(bị bắt 29-10-1861, chết rũ tù 14-11-1861 tại Bình Ðịnh)
Cũng như Ðức Giám Mục Hermosilla Liêm, Ðức Cha Cuénot Thể đã là cột trụ nâng đỡ hội thánh Việt Nam trải qua cuộc bắt đạo tàn khốc của Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Ðức. Người bỏ quê hương và truyền giáo ở Việt Nam 36 năm, 27 năm làm giám mục, phong chức linh mục cho hai giám mục và 56 linh mục. Dưới đời của người toàn địa phận Ðàng Trong được lần lượt phân chia thành địa phận Sàigòn năm 1844 và Huế năm 1850. Ðịa phận mẹ Ðàng Trong trở thành địa phận Qui Nhơn.
Vị thánh giám mục của toàn cõi Trung và Nam Việt sinh trong mùa đông ngày 8-2 năm 1802 tại Bélieu với tên gọi là Stêphane Théodore, trong một gia đình khá giả. Thế nhưng chiến tranh đã tiêu hủy hết gia tài đến nỗi cậu Stêphan không có tiền đi học phải cậy nhờ bà con đóng góp. Cậu là cả của gia đình 11 người con. Lòng đạo đức của cha mẹ đã chấp nhận mọi hy sinh khổ cực để cho cậu Stêphan được vào chủng viện học làm linh mục. Ngày cậu đi chủng viện, không có áo quần tử tế khiến bà mẹ phải mang chiếc áo cưới của mình ra để sửa lại thành áo cho cậu. Stêphan nói với mẹ: Khi nào con trở thành linh mục con sẽ sắm cho mẹ một cái áo đẹp như vậy.
Các bạn học chỉ biết nói về thầy Stêphan như là một người trầm tư, chín chắn, giữ luật rất tỉ mỉ, nhẫn nại và can đảm trong những lúc khó khăn, tuy nhiên thỉnh thoảng bệnh tật làm cho thầy thua kém các bạn đồng liêu. Thầy thông minh, cởi mở, nhiều sáng tạo và cương quyết, có lúc người ta cho rằng thầy cứng đầu. Ðặc biệt hơn hết là lòng nhiệt thành truyền giáo của thầy như thầy thường nói: “Ðức tin của tôi gắn chặt vào Thiên Chúa, tôi đã làm lời hứa khi còn học ở chủng viện Besancon”.
Tuy nhiên thầy Stêphan gặp nhiều khó khăn trước khi chịu các chức thánh. Trong thời buổi chiến tranh, các chủng sinh được gửi trong các gia đình đạo đức. Mùa hè thầy Stêphan Cuénot nghe lời một người bạn sáng chế đồng hồ mà thầy nghĩ là có thể được các nhà kỹ nghệ mua sáng kiến, nên thầy mạo hiểm đi sang Thụy sĩ để quảng cáo. Câu chuyện bị lộ tẩy khiến bề trên nghi ngờ ý chí làm linh mục của thầy nên không cho thầy chịu chức năm. Các bề trên nói: “Tính kiêu ngạo và ma quỉ là những cái lôi kéo thầy hơn cả Thiên Chúa, tóm lại Thiên Chúa cũng chỉ là một cái gì đó thôi”.
Thầy tìm đến chủng viện truyền giáo Paris, nhưng cha bề trên khuyên thầy nhẫn nại và chủng viện chỉ nhận những người đã có chức thánh. Thầy tìm sang nhà tĩnh tâm ở Aix-en-Provence năm 1823. Sau 14 tháng thử luyện, bề trên thấy thầy xứng đáng và cho chịu chức Phụ Phó Tế ngày 26-2-1825. Từ đây con đường tông đồ của thầy được sáng tỏ, ngày lễ Thánh Giuse 19-3 thầy được phong chức Phó Tế và ngày 24-9 chịu chức Linh Mục.
Với chức vụ mới, mỗi ngày Cha Stêphan Cuénot dạy học bốn giờ và dậy giáo lý, giải tội. Nhưng nguyện ước của cha là: được chết vì đạo thánh Chúa tại viễn đông. Sau nhiều thư từ, chú của người cũng là linh mục nhận rõ tiếng gọi thần linh nên giới thiệu Cha Stêphan vào chủng viện truyền giáo Paris ngày 23-6-1827 và tháng Giêng năm sau rời Paris đi Viễn đông.
Tới Macao năm 1829, bề trên ở đây may cho cha bộ áo Việt Nam và khăn đống để lên đường băng rừng qua Bắc Việt rồi xuống nhiệm sở ở Ðàng Trong. Vì Vua Minh Mệnh bế môn tỏa cảng nên Cha Cuénot phải mất 83 ngày đường mới tới được nhiệm sở ngày 24-7-1829. Trước hết cha được chỉ định ở chủng viện Lái Thiêu để vừa học tiếng Việt vừa dậy các chú. Cha được gọi tên là Tri. Ðức Cha Taberd trong thư ngày 23-7-1830 đã viết về vị thừa sai mới như sau: “Cha Cuénot sẽ được chỉ định giúp các họ đạo gần chủng viện, tôi tin rằng cha sẽ làm thỏa mãn những tín hữu...” Trong một thư khác năm 1831 Ðức Cha viết: “Cha Cuénot rất nhiệt thành trong việc giảng đạo và đưa người lương trở lại đạo. Người rất thành công”. Có lẽ vì nhiệt thành quá và đời sống khắc khổ đã làm cha sinh bệnh đến phải xức dầu.
Năm 1833 lệnh bắt đạo toàn diện đặt địa phận trong tình trạng nguy ngập. Bấy giờ địa phận có khoảng 80.000 giáo dân, một giám mục, 8 thừa sai và 17 linh mục Việt. Giáo dân thấy khó lòng cho các thừa sai ẩn trốn nên khuyên các đấng tạm rút lui chờ cơn bắt đạo nguôi sẽ trở lại. Trong khi ấy Thừa Sai Jaccard, Odorico đã bị bắt ở Huế, Thừa Sai Gagelin đang trốn ở Bình Ðịnh. Ðức Cha Taberd quyết định đem Cha Cuénot, Vialle và Regereau tạm trốn sang Thái Lan. Sau đó vì chiến tranh Thái-Việt và cuộc nổi loạn của Lê văn Khôi gây nghi ngờ cho các thừa sai, các đấng xuống thuyền sang Singapore. Tại đây Ðức Cha Taberd đặt Cha Cuénot, mới 33 tuổi, làm giám mục phó và truyền chức ngày 3-5-1835.
Ngay sau đó Ðức Cha Cuénot cùng với hai cha Việt Nam học ở Penang thuê thuyền trở lại Việt Nam và thành công vào được Gò Thị thuộc tỉnh Bình Ðịnh (Qui Nhơn). Từ đây đức cha đổi tên là Thể và thường xuyên ở họ đạo Gia Hựu, trong nhà dòng Mến Thánh Giá, mọi sự do ông Năm Thuông sắp xếp. Khi tình thế cho phép, người đi thăm giáo dân ở Quảng Ngãi. Công việc người quan tâm đầu tiên là lập hai chủng viện và tăng số linh mục bản xứ, vì trong lúc bắt đạo chỉ có các linh mục Việt đi lại và trốn tránh dễ dàng. Trong thơ gửi về bộ truyền giáo năm 1836, người tường trình về cuộc tử đạo của các Thừa Sai Gagelin, Marchand, các linh mục Việt và thầy giảng, đồng thời xin phép phong chức linh mục cho các thầy giảng chỉ biết đọc Latinh, được làm phép bàn thờ không cần đá thánh, được làm lễ từ ba giờ sáng và tùy hoàn cảnh được làm lễ đọc thầm và sau cùng xin chuẩn cho giáo dân khỏi ăn chay vì đang phải trốn tránh và ngày đầu năm, trùng vào thứ Tư Lễ Tro không giữ được.
Sau khi Minh Mệnh chết ngày 20-1-1841, Ðức Cha Thể lợi dụng thời kỳ tạm yên để họp công đồng tại Gò Thị vào tháng 5, để ấn định các qui luật truyền giáo và chấn chỉnh một số công việc trong địa phận. Cuối kỳ họp, Ðức Cha Thể phong chức giám mục cho Ðức Cha phó Lefebvre. Ðể củng cố các linh mục, đức cha đặt ra một số câu hỏi về thần học và mục vụ và các cha phải trả bài vào dịp cấm phòng hằng năm. Ðối với giáo dân, đức cha chú tâm nâng cao lòng đạo đức, nhất là số những người yếu đuối đã xuất giáo và lâu ngày không được gặp giám mục. Với người xuất giáo, đức cha ra hạn cho họ đền bù bằng việc đưa một số người bên lương trở lại đạo hoặc rửa tội cho những trẻ em hấp hối. Ðức cha công bố kết quả của các xứ để thúc đẩy những nơi chưa nhiệt thành trong việc đem người lương vào đạo. Phương pháp truyền đạo của Ðức Cha là chia những người học đạo thành nhóm mười, mười lăm hoặc ba chục người trong một nhà để dậy giáo lý. Ðàn bà dậy cho đàn bà, đàn ông cho đàn ông. Mỗi tuần thầy giảng đến hai ba lần để cắt nghĩa giáo lý và cách thức biện bác những sai lầm dị đoan. Các người học đạo ăn chung với nhau và khi ăn nghe đọc sách. Trong ngày rửa tội, địa phận tặng cho một bộ áo trắng làm kỉ niệm. Về các thầy giảng, đức cha chia thành ba hạng: hạng thứ nhất có khoảng hai mươi mốt thầy là những thầy có khả năng và có kinh nghiệm dậy giáo lý. Hạng thứ hai khoảng ba mươi lăm thầy theo các cha đi làm phúc, giúp giáo dân lãnh nhận các bí tích, mỗi cha có bốn thầy. Hạng thứ ba là các ông trùm trưởng gia đình lo trật tự và sửa soạn các việc cần cho lễ rửa tội, hôn phối và săn sóc người ốm.
Nhưng ước vọng trên hết của vị chủ chăn can đảm và tận tụy là phúc tử đạo, chết vì đạo thánh Chúa. Trong một bức thư gửi về châu Âu, Ðức Cha đã bày tỏ ước nguyện được chết vì lưỡi gươm của đao phủ hơn là chết vì bệnh. Người viết: “Lưỡi gươm của Minh Mệnh đã làm cho bao nhiêu anh hùng được phúc tử đạo... nơi tôi ở có lẽ là chỗ dễ bị bại lộ nhất. Tôi chưa được vinh dự đó thôi. Nếu ngày nào quan quân điệu tôi đến cửa nha, trái tim tôi sẽ đập rất mạnh, nhưng không phải vì sợ hãi, mà là vì vui mừng. Khi nhìn những người bạn lần lượt ngã xuống, còn lại một mình sẽ buồn nghĩ rằng mình là người bất xứng. Không phải là đáng buồn lắm sao cho một vị thừa sai, hơn nữa cho một giám mục khi các giáo dân can đảm chịu gông cùm của cơn bắt đạo trong khi mình cứ phải trốn tránh”.
Từ năm 1833 cuộc bắt đạo trở nên gay gắt vì tổng đốc Bình Ðịnh là một ông quan ghét đạo, đã đề nghị triều đình phân sáp giáo dân và tịch thu ruộng đất. Các cuộc lùng soát giáo dân đã gây ra rất nhiều khốn khổ cho họ. Năm 1861, giáo hội Việt Nam trên đường tử nạn, đức cha không muốn giáo hội bị tận diệt nên đã ra lệnh cho cha chính Herrengt và một số thừa sai tạm vào trong Sàigòn, tương đối đỡ bắt bớ để có người trở lại xây dựng địa phận sau này. Riêng mình Ðức Cha lại nghĩ rằng chủ chăn phải ở gần con chiên trong lúc khốn khó và hy sinh mạng sống vì con chiên.
Trong số các nhân chứng về cuộc xưng đạo và tử đạo của đức cha, có thầy sáu Francis Khoa và cai ngục Phương, người ngoại đạo. Họ đúc kết đầy đủ các lời khai của người khác làm thành bài tường thuật khá đầy đủ rõ ràng.
Theo Thầy Khoa, ngày 21-10-1861 Ðức Cha Cuénot rời Gò Thị để xuống Gò Bối trốn ở nhà bà Lưu cùng với thầy bốn Tuyên và chú Nghiên. Tại đây có Cha Tho và Thầy sáu Khoa đang trốn. Sáng Chúa Nhật 28-10 vừa tảng sáng Thầy Khoa đến báo tin có hai chú bị bắt và mang áo lễ đen để đức cha làm lễ cầu cho các tín hữu qua đời. Không may vì có người đã đi tố cáo trong làng có đạo trưởng trốn tránh nên quan sai cai đội Nam mang 50 lính đến vây làng. Thoáng trông thấy lính, cũng là lúc đức cha vừa làm lễ xong, bà Lưu báo tin để đức cha và Thầy Tuyên trốn vào vách kép, còn bà ra chận lính lại để hỏi xem họ muốn gì. Lính lục soát bắt được đồ lễ và ông trùm Qua trốn trên mái nhà. Lính tưởng là đạo trưởng, nhưng bà Lựu đã cải chính ngay không phải là đạo trưởng vì ông có vợ con. Lính bắt hai người đi, trong lúc đó lính cũng lục soát các nhà bên cạnh có Thầy Khoa và Cha Tho trốn, nhưng các đấng đã kịp trốn thoát. Tới chiều thứ Hai, đức cha, Thầy Tuyên và chú Nghiên vẫn còn ở trong vách, vừa đói bụng vừa khát nước và nghẹt thở. Khoảng 9 giờ tối lính mang ba cái gông đến khiến những người đang trốn tưởng là họ đã biết nên tự ra nộp mình. Thầy Tuyên vừa bước ra khỏi thì đã ngã vào người lính và bị trói lại. Chú Nghiên cũng vậy. Ðến lượt đức cha vừa bước ra đỡ bị lính túm lấy tóc và đè xuống lấy giây thừng trói chân tay lại. Vì yếu, đức cha không nói lên lời, mãi sau mới thều thào: “Tôi có chạy trốn đâu mà các ông trói chặt quá vậy?” Sau đó quan cho cởi giây trói tay để đức cha có thể nguyện được. Ðức cha xin họ trao lại cuốn sách nguyện và người bắt đầu đọc kinh.
Từ nơi bị bắt về đến tỉnh thành phải qua nhiều làng, các quan muốn cho nhiều người biết để mà sợ nên đóng gông và trói các tù nhân lại với nhau, riêng đức cha thì họ nhốt vào trong cũi mà khiêng đi. Vì trời mới mưa lụt nên cũi của đức cha ngập nước. Tới tỉnh, sáu người bị giam vào ngục khác nhau. Ông cai ngục Phương lo liệu thức ăn cho đức cha.
Theo lời khai của ông này, Ðức Cha Cuénot Thể bị thẩm vấn hai lần. Quan tuần phủ hỏi: “Tại sao có lệnh cấm mà ông còn đến xứ này và đã bao lâu?”
Ðức Cha đáp: “Tôi đến để giảng đạo thật và đã được 36 năm. Tôi đã đi chung quanh tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà và Bình Thuận”.
Quan lại hỏi: “Chỗ ở nhất định ở đâu và tới nhà bà Lưu từ bao lâu?”
Ðức Cha đáp: “Tôi ở Xuân Hương và mới tới nhà bà Lưu được mười hôm”. Sau đó quan hỏi tiền để mua thức ăn. Ðức cha lấy từ trong túi ở thắt lưng hai quan tiền đưa cho quan, và sau đó bị đem về nhà giam.
Hôm sau quan lại hỏi tiếp: “Ông có biết tại sao người ta đến gây chiến ở Việt Nam?”
Ðức cha thưa: “Tôi không biết gì về việc chiến tranh, tôi chỉ đến đây với mục đích duy nhất là giảng đạo. Ðã 36 năm tôi đi giảng chỗ này chỗ khác. Chỉ có thế. Quan muốn đánh đập tôi tùy ý, nhưng không ích gì hỏi thêm nữa, quan chỉ muốn hỏi để ghép tôi vào việc chiến tranh mà tôi không hề hay biết gì”.
Từ đó đức cha không bị tra hỏi lần nào nữa, nhưng phải giam rất ngặt không ai được đến gần trừ người đem cơm. Trong tù cũng có một cha Việt Nam đang bị giam mà không thể đến gần để ban bí tích cho đức cha.
Sau bốn ngày, đức cha lên cơn sốt vì nước độc và bị ướt quần áo trên đường về tỉnh. Quan cho y sĩ đem thuốc đến, nhưng đức cha nhất định không uống. Theo dư luận thì quan đã ngầm ra lệnh bỏ thuốc độc vào để đức cha chết sớm, vì quan sợ nếu đức cha sống lâu sẽ bị giải về kinh, và vì đức cha ở trong xứ 36 năm quan sẽ phải tội với triều đình. Quan đánh đập Thầy Tuyên và chú Nghiên để ép Ðức Cha uống thuốc. Vì thương họ nên đức cha đã uống thuốc, nhưng thay vì khá hơn thì bệnh tình trở nên nguy kịch. Ðức cha trút hơi thở cuối cùng lúc 7 giờ chiều ngày 14-11-1861, hưởng thọ 59 tuổi.
Trong khi điều tra làm án, Ðức Cha Charbonnier, kế vị đức Cha Thể cho rằng người không bị bỏ thuốc độc. Nhưng theo lời khai của ông cai ngục Phương thì chiều hôm ấy ông còn dìu đức cha đi bách bộ một lúc. Hầu hết các nhân chứng đều nói rằng dân chúng tin là quan đã bỏ thuốc độc.
Sáng ngày hôm sau bản án của triều đình về tới tỉnh truyền phải xử bá đao. Quan tuần phủ ra lệnh chặt đầu rồi bêu đầu như án đã ra, nhưng quan tổng đốc nói là người đã chết rồi thì không cần chặt đầu làm gì. Chính quan tuần phủ cũng nói rằng thật trời thương tù nhân này mà gọi về thế giới bên kia trước khi phải chịu cực hình. Quan làm tờ trình báo lại triều đình là tù nhân đã chết trước khi bản án đến. Trong khi đó ông cai đội tháo lấy chiếc nhẫn ở tay đức cha và sau đó đưa cho Thầy Tuyên mấy quan tiền. Thầy Tuyên xin quan lớn cho phép mua quan tài để chôn cất, nhưng quan ra lệnh lấy bốn cây tre bó xác mà chôn.
Ðến tháng 2-1862 án của triều đình gởi về tuyên án xử tử những người cùng bị bắt, còn xác đức cha thì phải vứt xuống sông. Bản án của vua như sau: “Ðạo trưởng Châu Âu tên gọi là Thể đã ẩn náu trong nước từ 40 năm, đã giảng dậy đạo sai lầm lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra hỏi đã thú nhận tội vì vậy phải chặt đầu bêu ở chợ. Nhưng vì đã chết trong tù thì xác phải vất xuống sông”. Những người lính đào mộ lên làm chứng rằng: “Chúng tôi không hiểu tại sao người Âu Châu này quá lạ lùng. Khi đào lên chúng tôi thấy tóc và râu còn nguyên, áo quần nguyên vẹn tựa như người nằm ngủ. Chúng tôi khiêng bỏ vào thúng để đem buông sông thì chân tay và thân người mềm mại như một người ngồi vậy”. Ông cai Phượng còn cho biết rằng xác không có mùi thối mà còn tỏa hương thơm. Có một chút mùi thối là do cây tre đã mục bốc ra mà thôi.
Sau bẩy tám ngày xác nổi trên sông, mặt mũi của người vẫn đầy đặn, được những người đánh cá bên lương vớt lên và chôn ở cửa bể vì họ tin rằng người chết sẽ đem lại cho họ nhiều may mắn. Lúc ấy vì giữa thời kỳ phân sáp nên giáo dân không hay biết gì.
(bị bắt 3-18-61, xử trảm 7-1-1862 tại Thụy Anh)
Thánh Giuse Tuân sinh năm 1826 tại Nam Ðiền, tỉnh Nam Ðịnh, con của ông Emmanuel Trung và bà Rôsa Lâm. Người lập gia đình với cô Maria Trân và có nhiều con cái. Sau 16 năm lam lũ cầy cấy nuôi gia đình, người bị bắt tháng 3-1861 và điệu về phủ Xuân Tràng. Vì nhất mực tuyên xưng đạo Chúa nên người bị đánh đòn, mang gông và khắc chữ “Tả Ðạo” , đi lưu đầy ở làng An Xá (An Bài?) huyện Thụy Anh.
Sau mười tháng tù đầy khổ cực, quan huyện cho đòi người đến ép buộc đạp ảnh chối đạo. Thánh nhân đã quì xuống nâng thánh giá lên hôn kính và cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì chính Chúa là sức mạnh can đảm của con”.
Quan huyện tức giận truyền đem người đi chém đầu. Trên đường ra pháp trường, người vui mừng đọc to tiếng kinh Cầu Các Thánh xin ơn trợ giúp và đồng thời tuyên xưng lòng tin dũng cảm. Ðầu của người bị lưỡi gươm của lý hình chém rơi xuống mà miệng vẫn còn phát ra tên cực trọng Chúa Giêsu. Hôm ấy là ngày 7-1-1862, người được 36 tuổi.
Phêrô Kiên và Maria Huyên đã chứng kiến cuộc hành quyết và đã chôn cất xác người. Ðến năm 1864 xác người được cải táng đem về chôn ở nhà thờ Thánh Giuse thuộc xứ Nam Ðiền.
(xử trảm ngày 22-5-1862 tại An Xaù)
Thánh Laurensô Ngôn không những sốt sắng giữ đạo mà còn lo lắng cho cha mẹ, vợ con cũng được trung thành giữ đạo Chúa, nên người đã anh hùng xưng đạo để làm gương cho mọi người. Người là một nông dân sống tại làng Lục Thủy Thượng, con của ông bà Ðaminh và Rôsa Thao thuộc họ Ðức Bà Rất Thánh Mân Côi.
Người đã bị bắt một lần nhưng bấy giờ quan cho chuộc tiền để không phải đạp ảnh thánh giá. Nhưng đến thời kỳ vua Tự Ðức ra lệnh phân sáp bắt mọi người đạp ảnh thì người cương quyết không chịu nên bị bắt giải về phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Ðịnh. Khi bị bắt người nói với cha mẹ: “Con đã bị bắt vì Chúa và từ rầy về sau sẽ được mọi người kính phục vì con sẽ bền đỗ đến cùng. Xin cha mẹ săn sóc cho vợ và các con của con”.
Trong những ngày bị giam ở phủ Xuân Tràng, người xin lính canh cho về nhà từ giã vợ con và khuyên bảo họ giữ đạo cho trọn. Ngày 8-9-1861 người bị đưa đi giam ở làng An Xá, phủ Ðông Quan.
Trong những ngày bị giam tù ông Ngôn hằng tỏ ra nhẫn nhục vui tươi chịu đựng mọi hình khổ và còn ăn chay mỗi tuần ba lần. Mỗi khi nhớ lại các tội cũ ông đều ăn năn khóc lóc chảy nước mắt. Người khuyên nhủ các bạn tù: “Anh em, thà chúng ta chịu chết khốn cực vì Chúa hơn là xúc phạm đến Người. Chúng ta hãy can trường bền bỉ mặc dù có bị đánh đòn hay tra tấn cách nào đi nữa, chúng ta hãy gớm ghét việc đạp lên ảnh Chúa”.
Chính người hai lần bị quan đòi ra bắt ép đạp ảnh. Quan nói: “Ngươi còn trẻ, nếu cứ ương ngạnh ta sẽ phải xử tử ngươi, trái lại ta sẽ tha cho về nhà nếu ngươi bỏ đạo”.
- “Tôi tuân giữ đạo Ðức Chúa Trời chân thật vì thế tôi sẽ không bao giờ đạp ảnh chối đạo. Nếu quan muốn giết, tôi sẵn sàng, nếu quan muốn tha tôi được sống”.
Quan ra lệnh cho lính đem người về nhà giam. Ít lâu sau quan lại cho lính mang người ra bắt đạp ảnh. Thánh Laurensô Ngôn đã quì xuống hôn kính thánh giá Chúa và nói to tiếng: “Con tôn thờ một Chúa, lạy Chúa trời đất, xin giúp con đừng bao giờ đạp lên ảnh Chúa”.
Bấy giờ quan nói: “Vì ngươi không muốn vâng lệnh nên phải chết”.
Quan giao cho lính đem người đi chém đầu bên ngoài làng An Xá ngày 22-5-1862. Khi người bị chém có bà Rôsa Thao, mẹ người, và bà Mađalêna Ngôn, vợ của người, chứng kiến. Sau khi hành quyết, quan cho phép mẹ và vợ người chôn xác tại chỗ. Khi được tự do đạo, xác người được cải táng về Lục Thủy Thượng.
(bị bắt tháng 2-1862, xử trảm 1-6-1862 tại Hưng Yên)
Thánh Giuse Túc sinh tại Hoàng Xá, tỉnh Hưng Yên, khoảng 1ăm 1843. Theo lời khai của Ðaminh Hùng thì người bị bắt tháng Chạp, tức là khoảng tháng 2-1862 đang khi làm ruộng. Sau khi bị giải về Hưng Yên, người phải lưu đầy đi Ðông Kết thuộc huyện Khoái. Suốt trong bốn tháng lưu đầy, ban ngày người phải mang gông, ban đêm thì bị cùm chân.
Trong thời gian bị lưu đầy người bị dụ dỗ đạp ảnh nhưng không bao giờ người làm theo. Một lần Ðaminh Hùng đến thăm và dụ người trốn đi vì có cơ hội, nhưng người đã trả lời: “Tôi không muốn trốn đi bởi vì một mình tôi trốn thoát, người khác phải khổ cực thêm vì tôi. Tôi sẵn sàng chịu mọi cái Chúa gửi đến cho tôi”.
Ngày 1-6-1862, quan ra lệnh cho người đạp ảnh, nhưng người đã cương quyết xưng đạo, không chịu đạp ảnh như quan bắt ép. Thế là quan giao cho lính đem đi chém đầu. Miệng người không ngớt kêu thánh danh Chúa Giêsu. Khi tới nơi, người nói với bạn Ðaminh Hùng rằng: “Anh đừng có lo lắng, nhưng hãy vui lòng chịu khổ bởi vì Chúa đã muốn cho tôi đổ máu ra vì đạo. Tôi tin thật rằng tôi sẽ được lên trời, còn thân xác tôi anh lo liệu được thế nào thì tùy tiện mà chôn cất, nếu không chôn được thì cũng không sao”.
Sau khi người bị lý hình chém, Ðaminh Hùng đã chôn táng người cẩn thận ở tỉnh Hưng Yên. Sau này xác được cải táng về nhà thờ Ðức Nữ Trinh ở Ngọc Ðường.
(bị bắt 16-9-1861, xử trảm 2-6-1862)
Trong thời kỳ bắt đạo khủng khiếp vì sắc lệnh phân sáp của vua Tự Ðức, làng Trung Linh có 18 anh hùng tử đạo. Trong số này có Thánh Ðaminh Ninh, được phong Á Thánh ngày 29-4-1951. Người có cuộc sống rất khác thường và gặp khó khăn về đời sống gia đình.
Thánh Ðaminh Ninh làm nghề cầy cấy và bị cha mẹ ép buộc lập gia đình với một cô thiếu nữ mà người không ưng thuận, nên đã không chung sống với nhau. Người sống đời sống lương thiện và trong sạch, được nhiều người coi là một tín hữu gương mẫu và anh hùng chịu đựng thử thách.
Ngày 16-9-1861 người bị bắt cùng với Phêrô Ða, 38 tuổi, Phêrô Hùng 26 tuổi. Sau bị giải về phủ Xuân Trường, các đấng vẫn một mực tuyên xưng đức tin chứ không chịu đạp ảnh, quan phủ cho khắc chữ tả đạo vào má và bắt đi đầy. Thánh Ðaminh Ninh bị đầy ở làng Ðông Trị, huyện Ðông Quan, với Phêrô Hùng. các đấng còn phải thay đổi nơi lưu đầy nhiều lần.
Sau cùng ngày 2-6-1862 các đấng bị giải về An Triêm nơi quan án đang xét xử. Một lần nữa Thánh Ðaminh Ninh bị ép phải chối đạo nhưng người đã can đảm thưa lại: “Nếu con cái không được phép khinh dể cha mẹ mình thì làm sao người tín hữu dám dầy đạp hình ảnh Chúa tạo dựng trời đất. Quan hãy làm gì quan muốn, nhưng đừng bắt tôi phạm tội đạp thánh giá Chúa”.
Nghe vậy quan tức giận truyền cho lính đem đi chém đầu.
(bị bắt 25-11-1860, xử trảm 3-6-1862 tại Hưng Yên)
Cuộc xưng đạo của Thánh Phaolô Ðổng và hai người bạn ở tỉnh Hưng Yên thật là hi hữu. Cũng như các vị anh hùng đức tin phải giam tù và khắc chữ, Thánh Phaolô Ðổng đã ba lần cạo chữ tả đạo và lần sau cùng đã xin với quan cho một người tín hữu ghi chữ trên má. Không ai ngờ Thánh Phaolô Ðổng yêu cầu người tín hữu ghi hai chữ “Hữu Ðạo”. Với hành động dũng cảm này, Thánh Phaolô Ðổng đã được quan lớn truyền lệnh đem đi chém đầu ngay.
Thánh Phaolô Ðổng sinh khoảng năm 1802 tại Vực Dương, họ thánh Tôma Tông Ðồ thuộc xứ Cao Xá, tỉnh Hưng Yên. Với lòng đạo đức nhiệt thành người được các cha giao cho nhiệm vụ làm trùm họ đạo và coi sóc nhà thờ. Sau sáu năm có lệnh Vua Tự Ðức bắt các vị đầu mục trong làng, ngày 25-11-1860 người bị bắt cùng với ông Phêrô Nha và ông Ðaminh Cảnh. Quan ra lệnh tập họp dân chúng tại đình làng để kiểm danh nhưng thực ra là để bắt mọi người phải đạp ảnh thánh giá. Một số đông bị bắt đem về tỉnh. Tại đây có nhiều người bỏ tiền ra mua chuộc tự do, nhưng ba vị anh hùng quyết một lòng xưng đức tin.
Theo lời khai của người con gái Thánh Phaolô Ðổng (Agnes Ngọt) và người con trai của Ðaminh Cảnh thì các đấng bị tra tấn ba lần, nhưng vì không chịu chối đạo nên đã bị đánh đập tàn nhẫn, nát cả thịt ra và cần phải điều trị. Ban đầu các đấng bị giam ở trại lá, nhưng sau khi tra tấn bị chuyển về giam ở trong một chuồng voi. Suốt một năm rưỡi trong tù các đấng đã sốt sắng đọc kinh chung với nhau, khích lệ nhau vui vẻ chịu khổ vì đạo Chúa. Một lần bà Agnes Ngọt đến thăm đã hỏi Thánh Phaolô Ðổng đã xưng tội chưa, người quả quyết đã gặp linh mục và xưng tội rồi.
Cảnh tù đầy gông cùm không làm cho Thánh Phaolô Ðổng sờn lòng, trái lại, thấy có nhiều tín hữu khác bị bắt và cùng giam trong tù, thánh nhân đã cạo chữ tả đạo đi vì chữ đó là một sỉ nhục cho đạo. Người bị quan giam đói tám ngày. Một người lính trông thấy người đói lả liền lén đem cho người chút cơm, nhưng người đã cho người cùng tù ăn. Sau nhiều lần bôi xóa chữ tả đạo, người xin với một người tín hữu khắc chữ hữu đạo ở gò má. Quan lớn trông thấy đã nổi giận giam đói người ít ngày và truyền lệnh đem đi chém đầu.
Ngày 3-6-1862, ngày vui mừng của nhiều anh hùng tử đạo Hưng Yên, quan lần lượt truyền đem các tù nhân đi chém. Người con gái Thánh Phaolô Ðổng đã theo cha mình ra tới nơi hành quyết. Thấy cha đi chịu chém một mình, cô hỏi hai người kia đâu, thánh nhân trả lời: “Hai vị đã bị dẫn đi một hồi trước cha”.
Một người cháu quả quyết rằng khi Thánh Phaolô Ðổng nghe tin đem đi hành quyết, người quì xuống đất tạ ơn Thiên Chúa và đọc kinh thống hối. Trên đường người không ngớt đọc các kinh phó linh hồn. Tới nơi, Thánh Phaolô Ðổng đã tỏ lòng kính mến thánh danh Chúa Giêsu, xin lý hình chờ người đọc to ba lần tên Chúa Giêsu rồi hãy chém đầu. Linh hồn người bay về với Chúa sau 60 năm trung thành với đức tin và sáu năm làm trùm họ, một năm rưỡi chịu lao tù cực khổ vì đức tin.
(bị bắt khoảng tháng 9-1861, bị thiêu 5-6-1862)
Cũng như nhiều giáo dân khác, các Thánh Ðaminh Huyện và Ðaminh Toái bị bắt trong thời kỳ phân sáp, khoảng tháng 9-1861. Thánh Ðaminh Huyện, 45 tuổi, con ông Phêrô Thiên và bà Maria Duyên. Thánh Ðaminh Toái, 51 tuổi, con ông Ðaminh Phiệt và bà Maria Mạch. Cả hai thánh làm nghề đánh cá và ở tại họ Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Ðông Thành, thuộc xứ Kẻ Mèn, tỉnh Nam Ðịnh (ngày nay là tỉnh Thái Bình).
các đấng bị bắt giải lên phủ và bị lưu đầy tại làng Tăng Giá huyện Quỳnh Côi cùng với Maria Tự và Dân. Thánh Ðaminh Toái đã khuyên các bạn: “Anh em, chúng ta hãy can đảm chịu khổ vì Chúa Kitô. Vì thế chúng ta hãy chịu khổ với lòng cương quyết cho tới chết thì thôi”.
Theo lời khai của Anna Nho và Maria Dân là vợ của Ðaminh Dần cùng bị giam ở Tăng Giá, hai Thánh Huyện và Toái đã tỏ ra can đảm và vui tươi trong suốt chín tháng giam tù. Dù bị ép buộc đạp ảnh, các đấng nhất định từ chối. Quan ra lệnh thiêu sống các đấng và báo trước cho biết ba ngày. các đấng mừng rỡ và sốt sắng dọn mình làm của lễ hỏa thiêu cho Thiên Chúa. Rạng ngày 5-6-1862, chính vợ của thánh Toái và một người đàn bà khác tên là Anna Ngu đã chứng kiến các đấng bị thiêu đốt, miệng vẫn kêu to thánh danh Chúa Giêsu. Sau khi xác các đấng ngã gục xuống đất, quan cho phép đem đi chôn. Khi đạo được tự do, xác các đấng được đưa về chôn tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu họ Ðông Thành.
(bị bắt khoảng tháng 9-1861, thiêu sống 6-6-1862)
Thánh Vinh Sơn Dương cùng bị bắt với Vinh Sơn Tuyên, Giuse Thoan và Gioan Cung tại họ Doãn Trung, xứ Kẻ Mèn, tỉnh Nam Ðịnh khoảng tháng 9-1861 khi có lệnh phân sáp. các đấng bị đưa về phủ Xuân Tràng và phải lưu đầy tại làng Mĩ Nhuệ, huyện Quỳnh Côi.
Thánh Vinh Sơn Dương, 41 tuổi, con ông Gioan Thăng và bà Maria Thao, có vợ là bà Agnes Tịnh và ba người con. Ông Giuse Thoan 39 tuổi, con ông Ðaminh Cần và bà Maria Duệ.
Ông Vinh Sơn Tuyên 38 tuổi, con ông Gioan Cung và bà Maria Nhường, có vợ là Maria Nguyên. Cả ba thuộc họ thánh Vinh Sơn, còn ông Gioan Cung thuộc họ Ðức Bà.
Khi bị bắt các đấng nhất mực không chịu đạp ảnh nên bị trói lại và giải về phủ Xuân Trường và lưu đầy chín tháng tại Mĩ Nhuệ. Trong thời gian bị giam ở làng Mĩ Nhuệ, các đấng còn bị ép buộc nhiều lần nhưng các đấng không bao giờ tỏ ra khiếp sợ mà chối đạo. Theo lời khai của bà Maria Nhan, thường đi thăm nuôi các đấng, các đấng đọc kinh sáng chiều rất sốt sắng và đều hòa, vui tươi và không bao giờ tỏ ra sờn lòng sợ hãi. Gioan Cung đã chết rũ tù.
Theo lời khai của Vinh Sơn Riên, cháu của ông Giuse Thoan, cũng thường đến thăm các đấng, các đấng bị đeo gông và hành hạ khổ cực. Ngày 2-6-1862, các đấng bị ép buộc đạp ảnh nhưng các đấng nhất định từ chối không bao giờ dám xúc phạm đến ảnh Chúa. các đấng bị kết án phải thiêu sống.
Hôm trước ngày hành quyết, các đấng được báo cho biết và đã dọn mình chịu chết sốt sắng, đọc kinh ăn năn tội và lần hạt suốt đêm. Gần sáng 6-6-1862, lính đốt chòi giam các đấng. Thánh Vinh Sơn Dương đã chết cháy, còn Giuse Thoan và Vinh Sơn Tuyên áo quần đã cháy hết, đang hấp hối thì hai người lính đến lấy gươm chém đầu. các đấng đã chết trước sự chứng kiến của vợ và con cháu. Xác các đấng được chôn ở nơi xử và sau này được cải táng về nhà thờ họ Thánh Vinh Sơn của mình.
(bị bắt khoảng tháng 9-1861, thiêu sống 6-6-1862)
Thánh Phêrô Dũng, 62 tuổi, sinh quán tại họ Thánh Phanxicô Xaviê Ðông Hào (Ðông Phú) thuộc xứ Kẻ Mèn, tỉnh Nam Ðịnh. Cha là Phêrô Mân và mẹ là Maria An. Người cùng bị bắt với người con là Phêrô Thuần, Cả hai đều làm nghề đánh cá ngoài khơi.
Khoảng tháng 9-1861 khi có lệnh phân sáp, quan đến tập họp mọi người trong làng và ghi tên những người nào theo đạo Công Giáo. Thánh Dũng và Thuần bị bắt giữ lại còn các người khác được cho về nhà. Thánh Thuần là trùm trưởng một khu và đã có lần yếu đuối chối đạo.
Theo lời khai của Phêrô Thi, con của Phêrô Thuần và cháu của Phêrô Dũng, các đấng bị trói đưa lên phủ và bị đi đầy trước ở làng Ngọc Chi rồi sang làng Lương Mỹ thuộc huyện Quỳnh Côi. Trên đường đi lưu đầy, Thánh Dũng được ghé qua nhà để từ biệt. Người nói với người trong gia đình: “Mọi người hãy vui lòng vì ta được chết vì Chúa Kitô”.
Trong chín tháng bị giam tù các đấng vẫn vui lòng và sốt sắng đọc kinh. Hai lần bị ép buộc đạp ảnh các đấng đều cương quyết từ chối. Theo lời thuật lại của một người đàn bà tên là Gát, có mặt khi các đấng bị lính đốt chòi theo lệnh của quan, các đấng vui vẻ đọc kinh phó dâng linh hồn và không ngớt kêu tên Chúa Giêsu, và bị thiêu sống. Hôm ấy là ngày 6-6-1862. Khi các đấng bị thiêu có Maria Ngân và Ðaminh Tuyên trông thấy. Xác các đấng được chôn tại chỗ và sau này được đưa về nhà thờ Thánh Phanxicô ở Ðông Hào.
Ngọc Cục là họ lẻ của xứ Lục Thủy có khoảng 1.000 người Công Giáo. Khi có lệnh phân sáp, cha sở là Cha Quyền bị bắt và giáo dân bị phân tán đi các làng bên lương. Có 37 người anh hùng xưng đạo. các đấng bị giam tù ở các làng bên lương thuộc hai huyện Vụ Bản và Quỳnh Côi, được kể vào sổ các đấng xin phong Á Thánh. Tuy nhiên vì hồ sơ gồm 1743 đấng nên bộ phong thánh yêu cầu chọn lấy 25 vị nổi bật, trong số này sáu vị thuộc làng Ngọc Cục. Năm vị bị lưu đầy ở làng Bạch Cốc và một vị ở làng Quá Linh, huyện Vụ Bản.
Cao niên nhất là thầy thuốc Ðaminh Nguyện, 60 tuổi, cùng với người em là ông ký lục Vinh Sơn Tường, 48 tuổi. Cả hai là con của ông bà Ðaminh và Maria Duệ. Nổi tiếng can đảm là ông Ðaminh Mạo, 44 tuổi, con ông bà Nicola Giỏi và Maria Nhiên. Người thông gia là Thánh Anrê Tường, 50 tuổi, con ông Ðaminh Tiên và bà Maria Gương. Sau cùng trẻ nhất là Thánh Ðaminh Nhi, 40 tuổi, con ông Ðaminh Vương và bà Catarina Vân. các đấng đều đã lập gia đình và có nhiều con cái, đồng thời nổi tiếng là những người đạo đức trong làng Ngọc Cục.
Theo lời khai của nhân chứng Vinh Sơn Khoa, các đấng bị bắt và lưu đầy vào tháng 8 năm Dậu (14-9-1861). Trước hết các đấng bị tra tấn và giam giữ ở phủ Xuân Tràng bốn ngày rồi bị lưu đầy và giam tù ở làng Bạch Cốc bên lương thuộc huyện Vụ Bản.
Theo lời khai của Ðaminh Mậu, con của Thánh Mạo và con rể của Thánh Anrê Tường, trong ba bốn lần đến thăm thì thấy các đấng siêng năng đọc kinh sáng tối, nhất là Kinh Mân Côi, Kinh Các Thiên Thần, ăn chay ba lần một tuần. Suốt trong chín tháng bị giam tù, các đấng bị hành hạ rất nhiều, cổ mang gông nặng và đêm phải cùm chân. các đấng cũng phải khắc chữ tả đạo ở má.
Ngày 15-6-1862, quan án tỉnh Nam Ðịnh về huyện Vụ Bản thanh tra và đòi các anh hùng xưng đạo ra để ép buộc đạp ảnh. Quan cho đặt ảnh thánh giá ở giữa sân và gọi tên từng người phải đạp lên. Tất cả đều kiên quyết trả lời không đạp ảnh vì như thế là xúc phạm đến Chúa và chối đạo. Quan nổi giận truyền xích chân tay và đem phơi nắng mùa hè cho tới chiều rồi giam vào ngục. Sáng hôm sau, các đấng lại bị điệu ra trước mặt quan lớn và bị đem phơi nắng cho đến trưa. Quan lại hỏi xem có muốn đạp ảnh không để được tha. Thánh Ðaminh Mạo mạnh mẽ thưa thay anh em: “Tại sao các quan còn thử thách chúng tôi như thế này? Các ngài coi chúng tôi như trẻ con sợ hãi hình khổ hơn là sợ xúc phạm đến Thiên Chúa. Nếu muốn đạp ảnh thì chúng tôi đã làm ngay khi còn ở làng hay khi bị đưa ra phủ để khỏi bị tra tấn hành hạ chứ đâu có đợi đến bây giờ. Các ngài cứ làm như ý muốn, phần chúng tôi, không bao giờ đạp lên thánh giá của Ðấng Cứu Thế và chối đạo”.
Nghe vậy quan án nổi giận truyền lính đem ra pháp trường chém đầu luôn.
Theo lời khai của Vinh Sơn Khoa, có mặt trong lúc hành hình, các đấng đọc Kinh Ăn Năn Tội, Kinh Phó Dâng và xin với lý hình chém ba nhát để kính Chúa Ba Ngôi. Hôm ấy là ngày 24-5, năm Tuất (16-6-1862). Có mặt trong lúc hành hình còn có các nhân chứng khác là Ðaminh Mậu, Maria Tường, Ðaminh Thể, Eloisa Mạo, Rôsa Tri và Maria Chúc. Xác các đấng được chôn ngay tại nơi chém và sau này khi tha đạo mới cải táng về Ngọc Cục.
Cùng bị bắt và lưu đầy đi Quá Linh, huyện Vụ Bản, gồn có Phêrô Ða, Ðaminh Trinh và Phêrô Họi. Riêng Thánh Phêrô Ða, 60 tuổi, là con nhà nghèo, cha là ông Ðaminh Trương, mẹ còn bên lương.
các đấng bị bắt và đeo gông từ ngày 27-6-1861. Sau khi bị giam giữ sáu ngày ở phủ Xuân Tràng, các đấng bị đem đến giam ở làng Quá Linh. Suốt trong 10 tháng 16 ngày giam tù, các đấng luôn phải đeo gông và hành hạ khốn khổ. Dù vậy các đấng rất sốt sắng đọc kinh và ăn chay ba ngày mỗi tuần. Nhiều lần các đấng bị ép buộc chối đạo nhưng các đấng một mực tuyên xưng lòng trung thành nơi Chúa. Ngày 13-6-1862 cai đội làng Quá Linh mang thánh giá vào nhà tù theo lệnh của quan lớn, ép buộc các đấng đạp lên. Một số tù nhân đạp lên, nhưng ba vị anh hùng đức tin tỏ ra ghê sợ nên cương quyết không làm như thế. các đấng bị gia hình phạt nặng hơn và sau mười ngày các đấng được đem đến quan án tỉnh Nam Ðịnh. Quan ra lệnh cho các đấng đạp ảnh, nhưng các đấng vẫn không nao núng khiến quan lớn thất vọng, bắt xích tay chân các đấng lại và phơi nắng mấy ngày liền và thử nhiều cách để lung lạc đức tin các đấng. Sau cùng vào nửa đêm 17-6-1862 các đấng bị điệu ra khỏi nhà giam và ném vào đống củi đang bốc cháy. Theo lời nhân chứng của Vinh Sơn Khoa có mặt tại chỗ, khi các đấng bị lửa thiêu đốt, miệng các đấng vẫn đọc Kinh Phó Linh Hồn. Một nhân chứng khác là Ðaminh Hàm cũng bị bắt giam với người cũng khai như trên. Bà Agnes, vợ Thánh Ða, đã chôn cất các đấng tại chỗ và khi được tự do giữ đạo đã cải táng về chôn tại vườn của nhà mình.
Những giáo dân khác cũng chết vì đạo là Ðaminh Ninh, Ðaminh Binh, Giuse To, Ðaminh Qui, Phêrô Tang bị bắt ngày 13-8-1861, lưu đầy tại làng Côi Sơn, huyện Vụ Bản, bị chém đầu ngày 19-6-1862.
Nhóm khác gồm hai vị là Ðaminh Te và Vinh Sơn Viên bị bắt 23-8-1861, lưu đầy ở làng Mĩ Côi, huyện Vụ Bản, bị chém 19-6-1862.
Nhóm khác gồm sáu vị là Vinh Sơn Chuyên, Ðaminh Trương, Vinh Sơn Uy, Phaolô Vu, Phêrô Phụng và Giuse Chiên, bị bắt 17-9-1861, lưu đầy tại làng Ðồng Xá, huyện Quỳnh Côi, bị chôn sống và thiêu ngày 9-6-1862.
Nhóm khác 11 người bị lưu đầy tại làng Hương Là, huyện Quỳnh Côi.