(bị bắt 7-1-1859, xử giảo 31-7-1859)
Cố chính Borelle rất quen biết vị anh hùng tử đạo trổi trang của họ đạo Cù Lao Giêng, tức là ông trùm Emmanuel Lê Văn Phụng, đã viết bài tường thuật về cuộc đời của người rất tỉ mỉ và bài tường thuật được đăng trong tập san của hội Truyền Bá Ðức Tin số 33 năm 1860. Sau đây là bài tường thuật đó.
Emmanuel Phụng, 62 tuổi, trưởng gia đình đông con và giầu có. Không được học hành cao nhưng ông rất thông minh. Tính tình cả quyết, vóc dáng hiên ngang khoẻ mạnh. Mới trông ai cũng cho là một ông tướng chỉ huy.
Chính đức tin sâu xa làm cho đức tính của ông trở nên dịu dàng và được mọi người yêu kính, ngay cả những người bên lương.
Ông là một hiệp sĩ không biết sợ, đầy tin tưởng vào Thiên Chúa và vào khả năng của mình. Vì thế ông cho xây nhà thờ ngay trên mô đất cao nhất của mình, và bên cạnh là tu viện con cái Ðức Bà Maria, nhà cha xứ và chủng viện. Không phải là ông không nhìn thấy những nguy hiểm có thể xảy ra.
Không đêm nào ông ngủ mà không canh chừng, hay đi tuần phòng để các thừa sai và nữ tu được yên giấc. Khi mọi người lo sợ lúc có báo động thì mình ông là người điềm tĩnh. Tôi đã ở với ông ba năm trời trong nhiều thời kỳ khác nhau mà chưa khi nào thấy ông hoảng hốt báo động sai lầm. Ðã có năm thừa sai trú tại nhà ông, tất cả đều nhận xét như vậy, và gọi ông là bánh nuôi sống hằng ngày.
Ngoài ra ông có lòng muốn họ đạo có những lễ lạy công khai và muốn có linh mục ở trong họ đạo luôn, nếu vắng trong dịp lễ thì ông đi tìm cha ở họ đạo bên cạnh, khi không được thì ông buồn chảy nước mắt. Nhiều lần tôi đã phải cản ngăn vì lợi ích các họ đạo khác. Ông còn nhiệt thành lo tìm linh mục cho các bệnh nhân sắp chết. Một điều đặc biệt là mỗi khi ông giảng nghĩa giáo lý cho trẻ em thì mọi người im lặng lắng nghe và chính ông nhẫn nại giảng giải tỉ mỉ. Ðó là công việc ông rất ưa thích.
Ngoài những đức tính trên ông còn có lòng thương người đặc biệt. Trong thời kỳ dịch tễ, ông mua chiếc ghe riêng để chở cha đi các họ đạo ban bí tích cho những nguời hấp hối. Một hôm ông đến họ Bò Ót có một nguời Công Giáo giầu có vì cho vay nặng lãi, ông Phụng đã khuyên người sắp chết: “Nếu ông muốn hối cải thì phải xé các giấy nợ đi, rồi tôi sẽ mời cha đến ban bí tích tha tội giao hòa với Thiên Chúa”.
Người bệnh đã nghe theo và làm như lời ông nói, sau đó chết êm ái.
Khi còn trẻ ông đã được đức cha đặt làm giảng viên giáo lý cho họ đạo, về sau thấy lòng tận tụy của ông, Ðức Cha Lefebvre đã đặt ông làm giảng viên giáo lý cho cả tỉnh Châu Ðốc. Những việc của ông làm quá rõ ràng khiến nhiều người tố giác với quan, nhưng ông đã khéo léo thu xếp với quan huyện để mỗi lần có cuộc lùng xét thì được báo trước để cất giấu các đồ đạo, và khi quan đến khám được đãi ăn và không thấy đồ đạo thì làm bá cáo dân ở Cù Lao Giêng vẫn tuân giữ luật phép nhà nước. Nhờ thế dù trong thời cấm đạo ngặt họ đạo vẫn có thể tổ chức lễ với đuốc sáng ban đêm.
Từ năm 1855 ông đã nhận Thừa Sai Pernot về nhà, sửa sang nhà thờ và học viện. Có hai anh em bên lương chuyên hút sách và bài bạc tên là Trần Văn Miêu và Trần Văn Nên muốn lợi dụng cơ hội làm tiền, đến nói với những người đang làm nhà thờ rằng họ vi phạm luật nước. Ông Phụng vì được quan huyện bao che không thèm để ý đến những lời của hai tên làm tiền này, tuy nhiên chúng nín nhịn chờ khi công việc xong sẽ tố cáo cấp trên. Quan tỉnh sai quan huyện điều tra nhưng mọi việc vẫn êm xuôi.
Hai tên bất lương lại rình cơ hội khác. Một đêm sáng trăng Cha Pernot ra khỏi hầm trú để đi bách bộ ngoài vườn bị hai tên này trông thấy được, chúng liền đi lên tỉnh tố cáo nhà ông Phụng có chứa chấp đạo trưởng, có nhà dòng, nhà thờ và chủng viện, chúng cũng xin quan tỉnh đừng sai quan huyện đến điều tra nhưng phải đem lính tỉnh về bắt. Ðêm ngày 7-1-1859, quan tỉnh sai lãnh binh mang 300 lính đi 15 chiến thuyền đến họ Ðầu Nước. Ðược tin báo, ông Phụng không dè là lính trên tỉnh nên không kịp cất dấu các đồ. Khi lính đã tới đầu làng lúc các viên chức trong họ đang họp, ông biện Vi chỉ còn kịp đưa Cha Pernot đi trốn còn lại Cha Quí. Quan bước vào nhà ông Phụng hỏi ai là Lê văn Phụng.
Ông Phụng đứng ra nói: “Chính tôi đây”.
- “Người Tây Phương, đạo trưởng Giatô đâu?”
- “Ðạo trưởng Tây không có ở đây”.
- “Không hồ nghi gì, tôi biết chắc ông chứa chấp đạo trưởng”.
- “Thưa quan, quan có đông lính cứ việc cho họ đi lùng xét, người sẽ thấy không có đạo trưởng Tây”.
Quan nổi nóng quát: “Vậy đạo trưởng đâu?”
Lúc này Cha Quí đứng ra xưng mình là đạo trưởng, còn không có đạo trưởng Tây nào cả. Quan cho lệnh bắt trói Cha Quí và ông trùm Phụng và 32 người Công Giáo trong họ.
Trên tỉnh, ông bị điệu ra trước mặt quan, bắt đầu cuộc tra vấn:
- “Ông có phải là Công Giáo không?”
- “Thưa phải”.
- “Ông có phải là trùm trưởng không?”
- “Thưa phải”.
- “Ông có muốn nghe theo lệnh vua truyền mà bỏ đạo để được trả tự do không?”
- “Bẩm quan, tôi giữ đạo Ðức Chúa Trời từ nhỏ, nếu quan thương thì tôi được nhờ, nhưng tôi không bao giờ chối đạo”.
Quan không hỏi thêm, truyền lệnh đóng gông và xích đem giam ông vào tù. Tất cả những lần hỏi sau ông đều một lòng can đảm thưa lại: “Tôi nhất quyết theo gương đạo trưởng”.
Quan dụ dỗ: “Tôi trông mặt ông biết ông thuộc gia đình quyền quí và có khả năng làm lớn, vậy hãy đạp ảnh đi ta sẽ phong tước cho”.
- “Thưa quan lớn, tôi đội ơn lòng tốt của quan, nhưng tôi nhất quyết giữ đạo cha ông truyền lại, tôi thà chết hơn là chối đạo”.
Biết không thể ép buộc được, quan kết án ông phải thắt cổ vì tội chứa chấp đạo trưởng.
Theo lời khai của ông Phêrô Tam là con, thì trong thời gian bị giam giữ ông rất bình thản, không cho phép vợ con bỏ tiền ra chuộc, hay trả thù. Ông nói: “Ðừng trả thù những khốn khó cha phải chịu, Chúa đã muốn như vậy hãy để cha nhẫn nại chịu đựng”.
Ông còn bảo con cái xé hết các giấy nợ, để không ai đòi nợ các con nợ hai lần và họ thấy chúng ta đối xử như thế này sẽ sốt sắng giữ đạo. Trong tù ông trùm cũng phân phát thuốc hút cho các bạn tù. Rất nhiều cha đến thăm và giải tội cho ông. Một lần ông được phép ra khỏi tù đi tắm, ra khỏi cửa thành thấy cột to, ông nói với ông thứ cùng đi rằng: “Nếu như tôi được trở về nhà tôi sẽ xây nhà thờ cột to như thế”.
Án của triều đình về tới Châu Ðốc ngày 30-7-1859 và quan định thi hành vào ngày hôm sau. Sáng sớm quan cho gọi ông Phụng ra và dụ dỗ lần sau cùng. Ông Phụng cương quyết thưa: “Tôi giữ đạo của tôi, quan cứ việc đem đi giết”.
Quan nói: “Vậy thì hãy đi đến pháp trường”.
Người lính đi trước cầm tấm thẻ bài ghi như sau: “Lê văn Phụng, trước đây làm đầu trong làng, theo đạo Giatô, ẩn lậu sách vở đồ đạo trong nhà, đã xây nhà thờ để giảng đạo và đọc kinh, đã chứa chấp các đạo trưởng và cố chấp không chịu bỏ đạo. Vì vậy lệnh truyền phải coi Lê văn Phụng như phản nghịch và phải thắt cổ cho chết”.
Hai chiến sĩ xưng đạo được đưa ra khỏi thành bằng cửa tả rồi đến Cây Mẹt, không xa thành bao nhiêu. Trông thấy con, ông trùm bảo về báo cho mẹ hay. Với những người đứng xung quanh tiễn đưa khóc lóc, ông nói: “Tại sao anh chị em khóc, anh chị em ở lại bằng an, hãy tuân giữ các lề luật giáo hội, hãy cầu nguyện sáng tối và hãy sống hòa thuận với nhau”.
Trông thấy người cháu gái là Anna Nhiệm, ông trùm lấy thánh giá đang đeo, hôn kính rồi đưa cho cháu nói: “Ông không thể cho cháu vàng bạc của cải gì quí hơn là hình ảnh Chúa Giêsu. Cháu hãy mang trên cổ và giữ luôn, khi cha con phải đi nhập ngũ thì hãy ở lại nhà bà con kẻo con quên hết các kinh sớm tối”.
Tới nơi xử, các con đến quì trước mặt ông, ông trăn trối: “Các con phải trung thành giữ đạo, hãy noi gương cha con đây, đừng thù oán hay kiện cáo những kẻ đã tố giác cha. Hãy mang xác cha về chôn ở Ðầu Nước cùng với xác Cha Quí”.
Sau đó lý hình đóng cọc, đè vị anh hùng tử đạo nằm sấp xuống đất và cột tay chân vào các cọc. Tất cả sáu người tiến lại gần, hai người giữ đầu và người giữ lưng cho khỏi nhúc nhích, hai người cầm hai đầu giây chờ lệnh xiết chặt. Sau tiếng chiêng thứ ba, hai người lính xiết chặt hai đầu giây, đưa linh hồn người tôi tớ trung kiên về lãnh phần thưởng nơi Nước Chúa. Buổi chiều quan cho phép thân nhân đem xác về họ Ðầu Nước an táng trên nền nhà thờ, nơi từng ghi dấu tích đức tin và lòng nhiệt thành của vị trùm đạo hằng lo cho Chúa được vinh danh.
(bị bắt ngày 7-1-1859, xử trảm ngày 31-7-1859)
Trong thời kỳ bắt đạo, các linh mục Việt Nam đã tỏ ra rất anh dũng với sứ mệnh dìu dắt con chiên, như tấm gương của Cha Phêrô Ðoàn Công Quí, cha sở họ Ðầu Nước, Cù Lao Giêng, thuộc tỉnh Vĩnh Long. Vì có người tố giác trong vùng có đạo trưởng trốn ẩn, Cha chính Borelle nhắn Cha Quí tạm thời trốn đi khỏi xứ, Cha Quí đã trả lời: “Nếu bề trên muốn tôi trốn khỏi đây thì tôi xin ngài viết cho tôi bài sai chính thức, nếu không tôi sẽ ở lại xứ dường như không có lệnh nào của bề trên vậy”.
Cũng có lần cha bầy tỏ lòng mong ước được tử đạo: “Chớ thì tôi không được diễm phúc chiến đấu và chết vì danh Chúa sao, ước gì xích xiềng trở thành những vòng đeo quí giá, gông cùm thành vòng đeo tay. Hãy xem bao nhiêu bạn hữu đã được ngành lá chiến thắng, còn tôi như người lính canh bị quên bỏ. Ôi! Lạy Chúa, xin ban phúc tử đạo cho con”.
Quả thật Chúa đã nhận lời người. Cha Borelle lĩnh ý đức cha và sai đem hai chiếc thuyền đến đưa cha về nhà chung để tránh cuộc lùng bắt, nhưng có ngờ đâu hai ngày sau khi vừa tới họ đạo Ðầu Nước thuộc An Giang thì Cha Quí bị bắt trong nhà ông Phụng. Cha Borelle viết lại: “Trong khi tôi muốn đưa cha đi khỏi chỗ nguy hiểm thì lại đưa cha đến nơi tử đạo như người hằng ước mong”.
Cha Phêrô Ðoàn Công Quí sinh năm 1826 tại họ Búng, tỉnh Bình Dương. Cha là Antôn Ðoàn Công Miêng và mẹ là Anê Nguyễn Thị Tường. Ngay từ bé cậu Quí đã muốn dâng mình cho Chúa nhưng cha mẹ thấy cậu học hành thông minh thì cho người anh đi tu còn giữ cậu ở nhà. Nhưng ý Thiên Chúa định thể khác, người anh đi tu không được phải trở về nhà, lúc ấy cha mẹ mới ưng cho cậu Quí đi tu. Năm 1847 cậu Quí ở với Cha Tam và sau học Latinh với Thừa Sai Miche rồi vào chủng viện Thánh Giuse ở Thị Nghè do Cha Borelle làm bề trên. Năm sau cậu được gửi sang học ở chủng viện Penang.
Sau bẩy năm miệt mài đèn sách, Thầy Quí về nước dậy giáo lý chờ ngày gọi làm linh mục. Thầy có tài hát xuớng nhất là bài ca kính Ðức Mẹ mà thầy rất ưa thích. Thầy có lòng nhiệt thành muốn cho có nhiều người thờ phượng kính mến Chúa đã đem được nhiều người trở về. Ðức Cha truyền chức linh mục cho thầy khoảng tháng 9 năm 1858 tại Thủ Dầu Một và làm cha phó họ Cái Mơn.
Ngày 10-12 nhà dòng bị bao vây và các nữ tu bị bắt giam ngục. Cha Quí viết thư cho bề trên như sau: “Thưa cha, thật con đang ở giữa những nguy hiểm, nhưng Thiên Chúa gìn giữ chưa để con phải bắt vì tội lỗi con còn nhiều chưa được phúc chịu khổ vì Chúa. Ôi, ngày xưa Chúa Cứu Thế đã phải chết treo trên thánh giá, con thật chưa xứng đáng. Con mong ước được đến nhà tù để khuyến khích các vị xưng đức tin. Khi nào cha mới cho phép con được đi làm điều đó?”
Khi được lệnh đổi về nhà chung, Cha Quí đã bầy tỏ nguyện ước được tử đạo và viết lời cầu xin này bằng dấu nhạc: “Lạy Chúa xin ban phúc tử đạo cho con”. Bề trên đem thuyền đến bắt cha phải về nhà chung và khi thuyền đến họ Ðầu Nước đêm ngày 7-1-1859 thì cha bị bắt trong nhà ông thánh Phụng vì có người tố giác có đạo trưởng Tây trú ẩn. Lúc ấy có Cha Pernot đang ẩn trốn trong hầm nhà ông. Quan lãnh binh mang 300 lính về vây. Cha Pernot bảo Cha Quí đi trốn, Cha Quí lại xin cố đi trốn còn mình bọn lính sẽ không nhận ra. Khi quan đến nhà ông trùm Phụng, quan bắt ông giao nộp đạo trưởng Tây. Chủ nhà thản nhiên trả lời: “Ở đây không có ai là đạo trưởng Tây Phương cả”.
Quan hỏi lại: “Vậy đạo trưởng ở đâu?”
Lúc ấy Cha Quí đứng ra xưng mình là đạo trưởng: “Ðạo trưởng chính là tôi”.
Quan thấy khuôn mặt còn trẻ trung, không tin quát: “Mày không phải là đạo trưởng, hãy nộp ngay đạo trưởng Tây Phương vì có kẻ đã trông thấy và tố cáo”.
Cha Quí quả quyết không có đạo trưởng Tây, mà chỉ có mình là đạo trưởng và sẵn sàng dậy đạo cho ai muốn nghe. Quan túm cổ một đứa bé tra hỏi, nó chỉ Cha Quí và nói đạo trưởng là ông đó. Chừng đó quan mới tin và bắt Cha Quí, ông trùm Phụng và 32 người trong họ đem giải về tỉnh Châu Ðốc.
Trước mặt quan đầu tỉnh Cha Quí một mực xưng mình là đạo trưởng. Quan truyền lệnh: “Ngươi có muốn vâng lệnh vua và từ bỏ đạo không?”
- “Tôi giữ đạo từ thuở nhỏ không thể chối bỏ được, quan muốn ra án thế nào mặc ý, tôi sẵn sàng chấp nhận”.
Quan lại hỏi về cha mẹ và những việc đã làm. Cha Quí trả lời: “Cha mẹ tôi đã chết, tôi theo đạo trưởng đi Tây rồi Cam Bốt, Oudong, và về tới nhà ông Phụng. Còn sách vở và đồ đạo thuộc Cha Thang”.
Quan lại bắt cha chối đạo nếu không sẽ phải chết. Cha Quí cương quyết thưa: “Làm sao tôi bỏ đạo trong khi tôi dậy bảo người khác. Nếu quan thương thì tôi được nhờ, bằng quan muốn kết án thì tôi sẵn sàng, còn chối bỏ Thiên Chúa thì không bao giờ”.
Lần khác các quan cũng hỏi như vậy thì Cha Quí thưa: “Thật chỉ uổng phí mất giờ của quí quan để hỏi như thế, tôi không bao giờ chối đức tin của tôi đâu”.
Trước những câu trả lời cương quyết như thế các quan kết án tử hình vì đã rao giảng tà đạo và gửi án về kinh.
Trong nhiều tháng bị giam trong tù chờ lệnh vua, Cha Quí sốt sắng cầu nguyện, ăn chay và khuyên nhủ những người đến thăm. Cha khuyên chú Tam, con ông Phụng: “Con hãy siêng năng đến tòa giải tội, đừng quên đọc kinh, cũng đừng phạm tội để linh hồn con được mạnh mẽ”.
Có hai tín hữu bị bắt với người vì sợ cảnh lưu đầy khổ sở đã chối đạo, nhưng được Cha Quí khuyên bảo nên họ đã trở lại.
Ngày 30-7-1859 án của triều đình về tới tỉnh và quan ấn định hôm sau sẽ thi hành. Sáng sớm hôm sau, nguời lính cai tù đến báo tin giờ hành quyết đã tới. Cha Quí mặc áo chỉnh tề của ngày lễ, chít khăn trên đầu. Lính đến đeo vào cổ người tấm thẻ viết bản án và tên tuổi. Cha Quí nói với ông trùm Phụng cùng bị xử một ngày: “Ðây là giờ Thiên Chúa ấn định cho cuộc chiến đấu cuối cùng, chúng ta hãy can đảm chịu đựng vì Người”.
Ðoàn lính cầm gươm giáo dẫn giải hai vị anh hùng Công Giáo đến pháp trường ở Cây Mẹt. Trước khi lính thi hành phận sự, Cha Quí bảo ông trùm Phụng quì xuống, đọc kinh ăn năn tội để người ban phép giải tội cho. Với giáo dân Cha Quí trăn trối: “Anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước, hãy tránh xa các tật xấu và hãy tập luyện nhân đức”.
Sau cùng Cha Quí cầm tượng Ðức Mẹ trong tay, trên ngực đeo hài cốt tử đạo, quì gối đọc kinh thống hối và đưa cổ ra chờ đợi. Sau ba tiếng chiêng, lý hình chém ba nhát gươm cổ mới lìa khỏi thân. Quan giám sát thấy Cha Quí bất động chịu chém thì nói chưa bao giờ thấy một người chịu chết can đảm như thế. Quan không cho ai đụng đến xác vị tử đạo từ 9 giờ sáng cho tới 4 giờ chiều, sau đó ông Chính mới xin phép quan để lo việc chôn cất. Xác người được bỏ vào linh cửu đưa về Năng Gù cho giáo dân kính viếng và hôm sau chôn trong nhà thờ.
(bị bắt 29-12-1859, bị chém 30-1-1860 tại Hưng Yên)
Chính Cha Toma Khuông đã viết lại những lời khai đầy can đảm của người trước mặt các quan như sau: “Tôi nay đã ngoài 80 tuổi. Tôi là một linh mục Công Giáo và hằng trung thành tuân giữ các giới luật và giảng dậy cho người khác tuân giữ. Nếu bây giờ vì tham sống mà cung khai tên giáo dân và đạp ảnh chối đạo thì làm sao tôi còn xứng đáng với chức vụ và còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa. Vì thế tôi thà chịu chết ngàn lần mà không than trách ai. Tôi xin được đổ máu ra vì đạo thánh, lấy cái chết đáp lại cái chết, lấy tình yêu đáp lại tình yêu của Thiên Chúa chủ tể trời đất, đã chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Ðó là nguyện ước của chúng tôi”. Cha Tôma Khuông đã trả lời thay cho ba người tín hữu khác cũng bị điệu ra trước tòa án.
Thư tường thuật về cuộc xưng đạo của cha đã được Thánh Giám Mục Berrio Ochoa viết lại trong thư ngày 29-5-1860. Theo thư này Cha Toma Khuông bị bắt ngày 29-12-1859 tại Cao Xá. Cha Khuông rất nổi tiếng nơi các thừa sai, vì người là con của một vị quan trong tỉnh, bị bắt nhiều lần nhưng sau đó vẫn được trả tự do. Tuy nhiên vì tiếng đồn lan rộng nên cha không còn dám đi lại tự do nữa và muốn trốn sang một nơi khác. Cha cùng với chú giúp việc tên Ninh đi ra khỏi thành tìm cha để xưng tội. Nhưng khi đến cầu thì trên cầu có đặt tượng thánh giá nên cha dừng lại không muốn đi nữa. Lúc ấy có người báo cho quan lãnh binh đến bắt. Cha bị đối xử tàn tệ và bị dẫn giải về cho quan tuần phủ.
Ngày 5-1-1860 Cha Khuông, Cha Hưởng và ba giáo dân bị đưa ra tòa tra hỏi và ép buộc chối đạo. Cha Khuông đã thầm thĩ kêu xin Chúa Thánh Thần thanh luyện miệng lưỡi như đã thanh luyện tiên tri Isaia để có thể nói thưa đúng luật pháp mà không làm tổn thương đến đạo, hay xúc phạm đến Chúa điều gì. Quan án hỏi: “Bây giờ người Châu Âu đang bị nghi kỵ và chán ghét, các ngươi có cách nào làm cho họ từ bỏ ý định và rút lui về nước không thì hãy nói cho nghe?”
Cha Khuông đã trả lời: “Xin kính chúc đại quan sống lâu trăm tuổi, chúng tôi đã lâu ngày trốn tránh xa nhà chung, nay quan hỏi đến, chúng tôi biết gì thì thưa vậy. Chúng tôi không biết vì mục đích nào người Châu Âu đến và họ làm những gì, làm sao thuyết phục được họ?”
Quan lại hỏi: “Người Châu Âu đến nước này vì người công giáo đã yêu cầu, vậy họ cũng có thể xin người Âu Châu rút lui”.
Cha Khuông đáp: “Ðiều người ta đồn đại đúng hay sai không thể xét được, điều chắc chắn là trong những người công giáo không có ai đi cầu cứu người Châu Âu đến cả, vì vậy không có ai trong chúng tôi có thể thuyết phục được họ lui quân”.
- “Ngươi dùng lời lẽ hàm hồ, hay nói rõ tại sao lại có chiến tranh?”
- “Ðạo chúng tôi truyền buộc các tín hữu phải giữ trọn lề luật trong đạo đồng thời phải trung thành với vua, hiếu thảo với cha mẹ và phải cầu nguyện luôn cùng Thiên Chúa cho quốc gia được hưng thịnh. Nếu người nào lỗi phạm thì mắc tội trọng. Chắc chắn không người tín hữu nào dám xin người Châu Âu đến gây việc chiến tranh”.
- “Hãy nói cho thật và rõ ràng là các tín hữu muốn sống thì đạp ảnh đi rồi được tự do về nhà”.
Trước lời khuyến dụ này Cha Khuông đã long trọng tuyên xưng lòng trung thành với đạo cho đến cùng như đã trích ở trên. Chính những lời tuyên xưng dũng cảm ấy đã khiến các đấng lãnh nhận bản án tử hình và giam ngục chờ ngày hành quyết lãnh triều thiên tử đạo.
Trong nhà giam, các anh hùng đức tin Công Giáo đọc kinh chung với nhau và ban bí tích giải tội. các đấng còn khuyến khích nhau can trường giữ đức tin đến cùng. Ngày 30-1-1860 Cha Khuông được báo tin giờ hành quyết đã tới. Cha hiên ngang cầm thánh giá ở tay cùng với chú Ðaminh Nghĩa ra pháp trường. Vì tuổi già và xích nặng Cha Khuông đi rất chậm nhưng nét mặt hân hoan vui mừng, miệng đọc to các kinh bằng tiếng Latinh. Tới nơi xử, trông thấy bản gỗ ghi hai chữ tà đạo, người đã yêu cầu bôi đi. Người lính thưa: “Chúng tôi rất muốn chiều theo ý ngài, nhưng chúng tôi phải tuân lệnh vua. Xin ngài đưa đầu ra để chúng tôi chém một lát là xong”.
(bị bắt 29-1-1860, xử trảm 24-10-1860 tại Hueá)
Cha Thanh giúp đỡ ông đội Thị khi ông ở trong tù và có mặt trong lúc hành quyết ông. Ngay sau khi hành quyết, cha đã viết bài tường thuật về cuộc đời can đảm và tử đạo của người. Trong phần cuối bài tường thuật, cha quả quyết rằng trong thời gian ở tù, ông đội Thị đã khuyên được một người bị kết án vì tội trộm cướp trở lại đạo, và chính người dậy dỗ và rửa tội. Người trộm này đã can đảm từ chối thức ăn của người em có chất độc làm chết êm dịu, trái lại sẵn sàng chịu hình khổ để đền tội.
Theo bài tường thuật của Cha Thanh, cùng lời khai của các linh mục và thầy giảng khác thì quan đội Giuse Lê Ðăng Thị sinh khoảng năm 1825 tại làng Văn Qui tỉnh Quảng Trị, là con một của quan đội Công Giáo tên Tư, đệ nhị phẩm. Cha mẹ mất sớm người được vào trong quốc tử giám, trường dành cho các quan trong triều. Sau bốn năm năm học người được phong làm quan cai đội ở tuổi 25 và sai đi làm việc ở tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây người lập gia đình và được hai người con. Sau đó người phải đổi đi Nghệ An. Người vợ quý yêu sớm từ trần khiến người phải tái hôn với người Công Giáo khác để trông coi việc nhà.
Tháng 8 năm 1859 quan trấn Nghệ An biết người là người Công Giáo nên khuyên người bỏ đạo, nhưng người nhất định không nghe theo. Quan trấn Huynh Thu rất quý người tìm cách cho người thoát nạn bằng cách tâu về triều đình rằng người bị bệnh và xin cho giải ngũ. Tạm thời người để vợ con ở lại Nghệ An, một mình trở về làng Văn Qui là nhà quê để trốn tránh qua thời. Người khởi sự làm nhà vừa xong và mới được bốn tháng thì thánh ý Chúa định cho người được triều thiên tử đạo, nên khi vua Tự Ðức ra lệnh bắt các quan Công Giáo vào ngày 16-12-1859 thì người bị lương dân trong làng tố giác với các quan. Ông đội Thị bị gọi lên tỉnh đầu tháng Giêng 1860. Quan tra hỏi rồi cho ông về, hẹn ngày 29 trở lạị Ðúng ngày, quan đội Thị trở lại và bị bắt giam vào ngục ở Quảng Trị chờ các quan Công Giáo khác giải đến sẽ tra hỏi chung một lần. Cuối tháng hai quan đội Thị cùng với quan khác tên Nguyệt vừa bị đe dọa vừa bị dụ dỗ bỏ đạo. Ông đội Thị và các bạn vững lòng xưng đạo khiến quan trấn tức giận truyền đóng gông thật nặng cho các đấng, giam vào ngục tối chật hẹp và không cho ai lui tới.
Những khốn khổ trong nhà tù không lung lay đức tin gan dạ của người lính dũng cảm, người viết thư cho vợ con với mấy lời âu yếm: “Tôi định là sau mấy tháng làm nhà xong sẽ đem mình và các con về nhưng sự việc xảy ra khác thường, tôi bị các quan bắt, chúng ta chẳng còn trông thấy nhau dưới cõi thế này nữa, tôi gửi mình hai lượng để chứng tỏ tôi không khi nào quên gia đình và hằng thương nhớ luôn mãi”. Thầy Sáu Biện cùng bị giam trong tù làm chứng rằng người vẫn vui vẻ luôn, không chịu để cho lính bên lương chê cười người Công Giáo. Ngoài giờ đọc kinh sáng tối và lần hạt, ông đội Thị siêng năng đan giầy rơm để tặng bạn bè. Dần dà sự canh phòng được nới rộng, quan đội có thể ra làng Cổ Vưu để xưng tội, dự lễ tại nhà thầy thuốc Thìn.
Cuối tháng 7 quan đội bị điệu ra trước tòa lần nữa nhưng người vẫn một lòng trung kiên xưng đạo. Người thưa với quan: “Nếu vua và các quan có lòng thương, tôi đội ơn, nhưng không bao giờ tôi bước trên ảnh Chúa”.
Thật vậy, người rất ghê tởm tội chối đạo, coi đó là tội ác nặng nhất.
Người nói với bạn hữu: “Thiên Chúa xóa bỏ mọi tội nhưng mặc dù Người từ bi thương xót, không biết Người có xóa bỏ tội chối đạo không. Ðó không phải là tội lớn nhất sao? Thà chịu chết còn hơn chối đạo”.
Cha Thọ hỏi người có muốn chết vì đạo không, người đã trả lời là muốn hết lòng hết sức. Người nói: “Con chịu mọi sự khổ vì Chúa, nếu vua tha chết thì hay nhưng nếu người kến án phải chết lại càng hay hơn nữa. Con không biết người ta để cho con sống hay phải chết, con muốn cả hai”.
Sau cùng đến tháng 8 người bị kết án thắt cổ giam hậu và giải về khám đường ở Huế. Tại đây người gặp rất nhiều người Công Giáo bị giam giữ và cùng với họ sốt sắng cầu nguyện mỗi ngày. Ðặc biệt người khuyên được một người trộm trở lại đạo. Sau nhiều tháng chịu khổ cực người bị kiệt sức và ốm. Người lo sợ nói với bạn bè: “Tôi không biết Chúa có thương cho tôi sống lâu để được phúc tử đạo không, hay phải chết sớm vì bệnh. Tôi chỉ ước mong có một điều là được tử đạo, nhưng có lẽ Chúa không chấp nhận vì tội lỗi của tôi”.
Thiên Chúa đã nhận tấm lòng thành và trung kiên của người, ngày 22-9 các quan báo tin cho người biết sẽ đem đi hành quyết. Dù đang ốm nặng, người chỗi dậy như người khoẻ, vui mừng ăn uống và đi chào thăm các bạn tù lần cuối cùng. Nhưng lệnh lại bị hoãn lại. Năm ngày sau lại có lệnh hành quyết rồi lại hoãn lại. Ba ngày sau lại có lệnh khác như kéo dài cơn hấp hối của người. Quan đội được tăng sức mạnh nhờ Cha Lợi lẻn vào trong tù giải tội và trao Mình Thánh Chúa. Ngày 23-10 người biết chắc mình sẽ phải hành quyết hôm sau, người hô lên: “Thật vui mừng, thật là mừng”.
Thầy Biện nói với người: “Ngày mai trên đường hoặc tại nơi xử nếu trông thấy tôi thì biết chắc có linh mục đi theo, hãy thống hối để lãnh bí tích giải tội”.
Sáng 24-10, quan lính đến dẫn người ra pháp trường, quan giám sát còn dụ người hãy bỏ đạo, vua sẽ tha ngay, nhưng người cương quyết trả lời: “Không bao giờ, tôi muốn chịu chết và trung thành với Chúa đến giây phút cuối cùng”.
Thế là mọi người bước ra pháp trường. Một tên lính mang tấm thẻ bài ghi những dòng chữ: “Lê Ðăng Thị, tước quan đội, theo tà đạo và cố chấp không chịu bỏ, tội không thể tha nên phải kết án cuối mùa Thu. Lệnh phải thi hành ngay”. Trên đường quan đội Thị vui cười bước đi, chào hỏi những người đứng bên đường.
Tới chợ An Hòa, Cha Thanh làm phép giải tội lần cuối, bà Mai trải chiếu xuống đất, vị anh hùng xưng đạo quì cầu nguyện. Quan ra lệnh đè người tử tù sấp mặt xuống đất, chân tay trói vào các cọc, tháo gông và xích. Sợi giây thừng choàng vào cổ và theo lệnh, lý hình kéo thật mạnh cho tới khi linh hồn người lính trung kiên của Chúa tắt thở về lĩnh ngành vạn tuế thắng trận. Lúc ấy khoảng giờ thứ mười ban sáng. Xác người được chôn cất ở họ Phú Cam.
(bị bắt 6-8-1860, chém đầu 3-11-1860 tại Sơn Tây)
Một buổi tối mùa Ðông năm 1835 tại làng Bornay, tỉnh Yura, cậu thiếu niên 17 tuổi nổi tiếng ăn chơi trong vùng ngồi đọc sách bên cạnh lò sưởi cùng với gia đình. Cậu đọc cuốn Pensez-Y-Bien (Nghĩ Cho Kỹ), cậu cảm thấy một sức mạnh mầu nhiệm đánh động như lời cậu thú tội với cha giải tội hôm sau. Cuộc đời thay đổi và cậu vào chủng viện học làm linh mục, một linh mục thừa sai đi giảng đạo ở một phương trời xa xăm. Thiên Chúa ban nhiều dấu lạ trong cuộc đời hoàn toàn tận hiến này, nhất là trong những ngày bị giam tù đến nỗi người ta coi người như một vị thần, một người thành Phật.
Cha Néron sinh ngày 21-9-1818 tại Pháp. Sau khi được ơn trở lại đặc biệt, người sống với gia đình hai năm, ngày ngày lam lũ ngoài đồng, chìm đắm trong cầu nguyện và đọc sách. Những người quen biết làm chứng rằng từ ngày trở lại người có một tính khí cương quyết rắn rỏi, một gương mặt chiếu sáng hồn nhiên. Một ngày Chúa Nhật năm 1837 Phêrô Néron hỏi cha sở xem còn có thể học được nữa không. Ðược cha sở khuyến khích Néron từ bỏ việc đồng ruộng từ tháng 11, ngày ngày cắp sách đến nhà xứ học Latinh, và sau 15 tháng học, ngày 14-1-1839 Néron vào tiểu chủng viện. Các bạn nói về lòng đạo đức của chú chủng sinh lớn tuổi này như sau: “Nhiều lần khi rước Mình Thánh Chúa, Néron đã trào dòng lệ như suối nước. Khi đọc kinh, người nghiêm trang sốt sắng hầu như không cử động. Học hết tiểu chủng viện lên đại chủng viện và sau cùng Néron xin nhập chủng viện truyền giáo Paris năm 1846, tới ngày 17-6-1848 thì được chịu chức linh mục. Ngày 9-8 Cha Néron xuống tầu đi truyền giáo tại Bắc Việt.”
Sau nhiều gian lao và hành trình vất vả, Cha Néron được Ðức Cha Retord giang tay đón tiếp ngày 28-3-1849. Cha ở trong nhà tràng Kẻ Vĩnh để học tiếng Việt và làm quen với lối sống mới, với tên gọi mới là cố Bắc. Sau bốn tháng học tiếng Việt Cha Néron được cử đi giúp họ Hà Nội và năm sau theo đức cha đi giảng năm thánh ở Kim Sơn, và năm 1852 chính thức làm cha sở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong năm này Bắc Việt có dịch tễ và đói kém nhiều người đến xin ăn với linh mục ngoại quốc và xin học đạo. Có tới 3 làng bên lương đến xin học giáo lý, và khoảng 200 người lớn xin rửa tội. Giữa năm 1854 Ðức Cha gọi người về làm bề trên chủng viện Kẻ Vĩnh.
Ngoài giờ dậy học cha dịch nhiều sách giáo khoa như Ðại Số, Hình Học. Những học trò được sống gần người cho biết người ăn chay các ngày thứ Sáu, trọn Mùa Chay và các ngày trước lễ Ðức Mẹ. Cứ đúng giờ đã định mỗi ngày, Cha Néron đọc sách nguyện và đi đàng thánh giá, lần hạt.
Trước tình thế bắt đạo ngặt nghèo, đức cha phải phân tán các thừa sai đi nhiều nơi khác nhau, năm 1855 Cha Néron được sai lên Sơn Tây coi sóc 16.000 giáo dân. Cha viết về cho cha mẹ ngày 21-11-1855: “Liệu con sẽ được diễm phúc tử đạo như các vị tiền nhiệm không, con không thể nói. Nhưng một điều chắc chắn là các quan ở đây lùng xét kỹ hơn các tỉnh khác, ngay các linh mục Việt cũng không dám đi lại giúp bổn đạo.
Con trú ẩn trong một góc nhà và chỉ ra ngoài để thở không khí. Nếu các quan biết được có thừa sai ngoại quốc trú tại đây chắc chắn sẽ ra tay bắt để lãnh thưởng 30 lạng bạc và thăng quan tước. Số phận của con ở trong tay Thiên Chúa”.
Cha Néron thường luân phiên trốn tránh tại hai xứ Tạ Xá và Yên Tập. Ngày 17-3-1857 cha đến dâng lễ cho các chị dòng ở Tạ Xá thì cai tổng Mờn đem lính đến. Cha Néron nghĩ mình chưa giúp bổn đạo được nhiều nên đồng ý cho giáo dân nộp 300 lạng bạc để chuộc. Cha Néron phải sang Yên Tập trốn tránh. Khi giặc Minh nổi loạn ở tỉnh Ðông, cai Kiếm là người Công Giáo ở Sơn Tây, cũng hùa theo nên quan quân đến vây làng Yên Tập. Xã Bê là con cai Kiếm dẫn Cha Néron đi trốn trên rừng. Sau giáo dân Tạ Xá đón người về làng. Tại đây nhờ lời cầu nguyện của vị thừa sai mà một người bị quỉ ám được chữa khỏi Quan viên sợ phải liên lụy xin Cha Néron đi nơi khác, nhưng người trả lời: “Cha đã chạy vào rừng gần chết đói, bây giờ thà chịu chết quan bắt thì hơn”.
Thấy vậy quan viên đuổi thầy giảng và bắt các chị dòng bỏ nhà mà trốn để một mình Cha Néron ở lại, sau họ lại đem võng đến cáng cha ra ngoài đồng rồi lạy xin lỗi nói rằng: “Lạy cha chúng con làm thế này vì sợ quá, nếu có lỗi phép xin cha tha cho”.
Cha Néron thản nhiên nói: “Cha không hạch tội các con đâu”.
Họ đem người về lại Yên Tập. Giáo dân ở đây cũng chẳng can đảm hơn, nên người buồn nhiều lúc ra như người mất trí. Sau cùng đức cha sai Thầy Nhất đem người lên rừng, sau một tuần thì được một gia đình ngoại đạo không có con nhận cho trú để cầu phúc. Sau ba tháng Thầy Ðức giúp Cha Néron đưa về họ Chiêu Ủng nơi đã có xác vị tử đạo Cornay. Tóm lại suốt năm 1859 Cha Néron phải lao đao chạy trốn. Cha viết thư trình bầy cho đức cha nhưng hai người đưa thư bị bắt, kẻ thì chết trong tù người thì phải lưu đầy.
Thời giờ Thiên Chúa định đã tới. Ngày 6-8-1860 Cha Néron bị nhóm người ở Tạ Xá đến Yên Tập bắt. Nguyên do chỉ vì tên Luyện ở Tạ Xá vẫn thường mang đồ ăn tiếp tế sang Yên Tập cho vị thừa sai nên biết chỗ trú, một hôm thua bạc nên đã phải khai ra chỗ ẩn của vị thừa sai. Lý Phận và cai tổng Mờn đem 12 người đến bắt Cha Néron đem về Xuân Trình. Cha xứ Yên Tập sai người đút tiền để trả tự do cho cố, song vì tiếng đồn bắt được thừa sai đã lan rộng nên cai Mờn không dám nhận bạc, trái lại báo về tỉnh để lãnh thưởng. Quan tổng đốc cho lính xuống giải về tỉnh đêm mùng 7-8. Ngay đêm các quan họp nhau để tra hỏi tên tuổi, làm sao đến được Việt Nam, những ai chở, những ai cho trú ẩn....
Cha Néron trả lời rõ ràng những điều về mình, nhưng không nói tên một ai, ngay cả hai người giúp việc. Cha nói: “Tôi không biết tên cha mẹ họ đặt cho, khi tới với tôi, tôi đặt tên khác cho họ”.
Rồi người nói tên thánh và nói thêm với các quan: “Ðừng có hỏi thêm vô ích, tôi sẽ không kể tên ai đâu vì tôi biết các ông chỉ muốn làm khổ họ”.
Sau đó cha bị giam vào ngục.
Ngày 2-9 các quan lại họp nhau để tra hỏi về việc liên quân Pháp và Tây Ban Nha đến đánh Ðà Nẵng, nhưng vị thừa sai không trả lời gì dù bị đe dọa. Cha bị đánh 40 roi. Hai ngày sau cha tuyên bố không ăn uống gì nữa. Các quan nài ép cha cũng không ăn. Mọi người nghĩ sau bẩy ngày cha sẽ chết đói, nhưng sau 20 ngày cha vẫn khoẻ như thường, khiến họ nghĩ cha là một vị thần. Sang ngày thứ 22 cha bắt đầu ăn.
Ðức Cha Theurel viết về sự kiện này như sau: “Ðó là một sự kiện khác thường chính tôi cũng không tin, song rất đông người quả quyết, và những người Công Giáo khác cùng bị giam giữ đều nói rằng đó là một việc hiển nhiên rõ ràng, chính quan tổng đốc cũng nói một người nhịn ăn như thế đã trở thành Phật. Hơn nữa trong bản án các quan viết hôm 6-9 chính mắt tôi đã đọc như sau: Tên tội phạm từ khi bị tra khảo đã kiên trì không chịu ăn và không chịu nghe lời ai khuyên can vì thế chúng tôi tin là không phải tra khảo gì thêm, dám mong hoàng đế định ngày xử”.
Trong thời gian bị giam giữ chỉ có một vài người được vào thăm, không có cha Việt nào dám tới để ban các bí tích. Nhận được hai thư của đức cha chính và phó song người cũng không thể viết một chữ hay nhắn một lời.
Người ta chỉ nghe người than thở: “Tại sao các quan giam giữ lâu làm vậy trong khi tôi chỉ mong cho giờ chết chóng tới”.
Ðầu tháng 11 bản án ở kinh đô về tới tỉnh, nguyên văn như sau: “Ngày 20-8, chúng tôi Trương Quốc Dụng, Phan Huy Vịnh và Phan Xuân gửi đến bộ hình án lệnh của vua như sau: Tội nhân cố Bắc, đúng là đạo trưởng Giatô, cả gan xâm nhập và lén lút trong đất nước để lừa dối dân chúng theo tà đạọ Bị dẫn đến tòa án đã nói dối không chịu cung khai các việc. Xét như thế tội nhân cố chấp truyền phải chém đầu ngay, đầu bêu ba ngày rồi ném xuống sông”.
Ngày 3-11-1860 quan đem người ra ngoài nghĩa địa để xử. Trong đám đông đi theo có Cha Ðộ nhưng Cha Néron chăm chú đọc kinh không để ý tới ai và không nghe ai nói, nên không hay biết gì. Tới nơi xử, quan giám sát đến bên vị anh hùng tử đạo bái chào và nói: “Lệnh vua và các quan lớn kết án ngài, nhưng xin ngài nhớ đến tôi khi ngài đi sang cõi phúc”.
Sau ba tiếng chiêng lệnh, lý hình vung đao chém một nhát đứt ngay đầu, máu tươi vọt ra nhuộm đỏ cả chiếu. Lính cắt giây trói và cởi áo dòng, nhưng nhất định không giao cho giáo dân, dù hứa cho nhiều tiền vì họ muốn giữ kỉ vật của thánh nhân ăn chay 21 ngày không chết. Ngoài ra một sự kiện đặc biệt là trong lúc hành quyết, dù trời đang đẹp bỗng mây đen kéo đến bao phủ và đổ mưa tầm tã. Người lương chứng kiến nói với nhau: “Người Âu Châu này sống cuộc đời cô tịch, hiền hòa bị kết án cách bất công, đến trời cũng mủi lòng”. Dân địa phương sắm quan tài và chôn người ngay tại nơi xử, không cho giáo dân mang đi để mong được hưởng phúc của thánh nhân. Tuy nhiên ba ngày sau giáo dân Bách Lộc đã lấy trộm được xác về chôn trong xứ. Riêng về đầu thì lính treo trên cây đa ba ngày, sau đó đem vứt xuống sông, nhưng tên lính đã nhận tiền, làm sẵn giây có phao, song các quan nghi ngờ nhau có người ăn tiền nên không cho cột giây khi ném xuống sông, vì thế không ai tìm được đầu người.