(bị bắt 7-7-1858, phân thây 28-7-1858 tại Nam Ðịnh)
Đức Cha Berrio-Ochoa kết thúc bài tường thuật về cuộc tử đạo hết sức anh hùng của Ðức Cha Sampedro như sau: “Cuộc tử đạo và xưng đức tin của người đã làm cho nhiều người trở lại đạo hơn nhiều năm làm việc giảng đạo”. Thật vậy, đức cha chịu một hình khổ ghê gớm và lâu dài không những đã làm cho người Công Giáo thêm kiên cường xưng đạo mà còn làm cho người bên lương nhận ra đạo thật.
Sáng sớm ngày 28-7-1858, hai quan lớn cỡi voi, bốn người cỡi ngựa, bốn người khiêng chiêng trống cùng với 500 lính, 20 đao phủ áp giải Ðức Cha Sampedro, 37 tuổi, sau 20 ngày tù tội, và hai chú giúp việc ra pháp trường. Ðức cha mặc áo dòng, một tay cầm sách nguyện, một tay ban phép lành cho dân chúng hai bên đường, trên cổ đeo gông thật nặng và chân mang xích sắt kêu leng keng, nét mặt hân hoan như đi lãnh triều thiên chiến thắng. Ðoàn người đi qua nửa thành phố đến cửa đông ra ngoài thành.
Tới pháp trường quan ra lệnh cột hai chú vào hai cọc. Ðức cha khuyên bảo hai chú vững lòng chắc chắn về trời. Theo lệnh, lý hình chém đầu người thứ nhất tên Tiệp, tung đầu lên cao cho mọi người xem thấy rồi đến chú Hiền. Tới phiên hành quyết đức cha, quan ra lệnh trước hết chặt chân rồi đến tay, đầu và mổ bụng đốt ruột gan. Ðức cha bị trói chân tay vào các cọc và một tấm gỗ đè trên ngực. Năm tên đao phủ cầm búa bổ xuống dưới chân 12 nhát như bổ củi, trong khi miệng đức cha vẫn kêu to Thánh Danh Giêsu, máu chảy lai láng. Sau đó lý hình bổ bẩy tám nhát chặt tay. Sau khi chặt chân tay, lý hình bổ thêm 15 nhát chặt đứt đầu và lấy dao mổ bụng. Sau đó các phần thân thể được vất xuống hố, lấp đất và cho voi đạp lên. Còn đầu bêu ở trên cửa phía Nam của thành Nam Ðịnh hai ngày, rồi bị đập nát thành mảnh vụn và quẳng xuống sông ban đêm.
Vị mục tử can đảm Melchior Garcia Sampedro sinh ngày 26-4-1821 tại San Pedro de Arrojo, Tây Ban Nha. Sau khi đậu tú tài thần học, cậu xin vào tu trong dòng Ða Minh tại Ocana năm 1845 và ngày 16-8-1846 được khấn dòng. Ngày 29-5-1847 Thầy Sampedro được thụ phong linh mục và tình nguyện đi truyền giáo. Sau khi tới Manila dạy học một thời gian vắn, Cha Sampedro được như ước nguyện là đi truyền giáo ở Bắc Việt. Ngày 28-2-1849 cha tới Ðông Xuyên, nơi ở thường xuyên của Ðức Cha Hermosilla. Cha được Ðức Cha đặt tên cho là Xuyên, tên của con sông và dân làng. Sau khi họp công hội và phân chia địa phận, Cha Xuyên theo giúp cha bề trên giám tỉnh tại Nam Am cho tới tháng 3-1850 được Ðức Cha Sanjurjo, địa phận Bùi Chu, đặt làm bề trên chủng viện ở Cao xá.
Cha Sampedro hết lòng chu toàn bổn phận và đặc biệt có tinh thần khắc khổ, ham thích cầu nguyện và hãm mình ăn chay và đánh tội tùy theo mức độ cha linh hướng cho phép. Ðời sống thánh thiện của cha đã khiến bề trên cất nhắc lên làm tổng đại diện năm 1852. Cha Sampedro còn dành nhiều thời giờ để dịch các sách và dậy giáo lý cho 54 gia đình gần 500 người tại một làng gần Cao Xá. Ðức Cha Sanjurjo đã viết về công việc tông đồ của cha như sau: “Họ đạo mới lập này ngoài ơn Chúa phải kể công đầu cho Cha Sampedro, cha chính địa phận và bề trên nhà dòng, đã mở đường cho cuộc trở lại tập thể. Ngoài ra cha cũng giảng dậy cho ba bốn làng kế cận. Các dân làng thích nghe người giảng và mong muốn nhận lãnh phép rửa tội”.
Trong hoàn cảnh cấm đạo, Ðức Cha Sanjurjo đã được phép tòa thánh chọn đức cha phụ tá và người chọn cha chính Sampedro. Lễ phong chức đã diễn ra tại Bùi Chu ngày 1-9-1855 khá long trọng. Chẳng bao lâu Ðức Cha Sanjurjo bị bắt ngày 21-5-1857. Ðức Cha Sampedro làm mọi cách để chuộc tự do cho đức cha kể cả việc vận động với sứ quán Tây Ban Nha và Pháp, nhưng tầu đến vịnh Bắc Việt thì Ðức Cha Sanjurjo đã bị chém đầu. Tình thế mỗi ngày một thêm trầm trọng, quan tổng đốc ra thêm nhiều lệnh truy lùng đạo trưởng và bắt mọi người phải đạp ảnh. Các xã trưởng phải làm tờ trình đã bỏ đạo và mỗi làng phải dựng chùa. Ðức Cha Sampedro vội phong chức giám mục phó cho Cha Valentino Berrio-Ochoa mới sang Việt Nam vào đêm ngày 13-6-1858 trong một nhà giáo dân.
Dù làm đầu địa phận, Ðức Cha Sampedro thường xin các cha khác chỉ vẽ các sai lỗi của mình và năng nhận mình là một tội nhân trước mặt mọi người. Ngoài việc mặc áo nhặm thường xuyên, đức cha còn có lòng kính mến Ðức Mẹ, đầu các thư viết bao giờ cũng có ghi tên Maria. Ðức cha thường khuyên nhủ người khác đừng bao giờ bỏ lòng tôn kính Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, chính người mỗi ngày lần hạt kính những sự thương khó của Ðức Mẹ.
Trước những cuộc lùng bắt thường xuyên của các quan, đức cha phải đổi chỗ trú ẩn luôn. Thế nhưng đêm ngày 7-7-1858, đức cha bị bắt với hai chú Ðominicô Tiệp và Ðominicô Hiên tại Kiên Lao. Khi làng Kiên Lao bị quân lính bao vây, đức cha đang trốn ở một nhà bên ngoài vòng vây. Ðức cha trốn trong hầm ở ngoài đồng và ban đêm dân chúng bị các quan hành hung chạy trốn ra ruộng lúa, đức cha cũng theo họ chạy ra ruộng lúa nhưng bị rượt theo, qua khỏi ba cánh đồng thì bị bắt. Hôm sau, 8-7, người bị áp giải về Nam Ðịnh. Ðức cha luôn luôn tỏ ra vui vẻ trong tù, chịu đựng mọi hành hạ.
Các quan tra hỏi nhiều điều song đức cha chỉ một mực xưng đức tin và chối mọi điều các quan buộc tội cho. Các quan buộc cho người ba thứ tội: lén lút giảng đạo đã bị cấm, bí mật kêu tầu ngoại quốc đến và là thủ lãnh của một đảng phản loạn. Ðức Cha Sampedro hiên ngang nhận điều thứ nhất, còn điều thứ hai, đức cha nói rằng tầu ngoại quốc tới chỉ có mục đích duy nhất là xin tự do tôn giáo, điều buộc tội thứ ba hoàn toàn ngược lại với thư chung gửi giáo dân trong đó cấm người Công Giáo không được theo người làm loạn, nếu không tuân theo lệnh sẽ không được nhận các bí tích.
Dù biện hộ thế nào các quan cũng khép án như sau: “Luật pháp trong nước nghiêm cấm đạo Giatô, nhưng đạo trưởng Xuyên đã cả gan xâm nhập để lừa dối dân chúng từ chín năm nay. Theo như lời khai của chính tội nhân, hắn là thủ lãnh tín đồ Giatô ở các huyện Giao Thủy, Kiên Xương và Thái Bình cũng như các tín đồ ở tỉnh Hưng Yên, Hải Dương. Vì thế đạo trưởng tên Xuyên tội đáng phải chết. Tội của hắn còn nặng thêm vì đã bí mật sai người đi đem tầu Âu Châu tới để xúi dục dân chúng làm loạn như nhiều người phản nghịch đã khai”. Bản án của các quan tỉnh Nam Ðịnh được vua Tự Ðức phê: “Như đã bắt được đạo trưởng Âu Châu thì phải chém đầu và bêu đầu ba ngày rồi ném xuống sông. Thế nhưng vì tên nghịch này đã lập đảng và đứng đầu nên tội ra nặng thêm. Trong khi tra khảo, nó chối tội ác này nhưng những người khác đã xưng ra. Phải coi hắn là đầu đảng nghịch và chiếu theo luật pháp thì phải xử phân thây. Ðầu phải bêu ba ngày rồi bỏ xuống sông để mọi người biết rõ lề luật”.
Hài cốt của vị chủ chăn anh dũng sau khi bị chôn ở hố được giáo dân đem về chôn ở Bùi Chu. Năm 1888, Ðức Cha Venceslao Onhate cho phép mang di hài về quê quán ở Oviedo chỉ giữ lại cánh tay mặt ở Bùi Chu và cánh tay trái ở nhà dòng Ða Minh tại Manila.
(bị bắt khoảng tháng 8-1858, xử trảm ngày 6-10-1858)
Ðối với người Việt, tên rất quan trọng vì nó nói lên đức tính và chí hướng của người ấy, nhất là trong trường hợp của vị anh hùng đức tin Phanxicô Trần Văn Trung. Người tỏ ra trung thành với quốc gia đồng thời chọn cái chết để trung thành với đức tin.
Phanxicô Trung sinh khoảng năm 1825 tại làng Phan Xá tỉnh Quảng Trị. Cha người là cai đội Nhân, chết sớm, mẹ người là Nụ đi tái giá. Khi mới lớn, cậu Trung đã gia nhập quân đội. Theo lời khai của nữ tu Catarina Thanh, là con gái đầu lòng, thì dù ở trong quân ngũ cậu Trung vẫn chăm chỉ đọc kinh và giữ đạo, không ai trách cứ được điều gì. Năm 25 tuổi ông Trung lập gia đình với cô Ca cũng ở làng Phan Xá. Hai người sinh hạ được ba người con. Ông Trung vì phải tự lập thân sớm nên rất thành thạo việc đời, hơn nữa tính ông vốn thành thật cương quyết, nói ra là giữ lời nên mọi người đều tin cẩn.
Khi có khóa thi võ ông Trung cùng với 11 người dự thi, nhưng vì có sự đút lót và các quan chia tiền không đều nên việc đến tai vua. Vua Tự Ðức truyền giam tất cả trong tù. Tháng 9-1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha đánh cửa Hàn, Ðà Nẵng, để đòi tự do tôn giáo và buôn bán, vua Tự Ðức cho phép các tù nhân được tình nguyện đi đánh giặc lập công. Cả thảy 12 ngưới lính thi võ đều ghi tên đi. Các quan muốn phòng ngừa người Công Giáo nội ứng nên bắt mọi người trước khi đi đánh ngoại xâm phải dâng hương trước bàn thờ tổ tiên và đạp ảnh chuộc tội. Ông Trung vì muốn giữ đạo nên đã không làm như 11 người kia. Quan liền hạch hỏi: “Sao chú không đạp qua thập giá, đúng chú là người có đạo?”
Ông Trung can đảm thưa: “Vâng tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc, nhưng phải chối đạo thì không khi nào”.
Câu trả lời khảng khái của người lính chiến của Chúa Kitô đã khiến quan tức giận bắt người vào ngục trở lại. Ban đêm bốn quan vào tù dụ dỗ người bỏ đạo để đi đánh giặc giúp nước, song người vẫn một lòng giữ vững đức tin. Không dụ dỗ được người, các quan liền cho đánh đòn ba trận, mỗi trận 50 roi. Roi đòn cũng không lay chuyển được người lính dũng cảm, nên các quan giam người trong ngục và làm án chém đầu.
Suốt trong hai tháng bị giam trong tù, ông Trung rất sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Vẫn theo lời khai của người con gái lúc ấy mới 8 tuổi đã giúp cha trong một tháng tù thì người đã nói: “Ðiều cha mong ước hơn hết là vua kết án tử cho cha. Con không học đạo ở đây được vì hằng nghe những lời xấu xa của người ngoại, vậy con hãy về nhà với mẹ thì hơn. Song con hãy nhớ chắc điều này là dù phải túng cực thế nào thì cũng đừng ở chung với người không có đạo, nhưng hãy ở giữa những người có đạo. Hễ cha sở Quang có khuyên bảo điều gì thì con hãy hết lòng mà giữ”.
Lần khác ông Trung khuyên bảo vợ: “Nếu tôi phải chết phen này, xin mình hãy thương mấy đứa con, coi sóc chúng tận tình và đừng đi lấy chồng nữa”.
Khi nhớ ra còn mắc nợ người ta, người sợ sau này chủ nợ bên lương bắt con mình phải ở đợ thiệt hại phần linh hồn, liền bảo vợ về nhà bán các đồ đạc để trả nợ trước đi kẻo sau này sinh ra nhiều điều bất lợi trong gia đình.
Bản án của các quan viết: “Trần văn Trung, cai đội cơ binh tuyên văn phong bị tố cáo gian lận trong trường thi và đã bị giáng chức cùng phải giam tù. Có tình nguyện đi đánh giặc nhưng không chịu quá khóa vậy phải xử trảm”. Vua Tự Ðức đã y án.
Ngày 6-10-1858, năm quan dẫn 60 người lính đem ông Trung ra chợ An Hòa để xử. Một tên lính thị vệ đi trước cầm tấm thẻ bài ghi: “Ðây là người theo tà đạo, các quan theo lệnh vua đem đi chém đầu”. Cha Thoại từ Dương Sơn nghe biết tin liền trá hình đến để giải tội. Cha gặp ông Tâm là anh em với đội Trung liền hẹn dấu này là tại nơi xử cứ nhìn về phía trước, thấy ai cầm điếu thuốc giơ lên ngang mắt thì dục lòng ăn năn tội để lĩnh phép tha tội. Tới nơi xử, vị tử đạo đã thấy như lời hẹn liền sốt sắng làm dấu đọc kinh. Tuy nhiên các quan lại bàn nhau: “Lúc này quân Pháp đang ở cửa Hàn nếu họ biết mình giết người có đạo lại tấn công, chi bằng cho người xin lĩnh ý kiến của vua”. Mọi người chờ đến tối mới có lệnh của vua truyền chém đầu tức khắc. Khoảng 8 giờ tối các quan truyền lệnh hành quyết. Vị anh hùng xưng đức tin quì gối giữa pháp trường, lấy vôi ghi dấu thánh giá ở cổ rồi đưa đầu cho lý hình chém.
Lý hình tuốt gươm chém đứt đầu rồi bỏ đó, các quan cấm không được ai lấy xác trong ngày. Ðến ngày 8-10 các bổn đạo đem xác về chôn ở họ Dương Sơn.
(bị chém tại Hưng Yên ngày 5-11-1858)
Trên đường ra pháp trường, một người cổ đeo tràng hạt ra ngoài, tay chắp lại như khi đang làm lễ, tiến bước hân hoan đầy dũng cảm, đó là Cha Ða Minh Mầu, dòng Ða Minh.
Cha Mầu sinh khoảng năm 1808 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Tràng, tỉnh Nam Ðịnh, con ông Gioan Mĩ và bà Maria Lang. Ngay từ bé chú Mầu đã dâng mình trong nhà Ðức Chúa Trời, rồi lần lượt được gửi theo học Latinh và lý đoán và là một linh mục đạo hạnh. Lòng sốt sắng đã thúc đẩy cha gia nhập dòng Ða Minh.
Cha Ða Minh Mầu được sai đi làm việc mục vụ tại xứ Kẻ Ðiền trong khi Vua Tự Ðức ra lệnh cấm đạo gắt gao. Cha bị bắt khoảng giữa năm 1858 tại Kẻ Ðiền, cha vừa được 50 tuổi. Cha bị giải về tỉnh Hưng Yên, địa phận Ðông Bắc Việt. Ở đây cha bị giam tù hơn hai tháng tại nhà quan án và bị tra tấn nhiều lần ép buộc chối đạo.
Trong nhà giam Cha Mầu tiếp tục giúp các giáo dân đến xưng tội và khuyến khích các bạn tù can đảm xưng đạo. Bà Anna Ngoan đã làm chứng như sau: “Tôi thường đem thức ăn cho cha trong hai tháng cha bị giam giữ tại nha quan án. Tôi vẫn thấy cha vui tươi hiền hòa đến nỗi các lính canh cũng thán phục. Người khuyên các giáo dân đến thăm hãy bền vững trong cơn khốn khó hiện tại và sẵn sàng ban phép giải tội cho họ. Chính tôi đã dẫn nhiều người đến với người. Người luôn đeo tràng hạt ra bên ngoài cổ và dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Trong các lần bị gọi ra trước mặt quan, người can đảm xưng đạo và sẵn sàng chịu chết vì Chúa Kitô.”
Các nhân chứng không biết rõ Cha Mầu bị kết án như thế nào, chỉ biết khoảng trưa ngày 5-11-1858 cha bị dẫn ra pháp trường tỉnh Hưng Yên và bị chém đầu. Trên đường ra pháp trường, hai tay cầm xích chụm lại, miệng đọc kinh. Có rất đông người đến xem và tỏ ra rất thán phục.
Xác Cha Mầu được giáo dân đem về chôn tại nhà thờ Mai Lĩnh, tỉnh Hưng Yên. Nhờ lời bầu cử của người, ông Ða Minh Ðỗ thuộc họ Ðức Bà Thượng Lạc, xứ Kẻ Ðiền đã được khỏi bệnh đau bụng nguy kịch cách lạ năm 1874. Ông Ðỗ đã làm chứng trước tòa án điều tra ngày 16-6-1894. Cũng trong cuộc điều tra này còn một nhân chứng khác quả quyết bà Thị Chi, 50 tuổi thuộc làng Lập Bái, đã được chữa khỏi quỉ ám năm l884. Cũng năm đó, một người lương tên là Cai Thìn cũng được chữa khỏi quỉ ám nhờ cầu khấn tại mộ Thánh Ða Minh Mầu. Các phép lạ này đã được tám giáo dân thề và làm chứng.
(bị bắt tháng 6-1858, bị thắt cổ 13-1-1859 tại Nam Ðịnh)
Thánh Luca Thìn, tên được viết là Phạm Viết Thìn theo bản án của triều đình, là con của cụ quan án Ða Minh Khảm và bà Agnes Phương, thuộc họ Ðức Bà xứ Quần Cống, tỉnh Nam Ðịnh. Nhà giầu nên người được học hành đến nơi đến chốn, làm chánh tổng mới có 30 tuổi. Người lập gia đình với cô Maria Tâm. Nhưng chức vụ chánh tổng bắt người phải đi nhiều nơi và vì tuổi trẻ người đã có vợ lẽ. Sau ba năm bị ốm nặng người hứa với Chúa sẽ sửa đổi cuộc sống. Người từ bỏ vợ lẽ và theo lời cha giải tội người đã sống cuộc đời đạo hạnh.
Ngày 28 tháng 4 năm Tự Ðức thứ mười một (6-1858), Ðức Cha Sampedro nhờ Luca Thìn là người thông thạo quan trường, lên tỉnh Nam Ðịnh xin với quan thượng Tân nhân nhượng cho người Công Giáo, và cam đoan rằng người Công Giáo hết lòng trung thành với vua và không khởi nghịch. Nhưng rủi thay lúc ấy xảy ra vụ một người Công Giáo nổi loạn ở Cao Xá khiến quan thượng Tân giận dữ bắt giam Luca Thìn, và coi người Công Giáo là lũ phản nghịch. Lúc ấy có tin đồn là làng Quần Cống chứa chấp thừa sai nước ngoài, quan ra lệnh đi vây làng Quần Cống. Quả thực lúc ấy có Ðức Cha Sampedro và Cha Estevez đang ẩn trốn ở đây.
Trong khi lính đi vây làng thì Luca Thìn đã bị quan thượng tra hỏi ba lần. Bị ép buộc đạp ảnh thánh giá, Luca Thìn một mực từ chối nên bị xích lại và giam trong tù. Người thản nhiên viết tờ giấy nói rõ sự khảng khái của mình: “Tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ kể cả cái chết khổ cực nhất, nhưng không bao giờ chối bỏ đạo của tôi. Chính tay tôi viết. Luca Thìn”. Vì thế quan sai thêm lính đến bắt họ hàng của Luca Thìn. Những người ngoại đạo trong tù khuyên người chối đạo để giữ của cải và mạng sống. Người nói: “Xin các bạn để tôi yên và đừng nói với tôi điều này nữa, tôi thà mất của cải, chịu mọi cực khổ dữ dằn nhất hơn là đang tâm phạm đến ảnh thánh của Chúa tôi. Tôi tuyên xưng rằng tôi không có gì khác hơn là ước muốn được đổ máu ra vì đạo thánh của tôi”.
Ðầu tháng 7, cụ án Khảm là cha người cũng bị bắt với một số người tín hữu làng Quần Cống và được đem đến Nam Ðịnh. Luca Thìn lại bị các quan đem ra luận xử với cha mình. Thấy cha mình cũng bị bắt vì Chúa thì người mừng rỡ chào cha mình và can đảm xưng đạo trước mặt ba quan lớn.
Vài ngày sau, hôm 7-7, Ðức Cha Sampedro cũng bị bắt và giải về tỉnh Nam Ðịnh. Các quan đem Luca Thìn ra đối chất với đức cha. Không sợ các quan, Luca Thìn quì gối kính cẩn chào đức cha, vị chủ chăn khả kính. Quan giận dữ sai đem về ngục, bắt chịu nhiều hình phạt hơn nữa.
Suốt trong bốn tháng mười ngày, các vị anh hùng Quần Cống sống chung với nhau trong cảnh tù đầy, khích lệ nhau can trường.
Ngày 13-1-1859, quan ra lệnh đem các đấng đi hành quyết. Luca Thìn không biết các quan xử mình vì tội gì nên xin được gặp quan lớn. Người nói với quan: “Xin quan lớn cho biết vì tội gì mà tôi bị xử tử?”
Quan đáp lại là vì tội phản nghịch, đem thừa sai ngoại quốc vào trong nước. Người bác lại: “Chúng tôi có tiếp đón đạo trưởng tây phương và theo đạo Công Giáo, nhưng chúng tôi không bao giờ manh tâm chống lại vua”.
Quan lại nói: “Nguyên điều này ngươi cũng đáng chết vì có lệnh của vua cấm theo đạo và ngươi không chịu đạp ảnh”.
Ðến đây Luca Thìn nghe biết mình chịu chết vì đạo thì vui mừng khoanh tay chào các quan và xin cho mình được chết vì đạo. Sau đó người lấy ảnh thánh giá trong ngực ra cầm ở tay, hiên ngang đi ra pháp trường, như một dấu xưng đạo và thống hối công khai.
Theo thư của Thánh Giám Mục Berrio-Ochoa viết ngày 2-8-1859 thì cùng bị xử trong ngày 13-1-1859 có cha con Thánh Khảm, Thìn, hai anh em cột chèo Giuse Tả, Khoá Sơn và Lý Lê cùng bốn giáo dân khác thuộc địa phận Tây.
Có người cho rằng cụ Án Khảm và Giuse Tả có liên hệ anh em (xin xem báo Trái Tim Ðức Mẹ số 109 tháng 1-1987 trong lá thư ngỏ), sự thực theo các tài liệu chính thức thì không có tài liệu nào nói tới liên hệ anh em giữa cụ Án Khảm và Giuse Tả.
(bị bắt tháng 7-1858, bị thắt cổ 13-1-1859 tại Nam Ðịnh)
Xứ Quần Cống là một họ đạo kỳ cựu và sốt sắng phần lớn nhờ lòng đạo đức của quan án Ða Minh Phạm Viết Khảm, 80 tuổi, và con người là chánh tổng Luca Thìn. Năm 1858 vua Tự Ðức lùng bắt các thừa sai nên họ đạo đã đón Ðức Cha Sampedro về ẩn trú. Chính vì vậy mà làng bị bao vây ngày 2-6 (7-1858) và một số huynh thứ trong làng cũng bị bắt như Giuse Cai Tả, Ða Minh Khóa Sơn, Ða Minh Lý Lê và bõ coi nhà thờ là Gioan Tăng.
Khi quân lính từ Nam Ðịnh về vây làng, quan án Khảm nói với dân chúng: “Nếu có người nào bước qua ảnh chối đạo thì khi quan rút rồi, làng sẽ không nhận họ khi còn sống và khi chết sẽ không được chôn”.
Lúc quan đến triệu tập mọi người ra đình làng, quan nói với cụ án Khảm: “Các thừa sai có người ngoại quốc mà cũng có người bản xứ và các thầy giảng. Ngươi có chứa chấp hay không, nếu không xưng ra ta bắt được thì nhà cửa phải phá hủy, mọi tài sản bị tịch thu và bị xử tử”.
Cụ án Khảm thưa: “Ðạo chúng tôi luôn có các linh mục, nhưng các đấng ở đâu tôi không được biết, nếu quan bắt được người nào trong làng này thì quan muốn xử tôi thế nào thì xử”.
Quan liền ra lệnh mọi người phải đạp ảnh. Thấy một người già vì sợ hãi bước ra toan đạp ảnh, cụ Ða Minh Khảm liền chặn lại. Quan tỉnh tức giận nguyền rủa: “Ta sẽ mất chức mất của nếu án Khảm không bị giết, và nhà hắn không bị hủy”.
Nói rồi quan tỉnh đến nhà cụ án Khảm tịch thu đồ đạo và mọi của quí báu và sửa soạn vét của tại các nhà dân. Trong số tài sản có nhiều đồ của giáo hội, vì cụ Ða Minh Khảm làm trùm, nhưng người chỉ nói với các quan: “Các quan lấy của nhà thờ và của tôi, nhưng xin đừng xâm phạm đến tài sản của nhân dân vì họ không có tội gì”.
Bấy giờ quan cho bắt các người đàn ông trói lại giải về tỉnh.
Trên tỉnh, cụ Ða Minh Khảm gặp lại con và cùng nhau xưng đạo trước mặt các quan. Khi các quan bắt được Ðức Cha Sampedro ở Kiên Lao và giải về Nam Ðịnh, cụ Ða Minh Khảm bị dẫn ra tòa đối chất với đức cha. Gặp đức cha, cụ Ða Minh Khảm và các anh hùng Quần Cống hân hoan phủ phục chào kính không e sợ gì các quan. Ðức cha khuyên họ can trường đến cùng rồi bị đem đi, còn lại cụ án Khảm bị quan chất vấn: “Các ngươi nói là không có chứa chấp đạo trưởng sao khi vừa gặp đã tỏ ra hân hoan cung kính?”
Cụ án Khảm thưa lại: “Chúng tôi vui mừng vì được nhìn thấy vị cha chung. Thật vậy trong đạo chúng tôi, các tín hữu rất cung kính các đạo trưởng, người Âu Châu cũng như người bản xứ”.
Vì vậy các quan truyền giam các vị vào trong ngục. Trong nhà giam, cụ án Khảm, một người dòng ba Ða Minh, đã sốt sắng khuyên bảo các bạn tù vững lòng và giúp đỡ họ các cái cần thiết. Ông từ Gioan Tăng bị tra tấn nhiều quá không chịu nổi nên đã chết trong tù. Sau bốn tháng mười ngày, 13-1-1859, quan thượng truyền lịnh đem các đấng đi chém đầu. Hôm ấy các đấng cũng được Cha Lương và Cha Duyệt, cũng bị giam ở đó, giải tội.
Cụ án Khảm bị thắt cổ chết ngay (tài liệu chính thức nói người bị chém nhưng theo một số lời khai khác thì nói cụ bị thắt cổ). Quân lính lấy lửa đốt mặt, chân và tay người. Hai người chứng là Ða Minh Nhượng và Ða Minh Diên đã đem xác các đấng về chôn ở nhà thờ Ðức Bà Mân Côi ở Quần Cống.
(bắt tháng 7-1858, bị thắt cổ 13-1-1859 tại Nam Ðịnh)
Các nhân chứng không biết gì nhiều về thân thế của Thánh Giuse Tả, chỉ biết rằng người làm phó tổng làng Quần Cống. Khi quân của tỉnh Nam Ðịnh về vây làng Quần Cống vì có tin báo thừa sai đang trốn ở đây. Ông Giuse Tả cùng bị bắt một lượt với Thánh Ða Minh Khảm, Ða Minh Sơn, Gioan Tăng. Người đã có vợ nhưng vợ đã chết trước.
Khi bị bắt ra đình làng điểm danh và ép buộc đạp ảnh, ông Giuse Tả đã can đảm xưng đạo, nhất mực yêu Chúa đến chết chứ không dám phạm tội như vậy. Về tỉnh Nam Ðịnh, Giuse Tả còn bị đem ra tòa ép buộc chối đạo ba lần, nhưng người vẫn một mực chống lại lời dụ dỗ, quyết một lòng chịu chết vì Chúa. Chính tay người đã viết một tờ tuyên xưng như sau: “Tôi là Giuse Tả, không bao giờ muốn chối đạo vì đó là điều ghê sợ đối với tôi. Tôi sẵn lòng chịu mọi thứ cực hình hơn là làm việc phản bội Chúa tôi”. Người bị giam tù bốn tháng rưỡi.
Ngày 13-1-1859, ông Giuse Tả, 60 tuổi, cùng với Án Khảm và Thìn bị đem ra pháp trường Năm Mẫu ở Nam Ðịnh thắt cổ, anh dũng dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa. Trong vụ hành quyết, ông Ða Minh Nhượng là người vẫn thăm nuôi người ở trong tù, đã làm chứng và chôn cất xác người ở Quần Cống. Ngày 3-1-1866 Cha Trường cải táng người về chôn ở nhà thờ họ Ðức Bà Mân Côi.
(bị bắt ngày 21-12-1858, xử trảm ngày 13-2-1859)
Hai tuần lễ sau ngày Cha Lộc bị chém, Ðức Cha Lefebvre viết bài tường thuật về cuộc đời của cha và kết thúc bằng những dòng chữ thật cảm động: “Bây giờ cha ở đâu, cha Phaolô thân yêu của tôi? Trong lúc này tôi đang ở trong nhà nơi chúng ta đã chung sống với nhau; mắt tôi ngó cùng khắp những chỗ cha vẫn hiện diện, tôi muốn cất tiếng gọi cha, còn đây những áo quần, giầy vớ... Nhưng làm sao tôi lại khóc, lại thương tiếc cho những khốn khổ cha đã phải chịu. Giờ này đây cha được ở nơi tốt đẹp hơn bội phần, nhập đoàn với những người sung suớng nhất, với các thiên thần và các thánh. Cha hãy vui hưởng hạnh phúc với Chúa Giêsu Kitô và hãy trợ giúp chúng tôi để mai ngày chúng tôi cũng được hưởng phần hạnh phúc ấy”.
Theo lời tường thuật của đức cha và nhiều nhân chứng, Cha Lộc sinh năm 1830 tại làng An Nhân, tỉnh Gia Ðịnh, trong gia đình Công Giáo đạo hạnh, cha người đã làm trùm dậy đạo. Khi còn bé mọi người gọi người là Ðông.
Cậu đã phải mồ côi cha từ năm mười tuổi nên được Cha già Lợi nhận nuôi, và hai năm sau gửi vào chủng viện học Latinh với Ðức Cha Lefebvre. Năm 1843 cậu Lộc được gửi sang du học ở chủng viện Penang. Trong bẩy năm học Thầy Lộc tỏ ra xuất sắc, nhất là năm cuối cùng thầy đứng thứ ba. Năm 1850, Thầy Lộc trở về nước với lời khen ngợi sẽ có nhiều hy vọng cho địa phận. Ban đầu đức cha sai thầy đi dậy giáo lý cho bổn đạo. Thầy trổi vượt hơn mọi người trong các cuộc tranh luận, khiến các nhà sư phải khâm phục. Thầy được gọi chịu các chức nhỏ, và trong khi chờ đợi thầy được chỉ làm giáo sư dậy các chú. Thầy Lộc có nhân đức nhẫn nại phi thường, sẵn sàng cắt nghĩa cả trăm lần cho các chú hiểu. Ðức cha nhiều lần gọi thầy đến để nói truyện vì thầy có tài nói truyện giúp đức cha giải khuây. Mỗi lần đề cập tới vấn đề tử đạo thì giọng thầy trở nên hùng hồn, khuôn mặt chiếu sáng niềm vui.
Ðức cha ấn định ngày 7-2-1857 để truyền chức linh mục cho thầy, song thầy tỏ ra sợ hãi nhưng rồi cũng vâng lời đức cha, cấm phòng dọn mình thật sốt sắng. Sau đó Cha Lộc được cử làm bề trên chủng viện ở Thị Nghè. Dù gặp thời buổi khó khăn, Cha Lộc đã có thể lèo lái chủng viện tồn tại trong hai năm. Nhưng vì có một thầy giảng bị bắt và vượt ngục khiến quân lính truy lùng khắp mọi nơi có người Công Giáo khiến cha phải giải tán chủng viện đi ẩn. Ngày 21-12 Cha Lộc lén trở về Thị Nghè để giúp cho Thầy Nhiên mới trốn. Mọi người can thì cha nói để một mình cha đi chịu tử đạo.
Ðêm ấy Cha Lộc trọ ở nhà ông Ngôn là người đỡ đầu, có một người đàn bà bên lương hay biết mách với anh mình là cai đội đem lính đến vây bắt. Theo lời của bà Ngôn, chính Cha Lộc không chịu để cho ai nói quanh nhưng thẳng thắn nhận mình là linh mục. Cha bị đóng gông giải về nha huyện, cùng với ông Ngôn, Vọng và Thuyên.
Suốt trong hai tháng giam tù cha bị tra khảo bốn lần nhưng các quan không đánh đập tàn nhẫn. Những người có mặt sau này làm chứng rằng cha luôn luôn can đảm xưng mình là linh mục và không bao giờ chịu bỏ đạo dù quan hứa cho làm ký lục. Ngoài những giờ đọc kinh, Cha Lộc còn khuyên bảo người trong tù và đã rửa tội được một người lương trở lại. Cha Triêm đã đến giải tội và mang Mình Thánh cho cha.
Hôm Chúa Nhật ngày 13-2-1859 quan được án phê của triều đình liền đem Cha Lộc đi hành quyết. Cha Lộc điềm nhiên theo bọn lính ra trước mặt quan và thản nhiên đọc kinh. Trên đường cha trao lại cho ông Thuyên cỗ tràng hạt và áo Ðức Bà. Ra khỏi thành, người lính đóng cọc, dựng bản án kế bên, trong khi Cha Lộc quì gối đọc kinh. Sau hai nhát gươm, đầu vị tôi tớ trung kiên rơi xuống đất trong khi linh hồn bay về với Chúa, để lại cho giáo dân dòng máu hiên ngang làm gương mẫu. Tấm bia viết như sau: “Ðạo trưởng Lê Văn Lộc thuộc phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tổng Bình Trị, làng An Nhơn, vì không chịu bỏ đạo nên bị xử tử. Tự Ðức năm thứ mười một, ngày 11 tháng Giêng”.
Tới chiều, quan cho phép một số người đem xác người đi chôn. Xác người được tẩm liệm cẩn thận và được chôn tại Chợ Quán. Ngày 29-4-1863 Ðức Cha cho bốc mộ và đem di hài đựng vào hòm quí đặt trong nhà nguyện của các bà dòng Thánh Phaolô.
(bị bắt 21-1-1859, bị chém 11-3-1859 tại Hưng Yên)
Cuộc xưng đạo và tử đạo Của cha Ða Minh Cẩm đã được chính Thánh Giám Mục Valentino Ochoa tường thuật trong thư đề ngày 2-8-1859 như sau:
Ngày 21 tháng Giêng năm nay, có một linh mục thuộc địa phận Trung tên là Ða Minh Cẩm bị bắt dẫn về tỉnh Hưng Yên và giam tù. Theo thư người viết cho một vị thừa sai thì người bị bắt vì đã nhiệt thành đi giúp giáo dân nên bị người lương tố cáo với quan. Lính được sai đến bắt người ở làng Hà Lang nơi người đang trú ẩn. Cha Cẩm đã mạnh dạn xưng đạo trước mặt các quan và công khai nhận mình là linh mục Công Giáo, sẵn sàng chịu chết hơn là dẵm chân lên ảnh chuộc tội.
Trong tù, Cha Cẩm được quan cũng như lính quí mến và để cha được tự do gặp giáo dân, ban các phép cho họ... Ngày 11-3-1859 án lệnh của triều đình đến truyền phải đem đi chém đầu. Cha Cẩm vui mừng đi theo hai hàng lính đến pháp trường. Tới nơi người vui mừng đưa đầu cho lý hình. Chỉ một lát gươm, đầu người rơi xuống đất, giáo dân được tự do thấm máu và đem xác người về an táng tại sinh quán.
Theo lời khai của các nhân chứng thì Cha Cẩm rất trẻ tuổi, sinh tại làng Cẩm Chương, xứ Kẻ Rôi, tỉnh Bắc Ninh. Theo lời khai của bà Maria Huê thì Cha Cẩm đã bị giam giữ ở nhà quan án, và khi đi ra pháp trường người đã bộc lộ sự vui mừng hớn hở. Tới nơi xử người còn nói với lính đao phủ như sau: “Hãy chém cho ngon để đầu của tôi rơi xuống đất mau lẹ”. Thế nhưng người lính đã run rẩy chém ba nhát và sau cùng phải cứa cổ cho đầu rơi xuống. Bên cạnh chỗ Cha Cẩm quì chịu xử có gắn bản án. Nơi xử là bờ sông ở tỉnh Hưng Yên. Xác người được chôn cất tại làng Cẩm Chương là quê quán của người.
(xử trảm ngày 28-5-1859 tại Sài Gòn)
Lời của Chúa Giêsu nói với người trộm lành ngày xưa “Thật tôi hứa với anh, ngày hôm nay anh sẽ lên thiên đàng với tôi” , rất thích hợp cho trường hợp của vị anh hùng tử đạo Phaolô Hạnh. Trước khi bị kết án vì xưng đạo, người đã không sống lương thiện, nói đúng ra là đã lập một nhóm người chuyên nghề ăn cắp.
Phaolô Hạnh sinh tại Chợ Quán trong khoảng năm 1826-1827. Khi còn bé đã theo bọn người bất lương, về sau theo hai người anh lớn là Thanh và Ngai chuyên nghề trộm cướp. Chính người tụ tập các trẻ lang thang để sai đi cướp giật. Theo lời bà Luxia Nguyễn Thị Vang thuật lại, thì một đêm các lâu la đến nhà bà Hồng ăn trộm, sáng hôm sau gặp Hạnh bà đã nói lại vì Hạnh thường lui tới nhà bà. Hạnh bắt các lâu la trả lại những đồ đã lấy khiến bọn chúng tức giận liền đi tố cáo với xã trưởng là Hạnh có liên lạc với người Pháp. Xã trưởng tên là Tri và Xa Ðét vì sợ Hạnh không dám làm gì, lặng lẽ lên tố cáo với quan tỉnh. Thế là Hạnh bị bắt đưa tới quan án ở Bà Quẹo. Trước mặt quan người đã cực lực chối: “Tôi không bao giờ giúp cho bọn người mọi rợ Âu Châu, cũng như không bao giờ liên lạc với họ”.
Quan không bắt người khai được điều gì để bắt tội thì quay sang buộc tội theo đạo Công Giáo như sau: “Mày và rất nhiều người Chợ Quán theo đạo Gia Tô”.
Mặc dù không giữ đạo tử tế nhưng Hạnh đã can đảm hiên ngang xưng mình là Công Giáo. Quan liền bắt người đạp ảnh chuộc tội, nhưng người cương quyết không chịu. Dù bị đánh đập dữ tợn dù phải kìm kẹp xé thịt, người vẫn không sờn lòng. Trước lòng can đảm xưng đạo, quan ra lệnh cho về nhà giam hy vọng trong ít ngày sẽ nản mà bỏ đạo. Ngày hôm sau quan cho gọi người ra tòa và hỏi như lần trước.
Những vết thương tra tấn vẫn còn rỉ máu nhưng vị anh hùng vẫn một lòng trung thành xưng đạo. Lần này quan ra lệnh tra khảo bằng kìm nung đỏ.
Mùi khét và đau đớn không lay chuyển đức tin. Quan lớn sáng chế ra một thứ hình khổ khác, sai lý hình đem đe và búa ra để đánh dập ống chân.
Phaolô Hạnh cắn răng chịu hình khổ quái ác này. Sau cùng quan chịu thua trước sức mạnh của đức tin, làm án khép tội phải chém đầu vì theo đạo Gia Tô. Án được thi hành ngày 28-5-1859.
Ông Lê Tấn Chức là anh vợ của vị tử đạo, sau khi thuật lại việc tra tấn và xưng đạo của người, cho biết thêm rằng trên đường đi người anh hùng xưng đức tin đã tỏ ra hiên ngang và cho lý hình năm lạng bạc. Xác người được chôn ngay tại cánh đồng và về sau người ta đào rãnh qua đó nên không thể ghi nhớ chỗ nào là mả của người nữa.
(bị bắt năm 1855, trảm quyết 27-4-1856 tại Ninh Bình)
Là một chủ chăn tốt lành, Cha Hưởng quan tâm nhất việc giảng giải như lời người nói với giáo dân: “Nếu anh chị em có nhiều việc cần phải về sớm thì ít nhất phải nghe giảng đã, vì nếu không anh chị em sẽ không biết đàng biết cách giữ đạo”. Ðể dọn bài giảng, cha đọc nhiều sách, mỗi tối thức khuya để dọn, vì thế khi giảng dậy cha trình bầy rất rõ ràng, sốt sắng, có thứ tự mạch lạc giúp người nghe nhớ lâu. Nhiều người nghe cảm động chảy nước mắt. Lòng đạo đức nhiệt thành cứu vớt các linh hồn của cha đã đáng được Chúa chọn làm của lễ đổ máu mình vì đạo.
Theo chứng từ của người cháu gọi người là chú, tên Anna Xuân, thì người là người con trai thứ bốn. Hồi còn nhỏ cha mẹ người gọi tên là Bơ, khi vào nhà Ðức Chúa Trời thì đổi tên là Tuấn và khi học lý đoán đổi tên là Hưởng, sau làm linh mục có đổi tên khác nữa nhưng người ta cứ quen gọi là Hưởng.
Cha Hưởng sinh năm 1802 tại Kẻ Sải, xã Tụy Hiền, tổng Trinh Khiết, huyện Hoài Yên, tỉnh Hà Nội. Cha mất sớm, mẹ lại nghèo nên cậu Hưởng phải đi ở chăn trâu cho người chú tên Thang. Ông chú muốn nhận làm con vì nhà không con, song cậu Hưởng nhất mực đòi đi tu nên đã bỏ chú đến ở với Cha Duyệt lúc 12 tuổi. Sau ba năm học chữ Nho cậu được gửi về nhà tràng Kẻ Vĩnh học Latinh. Năm 1834, nhà trường phải giải tán vì vua Minh Mệnh bắt đạo dữ tợn, chú Hưởng về làm thuốc bán rong và ở với ông chú. Trong thời gian ba năm ở nhà này, chú Hưởng vẫn một lòng tu trì, dù ông chú thúc ép lập gia đình và hứa cho hết cả tài sản, ông tổng Phan cũng hứa kiếm vợ cho chú và xếp việc cho làm trong xã.
Khi cơn bắt đạo tạm lắng dịu, đức cha mở chủng viện tại ba nơi là Kẻ Lường, Kẻ Doãn và Bàn Phết, chú Hưởng liền trở về trường ở Kẻ Lường học tiếp, rồi sau về Kẻ Vĩnh. Mãn tràng, chú Hưởng được lĩnh thị làm thầy giảng lần lượt giúp Cha Tuấn ở Kim Sơn, rồi giúp Cha Duyệt tại Bạch Liên. Thầy Hưởng luôn tỏ ra nết na, chăm chỉ làm việc và đơn sơ trong cách ăn mặc. Trong tám năm làm kẻ giảng, không có tiếng xì xầm chê trách thầy mà tiếng khen phục thầy đạo đức thì nhiều. Thầy được bề trên gọi về học lý đoán, mặc dù trí khôn không thông minh nhưng lại có ý chí quyết đoán và chín chắn.
Cha Hưởng thụ phong linh mục ngày nào không có sách nào kể, chỉ biết sau khi làm linh mục, Cha Hưởng tháp tùng đức cha đi giảng ơn toàn xá năm 1851 tại Kẻ Ðầm, họ Quán Khoái và mấy họ lẻ thuộc xứ Kẻ Non. Sau đó đức cha sai người về giúp Cha Tường ở xứ Giang Sơn hai năm rồi vào giảng đạo ở Lạc Thổ, một xứ người Mường, khí độc. Sau bốn tháng, cha mắc bệnh sốt rét phải về điều trị trong kinh đô ba bốn tháng cho khỏe rồi lại trở lại nhiệm sở. Trong số những người đi theo cha có một thầy giảng và một chú bị bệnh sốt rét đến thiệt mạng. Sau bốn tháng, Cha Hưởng ra thăm đức cha, đức cha đổi người đi giúp Cha Lân ở Yên Lộc hai năm, và sau đó đến giúp Cha Chất ở Bạch Bát nơi người đã làm kẻ giảng khi trước.
Cha Phêrô Vũ Văn Ngọc, nghĩa tử của người, làm chứng rằng: “Cha Hưởng rất mực thước và sốt sắng làm việc bổn phận. Mỗi sáng người nguyện ngắm và dọn mình làm lễ lâu cả giờ. Khi làm lễ thì nghiêm trang sốt sắng. Sau lễ người còn quì gối cám ơn lâu. Cha rất siêng năng giải tội, ai đến lúc nào thì giúp họ lãnh nhận bí tích lúc ấy, có khi giải tội cho đến nửa đêm cho tới khi không còn người nào nữa mới thôi. Có ai mời đi kẻ liệt là người bỏ giở việc đang làm để đi ngay không kể nắng mưa hay giữa đêm”. Khi coi sóc các chị dòng Mến Thánh Giá ở Bạch Bát, cha hay khuyên bảo họ: “Chị em đã dâng mình cho Ðức Chúa Trời trong nhà dòng thì đừng để lòng trí nghĩ đến những sự thế gian, phải siêng năng kêu cầu với Ðức Mẹ cho được lòng khiêm nhường nhịn nhục, hòa thuận yêu thương nhau và được ơn trung thành ở trong nhà dòng cho đến trọn đời”. Ngoài ra Cha Hưởng có lòng ước ao được chịu tử đạo, trong phòng treo hình Ðức Cha Borie Cao chịu tử đạo.
Tháng 11-1855 vào mùa Vọng, Cha Chất và Cha Hưởng đi cấm phòng. Về sau này khi Cha Hưởng bị bắt, Cha Chất nói rằng: “Khi người ở họ Ðai Vương xuống rước đi kẻ liệt thì chúng tôi mới cấm phòng được năm ngàỵ Tôi thấy người cấm phòng và xưng tội sốt sắng lạ thường, cho nên khi được tin người bị bắt tôi nghĩ ngay rằng Ðức Chúa Trời muốn cho người dọn mình chịu chết vì đạo, mới mở lòng cho người cấm phòng sốt sắng như vậy”. Cha Hưởng đang cấm phòng nhưng có người mời đi kẻ liệt, tức tốc đi ngay không có thầy hay chú nào đi theo. Cha đi bộ qua Quảng Nạp rồi tới Cầu Mễ để xuống thuyền đi Ðại Vương. Cha và giáo dân chèo thuyền ngang làng Vân Ru, Trà Tu thì gặp phó tổng Thùy đang đốc công xây cống. Một người nhà thấy thuyền có mui thì nói ngay là thuyền của cụ đạo. Ông phó tổng Thùy liền cho lính rượt theo để bắt hầu mong kiếm tiền chuộc. Bị rượt theo gấp quá, Cha Hưởng bảo giáo dân ghé vào bờ bên kia để trốn, nhưng vì sông cạn, lính lội xuống đuổi theo và bắt trói cha với ba giáo dân. Chính phó tổng muốn ăn tiền nên nhắn người báo tin cho giáo dân Bạch Bát biết cụ Hưởng bị bắt. Phó tổng đòi 500 quan tiền, nhưng cha già mới liệu được có 300 cho người gánh lên trước, nhưng chẳng may tiếng đồn bắt được đạo trưởng đã lên tới huyện nên phó tổng chẳng dám ăn tiền nữa. Ðêm ấy Cha Hưởng phải đeo gông bằng gỗ lim rất nặng, rồi ba ngày sau bị giải lên huyện Yên Mô. Quan huyện cũng chẳng dám ăn tiền hối lộ nói rằng việc này là việc của triều đình không liên quan đến mình rồi lại giải người lên tỉnh Ninh Bình. Cha Hưởng đã nhắn tin đừng chạy tiền làm gì vì Chúa đã định rồi và người sẵn lòng chịu chết vì đạo.
Theo lời tường thuật của chính người viết cho Ðức Cha Retord, thì ở trên tỉnh người bị tra khảo cả thảy ba lần. Lần thứ nhất quan án hỏi cha: “Ông là thầy hay đạo trưởng, quê quán ở đâu?”
- “Tôi là đạo trưởng vào tu trong nhà Ðức Chúa Trời ngay từ tấm bé, không còn nhớ tên làng sinh ra nữa, cũng chẳng biết thuộc tỉnh nào”.
- “Ngươi phải đạp ảnh chuộc tội để hưởng án nhẹ hơn”.
- “Thưa quan lớn, tôi làm đạo trưởng, đi giảng đạo cho người khác, làm sao tôi quá khóa được? Có khi nào con cái dám đạp lên đầu cha mẹ? Tôi thờ phượng Thiên Chúa từ lâu rồi, tôi không thể quá khóa, quan muốn chém hay làm gì thì làm”.
Quan thấy không ép người quá khóa được thì bắt lính cầm đầu gông mà khiêng qua. Thấy cha co chân lên, quan bắt thêm lính đến kéo ghì chân xuống cho đụng vào ảnh. Cha Hưởng phân phô: “Thưa quan, đạo tôi là đạo tại tâm, dù quan lớn có ép tôi đạp tượng Chúa mà tôi không thuận theo thì cũng chẳng có tội gì”.
Quan án thôi không ép nữa nhưng bắt cha khai tên các nơi đã đi và tên các cha trong tỉnh. Cha cúi đầu lặng thinh. Quan tức giận la lối mắng nhiếc thậm tệ rồi truyền giam vào tù.
Hôm sau cả ba quan lớn, quan đầu tỉnh, quan án và quan lãnh binh ngồi nghị án. Lần này quan tuần hỏi cha các hoạt động từ trước, cha lần lượt kể sơ qua khi còn nhỏ, tới lúc làm đạo trưởng thì người chỉ nói rằng có lệnh vua cấm đạo nên đi lang thang nơi này nơi nọ làm thuốc cứu người cho tới khi bị bắt ở Trà Tu. Quan truyền nọc ra đánh một trăm roi và bắt quá khóa. Thấy cha một mực xưng đạo, quan dụ dỗ: “Ông hãy quá khóa đi, tôi cho về coi chùa Non Nước trong tỉnh”.
- “Bẩm quan lớn, tôi không biết Ðức Phật thì coi chùa làm sao được?”
- “Tại sao khi người ta ốm đau, các đạo trưởng đến khoét mắt đem về làm thuốc cho người ta mến và theo đạo?”
- “Bẩm quan, điều ấy không đúng, bên Phật họ ghét đạo nên bỏ vạ cho chúng tôi như vậy. Những người kẻ liệt thì cũng một nửa còn sống, nếu khoét mắt thì họ mù làm sao còn xem được nữa. Vì khi còn khỏe người ta hay dùng ngũ quan mà phạm tội nên khi ốm đau chúng tôi đến xức dầu thánh nơi con mắt và chân tay để trừ tội và ma quỉ chứ không làm sự gì khác”.
Sau đó quan tuần bắt cha đọc kinh. Sau khi nghe đọc kinh mười điều răn, quan tuần khen là đạo dậy những điều thậm phải, nhưng bên đạo bất kính tổ tiên, đó là một tội rất nặng, gông đang đeo có nặng cũng chưa tương xứng với tội bất kính tổ tiên.
- “Thưa quan, bên đạo chúng tôi không kính cha mẹ cũng là một điều bỏ vạ. Người lương lấy cơm, cá thịt mà cúng ông bà cha mẹ đã qua đời, còn chúng tôi không dùng những thức ăn mà cúng vì đã biết ông bà cha mẹ chết rồi không ăn được nữa, không được hưởng nhờ gì các thức ăn đó, nhưng chúng tôi nhớ đến cha mẹ ông bà sáng tối hàng ngày cầu xin cho các đấng được hạnh phúc trên thiên đàng, hơn nữa chúng tôi tuân giữ các lời cha mẹ đã răn dậy để giữ tiếng tốt cho các đấng”.
Quan tuần nghe vậy thì im lặng không bắt bẻ được nữa, truyền mang người về trại giam.
Cha Hưởng còn bị tra khảo lần thứ ba với những câu hỏi như lần thứ nhất và bắt ép quá khóa. Cha Hưởng nhất mực không chịu làm theo và cương quyết thà chịu chết hơn chối đạo. Lần này các quan giận truyền nọc ra đánh bốn chục roi, cứ sau mười roi quan lại hỏi xem có chối đạo không. Trong khi đó thợ lại đốt lò rèn như sắp sửa tra khảo bằng kìm nung đỏ. Cha Hưởng hết lòng cầu xin Chúa Giêsu và Ðức Mẹ giúp sức. Nhưng khi đánh đủ 40 roi rồi, các quan truyền tháo cọc và viết án gửi về kinh. Các quan đã ăn tiền đút để làm án nhẹ là đạo mục bất khẳng quá khóa, luận phải phát lưu. Khi đưa cho Cha Hưởng ký, người đọc thấy các quan khép án là đạo mục thì không chịu: “Tôi là đạo trưởng và có khép án đúng như vậy tôi mới ký”.
Quan còn viết đi viết lại ba lần với án đạo mục, nhưng Cha Hưởng nói: “Thưa quan lớn, quan thương muốn chữa cho tôi khỏi chết thì tôi đội ơn nhưng cho dù quan có cứu tôi khỏi chết thì cũng không cứu tôi khỏi đi đầy, cho nên tôi thà chết còn hơn phải sống khốn nạn ở chốn lưu đầy. Vậy xin quan thương mà khép án đạo trưởng bất khẳng xuất giáo cho”.
Thế là các quan buộc lòng khép tội Cha Hưởng là “đạo trưởng bất tường quán chỉ, bất khẳng quá khóa, luận trảm quyết”.
Trong tù, Cha Hưởng viết thơ thăm Ðức Cha Retord, thuật lại các chi tiết các lần tra khảo và xin đức cha đừng chạy tiền chuộc, chỉ xin đức cha cầu nguyện cho được chịu khó đến cùng và được thắng trận toàn công. Trên tỉnh, cha được đổi gông khác nhẹ hơn và chỉ bị giam ở trại lá chứ không bị giam trong ngục với các tù nhân. Thường xuyên có Thầy Bá, Thầy Hiền thăm nuôi. Ông đội canh là người vốn hiền lành nên cũng đã nói với lính không làm khổ cha và để giáo dân ra vào dễ dàng. Thầy Thuần có hỏi xem án cha chịu như thế nào mà cha vui mừng hớn hở. Cha cho biết là sẽ phải chết nhưng không biết cách nào và khi nào, rồi khuyên các thầy chịu khó bền lòng giữ đạo và giúp đỡ người, sau khi chết được lên thiên đàng người sẽ cầu nguyện với Chúa trả công cho. Dân chúng đến thăm thấy người mang gông thì khóc lóc, người khuyên họ: “Cha mang gông và phải tù vì đạo thánh là phúc trọng phải vui mừng, chúng con ra sức giữ đạo theo chân Chúa Giêsu để về sau cha con lại được gặp nhau trên thiên đàng”. Hoặc cha nói: “Gông cha mang đây thật là hoa thơm tho Ðức Chúa Trời đã ban, các con phải cầu xin cho cha được chịu khó cho đến cùng”.
Cha bắt các thầy và các chị dòng mỗi lần mang nhiều đồ ăn để người chia sẻ cho lính hay các bạn tù và những người nghèo đến xin ăn. Có một lần cha còn bắt may quần áo để phát cho các bạn tù, và xin tiền riêng để làm phúc cho kẻ khó. Ngoài ra cha sốt sắng đọc kinh sáng tối và mỗi khi có giờ rảnh. Cha được Cha Khoan đến giải tội và mang Mình Thánh Chúa. Vui mừng được gặp linh mục nhưng cha sợ xảy ra chuyện khó khăn nên giục Cha Khoan về ngay sau khi đã được rước Mình Thánh. Như vậy tất cả là ba lần.
Ngày 25-4, án triều đình về tới Ninh Bình. Bản án viết: “Nguyễn Văn Hưởng, 54 tuổi, người tỉnh Hà Nội, nhưng không rõ quê quán, đã theo tà đạo Giêsu và xưng nhận là đạo trưởng. Bị tra khảo vẫn còn cố chấp không chịu bỏ đạo và đạp ảnh vì thế phải trảm quyết tức khắc”. Ông đội canh liền báo cho cha và các người thăm nuôi. Cha Hưởng ăn chay suốt ngày để chuẩn bị. Tới ngày xử, Cha Khoan còn đến đưa Mình Thánh và giải tội lần sau hết. Sáng hôm ấy ông đội canh dẫn vợ con vào tù chào Cha Hưởng và nói những lời rất cảm động: “Mặc dù tôi không theo đạo nhưng tôi biết rõ các linh mục vô tội, ở Nghệ An tôi cũng đã phải canh một linh mục. Tôi không dám làm khổ nhưng bây giờ phép triều đình đem cụ đi xử thì xin khi về thiên đàng nhớ đến chúng tôi với”.
Cha Hưởng từ giã ông cai đội như sau: “Tôi rất biết ơn lòng tốt của ông, phần tôi, tôi đi về với Chúa, ông và gia đình ở lại bằng an”.
Quay sang các bạn tù cha nói tiếp: “Giã biệt các anh em, chúng ta đã có dịp chia sẻ và hàn huyên trong nhiều ngày, bây giờ theo lệnh vua, tôi đến nơi hành quyết nhưng anh em nhớ cho kỹ tôi bị chém chỉ vì tôi đã giảng đạo Chúa Giêsu mà thôi”.
Im lặng một lúc, người nói tiếp: “Dù anh em phải hành hạ thế nào, anh em hãy cầu nguyện cho chính quyền và bây giờ xin anh em ở thinh lặng để tôi có thể cầu nguyện dọn mình”.
Ðến trưa quan giám sát dẫn năm chục lính đến trại lá nơi giam cha để đem đi xử, quan cho phép giáo dân thuê người khiêng võng đưa cha ra tới nơi xử ở cánh đồng gần núi Cánh Riều. Theo sau có đông người thì thầm với nhau: “Tại sao người tốt lành, không can tội gì lại bị vua quan kết án tử hình như vậy?”
Tới nơi cha quì trên chiếu do ông Phu, sãi nhà thờ Bạch Bát, trải xuống. Khi người cầu nguyện xong, quan truyền lệnh lý hình nghe chiêng thì chém. Hôm ấy là ngày 27-4-1856. Sau khi chém rồi, dân chúng lương giáo ùa vào thấm máu nhưng bị lính đánh đập rất ngặt. Thầy Bá được quan cho phép nhận xác để mang về an táng tại Kẻ Vĩnh theo lệnh của đức cha. Tới đêm, thuyền chở xác mới dám vào Vĩnh Trị. Tại đây Cha Tịnh và các thầy nhà trường mặc áo rước xác người đưa vào nhà thờ Thánh Phêrô rồi đóng cửa không cho giáo dân vào, vì sợ gây xôn xao. Sáng hôm sau Cha Tịnh mở quan tài cho người nhà xem mặt rồi làm lễ an táng trong gian thứ ba, dưới mộ của cố Hương ở gian thứ hai.