừa sai, 4 giám mục bị giết, Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã làm mọi cách để trợ giúp giáo hội anh hùng Việt Nam.
a. Kêu gọi tòan thế giới cầu nguyện cho giáo hội Việt Nam
Hội Truyền Bá Phúc Âm đã tung chiến dịch thế giới cầu nguyện cho giáo hội đang bị bách hại. Tuy có nhiều anh hùng tử đạo nhưng cũng có đến bốn trăm ngàn (400.000) giáo hữu bị đặt trước chọn lựa chối đạo hay chết vinh quang. Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã tán thưởng chiến dịch này và ngày 7-4-1839 đã ban cho các tín hữu ba loại ân xá:
1. Ân xá 300 ngày cho những ai đọc kinh cầu xin Chúa chấm dứt tình trạng đổ máu người Kitô tại Viễn Ðông.
2. Ân xá 100 ngày cho những người đọc lời kêu xin: “Lạy Trái Tim Ðức Chúa Giêsu xin thương xót chúng con. Lạy Trái Tim cực sạch Ðức Bà Maria, cầu cho chúng con. Lạy ông Thánh Giuse là bạn thanh sạch Ðức Mẹ Ðồng Trinh Maria, cầu cho chúng con” , với ý chỉ như trên.
3. Ân đại xá (thường chỉ ban bốn lần trong một năm vào các tháng 3, 5, 9, 12) đặc biệt cho những người đọc các câu than trên hay làm việc lành để cầu nguyện cho giáo hội lúc bị bách hại.
Các ân xá trên phải đi kèm với việc lãnh bí tích và cầu theo ý chỉ Ðức Thánh Cha. Thường các ân xá được chỉ cho các linh hồn nơi luyện tội, cũng được áp dụng cho giáo hội tại Việt Nam và Trung Hoa đang trong cơn bắt bớ.
b. Thư an ủi giáo dân Việt Nam ngày 4-8-1839
Thư này tới Việt Nam và công bố năm 1840. Trong bức thư, trước hết Ðức Thánh Cha nói lên niềm đau đớn cũng như an ủi khi nghe tin tức của các vị chủ chăn chịu chết vì đạo tại Trung Nam Bắc: “Một phần cha vui mừng vì những chiến thắng vinh quang mới đây của Giáo Hội Chúa Kitô và làm bẽ bàng dân vô đạo. Thật đáng ca ngợi sự thánh thiện và lòng dũng cảm của biết bao nhiêu người đã chiến đấu bảo vệ đạo Chúa Kitô. Ðàng khác cha cũng buồn vô cùng khi thấy chúng con phải mất chủ chăn, phải gặp bao nhiêu nguy hiểm. Cùng với lòng ưu ái lo lắng đặc biệt của tòan giáo hội, cha sẽ sai đến các vị chủ chăn khác để hướng dẫn và dẫn dắt chúng con theo con đường của Chúa. Cha e sợ rằng chủ chăn bị đánh đập đoàn chiên sẽ phải tan tác vì sợ hãi cực hình, nên cha hằng dâng lời khẩn nguyện lên Thiên Chúa nhân lành ban ơn hỗ trợ từ trời cao, để củng cố chúng con hầu có thể chống lại được mọi khủng bố của người vô đạo. Chính vì thế mà cha gửi thư này để thúc dục chúng con hãy giữ đức tin Công Giáo cho tòan vẹn. Ðừng sợ những người chỉ giết được xác mà không làm hại được hồn, nhưng hãy sợ Ðấng có thể để chúng con cả xác cả hồn vào hỏa ngục. Ðừng hoảng sợ trước cuộc thử thách vắn vỏi, nhưng hãy tin rằng chúng sửa soạn cho chúng con được vinh quang vô vàn. Chúng con hãy hướng mắt nhìn lên Chúa Giêsu đang kêu gọi chúng con, hãy nhìn xem gương can đảm của các vị chủ chăn đã liều mạng vì chúng con. Cha cũng vô cùng đau đớn nghe tin rằng một số đông vì sợ tra tấn nhục hình đã hổ thẹn không dám tuyên xưng Chúa Kitô trước mặt người khác. Cha khuyên họ hãy lấy nước mắt thống hối mà rửa sạch tội ác ghê gớm ấy cùng tha thiết xin ơn tha thứ.
Các con thân yêu, những người đã can đảm không chối đạo, đừng bao giờ nản lòng vì những khốn khổ, hãy ngước trông lên trời nơi dành cho những người chiến thắng triều thiên bất tử. Ngày gian khổ thì vắn vỏi, nhưng theo sau có ơn an ủi dồi dào, và hạnh phúc trường sinh đang đợi chúng con. Chúng con sẽ không phải chịu bắt bớ tàn nhẫn mãi như vậy. Sẽ có một ngày chúng con được lau sạch nước mắt, được thoát khỏi cơn bão táp khủng khiếp và được ơn an bình phụng sự Thiên Chúa hằng sống chân thật”.
c. Mật nghị tuyên dương các anh hùng tử đạo là bậc Ðáng Kính ngày 27-4-1840
Trong bài huấn dụ, Ðức Thánh Cha nhắc đến tình trạng bi thảm của giáo dân Bắc Việt và những nước lân cận, đồng thời không quên nói lên lòng ưu ái của giáo hội đã kêu gọi thế giới dâng lên lời cầu nguyện hy sinh liên đới với các anh em giáo dân bị bách hại. Ðức Thánh Cha nói: “Lúc này tòa thánh đã thâu thập được nhiều tin tức khá đầy đủ về những biến cố chính trong mấy năm vừa qua của các đấng đã dâng thân xác mình làm chứng đức tin nơi Chúa Kitô và làm cho Chúa được vinh danh qua các lính chiến của Người”.
Sau đó Ðức Thánh Cha lược qua các biến cố từng tháng từng năm của các anh hùng tử đạo, đặc biệt là gương của các vị giám mục, thừa sai, linh mục và ba binh sĩ dũng cảm. Ðức Thánh Cha nói tiếp: “Chư huynh đáng kính, chư huynh vừa nghe bản ca ngợi vắn tắt đoàn người thuộc nhiều dòng và cấp bậc khác nhau tại Viễn Ðông đã tôn vinh và làm rạng rỡ đức tin nơi Chúa Kitô, không những bằng nhiều hình khổ và tra tấn mà còn đổ chính máu mình ra. Ước gì Thiên Chúa ban cho chúng ta đủ phương thế thiết lập hồ sơ tin tức để tòa thánh có thể chính thức long trọng tuyên dương sự chiến thắng khải hoàn của những anh hùng tử đạo mới để cho giáo dân tôn kính. Trong khi chờ đợi, chúng ta tin chắc rằng Chúa chúng ta sẽ ban ơn trợ giúp, tăng cường họ chiến thắng, đồng thời cũng trông đến giáo hội hiền thê của Chúa được trang điểm bằng máu con cái Người và sớm cứu giáo hội khỏi những vu khống thù nghịch, đặc biệt là tại những nước đang thấm máu đào. Và như thế giáo hội sẽ được Chúa Cứu Thế làm tăng thêm hoa trái công chính và thêm số các tín hữu...”
d. Những sắc lệnh khởi đầu hồ sơ điều tra án phong thánh
- Bộ Truyền Giáo đứng đơn xin mở hồ sơ phong thánh cho cha Gagelin (1833) và các bạn tử đạo. Ðức Thánh Cha Grêgoriô chấp thuận ngày 24-5-1840.
- Ðức Thánh Cha ký sắc chỉ thành lập ủy ban điều tra ngày 14-6-1840.
- Sắc lệnh ngày 19-6-1840 sáp nhập hồ sơ Giám Mục Delgado (1838) và các bạn tử đạo vào hồ sơ trước.
- Sắc lệnh thêm vài tên của các vị tử đạo dưới thời Tây Sơn ngày 9-7-1843 (Hồ sơ của Trung Hoa bắt đầu từ năm 1842, năm 1843 sát nhập chung vào hồ sơ Việt Nam).
5. Những tông thư liên quan đến giáo hội Việt Nam trong kỳ bắt đạo
- Tông thư của Ðức Thánh Cha Grêgoriô XVI ban quyền cho các Giám Mục tại Việt Nam được chọn người kế vị và phụ tá: Ðịa phận dòng (O.P.) 2-8-1839, địa phận thuộc hội thừa sai 10-12-1839.
- Tông thư Ex Debito Pastoralis 17-3-1846 chia địa phận Vinh từ Hà Nội.
- Tông thư ngày 11-3-1844 chia địa phận Ðông Ðàng Trong (Qui Nhơn) và địa phận Tây Ðàng Trong (Sài Gòn).