(bị bắt 21-5-1857, xử trảm 20-7-1857)
Ngày 12-9-1845, Cha Giuse Maria Diaz Sanjurjo từ Macao đặt chân tới Yên Trì và đến địa sở của Cha Rivas rồi tới nơi trú ẩn của Ðức Cha Hermosilla. Sau cùng ngày 17-12 cha đến nhiệm sở Lục Thủy là chủng viện hiện có Cha Marti và Alcazar. Tại đây cha học tiếng Việt và được đặt tên là An, vì cha đến vào lúc đạo Công Giáo không bị bắt bớ. Nhiệm vụ của cha là đào tạo các chủng sinh lên chức linh mục.
Vị thừa sai trẻ tuổi sinh năm 1818 tại Suegos, Tây Ban Nha. Năm 24 tuổi, người nhận áo dòng Ðaminh ngày 23-9-1842 và lên đường đi truyền giáo ở Philippines, tới Manila 1844.
Tới Việt Nam, Cha An dồn hết nỗ lực vào việc huấn luyện chủng sinh ở Lục Thủy. Ðến năm 1847 làng Lục Thủy bị lương dân bao vây để bắt đạo trưởng Âu Châu nộp cho quan lãnh thưởng, Cha An phải trốn chạy lên Cao Xá và tiếp tục dậy học.
Năm 1849 cha được chọn làm giám mục phụ tá cho Ðức Cha Marti khi tòa thánh thành lập địa phận Bùi Chu. Ngày 5-4-1849 cha được thụ phong Giám Mục và năm sau người giao chủng viện lại cho Cha Sampedro để bắt đầu các cuộc thăm viếng mục vụ từ Hưng Yên.
Ngày 26-4-1852 người di chuyển về Bùi Chu khi được tin Ðức Cha Marti qua đời tại Hồng Kông. Không bao lâu một ngọn lửa đã thiêu rụi tòa giám mục ra tro, Ðức Cha An can đảm nói như ông Gióp: “Thiên Chúa đã ban, Thiên Chúa cất đi. Ngợi khen Người”.
Trong thời kỳ ấy ở ngoài Bắc có nhiều vụ nổi loạn, đức cha đã thẳng thắn nghiêm cấm giáo dân tham dự mặc dù những người nổi loạn thường hứa cho tự do giữ đạo. Quan tổng đốc Nam Ðịnh Nguyễn Ðình Tân là người đã được Cha Tịnh chữa khỏi đau mắt nên có nhiều thiện cảm và bao che cho các làng Công Giáo, cũng vì vậy mà trong Nam Ðịnh không có loạn lạc. Tuy nhiên từ khi có tầu Pháp đến gây hấn năm 1856 thì thái độ của quan thượng đổi hẳn, ông triệt để thi hành lệnh của triều đình. Tỉnh Nam Ðịnh lại là nơi có nhiều cơ sở đạo của các cha dòng Ðaminh cũng như hội thừa sai Paris. Quan khâm sai của triều đình đến vào lúc có cuộc tố giác các linh mục ở Kẻ Vĩnh khiến Cha Tịnh bị bắt và triều đình đã khép án tử hình.
Ngày lễ Thăng Thiên, 21-5-1857 quân lính trên tỉnh về bao vây Bùi Chu bắt được Ðức Cha An và mấy vị quí chức, đóng gông giải về tỉnh. Các quan còn mở cuộc hành quân mấy lần nữa để tìm bắt bốn thừa sai ngoại quốc đã bị tố giác.
Khi quan thượng bao vây Bùi Chu, đức cha được một người báo tin trước để cất dấu các đồ đạo và đi trốn, nhưng người đưa tin đến nơi thì lính đã vây kín làng. Ðức cha trốn trong một nhà người lính Công Giáo, ông này quen thân với một quan đội có mặt trong đám lính vây làng nên không ai đến lục soát chỗ đức cha trốn. Quan chỉ huy đã muốn lui binh nhưng người tố giác vì sợ bị phạt là tố cáo xằng bậy nên đã năn nỉ quan lãnh binh lục soát lần nữa vì chắc chắn có thừa sai trốn ẩn trong làng. Lần này thánh ý Chúa muốn ban triều thiên tử đạo cho đức cnên lính đã phát giác và bắt trói đức cha ở ngoài vườn. Còn nhà đức cha bị tịch thu hết các đồ đạc.
Ðức cha bị tra khảo nhưng cương quyết chỉ tuyên xưng đức tin Công Giáo nên bị các quan giam vào trong ngục không ai được đến thăm. Trong hai tháng, một linh mục đã trá hình đến ban bí tích cho đức cha ba lần. Ban ngày đức cha phải đeo gông và xích, ban đêm phải cùm chân, nhưng trong thư gửi cho các bạn, đức cha viết: “Tâm thần tôi vui sướng và hy vọng được đổ máu mình hòa lẫn với máu châu báu của Chúa Cứu Thế đã đổ ra trên Calvario tẩy sạch các tội khiên. Tôi trông cậy vào lời cầu nguyện của anh em để được ơn can đảm và bền chí đến cùng. Tôi biết không còn sống được bao lâu, nhưng với những thương tích đẫm máu tôi thấy thời gian thật lâu dài. Tôi trông mong Thiên Chúa dùng những đau đớn này để tẩy sạch mọi tội lỗi của tôi”.
Trong khi có tin đồn đức cha sẽ phải giải về Huế và bị trục xuất về Âu Châu, người viết cho cha bề trên dòng: “Xin Thiên Chúa thương xót đến tôi và đến địa phận mà cho tôi được đổ máu ra vì lòng yêu mến Ðức Chúa Giêsu rất nhân ái mà người ngoại đạo khinh rẻ một cách mù quáng. Tôi rất vui mừng và bình an chờ đợi giây phút lưỡi gươm đưa ngang cổ tôi và linh hồn tôi sẽ thoát bỏ xích xiềng và thân xác hay hư nát mà bay thẳng vào lòng lân tuất của Ðấng tạo dựng nên tôi. Thế nhưng tôi rất thất vọng và sợ hãi phải đem về Huế và bị trả về Âu Châu. Tôi phó thác tuân theo ý định quan phòng của Chúa, tôi thương cho anh em còn phải gặp nhiều gian lao. Chớ gì Thiên Chúa dùng máu của tôi để làm bảo chứng hòa bình. Hãy can đảm và tín thác vì bàn tay Chúa không bị thu ngắn mãi”.
Các quan lớn tỉnh Nam Ðịnh đã hội nhau và định án như sau: “Thần là Nguyễn Tân cùng với các quan án và quan bộ xét rằng tà đạo của người gọi là Giêsu đã bị nghiêm cấm với những hình phạt nặng nề nhất. Mặc dầu có lệnh cấm như thế, tên đạo trưởng Âu Châu này đã cả gan dám xâm nhập vào trong vương quốc hòng truyền bá điều sai lầm như là chân lý, chiêu dụ đồ đệ giữa những bề tôi khờ dại của Hoàng Thượng. Sau khi bị bắt hắn đã thú nhận tội phạm và cố chấp trong lầm lạc, lại muốn chết hơn là chịu đạp ảnh thập tự. Dù có trăm miệng lưỡi cũng không chối khỏi tội. Sau khi đã cẩn thận xem xét chúng tôi quyết định rằng tù nhân phải chém đầu ở nơi cao để mọi người xem thấy, sau đó xác phải ném xuống sông, như thế khắp nơi biết được lệnh Vua thẳng nhặt”.
Vua Tự Ðức đã phê vào bản án như sau: “Mặc dù luật phép chúng ta đã nghiêm cấm tà đạo gọi là Giatô, người Âu Châu tên là Giuse An, đạo trưởng chính của đạo vừa nói, đã cả gan xâm nhập vào nước ta và dụ dỗ người dân tin theo việc thờ kính của hắn. Hắn đã nhận lỗi lầm vì thế ta truyền lệnh khi nhận được lệnh này phải chém đầu ngay, tung đầu lên cao cho mọi người khiếp sợ sau đó mới vứt xuống sông, như thế sẽ chặt được gốc rễ của sai lầm”.
Ðức Cha phó Sampedro đã cho điều tra kỹ lưỡng về cuộc hành quyết Ðức Cha An và đã gửi về tòa thánh lời khai của người lính Công Giáo tên Nicola có mặt trong đám lính thi hành lệnh xử tử. Tờ khai viết: “Tôi tên Nicola Ky, quân đội, vâng lệnh khai tất cả sự thật đã thấy khi người ta xử Ðức Cha An. Vì công vụ tôi ở ngoài thành hôm 29 tháng 6, vào khoảng giữa trưa tôi nghe tin sẽ xử đức cha tôi liền đến nhà tù gặp người. Tôi thấy đám lính cầm gươm sẵn trong khi đức cha đang chăm chú cầu nguyện, mặt hướng về tường. Lính đeo gông vào cổ rồi dẫn người ra nơi xử. Quan giám sát chính là lãnh binh cỡi trên mình voi, và một quan khác cũng cỡi voi còn các người khác đi bộ ra khỏi cửa Bắc đến pháp trường Bẩy Mẫu. Mặc dù không ở trong số lính áp giải tôi đã có thể theo ngay bên cạnh đức cha. Ðức cha giữ vẻ mặt tuơi cười, một tay đỡ gông một tay nâng xích, nhưng vẫn bước đi khó lòng vừa phần vì sức nặng của chúng vừa phần xích quàng lên cổ với chân lại ngắn khiến người không ngẩng mặt lên được. Trong khi đó lính hối thúc người phải bước mau. Lính bảo người để mặc gông trên cổ, hai tay cầm xích để đi cho chóng, đức cha đã làm theo. Tới pháp trường, lính đứng thành hình vuông chung quanh đức cha, quan lãnh binh đứng ở ngoài, quan phó đứng bên cạnh và tôi. Quan hỏi đức cha muốn quay mặt về hướng nào. Ðức cha trả lời là mọi hướng như nhau. Người ta trải chiếu xuống đất và đặt một tấm vải to, ba bộ áo người vẫn mặc ở trong tù, một cái gối để đức cha ngồi lên trên rồi họ trói tay lại ở đàng sau lưng. Người lính đao phủ muốn cởi hết áo ra, nhưng đức cnói rằng người giơ cổ trần ra cũng đủ rồi. Họ đồng ý như vậy và người thợ rèn lấy búa đập xích ra, tháo gông khỏi cổ. Khi tên lính cầm lấy tràng hạt nơi tay vị tử đạo thì tôi năn nỉ trả lại cho người. Ðức cha chìm đắm trong cầu nguyện. Lính dựng cọc sau lưng, lấy giây thừng quàng chung quanh ngực rồi bụng và cột vào cọc. Quan chỉ huy hỏi xem mọi sự đã sẵn sàng chưa và khi biết mọi sự đã xong, quan lãnh binh cho lệnh chém sau tiếng trống. Nhưng mới sau tiếng trống thứ hai, tên lý hình đã chém một nhát đầu rơi khỏi cổ, rớt xuống tấm vải. Quan lãnh binh truyền tung đầu lên không, tức thì tên đao phủ nắm râu mà tung lên cao cho rơi xuống đất rồi lượm lên bỏ vào thúng, cắt giây thừng cho xác ngả xuống chiếu. Sau cùng lý hình lấy xác và cả đất nhuộm máu đỏ đem buông xuống sông. Không một ai giữ được di tích nào của vị tử đạo. Có hai tên lính ngoại đạo lấy vải thấm máu đã bị quan ra lệnh giam vào trong tù”.
Hai người cùng bị bắt với đức cha, mỗi người bị đánh tám chục roi rồi được trả tự do. Sau khi xử tử vị giám mục rồi, quan cho lệnh đốt các đồ đạo, còn chén lễ và áo lễ quan đem về nhà dùng. Mọi nỗ lực thâu góp các di tích của vị chủ chăn đều thất bại ngoại trừ cái gông và xích xiềng. Ðức cha Retord cho biết thêm chi tiết rằng quan lính bỏ đầu vào thúng, lấy chiếu cuộn xác cột chung với đá rồi mang xuống thuyền, mười tên lính chèo ra tới ngoài biển và buông xác người xuống. Trong nhiều ngày các ngư phủ Công Giáo cố lặn xuống tìm mà không thấy. Sau cùng tình cờ họ tìm được một bình trong đó có đầu vị thánh và thúng đá.
Theo chứng từ của giáo dân tên Micae Tinh, đức cha khi đi đến pháp trường thì tay có cầm quyển sách mạ vàng. Trên đường đi, tên lính cầm loa thỉnh thoảng hô to: “Ðức vua truyền lệnh rằng phải tốc hành xử trảm tên đạo trưởng Âu Châu”. Ðức cha lấy ra ba chục đồng tiền cho lý hình và xin chém ba nhát, nhát thứ nhất chịu để cám ơn Chúa đã dựng nên và sai đến giảng đạo tại Bắc Việt, nhát gươm thứ hai để tạ ơn cha mẹ đã sinh ra và nhát thứ ba để lại di chúc cho đoàn chiên phải vững tâm xưng đạo, dù phải chết theo gương của vị chủ chăn và sau được hạnh phúc thiên đàng với các thánh. Tại nơi xử trước mặt mọi người khóc thương, đức cha nói: “Cha về trời, nhưng các con còn phải ở lại chịu nhiều khốn khó vì đói kém, lụt lội, dịch tễ và chiến tranh”. Lời tiên tri của Ðức Cha đã xảy ra đúng một ngày sau khi chém đầu Ðức Cha, đê ở kinh đô bị vỡ và kinh thành tràn ngập nước.
(bị bắt 1854, chết 15-7-1855 tại Mỹ Tho)
Theo bước chân anh dũng của các quí chức tử vì đạo như ông trùm Ðích, ông Lý Mỹ, ông Thọ và ông Cỏn của miền Bắc, ông Quỳnh và y sĩ Simon Hòa của miền Trung, và ông trùm Giuse Lựu của miền Nam, cụ Anrê Nguyễn Kim Thông tức Năm Thuông cũng đã anh dũng tuyên xưng đức tin làm vẻ vang cho giáo dân Bình Ðịnh (Qui nhơn được đổi thành Bình Ðịnh khi vua Gia Long chiếm từ quân Tây Sơn). Ðức Cha Cuénot đã gọi người là bông hoa của toàn giáo phận Qui Nhơn.
Theo lời khai của người con trai là Tôma Ngọc và cháu gái là Luxia Thi, chúng ta có thể đoán người sinh khoảng năm 1790 tại Gò Thị, thôn Xuân Phương, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Cha mẹ người là ông bà Nguyễn Kim Chánh và Ðặng Thị Mẫn. Người là con thứ tư nên được gọi là Năm theo tục lệ gọi người con cả là anh Hai. Trong số con cái của cụ Năm Thuông có linh mục Nguyễn Kim Thứ và nữ tu Nguyễn Thị Nhường. Vừa có học vừa đạo đức nên ông được Ðức Cha Cuénot đặt làm thầy giảng và dân chúng bầu làm lý trưởng làng Gò Thị. Nhờ thế cụ Năm Thuông đã có thể che chở bao bọc đức cha và giáo dân trong thời gian bắt đạo gắt gao. Chính đức cha và nhiều linh mục đã trú ngụ trong nhà của ông nhiều lần.
Là thầy giảng giáo dân, cụ đã biểu lộ một đời sống đức tin kiên cường, một lòng bác ái độ lượng, một lòng nhiệt thành giảng dậy và giúp đỡ giáo dân lãnh nhận các bí tích. Cụ luôn luôn ăn mặc đơn sơ, không bao giờ uống rượu hay ngồi không nhàn rỗi. Cụ có lòng sùng kính Ðức Mẹ cách riêng và đã dựng trong vườn một đài Ðức Mẹ Khiết Tâm. Chính vì trách nhiệm, cụ đã nặng lời khiển trách người cháu bê tha tên là Út, và nói với người con trai là Xã Bảy và con rể là Sáu Kham loại trừ đứa cháu ra khỏi danh sách trong làng xã. Ðể trả thù ông, người cháu đã nỡ tâm viết một thơ nặc danh tố cáo ông mình là người Công Giáo với quan tỉnh Bình Ðịnh. Thế là cụ trùm Anrê Năm Thuông bị bắt điệu lên tỉnh. Người ta không biết chắc cụ bị bắt ngày tháng nào, chỉ biết khoảng cuối năm 1854.
Vì kính trọng đức độ của người anh hùng xưng đạo, quan đầu tỉnh không đánh đập mà trái lại còn để cho cụ được khá tự do và thỉnh thoảng được về thăm gia đình. Tuy nhiên trong tù cụ vẫn phải mang xiềng xích và gông như những người khác. Gặp ai đến thăm cụ khuyên họ can đảm bền vững giữ đạo. Người nói: “Tôi đã già yếu và vất vả đã nhiều nên không tiếc gì mạng sống. Tôi sẵn sàng chịu đi đầy, tôi ước mong được chết vì Chúa và không để cho ai vận động xin tha cho tôi cả”.
Theo sắc lệnh của triều đình, quan đầu tỉnh nhiều lần khuyên giục cụ chối đạo. Quan ngọt ngào dụ dỗ mong làm lung lạc một người có đức tin như sau: “Thôi ông hãy chối đạo âm thầm, rồi tôi sẽ cho trở về nhà với gia đình, sau đó xưng tội như vậy có gì xấu đâu?”
Cụ Anrê trả lời: “Thánh giá mà tôi tôn thờ hôm qua không thể dày đạp dưới chân hôm nay được”.
Một lần khác cụ trả lời quan: “Lưu đầy hay phải chết vì Thiên Chúa là điều tôi mong ước chứ không bao giờ chịu chối đạo”.
Sau khi bị giam tù hơn ba tháng, án của triều đình ra lệnh ông phải lưu đầy tại Mỹ Tho. Các con dự tính chạy tiền để quan tỉnh tìm cách giảm án nhưng vị anh hùng đã nghiêm cấm các con mà nói rằng: “Hãy tuân theo thánh ý Chúa cho trọn vẹn”.
Thế là cụ Anrê với bốn người giáo hữu can trường khác, thuộc tỉnh Bình Ðịnh, đeo gông và mang xích lên đường đi đến nơi lưu đầy. Cuộc hành trình thật khó nhọc và lâu dài, qua Phú Yên, Khánh Hòa rồi tới Bình Thuận. Tại Bình Thuận, cụ được diễm phúc gặp người con linh mục là Cha Thứ để xưng tội và lãnh các bí tích. Khi tới Sài Gòn, các anh hùng xưng đạo phải lưu đầy được gặp Ðức Cha Lefebvre, lúc đó đang trốn ở Thị Nghè. Mọi người khuyên cụ Anrê ở lại Sài Gòn và chính quan khâm sai cũng ưng thuận như vậy, nhưng người lính chiến của Chúa Kitô muốn theo chân thầy mình nên đã trả lời: “Tôi muốn chịu trọn vẹn bản án và mong cho đến nơi sớm hết sức”.
Tại Sài Gòn, cụ Năm và các bạn tù được cha sở họ Chợ Quán ban các bí tích và xức dầu trước khi họ tiếp tục hành trình đến nơi chỉ định. Cụ Năm phải đầy ở Mỹ Tho và dừng lại ở đây, còn các bạn khác tiếp tục đi Vĩnh Long. Trên đường họ dừng lại ở Cái Nhum và được Cha Borelle đến thăm. Nghe biết tình trạng sức khỏe của cụ Năm bị sa sút tại nơi lưu đầy, Cha Borelle cho gọi y sĩ Thiện đến chăm sóc, nhưng y sĩ Thiện chưa tới nơi thì cụ đã bị một cơn sốt nặng và qua đời ngày 15-7-1855.
Năm giáo dân hiện diện giúp cụ Năm trong giờ sau cùng đã làm chứng: “Trong giờ hấp hối, cụ Năm được biết quan đã chỉ định cho cụ phải lưu đầy ở Bắc Chiên, địa hạt cuối cùng trong tỉnh. Cụ đã xin đưa cụ đến đúng nơi đã chỉ định để của lễ hy sinh của cụ được hoàn tất. Ngay lúc đó cụ lên cơn sốt mê sảng, mỗi khi tỉnh lại cụ xin những người chung quanh cầu nguyện. Những người chứng kiến cơn hấp hối của cụ, vội vàng tháo xích ra cho cụ nhưng cụ cấm họ làm như thế và lấy tàn sức còn lại cụ bắt đầu đọc bẩy bài Thánh Vịnh thống hối và những kinh kính Ðức Nữ Trinh Maria. Cụ trút hơi thở cuối cùng, trên môi vẫn còn mấp máy tên người Mẹ quí yêu trong suốt đời cụ”.
Cha Borelle kết thúc bài tường thuật về cái chết dũng cảm của cụ Anrê Năm Thuông bằng những lời của Ðức Cha Lefebvre, một người rất quen biết cụ, gởi gắm cụ với người, như sau: “Bởi vì ông rất xứng đáng được chăm sóc, ông đã yêu mến dân chúng rất nhiều. Tôi nghĩ đến lời Thánh Gregorio VII nói lúc chết: 'Tôi yêu chuộng công chính và ghét gian tà vì thế tôi chết trong nơi lưu đầy”. Thầy giảng do Cha Borelle sai đến đã xin với quan địa phương để mang xác cụ Năm Thuông về an táng tại Cái Nhum, đêm ngày 20 rạng 21-7. Hiện diện trong thánh lễ an táng có Cha Borelle, bốn linh mục và hàng ngàn giáo dân Vĩnh Long. Mấy năm sau các con của người là Tôma Ngọc và Xa đến Cái Nhum bốc mộ đưa về Gò Thị. Theo lệnh của đức cha, đại biểu của mười lăm họ đạo trong địa phận có mặt để nghênh đón hài cốt người trùm trưởng suốt đời hy sinh vì Giáo Hội. Năm 1909, hài cốt được Tòa Giám Mục Qui Nhơn gửi một phần sang Bộ Truyền Giáo, một phần gửi đến chủng viện Làng Sông và một phần giữ lại ở Tòa Giám Mục.