(bị bắt 3-1-1861, xử trảm 26-5-1861 tại Phú Ninh)
Năm 1862 Ðức Cha Sohier coi sóc địa phận Huế đã thuật lại lời cuối cùng của ông Phượng nói với hai người con trai và người con gái đi tu như sau: “Chúng con hãy vui lòng, số phận của cha như vậy là phúc lắm. Các con đừng khóc, đừng buồn phiền. Hãy yêu thương giúp đỡ lẫn nhau”. Khi không thấy người con trai út là Thắng, ông lo âu hỏi thăm thì được biết con đã trốn ra Bắc Việt.
Phúc tử đạo là một phần thưởng cho những hoạt động tông đồ của người như là một thầy giảng trong họ đạo Sáo Bùn với trọng trách rửa tội cho các trẻ sơ sinh, dậy giáo lý cho các trẻ em, thăm viếng bệnh nhân và nhất là tiếp rước các cha các thầy về làm phúc, điều này là một nguy hiểm liều mạng trong thời cấm đạo. Ngoài ra ông Phượng còn là người có chí lập thân khi cha mẹ chết lúc mới 12 tuổi, và là người cha gương mẫu, không tái giá khi vợ chết lúc 50 tuổi, và không gả con cho những người ngoại giáo.
Người có ba tên, tên Kế là tên chính thức, tên Ðắc là tên cha mẹ đặt cho và tên Phượng là tên người con gái đầu lòng. Người sinh năm 1801 tại Kẻ Lây, cũng gọi là Lý Nhơn thuộc tỉnh Quảng Bình. Cha là cai đội Nguyễn Văn Bường. Gia đình có năm người, ba trai và hai gái. Mồ côi cha mẹ lúc 12 tuổi, cậu Ðắc đi học thuốc với một người ngoại tên là Nhu nhưng ba năm sau gặp Cha Ðiểm được người nhận nuôi bẩy năm, và giúp ông lập gia đình với bà Agnes, con ông đội Khiêm ở Sáo Bùn. Lập gia đình rồi ông về ở đó luôn. Hai ông bà sinh được tám người con. Ban đầu làm nghề thuốc nhưng không được khá giả nên đổi sang nghề buôn bán và được dư giả.
Ðầu năm 1861 Cha Hoan về làm phúc cho họ Sáo Bùn, ông Phượng lo chỗ ăn ở cho người. Ngày 2-1 Cha Hoan bị bắt, và vì có người tố cáo nên ông cũng bị bắt, năm ấy ông được 60 tuổi.
Sáng 3-1, quan tới nhà ông Phượng hỏi: “Cha Hoan ở đâu?”
- “Cha không có ở đây”.
- “Ông nói rất khôn ngoan. Ông cha không có ở đây vì ông cha đã bị bắt đưa về tỉnh, nhưng ông có tội tiếp rước ổng”.
Ông Phượng chối nhưng quan tiếp tục tra hỏi nên ông đành trả lời: “Cha ở trong một nhà cuối làng”.
Thế là quan bắt và đánh ông 40 roi. Quan hỏi thêm: “Ông cha đến đây để làm gì?”
Ông Phượng giữ im lặng. Trong lúc này quân lính lục lọi nhà cửa lấy đồ đạc và tìm nơi chôn giấu vàng bạc. Họ bắt được nhiều đồ đạo và bắt đứa nhỏ nhất là Thắng để hỏi nơi giấu bạc, nhưng chú bé can trường không nói một câu. Lính lại đánh ông Phượng 80 roi nữa và đào bới những nơi hồ nghi và tìm được 20 nén bạc. Sau khi lấy của, quan giải ông về Ðồng Hới. Ông bị các quan tra hỏi và ép chối đạo bốn lần. Lần thứ nhất ông bị đánh 30 roi. Lần sau quan bắt ông nhận là đã chứa chấp Cha Hoan, ông cũng không nhận vì không biết Cha Hoan đã khai như thế nào. Ông bị giam riêng biệt không có dịp gặp Cha Hoan. Các quan chưa đủ lời khai để làm án nên tra hỏi thêm thì ông Phượng trả lời: “Các ông cứ hỏi Cha Hoan”.
Quan dọa nạt sẽ bắt các con của ông để đánh đập. Vì thế trước mặt quan cùng với Cha Hoan và các giáo dân khác, ông Phượng được sự đồng ý của Cha Hoan nên đã khai là khi Cha Hoan đến ông đã nuôi nấng người. Vì thế hai cha con được phúc tử đạo với nhau.
Trong thời gian giam tù có một tên thơ ký là Hằng đã năn nỉ ông Phượng gả cô Thu, con gái của ông đang tu tại dòng Mến Thánh Giá, cho hắn thì sẽ thoát chết. Ông Phượng đã trả lời: “Chết thì chết, tôi không bao giờ gả con cho người ngoại giáo”.
Trong tù ông thường ăn chay, chia bữa ăn thành ba bữa, ông chỉ ăn một còn hai bữa đem cho người khác. Sau này chính ông nấu cơm và tìm các thứ lá cây gần nhà tù để ăn. Ông nói với các con thức ăn chỉ cần sống qua ngày chờ ngày chết, nào có quan trọng gì. Ông mặc quần áo rách rưới và có ai tò mò hỏi lý do thì ông nói mặc như thế để đền tội của ông.
Một lần ông được lén về thăm nhà ban đêm, ông khuyên nhủ các con: “Dù sự gì xẩy đến hay cha phải tử hình, đó là điều cha hằng mong ước, được tử đạo đổ máu ra vì Chúa Giêsu Kitô. Chúng con hãy cầu nguyện cho chạ Hãy yêu mến nhau. Dù gặp sự dữ thế nào chúng con đừng yếu lòng chối Chúa”.
Ngày 26-5 là ngày các quan định xử tử người nhưng người vẫn không hay biết, sáng sớm còn dậy nấu cơm. Ðức Cha Sohier thuật lại: “Ban sáng một đội lính đến nhà giam gọi Cha Hoan và ông Phượng. Chính ông Phượng không biết gì vì bị giam riêng và không có ai báo trước. Thực ra chiều hôm trước, một thầy Bốn, có trách nhiệm lo lắng cho các người anh hùng đức tin bị giam giữ, đã sai một người báo cho ông Phượng nhưng người này không có cách nào đến gần. Ông Phượng rất lấy làm vui mừng vì được gọi đi chịu chết vì ông đã chuẩn bị từ lâu. Trong tù ông không bao giờ than phiền. Ông thường biểu lộ ước ao được đổ máu ra vì đức tin. Khi người ta bảo ông bị đi đầy thì ông buồn vì không được cùng xưng đạo với Cha Hoan. Vì thế sáng hôm đó khi ông Phượng được kêu đi xử với Cha Hoan ông mừng rỡ hân hoan. các đấng bước đi vui vẻ. Ông Phượng bước đi nghiêm trang, cúi mặt không nhìn ai để cầm trí cầu nguyện. Những người đứng chung quanh thì thầm: Ông này muốn chết lắm nên khi đi xử sốt sắng không chịu nhìn mặt ai.”
Tới nơi xử, ông xin chịu xử quì như Cha Hoan và từ giã con cái trước khi cầu nguyện và đưa cổ ra cho lý hình chém. Lý hình chém một phát thì đầu rơi xuống ngay. Xác người được bọc lại chôn ở Mỹ Hương và khi làm hồ sơ phong Á Thánh, xác người được đưa về nhà trường Phú Xuân.
Bản án viết trên gỗ ghi như sau: “Năm Tự Ðức thứ 14, ngày 17-4. Tên Nguyễn Văn Ðắc, tự Phượng, là người theo đạo Kitô và chứa chấp đạo trưởng Hoan, tội đáng chém”.
(bị bắt 25-10-1861, xử trảm 1-11-1861 tại Hải Dương)
Ðức Cha Alcazar tóm tắt cuộc sống thánh thiện và anh hùng của Cha Phêrô Almato như sau: “Tôi theo dõi suốt cuộc đời của người và có thể làm chứng rằng người không bao giờ phạm một tội trọng nào, lại hết lòng gìn giữ đức trong sạch trinh khiết. Mặc dù sức khỏe yếu kém, người ta chỉ có thể nói rằng Thiên Chúa định cho người sang truyền giáo ở Việt Nam là để thưởng công triều thiên tử đạo cho người. Quả thật Ðức Cha Hermosilla đã ra lệnh cho Cha Almato và Cha Munoz di tản sang Trung Hoa để tránh cơn lùng bắt dữ tợn, nhưng Chúa để cho Cha Almato nhỡ tầu, còn Cha Munoz đi được. Cha Munoz viết thư cho người: Này anh Almato, lẽ ra anh phải sang Macao chứ không phải là tôi. Như đức cha già khả kính Hermosilla đã định, nhưng tôi không được phúc tử đạo, còn Thiên Chúa thưởng nhân đức anh bằng phúc tử đạo”.
Cha Almato sinh ngày 1-11-1830 tại Catalogna, Tây Ban Nha, được cha mẹ đạo đức đem đi rửa tội ngay và đặt tên thánh là Phêrô Giuse. Ngay từ bé cậu Almato đã tỏ ra lòng đạo đức, thích đồ chơi bằng nhà thờ hay đóng kịch làm cha đứng giữa các bạn giảng đạo. Khi lên 11 tuổi đã đi học Latinh và tháng 8-1847 vào dòng Ðaminh ở Ocanha để sửa soạn đi giảng đạo ở phương Ðông. Cha mẹ không muốn cho con đi xa, nhưng người đã can đảm viết thư cho cha mẹ như sau: “Cha mẹ đừng than khóc vì đứa con phải đi xa, nhưng hãy vui mừng vì ở trên trời cha mẹ sẽ được phần thưởng vì những hy sinh. Hạnh phúc cho chúng ta dường nào được gặp nhau ở trên đó, luôn luôn được hiệp nhất với nhau trong vinh quang và không còn phải xa cách nhau nữa. Cha mẹ hãy nghĩ rằng Chúa đã xếp đặt như thế không phải để chúng ta khổ nhưng là để chúng ta được sự tốt lành, được thanh tẩy và thánh hóa trong cuộc sống đời này và được phần thưởng trong cuộc sống mai sau”.
Quả thật là những lời lẽ cao siêu của một tâm hồn đã xác tín muốn yêu Chúa đến mức độ tuyệt hảo. Sau nhiều thử thách và gắng sức tu luyện, Thầy Almato được khấn trọng thể ngày 26-9-1848. Trong dịp này thầy có viết thư cho cha mẹ: “Cha mẹ quí mến, những việc lo dưới thế là mong làm cho con đường thu ngắn lại và chắc chắn hơn, con cũng vậy, con phải làm cho việc cứu rỗi linh hồn con chắc chắn. Con không những chắc chắn về cuộc sống hiện tại mà con mong cho các anh em con sớm bỏ biển khổ đầy lo lắng quen gọi là thế gian”. Về đời sống trong viện tu, Thầy Almato viết: “Ở đây con được bề trên lo lắng săn sóc mọi sự cần, mặc dù chúng con đông nhưng tình thương bao bọc đồng đều mọi người dường như là một vậy. Con chẳng phải nghĩ gì khác”. Viết cho người em gái đi tu, thầy khuyên: “Không có gì xảy ra tình cờ, không có biến cố nào mà không có báo trước. Những điều bất hạnh xem ra là sự dữ nhưng nếu chúng ta biết suy nghĩ cho kỹ, chúng ta sẽ thấy sự dữ là một điều lành, trong cái rủi ro là một may lành. Nếu anh cứ tiếp tục than trách, anh sẽ chẳng bao giờ hết vì trong lòng chứa đầy sự cay đắng”.
Tháng 9-1852, Thầy Almato được chỉ định sang Manila và chịu chức bên đó trước khi được lệnh sang Bắc Việt. Cha viết về mong ước sang Bắc Việt với người bạn: “Ðã từ lâu tôi ước ao được sang truyền giáo ở Bắc Việt. Tôi đã nhiều lần kêu xin với Chúa và Ðức Mẹ và đã thưa với các bề trên. Chúa đã nghe lời tôi. Tôi cảm tạ Chúa đã thương chọn tôi cùng với ba cha khác đi truyền bá Phúc Âm cho dân ngoại.”
Ngày 11-1-1855 cha, lúc ấy mới 24 tuổi, lên đường đi Hồng Kông. Bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu hy vọng trên chuyến hành trình, cha ngước mắt lên trời cao như muốn cho hy vọng thêm bao la. Bẩy tháng sau, ngày 3-7-1855, cha rời Macao để đến Bắc Việt và tới nơi ngày 11-7 tại Nam Chân. Cha được đưa đến trình diện cha đại diện tỉnh dòng Salvatore Masso và sau đó được tới Bùi Chu vào dịp lễ phong chức giám mục cho Cha Sampedro ngày 1-9. Cha Almato được đặt tên Việt là Bình, diễn tả tâm hồn bình an của cha. Cha học tiếng Việt tại Kẻ Mốt một năm và sau đó được sai giúp Cha Fernandez trước khi được chỉ định coi xứ Thiết Nham.
Giáo dân xứ Thiết Nham nói về vị chủ chăn của mình như sau: “Cha Bình (Almato) thường xin chúng tôi cầu nguyện cho người. Như thế tâm hồn sốt sắng của người thúc đẩy con chiên chúng tôi chạy đến với người”. Năm 1858 lệnh vua Tự Ðức bắt đạo ngặt nghèo nên Ðức Cha Hermosilla truyền lệnh cho Cha Almato tạm thời sang Trung Hoa vì người kém sức khỏe, sợ không chọi nổi cảnh trốn chạy mà chết uổng đi. Nhưng ý Chúa để cha bị nhỡ cơ hội, cha đi về Kẻ Mốt thăm đức cha rồi trốn tránh ở Kẻ Nê, ở Thọ Ninh.
Năm 1861 với lệnh phân sáp và không còn trốn tránh được nữa, Cha Bình xuống thuyền ở với Ðức Cha Ochoa Vinh hẹn đến với Ðức Cha Hermosilla. Thế nhưng thuyền của Ðức Cha Hermosilla và Thầy Khang đã bị bắt ngày 20-10-1861. Ðức Cha Ochoa và Cha Almato được ông trùm Trọng chèo thuyền về Kim Phô nhờ một quan ở huyện là Hán Cáp giúp đỡ. Ông quan này nhận lời giúp đỡ nhưng chính ông lại đi báo quan tỉnh Hải Dương về bắt. Ngày 25-10-1861 quan huyện Thanh Hà đến bắt Ðức Cha Ochoa và Cha Almato giải về Hải Dương.
Quan tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Quốc Cẩm đặt thánh giá ở cửa thành, nhưng đức cha yêu cầu có cất đi thì mới vào trong thành. Quan hỏi Cha Almato về quê quán và thời gian ở Việt Nam bao lâu, Cha Almato đáp: “Tôi là người Tây Ban Nha, sang Việt Nam được bẩy năm, tôi rao giảng đạo tại nhiều nơi”.
Quan lại hỏi có biết Cha Tuấn (tên thứ ba của Ðức Cha Hermosilla). Sau đó Ðức Cha Ochoa, Ðức Cha Hermosilla và Cha Almato, mỗi người một cũi được giam chung với nhau ở Trang Thu. Quan tổng đốc là người hiền lành muốn thong thả làm án tâu về kinh, nhưng tổng đốc Nam Ðịnh là Nguyễn Ðình Hưng (Tân) sợ triều đình khiển trách nên ra lệnh làm án trảm quyết ngày 1-11-1861.
Vào ngày lễ Các Thánh, Ðức Cha Hermosilla, Ðức Cha Ochoa và Cha Almato được 300 người lính dẫn ra pháp trường Năm Mẫu ở ngoài thành Hải Dương để chém đầu. Cha Almato vừa đúng 31 tuổi.
Khi xử ba đấng đã có nhiều dấu lạ như được kể trong chuyện Ðức Cha Hermosilla. Xác các đấng được chôn tại chỗ ba tháng rồi mới được giáo dân lén lút đem về chôn ở ba nhà khác nhau tại Thọ Ninh ngày 2-2-1862. Sau này khi bốc mộ, xác Cha Almato Bình được đưa về chôn ở nhà thờ Truyền Tin thuộc địa phận Vich là quê quán của người ở Tây Ban Nha.
(bị bắt 20-10-1861, xử trảm 6-12-1861)
Trong truyện các thầy giảng giúp các đức cha, Thầy Giuse Khang đặc biệt tỏ ra lòng trung thành không bao giờ lìa bỏ, nhất là lúc bị lùng bắt dữ nhất năm 1861. Khi thấy lính đến bắt, thầy đã ra tay đánh lại chúng để đức cha trốn đi, giống như Phêrô khi lính đến bắt Chúa Giêsu. Nhưng ý Chúa muốn cho thầy cùng bị bắt với Ðức Cha Hermosilla và cùng được phúc tử đạo.
Thầy Giuse Nguyễn Duy Khang sinh năm 1832 tại làng Trà Vi thuộc xứ Cao Mại, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Ðịnh. Thầy bị mồ côi cha từ nhỏ nhưng được mẹ đạo hạnh lo cho con đi ở với Cha Năng để giúp việc nhà thờ. Tại nhà xứ, chú Khang được học chữ Nho và chữ Latinh. Vì tính nết ngoan hiền, Cha Năng gửi chú Khang vào trường Latinh ở Kẻ Mốt năm chú được 23 tuổi, sau 10 năm theo giúp nhà xứ. Năm sau Thầy Khang được ở thường xuyên với Ðức Cha Hermosilla tại Ðông Xuyên.
Khi mới có lệnh vua Tự Ðức cấm đạo, Thầy Khang được cho về nhà. Ở đời với nhiều cám dỗ và sống trốn tránh khiến thầy chán nản uống rượu và chơi cờ bạc. Tuy vậy thầy vẫn trung thành giữ giờ đọc kinh và làm các việc kính Ðức Mẹ. Nhờ vậy thầy nhận ra con đường xuống dốc và quyết tâm trở lại, xin gia nhập Dòng Ba Ðaminh. Thầy xin ở với các cha và được chỉ định làm bõ cai với tước hiệu thầy giảng bậc bạ Thầy nhiệt thành công việc nên mọi người gọi thầy là chân tay của đức cha. Ðức cha giao cho thầy những việc khó khăn nhất trong thời kỳ lùng bắt đạo. Có thể nói thầy và đức cha chỉ là một linh hồn trong hai thân xác. Vì thế mà năm 1861, khi chia tay với các thầy khác, thầy đã nói lên quyết tâm một sống một chết với đức cha: “Anh em ở lại, còn tôi cương quyết theo giúp đức cha. Nếu các quan bắt người cũng sẽ bắt tôi. Nếu đức cha phải chết vì đức tin tôi cũng chết với người. Họ chặt đầu thì chân còn lại, họ chém đầu đức cha họ cũng chém đầu tôi”.
Vì sắc lệnh phân sáp quái ác nên đức cha quyết định xuống thuyền để tránh mọi khốn khó cho giáo dân. Ngày 18-9 đức cha và Thầy Khang xuống thuyền, mặc áo quần như người đánh cá tại Hải Dương. Ngày 21-10 thuyền Ðức Cha bị phát giác, Thầy Khang và vài giáo dân cố chèo thật nhanh để trốn tới làng Gộc gần đó. Nhưng lương dân đã ập đến. Thầy Khang nhảy ra đánh võ với những người vây bắt, nhưng vì họ đông nên đã đánh thầy bị thương ba vết và ngã gục. Ðức Cha Hermosilla nói với quan và đưa tay ra chịu trói: “Tôi ở trong tay quan, nhưng xin đừng làm hại những người chèo thuyền vô tội, xin làm phước tha họ đi về”.
Quan bằng lòng tha cho mọi người đi, nhưng Thầy Khang phân phô: “Không, tôi không muốn tự do, các quan đã bắt Ðức Cha của tôi, xin bắt tôi đi theo. Nếu người phải chết tôi cũng xin được chết. Xin để tôi được theo”.
Nói rồi thầy đưa tay ra chịu trói. Khi hai thầy trò vào tới Hải Dương, trước cổng thành có đặt thánh giá, đức cha đã nhất định không bước đi nữa nếu không cất ảnh Chúa đi. Quan phải nhượng bộ. Vào thành, thầy trò bị tách biệt nhau. Ðức Cha bị giam ở pháo đài Trang Thu, trong khi Thầy Khang bị nhốt vào cũi ở nhà tù Trương Khám.
Thầy Khang bị tra tấn ba lần để khai những nơi đức cha đã trốn. Thầy Khang nhất mực cắn răng không nói một lời. Thầy bị đánh nứt thịt hai bên mông và được khiêng về ngục. Trong ngục cũng có các vị trùm đạo bị bắt, họ nấu nước săn sóc thầy. Khi gượng ngồi được, thầy viết thư thăm các thầy ở làng Hảo Hội như sau: “Các quan đã tra tấn tôi và hỏi về những chỗ ở của đức cha nhưng tôi không thưa đành chịu đòn. Xin các thầy cầu nguyện cho tôi”.
Lần thứ hai các quan tra tấn hỏi về quê quán và nơi ẩn trốn của các cha và bắt thầy bước qua ảnh. Thầy Khang nín thinh nên bị đánh 180 roi. Sau cùng thầy nói rằng: “Tôi mới có 29 tuổi, cha mẹ anh em tôi chẳng biết ở đâu, tôi chỉ biết theo các cha người Tây từ bé mà tôi mới bị bắt với Ðức Cha Tuấn (Hermosilla). Còn các cha khác ở đâu tôi làm sao biết được. Việc chối đạo quá khóa thì tôi nhất định không chịu”.
Ba ngày sau, Thầy Khang lại bị đem ra trước mặt quan. Thầy vẫn không nói gì. Một quan lớn dụ dỗ: “Nếu mày chịu quá khóa tao còn thương mầy mà cho về nhà”.
Thầy Khang thưa lại: “Bẩm quan lớn, quan thương tôi được nhờ, quan chẳng tha thì tôi xin quan đừng nói đến việc quá khóa nữa”.
Quan lớn tức giận ra lệnh đánh 120 roi.
Sau mấy lần tra tấn, Thầy Khang viết thư trao tận tay cho Thầy Lang, là người bạn được một bà đạo đức dẫn vào tù gặp. Trong thư thầy viết: “Các quan đã đánh tôi túi bụi không chút thương xót nhưng tôi không nói điều gì cả. Thầy gửi cho tôi chiếc quần vì cái tôi mặc đã bị đánh rách nát. Cũng gửi cho tôi tấm vải để liệm tôi sau khi chết. Tôi xin thầy thanh toán các tiền tôi còn thiếu, có thế tôi mới được thanh thản trước mặt Chúa”.
Sau cùng thầy lại bị đem ra tra hỏi về quê quán và cha mẹ, thầy thưa: “Tôi sinh ra ở Macao, 29 tuổi, còn cha mẹ ở đâu tôi không biết”.
Quan lại hỏi: “Thế nhưng ngươi phải biết các đạo trưởng ở đâu chứ?”
- “Tôi có biết các đạo trưởng nhưng không biết ở đâu. Tôi ở với Ðức Cha Tuấn và cùng bị bắt với người”.
- “Vậy ngươi là tên có đạo, đã từ bao lâu?”
- “Vâng tôi là người Kitô đã theo đạo từ thuở bé”.
- “Ai đã dụ dỗ mày theo đạo lầm lạc này?”
- “Ðạo của tôi không phải là tà đạo, nhưng là đạo chân thật”.
- “Nhưng luật lệ của quốc gia đã cấm đạo này”.
- “Luật của người ta không thể ngược lại luật của Thiên Chúa, luật nước như vậy không tốt”.
- “Như vậy ngươi coi thường quốc gia và coi khinh đức vua?”
- “Tôi kính vua và rất mực yêu tổ quốc, nhưng trên hết tôi yêu Ðức Chúa Trời và lề luật của người”.
- “Mầy là tên khốn nạn, hãy đạp thánh giá đi”.
- “Thưa quan, xin đừng bắt ép tôi đạp ảnh, quan chỉ uổng mất thời giờ. Quan đã biết rõ ý định của tôi xin đừng hỏi han vô ích nữa”.
Lần này quan không hỏi thêm nữa nhưng ra lệnh trói tay chân người vào cột và đánh đòn. Máu chảy lênh láng. Thầy bị đeo gông và cùm chân chờ án của triều đình, trong khi Ðức Cha Hermosilla, Ðức Cha Ochoa và Cha Almato được phúc tử đạo ngày 1-11.
Ngày mùng 5 tháng 11 năm Tân Dậu tức là 6-12-1861, quan đem người ra chém ở pháp trường Năm Mẫu ở ngoài tỉnh Hải Dương và ra lệnh cho người dân ở đây chôn xác tại chỗ chém. Sau này giáo dân ở Thọ Ninh và Lai Tê ban đêm đến lấy xác Ðức Cha Hermosilla, nhưng lâu quá sợ bị lộ nên để nguyên xác Thầy Khang như cũ.
Năm 1867 Thầy Hinh là anh ruột Thầy Khang đến lấy xác về chôn ở Kẻ Mốt. Khi Tòa Thánh ra lệnh điều tra để làm hồ sơ phong Chân Phước, hai linh mục đến làng Kẻ Mốt tìm xác nhưng không ai biết rõ xác thầy được chôn ở chỗ nào. Hai cha làm lễ cầu cho người và sau lễ sai người đào ở nhà bếp tức là lòng nhà nguyện cũ thì tìm ra hài cốt của Thầy Khang có hòn gạch ghi chữ: Xác thầy Khang tử vì đạo. Bên trong bình hài cốt có tấm giấy viết: Xác Thầy Khang tử vì đạo ở tỉnh Hải Dương năm Tân Dậu, Tự Ðức thập tứ niên cũng là năm 1861. Hài cốt thầy Khang được đưa vào chôn lại trong nhà thờ Kẻ Mốt.
(bị bắt 20-10-1861, chém đầu 1-11-1861 tại Hải Dương)
Các vị thừa sai đặt cho Giám Mục Hermosilla biệt danh là Ðức Cha Già, rường cột giáo hội tại Bắc Kỳ. Thật vậy trong ba mươi hai năm truyền giáo, Ðức Cha Hermosilla đã chứng kiến những cơn bách hại giáo hội thời Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Ðức. Người đến Việt Nam như một vị tiên tri: khi vừa trông thấy người lần đầu tiên, Ðức Cha Inhaxiô Delgado đã gọi ngay: “Ông Vọng, ông Vọng”. Bởi vì giữa lúc bắt đạo mọi người mong có thừa sai đến tiếp nối. Thế nhưng vua quan ra bao nhiêu lệnh lùng bắt “Danh Trùm Vọng” với giá thưởng 10.000 quan tiền, và nếu là quan bắt được người thì sẽ được thăng cấp. Ðức Cha Vọng đã trốn thoát nhiều cuộc vây bắt lạ lùng cho đến thời giờ Chúa định vào kỳ phân sáp 1861 là kỳ bắt đạo chót người mới bị bắt.
Ðức Cha Hermosilla sinh ngày 30-9-1800 tại Domingo de Calzada bên Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ người đã được ở trong Tòa Giám Mục. Năm 15 tuổi, người đến học trong tu viện dòng Ða Minh. Khi có cuộc nội chiến, Thầy Hermosilla phải gia nhập lính. Sau đó thầy trở lại nhà dòng và được khấn dòng ngày 29-10-1823. Vị tu sĩ trẻ đầy lòng hăng hái xin đi truyền giáo nhưng phải chờ mãi đến tháng 10-1828 mới được lệnh sang Viễn Ðông.
Sau nhiều nguy hiểm trên biển, lội bộ trong rừng hay đi cáng suốt đêm, ngày 15-5-1829, Cha Hermosilla đến được nơi trú ẩn của Cha Amandi tại Trung Linh. Ðã nhiều năm các cha Ða Minh ngóng chờ vị thừa sai mới, vì thế khi được Cha Hermosilla, họ liền đặt tên cho người là Vọng, theo nghĩa Ðại hạn vọng vân nghê. Cha học tiếng Việt, lối sống khắc khổ và mánh khóe của các quan. Sau khi Cha Amandi kiệt sức chết, Cha Hermosilla được chỉ định làm bề trên và cố chính của địa phận.
Vì bị triều đình biết tên và quan quân lùng bắt, Cha Vọng phải đổi tên là Liêm, lén lút chỗ này chỗ kia. Rất nhiều lần thoát tay kẻ dữ cách lạ. Một hôm quan lính vây nhà người trú ẩn ở Xuân Sơn, lính xục sạo vào cả trong hầm người trú, thấy người rồi nhưng bỏ ra hối các lính khác đến bắt. Cha Hermosilla vẫn ngồi im nhủ thầm: “Xin vâng theo thánh ý Chúa”. Lính vào trong hầm mà như mù không thấy gì cả, ra ngoài bắt được một người già rậm râu thôi.
Một lần khác, Trịnh Quang Khanh sai 800 lính và dân làng đem thuyền đuổi theo thuyền của Cha Hermosilla đang chạy trốn, lạ thay gió thổi ngược trở lại làm cho hai thuyền lớn đắm, 12 thuyền nhỏ trôi ngược trở lại. Sấm sét tiếp tục khiến chết ba ngàn người.
Ngày 18-1-1839, Vua Minh Mệnh còn ra chỉ dụ lùng bắt Cha Hermosilla như sau: “Còn một Danh Trùm Vọng đạo trưởng chưa bắt được và hãy còn ẩn náu ở Bắc Kỳ. Vậy ai bắt được, nếu là quan hay dân đều được thưởng 10.000 quan tiền. Ðây là hình dong để nhận diện: người thì cao lớn vừa phải, mũi dài, râu rậm, con mắt tinh hơi xam xám, sắc trắng trẻo mặt mũi béo tốt. Ðó là Danh Trùm Vọng, tiếng Tây gọi là Hieronimo. Nếu quan bắt được thì sẽ thăng cấp, người chứa chấp phải chịu tội, quan bản hạt cũng phải liên lụy”.
Ngày 25-4-1839 người viết một lá thư rất dài để tường trình về cuộc tử đạo của 16 vị tử đạo của địa phận Ðông và kể tình cảnh giáo hội An Nam hầu như tan nát. Riêng tại địa phận Ðông Bắc Việt gần 1.000 nhà nguyện lớn nhỏ phải tháo gỡ, sách vở chôn sâu lâu ngày bị mục, hai chủng viện chứa 70 học sinh cũng phải phá đi, 23 nhà dòng nữ cũng vậy. Trong thời kỳ bắt đạo năm 1838 chỉ còn hai thừa sai khác các quan không biết là Cha Jimeno Lâm tới năm 1836 và Cha Marti Gia đến tháng 6-1838.
Trước hoàn cảnh đáng thương của giáo hội Việt Nam, Ðức Thánh Cha Grêgôriô XVI đã gửi thư an ủi và họp mật nghị Hồng Y để tuyên dương các vị tử đạo, xin thế giới cầu nguyện cho tín hữu Việt Nam. Ðức Thánh Cha cũng đặt Cha Hermosilla làm Giám Mục coi sóc địa phận Ðông. Lúc bấy giờ hai Ðức Cha Delgado và Henares đã bị xử tử, Ðức Cha Havard đã chết trong rừng Bạch Bát, vì thế toàn Bắc Việt không còn Ðức Cha nào cả. Cha Retord phải đi đường bộ sang Macao rồi sang Phi Luật Tân thụ phong. Khi trở về vừa đúng lúc Minh Mệnh chết năm 1841, tuy nhiên Trịnh Quang Khanh vẫn còn lùng bắt thừa sai dữ tợn. Cha Hermosilla phải hóa trang làm một người dắt ngựa, chân bôi đen và đội nón che mặt, đi theo ông chánh tổng sang Ninh Bình nơi Ðức Cha Retord đang trốn tránh để thụ phong. Người được phong chức ngày 2-5-1841. Trở về địa phận, Ðức Cha Hermosilla liền truyền chức cho Cha Jimeno làm Giám Mục phụ tá ngày 29-6-1841 tại Cao Xá, và bẩy linh mục mới.
Dưới thời Thiệu Trị, công việc bắt đạo giảm đi, Trịnh Quang Khanh bị triệu về kinh, nhờ thế Ðức Cha đã có thể đi thăm các giáo đoàn, xây dựng lại giáo hội. Khi Thiệu Trị chết năm 1847, Ðức Cha phó Jimeno được chỉ định về làm Giám Mục coi sóc ở Manila nên Ðức Cha Hermosilla Liêm họp các cha và chọn Cha Marti làm Giám Mục, tấn phong ngày 29-6-1847 tại Nam Am. Cũng trong thời kỳ này Ðức Giáo Hoàng Pio IX chia địa phận mới gọi là Trung gồm tỉnh Nam Ðịnh và Hưng Yên. Ngày 23-3-1849 Ðức Cha Hermosilla Liêm họp các cha ở Ðông Xuyên để phân chia địa phận, chọn các đức cha phụ tá, và cha chính mới. Kết quả Ðức Cha Marti Gia làm Giám Mục chính địa phận Trung (Bùi Chu), Ðức Cha Sanjurjo An làm phó, Cha Checa làm cha chính. Còn địa phận Ðông (sau gọi là Hải Phòng) Ðức Cha Alcazar làm phó, Cha Masso làm cha chính. Hai đức cha mới được tấn phong ngày 5-4-1849, Chúa Nhật Phục Sinh.
Bắt đầu từ năm 1854, Tự Ðức cấm đạo ngặt hơn, cuộc sống của các thừa sai thu hẹp lại trong các hầm trú ẩn hay lênh đênh nay đây mai đó trên các dòng sông. Ðến năm 1858 quân đội Pháp-Tây Ban Nha đến đánh Ðà Nẵng, tình thế trở nên gay go.
Ðức Cha Hermosilla đã viết: “Thật là khủng khiếp, vua và các quan tìm mọi cách để tận diệt đạo Chúa. Mỗi tháng hai ba lần các quan sai lính đến các làng đánh đập tín hữu, ép buộc bỏ đạo. Theo luật chỉ có các linh mục, thầy giảng và người chứa chấp phải tử hình, nên trong nhà tù đầy rẫy những người tín hữu bị giam để họ không thể liên lạc và giúp nhau được nữa...” Ðức Cha Hermosilla triệu tập các thừa sai ở Kẻ Mót để tìm cách cứu vãn giáo hội. Một số thừa sai phải tạm thời ra khỏi nước để khi có cơ hội trở lại, một số khác ở lại củng cố đàn chiên. Theo quyết định, Ðức Cha Hermosilla, Ðức Cha Berri-Ochoa, Cha Rianho, Cha Almato và Cha Fernandez ở lại, còn hai thừa sai khác kiếm cách lên tầu Pháp để về Macao.
Từ khi áp dụng lệnh phân sáp tháng 9-1861, Ðức Cha Hermosilla không còn nơi nào trú đã cùng với thầy giảng Khang đi ẩn trong hang ở Thọ Ðức. Trước khi đi, Ðức Cha đổi tên là Tuấn và viết thư chung cho giáo dân khuyên bảo họ vui lòng theo ý Chúa định cho các vua quan cấm đạo để kẻ lành thêm sốt sắng hơn, kẻ trễ nải biết đường ăn năn. Vua quan có cấm đạo cũng sẽ không cấm đạo mãi vì việc cấm đạo đã xảy ra nhiều trong giáo hội. Ðức cha xin mọi người nhớ Lời Chúa là “Ai xưng Danh Chúa trước mặt người ta, thì sẽ được nhận mặt Chúa Cha”. Nhiều người xưng đạo mà vẫn không phải khốn khó, còn nếu sợ khốn khó mà chối đạo, lúc ấy mà chết thì không tránh được sự phán xét công thẳng của Chúa. Hãy trông cậy Chúa giúp sức và xem gương Chúa đã chịu chết vì chúng ta...
Vì ở trong hang tức hơi không chịu được, Ðức Cha Hermosilla Tuấn nhờ người đánh cá chèo thuyền qua cửa tỉnh Hải Dương đến ở thuyền ông Trưởng Bính. Sau Ðức Cha Berri-Ochoa, Cha Almato từ Kẻ Nê và Kẻ Na cũng tới. Ba thuyền họp lại với nhau. Chẳng may con người thuyền chài tức mình với cha mẹ liền đi tố cáo có ba đạo trưởng Âu Châu. Ngày 21-10-1861 đội Bậng đem lính đến vây bắt. Thầy Khang định lấy sào thuyền để đánh, song Ðức Cha can. Nhờ sự can đảm của Thầy Khang, Ðức Cha Berrio-Ochoa và Cha Almato kịp trốn đi, còn Ðức Cha Hermosilla và Thầy Khang để mặc cho lính trói lại. Khi bị giải về Hải Dương Ðức Cha bị giam vào cũi để ở trong dinh tổng đốc.
Ra trước mặt các quan để chịu hỏi về lý lịch, Ðức Cha đã khai: “Tôi tên là Tuấn, 61 tuổi, sang An Nam đã 33 năm”. Về câu hỏi đã đi giảng đạo và trốn tránh ở những đâu, đức cha chỉ trả lời trống là nay đây mai đó và đi rất nhiều nơi giảng đạo Thiên Chúa. Có một lần dù cũi bị khóa và lính canh rất ngặt, thế mà người ra khỏi được và đi bách bộ đến tù khuyên bảo bổn đạo, rửa tội cho con ông đội Bái chịu xử vì đạo ngày hôm ấy. Khi thấy đức cha trở lại vào cũi thì quan hỏi đi đâu, đức ctrả lời: “Tôi đi giải trí một chút”.
Ngày 1-11-1861, tảng sáng quân lính đem hai đức cha và Cha Almato ra pháp trường Năm Mẫu xử tử. Ðoàn người gồm có 500 lính và ba thớt voi. Các tù nhân bị hành quyết còn thêm con ông đội Bái đã được Ðức Cha Hermosilla rửa tội. Cũi thứ nhất là Cha Almato tay cầm tràng hạt, cũi thứ hai là Ðức Cha Berrio-Ochoa Vinh, chắp tay nguyện ngắm, cũi thứ ba là Ðức Cha Hermosilla ngồi như trên ngai giơ tay ban phép lành. Tất cả ba đấng nét mặt vui tươi mừng rỡ. Ði sau cùng là các quan đi ngựa hay được võng kiệu, tất cả đều có lọng tán chẹ Ðức Cha Hermosilla xin xử tên tù trước để có thể giúp nó chết lành. Quan cho lệnh sao bản án xử và cấm không ai được vào thấm máu. Nhưng khi sau ba tiếng chiêng, đầu các đấng rơi xuống, các quan đi về thì dân chúng đến thấm máu và đem xác các đấng đi chôn. Trong lúc hành quyết có nhiều dấu lạ như trời tối, hương thơm tỏa ra và đàn bướm trắng đến đậu trên xác ba đấng. Riêng đầu ba đấng, ông đề lao bêu ở bến đò Hàn chỉ lính canh giữ trong ba ngày.
Chánh tổng Oánh coi làng Yên Việt vốn có cảm tình với người Công Giáo nên ông báo cho trùm Can biết có muốn chuộc ba đầu thì ông lo liệu cho. Ông trùm Can cùng với chánh tổng xuống tỉnh lo liệụ Ðến nơi, các vị đã thấy có thầy già Thần cùng với chánh tổng sở tại thì mời tất cả vào nhà chánh tổng làm cơm rượu thiết đãi. Lúc ấy lính cũng mang ba đầu vào nhà vì sợ để ở ngoài người ta lấy mất. Trong khi lính ăn uống thì có người đã lấy ba đầu các đấng và thay vào ba củ chuối. Khi trời tối, lính mang sọt đựng ba củ chuối mà vẫn cứ tưởng ba đầu tù nhân đem xuống sông mà vất như lệnh truyền. Chính ông tổng Oánh cởi áo mình bọc ba đầu của các đấng xuống thuyền mà về. Trời tối mà bỗng dưng ánh sáng tỏa ra từ ba đầu của các đấng soi đường cho thuyền đi. Nếu khi có thuyền khác tới thì ánh sáng lại tắt đi. Cứ thế cho tới khi về đến Yên Dật. Ðầu của các đấng được bỏ vào ba nồi đất mới mà chôn trong nhà thờ thánh Gioan ở Yên Dật. Các bà dòng xin cái áo mà ông chánh tổng bọc đầu ba đấng để giữ làm kỷ niệm, nhưng ông chánh không chịu. Khi về nhà, ba đứa con ông lên đậu mùa, ông cho mặc áo của ông đã bọc đầu ba đấng tử vì đạo, tức thì đậu mùa biến đi. Ông đã dùng áo này để chữa lành nhiều bệnh. Những vải thấm máu Ðức Cha Hermosilla, hễ soi ra ánh sáng thì nhìn thấy hình thánh giá.
Nơi xử là Năm Mẫu thì về sau không ai dám chôn nơi các đấng đã xử. Lương dân nói rằng mỗi khi con cái mắc bệnh họ thường ra đó nhổ cỏ sắc nước cho con uống.
Xác các đấng ban đầu phải chôn ngay ở chỗ xử. Khi chôn, người Công Giáo rắc than để làm dấu sau này nhận biết. Dân Công Giáo làng Thọ Ninh và Lai Tê đang bị lệnh phân sáp nên bàn với người không có đạo biết chỗ chôn để đánh dấu. Tối 30 Tết Tân Dậu, không có ai lai vãng, các giáo dân đem thuyền vải vóc đến để đem xác về, nhưng vừa tới cửa Hàn thì gặp thuyền chánh tổng Triệt. Dân cứ thật thưa là giáo dân huyện Lang Tài nghe có ba đấng bị xử là cha mẹ, phải chôn trần thì không an lòng nên đem quan tài lên chôn. Quan chánh tổng đòi 300 quan tiền nhưng dân chỉ có 100 nên ông cũng nhận 100 quan, giữ thuyền và hai người, bắt họ trở về kiếm tiền cho đủ. Ðến mùng ba Tết, đêm ấy chánh tổng Triệt dẫn các ông Lý Ðạt, Cả Nhân, Xã Thụ là người Công Giáo đi lấy xác. Họ đem từng xác xuống, mỗi vị ở một thuyền. Sau đó đem về Thọ Ninh, thời giờ di chuyển chỉ lâu chừng 9 giờ, đó là một chuyện lạ, đáng lẽ phải mất 21 giờ. Những người này còn làm chứng rằng, đêm ấy trời tối đen ở chung quanh nhưng chính tại chỗ thì có ánh sáng từ xác chiếu ra để họ làm việc nhanh chóng. Xác dù đã chôn ba tháng rưỡi vẫn còn nguyên da thịt, không thối tha.
Khi được bình yên, Ðức Cha Alcazar đem đầu của các đấng từ Yên Dật về đặt vào với xác ở Thọ Ninh, còn nồi đựng đầu của các đấng thì trao cho các chị nhà dòng ở Kẻ Mốt. Năm 1881 Ðức Cha Colomer trao xác Ðức Cha Hermosilla cho Ðức Cha Terres, coi địa phận Ðông, và xác người được an táng ở nhà thờ Hải Dương, còn đầu được đem về quê quán của người.
Năm 1906, Ðức Thánh Cha Pio X phong Chân Phước cho bốn vị, các bề trên địa phận đã lấy đất chính nơi các đấng chịu xử và xây đền kính các thánh tử đạo Hải Dương. Năm 1911 thì xây xong đền và rước xác các đấng vào đền, kỉ niệm đúng 50 năm các đấng tử đạo.
(bị bắt 25-10-1861, chém đầu 1-11-1861 tại Hải Dương)
Cuộc đời của vị giám mục trẻ tuổi thời danh đã ghi dấu vết đạo đạo đức ngay từ thuở nhỏ, nên khi vừa sang tới Việt Nam hai tháng và mới 31 tuổi đã được chỉ định làm giám mục địa phận Trung, tức Bùi Chu sau này. Vì đức vâng lời và vì Chúa Thánh Linh thúc đẩy, Cha Valentinô Berri-Ochoa đã thụ phong giám mục ngày 13-6-1858 trong một hầm trú ẩn vì thế người ta gọi người là Giám Mục hầm trú.
Ðức Cha Ochoa sinh ngày 12-2-1827 tại làng Elorio, tỉnh Biscaglia. Cha người là thợ mộc đóng ghế cho nhà dòng các bà Ða Minh trong làng. Thế nhưng Chúa lại muốn cho người học Latinh và vào chủng viện của địa phận. Khi học, cậu Valentinô hay ở bên cạnh thầy để nghe chuyện các vị truyền giáo ở xa xôi, và bắt chước tập nhiều nhân đức hãm mình. Cậu Valentinô vào chủng viện địa phận Logronhô tháng 10-1845 lúc 24 tuổi. Ðức cha coi địa phận đã phải khen các đức tính của Valentinô với cha mẹ người như sau: “Này bà Monica, con bà sau này có lẽ sẽ làm Giám Mục”.
Một người bạn diễn tả nhân đức của Thầy Valentinô như sau: “Tôi không sao biết được con mắt của người mầu gì vì người thường cúi mặt xuống đất”.
Một lần tôi trêu người: “Anh Valentinô làm cái gì xấu mà cúi mặt xuống vậy?”
Thầy Valentinô trả lời: “Có nhiều lý do để tôi bắt chước người thâu thuế trong Phúc Âm vào nhà thờ không dám trông lên”.
Thầy Valentinô được chỉ định dậy học trò, một lần bị bệnh ốm nhưng sau khi khỏi bệnh học sinh đến chúc mừng nói đùa: “Nếu mà thầy chết thì chúng con khóc hết nước mắt”.
Thầy Valentinô cười đáp: “Thầy còn khốn nạn chưa đáng được hưởng mặt Ðức Chúa Trời nên chưa chết đấy thôi”.
Ngày lễ Chúa Ba Ngôi năm 1851 Thầy Valentinô được chịu chức linh mục. Người hết lòng lo lắng việc săn sóc linh hồn người khác đến nỗi đức cha địa phận phải khen rằng trong địa phận có Cha Valentinô là xứng đáng hơn cả và làm gương đủ mọi nhân đức. Thế nhưng lòng Cha Velentinô chỉ muốn làm linh mục dòng Ða Minh và đi truyền giáo phương đông. Ngày 26-10-1853, cha vào tu viện Ocanha chuyên gửi người đi giảng đạo. Cha được mặc áo dòng ngay. Cha viết thư cho cha mẹ, khuyên các đấng đừng buồn phiền nhưng hãy bắt chước Abraham dâng con mình vậy, cha viết: “Nếu Chúa muốn con đến đây, tại sao cha mẹ lại muốn con ở thế gian giữa những nguy hiểm. Cha mẹ không muốn con lên thiên đàng sao? Không phải là đời sống tu dòng là con đường chắc chắn lên thiên đàng sao? Vì thế cha mẹ hãy cám ơn Chúa thì tốt hơn... Chỉ có một điều quan trọng duy nhất dưới thế gian này là sống đời thánh thiện để chắc chắn chiếm một chỗ trên trời. Cha mẹ không thấy nhiều người vất vả đổ mồi hôi máu trên trán chỉ để kiếm tiền sao?”
Ngày 12-11-1854 Cha Valentinô được khấn trọng thể trong dòng Ða Minh và năm sau, ngày 17-12-1856 cha cùng với bẩy người nữa đi Manila để giảng đạo. Trước khi đi cha viết thư cho cha mẹ nói lên lòng nhiệt thành cứu rỗi lương dân: “Chúa đã quá tốt lành cho con được biết đạo. Người còn thương chọn con làm tông đồ để cứu rỗi các linh hồn mà chính Chúa cũng đã đổ mồ hôi và máu cực trọng để cứu chuộc họ. Người sẽ làm cho con trở thành ngôi sao chiếu sáng nếu con biết đáp lại tiếng gọi cao cả nàỵ Con làm gì để đáp lại những ơn Chúa đã ban, tất cả sự sống con thuộc về Người”. Cha đến Manila vào ngày vọng lễ hai Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô. Ðến tháng 12-1857 cha cùng với Cha Rianho và Carrere rời Manila đi Bắc Việt và tới nơi ngày 30-3-1858. Bắc Việt lúc này đang trải qua cơn cấm đạo dữ tợn. Cha Valentinô phải lén lút đến gặp cha bề trên Masso rồi tới Ðông Xuyên gặp Ðức Cha Hermosilla. Tiếp tục hành trình đến nơi trú ẩn của Cha Estevez ở Quần Cống và sau cùng được đưa trình diện Ðức Cha Sampedro, giám mục địa phận Trung, ngày 15-4-1858. Lúc này làng Ninh Cường với mười ngàn người đa số là Công Giáo bị vây bọc. Ðức Cha Sampedro đặt tên cho Cha Valentino là Vinh. Trước tình thế nguy ngập, Ðức Cha chọn Cha Vinh làm Giám Mục phụ tá và ấn định lễ các Thánh Tông Ðồ Phêrô và Phaolô sẽ phong chức cho người, nhưng vì gấp rút, suốt đêm mấy cha con vội vã lấy giấy và tre làm mũ gậy phong chức giám mục ngay đêm 13-6-1858 tại Ninh Cường. Ít ngày sau Ðức Cha Sampedro bị bắt và xử lăng trì ngày 28-7-1858. Ðức Cha Valentino Vinh viết về trách nhiệm mới của mình như sau: “Một biến cố chắc chắn làm bề trên lo lắng vì danh dự và lòng nhiệt thành nổi tiếng của dòng Ða Minh và vì công cuộc cứu rỗi xây dựng thân thể Chúa Kitô. Ðó là đạo rất thánh, mẹ giáo hội với những vị giám mục thánh thiện đã khai sinh một đứa con thiếu tháng, đó là chính con mọn đây”.
Tại địa phận Trung, quan quân lùng bắt khủng khiếp, nên mặc dù muốn chết giữa đàn chiên, Ðức Cha Valentino Vinh phải lẩn trốn sang địa phận Ðông để có thể tiếp tục hướng dẫn địa phận. Ngày 1-7-1858 người ở trọ làng Cao Xá, rồi về Kẻ Mốt tại Hương La với bốn thầy lý đoán và ông lang Thư.
Trong vòng một năm Ðức Cha vừa trốn vừa dậy các thầy lý đoán chuẩn bị lên chức linh mục và viết thư liên lạc với các cha trong địa phận. Lúc này liên quân Pháp-Tây Ban Nha tấn công Ðà Nẵng khiến vua quan cấm giáo dân di chuyển và lùng bắt thừa sai. Ðức Cha Hermosilla họp các thừa sai và quyết định phong Cha Alcazar làm Giám Mục phụ tá địa phận Ðông, cùng với bẩy thừa sai khác lên tầu tạm trốn để hòng cứu giáo hội sau này, còn hai Ðức Cha Hermosilla và Valentino Vinh với hai Cha Fernandez và Rianho ở lại giúp giáo dân.
Ðầu tháng 9-1861, quan áp dụng lệnh phân sáp và huyện Lương Tài bị tố giác có đạo trưởng ẩn trốn nên Ðức Cha Valentino, Cha Fernandez và Almato đi đến Hải Dương hẹn với Ðức Cha Hermosilla để trốn đi cực bắc tại Vạn Ninh. Lênh đênh trên con thuyền trốn chạy, Ðức Cha Berrio-Ochoa Vinh nói với người chèo thuyền đưa về địa phận để thăm con chiên bổn đạo dù có phải tay quân lính bắt cũng xin theo thánh ý Chúa, chết trong địa phận. Người chèo thuyền thưa lại với đức cha là mọi ngả đường đều có lính tuần canh nghiêm ngặt, không có cách nào thoát được. Ðức cha viết thư thăm giáo dân và nghe lời ở lại trên Hải Dương. Người lái thuyền tên Cựu Trọng đưa đức cha và mấy thầy vào một làng gọi là làng Gọp để trú ẩn và nghỉ ngơi.
Sau ba ngày, chủ nhà tên Khang Cấp giả vờ nói đi lên huyện để dò la tình hình nhưng thực sự là để báo quan huyện. Chủ nhà trở về nói: “Các ông không thể ở nhà tôi được nữa, phải đi đi”.
Ðức Cha Berrio-Ochoa Vinh được dẫn ra ngoài ruộng lúa ẩn mình. Chỉ lát sau quan Huyện Thanh Hà đã đem 300 lính đến bắt. Ðức cha thương tình chú giúp lễ nên xin quan tha cho chú về. Sau này chú giúp lễ làm linh mục tên là Nghiêm. Ðức cha bị bắt đúng ngày 25-10-1861.
Từ huyện rồi lên tỉnh, tới cửa thành có nhiều thánh giá đặt dưới đất, Ðức Cha yêu cầu họ cất đi mới chịu đi vào. Quan thượng Hải Dương Nguyễn Quốc Cẩm hỏi đức cha về tên tuổi, quê quán và sang từ bao lâu, đức cha thưa: “Tên tôi là Vinh, sang Việt Nam mới được bốn năm, địa phận của tôi ở trong tỉnh Nam Ðịnh, Nam Thượng và Nam Hạ. Bởi vì trong đó bắt đạo ngặt quá không thể ẩn tránh mãi, tôi bất đắc dĩ phải trốn tới đây”.
Quan hỏi năm 1858 có liên lạc gì với người Pháp-Tây gây chiến không? Ðức cha thưa: “Tôi không làm cái gì hại nhà nước bao giờ, tôi chỉ có một ý duy nhất là sang đây giảng đạo thánh Chúa Trời và khuyên bảo cho mọi người biết ăn ngay ở lành, giữ đàng lành và tránh đàng tội mà thôi”.
Quan hỏi thêm có biết Ðức Cha Tuấn (Ðức Cha Hermosilla). Ðức cha thưa lại là có quen biết và gặp nhau mấy lần. Sau đó quan thượng Hải Dương ra lệnh giam người trong tù cùng với Ðức Cha Hermosilla và Cha Almato, mỗi người một cũi. các đấng được dịp an ủi khích lệ nhau.
Tuy quan tổng đốc Hải Dương tử tế với các đấng nhưng sợ oai quyền Nguyễn Ðình Tân (Hưng), tổng đốc Nam Ðịnh và là bố vợ vua Tự Ðức, nên ra án tử hình cho cả ba đấng. Mặc dầu lính canh cấm mọi người lui tới nhưng có một y sĩ đã tìm cách đưa một vị linh mục giả làm thầy thuốc đến ban bí tích cho các đấng. Quan còn thử một lần nữa khuyến dụ các đấng bỏ đạo, nhưng càng làm cho các đấng cương quyết xưng đạo hơn.
Ngày 1-11-1861, tảng sáng ba vị anh hùng, đứng đầu giáo hội địa phận Trung và Ðông, hướng nhìn ánh mặt trời theo tiếng trống của lính đi ra pháp trường Năm Mẫu ở ngoài thành. Cả ba vị quì gối cầu nguyện chung với nhau rồi bị trói mỗi người vào cọc giơ đầu ra cho lý hình chém. Máu tuôn trào dưới ánh mặt trời bỗng loé sáng những hình thánh giá. Trời đang sáng bỗng tối lại trong vòng năm phút và một đàn bướm trắng đến đỗ trên xác các đấng trong khi mùi thơm phảng phất trên không. Người bên lương cũng như người Công Giáo nói rằng chính các thiên thần của Chúa đến đón các đấng về trời. Khi bình yên, xác Ðức Cha Berrio-Ochoa Vinh được mang về giữ tại nhà thờ Ðức Mẹ Vô Nhiễm ở Elorrio quê hương của người.