Trước tình trạng thiên tai và giặc giã, Minh Mệnh có thú tội trước nhân dân và thiết lập năm khắc khổ. Tuy nhiên Minh Mệnh vẫn còn quyết tâm bắt đạo Công Giáo. Ngoài sắc lệnh bắt thừa sai và cấm dân chúng thực hành đạo Công Giáo, Minh Mệnh muốn thay thế một thứ đạo quốc gia, mô phỏng tổ chức của đạo Công Giáo để lập ra 10 điều răn và 4 ngày lễ để suy tôn các điều răn nói trên. Minh Mệnh muốn tiêu diệt niềm tin tưởng Kitô ngay tự trong thâm tâm.
Trong lời nói đầu nhà vua nhắc nhở người Annam tâm nguyện của mình muốn theo bước tiền nhân, và với lòng quan tâm phụ tử đặt ra 10 điều huấn giáo. Nội dung lời quảng diễn đại ý như sau:
1/ Ðôn nhân luân: Trọng tam cương ngũ thường. Hỡi con người, bản tính của nhân sinh là phải biết có luật vua tôi, có liên hệ máu mủ cha con, có phân biệt vợ chồng, có đẳng cấp huynh thứ, có tin tưởng giữa bằng hữu. Ðó là cuộc sống con người và tuân giữ các điều ấy là đạo làm người.
2/ Chính tâm thuật: Làm việc gì cũng cốt phải giữ bụng dạ cho chính đính trong sạch. Thật vậy, cái tâm là chính con người, nếu nó ngay thẳng thì vạn sự lành phát xuất như từ nguồn suối, nếu không nó là lò của trăm sự dữ đổ trên đầu. Ðấng đại thiên đã in sâu trong tâm hồn mọi người đạo tự nhiên: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ðời sống con người ở tại giữ các nguyên tắc cao cả này. Trẫm ước mong rằng mọi thần dân hãy có tâm hồn tốt, mặc dù hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng tất cả hợp cùng nhau tìm kiếm sự thiện. Người giầu đừng có kiêu căng ngạo nghễ, người nghèo đừng gian tham trộm cướp, ước ao giầu sang vượt quá cấp bậc, để ý nghĩ xấu tiêu hao tìm kiếm.
3/ Vụ bản nghiệp: Giữ bổn phận, chăm nghề nghiệp của mình. Phải bằng lòng với cuộc sống của mình, đừng than thân trách phận trời đã sinh ra ta. Hãy làm trọn bổn phận với niềm vui, hãy làm việc hăng hái và bằng lòng. Tất cả, người nông dân, thủ công, thương gia, binh sĩ hãy bằng lòng mãn nguyện.
4/ Thượng tiết kiệm: Chuộng đường tiết kiệm. Hãy xử dụng của trời cách tiết độ, đừng như người hoang phí tiêu thụ tất cả những cái có, rồi phải đói trong suốt năm. Ham mê các thú chơi làm nẩy sinh nghèo đói, trộm cắp và loạn tặc.
5/ Hậu phong tục: Giữ phong tục cho thuần thục.
6/ Huấn tử đệ: Phải dậy bảo con em. Giáo dục gia đình là nền tảng xã tắc.
7/ Sùng chính học: Tránh học thuyết xấu và học hỏi cái hay. Minh Mệnh khuyên đừng để qua ngày nào mà không đọc hay học hỏi cũng như phải coi chừng học thuyết sai lầm. Tất cả lý thuyết sai lầm của đạo Gia Tô đều đi ngược với lý trí và nguy hại cho thuần phong mỹ tục. Những người theo phái này, đàn ông đàn bà sống chung với nhau như những người man rợ (muông thú), nhiều người đã phải đóng vào việc thờ phượng, gieo rắc sự bất hòa khắp nơi, điên rồ tôn kính người phải chết, hủy hoại lời dậy phải lẽ và có hại cho nhân loại. Vậy không thể tin vào đạo như thế. Những người đi lang thang khắp nước truyền bá hãy từ bỏ sớm hết sức. Trái lại mọi người hãy giữ cẩn thận tập tục tiền nhân: các lễ phép thông thường trong việc cưới xin cũng như tang chế trong việc thờ cúng ông bà cũng như thần làng.
8/ Giới dâm thắc: Ðừng giữ những điều gian tà dâm dục. Người có công giữ nhân đức tiết hạnh sẽ được thưởng, trái lại ai lỗi phạm sẽ bị trừng phạt. “Có thể trẫm lập nhà riêng cho họ, có thể trẫm ban bằng khen thưởng để làm gương cho những người khác”.
9/ Thận pháp thủ: Cẩn thận giữ luật pháp. Ðặc biệt là việc nộp thuế.
10/ Quảng thiện hạnh: Rộng rãi làm việc lành.
Kèm theo bản văn 10 điều huấn dụ, Minh Mệnh còn có một chỉ dụ về việc phải đón tiếp và giảng huấn hằng năm. Nghi thức đón tiếp bảng 10 điều huấn dụ gồm: phải tổ chức cuộc rước, phải tôn kính kiệu trên vai, phải đặt trong một khám, thỉnh thoảng phải tung hô và lạy phục.
Ðức Cha Havard thuật lại là nhiều nơi người ta đã bỏ ngay việc giảng giải các điều huấn dụ theo lệnh mỗi năm 4 lần. Nơi khác lương dân nói: “Chúng tôi có nhiều việc khác phải làm hơn là đến nghe, như phải nộp thuế, cung phụng cho đức vua”. Thừa Sai Retord cho biết người giáo dân chẳng quan tâm gì đến, còn làng bên lương thì như nằm im trên đám bụi. Chỉ có làng nửa lương nửa giáo gây ra vài rắc rối. Tại Kẻ Voi, người lương bắt người Công Giáo đi rước bản huấn dụ ở quan huyện với chiếc kiệu họ vẫn dùng để rước tượng Ðức Mẹ. Tại Bằng Sơ họ đặt bản huấn dụ vào chén lễ mà họ đã lấy cắp, có thắp nên và đốt hương chung quanh. Họ đánh trắc và bắt người Công Giáo phải cúi lạy. Nơi khác họ bắt người Công Giáo nghe cắt nghĩa luật với họ hai lần mỗi tháng.
Từ năm 1834 các thừa sai đã có thể thận trọng đi thăm các giáo đoàn. Các quan lo dẹp loạn hơn là bận tâm đến người Công Giáo.
(bị bắt 1834, xử trảm 28-11-1835 tại An Hòa)
Ơn thánh Chúa tuôn tràn cho hết mọi người, mọi nơi, mọi giai cấp, nhưng ơn thánh Chúa khi gặp được những tâm hồn đơn sơ thánh thiện và kiên cường thì như kim cương gặp được ánh sáng tỏa chiếu mầu sắc rực rỡ. Ðó là trường hợp của các anh hùng tử đạo như cậu Anrê Trần Văn Trông, một người lính trong đội dệt hoàng gia. Cậu sinh trưởng trong một gia đình đạo hạnh thuộc họ đạo Thợ Ðúc. Cha cậu là ông Tađêo Trần Văn Hoàn làm nghề thợ bạc và mẹ cậu là bà Gia làm nghề dệt cửi, nguyên quán họ Kim Long tại kinh thành Huế, sau dọn nhà sang Thợ Ðúc. Cậu có hai chị và một em gái. Hồi nhỏ có đi học trường 6 năm rồi ở nhà giúp cha mẹ. Khi cha chết, cậu Trông mới được 19 tuổi, mẹ cậu định hỏi vợ cho cậu thì cậu xin khoan đã. Năm 20 tuổi cậu ghi tên vào đội lính dệt của hoàng gia. Sau 9 tháng thì có lệnh vua Minh Mệnh truyền khai sổ các lính có đạo. Cậu bị bắt cùng với 7 người bạn khác. Lính trấn phủ đem 8 người lính ra tòa tam pháp để cho các quan hạch hỏi. Trong nhà có 5 quan ngồi, ngoài sân có lính cầm roi sẵn và lò lửa đang nóng với kìm kẹp. Ngoài ra còn có chừng 40 người lính từ các vệ khác. Một vị quan hỏi: “Chúng bay có chịu quá khóa không?”
Mọi người đều thưa là không. Quan liền ra lệnh cho lý hình nọc 8 người lính dệt đánh đòn trước, mỗi người ba roi. Cả 8 người can đảm chịu đòn, quan lại ra lệnh gia thêm ba roi nữa. Có 4 người vì đau quá đã bước qua thánh giá và được thả tự do. Cậu Trông và ba người còn lại bị tra hỏi như trước. Sau cùng một mình cậu Trông cương quyết nói: “Quan thương thì tôi được nhờ, bắt làm gì thì tôi cũng chịu nhưng quá khóa thì không”.
Các quan lại dụ dỗ nào là các bạn đã được tha về, nào là nếu chết thì mẹ già không ai săn sóc là tội bất hiếu. Cậu Trông vẫn cương quyết không bước qua ảnh thánh giá và sẵn sàng chịu mọi cực hình quan ra. Thấy vậy quan cho lính khiêng cậu qua nhưng cậu co chân lên. Những người đứng xem cũng vào hùa với quan dụ dỗ cậu và dọa cậu: “Thằng con nít mà cả gan như vậy, những người lớn hơn còn vâng theo phép vua quan, còn nó thì không, chém đầu đi cho rồi, còn để làm chi”.
Thấy không còn lay chuyển được người lính dũng cảm, quan truyền lệnh giam cậu tại trấn phủ.
Cậu Trông bị giam tại trấn phủ 6 tháng. Trong thời gian này cậu sống rất rộng rãi với bạn tù và hay giúp đỡ. Một người bạn tù làm chứng rằng: “Dù phải sống cảnh giam cầm, cậu ta vẫn tỏ ra vui tươi luôn. Cách sống đơn sơ dễ thương, mỗi ngày đều kiếm lời lành khuyên bảo các bạn tù. Cậu ra sức giúp các bạn và siêng năng đọc kinh lần hạt không bỏ ngày nào. Họ hàng đến thăm thì cậu khuyên họ đừng buồn vì cậu phải chịu cực, nhưng hãy cầu xin Chúa ban ơn cho được chịu mọi sự khốn khó cho đến cùng”. Những người tù ngoại đạo cũng khuyên nhủ cậu bỏ đạo nhưng chính cậu đã thuật lại rằng: “Mỗi khi nghe họ khuyên thì tôi thấy gớm ghét trong lòng. Họ cứ bảo tôi là bất trung bất hiếu và thiên đàng ở đâu nào có thấy. Tôi chỉ nói lại với họ là việc ai người ấy biết, tôi biết rất rõ thế nào là trung hiếu”.
Vào mùa thu, Minh Mệnh còn ghét đạo hơn trước nên đã ra án xử cho cậu. Người ta đem cậu Trông sang chỗ khác gọi là khám đường. Nơi giam có thay đổi nhưng lòng người vẫn một mực như trước, hết lòng trung thành với Chúa và thương yêu anh em. Bạn tù có ai đói thì cậu bớt phần ăn san sẻ cho họ. Thấy cậu quá tốt lành lính canh cũng động lòng thương, ban đêm cho phép cậu ra khỏi khám. Hai lần cậu được ra khỏi khám để tìm cha giải tội: lần thứ nhất ở cầu Bạc Hổ và lần thứ hai ở làng của cậu. Cậu trùm áo đen che khuất xiềng xích và đi với một người lính canh đến con thuyền đậu có linh mục Việt Nam là Cha Ngôn đợi sẵn. Trên đường đi cha ban phép giải tội và sau đó cha lên bờ, còn cậu Trông tiếp tục về nhà thăm mẹ tại Kim Long. Sáng sớm cậu Trông lại xuống thuyền trở về nhà giam, và khi qua Kẻ Vạn Cha Ngôn trao Mình Thánh Chúa cho cậu.
Ngày 28-11-1835 là ngày đem cậu đi hành quyết. Sáng sớm có người bà con đến thăm, cậu nhắn nhủ như sau: “Anh hãy ở với mẹ tôi học nghề dệt cho thành tài và luôn thể giúp mẹ tôi với. Anh nói với mẹ tôi rằng tôi đã được phúc trọng chết vì Chúa và xin người an tâm làm việc nuôi xác và giữ đạo thánh Chúa. Còn phần tôi mọi sự đã xong, tôi không lo lắng gì nữa”.
Lúc ấy người bà con muốn mua thức ăn cho cậu nhưng cậu trả lời: “Tôi ăn chay dọn mình mà chết”.
Khi người lính mang bản án đến cho ông cai tù, mọi người tù tập họp lại. Ông cai tù đeo gông vào cho cậu Trông và bảo cậu đi theo lính đến nơi hành quyết. Hôm ấy trời mưa và gió nhiều. Cậu Trông mặt mũi vẫn tươi vui, tay lần hạt đi bên cạnh lính đao phủ. Mẹ cậu hay tin vội vã ra chợ An Hòa để gặp con lần sau chót. Bà nói với cậu: “Con ơi! Bấy lâu nay con ở trong tù có mắc nợ ai cái gì không thì nói để mẹ lo trả cho hoï”.
Cậu thưa lại: “Con không thiếu ai cái gì cả, tiền nộp nhà tù và xích xiềng con cũng đã thanh toán cả rồi”.
Rồi hai mẹ con nói lời từ giã sau cùng. Khi tới nhà làng gọi là Bắc Ðình quan cho lệnh ngừng lại, lính tháo gông và xiềng xích ra, cậu Trông cầm lấy xích nhờ người lính trao lại cho mẹ cậu. Lính đao phủ vuốt tóc cậu và cột lên rồi kéo áo xuống dưới vai, trói hai tay sau lưng. Cậu Trông quì trên chiếc chiếu và cầu nguyện. Khi mọi việc sửa soạn đã xong, quan dặn lý hình khi nào ba tiếng chiêng dứt thì chém đầu. Song tiếng chiêng thứ nhất vừa dứt đã thấy đầu cậu rơi xuống đất. Mẹ cậu đứng đó thấy đầu con đã rơi xuống đất liền bẩm với quan là mình có công sinh con ra nên xin được giữ cái đầu của con. Ðược quan cho phép, bà lấy áo bọc chiếc đầu con đem về nhà. Còn thân nhân mang xác về an táng tại họ Thợ Ðúc.
Trong sắc lệnh tôn phong 77 Á Thánh, Ðức Thánh Cha Leo XIII đã đặc biệt nêu cao tấm gương tử đạo của cậu Anrê Trông như sau: “Trong các đấng tử đạo Nam Kỳ có Anrê Trông, thời danh không những vì chính người dũng cảm mà mẹ người cũng anh hùng như con, vì bà đã bắt chước Ðức Mẹ chịu đau khổ, đứng bên cạnh xem con mình chịu chết và khi con bị chém đầu rồi thì ôm đầu con trong lòng mình”.
Quang cảnh tử đạo của người đã được vẽ và trưng bày trong buổi lễ phong Á Thánh cho người. Ngoài ra có lời truyền tụng nói rằng lúc ấy mặt người tươi vui như thiên thần, hai chân không rửa mà sạch mặc dù hôm ấy trời mưa, chân mọi người lấm bùn. Người được Ðức Thánh Cha phong Á Thánh ngày 7-5-1900.