Ngày 19-6-1988 Ðức Thánh Cha Gioan Phaolo II tôn phong Hiển Thánh cho 117 vị Chân Phúc tử đạo Việt Nam, tức là đúng 126 năm sau ngày tử đạo của vị chết cuối cùng vào tháng 6-1862, và 243 năm tính từ ngày tử đạo của vị Chân Phúc đầu tiên. Ngoài số 117 vị Chân Phúc còn rất nhiều vị tử đạo khác đã được nhận vào sổ đáng kính hay tôi tớ Chúa. Trong khoảng thời gian dài ấy các hồ sơ điều tra đã được tiến hành rất kỹ lưỡng trong nhiều đợt khác nhau mà chúng tôi xin vắn tắt trình bầy các diễn tiến.
Hồ sơ đầu tiên xin phong thánh cho các anh hùng tử đạo Việt Nam là hồ sơ thầy giảng Anrê Phú Yên, được mệnh danh là người chứng thứ nhất. Hồ sơ này đuợc địa phận Goa, Ấn Ðộ, đứng tên, vì bấy giờ Việt Nam còn thuộc địa phận Goa. Hồ sơ đệ trình ngày 21-8-1649, được địa phận Ðà Nẵng xin mở lại ngày 11-11-1963, và do cha Paulus Molinari dòng Tên làm cáo thỉnh viên. Năm 1886 đã nạp bản tường thuật mới. Ngoài ra trong văn khố dòng Tên ở Roma còn có danh sách và tường thuật cuộc xưng đạo và tử đạo của các giáo dân ở miền Trung, được lưu trữ trong các tập Japsin 68, 70. Tại Bắc Việt có hồ sơ của Cha Bucharelli, bị bắt và tử đạo cùng với 9 giáo dân Việt Nam năm 1723. Một hồ sơ khác về cuộc tử đạo của 4 cha dòng Tên và hai thầy giảng Việt Nam, đứng đầu là Cha Barthôlômô Alvarez, tử đạo năm 1737.
Tất cả mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam từ trước đã mong ước các Chân Phúc tử đạo tiền nhân được tôn phong Hiển Thánh và được toàn thể giáo hội tôn kính cùng với các vị thánh tử đạo Rôma, Pháp, Uganda, Nhật Bản, Ðại Hàn. Nhưng chưa có ai làm gì chính thức theo thủ tục của giáo hội. Mãi đến ngày 16-11-1985 Ðức Hồng Y Giuse Trịnh Văn Căn, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục (HÐGM) Việt Nam, mới chính thức gửi thỉnh nguyện thư lên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II và chỉ định linh mục Vinhsơn Trần ngọc Thụ làm cáo thỉnh viên. Trong thư gửi Ðức Thánh Cha, Ðức Hồng Y Căn đã viết: “Năm 1985 này, kỉ niệm 25 năm thành lập hàng giáo phẩm và thiết lập các giáo phận, theo đúng thể thức giáo luật, con trân trọng xin Ðức Thánh Cha cho lệnh mở lại hồ sơ các Chân Phúc tử đạo Việt Nam và cứu xét việc tôn phong các đấng lên bậc Hiển Thánh. Cả dân tộc Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, nhất trí với con để dâng lời thỉnh nguyện này. Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam đồng thanh quyết nghị đệ lên Ðức Thánh Cha bức thư thành khẩn hôm nay, mục đích là để làm vinh danh Thiên Chúa, củng cố niềm Tin Cậy Mến của cộng đoàn tín hữu chúng con...”
Hưởng ứng với HÐGM Việt Nam, các thư thỉnh nguyện tới tấp đệ lên Ðức Thánh Cha: ngày 28-12-1985 do Cha Damian Byrne, bề trên tổng quyền dòng Ðaminh, ngày 2-2-1986 do Cha Jean Paul Bayzelon, bề trên tổng quyền Hội Thừa Sai Paris, ngày 15-4-1986 do Ðức Hồng Y Vilnet, chủ tịch HÐGM Pháp, ngày 13-5-1986 do Ðức Hồng Y Vidal, chủ tịch HÐGM Phi Luật Tân, ngày 19-6-1986 do Ðức Tổng Giám Mục Gabino chủ tịch HÐGM Tây Ban Nha.
Theo ý Ðức Hồng Y Căn, danh xưng của hồ sơ này là: Linh Mục Anrê Dũng Lạc và Các Bạn Tử Ðạo tại Việt Nam. Tuy nhiên Bộ Phong Thánh góp ý nên lấy thêm một số vị nữa. Do đó với 96 vị tử đạo Việt Nam thêm vào, gồm: Toma Thiện đại diện cho miền Trung và giới trẻ, Emmanuele Phụng, đại diện cho miền Nam và trưởng gia đình cũng như quý chức. Về phía 11 thừa sai Ðaminh có Ðức Cha Hermosilla và Berrio Ochoa đại diện cho 8 giám mục, về phía 10 thừa sai thuộc Hội Truyền Giáo Paris có Cha Vénard đại diện cho các linh mục thừa sai. Ngày 18-4-1986 Bộ Phong Thánh công bố nghị định về danh xưng như sau: Martyres Vietnamiae: Andreas Dung Lac, sac.; Thomas Thien et Emmanuel Phung, laici; Hieronymus Hermosilla, Valentinus Berrio Ochoa, episc., ỌP. et alii 6 Episcopi; Theophanus Venard, sac. M.ẸP et alii 105 Socii (occ. saecc. XVIII-XIX).
Ngày 18-4-1986 Bộ Phong Thánh còn nhân danh HÐGM Việt Nam để xin Ðức Thánh Cha tha điều kiện một phép lạ theo giáo luật. Ngày 5-6-1986, Bộ Phong Thánh công bố quyết định của Ðức Thánh Cha tha điều kiện phép lạ, trong đó nêu rõ lý do là trong giáo đoàn Việt Nam vẫn còn trung thành giữ vững đức tin một cách phi thường nhờ gương sáng và lời cầu khẩn của các Chân Phúc tử đạo, ngoài ra đã có những dấu chỉ và một số phép lạ rõ rệt do các vị Tử đạo nói trên.
Ngày 22-6-1987 Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II triệu tập cơ mật viện với sự có mặt của 28 Hồng Y và 70 Giám Mục để, ngoài các việc trọng đại trong giáo hội hoàn vũ có quyết định chấp thuận 4 hồ sơ phong thánh, trong đó có hồ sơ 117 Chân Phước tử đạo Việt Nam.
Về ấn định ngày làm lễ tôn phong, các cáo thỉnh viên đã đề nghị vào Chúa Nhật truyền giáo 18-10-1987 trùng với Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới, vì giáo dân sẽ có đông đảo thành phần tham dự và mang nhiều ý nghĩa giáo dân vì trong số 117 vị có 59 vị là giáo dân. Tuy nhiên vì chương trình chung của giáo hội, lễ phong thánh cho 117 vị tử đạo Việt Nam chỉ có thể thực hiện trong năm 1988. Vì thế các cáo thỉnh viên lại thỉnh cầu chọn ngày 29-6-1988 là lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ hoặc các Chủ Nhật 26-6, 19-6. Sau Cơ Mật Viện, Ðức Thánh Cha đã nhận lời viếng thăm mục vụ nước Áo vào Chúa Nhật 26-6 nên lễ tôn phong Hiển Thánh cho 117 Chân Phúc tử đạo Việt Nam được ấn định ngày 19-6-1988.
Ngay sau Cơ Mật Viện, Ðức Hồng Y Casaroli, Quốc Vụ Khanh toà thánh, đã đánh điện báo tin cho Ðức Hồng Y Căn về quyết định của Ðức Thánh Cha sẽ làm lễ tôn phong cho các Chân Phúc tử đạo Việt Nam trong vòng tháng 6. Lúc 18g20 ngày 26-6-1987 Ðức Hồng Y Căn đã đánh điện cám ơn Tòa Thánh và quả quyết rằng toàn thể giáo hội Việt Nam ăn mừng khi nghe tin Ðức Thánh Cha nghị quyết phong Hiển Thánh cho các Chân Phúc tử đạo Việt Nam.