Ngày 12-2-1841 Thái Tử Miên Tôn (sinh năm 1807), 34 tuổi, lên ngôi lấy vương hiệu là Thiệu Trị. Năm sau tổng đốc Lưỡng Quảng đại diện vua nhà Thanh sang phong vương cho Thiệu Trị tại Hà Nội. Các quan đại thần và tướng giỏi gồm có Trương Ðăng Quế, Doãn Uẩn, Võ Văn Giải, Nguyễn Tri Phương, Lê Văn Ðức, Lâm Duy Tiếp, Tạ Quang Cự, và Nguyễn Công Trứ. Những người này đã cùng với Minh Mệnh ra sức tiêu diệt đạo Công Giáo cũng như dẹp các vụ nổi loạn.
Hồi cuối đời Minh Mệnh, triều đình có sai hai quan sang Tây Phương dò xét. Khi họ trở về thì vua Minh Mệnh đã băng hà, nhưng những nhận xét của họ đã ảnh hưởng một phần nào đến thái độ của tân vương đối với đạo Công Giáo và dè dặt với người Pháp. Ảnh hưởng của lệnh cấm đạo ác nghiệt dưới thời Minh Mệnh vẫn còn và các quan vẫn có cơ hội để làm tiền. Tại nhà tù ở Huế, ít ra vẫn còn hai mươi bẩy người bị kết án tù chung thân.
Tại Ninh Bình ngày 11-4-1841, quan quân bắt hai vị thừa sai Berneux và Galy cùng với một số người, trong đó có vị anh hùng tử đạo là bà Anê Ðê.
Tại Bầu Nọ, Thừa Sai Charrier bị bắt ngày 20-10-1841. Cả ba vị thừa sai bị giải về Kinh Ðô trong khi các vị anh hùng xưng đạo Việt Nam bị xử tử tại địa phương. Năm sau, ngày 16-2-1842, Thừa Sai Miche và Duclos bị bắt trên đường sang Lào truyền giáo. Triều đình lúc này không dám giết các thừa sai mà chỉ giam ở trấn phủ tại Kinh Ðô Huế. Lúc này Hải Quân Pháp rất hùng hậu, tuần tiễu tại biển Nam Hải. Khi được tin năm vị thừa sai bị giam giữ, họ liền phái hạm trưởng Levêque đem chiếc Heroine đến Ðà Nẵng ngày 25-2-1843 yêu cầu trả tự do cho các thừa sai Pháp.
Ngày 17-3-1843, triều đình đưa năm vị thừa sai tới Ðà Nẵng trao trả cho Pháp với lệnh cấm trở lại Việt Nam, đồng thời gửi thông cáo đi các nơi bố cáo: “Pháp Hoàng biết tội trọng của các Tây Dương đạo trưởng nên đã phái một ông quan mọi đến van nài Hoàng Ðế Việt Nam tha chúng. Hoàng Thượng khoan hồng tha cho chúng với điều kiện là chúng không được tái phạm...”
Bắt mạch được thái độ của triều đình, các vị thừa sai đã hăng hái mở lại các hoạt động truyền giáo, khôi phục lại đức tin và các cơ sở bị phá bỏ trong những năm cấm đạo dưới thời Minh Mệnh. Nhờ những năm tương đối tự do này, các thừa sai có thể củng cố lại giáo hội để đương đầu với những cơn phong ba khác. Các quan địa phương thấy thái độ của triều đình trả tự do cho các thừa sai thì cũng để yên cho giáo dân tự do hội họp mặc dầu vẫn lén lút. Tuy nhiên ba vị anh hùng là bà Anê Ðê, Cha Phêrô Khanh và ông Matthêô Lái Gẫm cũng đã bị xử tử vì nhất mực trung thành với đạo.
Một điều đáng tiếc cho công cuộc truyền giáo ở Việt Nam là những cuộc nổi loạn địa phương vì chế độ hà khắc của triều đình và mưu đồ xâm lăng của Tây Phương hùng mạnh. Chiến tranh nha phiến tại Trung Hoa đã tỏ rõ sức lực hèn yếu của Trung Hoa và Nhật Bản nên các cường quốc Anh, Pháp và Hoa Kỳ thay phiên nhau đến Ðà Nẵng xin chính quyền Việt Nam cho phép mở thương điếm buôn bán, đồng thời dò la tình hình quân sự nước Việt.
Năm 1844, thuyền trưởng Cecile đến yêu cầu trả tự do cho Ðức Cha Lefebvre bị bắt ở Ðồng Nai trước kia. Năm 1846, Lái Gẫm được lệnh sang đón Ðức Cha Lefebvre từ Singapore trở về địa phận, Ðức Cha Lefebvre bị bắt lần thứ hai ngày 21-6-1846. Ðức Cha được chính phủ giao cho tầu buôn người Anh đưa ra khỏi nước. Tháng 3-1847, tầu của Lapierre lại tới Ðà Nẵng trong khi Hải Quân Việt Nam tăng cường phòng thủ và âm mưu mời quân Pháp đến nói truyện rồi giết hết, nhưng âm mưu bị lộ khiến tầu Pháp tức giận bắn phá đánh chìm năm tầu chiến bọc đồng của Việt Nam rồi bỏ đi.
Trước thất bại này, triều đình đổ tội cho vị quan coi cửa biển là người Công Giáo đã tiết lộ âm mưu, nhưng thực sự vị quan này không phải là người Công Giáo. Triều đình chỉ ghép tội như thế để có cớ chữa mình và ra lệnh tàn sát người Công Giáo.
Ngày 3-5-1847, Thiệu Trị ra lệnh cấm đạo, nhắc lại các lệnh cũ của Minh Mệnh. Ðức Cha Retord cho biết mặc dù lệnh cấm đạo này không nghiêm ngặt như người ta đã đe dọa nhưng nó đã gây xáo động trong các cộng đoàn tín hữu và khơi dậy lòng tham lam của các quan và sự giận dữ của dân ngoại. Một tháng sau vua lại ra lệnh khác chống lại người Pháp, cấm họ đặt chân lên đất Việt, nếu vi phạm sẽ bị giết như thú dữ. Vua còn treo giải thưởng ba chục lạng bạc cho những ai tố cáo họ.
Về biến cố Cửa Hàn, Ðà Nẵng, Ðức Cha Cuénot thuật lại như sau: “Nhà vua đã lập kế để bắt những người Pháp. Ðó chỉ là một ý định làm cho người Âu Châu hoảng sợ và kính phục người Việt. Nhưng âm mưu bị thất bại và trút sự thảm bại của hạm đội trên đầu người Công Giáo. Vua đã cho người Công Giáo là lý do khiến người Pháp đến nước Nam. Vua cũng nghi ngờ người Công Giáo đã tiết lộ kế hoạch. Vì thế vua đã ra lệnh mới, truyền lùng bắt các linh mục và nhất là các thừa sai Âu Châu, nếu bắt được đạo trưởng Âu Châu phải chém đầu ngay lập tức không cần xét xử gì cả. Lệnh thứ nhất này dành riêng cho các quan đầu tỉnh và bí mật. Một lệnh thứ hai gửi cho các quan huyện và xã, đã trở thành căn cớ của bao nhiêu cuộc xách nhiễu. Nhưng cơn tức giận của vua chưa được hả giận, ngày 3-5 lại ra một lệnh triệt để áp dụng tất cả sự nghiêm khắc của các lệnh Minh Mệnh. Lệnh được công bố khắp nơi và đặt người Công Giáo vào đường cùng. Thường khi tiền bạc có thể xếp yên mọi chuyện. Các quan muốn làm đầy túi bằng tiền của giáo dân hơn là đức tin của họ. Một quan đội Công Giáo đã thà chịu tước đoạt mọi chức tước hơn là chối bỏ đức tin. Hai người lính sau khi bị hành hạ ghê gớm bị lôi qua thánh giá nhưng đã cực lực phản đối trước mặt quan. Nhưng cơn khủng hoảng không kéo dài vì nhà vua đã chết sớm”.
Ngoài ra Ðức Cha Cuénot còn cho biết thêm là một trong các lệnh của vua có lệnh kết tội quan Diêm là người Công Giáo đã tiết lộ kế hoạch cho người Pháp và vì đó mà thất bại. Nhưng đây là một điều bịa đặt. Quan cai đội đó là người ngoại đạo, chính ông được lệnh bỏ thuốc nổ vào thuyền Pháp để đốt, nhưng giấy tờ âm mưu này bị đánh cắp. Triều đình lợi dụng cơ hội này đổ tội cho ông là người Công Giáo đã tiết lộ bí mật để lấy cớ chống người Công Giáo và khích động dân chúng. Thiệu Trị băng hà ngày 4-11-1847, thọ 40 tuổi.
(bị bắt 11-4-1841, chết rũ tù 12-7-1841 tại Nam Ðịnh)
Trong muôn vàn người nữ anh hùng xưng đạo, giáo hội đặc biệt ghi công bà Agnes Lê Thị Thành, quen gọi là bà Ðê theo tên người con trai đầu lòng. Chính Ðức Cha Retord, coi sóc địa phận Tây Bắc Việt đã viết về bà trong thơ ngày 10-2-1843 như sau: “Bà Agnes Ðê sinh ra do cha mẹ Công Giáo thuộc làng Gia Miếu (Bái Ðiền) thuộc tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ bà đã tỏ ra là một gương mẫu đạo đức: giúp mẹ tiêm trầu bán kiếm cơm ăn, sốt sắng đọc kinh sáng tối, thường hay đi dự lễ, năng xưng tội và rước lễ. Năm 19 tuổi bà lập gia đình với một thanh niên tên Văn Nhân (Nguyễn Văn Nhật) mà sau này người ta gọi là ông Ðê. Hai vợ chồng sống chung hòa thuận, chu toàn các bổn phận. Gia đình sinh sống bằng nghề cầy ruộng và nuôi tằm. Hai ông bà có sáu người con, và lúc bà Ðê chết, bà có tất cả mười bẩy cháu trai và gái”.
Khi làm hồ sơ phong thánh, hai người con gái của bà đã cho biết thêm về đời sống trong gia đình. Cha của bà là người khô khan, nhưng chú ruột của bà tên là Công Trường lại rất đạo hạnh. Bà Luxia Nụ, con út, 55 tuổi, nói rằng mẹ bà khi còn nhỏ đã cùng với em gái là bà Thuộc theo chú Công Trường đến ở làng Phúc Nhạc, họ Thôn Ðồng. Các anh trai là Ðê, Trân, và các chị là Thu, Nam và Nhiên. Bà Nam, 67 tuổi, cho biết gia đình không giầu không nghèo, nhưng không bao giờ từ chối một ai đến xin ăn mà không cho.
Bà Ðê dậy dỗ con cái rất chu đáo. Khi con cái khôn lớn lập gia đình rồi mà bà vẫn còn xem xét và thúc dục đi nhà thờ dự lễ và lãnh nhận các bí tích, giúp việc nhà thờ. Mọi người trong làng đều mến hai ông bà vì chẳng bao giờ thấy hai ông bà cãi nhau hay sinh sự với người khác, chỉ biết nhịn nhục và yêu người. Trong thời kỳ cấm đạo, hai ông bà đã mở rộng nhà đón tiếp các cha. Cha Thánh Khoan đã có một thời trú ẩn trong nhà bà và mới nhất là các cụ Kim, Ngân và Thành. Nhà bà đã trở thành nơi các cha dâng thánh lễ.
Ðầu năm 1841 có hai vị thừa sai mới sang là cố Nhân (Berneux, Giám Mục và tử đạo ở Ðại Hàn), và cố Lý (Galy). Ðức cha đưa hai cha về nhà dòng Mến Thánh Giá ở Yên Mới để học tiếng Việt. Nhà dòng rất chật chội nên cố Nhân viết thơ xin Cha Thành ở Phúc Nhạc liệu nơi khác cho cả hai cụ. Cha Thành liền rước cố Lý về nhà ông trùm Cơ, còn cố Nhân về nhà ông tổng Thức. Cha Thành lúc bấy giờ đang ở nhà ông tổng Thức liền chuyển sang nhà ông bà Ðê.
Một chú học trò của Cha Thành tên là Ðễ không biết vì có điều gì uất ức hay vì ham tiền đã đi tố cáo với quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh. Vị quan này, lúc đó đang có lệnh vua phải lùng bắt cho bằng được Danh Trùm Vọng (tức là Ðức Cha Hermosilla, địa phận Ðông Bắc Việt), liền mang quân lính đến vây làng Phúc Nhạc. Sáng hôm Chúa Nhật Lễ Phục Sinh ngày 11-4-1841, 500 quân lính vây Thôn Ðồng. Cha Thành và Cha Ngân hôm đó đi làm lễ ở nơi khác nên ở ngoài vòng vâỵ Hai cố Nhân và Lý làm lễ tại nhà ông tổng Thức nên ở trong vòng vây. Sau khi vây kín, quan tổng đốc truyền lệnh tất cả đàn ông trong vòng vây phải ra ngoài chợ Phúc Nhạc điểm danh, còn lính vào trong các nhà lục soát. Ông tổng Thức sợ các cố bị bắt trong nhà mình nên đưa cố Nhân trốn ở gác bếp nhà dòng. Quân lính tới khám nhà dòng thấy một vạt áo thò ra ngoài liền bắt người. Hai chị nhà dòng là Thanh và Khiêm ẩn ở bụi tre thấy lính bắt được cố Nhân vội chạy ra khóc lóc cũng bị bắt theo. Trong khi đó ông trùm Cơ đưa cố Lý trốn sang các nhà khác nhưng không ai chịu chứa chấp cả nên ông phải đưa cố vào vườn nhà bà Ðê. Bà Ðê chỉ cho cố cái rãnh khuất sau bụi tre giữa nhà dòng và nhà bà và nói: “Xin cố ẩn chỗ này. Ðức Chúa Trời có gìn giữ cố thì cố mới khỏi bị bắt, bằng không nó bắt được cố thì nó cũng bắt con nữa, hai cha con sẽ bị bắt với nhau”.
Nói xong bà và cô con gái út tên là Nụ lấy rơm phủ lên chỗ cố Lý trốn. Nhưng ngay lúc ấy quân lính trông thấy đã ập tới bắt cố Lý và bà Ðê, tịch thu các đồ đạc trong nhà, nhất là một trăm tấm vải Cha Thành mua cho người nhà và hòm bạc. Thế là quân lính giải hai thừa sai, bà Ðê, hai chị dòng, ông Ðê, trương Cai, trùm Cơ, khán Hiếu và xã Tuệ, cùng với bốn người không có đạo là tư Phác, cai tổng Cơ, phó tổng Dư và khán Lễ về chợ. Hai thừa sai phải ở trong cũi còn các người khác phải mang gông. Tất cả được giải về tỉnh Nam Ðịnh trong cùng một ngày.
Sau nhiều trận đòn tra tấn, tám người đã bước qua ảnh, còn lại bà Ðê, hai chị nhà dòng và hai cha thừa sai. Hai vị thừa sai được lệnh đưa về kinh đô Huế ngày 9-5 và được trao trả cho tầu Pháp ngày 17-3-1844. Bà Ðê và hai chị nhà dòng bị tra tấn ba kỳ liên tiếp hết sức man rợ. Sau khi giải về tỉnh, bà bị giam ở dinh quan án sáu ngày mới được mang ra tra khảo. Các quan dụ dỗ bà quá khóa nhưng bà và hai chị dòng đã anh dũng xưng đạo, thà chịu chết chứ không bước qua ảnh. Bà Ðê nói: “Thưa quan lớn, tôi tin theo Ðức Chúa Trời, không bao giờ tôi dám bỏ”.
Quan hỏi đến hai vị thừa sai từ đâu mà tới Phúc Nhạc, bà thưa: “Tôi không biết các đấng từ đâu tới nhưng chỉ biết quân lính đã bắt được các đấng trong vườn nhà tôi và bắt tôi chịu tội chứa chấp”.
Quan dọa nạt bà cũng không nói gì thêm hay xưng tên một ai. Thấy bà và hai chị dòng gan góc như vậy, quan ra lệnh cho lính đánh đập họ, lúc đầu bằng roi ngắn rồi sau bằng gậy tre và thanh củi. Họ đánh tàn nhẫn, máu me chảy ra đầm đìa. Khi về trại giam, người ta hỏi bà Ðê bị đánh đòn đau như thế nào, bà nói: “Người thế gian không có sức nào mà chịu được, song khi tôi phải đòn thì Ðức Mẹ thêm sức mạnh cho tôi nên tôi không biết đau”.
Lần thứ hai quan lại bắt các bà quá khóa nếu không sẽ bị đánh đập cho đến chết. Bà Ðê và hai chị dòng vẫn một mực cương quyết. Vết thương ba bốn bữa trước vẫn còn, nay lại bị đánh thêm nên cả ba đều ngã quị xuống. Thấy quân lính đánh đã mỏi tay, Trịnh Quang Khanh bộc lộ thú tính của mình, cho lính lột trần hai chị nhà dòng trước mặt mọi người, còn bà Ðê vì đã già nên quan không bắt lột trần. Sau đó quan cho mang lò lửa ra trước bụng các chị dòng và hỏi hai chị có xấu hổ vì phải lột trần không. Hai chị đáp lại: “Chúng tôi dĩ nhiên e thẹn, song bà lớn cũng hổ thẹn nữa”.
Lúc ấy bà vợ của Trịnh Quang Khanh yêu cầu ông chấm dứt cảnh chướng mắt ấy.
Vài ngày sau, Trịnh Quang Khanh lại cho đưa bà Ðê và hai chị dòng ra ép quá khóa. Cả ba người nữ một mực anh hùng xưng đạo. Quan cho lính đánh đòn mỗi người 60 roi. Sau đó ông lại ra lệnh cho bắt rắn bỏ vào trong người các bà và túm các ống quần và ống tay áo để rắn không ra được. Các bà không động đậy nên rắn lại chui ra. Không làm sao lung lay được ba người đàn bà, quan lớn vừa tức giận vừa hổ thẹn nói: “Chẳng có lẽ nào tao lại chịu thua. Bớ lính đâu! Hãy lôi chúng nó qua thánh giá”.
Thế là một đám lính ùa vào cầm chân cầm gông lôi họ qua và dí chân xuống cho đụng vào ảnh. Bà Ðê nằm bò ra để cưỡng lại, miệng phân phô: “Lạy Chúa tôi, xin giúp sức cho tôi. Tôi không bao giờ muốn bỏ đạo thánh Chúa, song vì đàn bà yếu sức bị chúng ăn hiếp lôi qua”.
Hai chị dòng thì nói lại: “Tội này ông lớn phải chịu, chúng tôi không quá khóa”.
Tuy nhiên để vuốt ve tự ái, quan cứ cho làm giấy là ba người đã quá khóa. Về tới nhà giam, bà Ðê lo buồn áy náy sợ mang tội nhưng sau được một vị lão thành là cụ Ðào cũng trong tù giảng giải cho biết không có tội gì cả bà mới yên lòng. Ðức Cha Retord cho biết sau này hai chị dòng Thanh và Khiêm bị mắc mưu của quan đã ký vào tờ giấy bỏ đạo như sau: Quan đưa tờ giấy và nói đó là bản án để tâu vua các tù nhân phải ký vào. Ban đầu các bà chối nhưng quan lại nói: “Vì các bà không chịu đạp ảnh nên chắc chắn các bà phải án tử, đây là bản án các quan lớn sắp viết vào, các bà phải ký vào trước khi gửi vua”.
Các chị nói: “Nếu là bản án tử thì chúng tôi ký cả hai tay”.
Các chị có ngờ đâu đó chính là tờ mang những lời lẽ chối đạo. Khi biết ra thì đã trễ, các quan nhất mực không cho lấy lại, cứ tâu về kinh là hai chị đã bỏ đạo. Vua ra lệnh đánh đòn hai chị một trăm roi và nộp mười quan tiền rồi đuổi về.
Suốt trong thời gian ba tháng bị giam tù, bà Ðê vẫn tỏ ra vui vẻ không phàn nàn. Người con gái út làm chứng như sau: “Lính không cho tôi vào thăm nhưng họ đem mẹ tôi ra ngoài sân nói truyện với tôi. Thấy mẹ tôi mang gông bọc sắt khổ sở tôi oà lên khóc, mẹ tôi an ủi: - 'Con chớ khóc làm chi, mẹ đeo hoa trên người mà. Con cứ về nhà xem sóc cửa nhà, còn việc mẹ thì để mặc mẹ'.
Tôi thấy áo quần mẹ tôi vẫn còn dính đầy máu, chân tay sưng lên và xông mùi thối tha, nhưng nét mặt mẹ tôi vẫn vui vẻ hớn hở”.
Bà An, nữ tu được địa phận sai ra Nam Ðịnh săn sóc các tù nhân Công Giáo, cũng làm chứng: “Bà Ðê rất sốt sắng, không những bà đọc kinh sáng tối ở trong tù, mà ban ngày bà cũng hay lần hạt và ngắm đàng thánh giá. Sau khi bà vào tù mấy ngày tôi đã tìm cách đưa cha vào giải tội và cho bà rước lễ.
Nửa tháng trước khi bà Ðê trút linh hồn về với Chúa, bà bị cơn sốt mê man, bao nhiêu thuốc thang cũng không chữa được. Bà An thấy vậy lại cho mời cha lén vào giải tội cho bà. Lính xin với quan tháo gông cho bà nhưng quan không cho. Bà Ðê luôn miệng kêu: “Lạy Chúa tôi, Chúa đã chịu đóng đanh vì tôi, Chúa định cho tôi thế nào tôi xin chịu làm vậy. Tôi phó dâng linh hồn và xác trong tay Chúa tôi, xin Chúa tha tội cho tôi”.
Trong những ngày bà ốm liệt, hai chị nhà dòng và ông Ðê thay phiên nhau an ủi và khuyên bảo bà. Khi bà kiệt sức, hai chị dòng giúp bà phó linh hồn, bà mấp máy môi đọc theo. Sau cùng bà kêu tên cực trọng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse rồi trút hơi thở cuối cùng, cổ vẫn mang gông. Hôm ấy là ngày 12-7-1841, bà thọ khoảng 60 tuổi.
Sau khi lính đến báo cho quan lớn biết bà Ðê đã qua đời, quan cho lệnh đốt chân bà để chắc chắn bà đã chết rồi mới cho phép giáo dân Nam Ðịnh đem xác bà đi chôn ở Năm Mẫu. Những người tẩm liệm nói rằng thân xác bà Ðê vẫn mềm mại tươi tốt, đẹp hơn khi còn sống. Sáu tháng sau, các con của bà ra Nam Ðịnh bốc xác về. Khi mở nắp quan tài, mọi người đều nhìn thấy xác bà còn nguyên vẹn, mặt mũi như khi còn sống, áo quần không bị hư hại. Nhưng thật đáng tiếc họ đã phải bỏ vôi vào cho rữa thịt ra để lấy xương bỏ vào hộp gỗ sơn son do địa phận sắm và đem về chôn tại vườn nhà ông Ðê. Năm 1881, cha xứ đem bà về an táng chung với bẩy đấng tử đạo Phúc Nhạc trong mồ riêng.
(bị bắt 29-1-1842, xử trảm 12-7-1842 tại Hà tĩnh)
Trong Hà Tĩnh, người Công Giáo cũng như lương dân chỉ nói tới Cố Thánh là phải hiểu về đời sống đức hạnh và can trường xưng đạo của linh mục Phêrô Khanh, một chủ chiên tận tụy với giáo dân và một nghĩa phụ của đông đảo linh mục và thầy giảng. Trong số tám linh mục nghĩa tử, có bốn cha cũng được phúc tử vì đạo.
Cha Khanh sinh khoảng năm Canh Tý 1780 tại họ Lương Khế, tổng Cát Ngàn, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Các nhân chứng không biết gì nhiều về thời thơ ấu của vị linh mục già khả kính này, chỉ biết người vào nhà Ðức Chúa Trời từ năm 22 tuổi, ở với Cha Ðạc. Cha chính Masson (Nghiêm) viết về người như sau: “Cụ Khanh lên bậc kẻ giảng thì chăm chỉ làm các việc bổn phận đáng khen. Hơn nữa người giữ phép tắc nết na chu đáo không ai dám nói điều gì xấu về ngườị Mấy năm làm kẻ giảng cụ đã giúp ích cho linh hồn nhiều người và rất vừa ý bề trên. Cụ Khanh được thụ phong linh mục năm 1819 tại Thọ Kỳ, lúc đã 40 tuổi”.
Làm linh mục, Cha Khanh lần lượt coi sóc các xứ: Trại Lê hơn sáu năm, Thuận Ngãi, Quỳnh Lưu 14 năm, Thọ Kỳ một năm, Làng Truông họ Ngàn Sâu một năm rồi bị bắt. Thường các cha sở siêng năng làm phúc tại các họ mỗi năm hai lần để khuyên bảo, giảng dậy và ban các bí tích. Ðặc biệt Cha Khanh sốt sắng đi kẻ liệt dù đang ăn dở bữa cũng bỏ đi ngay, không kể trời mưa gió, lụt lội, đêm hay ngày. Cha Khanh hết lòng khuyên bảo giáo dân làm hòa, tránh kiện cáo trước tòa quan, đừng hùa theo những người nổi loạn. Cha chính Nghiêm viết về đời sống và hoạt động tông đồ của Cha Khanh như sau: “Cụ Khanh được làm linh mục thì chẳng khác nào như đèn treo cao soi sáng cho mọi người trong nhà và càng làm gương sáng hơn nữa về các nhân đức. Cha hết sức lo lắng phần rỗi cho con chiên, sốt sắng làm sáng danh Chúa. Ðặc biệt những người ở nhà Ðức Chúa Trời được người dậy dỗ cho có nhân đức hơn người ngoài... Chính vì người nhân đức như vậy mà người được Chúa chọn để đổ máu mình ra làm chứng về Chúa Giêsu”.
Trong thời kỳ Vua Minh Mệnh cấm đạo ngặt, Cha Khanh trốn ở nhà giáo dân tại Thọ Kỳ và Ngàn Sâu. Khi đưa xác Thầy Phêrô Tự từ trong Quảng Bình ra làng Ðoài, Cha Khanh cố gắng về dự và khi thấy xác thánh của vị anh hùng vẫn tươi tốt thơm tho, cha nói: “Ước gì tôi cũng được như vậy”.
Chúa đã nhậm lời gửi dịp đến cho người bị bắt. Nguyên Cha chính Nghiêm viết thơ nhắn Cha Khanh lên nhà chung, cha liền lấy thuyền đi từ Ngàn Sâu và trên đường đi người ghé thăm họ Thọ Ninh. Ở đây cha bị chó cắn phải ở lại chữa trị một tuần. Trên đường trở về người ghé qua Tam Sa bị tuần canh khám xét bắt được đồ lễ của người. Chúng liền báo cáo với quan là trong thuyền còn một cụ già đẹp lão. Quan đoán ngay cụ già này là đạo trưởng liền tra hỏi: “Ông làm gì mà có sách, bình dầu và dây này? Ông là thầy thuốc hay là gì?”
Cha Khanh không dấu diếm khai ngay: “Tôi là đạo trưởng”.
Tức thì cha bị đóng gông và giam cùng với Thầy Tuyển và một người giáo dân. Hôm ấy là ngày 29-1-1842.
Giáo dân Thọ Ninh nghe tin cha bị bắt thì hứa với tuần canh sẽ cho tiền để họ trả tự do cho người, nhưng chẳng may có một tên tuần canh ở trên tỉnh đi qua biết được đã về tỉnh trình với quan trước. Quan tỉnh sai ba chục lính đến điệu cha và các người liên hệ về tỉnh, kể cả hai người lính canh. Trong khi đó thuyền giáo dân Thọ Ninh mang bạc đến chuộc hay tin phải bỏ về, lính áp giải mất cơ hội lấy tiền nên tức giận tra tấn mấy người giáo dân. Giáo dân thưa với cha định đánh bọn lính nhưng cha khuyên họ: “Chúng con hãy bằng lòng chịu khó vì Chúa, đừng than trách”.
Tới ngày 3-2, mấy cha con bị đưa lên tỉnh, Cha Khanh bị giam trong ngục Tây còn các người khác phải giam ở trại lính.
Quan đầu tỉnh tra hỏi Cha Khanh ba lần và ép người chối đạo. Cha Nghiêm thuật lại như sau: “Trước mặt các quan, Cha Khanh rất run sợ, có khi gần như bị mất trí. Nhưng mỗi khi quan đề nghị bước qua ảnh thì lạ lùng thay Cha Khanh lại cương quyết chối từ. Tôi viết thư an ủi và khích lệ, đồng thời sai nhiều linh mục đến nâng đỡ và ban các bí tích. Cha Khanh viết lại cho tôi rằng những sợ hãi đã qua rồi. Những người săn sóc cha cũng làm chứng là cha đã nói và hành động như một viên dũng tướng, hiên ngang được đổ máu đào vì Chúa Kitô. Các quan không tra tấn người nhưng người đã can đảm chịu khổ nhục vì gông cùm và tù đầy...”
Một lần quan án Nguyễn Khắc Trạch có ý mở đường để ăn tiền đút lót nên mắng những người thuộc viên: “Sao chúng bay bắt ông lão này? Lão là thầy thuốc, nào có phải đạo trưởng gì đâu?”
Cha Khanh nghe thấy vậy thưa lại: “Bẩm quan lớn, quan lớn nói không đúng. Tôi là đạo trưởng chứ không phải là thầy thuốc không”.
Các quan có ý nói để cha khai là thầy thuốc mới có thể làm án nhẹ đi được. Một lần khác quan lại bảo: “Cụ cứ khai là thầy thuốc thôi thì sẽ được tha”.
Cha Khanh dõng dạc thưa lại: “Nếu tôi khai là thầy thuốc, đến sau có ai lên làm đạo trưởng giúp dân thì còn ai tin lời nữa?”
Lần thứ ba trước khi làm bản tâu trình về kinh đô, các quan dặn Cha Khanh đừng khai là đạo trưởng mà nhận mình có làm thuốc. Cha Khanh can đảm trả lời: “Tôi đã làm đạo trưởng, giảng giải khuyên răn giáo dân thì tôi phải cứ sự thật mà khai, chẳng nên nói dối. Vì vậy tôi đã là đạo trưởng mà khai là thầy thuốc thì là nói dối tỏ tường. Quan có lòng thương mà tha thì tôi đội ơn, nhược bằng quan không thương mà khép tội, hay là chém tôi ra làm mấy phần, tôi vẫn vui lòng”.
Trong thời kỳ chờ đợi án trong tù, có một lần quan lớn đi Hà Nội, mấy quan nhỏ đem Cha Khanh và mấy người cùng bị bắt ra hành hạ, bắt nọc rồi bắt quì trên gạch vụn. Cha Khanh vừa đau đớn vừa kiệt sức chống gông xuống đất chịu đựng và than thở xin Chúa giúp sức. Trong tù cha sốt sắng đọc kinh hoặc đan giỏ cho qua ngày và khuyên bảo những người đến thăm. Khi quan lớn ra Hà Nội đang lúc vợ thứ bị bệnh, cậu cả nhân nói truyện với cai tù có hỏi xem ông có biết ai làm thuốc giỏi để chữa cho bà. Cai tù nói trong ngục có ông cụ đạo chữa được. Cậu cả nhờ cai đội vào trong tù xin Cha Khanh bốc thuốc, cha trả lời: “Tôi chỉ có gông và xiềng mà thôi, chẳng có thuốc gì”.
Ông cai đội nói: “Trong nhà quan đã có sẵn các thứ”.
Cha lại đáp: “Tôi bị coi là người phạm trọng tội mà ra khỏi ngục nếu quan bắt nét thì làm sao?”
Cai đội năn nỉ: “Ðây cũng là việc lành phúc đức, xin cha đi cho, mọi trách nhiệm khác chúng tôi xin chịu”.
Cha Khanh ưng thuận đến nhà quan và lấy trong hòm thuốc của nhà quan năm vị thuốc rồi dặn xắt ra, và bảo đi hỏi các thầy thuốc khác xem có uống được chăng. Cậu cả chẳng hỏi ai khác, một tin tưởng vào lời Cha Khanh, sắc thuốc lên cho bà uống thì thấy bớt ngay. Cậu cả tạ tiền và chè, cha chỉ lấy hai bình chè cho vừa lòng mà thôi.
Ngoài ra, trong tù Cha Khanh còn khuyên bảo và rửa tội được hai vợ chồng cậu Xứng, con một quan án bị giam trong tù. Ðể giúp đỡ họ có đường sinh sống, cha chỉ vẽ cho họ một bài thuốc gia truyền chữa bịnh tả và căn dặn không được lấy nhiều tiền của người ta. Từ đó có ai đến xin thuốc, cha nói họ đến cậu Xứng mà xin vì người không làm thuốc. Sau này người ta cứ gọi thuốc ấy là thuốc cố thánh.
Khi vua Thiệu Trị mới lên ngôi, các tù nhân được tha song Cha Khanh vì xưng mình là đạo trưởng và các quan đã tâu về bộ án xử giảo nên bị các quan trong triều đổi làm án tử hình. Lời lẽ trong sắc khiếm nhã hơn là lời phê án của Minh Mệnh. Bản án ghi: “Danh Phạm Khanh là người bản quốc, cả lòng theo đạo Gia Tô đã lâu, lại còn làm đạo trưởng và bấy lâu chưa trị tội được. Sau hết khi bị bắt có lệnh truyền quá khóa nhiều lần mà vẫn không chịu làm theo. Bởi đó đúng là người u mê tối tăm mọi đàng, nên phải xử danh Khanh trảm quyết tức thì”.
Bản án của triều đình về tới tỉnh, quan còn nài ép cha quá khóa nhưng cha đã khẳng khái chối từ nói rằng nếu muốn thì đã quá khóa từ đầu, nhất quyết một lòng và sẵn sàng chịu chết. Sáng hôm 12-7-1842, quan giám sát và 30 người lính dẫn Cha Khanh ra khỏi nhà giam và đi đến nơi xử gọi là Cồn Cồ. Có hai người lính nâng hai đầu gông, còn Cha Khanh khoanh tay nghiêm trang vừa đi vừa đọc kinh, nét mặt vui mừng hớn hở. Ông Lương chứng kiến lúc xử Cha Khanh thuật lại rằng khi ông tới nơi thì lính đang cưa gông và xích, Cha Khanh quì trên chiếu, hai tay trói vào cọc đằng sau. Có bốn năm người tù chạy đến thưa với cha: “Con khó nuôi con, xin cha giúp đỡ”.
Cha thánh đáp: “Tôi không có gì để cho, có miếng vải này may lại mà lót giường, nếu khó nuôi con thì đưa về cho con trẻ mặc”.
Cha xin quan cho phép cầu nguyện một lúc, khi xong việc quan ra lệnh cho các lý hình nghe ba hồi chiêng thì chém. Người lính xử tên là Bếp Xuân thưa với Cha Khanh trước xin tha lỗi vì chỉ làm theo lệnh quan. Vừa nghe tiếng chiêng nó đã chém một nhát đứt cổ liền. Quan cho phép dân chúng đến lấy xác, còn quan và lính rút về thành. Lúc ấy vào khoảng giờ thứ chín ngày 6-6 âm lịch. Những người có mặt làm chứng rằng trời hôm đó nắng ráo nhưng khi Cha Khanh quì gối xuống thì khoảng hai mẫu đất tại pháp trường trở nên tối tăm, và sau khi đầu lìa cổ thì trời đổ mưa giống như mưa đá chừng ba phút. Những người lương đi coi rất đông, thầm thì với nhau: “Sao mà trời thì nắng mọi chỗ, chỉ có nơi xử là mưa?” Hoặc: “Xử cụ đạo có mưa làm vậy là sự lạ”.
Muôn người như một ùa vào thấm máu Cha Khanh, tính ra có đến hơn 500 tờ giấy không kể những tấm vải. Người ta tin rằng máu cố đạo chữa được bệnh não như máu của Ðức Cha Borie Cao hồi trước. Thầy Tuyên, ông Thuận lĩnh xác, may đầu lại vào thân và đưa về nhà chung ở Kẻ Gốm. Cha Nghĩa ở xóm Nha cũng sai người đi lo việc an táng và gặp đoàn người này. Ngày 13-7 họ cùng nhau đi về tới Kẻ Gốm nơi cố Nghiêm đang trốn. Dù là mùa hè, thân xác Cha Khanh vẫn thơm tho không có mùi hôi thối, nét mặt vẫn tươi tốt, máu chảy ra vẫn đỏ đến nỗi một cha cứ tưởng cụ Khanh chưa chết. Cha Nghiêm hỏi làm sao xác vẫn mềm, một người giáo dân thưa: “Bẩm vì xác thánh thì mềm”.
Cha chính Nghiêm vỗ tay xuống bàn nói: “Ðúng, con nói phải, xác tử vì đạo là xác thánh thật”.
Xác Cha Khanh được an táng tạm tại nền nhà thờ cũ. Một số ơn lạ đã được ban cho những người kêu xin, nhất là việc sinh con dễ dàng, nhờ lời bầu cử của Cha thánh Khanh.
(bị bắt 8-6-1846, xử trảm 11-5-1847)
Người tử tội mặc áo gấm thắt khăn xanh hiên ngang bước đi, miệng nói với người lính cầm thẻ rao rằng phải rao cho to và rõ ràng đúng như đã viết trong thẻ. Người lính cầm thẻ, viết bằng chữ Nho tội trạng của tù nhân, vội cất tiếng rao to: “Lê Bối theo đạo Giatô, đi Hạ Châu (Singapore, Mã Lai) chở tây dương đạo trưởng bị nhà nước bắt vẫn không chịu quá khóa. Lệnh truyền phải chém”.
Lê Bối là tên quan án ghép cho vị anh hùng tử đạo Matthêô Lê Văn Gẫm. Khi bị bắt người xưng tên là Bửu nhưng quan đã sửa lại thành Bối. Cả hai tên Bửu và Bối đều nói lên nguyện ước của vị anh hùng muốn trối lại một dòng máu hiên ngang chịu chết vì đạo cho con cháu. Chính vì thế mà người bắt tên lính cầm thẻ phải rao cho tỏ tường.
Ðức Cha Lefebvre là người được ông Gẫm sang đón về đã viết tường thuật về cuộc xưng đạo của người như sau: “Matthêô Gẫm, 34 tuổi, cha mẹ theo đạo Công Giáo, ở tỉnh Biên Hòa. Ông có đời sống gương mẫu và trong hai năm dấn thân làm việc cho giáo hội, lòng nhiệt thành của ông tăng gấp bội”.
Thực ra ông đã có lần lỗi nghĩa vợ chồng, và để ăn năn đền tội, ông sống đạo đức và quyết tâm giúp việc Chúa. Matthêô Gẫm là con đầu lòng của hai ông bà Phaolô Lê Văn Lại và Maria Nguyễn Thị Nhiệm ở họ Tắt, làng Long Ðại, xứ Gò Công, Biên Hòa, sinh khoảng năm 1813. Khi còn nhỏ người siêng năng đi học kinh với chúng bạn và được bầu làm trưởng đoàn, ở nhà thì giúp cha mẹ, bốn em trai và em gái.
Năm được 15 tuổi, cậu Gẫm vào trường Lái Thiêu học làm linh mục. Nhưng vì người cha đã lãng tính không kham nổi việc gia đình một mình nên đã bắt cậu Gẫm trở về gia đình. Tới tuổi lập gia đình, ông cưới một cô thiếu nữ Công Giáo đạo hạnh ở họ Thành, Long Ðiền, cũng trong tỉnh Biên Hòa nhưng thuộc phủ Phước Tuy, Bà Rịa. Sau khi cưới vợ, ông Gẫm về ở quê của vợ và sinh được bốn người con, trong đó có hai người cũng chết vì đạo. Cha Lợi coi xứ Bà Rịa thấy ông Gẫm khỏe mạnh, thông thạo buôn bán và việc đi biển, liền cậy nhờ ông lo việc cho cả địa phận nữa.
Theo lệnh bề trên, Cha Lợi xuất tiền đóng tầu nhờ ông Gẫm chỉ huy sang Singapore để đón các thừa sai và các chú học ở trường Penang. Chuyến đầu ông đi trót lọt, nhưng sau đó tiếng đồn ông sang Singapore lan rộng. Năm 1846, Thừa Sai Miche được lệnh Ðức Cha Lefebvre, lúc bấy giờ đang cai quản địa phận Sài Gòn mới được tách khỏi địa phận Ðàng Trong, thu xếp tầu sang đón người cùng Cha Duclos và các chú về địa phận. Lần này ông Gẫm đã ngần ngại vừa phần công việc hết sức quan trọng sợ lo không nổi vừa phần đã có tiếng đồn sợ quan quân để ý. Nhưng vì Cha Lợi ép nhiều lần nên ông đánh liều nhận lời. Ông liền về nhà chào từ giã cha mẹ như là lần cuối, riêng với mẹ già ông Gẫm đã nói rõ những khó khăn và ý chí sắt son phục vụ giáo hội Chúa: “Cha Lợi cứ trách con làm sao không đi cho nhanh chóng. Ðã trễ hai tháng, nên con phải đi hôm nay. Con nghĩ chuyến này không tránh khỏi nạn vì thiên hạ đồn Lái Gẫm đi Hạ Châu. Có lẽ con phải chết song không hề chi, con sẵn lòng chịu chết vì Chúa”.
Ông Gẫm cùng với sáu tay chèo người Công Giáo, thầy Sư, thầy Bổn và mấy chú học trò, căng buồm đi về hướng Phú Quốc. Ra khơi rồi ông mới nói rõ cho mọi người biết thuyền đi sang Singapore đón đức cha.
Dừng tại Singapore độ hai tháng để sửa soạn các việc, ngày 23-5-1846, Ðức Cha Lefbvre, Cha Duclos (Lộ) và ba chủng sinh xuống tầu cùng với các đồ đạo và đồ tiếp tế cho địa phận để về nước. Trên biển cả tầu chở nặng không đi nhanh được, lại gặp gió bão và tầu cướp rượt theo nữa, nhưng mọi hiểm nghèo đều qua đi.
Ngày 6-6, tầu về đến cửa Cần Giờ, ông Gẫm làm hiệu để ghe ở trong ra đón đức cha và Cha Duclos xuống trước. Theo như đã định thì ông Trùm Huy, họ Chợ Quán, phải có mặt, nhưng ông đã có mặt trước cả một tuần để chực chờ mà không thấy gì nên ông kiếm củi rồi đi về. Tầu của ông Gẫm về tới cửa Cần Giờ, chờ một ngày mà không có ghe ra đón, ông liều mình cho tầu vào trong bến ban đêm. Ðêm hôm ấy có trăng sáng nên tầu đã bị toán lính tuần tiễu nhận diện, chèo thuyền đến bắt. Họ lên tầu lục soát bắt được đức cha và Cha Duclos. Ông Lái Gẫm phải bỏ ra mười nén bạc cho năm tên lính họ mới cho đi. Tầu lớn chở nặng nên chỉ có thể chèo đi chầm chậm. Khỏi một hồi lâu, lính trở lại trả tiền và nhất định bắt tầu trở lại đồn Thủ Ngữ. Thấy truyện đổ bể, Lái Gẫm định cho người bắt lính trói lại và đi tiếp vào bờ để đức cha xuống rồi sẽ hay, nhưng đức cha không bằng lòng xâm phạm đến người khác như vậy. Lần này ông Gẫm phải hối lộ cả một rổ bạc. Ðến gần sáng thì đoàn lính đông hơn trở lại. Vì mấy tên lính chia tiền không đều nên có kẻ tức giận đi báo cho quan xin mang thêm nhiều lính đến bắt. Thầy Niên đã đứng ra xin chịu tội nhưng ông Gẫm một mực nhận mọi trách nhiệm. Tất cả bẩy người Việt bị bắt nhưng có mình Lái Gẫm bị trói lại và đeo gông. Tất cả các đồ đạc, hòm tiền bị tịch thu hết, còn các tù nhân bị giải về Sài Gòn. Ðức cha và Cha Duclos được ở nhà khách của quan, còn ông Gẫm và các người Việt bị giam trong tù. Trong khi chờ lệnh của triều đình Huế, Cha Duclos kiệt sức chết ngày 26-7. Cha được quan khâm sai cho phép an táng bên cạnh mộ Ðức Cha Bá Ða Lộc. Còn Ðức Cha Lefebvre được lệnh giải về Huế.
Mấy ngày sau khi bị bắt, các quan đem ông Gẫm ra tòa để lấy lời khai. Vừa bị đánh đòn vừa bị ép chối đạo nhưng ông Gẫm vẫn một lòng can đảm không chối đạo. Trước hết ông Gẫm khai tên là Bửu, 34 tuổi, quê quán Bà Rịa, đưa ghe đi Phú Quốc rồi ghé Hạ Châu. Tới đây quan tra tấn để bắt ông khai cho đúng: “Ghe đi Hạ Châu thì phải khai cho thật”.
Ông Gẫm bị đòn đau nói: “Thì tôi đã khai đi qua Hạ Châu nữa, sao còn tra tấn?”
- “Ai sai ông đi Hạ Châu? Có phải đi chở đạo trưởng Tây về không?”
- “Tôi gặp các ông ấy ở Hạ Châu và các ông ấy mướn tôi chở về Nam Việt. Vì muốn lợi nên tôi nhận chở. Lại nữa tôi cũng có lòng mộ đạo nên càng muốn chở về nước để các đấng dậy dỗ thiên hạ bỏ đường lầm lạc mà theo đạo ngay”.
- “Ông chở đạo trưởng Tây đi đâu?”
- “Các ông ấy muốn tôi chở về Gò Sỏi”.
Quan giận dữ bẻ lại: “Gò Sỏi chỉ có người lương, không có người Công Giáo, sao lại về đó? Ngươi phải nói cho thật về đâu và về nhà ai?”
- “Tôi nói chở về Gò Sỏi, quan lớn không tin, tôi biết chở tới đâu nữa mà nói? Xin quan lớn làm ơn chỉ cho tôi biết phải chở hai đạo trưởng ấy đi đâu để tôi khai cho vừa ý quan lớn”.
Ông Gẫm khôn khéo khai như vậy vì không muốn làm hại bất cứ một họ đạo nào hay nhà nào, chỉ muốn một mình chịu mà thôi, nhưng lại làm cho quan tức giận tra tấn thêm:
- “Vậy thì mi bỏ đạo đi”.
- “Ðạo tôi là đạo ông cha truyền lại tôi không thể bỏ được, tôi sợ phạm tội bất hiếu”.
Ðến đó thì hết buổi tra vấn, quan truyền dẫn tù nhân về trại giam. Ra khỏi công đường, ông Gẫm vui vẻ vì được chịu đòn và nói với các bạn cùng bị bắt: “Chúng ta hãy cầu nguyện xin Chúa ban thêm sức để được vững lòng chịu mọi sự khó. Dầu cho quan có hạch hỏi thế nào, đừng có ai nói lời gì mà làm khốn khổ đến kẻ khác. Hễ mũi dại thì lái chịu đòn, bất cứ điều gì anh em cứ đổ tội cho tôi là xong.”
Ðến ngày hôm sau quan án xin tổng đốc Trần Văn Trung tra hỏi. Quan tổng đốc này không ghét đạo cho lắm nhưng lại có tính sợ sệt, nên cũng bắt đem ông Gẫm ra công đường tra hỏi. Nói mấy câu xỉ nhục đạo rồi bắt ông Gẫm khai chở thừa sai về giao cho ai. Mục đích các quan muốn biết các người Việt đồng lõa để làm tiền làm tội mà thôi. Vì thế ông Gẫm không khai gì thêm, thà chịu đòn một mình thay cho mọi người khác. Ông bị đòn đau quá thì nói với quan: “Quan lớn cho đánh tôi đau như thế này sợ rằng đau quá tôi phải khai là tôi chở mấy thừa sai về đây cho các quan đó”.
Nghe vậy quan càng giận hơn nữa nên ra lệnh đánh đập ông cho hả cơn tức. Sau đó quan lại dụ dỗ ông bước qua thập giá lính vừa vẽ xuống đất:
- “Ông quá khóa đi rồi tôi làm án nhẹ cho”.
- “Tôi không bao giờ chịu bỏ đạo”.
Quan cho tra tấn mạnh hơn nữa. Trong số các ký lục, có ông Tư Ngạn thấy ông Gẫm bị đánh dữ tợn quá mới bầy mưu nói với quan rằng: “Nếu nó có quá khóa chăng nữa, thì nó vẫn có tội gian thương, chở cố Tây về nước, tra khảo thêm làm gì. Xin quan án làm án chung cho tiện”.
Quan tổng đốc nghe thấy hợp lý nên cho lệnh cởi trói và đưa về nhà giam. Bằng ấy chưa đủ, ông Gẫm còn phải đến cho quan Bố Chánh hạch hỏi và cứ đi qua đi lại các dinh của ba quan lớn bốn năm lần nữa. Sau hai mươi ngày dụ dỗ không được, các quan làm án kết tội ông Gẫm ba điều: tiền ký gian thương, đạo tải dương nhân dương thi, bất khẳng quá khóa thập tự, tấu thỉnh trảm phiêu buôn lậu. Nghĩa là có tội chở cố Tây và sách Tây, không chịu bước qua ảnh thập tự, xin chém bêu đầu. Sau đó các quan tâu án về triều đình.
Bị tra tấn dữ dằn, lại phải khổ sở mang gông cùm, ông Gẫm không ca thán mà vẫn vui lòng luôn. Ông thường nói: “Chúa định như vậy, xin vâng theo ý Chúa”.
Với các bạn cùng bị bắt ông khuyên họ: “Anh em đừng có năn nỉ điều gì. Dầu sống dầu chết thì cũng là vì Chúa, nếu chết vì đạo là phần tốt nhất”.
Ðịa phận cắt cử người săn sóc cơm nước cho ông vì gia đình của ông bị quan quân lùng bắt đã phải trốn chạy. Có một người em bị bắt nhưng yếu lòng đã bước qua chữ thập. Một lần Cha Minh đi qua Sài Gòn ghé vào nhà tù thăm ông, và khuyên ông đừng lo chi đến vợ con, đã có địa phận lo. Ông Gẫm cười nói: “Thưa cha, con sẵn lòng chịu mọi sự khó theo ý Chúa. Con không lo lắng về vợ con hay cửa nhà gì cả....”
Mọi người thấy đức tin mạnh mẽ của ông thì đều nói là chính Chúa xuống sức mạnh cho ông. Ít lâu sau bà mẹ cũng lẻn trốn xuống thăm con vừa khuyên vừa khóc lóc. Ông Gẫm nói với mẹ: “Mẹ đừng có khóc làm gì, được chịu chết vì đạo con lấy làm vui sướng lắm. Con không dám bỏ đạo đâu. Mẹ cũng đừng lo điều gì cho con, chỉ xin mẹ cầu nguyện. Còn con thơ con sẽ xin giáo hội giúp đỡ. Trước sau cũng chết, chẳng lẽ con cứ lột xác sống mãi ở đời này ru? Con chịu chết vì đạo là ơn phúc trọng vô cùng”.
Sau này chính bà mẹ đã trả lời cho linh mục điều tra án phong thánh như sau: “Hai vợ chồng chúng con nghe con chịu chết thì không có phàn nàn, trái lại vui mừng nữa vì con chết như vậy được làm thánh”.
Có lần ông ký lục Ngạn cũng vào tù thăm ông Gẫm, thấy ông vui vẻ thì nói: “Ông Gẫm này, ông bị kết án mà sao vẫn vui vẻ làm vậy, không sợ gì sao?”
Ông Gẫm cười nói: “Cám ơn quan, tôi có phải là trộm cướp gì mà sợ mà buồn. Tôi được chết vì đạo là một phước lớn”.
Bảy tháng chờ đợi, ông Gẫm nhiều lần nói với người khác sao không đem đi xử cho chóng. Trong tù ông Gẫm được Cha Thán trá hình đến giải tội và cho rước Mình Thánh Chúa ba lần. Cha Thán còn hứa sẽ liệu cách cho ông được lãnh bí tích tha tội lần cuối trước khi ra pháp trường.
Ðến tháng 2-1847 thì bản phê án mới tới Sài Gòn. Lời phê của bộ hình và được vua Thiệu Trị y án như sau: “Bộ hình thừa thiên chuẩn theo bản án của tỉnh Gia Ðịnh: Lê Bối có tội theo tà đạo từ lâu, tội lén đi nước ngoài và đem đạo trưởng Tây về nước, lại không chịu quá khóa. Hắn cố chấp vi phạm luật lệ. Vì vậy năm tới theo hạn định phải chém đầu như bản án. Còn bẩy tên đồng phạm thì đổi thành tù chung thân”. Các quan tỉnh Gia Ðịnh lại muốn xin đổi án dung mạng cho ông Gẫm nên làm sớ về triều đình, nhưng gặp lúc quân Pháp đến Cửa Hàn bị quân triều đình tấn công đã bắn trả lại làm chìm năm chiếc tầu chiến và 100 ghe khác, triều đình ra lệnh xử trảm ngay.
Các quan tỉnh Gia Ðịnh được lệnh, liền ấn định ngày đem xử. Ông ký lục Ngạn nhắn người đưa tin cho ông Gẫm biết để chuẩn bị. Mấy ngày trước khi chịu xử, ông Gẫm lo buồn vì tội xưa của ông, than thở với Chúa: “Lạy Chúa, hình phạt con phải chịu đây vẫn chưa đủ để đền tội lỗi của con”. Ông cũng viết thơ cho Thừa Sai Miche, sau làm giám mục, như sau: “Từ ngày bị bắt con chẳng trông mong gì hơn vì đời này chóng qua mà ở trên trời mới được sung sướng đời đời, nên con chỉ ước ao một sự mà thôi là làm cho sáng danh Chúa. Những ngày còn ở trong tù thật là những ngày vui mừng. Con không buồn rầu lo lắng gì về vợ con, cha mẹ hay anh em. Ý Chúa đã định làm vậy thì con vui lòng cúi đầu tuân phục, ngõ hầu được xứng đáng vào hàng con cái thảo hiền của Chúa. Phải chiến thắng trận dưới đất này đã mới được phần thưởng vô cùng trên thiên đàng”.
Ngày 11-5-1847 quan truyền lệnh đem ông Gẫm đi chém. Mấy ngày trước đó địa phận gửi cho ông hai bộ áo mới để ông mặc đi xử. Quan còn khuyên nhủ ông một lần cuối bỏ đạo để khỏi chết và biết thương vợ thương con, nhưng ông một mực bỏ ngoài tai và sẵn lòng chết vì đạo. Ông nói với các ký lục: “Tôi vui lòng chịu chết lắm, chưa bao giờ tôi được vui mừng như hôm nay. Nếu tôi nói một tiếng thì khỏi chết nhưng tôi thà mang tội trước mặt vua chẳng thà mất lòng Chúa. Chỉ một chút nữa tôi sẽ được hạnh phúc thật”.
Dân chúng theo thật đông, trong đó có Cha Thán đến như lời đã hứa. Tới nơi pháp trường quan định, lính đóng lại sửa soạn thì dân làng ra lạy quan xin đem đi xa hơn để xử. Quan cho lệnh đến nơi khác gọi là Bánh Tráng và lý hình trải đệm, chặt xích xiềng, mở trói. Trong khi đó mấy ông trùm len lỏi đưa Cha Thán đến gần hơn để ông Gẫm biết có cha ở đàng sau. Thấy cha rồi ông xin lý hình cho một ít phút sửa soạn. Khi thấy ông đấm ngực, Cha Thán cũng giơ tay ban phép giải tội. Thế rồi ông quì nghiêm trang bảo lý hình thi hành nhiệm vụ. Chúng trói tay ông vào cọc, buộc tóc lên trên đỉnh đầu và chờ lệnh. Hồi chiêng vừa dứt, tên lính cầm đao chém một lát gần đứt đầu, phải cứa thêm lát thứ hai cho đầu rơi xuống đất. Lý hình giơ đầu lên cho quan xem thấy rồi bỏ xuống, và chạy đi xa. Giáo dân ùa vào thấm máu và ba người em cùng với các ông trùm lo việc tống táng.
Xác vị anh hùng tử đạo được đưa về họ Chợ Quán có Cha Thán đợi để làm lễ an táng rồi chôn ở đất thánh cũ bên cạnh tảng đá lớn để làm dấu. Ông trùm Phước mua được các xích xiềng và tấm thẻ trao cho Cha Miche.
Năm 1864, hết thời kỳ cấm đạo, Ðức Cha địa phận cho đem xác người lên, có hai bác sĩ người Pháp chứng nhận đúng là hài cốt của người, rồi bỏ vào trong một bình gỗ tốt đem vào nhà thờ Chợ Quán. Ðến năm 1870, Cha Colombert người Mỹ, có trách nhiệm làm án phong thánh lại mở ra đếm các xương và lấy vải lụa bọc lại bỏ vào hòm và niêm phong mang về nhà trường Thánh Giuse. Và lần sau cùng năm 1900 Ðức Cha địa phận lại xem lại xương thánh lần cuối cùng trước khi Ðức Thánh Cha Leo XIII phong người lên bậc Chân Phước.