(bị bắt ngày 30-11-1860, chém đầu ngày 2-2-1861)
Trong các vị thừa sai người Pháp đổ máu vì đức tin ở Việt Nam nổi tiếng nhất là Cha Thánh Vénard, người anh hùng tử đạo được Thánh Têrêsa Hài Ðồng ngưỡng mộ. Tháng 2-1854 khi Cha Vénard đang ở Hồng Kông chờ bài sai, thì đây bài sai của người và cha bạn: “Ðể làm vui các bạn, bề trên đã cho Cha Vénard hạt kim cương Bắc Việt, còn Cha Furet hạt ngọc Tứ Xuyên, Trung Hoa”. Hay tin đó, Cha Vénard đã hớn hở báo tin cho người bạn Paziot rằng người đi Bắc Việt và bạn hãy sắm sửa hòm đựng xương thánh. Thật vậy Cha Vénard, với óc thi sĩ đã viết về Bắc Việt như sau: “Trong nước Annam, các sắc lệnh tiếp tục ban hành, mỗi năm sản xuất bao nhiêu vị tử đạo, như mùa Xuân rực rỡ những bông hoa và mùa thu trái chín vàng... Tonkin, xứ truyền giáo có con đường ngắn nhất để về trời”.
Thánh Théophane Vénard chào đời ngày 21-11-1829 tại Saint Loup Sur Thouet do ông bà Giovanni Vénard và Maria Gueret. Chính cha người là thầy dậy đầu tiên. Từ bé người đã có chí hướng đi tu làm linh mục nên được giao cho cha sở trông coi dậy Latinh. Sau đó người vào chủng viện Doue-Fontaine. Tại đây chú Vénard được tin người mẹ qua đời năm 1843. Học xong Trung Học, chú Vénard vì thông minh nên được đưa vào Ðại Chủng Viện Mortmorillon, địa phận Poitiers để học Triết. Sau khi chịu chức Năm, thầy Vénard được ơn Chúa thúc đẩy xin phép đức cha để gia nhập chủng viện truyền giáo Paris và được chịu chức Linh Mục ngày 5-3-1851, lúc mới 22 tuổi. Người được bài sai đi truyền giáo tại Bắc Việt.
Sau nhiều hành trình gian khổ, Cha Vénard đến cửa Cấm ngày 13-7-1854 và được đưa đến chủng viện Vĩnh Trị, nơi ở của Ðức Cha Retord. Vừa nhiệt thành học tiếng Việt vừa theo chân đức cha đi thăm các xứ để học kinh nghiệm, Cha Vénard được chuẩn bị để trở thành viên kim cương của Bắc Việt.
Khi từ giã chị Mélanie, Cha Vénard viết: “Hãy sống trong vui vẻ vì người làm việc cho Chúa luôn có một trái tim thoải mái”. Thật vậy, vừa tới nơi Cha Vénard được chứng kiến buổi lễ phong chức thật huy hoàng và trang nghiêm, có lính đồng phục chào 26 vị tiến chức, trong đó 3 linh mục, 5 thầy sáu và 4 thầy năm....
Cuối tháng 8-1854, Cha Vénard được sai đến một trường kẻ giảng ở Kẻ Roãn gần phủ Lý để học tiếng Việt. Cha viết: “Một tháng trôi qua tựa như một giờ vậy”. Cha nói tiếng Việt thông thạo, đúng các âm và dấu. Người được gọi là cố Phan, lấy vần cuối của tên thánh của người, với ý nghĩa tiến lên, và cũng là tên dòng họ thông thường. Chúa Nhật thứ hai của tháng 10 cha đã có thể giảng bằng tiếng Việt cho giáo dân trong thánh lễ.
Từ đây cha bắt đầu sống thực sự cuộc đời truyền giáo, kiếp sống của một con chim đậu trên cành, luôn sẵn sàng ra đi... chạy trốn. Tháng 1-1855 cha bắt đầu nếm mùi bệnh tật đến nỗi phải xức dầu. Lúc người khỏe lại cũng là thời gian bắt đạo, người được sai về Bút Ðông, ẩn trốn trong nhà dòng. Một buổi đêm vọng lễ Mẹ Lên Trời, Cha Phan xuống thuyền về thăm đức cha. Gặp lại đức cha, người hỏi Cha Phan ngay: “Cha đã sẵn sàng chia sẻ, lấy khổ cực làm phần gia nghiệp chưa?” Ðể trả lời, Cha Vénard quyết định đổi tên là Ven, nghĩa là vẹn toàn và cũng là chữ đầu của tên người. Và cũng từ đây cha bước vào con đường núi sọ của giáo hội Việt Nam.
Tổng đốc Nguyễn Ðình Tân, còn có tên là Hưng, ngày xưa thọ ơn Cha Tịnh chữa mắt cho sáng nên ông thường bao che cho chủng viện Vĩnh Trị nơi Cha Tịnh cai quản, nhưng từ khi người Pháp đến gây hấn tại Cửa Hàn, tổng đốc Nguyễn Ðình Tân bắt đầu thay đổi thái độ, ông trở thành đồ tể giết hại các tín hữu. Sắc lệnh 18-9-1855 đã phá tan chủng viện Vĩnh Trị và đội mũ tử đạo cho Cha Tịnh. Cha Vénard được lệnh trốn và coi sóc chủng viện Hoàng Nguyên. Tháng 5-1858 thư của cha gửi đi bị bắt, vì thế Hoàng Nguyên bị vây và cha phải trốn lên Kẻ Non, rồi Bút Ðông. Người lợi dụng thời gian “cầm tù” ở nhà dòng Mến Thánh Giá để huấn luyện tinh thần cho các chị dòng và dịch sách. Từ năm 1860 cha phải thay đổi chỗ ở luôn, sống trong những căn hầm trú đào sẵn sâu dưới đất và bên cạnh một con sông hay bờ bể, có ba ống tre thông hơi.
Ông xã Ký người làng Bút Ðông thuật lại việc đào hầm và ba lần quan lính đến lùng kiếm thừa sai như sau: “Thầy Lượng và tôi đã đào một cái hang trong buồng nhà tôi, rộng non một gian nhà, cao vừa bằng một người đứng, dưới thì lát gạch, trên thì lát ván, đoạn đổ một thước đất trên ván và lấy lửa hơ cho ra đất cũ kẻo quan sinh nghi... Chúng tôi cũng lập bàn thờ để các đấng làm lễ và làm tám cái hốc đặt ống tre dài thò ra ngoài bờ ao để có khí thở. Ở đầu buồng chúng tôi làm vách kép để trốn khi cần kíp”. Tại Bút Ðông các nhà ông xã Ký, nhà ông Hộ, nhà ông Ðiêng, nhà cụ cố Cha Tuyên, nhà bà Tránh đều có hang và vách kép. Như thế một thời gian lâu dài Cha Vénard, Cha Theurel ẩn trốn ở làng này. Chắc chắn có một người Công Giáo đã đi tố giác với quan nên làng bị khám xét ba lần, nội bất xuất ngoại bất nhập. Lính đi từng nhà cầm dùi xâm đất và xâm tường vách. Các thừa sai thoát nạn là một phép lạ như thư Cha Vénard viết: “Âu là Ðức Chúa Trời không cho nó bắt thì nó không bắt được mà thôi”.
Cố Ven (Phan) còn kể công của ông cai tổng Tấn, người Phúc Châu, không phải là người Công Giáo nhưng bênh vực các thừa sai, đã cứu chữa các đấng. Khi quan lính đi vây làng Bút Ðông, ông cai Tấn tình nguyện mang lính đi lùng kiếm giúp, và khi được mật báo là tại nhà ông Hộ có các thừa sai đang ẩn, ông cai Tấn liền đem lính đến nhà ông Hộ ngồi canh giữ, để nếu lính nhà quan đến hỏi thì ông trả lời đã khám xét kỹ mà không có tây giang đạo trưởng nào. Sau đó ông cai Tấn đem các cha về làng của mình là Phúc Châu, toàn là người ngoại đạo để các cha được yên.
Trong một lá thư khác, cố Ven ca ngợi nhân đức của các giáo dân Hà Nội vì đã giúp các cha thoát nạn, trong khi Kẻ Vĩnh ở Nam Ðịnh bị tiêu hủy hoàn toàn. Cha nói: “Giáo dân Hà Nội chưa có mấy người tử vì đạo, điều ấy không phải vì bổn đạo, nhưng chỉ vì các quan Hà Nội có lòng thương dân, không bắt đạo ngặt quá mà thôi”. Có lần quan huyện đến làng để bắt dân chúng bỏ đạo, các thừa sai đe rằng nếu các huynh thứ trong làng quá khóa thì các cha sẽ ra nộp mình. Nhờ thế cả làng từ lớn đến bé ra đình xưng đạo trước mặt quan huyện, chịu đánh đập rồi cũng được tha. Thật là một điều đặc biệt, cả làng xưng đạo và cả làng vẫn được an toàn.
Từ khi Pháp đem quân đánh Cửa Hàn năm 1858 thì việc bắt đạo trở nên gay go, mọi người lo sợ, lương giáo không ai dám chứa chấp các thừa sai nữa. Thêm vào đó vua Tự Ðức ra các chỉ dụ bắt giam tới hai ngàn đầu mục, bắt quan và lính có đạo, bắt các chị nhà dòng xưa nay hay đưa thư giao dịch.
Dù vậy các thừa sai khi có thể vẫn đi thăm các giáo dân, ban bí tích để củng cố đức tin, quen gọi là đi làm phúc. Chính vì thế mà Cha Vénard bị bắt ở làng Kẻ Bèo. Cha Ven thuật lại: “Giáo dân vì muốn tránh khỏi bị ép buộc đạp ảnh đã chạy hết ra đồng ruộng để ẩn núp, nửa người ngâm dưới nước bùn... Thật là thảm thương, chỉ có những người trái tim ra chai đá mới không xúc cảm trước những khổ sở của họ... Con thuyền giáo hội Annam hầu như chìm dần, giống như giáo hội Nhật Bản trước kia. Phải có một phép lạ mới mong phục sinh lại được. Chúng tôi đã từ biệt nhau chúc lời mạnh sức tử đạo trên đường lẩn trốn. Chúng tôi có nhiều cơ may để đổ máu ra vì danh Chúa Cứu Thế”.
Thật vậy, ngày 30-11-1860 cai Ðô đến Ðông Bào thu thuế với khoảng 20 người lính đã bắt được cố Ven tại nhà bà góa Cân. Sau khi chú giúp việc bị bắt, các bức vách bị đâm chọc, Cha Ven đã phải ra nộp mình, bên trong áo còn giấu một cuốn sách nguyện, bên cạnh là một gậy tre có nhiều sợi giây đầu buộc chì, đó là giây đánh tội của người. Cha Ven và thầy Khang bị bắt giải về phủ Lý rồi về Hà Nội.
Quan coi phủ Lý là một người hiền hậu, làm xích và gông rất nhẹ. Trong tờ khai bắt đạo trưởng, quan thường phải ghi rõ nơi bắt được nên gặng hỏi Cha Ven ở đâu, Cha Ven đáp: “Tôi đến nước này để giảng đạo Công Giáo. Tôi đi khắp nơi, rất nhiều làng xã, nhưng không có chỗ ở nhất định. Tôi không kê khai những nơi đã đi vì quan muốn đánh đập những người đã chứa chấp tôi nên tôi sẽ không khai tên ai cả...”
Nhiều người hiếu kỳ đến xem mặt “người quỉ trắng” xinh đẹp và đặt ra những câu hỏi tò mò. Một ông ký lục đến hỏi Cha Ven có bực bội vì dân chúng đến không, Cha Ven vừa cười vừa nói: “Tôi không buồn gì mà trái lại vui là khác”.
Ðoạn cha cất tiêng nói to với đám người đứng xung quanh: “Anh em Việt Nam yêu quí của tôi, anh em hãy biết rằng tôi rời bỏ quê hương đến đây để tìm gặp anh em. Chính vì thế đám đông anh em đến đây làm tôi tràn ngập niềm vui”.
Trong số những người đứng đó cũng có những giáo dân vì không chịu đạp ảnh bị bắt đến đó làm tạp dịch, đã rón rén thưa với vị linh mục: “Thưa Cha”. Thế rồi họ sốt sắng xưng tội và vui sướng tràn ngập tâm hồn.
Tại Phủ Lý hai ngày, Cha Ven viết một lá thư về nhà đề ngày 3-12, cha cho biết ngày hôm sau sẽ bị giải về Hà Nội. Thế là cha ở giữa chiến trường xưng đức tin. Thiên Chúa dùng những người bé nhỏ để làm hoang mang những người vị vọng. Nhưng chính lúc này cha đẻ của người đã qua đời mà người không hay. Trên đường về Hà Nội, quan bắt dân phu các tổng trên đường cử người khiêng tù binh. Một người Công Giáo đã được chọn và mang một lá thư của Ðức Cha Theurel, bạn đồng hành của Cha Ven. Sau cùng Cha Ven được dẫn giải tới Hà Nội đi vào cửa Tây. Tại đây có đặt thánh giá trên cầu vào thành, cha yêu cầu họ cất đi nhưng họ không chịu, Cha Ven phải vẫy vùng cho cũi ngả nghiêng khiến họ buộc lòng phải nhấc thánh giá lên.
Trưa hôm 5-12-1860, đoàn người vừa vào trong thành thì quan án đã thẩm vấn thừa sai Âu Châu ngay. Trong các câu hỏi quan lộn lẫn giữa việc đạo và việc chính trị để tìm sơ hở kết tội cha làm loạn, chịu trách nhiệm về việc người Pháp-Tây đến đánh Cửa Hàn. Theo thư gửi gia đình hôm 2-1-1861, cha đã thuật lại cuộc thẩm vấn và các lời khai của người. Cha không khai tên Việt là Ven mà dùng đúng tên Pháp. Cha nhấn mạnh rằng cha đến với mục đích duy nhất để giảng đạo thật cho những người chưa biết, và vì vậy mà bị bắt và bị nộp cho quan. Không phải quan hay vua nước Pháp sai đến, song là mệnh lệnh của Vua Trời Ðất đi giảng đạo cho lương dân. Về lời tố cáo của quan tỉnh Nam Ðịnh gửi đến cho rằng Ðức Cha Liêu (Retord) xúi dân làm loạn, Cha Ven cực lực bác bỏ: “Tôi làm chứng rằng điều đó hoàn toàn là vu cáo. Ðức Cha Liêu khôn ngoan đủ để không làm điều xằng bậy như vậy. Chính tôi đã đọc thư chung của Ðức Cha Liêu cấm người tín hữu theo những người nổi loạn, và người sẵn sàng chết ngàn lần hơn là vấy máu vào việc nghịch”.
Cha Ven còn cho quan biết Ðức Cha Liêu đã chết ở Ninh Bình.
Cuộc thẩm vấn của quan án bỗng ngưng và mọi người đứng lên vì có lời thông báo quan tổng đốc Hoàng Văn Thu đến. Vị quan hiền hòa này nói ngay: “Ông đây là vị lãnh đạo người Công Giáo, tướng mạo thật đặc biệt. Ngươi biết luật lệ Annam cấm các người Âu Châu đến, sao còn dám lén vào. Chính các ngươi đã xúi dục lính Pháp đến gây chiến. Hãy nói cho thật nếu không ta sẽ cho tra tấn”.
- “Thưa quan lớn, quan hỏi tôi hai điều. Ðiều thứ nhất tôi xin thưa: Tôi được vua Trời Ðất sai đến giảng đạo cho người chưa biết ở bất cứ nơi nào hay quốc gia nào. Chúng tôi tôn trọng mọi luật pháp quốc gia đồng thời chúng tôi cũng tôn trọng luật của Vua Trời Ðất. Về câu hỏi thứ hai, tôi khẳng định rằng tôi không hề xúi dục người Châu Âu đến gây chiến ở Annam”.
Quan dụ dỗ: “Vậy ngươi hãy đi thuyết phục họ lui quân, ta sẽ tha cho”.
- “Thưa quan lớn, tôi không có tí thế giá nào để làm việc đó, nếu như hoàng đế truyền lệnh, tôi cũng đi nhưng chắc là không đạt được mục đích, tôi trở về vẫn phải chết”.
- “Ngươi có sợ chết không?”
- “Thưa quan, tôi không bao giờ sợ chết, tôi đến đây để giảng đạo thật, tôi không làm điều gì lỗi đáng phải chết cả, nhưng nếu người Annam muốn giết tôi, tôi sẵn lòng đổ máu ra vì người Annam.”
- “Vậy ông có thù ghét người giết ông không?”
- “Chắc chắn là không, vì đạo Công Giáo dậy chúng tôi phải yêu mến cả những người ghét bỏ mình”.
Quan tiếp tục hỏi nhưng câu thông lệ, như kê khai người chứa chấp và bắt ép đạp ảnh. Cha Ven quyết liệt nói lên ý chí của mình: “Làm sao đạp ảnh được, tôi đã giảng dậy đạo thánh giá cho tới ngày hôm nay, tại sao quan lại bắt tôi chối đạo. Tôi không coi mạng sống dưới trần này trọng gì mà phải chối đạo để giữ mạng sống?”
Quan vặn lại: “Tại sao lại trốn tránh?”
- “Thưa quan, đạo cấm việc cậy sức riêng mình. Nhưng nếu Trời muốn tôi bị bắt thì tôi tin rằng Người sẽ ban sức mạnh để tôi chịu mọi cực hình và bền vững xưng đạo đến chết”.
Ba lần ký lục bắt Cha Ven viết lời khai có chữ tà đạo, cha nhất mực bắt thay vào bằng chữ đạo Giatô, còn nếu quan muốn thì thêm vào sau. Ngay hôm đó các quan làm bản án và ngày 17-12 gửi về Huế. Bản án viết: “Ðạo trưởng Tây gọi là cố Ven, nhưng tên thực là Vena, bị kết án vì mù quáng và cố chấp đã rõ, luận phải chặt đầu và bêu đầu ba ngày rồi buông sông”.
Trong hai tháng bị giam trong cũi cao 1m55, dài hai mét và rộng 1m20, Cha Ven đã mua vui những người lính canh bằng những bài ca Latinh, và giữa đêm Sinh Nhật đã hát những bài ca Giáng Sinh hân hoan trong bầu khí thinh lặng. Về sau bà Nghiên và bà Xin được phép nấu cơm cho Cha Ven và nhờ đó đã có thể khôn khéo đem Mình Thánh Chúa cho người, kẹp trong lá trầu tươi. Bình thường Cha Ven hướng về một nhà thờ xa xăm nào đó có đặt Mình Thánh để cầu nguyện. Với sự khôn khéo của một số giáo dân, họ đã có thể đưa Cha Thịnh đến giải tội cho Cha Ven. Giữa cảnh tù đầy, Cha Ven vẫn có một tâm hồn thanh thản như ao hồ mùa thu. Một lần bà Xin thấy bên cạnh cũi có con chuột định đánh đuổi thì Cha Ven bảo: “Ðừng làm vậy, hãy để chúng nhảy nhót, đó là điều giải trí của cha”.
Một số quan nhỏ hay lui tới nói truyện và bàn bạc về hạnh phúc: “Tại sao lại đến đây để chịu chết?” Cha Ven trả lời: “Chính vì tôi là một linh mục, tôi thương xót các linh hồn. Tôi đến chỉ để rao giảng tin mừng, một con đường hạnh phúc”.
Ông quan nhỏ tỏ ra thán phục lời nói cương quyết của cha nhưng lịch sự đáp lại:
“Thưa ngài, ở đây, cái chết đang chờ ngài chứ đâu có hạnh phúc?”
Mỉm cười, Cha Ven đáp: “Tôi rất sung sướng được chết, ông thấy không?”
Cha Ven luôn ao ước vinh dự được chết vì Chúa, theo gương Thánh Phaolô tông đồ, trong các thư gửi cho gia đình và bạn bè người luôn ký tên là người tù của Chúa Giêsu. Viết cho Ðức Cha Theurel, người mượn lời Thánh Martin như sau: “Lạy Chúa nếu con còn làm ích được cho dân Chúa con không từ chối làm việc, nhưng với lời Thánh Phaolô con thưa: Giờ ra đi của con đã gần. Ðối với đức cha, Chúa Kitô là cuộc sống, phần con, con chiếm đoạt bằng cái chết”.
Trong thư gửi cho Ðức Cha chính Jeantet, người viết mấy vần thơ ca tụng Bắc Việt như sau:
“Ôi Bắc Việt cao quí,
Ðất được Chúa chúc lành.
Quê hương của bao nhiêu vị anh hùng đức tin.
Tôi đến để phục vụ ngươi.
Hạnh phúc được sống và chết vì ngươi”.
Trong thư gửi cho người cha già, Thừa Sai Vénard viết: “Tại đây, từ quan cho đến người lính gác đều lấy làm tiếc luật pháp nước này kết án con. Con không hề bị đánh đập như một số đồng bạn khác. Chỉ một lát gươm vào cổ, con sẽ như bông hoa mùa Xuân mà chủ vườn ngắt lấy vì thích thú... Tất cả chúng ta đều là những bông hoa Chúa trồng và ngắt về theo thời gian, người sớm kẻ muộn”. Trong thư từ giã chị Mélanie mà Cha Ven coi như hai tim hòa nhịp cảm thông và yêu thương từ hồi nhỏ, người viết: “Bây giờ gần nửa đêm. Chung quanh cũi gỗ là những rừng gươm giáo. Trong góc căn phòng một toán lính đang chơi bài, một toán khác chơi xúc sắc. Thỉnh thoảng lính canh đánh trống điểm canh. Cách chỗ em hai thước, một ngọn đèn dầu leo lét trên tấm giấy tầu giúp em có thể viết cho chị những dòng chữ này. Em chờ đợi từng ngày bản án. Có lẽ ngày mai em sẽ bị điệu ra nơi pháp trường chịu chết. Ôi hạnh phúc thay cái chết, một cái chết mong ước từ lâu để đưa về cõi sống...”
Thật vậy từng ngày Cha Ven nhìn lính phu trạm đưa thư vào dinh quan mà nôn nao dò hỏi xem có phải là bản án tử của triều đình không. Cha viết cho Ðức Cha Theurel: “Mỗi bình minh tôi chào mừng dường như bình minh của trường sinh bất tử nhưng vĩnh cửu vẫn chưa mở cửa cho tôi”. Ðúng ngày lễ Ðức Mẹ dâng mình, ngày mùng 2-2-1861, Cha Ven được báo tin để ra pháp trường. Cha mặc áo mới của đại lễ mà cha đã bảo bà Nghiên may sẵn, một chiếc quần dài trắng, một áo ngắn trắng và một áo dài bằng lụa màu đen, một cái khăn đống mầu đen, giây thắt lưng và dép, tất cả mới toanh. Với thái độ điềm tĩnh cha khuyên nhủ từ biệt hai thầy giảng và bạn tù: “Chúng con hãy can đảm chịu đựng khổ cực. Trên trời cha không quên chúng con”.
Người trao cho bà Nghiên cuốn sách nguyện, tràng hạt và cây thánh giá. Lính đem bữa ăn thịnh soạn cuối cùng cho tù nhân, Cha Ven nói: “Này các bạn tôi không dùng đâu, hôm nay tôi sẽ được no đầy sung sướng”.
Nhưng lính canh nào có hiểu được ý nghĩa cao sâu, nói đùa với cha: “Xin ngài hãy can đảm lên, dùng một chút cho có sức mạnh ra ngồi một mình một chiếu”.
Hai trăm lính hộ tống quan lớn đem Cha Ven ra khỏi thành. Cha Thịnh đã được dặn khi ra khỏi thành 200 thước Cha Ven sẽ giơ tay để lên trán thì ban phép giải tội cho người. Nhưng vì vội quá Cha Thịnh không hay biết nên Cha Ven nhớn nhác tìm kiếm...
Ðám đông dân chúng Hà Nội đi theo, quan án lên tiếng nói: “Thưa thầy, thầy và đồng đạo coi cái chết như là đạt được ước nguyện, là niềm vui khôn xiết. Vậy xin ngài hãy thỏa lòng. Vua và hội đồng nội các kết án ngài, còn chúng tôi không muốn máu ngài phải đổ ra đâu”.
Cha Ven đáp lại: “Chắc chắn là vậy. Người Công Giáo coi cuộc sống ở đời này là cuộc lưu đầy tạm gửi, còn cái chết là trở về quê thật. Nhưng nếu tôi chết trước thì các ngài quan lớn cũng đến ngày cùng, một ngày không xa, không hơn không kém gì tôi, nhưng các ngài sẽ phải ra trước mặt đấng thẩm phán chí công”.
Với đám đông Cha Ven phân phô: “Anh chị em biết rõ tôi hoàn toàn vô tội, dầu vậy các quan đem tôi đi xử... Ôi tôi sung sướng thay!Tôi rời bỏ quê hương tôi, vượt qua trùng dương mênh mông đầy nguy hiểm, tôi đến nước này để loan báo đạo Chúa Giêsu và mở cửa trời cho đoàn lũ vô số linh hồn. Phần thưởng nào sẽ dành cho tôi, chính là cái chết, nhưng cái chết đẹp nhất trên mọi cái chết khác...”
Thế rồi người hát bài ca Ngợi Khen (Magnificat) bằng tiếng Latinh. Tới bờ sông, khi mọi sự sẵn sàng tên đao phủ mánh khóe nói người phải xử bá đao nên phải cởi áo quần, với dụng ý lấy bộ quần áo mới không nhuốm máu của người. Lưỡi gươm lâu ngày cùn, tên lính đao phủ xin xỏ với người cho tiền nếu nó chém ngon cho người chết tốt, nhưng Cha Ven bảo tên lính chém càng nhiều nhát càng tốt. Thế là Cha Ven bị chém bốn nhát đầu mới rơi khỏi cổ. Hôm ấy cha được đúng 31 tuổi, hai tháng và 11 ngày, đã truyền giáo ở Bắc Việt 6 năm 6 tháng và 15 ngày. Chính lúc xử một đám mây bao phủ trên trời.
Xác cha được chôn tại bờ sông còn đầu bị bêu ba ngày và buông sông. Vì là sát ngày Tết Việt Nam nên mãi tới ngày 15-2 mới vớt được đầu người, cách Hà Nội 16km, và ngày 24-2 được đem đến trao lại cho hai Ðức Cha Jeantet và Theurel đang trốn ở Kẻ Trù. Ngày 3-7-1862 giáo dân sửa lại mộ của người đưa về Ðông Trì, và khi điều tra phong thánh, chủng viện thừa sai đòi đem xác người về Pháp năm 1865, nhưng đầu của người vẫn được giữ lại trong địa phận Hà Nội.
Báo chí tại Pháp đăng tải những thơ hồn nhiên và cảm động của Cha Thánh Ven và bắt đầu sùng kính người, nhất là tại sinh quán của người, Saint Loup Sur Thouet, dân chúng hàng năm làm lễ kỉ niệm. Người trở thành vị thánh đặc biệt của Thánh Têrêsa Hài Ðồng. Bốn tháng trước khi chết, Thánh Têrêsa đã nói với mẹ bề trên Agnes: “Năm ngoái khoảng tháng 11, lúc ấy là ngày con đáng lẽ đi Bắc Việt như chương trình, mẹ nhớ không? Ðể có một dấu chỉ là ý Chúa muốn con đi, con làm tuần cửu nhật kính Cha Theophane Vénard. Trong tuần này con có thể tham dự mọi việc với cộng đoàn, kể cả giờ kinh sáng. Chính trong tuần cửu nhật, con bắt đầu ho, và từ đó mỗi ngày tệ hơn. Chính người gọi con”.
Trước khi chết, Thánh Têrêsa Hài Ðồng còn viết một bài dựa theo những dòng chữ của Cha Vénard khi ở trong cũi Hà Nội, phó thác và chờ đợi cái chết với lòng bình thản như hồ nước lặng yên.
(bị bắt 3-1-1861, xử trảm 7-41861 tại Mỹ Tho)
Năm 1853 Cha Phêrô Lựu đang coi họ Mặc Bắc thì bị tố cáo với quan nên đức cha đổi đi nơi khác và sai Cha Minh về thay, khiến người mất cơ hội tử đạo. Cha Lựu khi đến nhà tù thăm Cha Minh đã nói: “Thật cha có phúc còn tôi chẳng được may, cha đã lấy mất triều thiên tử đạo của tôi vì vừa đúng 18 ngày tôi phải rời đi thì cha bị bắt thế chỗ tôi”. Thiên Chúa thật công minh đã nhìn thấy rõ lòng dạ kiên trung của vị linh mục nhiệt thành, ban phúc tử đạo cho người khi thời giờ thuận tiện.
Cha Phêrô Nguyễn văn Lựu sinh khoảng năm 1812 tại Gò Vấp gần Sài Gòn. Cha người là một thương gia quê ở Bình Ðịnh tới đây lập nghiệp. Khi được 5 tuổi gia đình lại trở về Bình Ðịnh, trong làng Xom Quan. Tới tuổi trưởng thành, chú Lựu được gửi tới cậu là Cha Thân để học hành. Hai ba năm sau chú Lựu được nhận vào chủng viện học với Thừa Sai Lefebvre, và năm 1838 chú được gửi sang học tại Penang. Cha Thuyết cùng học với người và làm việc với nhau đã làm chứng rằng: “Tôi thấy thầy Lựu rất chăm chỉ học hành, giữ luật phép rất cẩn thận, sốt sắng đọc kinh và siêng năng lãnh nhận các bí tích. Tính người rất nghiêm thẳng, hay giúp đỡ bạn bè và không bao giờ ca thán điều gì”. Năm 1844, Thầy Lựu về nước ở với Ðức Cha Cuénot cho tới khi tòa thánh phân chia địa phận Sàigòn thì Ðức Cha Lefebvre lấy lý do thầy sinh ở Sàigòn thì thuộc về Sàigòn.
Theo đức cha về Sài Gòn tạm trú ở Chợ Quán tại nhà Thầy Ngoi để học thần học, Thầy Lựu được chịu các chức nhỏ tại Lái Thiêu và đi dậy giáo lý cho những người tân tòng. Sau khi chịu chức phó tế, Thầy Lựu đi giúp Cha Thuyết là bạn học làm linh mục trước tại họ Ðầu Nước. Trong thời gian này Cha Thuyết làm chứng rằng “Thầy Lựu rất sốt sắng giúp bổn đạo, yêu thích dậy giáo lý cho các trẻ em và đi thăm các giáo dân ở rải rác giữa các làng ngoại đạo. Tôi không bao giờ thấy thầy khô khan hay ngại ngùng làm việc”.
Sau khi thụ phong linh mục, Cha Lựu coi sóc họ đạo Mặc Bắc, thường ở nhà ông trùm Lựu và bị mấy người Công Giáo xấu tố giác với quan tỉnh nên đức cha đổi người về họ Sađéc để tránh bị bắt, và Cha Minh người thay thế đã bị bắt và tử đạo. Cha Thuyết kể lại rằng Cha Lựu thường đôi khi uống tí rượu trong bữa ăn, nhưng người quyết định bỏ hẳn vì sự kiện sau đây. Một hôm gặp nhau trên sông Mêkông, sau khi đã ăn cơm Cha Lựu mời người uống rượu nhưng người từ chối. Cha Lựu nói: “Cha không uống rượu là phải, đúng ra rượu là thứ xa xỉ, nó làm cho buồn ngủ và hơn nữa gây gương xấu”. Nói xong, Cha Lựu đập bể chai rượu và nói: “Thế là xong, từ nay không uống nữa”.
Tại Sađéc có một giảng viên giáo lý và làm trùm trong họ, nhưng có tính thù hằn và lợi dụng địa vị để làm điều bất chính. Sau nhiều lần cảnh cáo không được Cha Lựu đã nghiêm khắc mắng công khai: “Ông chèn ép anh em thì chính ông và con cháu sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt”. Một năm sau ông trùm Thi bị bắt, các con sống hoang đàng túng thiếu.
Dù ở đâu Cha Lựu cũng rất can đảm liều mình vào nhà tù viếng thăm các tín hữu xưng đạo. Nếu có ai cản ngăn, cha nói: “Các quan không có bắt tôi”. Cha thường khuyên nhủ: “Bằng cách này hay cách khác, chúng ta đều phải chết vì thế tôi khuyên anh chị em hãy can đảm theo vết chân Chúa. Ðược chết vì đạo là điều đáng mong ước nhất”. Chính vì lòng hăng hái thăm viếng các anh hùng xưng đạo trong nhà tù mà Chúa thưởng công cho người. Khi đổi về họ Xoài Mút, tỉnh Mỹ Tho, Cha Lựu bốn lần vào nhà tù đầy các tín hữu can trường, và trong đó có Cha già Thiềng 80 tuổi cần giúp đỡ. Cha Lựu cho quan cai ngục là Huy 100 quan tiền để ông này cho phép vào nhà tù thăm, nhưng lần thứ năm một người lính tên Bảy đã chận lại. Lần sau khi vào trong tù, người giúp việc Cha già Thiềng đưa cho Cha Lựu một lá thư, cha bỏ vào túi áo nhưng rủi bị rớt xuống đất, và ông cai Cư Hội trông thấy liền xáp lại bắt. Cha Lựu xưng ngay mình là đạo trưởng.
Trước mặt ba quan bộ, án và lãnh binh, cha khôn khéo trả lời để không ai phải liên lụy vì người:
- “Ông theo đạo Công Giáo?”
- “Vâng”.
- “Giữ chức vụ gì?”
- “Ðạo trưởng”.
- “Ông đã ở những đâu và trong những làng nào?”
- “Tôi không có nơi ở nhất định nhưng đi đây đó những nơi có người Công Giáo”.
- “Cha mẹ ông ở đâu?”
- “Cha mẹ tôi chết cả rồi, mình tôi còn lại”.
- “Ông có sang học bên tây phương không?”
- “Tôi không học ở tây phương nhưng ở đảo Penang”.
- “Ai phong cho ông làm đạo trưởng?”
- “Ðức Cha Ðominicô”.
- “Ông ấy đang ở đâu bây giờ?”
- “Theo lệnh vua người đã trở về châu âu rồi”.
Sau những câu hỏi trên quan không bắt Cha Lựu khai tên ai được để bắt thêm và làm tiền những người liên hệ, quan ra lệnh cho cha đạp ảnh. Cha dõng dạc trả lời: “Ðạo đã ăn sâu vào tận xương tủy tôi làm sao tôi chối bỏ được? Người giáo dân, thầy giảng còn không dám bỏ đạo, làm sao đạo trưởng, đứng đầu giáo dân lại dám làm”.
Lần khác quan bắt bẻ Cha Lựu: “Tại sao các ngươi bất tuân lệnh vua và theo đạo ngoại lai, một thứ đạo của người mọi rợ tây phương? Tại sao các ngươi ăn bánh miến mê hoặc và thống trị các người khác?”
Các quan còn hỏi về vụ liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Ðà Nẵng, và yêu cầu Cha Lựu đến gặp họ để xin họ rút quân. Cha Lựu trả lời mình không dính líu gì tới chiến tranh và không có quyền thế gì để nói với người ngoại quốc điều ấy. Sau cùng quan dụ dỗ người bỏ đạo: “Theo luật pháp quốc gia tội ông rất nặng, hãy đạp ảnh và bỏ đạo, hoàng đế sẽ gia ơn giảm án cho, vì tội ông chắc chắn phải chết”.
Cha Lựu một lần nữa khẳng khái thưa: “Tôi đã giữ đạo từ thuở bé. Ðạo không dậy điều gì trái ngược với quốc gia, còn điều quan ra lệnh cho tôi thì ngược lại với lẽ phải”.
Bị giam giữ trong tù, cổ đeo gông, tay chân mang xiềng xích Cha Lựu vẫn vui tươi khích lệ các tín hữu khác. Nhiều lần các tín hữu thấy người quì gối đọc kinh hoặc ngồi đan giỏ bán lấy tiền giúp các bạn tù. Ðêm trước khi bị hành quyết Cha Lựu nằm mộng thấy một quả cầu lửa rơi xuống dưới chân ngay chỗ cùm chân, cha liền đánh thức thầy giảng và kể lại.
Hôm 7-4-1861, ngày hành quyết, lúc 8 giờ sáng quan sai một người lính vào trong nhà tù tuyên đọc bản án rồi tháo gỡ xích xiềng và dẫn Cha Lựu ra sảnh đường. Ngoài đó quan giám sát tên Thôn Phan Chan, cỡi ngựa cùng với 50 binh sĩ đứng chờ. Ðoàn người bắt đầu đi ra pháp trường, đi đầu là quan giám sát, lính xếp thành hai hàng, ở giữa là ba người chính của buổi hành quyết. Ði đầu là tên lính rao cầm thẻ án ghi như sau: “Nguyễn Văn Lựu, đạo trưởng, không chịu từ bỏ tà đạo và đạp ảnh, nên bị triều đình lên án tử”. Ngay sau người cầm thẻ án là vị anh hùng tử đạo, cổ đeo gông, tay bị trói đàng sau. Tiếp đến là tên lính đao phủ cầm gươm sáng quắc và một tay cầm giây xích tội nhân. Pháp trường ở ngoài thành khoảng một ngàn bước, trên con lộ từ Mỹ Tho đi Sài Gòn.
Cha Lựu quì gối đọc kinh chừng 10 phút trong khi lính tháo gông, sửa soạn hình cụ. Sau ba tiếng chiêng, tên lính đao phủ lành nghề chém một nhát đứt đầu rồi mọi người bỏ chạy sợ hồn người chết nhập. Còn lại chỉ một tên lính gác xác. Khoảng chừng mười giáo dân theo sau ở đàng xa liền cho hắn năm quan tiền để xin phép đem xác đi an táng. Giáo dân các họ Xoài Mút, Ba Giồng và Thủ Ngũ cũng vừa tới nơi kịp để lo việc tống táng. Họ lấy bông thấm máu, may đầu lại vào cổ, cuốn chiếu thấm đầy máu lại và bỏ vào quan tài. Họ đào lỗ chôn vị chủ chăn dũng cảm ngay tại pháp trường, gông đặt dưới chân và hũ đất thấm máu trên đầu. Ngày nay giáo dân đã xây một ngôi thánh đường để ghi dấu chiến thắng và lưu giữ hài cốt của vị anh hùng tử đạo tại Vĩnh Tường, Mỹ Tho.
(bị bắt và chém đầu tại Hưng Yên ngày 30-4-1861)
Cha Giuse Tuân, linh mục dòng Ðaminh, được mọi người ca ngợi nhân đức và lòng nhiệt thành tông đồ, sinh tại làng Trần Xá thuộc tỉnh Hưng Yên. Sau thời gian sống ngoan ngoãn tại nhà xứ, người được chọn vào chủng viện học làm linh mục. Với lòng sốt sắng cha xin gia nhập dòng Ðaminh.
Năm 1861 cuộc bắt đạo gắt gao cha phải trốn tránh. Tuy nhiên một giáo dân ở Ngọc Ðồng tham tiền đã nộp cha cho quan để lấy tiền thưởng. Ông giả vờ tìm cha đi xức dầu cho mẹ đang ốm để khám phá ra chỗ ẩn náu của cha và sau đó đem nộp cho quan huyện. Cha Giuse Tuân bị bắt dẫn giải về tỉnh Hưng Yên. Năm ấy cha đã 50 tuổi.
Theo các chứng nhân cha bị giam tù trong hai tháng, ngày mang gông xiềng và đêm bị cùm chân. Không ai biết cha có bị tra tấn hay không, nhưng mọi người nói rằng cha được binh lính kính nể. Cha sốt sắng cầu nguyện và nâng đỡ các thầy giảng cũng như giáo dân cùng bị giam tù.
Ngày 30-4-1861 Cha Giuse Tuân cùng với tám thầy giảng bị đem ra bờ sông chém đầu và buông xác xuống sông. Bà Anna Binh thuật lại rằng: Cha Giuse Tuân đã đi đến nơi hành hình với vẻ mặt cương quyết vui tươi, mặc dù bước chân chậm chạp vì sức nặng của xiềng xích. Tới nơi, người quì gối kêu cầu thánh danh Giêsu và đưa cổ ra cho lý hình chém. Hôm ấy có rất đông người chứng kiến và sau khi đầu rơi xuống, dân chúng ào vào lấy khăn thấm máu.
(bị bắt 2-1-1861, xử trảm 26-5-1861)
Suốt trong 17 năm làm linh mục Cha Hoan đã xây dựng giáo hội tại địa phận Huế. Ngoài việc coi sóc họ Kẻ Sen, Bãi Trời và Thừa Thiên, cha còn gầy dựng 11 linh mục nghĩa tử và bao nhiêu linh mục trẻ học tập với người. Ðức Cha Cuénot Thể khi sai Cha Trương Văn Thơ mới chịu chức về giúp Cha Hoan, đức cha nói: “Cha cứ yên tâm vì tôi biết Cha Hoan từng trải sẽ giúp cha biết cách làm việc tông đồ”.
Trong suốt 25 năm bắt đạo cha đã lèo lái giúp đỡ giáo dân trong cơn sóng gió.
Cha Gioan Hoan sinh trưởng trong một gia đình đạo đức và được ông Bartôlômêô Sương và bà Isave Diêm giáo dục đức tin vững mạnh. Người sinh năm 1798 tại họ Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, là con thứ tư trong gia đình, ba trai hai gái. Hai người con gái đều đi tu trong dòng Mến Thánh Giá. Hai ông Cung và Chiên đều bị gông cùm vì đức tin và chết rũ tù. Cha thánh Hoan khi còn nhỏ ở với cha cậu tên là Kiệt để học tập nhân đức và chữ nghĩa. Sau đó cậu Hoan được bề trên gửi đi học ở chủng viện Penang. Mãn tràng, Thầy Hoan theo giúp Ðức Cha Taberd và được Ðức Cha Cuénot phong chức linh mục năm 1836 giữa cơn bắt đạo dữ tợn của Minh Mệnh.
Cha Hoan lần lượt được cử coi sóc họ Kẻ Sen ở Quảng Bình, rồi họ Bãi Trời tỉnh Quảng Trị, và khi tình thế khó khăn, đức cha kêu người về coi giáo dân ở Thừa Thiên. Bị tố giác với quan, cha phải ra Quảng Trị, và Mỹ Hương, tỉnh Quảng Bình, là nơi cuối cùng khi người bị bắt.
Tuy dù người có tính nóng nhưng người đã hết sức kìm hãm bằng cách ăn mặc khó nghèo, của ăn thanh đạm và hay thương người. Trước hết người lo lắng cho giáo dân được lòng đạo đức nên siêng năng giảng dậy và ban các bí tích, nhất là thăm viếng kẻ liệt và người khô khan. Có một lần họ Kẻ Sen bắt được một tên chuyên nghề ăn cắp, mọi người muốn xử tử nhưng họ kính nể cha bổn sở nên hỏi ý người. Sau khi nghe mọi người buộc tội tên trộm cắp, Cha Hoan lẳng lặng đến bên anh ta, khuyên can và cởi trói khiến mọi người hiểu bài học cha muốn dậy mọi người phải thi hành lời Chúa dậy trong Phúc Âm tha thứ cho kẻ thù.
Ðầu tháng Giêng năm 1861, Cha Hoan đến họ Sáo Bùn (Mỹ Hội) để sửa soạn giúp giáo dân dự lễ Ba Vua thì có người ngoại đạo biết được và tố giác với quan. Chính Ðức Cha Sohier Bình kể lại việc người bị bắt như sau:
Ngày 2-1-1861, một số người lương tố cáo với quan án tại Ðồng Hới là có đạo trưởng trong vùng. Lập tức quan cho lệnh lính ngăn chận các ngả đường, và chiều xế chính quan án mang một đạo quân đến bao vây cả làng. Giáo dân hay tin trước kịp đưa Cha Hoan lên thuyền chèo đi trốn. Trên sông thuyền Cha Hoan gặp thuyền lính rượt theo. Giáo dân đưa cha lên bờ trốn vào đống rạ, rồi thuyền chèo tiếp đánh lừa bọn lính. Ðêm hôm ấy tình cờ hay là thánh ý Chúa định, cũng có một tên lính đứng canh ở đống rạ nơi Cha Hoan núp. Nghe động tĩnh, tên lính hô: “Ai đó, xuống ngay nếu không tôi đâm giáo chết”.
Cha Hoan biết không còn cách nào nên tự xưng mình là linh mục và thong thả bước ra chịu bắt.
Vẫn theo bài tường thuật của Ðức Cha Sohier, quan hỏi: “Ông có phải là linh mục không?”
- “Vâng tôi là linh mục”.
- “Tên tuổi của ông là gì, và gia đình ông ở đâu, đã đến đây từ bao lâu?”
- “Tôi tên là Hoan, cha mẹ chết sớm. Tôi mới tới đây được hai ngày”.
Quan ra lệnh đóng gông thật nặng và canh giữ nghiêm ngặt. Sáng sớm hôm sau các bà lớn đến xem mặt vị cố đạo và dụ dỗ: “Này ông hãy đạp thánh giá đi rồi các quan sẽ trả tự do cho”.
Cha Hoan dõng dạc nói: “Tôi không ngừng khuyên nhủ tín hữu Kitô phải ghê sợ tội phạm này, lẽ nào bây giờ chính tôi lại dám phạm”.
Ðến lượt quan lớn ra lệnh mang cha tới vừa đe dọa vừa nguyền rủa và sai giam vào ngục. Ðêm hôm sau cha bị đeo gông và cùm chân nhưng một ít lâu người lính tháo gông cho cha.
Phiên xử cha xảy ra hôm 4-1 có mặt ba quan lớn. Cùng bị xử với cha có chín giáo dân. Sau khi quan luôn hồi hỏi các câu hỏi, cha lần lượt đáp: “Tôi tên là Hoan, 64 tuổi, sinh tại Thừa Thiên. Trong thuở thiếu thời tôi theo Ðức Cha Taberd và giúp người dịch các sách ở kinh đô. Sau đó tôi theo người xuống miền Nam nhiều năm và được chịu chức linh mục. Tôi đến địa phương này mới có hai ngày ở trong một nhà bỏ hoang. Tới bữa ăn có mấy em bé mang thức ăn tới tôi cũng không hỏi ai ra lệnh cho chúng mang tới cũng như tên của chúng, vì tôi không có thói quen hỏi tên người cho tôi ăn uống”.
Các quan biết là cha muốn che giấu không khai tên các giáo dân, nên ra lệnh trói chân tay vào cọc nằm sấp xuống chịu đòn. Nhưng Cha Hoan vẫn không nói một lời nào thêm. Sau đó các quan hỏi đến Mateo Phượng là người đã tiếp đón Cha Hoan theo lời tố giác của người lương, và bị bắt ngày 2-1.
Mấy ngày sau các quan lại họp để tra hỏi thêm. Cha Hoan bị bắt nằm xuống đất, chân tay trói vào cọc để chịu kìm kẹp, nhưng quan tuần trông thấy động lòng không ra lệnh cho lý hình. Dù vậy nằm căng như thế người cũng đau đớn dữ dằn, và sau năm tiếng đồng hồ dưới ánh nắng mặt trời chói chang, cha khô cổ không còn nói được nữa.
Cuối tháng ba các quan muốn viết bản án nên đem các tù nhân ra tra hỏi lần cuối. Quan nói với ông Phượng: “Nếu ngươi không nhận là đã nuôi nấng Cha Hoan, chúng ta sẽ tra tấn con cái của ngươi”.
Cha Hoan nói với ông Phượng nhận là đã nuôi Cha Hoan. Thế là Cha Hoan và ông Phượng bị kết án tử hình, tịch thu tài sản, còn những người khác phải lưu đầy là ông Biện, Thầy Huệ, ông Quế và bà Ban. Bốn người khác can vào vụ này còn trốn thoát sẽ bị kết án khi bắt được.
Trong nhà tù Ðồng Hới, Cha Hoan gặp lại nhiều giáo dân bị bắt, người an ủi và giúp họ can đảm. Người cũng được lòng lính canh cảm phục để cho giáo dân đến thăm viếng. Ðức Cha Sohier viết rằng người nhiều lần sai linh mục đến để giải tội và mang Mình Thánh Chúa cho Cha Hoan và các bạn tù. Trên hết Cha Hoan vui mừng vì được chịu khổ vì đạo và ước ao chóng đến ngày được đổ máu ra làm chứng cho đức tin.
Ngày 25-5, khi hay tin vua đã phê án, Cha Hoan đi từ giã các tù nhân và khuyên nhủ họ: “Giờ cuối cùng của cha không còn xa, nhưng phần các con, còn phải ở lại thế trần này, các con hãy cầu nguyện cho cha để cha được làm trọn thánh ý Chúa”.
Khi người ta đưa tin loan báo án của cha đã về tới, cha kêu lên: “Con xin tạ ơn Chúa vì đã cho con biết giờ được đổ máu ra làm vinh danh Chúa”.
Thoạt đầu mới nghe tin hành quyết, cha tự nhiên cảm thấy run sợ, nhưng ngay sau đó, cha thấy niềm vui tràn ngập. Người trối trăn: “Anh em chôn xác cha đâu tùy ý, đừng làm đám ma to lớn. Cha cám ơn Chúa vì mọi việc đã hoàn tất”.
Chiều hôm ấy cha vẫn còn giải tội và khuyên bảo nhiều người, tới hai giờ đêm mới đi nghỉ. Mới 4 giờ sáng cha đã thức dậy để cầu nguyện và giải tội cho một số người khác. Tất cả tù nhân đến trước mặt từ biệt. Cha nói: “Anh em yêu quí, hãy tỉnh thức và cầu nguyện để tôi có thể tiến bước theo chân Chúa cho đến cùng. Tôi xin mượn lời Thánh Phaolô để nói với anh em: Các anh em hãy bắt chước tôi như tôi đã bắt chước Chúa Kitô. Ðến lượt anh em cũng hãy theo gương Chúa Kitô”.
Sáng 26-5, vẫn theo bài tường thuật của Ðức Cha Sohier năm 1862 và lời khai của Cha Trương Văn Quang, lúc ấy là chú theo giúp Cha Hoan, thì cai đội Máy đến nhà tù đem Cha Hoan ra, đồng thời cũng kêu ông Phượng bị giam ở phòng khác và không hay biết gì về việc mình phải xử.
Ông cai đội cầm bản án viết trên gỗ như sau: “Tự Ðức năm thứ 14, ngày 17-4, tên Hoan là linh mục, dậy đạo và lừa dối nhiều người, luận phải xử chém lập tức”. Ông cai đặt gông lên cổ Cha Hoan và bốn tên lính cầm giáo áp tải và 40 tên lính hộ tống đi ra cửa thành. Cha Hoan mặt rạng rỡ vui tươi.
Ðến cửa thành quan cho dừng lại và theo thói quen sai lính mang thức ăn cho người tử tù. Cha Hoan không dùng gì và đoàn quân lại tiếp tục đi đến pháp trường, là cánh đồng trống ở ngoài thành gần làng Phú Ninh. Tới nơi, giáo dân trải chiếu để cha quì lên trên. Cha Hoan làm dấu thánh giá và quì gối xuống để cho lý hình tháo gông, nhưng thay vì chờ thợ rèn, lính lấy tay bẻ gông làm sây sứt cổ và đau đớn cho cha khiến cha té nhào. Sau đó lính cởi áo tù nhân và lột bỏ áo Ðức Bà Camêlô, nhưng người xin họ để nguyên. Quan giám sát hỏi cha muốn quì chịu xử hay cột vào cọc, người xin quì. Sau hồi lâu cầu nguyện mắt hướng về trời, cha nói với lý hình, tôi đã sẵn sàng. Lý hình nhảy múa chờ trống lệnh để chém xuống. Nhát đao thứ nhất chém trúng vai khiến Cha Hoan té ngửa, tên lính túm tóc cha ngồi lên và chém nhát thứ hai vào má, tiếp theo hai nhát nữa, sau cùng chém trúng cổ cho đứt, đầu văng ra xa khoảng năm bước.
Giáo dân được phép vào thấm máu và tẩm liệm đem xác cha an táng trọng thể tại nghĩa địa của các nữ tu ở Mỹ Hương. Ðức Cha Sohier kết thúc bài tường thuật cho biết rằng quan án Nguyễn Văn Tùng sau đó bị bắt và bị kết án, quan tuần Ung và quan bộ Ta cũng bị giáng chức và giam tù. Tính cho tới ngày 22-8-1861 trước khi có lệnh phân sáp tại nhà tù ở Huế có 98 anh hùng xưng đạo, tại Quảng Trị 24, và Quảng Bình 41 người.