Thái tử Hồng Nhậm là con thứ do bà Phạm Thị Hàng, con gái vị công thần Phạm Ðăng Hưng, được chọn làm vua kế vị Thiệu Trị tháng 10 năm Ðinh Vị (1847), lúc ấy mới 19 tuổi, và lấy năm 1848 làm Tự Ðức nguyên niên, ban ân xá cho các tù nhân, trong đó có cả các người Công Giáo, miễn thuế cho dân chúng, thăng thưởng các quan và phong sắc cho các công thần.
Ngày 10-9-1849, sứ giả Trung Hoa đến Huế phong vương cho Hồng Nhậm. Tuy nhiên hoàng tử cả là Hoàng Bảo (An Phong) không chịu, cho là bị cướp ngôi nên lập vây cánh. Các quan đại thần như Trương Ðăng Quế, Vũ Trọng Bình, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Ðăng Giai ra giúp sức vua. Phong cách của Tự Ðức rất hòa nhã, thông minh nhất trong các vua triều Nguyễn, và thờ mẹ là Ðức Từ Dụ rất có hiếu. Vua Tự Ðức là một nho sĩ nhưng không biết quyết định, việc gì cũng do các quan đại thần xét, trong khi các quan này chủ trương bảo thủ để giữ vững địa vị.
Nhận xét chung về triều đình thời Tự Ðức, sử gia Trần Trọng Kim viết: “Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Ðã không cho người ngoại quốc vào buôn bán lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và I Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy”.
Khi viết về những nguyên nhân suy bại của triều Nguyễn, Phạm Văn Sơn đã kết luận: “Thậm chí chính quyền đời Nguyễn đã cấm dân đọc binh thư và cho cấm cả cuốn Chinh Phụ Ngâm, Sấm Trạng Trình. Vua Tự Ðức toan sửa cả một ít câu văn trong Kim Vân Kiều đã ca ngợi những kẻ có chí quấy nước chọc trời. Thì ra người ta sợ kẻ quân nhân chán nghề chinh chiến và làm công cho bộ máy đàn áp của phong kiến, người ta sợ đám bần dân nảy ra những ý tưởng khuynh đảo triều đình hòng tìm lối thoát”.
Khi kể về binh lực của Việt Nam, Phạm Văn Sơn còn viết lên nỗi đau đớn: “Nhưng súng có bắn ra mà chẳng viên đạn nào trúng tầu của giặc”. Tác giả trích dẫn một đoạn trong bài “Cửa Bể Thuận An” của ông Bửu Kế trong đó có đoạn: “Tự Ðức chỉ là một ông vua thi sĩ, việc nước thì rắc rối khó khăn như ngôi nhà đã bệ rạc chỉ chờ ngày sụp đổ, các quan thì nệ cổ không đủ tài để làm cho Việt Nam trở thành một cường quốc được. Ðó là những lý do khiến chúng ta mất nước”.
Khi Tự Ðức mới lên ngôi, các thừa sai có nhiều hy vọng vào một ông vua trẻ trung và sáng suốt sẽ cho tự do hành đạo. Một tin đồn lan rộng trong khắp giới Công Giáo Bắc Nam là vua cha di chúc hãy tha đạo. Sau đó lại có lệnh ân xá cho các tù nhân Công Giáo được trở về ngoại trừ hai vị linh mục là Cha Cẩm bị bắt năm 1846 và Cha Tuyên bị bắt năm 1847, cả hai bị kết án tử nên không được hưởng ân xá. Tại Huế bốn người bị bắt với Ðức Cha Lefebvre lần thứ nhất là Thầy Tam và Thầy Phước, bị kết án tử giam hậu cũng được trả tự do.
Thế nhưng sang đến tháng thứ hai năm 1848 vẫn không có lệnh gì, quan ở Xứ Bắc vẫn theo lệnh cấm đạo cũ kết án hai mươi ba người lính Công Giáo không chịu đạp ảnh thánh giá. Trong khi đó Ðức Cha Pellerin đã có thể đến Huế thăm dò và tổ chức công khai Tuần Thánh tại một họ đạo ngoại ô. Dù sao các quan vẫn không dám làm gì khi chưa chôn cất vua Thiệu Trị, dự định vào tháng 6. Ðức Cha Pellerin còn viết rằng sau đám tang vua cha, Tự Ðức đọc lại niên sử từ đời vua Gia Long và những việc Ðức Cha Bá Ða Lộc đã giúp. Nhưng từ tháng 6 một số do thám gửi đi Singapore và một số học sinh thông ngôn trở về đưa tin tức về cuộc cách mạng ở Pháp. Các quan thù nghịch với đạo, nhân cơ hội này thúc đẩy vua tận diệt Công Giáo, vì lúc này ở Âu Châu đang lộn xộn không ai đến gây chiến với nước nhà. Thế là vua phải chiều theo các quan và cuối tháng 7, một linh mục Việt cho biết sắc lệnh cấm đạo đã được đệ lên Nội Các.
Tháng 8, lệnh được công bố gồm ba phần:
-Phần thứ nhất nói về những sai lầm của đạo Công Giáo và đã từng bị các vua tiền nhiệm cấm đoán.
-Phần thứ hai ra lệnh đối phó với các đạo trưởng Âu Châu, với tín hữu, với các linh mục, và với các nhà thờ.
-Phần thứ ba là thi hành lệnh cũng như các sắc lệnh cấm đạo có từ trước.
Sắc lệnh 1848 tố cáo đạo Gia Tô là tả đạo vì đạo cấm đoán việc tôn kính tổ tiên và các thần, dậy những điều hão huyền về thiên đàng để lừa dối dân chúng, bắt dân chúng thờ lạy một hình khổ của Giêsu thật ghê gớm, đó là một thứ đạo ngăn cản mọi thứ thói tục tốt, những người truyền đạo thật cứng cổ, dụ dỗ đàn bà, móc mắt bệnh nhân và thu góp tiền của dân chúng.
Ðối với các đạo trưởng Âu Châu còn lén lút đến truyền đạo nếu bắt được thì phải nộp cho quan để lãnh thưởng ba trăm lạng bạc trích từ công khố. Các quan phải ra án và chờ lệnh triều đình, nếu quả có tội thì sẽ phải chém đầu và xác buông sông để tiêu diệt tận gốc rễ sự dữ.
Ðối với người Công Giáo bản xứ nếu bị bắt thì trước hết dụ dỗ họ đạp ảnh rồi thả tự do, người nào từ chối bỏ đạo nếu là linh mục sẽ phải thích chữ vào mặt và đi đầy ra cửa bể, còn thường dân phải phạt trượng rồi cho về.
Ðối với những người đã bị kết án, linh mục hay giáo dân cũng phải áp dụng như điều khoản trên. Ðối với các nhà thờ hay nhà xứ hay nơi hội họp thì phải theo như sắc lệnh của Minh Mệnh và cấm hẳn.
Các quan cấp trên phải giảng dậy đạo lý lành mạnh vì trời đã ghi sâu vào lòng con người đạo tự nhiên. Các quan cấp dưới phải công bố và phổ biến rộng rãi các thói tục tốt lành. Những thói tục do triều đình đặt ra được dân chúng thi hành là thời đại công bằng, văn minh và phong hóa đạt đạo. Ðối với những người còn cứng lòng, hoàng đế lấy lòng nhân từ không muốn tiêu diệt dân chúng. Sắc lệnh khuyên các quan theo gương vua và thi hành lệnh giảng dậy cho dân chúng đường ngay. Phải phân biệt điều xấu với điều tốt. Nếu các quan tham lam, dong dưỡng người có tội sẽ bị trừng phạt nặng nề.
Tại Huế, Ðức Cha Pellerin phải trốn lên rừng. Trong khi các quan không đồng ý với nhau, phe trẻ muốn cho tự do đạo, phe quan già đã thề hứa với Minh Mệnh thì quyết tâm diệt đạo. Tuy nhiên giáo dân tại Kinh Ðô vẫn được bình yên, đọc kinh to tiếng như thường và làm nhà thờ mà không gặp phản đối gì. Một y sĩ Công Giáo nổi tiếng chết được an táng trọng thể khiến dân ngoại nói người Công Giáo chôn cất người chết trang trọng và tôn kính hơn cả chúng ta. Ðức Cha Pellerin vẫn tiếp tục họp các học sinh để dậy dỗ chuẩn bị làm thầy giảng hay linh mục. Ðức Cha cho biết trong ba tỉnh chỉ có sáu linh mục làm việc cho hai mươi bốn ngàn giáo dân.
Ðức Cha Cuénot Thể ở Qui Nhơn cho biết: “Hậu quả không đáng sợ hãi như đã tưởng, chỉ có hai điều là sắc lệnh mở dịp cho các quan moi móc tiền của người Công Giáo và ngăn cấm việc làm các nhà hội họp đọc kinh. Chính sách của vua không có gì là chắc chắn, tránh mọi cơ hội tạo nên rắc rối. Phần chúng tôi thì chúng tôi mất hết hy vọng tự do tôn giáo. Hoàng đế rất thương dân và sắc lệnh cấm đạo được công bố vì bị ép buộc ngược với lòng muốn”.
Trong Nam và ngoài Bắc, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Ðăng Giai đã không công bố lệnh. Ngoài Bắc, Ðức Cha Retord vẫn tổ chức các cuộc kinh lý linh đình, cũng có khi bị tố giác nhưng đã chạy tiền thẳng với quan tỉnh. Năm sau 1849 nạn dịch hoành hành và chỉ có bóng dáng người Công Giáo xuất hiện nơi công chúng để làm việc bác ái, chôn cất người chết và mở cửa thiên đàng cho kẻ ngoại vào (ám chỉ việc rửa tội cho người chết). Cũng trong dịp này thừa sai Néron và Shcoeffler đến năm 1849 và Bonnard năm 1850.
Ðịa phận của các cha dòng Ða Minh gặp nhiều khó khăn hơn, Cha Tước 70 tuổi bị bắt giam tù và chết ngày 13-5-1849. Ðức Cha Sanjurjo bị bắt nhưng đã chuộc tiền được ngay. Năm 1849, nhờ dịch tễ hai thừa sai mới đến được nhiệm sở dễ dàng. Ðó là các Cha Francisco, Rivas, Sampedro. Ngoài ra còn có cuộc họp lớn chia địa phận ngày 23-3-1849 tại Ðông Xuyên.
Ðức Cha Retord, coi sóc địa phận Hà Nội, cho biết nguyên nhân theo như thư nhận được của Ðức Cha Pellerin ở Huế đề ngày 23-2, thì từ tháng Giêng và tháng Hai các quan đã công bố lệnh cấm đạo. Hoàng Tử cả là Hoàng Bảo tước An Phong Công vẫn cho là mình bị cướp ngôi, lần thứ nhất đã thất bại trong việc trốn ra nước ngoài tìm cầu viện, nhưng lần thứ hai đã thành công trong việc nối kết một lực lượng. Vì thế chính vua và các quan nghi cho người Công Giáo đã thông đồng. Nhất là những vị lão quan vẫn ghét đạo.
Trước đây ngay khi Tự Ðức mới lên ngôi, Hoàng Bảo đã khuyến dụ người Công Giáo theo và hứa sẽ cho tự do giữ đạo. Các viên chức Công Giáo đã nhiều lần đến hỏi ý kiến Ðức Cha Pellerin. Ðức Cha Pellerin đã cấm người Công Giáo không được dính líu vào vấn đề chính trị mà chỉ tin tưởng vào Chúa và Mẹ Maria gìn giữ mà thôi. Ngoài ra vẫn theo thư của Ðức Cha Pellerin, Hoàng Bảo còn tìm cách liên lạc với Ðức Cha Lefebvre trong Nam, nhưng người Công Giáo đã trả lời rõ ràng rằng không biết đức cha đã trở lại địa phận chưa và tất cả các giáo sĩ đến nước này chỉ để rao truyền đạo thật và cứu rỗi các linh hồn, không hề muốn liên lụy đến việc triều đình. Ðức Cha Pellerin cũng cho biết thêm rằng rất có thể sẽ có nội chiến vì các quan không đồng ý với nhau, với lại Tự Ðức không được khỏe mạnh nên không có hy vọng có con và thầy bói nói là chỉ cai trị được khoảng 3 năm thôi.
Theo Phạm Văn Sơn, thuật lời Ðức Cha Pellerin như sau: An Phong Công Hồng Bảo, con trưởng vua Thiệu Trị, không được làm vua theo như tục lệ cổ truyền ở Á Ðông, đã họp một số đảng viên, hầu hết là những kẻ bất đắc chí, những kẻ có nhiều tham vọng, âm mưu gây cuộc đảo chính ở Kinh thành Huế... Họ đã uống máu ăn thề với nhau và chia tay nhau, một nhóm đi ra ngoại quốc để mở cuộc vận động tại Xiêm và Cao Mên. Họ đã thuyết phục được một nhà sư đứng đầu nhưng khi về tới Việt Nam nhà sư không được đối đãi tử tế nên đã tố giác tất cả âm mưu. Việc âm mưu đảo chính này xảy ra vào cuối tháng Giêng. Hồng Bảo bị bắt và kết án. Ông này đã có lần thố lộ rằng ông bị cướp ngôi ông chẳng buồn vì ngôi vua về tay em ông còn hơn sang tay kẻ khác. Nhưng ông muốn có dịp moi gan móc mắt ông Quế (công thần Trương Ðăng Quế rất có nhiều quyền hành và dường như là bố vợ của vua nữa).
Trước hết các quan ở Phú Xuân (Huế) ra một sắc lệnh rất nghiêm ngặt ngày 13-2-1851 cấm đạo Gia Tô và tố cáo nhiều quan huyện và tổng dung dưỡng các tín đồ đạo này ngay tại kinh đô (cả gan dụ dỗ cả một vị hoàng tử). Lệnh bắt mọi quan phải ra sức truy lùng, bắt và trừng phạt nặng nề. Người nào có công tố giác hoặc bắt được đạo trưởng sẽ được thưởng và nếu các quan có tội biếng trễ việc này sẽ bị trừng phạt. Tự Ðức năm thứ tư, 13-1 âm lịch.
Ðến ngày 30-3-1851 một mật lệnh của vua gửi cho các quan nói về nguy hại và ảo tưởng của đạo Gia Tô và các vua đời trước đã nghiêm cấm. Ðể tận diệt tà đạo ngay từ căn rễ thì cần phải giảng dậy lễ nhạc và lẽ phải ăn sâu vào lòng người: “Ta, Tự Ðức, trung thành với lề lối từ đầu đã xem xét và nghe ngóng trong mọi hành động, xét đoán và mệnh lệnh. Ta đã giao cho một quan đại thần để lập kiến nghị mà ta gửi cho hội đồng nội các xét về việc cần phải cấm đoán tả đạo Gia Tô. Theo ý kiến của quan đại thần này thì phải buông sông các đạo trưởng Tây Phương để đạo thật được sáng tỏ. Các giáo sĩ Việt dù có đạp ảnh hay không cũng phải chém ngang lưng để mọi người biết sự nghiêm khắc của luật pháp. Sau khi xem xét ta thấy rất hợp lẽ”. Sau đó lệnh của Tự Ðức bắt các quan phải thi hành, thưởng cho người tố giác đạo trưởng Tây Phương 8 lạng bạc và phân nửa tài sản của kẻ bị bắt. Còn người có tội chứa chấp dù lớn hay nhỏ thì phải chém ngang lưng vứt xuống sông, trẻ con chưa tới tuổi suy xét thì phải lưu đầy đi xa.
Cuối năm 1851 vua Tự Ðức gửi thư đến các quan tổng đốc để tham khảo về đường lối hữu hiệu tiêu diệt đạo Gia Tô. Trong chỉ dụ này vua đã gọi đạo Gia Tô là một thứ đạo lừa dối và nguy hiểm cho dân chúng hơn gấp ngàn lần các đạo Phật, Lão... Hơn nữa vua cũng biết rằng tín đồ Thiên Chúa Giáo tinh thông các sách thánh hiền, có bằng cấp nữa. Làm sao để giáo hóa những người ở trong đất của vua lại có tấm lòng theo đạo ngoại lai? Tự Ðức tỏ ra nhân đạo cho rằng nghiêm khắc quá thì tổn thương đến lòng nhân mà nếu hiền từ thì không nhổ hết được gốc rễ sự xấu. Vì thế cần phải suy nghĩ chín chắn. Theo giáo huấn của tiền nhân và ngày nay thì có nhiều điều trái ngược nhau. Quân Tử nói rằng: Sự tha thứ có ích lợi bây giờ nhưng lại là nguồn gốc di hại về sau. Trái lại Mạnh Tử cho rằng người đức hạnh không được ghét một ai, không được có kẻ thù. Tự Ðức hỏi các quan phải làm sao để có một chính sách tuyệt hảo, chấm dứt được các vụ kiện, làm phong phú việc canh nông và tiêu diệt tà đạo Gia Tô.
Trong các bản tấu trình có hai khuynh hướng. Một số quan đề nghị bắt đạo trong vòng ba bốn năm mà thôi, bắt mọi người Công Giáo đạp ảnh và thưởng cho những người tuân lệnh, phạt những người bất tuân. Tự Ðức phê bình đường lối này: “Ðã hai chục năm chúng ta nỗ lực làm cho người Công Giáo bỏ đạo mà chẳng được thành công gì, vậy các khanh nghĩ là ba bốn năm bắt bớ chúng ta sẽ làm cho họ hối cải chăng? Chúng không sợ chết, cũng chẳng nuối tiếc sự sống, thì việc thưởng phạt có hữu hiệu chăng? Các ngươi chỉ biết nói mà chẳng biết hành động, các ngươi giống như người nhìn con hổ trong hang và tin rằng nó nhỏ bé vì chỉ nhìn thấy phần nhỏ bé”.
Phe thứ hai gồm những quan lớn ở kinh thành Huế đề nghị biện pháp nghiêm khắc. Các hình phạt đề nghị: chém đầu đạo trưởng tây, đánh đòn giáo sĩ Việt, các đồ đệ phải xử giảo, các chủ nhà chứa chấp cũng phải phạt như vậy, kể cả các lý trưởng, các quan để cho giáo sĩ hoạt động trong địa phương mình thì phải giáng chức. Còn người tố giác sẽ được thưởng 100 lạng bạc.
Nhưng đặc biệt hơn hết là bản tấu của quan thượng Nguyễn Ðăng Giai, có nhiều nhận xét xuất sắc về đạo Gia Tô. Nguyễn Ðăng Giai là một phật tử sùng đạo, một vị quan được dân chúng yêu mến, được triều đình tín nhiệm. Ông đã là Kinh Lược Ðại Sứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóạ Năm 1851 ông có công dẹp được giặc Tam Ðường. Sau khi ông chết năm 1854 thì bắc Kỳ lại có loạn. Ðối với Công Giáo ông được Ðức Cha Retord ca ngợi và tin tưởng vào sự thanh liêm đức độ của ông và dám viết thư cho ông biện bạch về trường hợp của Cha Cẩm đang bị tù. Ông Giai có sáng kiến khoan hồng cho các tù nhân và đem họ đi đánh dẹp loạn. Nhân cơ hội này Ðức Cha Retord viết thư cho ông và đã thành công xin được miễn cho cha Cẩm. Trong bản tâu trình vua, quan thượng Giai nói rằng đạo Công Giáo đã có từ nhiều đời, số đông lên hơn cả 100 ngàn. “Cách thức đạo này chinh phục lòng người như sau: trước hết họ chinh phục một người, đàn ông cũng như đàn bà, rồi trở thành một gia đình, một xóm đạo. Họ nuôi không những người đói kém, cho quần áo những người bị lạnh lẽo, giúp đỡ những người bất hạnh, an ủi những người sầu khổ, họ tụ họp đông để tiễn đưa những người quá cố. Họ không phân biệt quốc gia mà coi mọi người như một, như thân thuộc vậy. Ban đầu người mới nghe thấy thích, sau thấy thoả mãn và trở thành cuồng tín không hồ nghi gì nữa. Họ coi những người khác là tội nghiệp phải sống lầm than, không thương nhau. Như thế thì làm sao khuyên bảo họ theo lề lối của chúng ta? Các sách vở của họ tuy viết bằng chữ không đẹp như của chúng ta nhưng không chứa đựng điều gì sai trái nguy hại cho loài người. Các lời giảng dậy của họ chỉ có một mục đích là làm cho con người trở nên đức hạnh và làm ích cho người khác. Họ sống bằng lòng với tình trạng, đóng thuế rất sòng phẳng, không có trộm cướp hay làm loạn. Sáng chiều họ đọc kinh, cố gắng trở nên tốt hơn hầu được hạnh phúc trên trời”. Ông đề nghị một giải pháp trung dung, cho tự do thực hành đạo những người Công Giáo kỳ cựu nhưng bắt họ kê khai chính xác số người tin theo, quan cũng như dân thường, trong mỗi làng hay huyện. “Những làng Công Giáo sẽ để cho họ được yên, những làng pha trộn thì gom họ lại một nơi riêng không cho ở lẫn lộn nữa... Những người nào lén lút không khai tên nếu bắt được sẽ phải đi đầy. Cấm hẳn việc gia nhập đạo Công Giáo, nếu các quan bắt gặp người nào mới gia nhập đạo sau này phải kể họ như người làm loạn. Còn đối với linh mục ngoại quốc thì theo các luật lệ đã có. Như thế người Công Giáo sẽ sống an bình và nguồn gốc sự dữ sẽ dần dần bị hủy diệt. Dân chúng thường hay bắt chước vì thế để sửa sai cần phải có gương tốt. Sự thật khó hủy diệt còn cái dối trá tự nó sẽ tiêu tan. Chúng ta hãy thực hành đạo của chúng ta một cách rầm rộ để người ta sẽ thấy đạo lý giả trá xấu xa tan biến đi như tuyết tan dưới ánh nắng mặt trời”.
Những nhận xét và kế sách của ông Thượng Giai rất sâu sắc nếu nó được áp dụng triệt để thì cũng làm chậm bước đường bành trướng của đạo Công Giáo. Tương tự như các luật của các xứ Hồi Giáo ngày nay cấm không được theo đạo mới. Các thừa sai vẫn triệt để bị cấm và người chứa chấp vẫn có tội như thường. Rất tiếc các tài liệu không cho biết phản ứng của triều đình. Triều đình gồm một số quan thủ cựu có định kiến sẵn chống Công Giáo nên ý kiến của ông không có kết quả gì và sau khi ông chết năm 1854 thì triều đình công bố lệnh bắt đạo toàn diện, tỏ rõ lập trường bài ngoại và bài đạo.
Việc bắt đạo tùy theo thái độ của các quan địa phương. Các thừa sai rất dè dặt và kín đáo. Thừa Sai Augustinô Schoeffler bị bắt và xử tử do tổng đốc Ngụy Khắc Tuần tại Sơn Tây ngày 1-5-1851. Thừa Sai Bonnard bị bắt và xử tử ngày 1-5-1852 ở Nam Ðịnh. Cha Minh bị bắt và xử tử ngày 3-7-1853 tại Vĩnh Long và ông Trùm Lựu chết rũ tù ngày 2-5-1854 trong khi bị lưu đầy. Tại miền Trung, Thừa Sai Galy ở He-ray bị quân do thám đến bao vây nhưng người đã trốn thoát và các đồ đạo được cất giấu kịp thời nên không việc gì. Ðầu tháng 5-1851 Cha Galy đến He-sin tổ chức tháng Ðức Mẹ, nhà thờ bị đốt cháy. Ðức Cha Pellerin vẫn ở Di Loan và dạy một nhóm thầy giảng.
(bị bắt 1-3-1851, xử trảm 15-1851 tại Sơn Tây)
Những bài tường thuật tử đạo của các thừa sai tại Việt Nam đã gây được một trào lưu truyền giáo tại Pháp. Có rất nhiều người trẻ xin đi truyền giáo tại Việt Nam, trong số đó có Thừa Sai Augustinô Schoeffler với tên Việt là Ðông.
Ðức Cha Retord (Liêu) viết về cha như sau: “Tôi không được biết thuở thiếu thời của Cha Schoffler, nhưng tôi xét cách người sống các nhân đức thì quyết đoán rằng ở Pháp, cậu đã có đời sống gương mẫu cũng như bây giờ là một tông đồ nhiệt thành ở Bắc Việt. Người đến Bắc Việt năm 1848. Từ khi đó cho đến khi bị bắt, có ba việc người chuyên cần thi hành là: học tiếng Việt, làm việc mục vụ và chịu các bệnh tật. Người học tiếng Việt siêng năng đến nỗi sau năm sáu tháng đã có thể giải tội và khuyên bảo giáo dân.... Về việc tông đồ, tôi đã mang cha đi theo trong suốt một năm kinh lý và ban bí tích cho các họ đạo. Một linh mục thừa sai mới sang chưa có kinh nghiệm thì việc quan trọng nhất là phải làm quen với lối giao dịch với các linh mục bản xứ và giáo dân, đồng thời thích ứng với phương pháp truyền giáo và hòa hợp với các vị đàn anh đi trước. Sau một năm theo tôi làm phúc tại Kẻ Bàng 1849, khoảng tháng 10 tôi chỉ cho cha Schoeffler coi xứ Ðoài. Xứ này gồm khoảng mười sáu ngàn giáo dân rải rác trong bốn xứ đạo trên miền núi rừng.”
Vẫn theo lời tường thuật của Ðức Cha Retord, Cha Schoeffler rất nhiệt thành trong việc rửa tội, trong một năm người đã rửa tội được 200 trẻ ngoại đạo, 41 trẻ con nhà có đạo và 23 người lớn, không kể đến giải tội, xức dầu...
Trong năm 1850 cha Schoeffler bị sốt rét rừng. Năm ấy cha đến mở tuần đại phúc cho xứ Bầu Nọ nơi ghi dấu cuộc xưng đạo của Thừa Sai Cần và ba thầy giảng năm 1837. Năm 1851 Ðức Cha Retord công bố năm thánh, Cha Schoeffler muốn sang xứ Yên Tập để mở năm thánh cho giáo dân tại đây. Trong dịp này có một người ngoại đạo tên là Khanh đi tố cáo với quan tổng là có cố đạo ở làng Bầu Nọ. Quan cho quân mai phục các nẻo đường. Hôm ấy ngày 1-3-1851, thay vì đi ban đêm, người nói Cha Phượng và hai chú học trò đi trước nếu có chuyện gì thì báo động. Cha Phượng và hai chú đi vào buổi chiều đến giữa rừng thì bị bắt. Cha Schoeffler và một thầy giáo đi sau không thấy tin báo gì thì cứ vui vẻ đi về hướng Yên Tập. Khi được tin có người rình để bắt thì cha và thầy giáo lẻn vào bụi rậm nhưng ngay lúc ấy quan quân đến vây bắt cha và thầy giáo. Quan bảo lính đánh cha song cha thưa lại: “Việc gì mà phải đánh, đừng có lo, tôi không có trốn đâu”.
Quan tổng không muốn giải nộp các đấng vội vì có ý đòi tiền giáo dân, nếu có 100 nén bạc sẽ tha. Mặc dù người thưa rằng không thể liệu được bằng ấy tiền nhưng vì quan thúc ép nên người nghĩ ra được một mưu nói với quan: “Nếu ông nhất định muốn lấy tiền thì hãy tha bấy nhiêu người giúp tôi đây đi vì chỉ có họ biết chỗ để tiền bạc”.
Thế là quan tha cho Cha Phượng, thầy giáo và hai chú học trò. Sau đó người rất mừng rỡ vì không còn ai phải khốn vì người nữa, bèn giục quan tổng hãy giải về tỉnh Sơn Tây cho mau. Cha Phượng thành thật đi về làng kêu gọi giáo dân đóng góp, nhưng lúc ấy có tin nhắn quan tổng muốn bắt cha lại nên cha lại phải trốn đi. Như thế không có ai hay làng nào bị liên lụy.
Ngày hôm sau quan huyện Nho Lâm giải người về tỉnh, giam tạm tại nhà cách dinh quan án. Ngày hôm sau ba quan lớn cho đem thừa sai ra trước công đường để tra hỏi về quê quán và những việc đã làm, về các đồ đạo đã bắt được, và có biết luật nước cấm đạo không. Cha Schoeffler lần lượt trả lời các câu hỏi của quan như sau: “Tôi tên là Augutinh, người Pháp, sinh tại tỉnh Nancy, là đạo trưởng Công Giáo, 29 tuổi. Tôi đã đến đây để giảng đạo cứu rỗi và từ khi đến nước này cho đến nay tôi chỉ chuyên tâm có một việc là rao giảng đạo thật mà thôi. Trước kia ở Pháp, tôi đã biết rõ đạo bị cấm tại nước này và các đạo trưởng phải xử tử. Nhưng chính vì vậy mà tôi càng muốn đến nước này hơn là các nước khác. Từ khi tôi tới đây tôi đã rảo đi nhiều tỉnh, đã ở trong nhiều nhà mà bây giờ tôi không còn nhớ tên nữa, và nếu có nhớ tôi cũng không khai ra với các quan”.
Ngày hôm sau các quan lại cho điệu người ra hỏi han như hôm trước, và cha trả lời cũng y hệt hôm trước. Hôm ấy là ngày 5-3, quan tổng đốc Ngụy Khắc Trần viết bản án trình về triều đình, bản án có phần chi tiết hoang đường.
Nội dung tờ trình như sau: “Sau khi tham khảo ý với hai quan bộ và quan án sát, sau đây là lời xét đoán của chúng tôi: Tên Aodutinh là một người Tây đã cả gan đến trong nước mặc dù đã có lệnh cấm, hắn rảo qua và dừng lại ở nhiều nơi trong nước để rao giảng đạo, dụ dỗ và lừa dối dân chúng. Hắn đã công khai thú nhận các việc làm. Cần phải áp dụng cho hắn các luật trong sắc lệnh của hoàng thượng. Vậy tên Aodutinh phải xử chém và đầu ném xuống biển hay sông để răn dậy dân chúng. Còn về những người đã theo hắn và cho hắn trú ngụ, hắn thương họ đến nỗi nhất định không bao giờ cung khai ra mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách hỏi han nó. Người có công bắt được hắn cũng không cho biết thêm gì được về vấn đề này. Nếu cứ thúc ép để điều tra cho biết thì có vô số người phải khốn khổ. Vì thế chúng tôi xét theo lời chỉ dậy mật không điều tra thêm nữa. Về phần lý trưởng và những người có công bắt đạo trưởng, chúng tôi đã trọng thưởng để khuyến khích là ba trăm lạng bạc theo như sắc lệnh của vua. Quan lãnh binh đã đem quân đi bắt cũng đáng khen thưởng. Chúng tôi chờ mong lệnh của hoàng thượng và hứa sẽ làm theo. Còn về các đồ đạo tịch thu được chúng tôi xin được lệnh đốt đi. Trên đây là cuộc điều tra chúng tôi đã làm về vụ này và bản án chúng tôi xét xử. Với lòng khiêm phục chúng tôi xin tường trình lên hoàng thượng và cúi đầu chờ thánh chỉ. Tự Ðức năm thứ tư, ngày 5 tháng Hai âm lịch”.
Sau khi các quan làm bản án rồi, Cha Schoeffler được giam vào ngục thất với các tù nhân tội phạm khác và không còn bị tra tấn nào khác, chỉ phải mang gông và cùm thôi. Tuy nhiên những lời bẩn thỉu của những tên trộm cướp làm đau lòng vị thừa sai cùng với trăm ngàn cái khổ hành hạ của lính canh. Ðức Cha Retord sai một thầy mang tiền đút lót để lính không làm khổ người và kèm một lá thư an ủi. Vì lính canh chừng nghiêm ngặt nên người chỉ đọc thư mà không thể trả lời. Vì có lệnh quan lớn cấm không để một thường dân nào được đến gần, nên có một người tân tòng lén nấu cơm cho cha, và một thầy giảng trá hình làm lính đến thăm người được hai ba lần, nhưng cũng chỉ có thể nhìn nhau mà thôi. Một linh mục may mắn được đến gần giải tội cho người.
Trong tù Cha Schoeffler vẫn tìm cách giảng đạo cho các bạn tù. Cha đã chinh phục được một người lính tên Chi. Cha nói: “Khi nào tôi bị xử rồi, tôi sẽ nhớ đến anh, và nếu anh muốn hạnh phúc thật thì tìm nơi có đạo mà tin theo đạo”.
Người lính này còn thuật lại rằng cha có mấy bức ảnh và sách nguyện trong tù và luôn tỏ ra vui vẻ. Người lính này cũng hứa theo người dù người phải giải về Huế. Sau khi vị thừa sai bị xử người lính lập gia đình và theo đạo Công Giáo.
Ngày 11-4 lời phê án của triều đình về tới tỉnh. Lời phê án viết như sau: “Chúng tôi đọc tờ trình báo về việc bắt được đạo trưởng Tây tại tỉnh Sơn Tây. Chúng tôi, các quan có nhiệm vụ xét lại, gửi bản ý kiến của chúng tôi đến bản quan trên để cùng với sự đồng ý của quan bộ và quan án sát thi hành lệnh của chúng tôi. Luật của nhà nước được công bố để dậy dỗ dân chúng cho biết úy sợ, đã nghiêm cấm đạo Gia Tô rất ngặt, dầu vậy tên Aodutinh, đạo trưởng đạo này đã dám xâm nhập lén lút trong nước của chúng ta để rao giảng đạo và dụ dỗ lường gạt dân chúng. Bị bắt rồi hắn đã thú nhận tất cả. Vậy tên Aodutinh phải chém đầu ngoài bãi và ném đầu xuống dòng sông để tận diệt những kẻ xấụ Những điều khác hãy theo những điều chúng tôi đã định trước”.
Lẽ ra khi nhận được lệnh trung ương quan phải thi hành ngay, nhưng quan lớn cho lệnh tháo gông và lấy xích cột vào chân và cho đem ra ở nhà bên phủ đường. Trước đây quan có lấy một lạng bạc của cha bây giờ được dùng để dọn một bữa cỗ cho cha. Quan đội thường nói truyện hỏi han và rất kính trọng vị thừa sai.
Theo chứng từ của người có mặt và phúc trình của Cha Phượng, hôm 1-5, vào khoảng trưa, quan lớn Ngụy Khắc Tuần cho gọi hai đội quân sửa soạn voi, ngựa và súng, các khí giới đủ loại để làm một cuộc tảo thanh. Mọi người nghĩ là quan quân đi tấn công một nơi nào, nhưng sau mới biết là để áp giải vị anh hùng tử đạo đến pháp trường. Quan lớn làm vậy vì sợ giáo dân đông số có thể đánh tháo cho vị linh mục. Khi đem Cha Ðông ra khỏi tù, nhiều người hối tiếc một vị nhân đức dễ thương như vậy phải chết. Ðám lính gồm 100 người chia thành hai hàng, Cha Schoeffler đi ở giữa có 8 tên lính cầm giáo hộ tống, đàng trước có một tên lính cầm thẻ ghi bản án, đi sau là hai quan lớn cỡi voi. Vị anh hùng tử đạo khi biết đã đến giờ ra pháp trường liền vất bỏ đôi dép để đi chân không cho dễ dàng và mau chóng, biểu lộ nét mặt vui mừng hớn hở. Cha ngẩng cao đầu, giơ cao xích và miệng đọc những lời kinh thật sốt sắng. Một đám đông vô số theo sau đi ra pháp trường ngoài thành quen gọi là Năm Mẫu, họ như bị thôi miên trước sự anh hùng của đạo trưởng. Họ nói: “Thật là anh hùng, người đi chịu chết dường như đi dự đại lễ. Can đảm chừng nào, không có dấu sợ hãi. Ồ đẹp làm sao, hiền hậu làm sao! Tại sao hoàng đế lại chém đầu những người như thế?” Trong đám đông cũng có kẻ xấu miệng nói lời xúc phạm đến đạo.
Tới nơi xử, vị anh hùng xin mấy phút cầu nguyện, quì gối trên bờ ruộng, tay cầm thánh giá nhỏ, hôn kính ba lần. Sau đó theo lời lý hình, người cởi áo ra, để trần cổ sẵn sàng đón nhát gươm vinh dự. Lý hình trong khi đó trói hai tay người ra sau lưng và buộc vào cọc. Vị anh hùng giục lý hình làm phận sự trong khi mắt ngước trông lên trời. Quan ra lệnh sau ba tiếng chiêng mới được chém. Giây phút trở nên trịnh trọng, ba hàng lính đứng chung quanh như triều thiên, hàng thứ nhất tay cầm gươm sáng, hàng hai tay cầm súng trường và hàng thứ ba tay cầm giáo giơ lên cao. Tiếng chiêng thứ ba vừa dứt, tay run rẩy người lý hình chém không đứt được cổ, phải cứa thêm cho đứt hẳn. Những người chứng kiến vụ hành quyết chỉ là những người không Công Giáo ở Sơn Tây, còn giáo dân thì không được tin kịp.
Ðầu vừa rơi đám người lương ùa vào thấm máu, khác với thói quen là chạy trốn khi một tử tù bị chém. Dân chúng tin rằng đây không phải là một tên tội phạm nhưng là một vị anh hùng xuất chúng, một thánh nhân đáng tôn kính, mang lại hạnh phúc cho người khác. Họ chia nhau các di tích, giây xiềng và xích. Một viên sĩ quan mang theo một tấm áo lụa mới để thấm máu vị anh hùng. Viên sĩ quan này bị đánh mấy roi vì làm như thế. Các lý hình cầm đầu người mang đi vất xuống sông nơi vừa rộng vừa sâu nhất. Giáo dân nhiều đêm lặn tìm mà không thấy vì lương dân đã lấy trước để chờ món tiền chuộc khổng lồ. Còn thân thể vị anh hùng tử đạo được giáo dân bỏ vào trong quan tài chôn ngay tại chỗ theo như luật đã định dưới sự canh gác của lính. Ðến đêm thứ hai rạng ngày thứ ba, giáo dân đã lấy trộm xác về chôn trong nhà một lý trưởng Công Giáo, tên là Lý Ngọc, tại Bạch Lộc.
Lý Ngọc thường ốm yếu và buồn nhiều vì không có con nhưng từ khi chôn xác Cha Schoeffler trong nhà thì được chữa lành và sau lại sinh con trai. Những người can dự vào việc bắt người đều bị Chúa phạt: con ông tổng Sĩ bị chết trong vòng một tháng và chính ông phải chịu nhiều điều khốn khổ. Tên tố cáo sau khi lĩnh tiền thưởng vào rừng bị chết ngay trong rừng. Người khác còn làm chứng rằng lúc chém đầu Cha Schoeffler, mặt trời sáng chói lọi bỗng tối sầm lại và sau khi chém xong thì sáng trở lại.
(bị bắt 21-3-1852, xử trảm 1-5-1852)
Mở đầu bài tường thuật hết sức đặc biệt về cuộc tử đạo của Thừa Sai Bonnard, Ðức Cha Retord đã viết: “Từ khi tôi tới Bắc Việt đã viết bao nhiêu bài tường thuật các biến cố oai hùng của những người kiên trung xưng đạo. Nhưng hôm nay tôi sắp sửa tường trình một việc không những liên hệ tới xứ truyền giáo của chúng tôi mà còn liên hệ đến toàn thể giáo hội nữa, đó là cuộc tử đạo của Jean Louis Bonnard”.
Trong lá thư viết cho vị anh hùng tử đạo trước ngày bị hành quyết, Ðức Cha Retord đã mượn ý tứ của tên Hương để nói với vị anh hùng: “Cha xin tôi chúc lành, tôi đã chúc lành cha ngay từ khi cha đặt chân tới xứ truyền giáo này, nó sẽ theo cha về nơi vĩnh cửu. Thật vậy tôi đã chúc lành cho cha khi đặt tên cho cha là cha Hương, một tên thật đẹp bao gồm ý nghĩa cha của quê hương, cha của hương dâng, cha của hương thơm. Lúc này quê hương yêu dấu hiển hiện ra sáng chói trước mặt và cha sắp sửa trở thành một người công dân hạnh phúc. Chính lúc này hương trầm quí giá sắp được đốt trên bàn thờ tử đạo và khói hương của nó bay bổng lên tòa cao của đấng vĩnh cửu. Chính lúc này hương thơm ngây ngất làm say mê Chúa Giêsu như xưa Maria Mađalêna đã làm và hương thơm còn làm vui sướng các thiên thần và loài người, trên trời cũng như dưới đất. Như thế tôi đã chúc lành cho cha đã từ lâu rồi vậy. Tuy vậy tôi còn chúc lành cho cha nữa, xin Thiên Chúa là sức mạnh nâng đỡ cha ngoài pháp trường của các dũng sĩ, xin công nghiệp của Chúa Con an ủi cha trên đồi Calvariô cha sắp bước lên, xin tình yêu sốt mến của Chúa Thánh Thần chiếu sáng tù ngục cha sắp bước ra khỏi để lãnh triều thiên tử đạo. Bạn yêu dấu, hãy được chúc phúc và khi bạn lên trời, đến lượt bạn chúc phúc cho chúng tôi, cho xứ truyền giáo và cho các giáo dân mà cha hằng quí mến. Xin hãy là trạng sư, là người bầu cử cho chúng tôi còn đang bước đi trong vũng bùn dương thế. Xin bầu cử cho chúng tôi sớm được hợp hoan với cha”.
Vị anh hùng đặc biệt mà Ðức Cha Retord nói tới chính là Cha Bonnard Hương, sinh tại Christoten Jarret ngày 1-3-1824 trong một gia đình đạo hạnh từ nhiều đời. Từ khi được 10 tuổi cậu Bonnard đã đi tu nhưng mãi đến năm 20 tuổi cậu mới tốt nghiệp chủng viện Lyon và vào chủng viện truyền giáo Paris.
Sau khi chịu chức linh mục hai tháng, cha đã xuống tầu Nantes để sang Á Ðông. Cha đến địa phận vào mùa Phục Sinh năm 1850 giữa cơn dịch tả đang hoành hành. Cha bắt tay ngay vào việc học tiếng Việt Nam và cuối năm 1850 cha đã bắt đầu giải tội và giảng dậy tại nhà thờ. Ðức Cha Retord dẫn Cha Bonnard đi theo làm việc mục vụ tại các họ cho quen biết và thành thạo các phương pháp làm việc truyền giáo. Cha đã tỏ ra là một linh mục hiền hòa, sốt sắng vâng lời và nhiệt thành việc tông đồ, cha vừa hiền lành khiêm nhường vừa đơn sơ thành thật. Trước những đức tính cao quí ấy, Ðức Cha Retord biết chắc vị thừa sai trẻ tuổi này sẽ có sức đương đầu với các sóng gió. Cuối tháng 4-1852, Ðức Cha chỉ định Cha Bonnard coi hai xứ Kẻ Báng và Kẻ Trình trong khi vua Tự Ðức mới ra lệnh cấm đạo năm 1851.
Mùa Chay năm 1852 Cha Bonnard cùng với năm cha Việt tổ chức tuần đại phúc và giảng cấm phòng cho giáo dân Kẻ Báng. Sau đó họ Bối Xuyên mời Cha Bonnard sang làm phúc cho họ. Cha Thảo khuyến khích người cứ yên tâm sang họ Bối Xuyên, một họ chỉ có khoảng mười gia đình, một phần tư dân số của làng. Ðến Bối Xuyên giúp giáo dân ba ngày, Cha Bonnard đang muốn đi thì giáo dân năn nỉ xin cha ở lại mà không ngờ có một người đã đi báo quan. Thế là ngày 21-3 quan huyện Nghĩa Hưng mang quân đến bắt cha.
Chính Cha Bonnard trong thư đề ngày 2-4 đã thuật lại cuộc vây bắt như sau: “Vào lúc 9 giờ sáng tôi đang làm phép rửa tội cho khoảng hai mươi lăm trẻ em nhưng chưa xong thì quan ập đến đầu làng mà tôi không hay gì. Tức thì người giúp việc giật áo các phép rồi đẩy tôi đi trốn, tôi lội xuống ao nước ngang lưng để sang cánh đồng lúa cùng với Thầy Kim. Trong khi phân vân không biết chọn hướng nào đi trốn thì lính ập đến trói tay tôi lại thật chặt đến nỗi sưng lên khiến tôi phải kêu xin nới rộng nhưng họ không cho nên tôi đành chịu vậy. Thế là họ bắt tôi, thầy Kim và chú Ba, người đi theo mang mấy đồ cần cho tôi. May mà tôi đã ra khỏi làng nên các đồ đạo và dân chúng không bị bắt. Bọn lính lôi tôi đi trên bùn rất nhanh được một lúc thì tôi kiệt sức, máu chảy dưới chân. Tôi cười nói với lính áp giải: 'Việc gì mà vội thế, các ông muốn vội thì đi trước đi, tôi từ từ đến sau. Trên đường dân chúng đổ xô ra xem. Tới tối thì về đến huyện, người của Cha Thảo mang 10 nén bạc để thương thuyết hay ít nhất xin họ tha thầy Kim và chú học trò. Nhưng mọi cửa đóng kín, quan đang say sưa uống rượu với kẻ tố giác. Sáng hôm sau họ giải ba chúng tôi về tỉnh Nam Ðịnh”.
Sau đó người bị tra hỏi tại huyện về tên tuổi và thời gian đến đây. Về câu hỏi tại sao đến ở Bối Xuyên, Cha Bonnard nhất mực không trả lời, Thầy Kim cũng vậy, giữ im lặng để tránh phiền lụy cho dân làng. Sau đó quan bắt người đeo gông. Tối hôm ấy cha được ngủ dưới ổ rơm trống trải tứ phía. Cha lần mò hỏi han xem có cách nào chuộc cho hai người bạn tù không nhưng họ trả lời không có cách nào cả. Quan huyện có họ với vua đã làm một tờ trình đầy phô trương như mang chín đội quân trên năm trăm người đi bắt... Cha Bonnard phó mặc trong tay Chúa.
Khi bị giải lên tỉnh, cha được ngồi võng cho họ khiêng đi, cổ vẫn mang gông. Tới sảnh đường họ trói cả ba tù nhân đức tin vào một cây cột lớn, trước đám đông dân chúng hiếu kỳ đến xem. Sau nửa giờ quan tổng đốc ra nhận tù mà không nói lời nào, sau đó lính dẫn các đấng vào nhà tù. Cha Bonnard tự nhủ: “Tôi mang theo áo Ðức Bà, tràng hạt và thánh giá cùng với gông xiềng là kho tàng tôi sẽ không đánh đổi kể cả ngai vua”.
Ðức Cha Retord hay tin đã sai người tới săn sóc và kèm thư an ủi. Vài ngày sau, Cha Tịnh (tử đạo sau này) đến giải tội và trao Mình Thánh Chúa cho người. Nhân dịp này Cha Bonnard viết thư nói lên tâm tình ở trong tù: “Thật vậy, phải ở trong tù đeo gông mang xích mới có thể diễn tả sự ngọt ngào được chịu khổ đôi chút vì Ðấng đã yêu mến chúng ta quá bội. Xích gông có nặng nhưng không làm khổ chúng tôi, trái lại tôi biết rằng thánh giá của Chúa còn nặng hơn gông chúng tôi mang, xích xiềng của Người còn khó mang hơn xích của chúng tôi. Tôi vui mừng mà nói được rằng tôi bị xích cùng với Chúa Kitô”. Ðời sống ban đầu trong nhà tù còn dễ chịu, có người đến thăm hỏi, nhưng về sau quan cấm không cho ai lui tới, vị anh hùng cảm thấy cô đơn và cuộc chiến trở nên gay go.
Cha Bonnard bị điệu ra trước mặt quan lớn tra hỏi bốn lần. Lần thứ nhất quan hỏi: “Tên ông là gì?”
-“Tên Việt Nam của tôi là Hương, tên gia đình là Bonnard”.
Các quan lúng túng mãi vì không biết đọc và viết tên của người như thế nào, sau cùng ghi là Bona, và hỏi tiếp:
- “Ông bao nhiêu tuổi?”
- “29 tuổi”.
- “Ông người nước nào và đến đây từ bao lâu?”
- “Tôi người Pháp, đến đây từ hai năm, trước hết bằng tầu Pháp đến Macao rồi bằng tầu nhỏ của người Trung Hoa”.
- “Ông xuống từ hải cảng nào?”
- “Tôi không còn nhớ rõ”.
- “Các nơi ông đã đi?”
- “Tôi đi rất nhiều nơi không còn nhớ tên, nếu tôi nhớ tôi cũng không bao giờ nói cho các quan biết”.
- “Ông làm gì ở Bối Xuyên?”
- “Tôi qua đó có vài công chuyện chứ không định ở lại đó”.
- “Ông ở nhà ai tại đó?”
- “Tôi không muốn nói”.
Cứ thế các quan vặn hỏi để tìm cách bắt tội người giáo dân Việt Nam và kiếm thêm tiền đút lót. Biết vậy nên cha Bonnard vừa cười vừa nói:
-“Các quan cứ việc đánh đòn tôi đi theo như ý thích các quan, đừng trông tôi khai một lời nào có hại cho giáo dân. Tôi đến đây để phục vụ cho đến chết”.
- “Chúng tôi không muốn làm hại dân”.
- “Vậy tại sao các quan cứ ép buộc tôi khai ra người đã cho tôi truù?”
Mọi người chỉ biết cười. Quan hỏi tiếp:
- “Ông có muốn đạp ảnh dưới chân không? Nếu ông ưng chịu chúng tôi sẽ gửi trả ông về Tây Phương. Ngược lại, ông sẽ bị đánh đòn và kết án phải xử tử”.
- “Tôi đã thưa với các quan lớn là tôi không sợ roi đánh cũng chẳng sợ chết, tôi sẵn sàng chịu mọi hình khổ, còn bắt tôi làm một tội ghê tởm thì không bao giờ tôi chịu theo. Tôi đến xứ nầy không phải để chối bỏ đạo của tôi hay làm gương xấu cho các tín hữu”.
Nghe những lời khôn ngoan vững mạnh như thế, các quan im lặng và sai mang người trở về nhà tù.
Ngày hôm sau các quan lại cho điệu ra tra hỏi những câu hỏi như hôm trước và cũng không biết được thêm gì. Các quan nói với nhau chúng ta không có cách nào biết ngoài việc tra hỏi hắn. Cha Bonnard lại được cho về nhà tù.
Lần thứ ba quan cho điệu Cha Bonnard và Thầy Kim ra công đường để thúc ép tiết lộ tên người cho trọ và những nơi đã đi qua. Cha Bonnard trả lời: “Chính vì để làm ích cho người đồng hương của quí quan chứ không phải để làm hại họ mà tôi bỏ Âu Châu đến đây. Nếu tôi, một người ngoại quốc, còn yêu mến nhân dân xứ này và không muốn nói điều gì có hại cho họ thì các quan càng có lý mạnh hơn là cha mẹ của dân phải tránh những câu hỏi có hại cho họ chứ?”
Cha Bonnard học lời khai của Cha Charrier nói thêm rằng: “Nếu tôi bị bắt ở tỉnh khác, các quan có muốn tôi khai ra rằng tôi ở trong tỉnh này của quí quan không? Và nếu tôi khai như thế các quan có bị khiển trách không?”
Không lung lay được vị thừa sai, các quan nạt nộ Thầy Kim. Cứ mỗi lời của Thầy Kim họ kèm theo lời dọa nạt và roi đánh. Thầy bị đánh hai chục roi, miệng ú ớ. Cha Bonnard lại lên tiếng với giọng mỉa mai: “Tôi biết rõ việc của các ông và tôi cũng biết các câu hỏi đều dư thừa. Nếu các quan muốn tránh khỏi bẽ bàng và bớt khổ cho người này, các quan hãy làm tờ trình một cách khôn ngoan. các ngài không thấy rằng đánh đập người trẻ này chỉ có được những lời khai dối trá làm liên lụy đến những người vô tội sao?”
Trước những lời nói khí phách và sâu sắc của người, các quan bảo Thầy Kim đến hỏi cha để trả lời các câu hỏi cho hợp và các quan có thể kết thúc nội vụ. Cha Bonnard đọc cho thầy viết lời khai rất chính xác và an toàn.
Lần sau cùng các quan yêu cầu Cha Bonnard viết một ít lời khai bằng tiếng Pháp về tên tuổi việc làm như đã hỏi trong các lần trước để trình vua. Riêng các thầy mỗi lần bị tra hỏi đều bị đánh đòn hai chục roi. Trong khi bị đánh, Thầy Kim vạch một dấu thánh giá để nhìn vào đó suy gẫm các khổ hình của Chúa Giêsu. Trong lần thứ ba quan đem ra một bức tượng thật to bằng đứa trẻ 12 tuổi tịch thu được trong nhà các cha Ðaminh, chỉ còn nửa đầu, tay chân bị gẫy, và bắt các thầy hôn. Các thầy từ chối vì không biết là tượng Chúa hay tượng Phật. Nhiều người cười. Các quan thượng muốn làm tờ trình rằng hai thầy đã đạp ảnh nhưng các thầy đã chính thức viết giấy phản đối và xin được chịu chết.
Tờ trình của các quan viết như sau: “Sau khi tra xét ba tên tù phạm ở công đường, chúng tôi biết rằng một trong ba người là đạo trưởng Gia Tô người Âu Châu. Nó có mũi dài, râu rậm, tóc ngắn và mắt vàng, da trắng bạch. Nó tự xưng tên là Bona, người Pháp, 29 tuổi... Từ Macao nó đến bờ biển Việt Nam thấy có thuyền đánh cá hai người chèo làm dấu thánh giá và đã lên thuyền. Dấu thánh giá là dấu người theo đạo Gia Tô. Nhờ đêm tối họ vào được trong đất liền. Hắn đã ở nhiều nơi khác nhau, không biết tiếng Trung Hoa, khi nói có pha nhiều tiếng Âu Châu mà hắn không biết giải thích. Ðó là một giống người hoàn toàn khác với chúng ta. Nó từ chối trả lời các câu hỏi. Ðúng là tên mọi rợ Âu Châu, một tên đại nghịch, không cần chứng cớ nào khác để kết án xử tử...”
Sau đó quan tường trình về hai người Việt: “... Còn về nơi và làng tên Bona đã đi qua chúng không chịu khai. Chúng có mồm sắt không muốn mở miệng. Chúng cũng không chịu đạp ảnh và xin được chịu chết. Tuy nhiên chúng tôi sẽ xét lại trường hợp của chúng và tâu trình hoàng thượng sau”.
Bản án được gửi về triều đình ngày 5-4 và cuối tháng bản phê án về tới tỉnh. Ðang đêm, một giáo dân biết được tin đích xác đã thông báo cho các giáo dân khác. Mọi người nghĩ buổi hành quyết sẽ xảy ra vào buổi chiều nên các giáo dân khắp nơi đổ tuốn về thành. Từ trưa, các đường phố và cửa dẫn ra pháp trường đã đông nghẹt người. Thấy vậy các quan muốn tránh né đám đông nên hoãn lại ngày hành quyết vào hôm sau, 1-5, ngày đầu tháng kính Ðức Mẹ. Nhưng ngày hôm đó giáo dân từ xa cũng đến kịp. Sáng sớm họ đã kéo ra cánh đồng quen xử các tội nhân. Nhưng họ ngạc nhiên khi thấy năm trăm lính với gươm giáo sẵn sàng đi theo hướng ngược lại. Lính phải vất vả lắm mới có thể duy trì trật tự để đến nơi gọi là Ðan Thủy cạnh sông, cách thành một dặm rưỡi. Cha Bonnard vẫn giữ vẻ mặt tươi vui hiên ngang tiến đến nơi hành hình. Tới nơi, lý hình trói tay đàng sau và buộc vào một cọc thật chặt đến rướm máu. Lúc ấy các quan không mang đủ dụng cụ để tháo gông và chặt xích nên phải chờ đợi hơn một giờ để đi lấy. Trong khi ấy vị anh hùng tử đạo vẫn quì gối đọc kinh sốt sắng như một cột đứng vững. Sau cùng khi đã tháo gông và chặt xích, vị quan giám sát đến tận nơi túm tóc và cột lên để giơ cổ ra cho lý hình chém. Quan giám sát trở lại chỗ cũ trên mình voi ra lệnh đánh chiêng. Tiếng chiêng mới ngân đến tiếng thứ ba thì đầu vị anh hùng đã rơi xuống đất, máu phun ướt đẫm áo. Lính cầm roi đánh túi bụi vào đám đông đang ùa vào thấm máu. Chính các người lính đã độc quyền lấy áo quần của vị tử đạo, gông và ba móc sắt để chia phần ra bán cho dân chúng.
Thông thường phải chôn xác tử tội ngay tại chỗ hành hình và giáo dân đã sẵn sàng quan tài và đồ liệm, nhưng vị quan không muốn cho giáo dân có di tích gì của tử tù nên truyền cho một đội quân đem xác và đất thấm máu xuống một chiếc thuyền lớn, và một chiếc thuyền khác chở quan đi xuôi theo dòng sông để tìm chỗ vứt xác. Họ mang theo lương thực đủ ăn ba ngày. Giáo dân cũng được lệnh chèo thuyền theo sát. Ðến buổi chiều một số thuyền đánh cá khác chèo thuyền ra phía bể. Vào khoảng 8 giờ trời tối, thuyền của quan và lính đến địa phận Tam Tòa đã bỏ xác xuống và kéo buồm trở về. Ngay lúc đó giáo dân nhận diện vị trí và một lát sau các thuyền đánh cá tụ họp thay phiên nhau lặn xuống để tìm xác. Chỉ trong chốc lát một người thanh niên đã giơ tay lên reo mừng: “Tôi đã tìm thấy”.
Nhiều người túm lại lặn xuống để tháo túi đá quan buộc vào xác và đưa xác lên. Vào khoảng một giờ đêm các giáo dân mang xác Cha Bonnard về tới Vĩnh Trị. Sau khi mặc áo chức và tẩm liệm đủ lễ bộ xác được đặt trong quan tài bằng gỗ quí để giữa rừng đuốc sáng trong nhà thờ cho dân chúng bái kính cho đến chiều hôm sau. Chính Ðức Cha Retord và ba linh mục khác cùng với chủng sinh làm lễ an táng. Xác thánh nhân ở mãi trong lòng học viện Kẻ Vĩnh.