(bị bắt 8-11-1856, trảm quyết 22-5-1857 tại Huế)
Một người làm quan lớn lại có lòng thống hối như quan thái bộc Hồ Ðình Hy đã để lại một tấm gương thánh thiện và hết lòng vì đạo cho đến giọt máu cuối cùng. Người thường nói với vợ: “Tôi đầy rẫy những tội lỗi, dù nước sông nước nguồn có từ khắp nơi chảy về cũng chẳng đủ rửa tội tôi cho sạch. Tôi phải đổ máu ra mà rửa tội tôi thì cũng còn sợ chẳng biết cân xứng không”. Chúa đã dành cho người, một tôi tớ trung tín, gia nghiệp Nước Trời và cho người thắng trận vẻ vang đi vào như một viên dũng tướng.
Quan thái bộc sinh năm 1808 tại Nhu Lâm, tỉnh Thừa Thiên trong gia đình Công Giáo đạo đức và có tước vị. Người là út trong số năm anh chị còn sống. Người có trí thông minh và học tài nhưng lại không gặp vận nơi trường thi nên bị rớt. Tuy nhiên các quan mến tài, cho người làm chức thơ lại trong bộ công. Năm 20 tuổi, vị quan trẻ tuổi lập gia đình với Luxia Tân, một cô thiếu nữ Công Giáo đạo hạnh làng Sơn Công. Hai người hết lòng thờ Chúa, yêu thương nhau và dậy dỗ ba người con, trong đó có linh mục Thính. Vì được tập rèn đức tính cao quí trong đạo, ông quan trẻ tuổi được tin tưởng và thăng chức quan dần dần. Vua đã sai ông đi lo việc ở Phú Yên và mua hàng ở Singapore. Sau cùng được cử làm quan đứng đầu trông coi việc dệt tơ lụa, trông coi các từ đường, tước vị thái bộc và làm quan đến tam phẩm.
Khi giữ chức lớn trong triều, ông không thể tránh hết những điều sai lỗi như phải tham dự các việc cúng tế, sa sẩy việc giữ đạo, vợ nọ con kia. Nhưng chỉ trong ba năm, quan Hồ Ðình Hy đã thống hối, giữ các lề luật và còn siêng năng tập luyện nhân đức qua việc đọc sách thiêng liêng và suy gẫm. Nhờ đó lòng đạo đức và lòng bác ái đã thôi thúc người làm nhiều việc giúp người khốn cùng, đặc biệt có lần người đã đem cai đội Khiêm, một người hút thuốc phiện đến độ thân thể tàn tệ xông mùi hôi hám, về nhà riêng để săn sóc. Chính người bưng cơm, dọn giường và giặt quần áo cho người lính xấu số này cho tới khi anh ta chết. Tuy làm quan, nhưng người chỉ coi đó là việc để có thể giúp đỡ giáo hội. Người không dám nhận bằng làm trùm và làm kẻ giảng phục vụ giáo hội. Trong thời cấm đạo ngặt người vẫn không sợ hãi việc đón tiếp các thừa sai, dùng nhà mình làm nơi hội họp trong tuần thánh. Khi biết con mình muốn đi tu, người vui mừng dâng con cho Chúa không sợ tai tiếng với đời. Ðã nhiều lần người muốn từ chức quan để dễ dàng phục vụ Chúa hơn, nhưng vua Tự Ðức tin tưởng không cho người từ chức.
Thế nhưng chốn quan trường có nhiều đố kỵ ghen tuông tránh sao cho hết. Trong lúc vua và triều đình cấm đạo thì giữ đạo là một cớ cho người khác tố cáo làm hại. Có một quan tên là Phạm Y đến lãnh vải nơi quan thái bộc Hy, đòi cho được thứ vải tốt vượt mức phẩm hàm nên bị từ chối, ông để lòng hiềm thù, họp bàn với mấy quan khác để tìm cách hãm hại quan Hồ Ðình Hy. Ngày 8-11-1856, các quan này dâng sớ tố cáo quan thái bộc với vua Tự Ðức. Cũng là quan nên những người này tìm những lời ghép tội cho địch thủ phải chết. Họ buộc tội cho quan thái bộc là liên lạc với người Pháp đang rình rập đánh chiếm Cửa Hàn.
Lời buộc tội viết: “Chúng tôi làm quan thanh tra nhà nước cả dám tâu vua về một người có đạo Giatô. Chúng tôi nghĩ rằng đạo ấy là đạo tà, từ xưa đến nay Ðức Vua đã ban nhiều sắc chỉ cấm ngặt. Mới đây Ðức Vua ra đạo dụ cho các quan và dân phải bỏ đạo tà mà về với chính đạo. Chúng tôi đã truy ra có quan Hồ Ðình Hy vẫn tiếp tục giữ đạo. Bề ngoài làm quan vâng giữ luật nước, nhưng khó biết được thâm ý bên trong... Lại có chuyện khác nữa là nhiều tầu Pháp đậu ở ngoài khơi gần Cửa Hàn. Họ đã làm nhiều điều khiêu khích khiến các quan lớn nhỏ đều tức giận. Hằng ngày Ðức Vua bàn bạc dậy chúng hạ thần phải phòng giữ, các quan cũng hội họp bàn cách đuổi họ đi. Rủi thay có quan Hồ Ðình Hy đã rõ các điều ấy đưa tin cho quân Pháp mọi rợ. Phận việc chúng tôi phải xem xét nên chẳng dám ngồi yên thinh lặng. Xin Ðức Vua cất chức, giam kỹ lưỡng và đem ra tòa để xử hầu tránh hiểm họa sau này”.
Quả thực lúc ấy các thương gia Pháp thắng thế đang đẩy mạnh công cuộc chiếm đất, đã cho tầu Catinat và Capricieuse đến Cửa Hàn (Ðà Nẵng), nên Vua Tự Ðức tin ngay lời buộc tội của các quan, hạ bút phê: “Các quan thanh tra nhà nước đã làm việc bổn phận tử tế. Nay Trẫm cất mọi chức tước ông Hồ Ðình Hy. Trẫm cũng truyền lệnh bắt giam vào ngục. Quan thượng bộ hình phải lo xét xử và tường trình cho Trẫm”. Ngay hôm đó, khoảng giữa trưa quân lính đến vây nhà và bắt quan Hồ Ðình Hy. Quan cai đội ngầm báo cho biết chuyến này đi không về nên bảo mang quần áo theo. Khi ra khỏi nhà, quan thái bộc dặn người lính hầu trở lại bảo vợ trốn đi vì biết thế nào các quan cũng cho lệnh bắt. Quan Hồ Ðình Hy vào tới cửa Hiếu Nhơn liền bị bắt trói lại và dẫn đến trước mặt các quan. Các quan truyền lệnh lột chức, đóng xiềng và giam vào trong ngục Trấn Phủ.
Ngày hôm sau, 9-11, các quan chính thức tra xét và bắt người làm lời khai. Người khai như sau: “Tôi 53 tuổi, người làng Nhu Lâm. Cha mẹ có đạo, đã cho tôi đi học chữ Nho từ thuở nhỏ. Năm Minh Mệnh thứ bẩy (1826), tôi được vào làm trong Bộ Công giúp việc nhà nước ba mươi mốt năm, sau được Vua thương ban quan tước tam phẩm, tước thái bộc giúp việc nhà Vuạ Ðạo cha ông tôi vẫn giữ trong lòng. Năm ngoái có sắc lệnh Vua cấm, tôi giả đò bề ngoài để che dấu, nhưng thực sự không bỏ đạo và cho tới hôm nay tôi vẫn cương quyết giữ đạo”. Người còn khai thêm tên tuổi người vợ và người con trai tên Giảng (tức cha Thính sau này) 17 tuổi, còn ngoài ra các linh mục và người có đạo người khai không biết gì.
Vua Tự Ðức bắt các quan phải tra xét cho kỹ từng chi tiết của lời khai trên. Ngày 10-11 các quan điệu người ra đánh bẩy đòn roi móc thật dữ tợn và bắt làm lại lời khai. Quan thái bộc vừa phần hoảng sợ vừa phần bầy vẽ mưu lược viết lại lời khai với một số chi tiết nửa thật nửa sai có ý làm cho vua quan sợ hiểm họa người Pháp mà tha đạo: “Tôi là người Công Giáo, chỉ biết có một linh mục Oai ở Ðá Mòn, Xứ Quảng, thường đến tỉnh này để dậy dỗ tân tòng. Linh mục thường ghé ở nhà bà Vệ, làng An Vân, huyện Hương Trà. Tôi đến thăm linh mục đôi ba lần mỗi năm. Năm vừa rồi tôi nghe cha nói lệnh vua cấm đạo làm cho việc cử hành các bí tích gặp khó khăn nên đã viết thư qua Âu Châu xin người Pháp giúp đỡ. Tới năm nay khoảng tháng 9 khi tôi nghe có tầu Pháp đến, tôi tìm gặp linh mục và được nghe biết thêm linh mục nhận được thư từ bên Pháp loan báo không sớm thì muộn sẽ sang cứu giúp. Những tầu này như mọi người đã biết họ đến để xin tha đạo và tự do buôn bán, nếu không được như lời xin, họ sẽ trả thuø”.
Sáng hôm sau, 11-11, người bị tra tấn và bắt khai thêm về trường hợp người con lẻn trốn đi ngoại quốc với thừa sai. Lần này người khai là năm Tự Ðức thứ bẩy (1854), con ông tên Giảng được linh mục Oai dậy dỗ và gửi đi Singapore học thêm. Tháng ba vừa rồi Cha Oai có trao một lá thư của người con cho biết đã tới bình yên. Trong thư người con cho biết đang học với Ðức Cha Lefebvre và còn cho biết tầu Pháp sẽ đến xin cho tự do đạo và buôn bán. Cha Oai cũng xác nhận tin tức này. Các quan còn bắt người khai tên những quan có đạo khác. Người trót lỡ khai tên năm vị quan và năm người họ hàng. Vì thế các quan bị bắt. Chỉ trừ có vợ con của người và Cha Oai trốn thoát được. Ðức Cha Sohier khi viết tường thuật cuộc bắt và tử đạo của quan thái bộc đã cho biết quan thái bộc phải khai như thế vì sự kiện tầu Pháp đến cửa Thuận An và người con của mình đi ngoại quốc đã lộ ra nhiều ở kinh đô. Cha Thính, con của người, cho biết thêm lý do quan thái bộc kể tên mấy người có đạo vì bà Vệ đã già, viên thơ lại là người Công Giáo có thể báo cho các quan có đạo trốn đi dễ dàng. Cùng ngày hôm ấy lính bắt được một người đưa thư. Một bầu khí hoảng sợ bao trùm các họ đạo, linh mục phải trá hình trốn tránh các cuộc lùng bắt.
Ngày 15-11, lệnh của Vua kết án: “Hồ Ðình Hy là người cố chấp theo tà đạo mặc dù đã được ban phẩm hàm, tội không thể tha, vậy phải canh giữ cẩn mật. Các quan khác và những người bị bắt cũng phải canh giữ cẩn thận cho đến khi xét xử xong. Về phần giáo dân, mặc dù mù quáng theo tà đạo, nhưng vẫn là con dân trong nước, đáng hưởng lòng khoan hồng. Trẫm thương cho sự mù quáng và không muốn đối xử hà khắc. Từ nay không được bắt bớ thêm người nào nữa, hãy để cho chúng có đủ thời giờ hối cải trở về nẻo chánh”. Sắc lệnh trên đã trấn an được dân chúng tuy nhiên đã có hai mươi bốn người bị bắt và lệnh lùng bắt Cha Oai vẫn được lập đi lập lại. Có bốn quan, tức là người cháu của quan thái bộc Hy và lý trưởng An Vân, đã chịu đạp ảnh và chối ngay mình không phải là Công Giáo. Quan thái bộc hối hận vì lời khai bất cẩn của mình, đã xin lỗi những người họ hàng và các quan bị bắt vì lời khai, nhưng mấy người này giận dữ chửi rủa quan thái bộc không tiếc lời. Chính quan thái bộc dù bị tra tấn vẫn không bao giờ chối đạo. Trong tù, quan đã được linh mục đến giải tội và cho rước lễ. Nhờ đó người có sức chịu mọi nỗi khổ về thể xác và nỗi dằn vặt lương tâm vì đã khai tên đồng đạo.
Tết năm 1857 thật bi thảm, vua cấm mọi thứ trò chơi đầu năm. Ðến ngày 22-2 quan thượng bộ hình cho đòi các tù nhân Công Giáo ra tra hỏi lại về âm mưu của linh mục Oai. Ông Antôn Công, lý trưởng làng An Vân trước đây chối đạo được dịp chuộc lại lời khai như sau: “Lần trước vì sợ hãi mất hồn tôi đã phạm tội bước qua thập tự, hôm nay tôi cương quyết không tái phạm”. Thế là ông bị đánh tàn nhẫn. Các tù nhân trả lời không biết gì về những lời khai của ông Hy. Ông Lý Công bị đánh tám roi móc, ông đội Stêphanô Loé tám roi, ông Philip Xuân mười roi, ông Gioan Quang mười hai roi, bà Mađalêna Ho, chị cha Oai, hai roi. Các tù nhân Công Giáo còn bị tra khảo năm lần nữa. Riêng ông Hy ngày 5-3 bị đem ra trước tòa bắt nhận tội âm mưu với linh mục Oai và có liên lạc với người Pháp, ông bị đánh sáu roi. Bốn ngày sau ông lại bị tra khảo với mười roi và bắt tiêu xưng tên các linh mục ở những nơi khác. Ông Hy cương quyết trả lời rằng không biết ai khác.
Nghe tin các quan sẽ bắt ông Hy khai lại nữa, Ðức Cha Sohier gửi thư cho ông bắt ông phải khai lại cho đúng và lựa lời mà khai không tiết lộ ai khác. Khi nhận được thư ông rùng mình sợ hãi vì những roi móc và tra tấn đang chờ đợi. Ngày 17-3, tất cả các tù nhân bị điệu ra trước tòa án để luận án và không tra khảo gì thêm. Riêng bà Mađalêna Ho bị gọi riêng ba lần khác và bị đánh mười bốn roi móc mà vẫn can đảm chịu, không nói một lời.
Ngày 30-4, các quan kết thúc với bản án sau cùng: “Sau khi đã lấy lời khai đầy đủ chúng tôi xét như sau, dựa trên những sắc lệnh cấm đạo đã ra và chúng tôi xin hoàng đế duyệt xét. Tên Hồ Ðình Hy, quan tam phẩm, cả lòng theo tà đạo, vẫn không chịu từ bỏ khi thời gian khoan hồng đã hết, hơn nữa còn đồng ý cho linh mục Oai đem con trai ra nước ngoài sang Singapore, và đến gặp linh mục này nhiều lần. Hắn đã thú nhận. Còn về việc liên lạc với người Pháp, chúng tôi đã tra khảo nhiều lần nhưng hắn vẫn một mực chối không có. Vì chưa bắt được linh mục Oai nên hắn có thể chối như vậy và đổ lỗi cho một mình linh mục. Cần phải áp dụng hình phạt tội phiến loạn...”
Sau khi trích lại sắc lệnh về hình phạt cho tội loạn nghịch, các quan nhắc đến lệnh cấm đạo và bắt các quan, binh sĩ phải bỏ đạo trong sáu tháng, các quan đề nghị hình phạt sau đây phải áp dụng cho quan thái bộc và các tù nhân Công Giáo: “Phải chém đầu Hồ Ðình Hy ngay, còn hai mươi mốt người vừa bà con vừa quan lại, dù không có đồng lõa, nhưng có tội vì theo đạo Giatô và không chịu xuất giáo. Chúng là một đám người bất trị cần phải khắc chữ vào má và đi đầy tận cùng đất nước, xa các cửa biển và trong nhiều nơi khác nhau”.
Tiếp đến, các quan trích luật khoan hồng cho những người trên 70 tuổi như bà Lê Thị Vệ, Trần Hữu, Lê Văn Tuynh, Ðặng Văn Ngôn gần đất xa trời, truyền giao cho lý trưởng canh chừng. Còn bốn quan chối đạo và đã dâng hương thì truyền tước đoạt chức tước. Bốn người khác khai mình đã bỏ đạo từ lâu thì đánh 100 gậy và răn phải bỏ đạo rồi cho về nhà. Các quan cũng ra lệnh bán tài sản của quan Hồ Ðình Hy. Ngoài ra các quan tỉnh Thừa Thiên ra lệnh lùng bắt vợ con của quan thái bộc, linh mục Oai và sáu người khác.
Ngày 1-5, vua Tự Ðức phê chuẩn án và dậy phải thi hành như sau: “Hồ Ðình Hy trước làm thơ lại, sau lần lần lên được phẩm hàm quan lớn. Nó cả lòng khinh mạn luật nước và theo tả đạo mà chẳng cải quá tự tân. Nó lại lén lút cho con đi học ở Singapore. Nó năng đi lại với linh mục Oai nói về tầu Tây. Thật là một tên vong ân bội nghĩa hai lòng, tội nó đáng chết ngàn lần. Vậy Trẫm truyền phải xử trảm để nêu gương cho kẻ khác thấy mà sợ. Trẫm truyền cho năm quan và mười lăm tên lính điệu nó đi qua các ngả đường, nơi đông người trong thành nội ba lần, cách khoảng nhau ba ngày. Tại mỗi nơi phải rao to tiếng rằng: Hồ Ðình Hy là tội nhân theo đạo Giatô tả đạo, cả lòng làm nghịch cùng chẳng có lòng thảo kính cha mẹ lại bất tuân luật nước, Hoàng Ðế xử phải trảm quyết. Những người có đạo cả quyết rằng chết như vậy sẽ được lên Thiên Ðàng. Chúng ta hãy xem coi có thật chăng. Ðiều đó không ai biết, chỉ biết rằng Hồ Ðình Hy bị khốn khổ mà nào Giêsu ở đâu không đến cứu nó. Trẫm truyền rao như vậy khắp mọi nơi hầu mọi người biết theo tà đạo là điều vô ích. Tại mỗi ngã ba đường phải đánh nó 30 gậy. Sau khi đã điệu như vậy đủ ba lần thì đem chém đầu làm gương”.
Ngày 15-5 các quan thi hành lệnh trên lần thứ nhất, người bị đánh đòn tại hai nơi cả thảy sáu chục gậy. Ngày 18 và 21 người cũng bị dẫn đi và đánh như thế. Trong thời gian này người cũng được an ủi rước lễ do Cha Thành và Cha Hành đưa đến. Tới ngày 22-5-1857 là ngày xử nhưng không quan nào nhận trách nhiệm, mãi đến trưa mới có quan chịu dẫn 100 lính đem ra chợ An Hòa xử tử người. Mới nghe tiếng chiêng trống người sợ hãi toát mồ hôi nhưng rồi trấn tĩnh lại. Theo qui ước hễ thấy người làm dấu thì linh mục ở giữa đám đông sẽ ban phép giải tội, bởi vậy cứ thỉnh thoảng người lại làm dấu để mong cha trông thấy. Dân chúng theo sau thì thầm: “Nào người này có phạm tội gì đâu, không trộm cắp hay bớt xén công quĩ, thật chỉ vì giữ đạo Thiên Chúa mà phải khổ sở”. Qua khỏi cầu An Hòa quan cho dọn cơm như thói quen cho các tử tù nhưng người không ăn và xin quan xử ngay tại đây chứ không cần phải đi đâu xa nữa. Người đưa mắt nhìn chung quanh thấy có Cha Hành liền làm dấu thánh giá. Người lương nói với nhau rằng ông ấy đang tìm người nhà. Sau ba lần làm dấu thánh giá, ông Duyên hiểu ý, vỗ vai Cha Hành để chỉ cho thấy. Lúc này người yên trí, rút từ trong túi áo ra lời khai mới để đưa cho quan giám sát nhưng chẳng còn ai quan tâm đến nó nữa. Người hút một điếu thuốc rồi quì trên tấm chiếu trải dưới đất, tự tay vấn tóc sửa áo còn lính thì trói tay người ra đàng sau để sửa soạn chém. Người xin một phút để cầu nguyện và làm dấu thánh giá lần sau cùng và nói việc tôi đã xong. Sau ba tiếng chiêng, đao phủ vung gươm chém, nhưng hấp tấp chém hụt lên tai và một bên hàm răng khiến máu chảy lai láng và đau đớn đến nỗi người ngả người ra, tên đao phủ chém lần thứ hai đầu người mới đứt hẳn, đưa linh hồn người chiến sĩ dũng cảm về lĩnh triều thiên tử đạo.
Sau khi xử, mọi người rút lui chỉ còn lại mấy người giúp việc cũ và một số người thợ dệt cảm ơn nghĩa cũ đã săn sóc trong thời gian bị giam, bây giờ thu gọn thân xác vị anh hùng tử đạo đem về chôn tại họ Phủ Cam. Còn những bạn Công Giáo xưng đạo, mười bẩy người, bị quan gọi lên khắc hai chữ tả đạo vào má hôm 19-5, bốn người già được tha về. Ðến ngày 27-7, những người bị lưu đầy vì đạo xuống tầu đi đến nơi chịu án. Tầu chở họ gặp bão. Ông Anrê Liêu chết khi vừa tới Bắc Việt. Trong khi đó một quan cai đội khác đã tố giác mười bốn lính Công Giáo, họ cũng bị khắc chữ vào má và đem đi đầy. Họ đạo An Vân bị tan nát và tiếp tục bị lùng bắt...
(bị bắt tháng 11-1856, xử trảm 25-5-1857 tại Sơn Tây)
Giáo dân Bắc Việt mỗi khi muốn khen thầy giảng nào nhân đức họ thường nói: “Ông này nhân đức như ông Cai Vân”. Khi về già, người phải chống gậy và móm răng nên giáo dân Bầu Nọ còn gọi người là ông già móm Vân.
Thầy Ðào Văn Vân sinh năm 1780 tại làng Kẻ Cói, xứ Kẻ Sông, tỉnh Hà Nam. Khi còn bé người ở với Cha Thi và học chữ Nho rồi vào trường Latinh, đến năm 25 tuổi được làm thầy giảng. Các nhân chứng không biết trong thời kỳ này người ở những đâu, chỉ biết những năm cuối cùng người giúp Cha Lý và làm thầy cai ở Bầu Nọ.
Từ khi làm thầy cai ở xứ Bầu Nọ, cha xứ thường đi vắng làm phúc, trao toàn quyền cho thầy coi sóc các thầy giáo và mười tám chú học trò. Những người cùng ở với Thầy Vân quả quyết rằng thầy rất đạo đức, hiền lành, siêng năng làm việc dù đã có tuổi. Bổn đạo khi thấy thầy già ngoài 70 tuổi còn ra ngoài đồng thì can, nhưng thầy nói: “Bổn đạo vất vả chân lấm tay bùn, dầm sương giãi nắng, gồng gánh xa xôi, ta làm một chút gọi là đỡ cho họ”. Vì thế mọi người còn khen lòng bác ái thương người của thầy. Thấy ai khốn khó Thầy Vân đem tiền của đến tận nhà họ để giúp. Ngoài ra Thầy Vân năng đi thăm kẻ liệt, khuyên bảo và đọc sách giúp họ. Các ngày lễ cả, thầy xuống cắt nghĩa giáo lý cho các bà dòng. Trong tuần đại phúc thầy dậy dỗ các học trò nam nữ.
Thầy làm cai cho đến năm 76 tuổi vì lẫn cẫn mới thôi việc và lưng đã khòm phải chống gậy. Như hoa trái chín tới, Thiên Chúa thưởng công bằng triều thiên tử đạo. Lý trưởng làng Bầu Nọ tên là Tương, ngoại đạo, hùa với một người Công Giáo tên Hướng ăn gian thuế của dân rồi không có tiền trả lại. Quen thói, những người này đến nhà xứ nói khó với Thầy Vân, nhưng Thầy Vân muốn cho họ bài học để sửa trị thói xấu nên từ chối không giúp đỡ. Ðến tháng 11 bọn này tính kế nộp nhà đạo để lãnh thưởng, đã lên báo cho quan phủ Lâm Thao rằng tại Bầu Nọ có đạo trưởng và đạo quán. Quan liền cho binh lính tới vây. Mới tới Vĩnh Mộ quan nghe nói có một tướng tên Hán, người Công Giáo ở Hà Nội mới về nên ngại không đi nữa, chỉ bảo hai tên Tương và Hướng mang đầy tớ đi mà đánh, lấy trộm kho thóc. Tướng Hán biết được liền cho đánh trống dân làng đến nhà xứ Bầu Nọ để bảo vệ. Các thầy và các chú đã chạy trốn, nhân dân không bắt được hai tên phản nghịch nhưng lấy lại được các đồ đạc.
Thầy Vân trốn được ba ngày thì nghĩ đến trách nhiệm cha xứ giao, mới có náo động đã sợ hãi bỏ chạy thì nghĩ ngợi, liền trở về xem sao. Mới về tới làng Tiên Cát Thầy Vân gặp mặt lý Tương và tên Hướng liền bị bắt trói đem nộp cho quan phủ. Ðược tin, dân chúng cử ba vị quí chức lên lo liệu, đồng thời ở nhà rỡ nhà thờ và nhà dòng để tránh quan quân xâm phạm. Ba vị quí chức lên lo liệu ở phủ lại bị bắt giam và phải chuộc mười lạng bạc. Hai tên tố giác khai với quan rằng Thầy Vân là đạo trưởng. Phần Thầy Vân bị bắt với một chú bé mới có 12 tuổi tên Thịnh, sợ chú phải khổ nên thầy dậy chú khai rằng: “Tôi theo thầy, thầy đi đâu tôi đi đấy không biết nơi nào mà khai”.
Mấy ngày sau khi bị bắt, quan cho đem Thầy Vân ra hỏi cung. Thầy Vân thưa: “Bẩm quan lớn, tôi đã bỏ thế gian từ thuở nhỏ nên không rõ quê quán, nghe nói đâu ở gần Lý Nhân phủ, còn những nơi đã đi thì tôi nay ở chỗ này mai ở chỗ khác khắp cả tỉnh Sơn Tây. Với lại từ khi cấm đạo, ai có lòng mời thì tôi đến”.
Quan lại hỏi đến các đạo trưởng, Thầy Vân thưa: “Chúng tôi không được biết các đấng ở đâu, còn tôi không phải là đạo trưởng mà chỉ là người giúp việc”.
Quan không tin, cho rằng đi tu tới 77 tuổi mà không được làm đạo trưởng, Thầy Vân cứ thành thật thưa: “Quan lớn thương gọi tôi là đạo trưởng là do lòng tốt của quan, còn tôi không dám nhận vì không phải”.
Quan lại khuyên người: “Thôi ông đã già khụ khị rồi, đừng gan liều khổ, chối đạo đi tôi cho về”.
- “Bẩm quan, chúng tôi thờ phượng Ðức Chúa Trời và thánh giá là hình tượng Người, chúng tôi không khi nào dám đạp, sống chết chúng tôi cũng không bỏ đạo”.
Các quan cứ ép Thầy Vân nhận là đạo trưởng để họ có tiếng với triều đình, nhưng thầy nói thật không dám nhận điều không có. Thầy Vân bị giam ở phủ Lâm Thao bốn tháng rồi bị các quan làm án là đạo trưởng và giải về tỉnh Sơn Tây. Trong thời gian bị giam ở đây, bổn đạo sợ không dám đến thăm, chỉ có Cha Liêm lén đến giải tội và một người giáo dân là ông Giáp mang Mình Thánh Chúa đến cho thầy.
Bản án của thầy như sau: “Chúng tôi đã theo lề luật mà tra hỏi tên tù này. Nó tiêu xưng rằng quê quán nó ở Do Hai, tỉnh Hà Nội, tên là Ðào Văn Vân. Cha mẹ chết sớm, vợ con không có. Có đạo trưởng nhận nuôi và dậy chữ nghĩa cùng nghề làm thuốc. Nó đi khắp hang cùng ngõ hẻm, trên rừng dưới sông, để bán thuốc kiếm ăn và đồng thời truyền bá đạo Giatô. Bị bắt nó không nhận là làm đạo trưởng mà chỉ làm thầy. Nhưng nhiều lần chúng tôi bắt ép đạp ảnh chối đạo nó nhất định không nghe và còn nói là muốn chết hơn là bỏ đạo tà theo lệnh Vua. Thật là cố chấp, đúng là đạo trưởng chứ không sai. Sau nó không dám chối nữa. Vậy chúng tôi xét phải theo luật pháp mà kết tội xử chém ngoài đồng”.
Quan đầu tỉnh Sơn Tây tin theo lời quan phủ, phê vào đơn và đệ trình về triều đình. Trong hai tháng trời chờ đợi ở nhà giam Sơn Tây, Thầy Vân được Sơ Ân và một chị trẻ tên là Hợp đi lạc quyên giúp đỡ người, vì Cha Lý không có gì để giúp. Số tiền quyên góp được giao cho ông cai Vải để lo cơm nước. Tới ngày 25-5-1857 án của triều đình về tới tỉnh với lệnh: “Tên phạm Ðào Văn Vân là đạo trưởng Giatô. Nó quyết chí thà chết hơn là chối đạo. Ðúng là một tên cố chấp, án nó phải thi hành ngay không được khoan giãn. Vậy tên Ðào Văn Vân phải chém ngay, không cần chờ lệnh nào khác”. Sáng hôm đó 50 người lính mặc áo giáp cầm giáo theo lệnh quan giám sát ngồi trên voi, áp giải Thầy Vân ra pháp trường thọ hình. Họ ra khỏi thành ở cửa Tây và đi về phía chợ Nghệ. Thầy Vân hiên ngang đi với nét mặt tươi vui nhưng vì già lão không đi nhanh được nên bị hai tên lính cầm đầu gông đẩy đi, và một tên khác buộc giây vào cổ mà lôi. Tới cánh đồng đám lính dừng lại làm thành vòng tròn vây Thầy Vân ở giữa. Giáo dân tên Thông mua một tấm chiếu trải xuống đất cho thầy quì. Lính đao phủ hối hả tháo gông, cột tay thầy ra đàng sau vào cọc. Thầy Vân ngẩng mặt nói: “Tôi đã ngót 80 tuổi đầu, tôi không sợ chết mà trốn đâu. Các quan chém đầu tôi xin chịu, chỉ xin các anh thư thả cho tôi một chốc để cầu nguyện”.
Sau một lúc người chiến sĩ đức tin ra hiệu đã sẵn sàng. Lính đao phủ nhảy múa rồi chém vào cổ, nhưng hắn vụng về phải chém tới nhát thứ ba mới đứt. Hắn tung đầu lên thật cao cho quan xem thấy rồi để mặc đầu rơi xuống đất, và nhập hàng với lính đi về tỉnh. Mấy người có đạo cùng với bà Ân lấy vải thấm máu và bó xác lại chôn ngay tại pháp trường, có chôn một tảng đá để làm dấu. Sau này hai ông Tam và Mão bốc hài cốt đem về chôn tại nhà mình cho đến khi bình yên thì chôn ở trong nhà thờ của họ.
Tên lý Tương ra tay bắt Thầy Vân sau này bị quan đầu tỉnh chém ở bờ sông vì tội theo giặc, còn chính quan phủ Lâm Thao làm án tử cho Thầy Vân thì được thăng chức tổng đốc Hưng Yên, nhưng rồi năm 1873 không giữ được thành phải bắt giam và đầy ở Bạch Bát. Ông quan này thú nhận rằng vì mình làm án bất công cho người vô tội mà phải trừng phạt như vậy.