(bị bắt tháng 2-1833, xử giảo 17-10-1833 tại Huế)
Vị thừa sai Pháp đầu tiên đổ máu đào để củng cố đức tin trong lòng giáo hội Việt Nam là cố chính Gagelin, tên Việt là cố Kính nhưng vua lại đặt cho người một tên khác là Tây Hoài Hoa. Cố Phanxicô Isiđoro Gagelin sinh ngày 10-5-1799 tại làng Montperreux thuộc địa phận Besancon, nước Pháp. Cha mẹ làm nghề nông, rất đạo đức và có uy tín trong làng. Ngay từ nhỏ cậu Gagelin đã có ý muốn làm linh mục đi giảng đạo ở các nước xa xăm. Một hôm trời mưa, chị cậu mang áo mưa đến thì cậu đã trả lời: “Ðể em tập chịu khó cho quen, sau này có thể đi giảng đạo cho người ngoại đạo”.
Cha sở đã chọn cậu và gửi vào trường riêng để học và năm 1817 vào chủng viện học lý đoán ở Besancon. Sau hai năm, Thầy Gagelin được chịu chức Cắt Tóc, gia nhập hàng giáo sĩ. Tiếng Chúa thôi thúc thầy quyết định đi truyền giáo. Thầy về nhà nói cho mẹ hay. Bà khóc lóc khuyên con bỏ ý định đi xa để mẹ một mình ở nhà. Nhưng Thầy Gagelin can đảm thưa mẹ: “Con rất yêu quý mẹ, nhưng nay Chúa gọi con đi giảng đạo, mẹ có dám can ngăn thánh ý Chúa không?”
Năm 1819, thầy vào chủng viện truyền giáo Paris để thử ơn gọi truyền đạo. Ngày 24-5-1820 bề trên vui mừng cho thầy chịu chức Năm và chỉ định thầy đi sang truyền đạo tại Việt Nam và ở đó sẽ được chịu chức linh mục. Cuối năm 1829, thầy từ giã quê hương lên đường truyền giáo, lúc đó mới có 21 tuổi xuân.
Ngày 17-5-1821 chiếc tầu La Rose chở Thầy Gagelin và đại sứ của Pháp tại Việt Nam, ông Chaigneau, tới cửa bể Thuận An. Vua Minh Mệnh ra lệnh kiểm soát gắt gao không cho thừa sai xuống, nhưng tối hôm 19-5, ba vị thừa sai đã được thuyền giáo dân Việt Nam lén đưa xuống bờ đến gặp Ðức Cha Labartette tại Cổ Vưu, Thầy Gagelin được chỉ định dậy học tại chủng viện ở Phường Rượu (An Ninh). Ngày 28-9-1822, người được thụ phong linh mục cùng với Cha Xuân và Văn ở họ Nhứt Ðông và tiếp tục dậy học tại chủng viện. Nỗi khổ cực tại xứ truyền giáo được người viết như sau: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ có cơm và nước, như thế quí cha hiểu được rằng làm thừa sai rất khổ cực. Có lẽ các cha khuyên tôi phải hãm mình, đúng vậy, nhưng thừa sai còn cần sức khỏe để làm việc nữa”.
Ðến giữa năm 1824 chỉ còn hai thừa sai ở miền Nam, Cha Taberd làm niên trưởng ở Huế, còn Cha Gagelin xuống miền Ðồng Nai, ở chủng viện Lái Thiêu. Năm 1827, vua Minh Mệnh ra lệnh tập trung các cha thừa sai, Gagelin, Marchand và Odorico dòng Phanxicô ra trình diện với Lê Văn Duyệt. Ông quan nghĩ rằng vua cần người thông dịch nên chỉ lựa các cha thông thạo tiếng Việt là Cha Gagelin và Odorico gửi về Huế. Năm sau, chính vị quan này về Huế vận động với vua Minh Mệnh để trả tự do cho các thừa sai. Cha Gagelin được tự do năm 1828, trở về làm việc ở Lái Thiêu, cha lần lượt ba lần đi thăm các giáo đoàn ở các vùng phụ cận đã ba năm không được gặp các cha, có lần cha đi xuống tận Hà Tiên. Năm 1829, Cha Taberd nhận được sắc làm giám mục, người chỉ Cha Gagelin làm cố chính. Cũng năm này có thêm Thừa Sai Cuenot mới tới từ Bắc Việt. Cha Gagelin làm cuộc hành trình ngược về mạn Bắc. Khi Vua Minh Mệnh ra sắc chỉ cấm đạo toàn diện đầu năm 1833, Cha Gagelin đang ở Quảng Ngãi và rất quen thân với quan đầu tỉnh. Ðược thông báo, cha trốn lên rừng. Về sau thấy giáo dân bị làm khốn vì mình, cha quyết định ra nộp mình. Cha cùng với chú giúp việc đến huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Ðịnh để nộp mình cho quan tại đây. Sau khi bị giữ 40 ngày, cuối tháng 7, cha bị dẫn giải về tỉnh Quảng Nam, và từ khi hai chú giúp cha chạy trốn, cha phải đeo gông nhẹ. Ngày 23-8-1838 cha tới kinh đô, bị giam tại trấn phủ. Từ đây cha chia sẻ những khổ cực, đói khát, hành hạ của nhà tù: phải tự liệu thức ăn, ban đêm phải cùm chân và cứ tới phiên đổi canh thì bị điểm danh và chịu một đòn đánh.
Tại kinh đô có Cha Jaccard và Odorico cũng bị bắt nhưng giam lỏng ở cung quán, có thể đến nhà tù thăm Cha Gagelin. Ngày 11-10, Minh Mệnh sai linh gác ở nhà tù và triệt để cấm không cho gặp một ai. Lúc mới đầu mọi người nghĩ cha tự nộp mình thì sẽ được ở cung quán như hai thừa sai khác. Ðến tháng 10 có tin đồn là cha sẽ phải đi đầy vùng Xứ Ðoài, Tây Bắc Việt. Ngày 12, Cha Jaccard báo cho người biết là người bị kết án tử vì dám dời bỏ Ðồng Nai là nơi vua Minh Mệnh cho phép người được ở. Tin này đã làm cho người tràn ngập vui mừng. Ngay từ bé người đã mơ ước được chịu chết vì đức tin, và đã cầu xin mỗi khi cha dâng Máu Thánh trên bàn thờ. Người nhờ Cha Jaccard chuyển lời từ biệt đến Ðức Cha, các cha ở chủng viện Paris và gia đình, người không quên trối lại các đồ dùng của người ở Phú Yên, Qui Nhơn và Quảng Ngãi. Sau cùng người viết: “Tôi sắp bỏ thế gian này không luyến tiếc một sự gì. Nghĩ đến việc được nhìn thấy Chúa Giêsu chịu đóng đinh làm tôi vui sướng hơn là sợ cái chết đau thương. Nguyện ước của tôi là được ra khỏi thân xác tội lỗi này sớm hết sức và có thể được kết hợp với Chúa Giêsu trong nơi hạnh phúc bất diệt”.
Cha Gagelin bị giam tù và kết án mà không có một phiên xử nào. Ngày 17-10 lúc 7 giờ sáng, quan đến báo cho người biết người bị giải về Thừa Thiên. Lúc ấy cha vừa đọc kinh sáng xong, liền mặc áo, thắt khăn ra khỏi tù đi theo đội lính 30 người cầm gươm giáo sẵn sàng. Cha hỏi họ: “Ðem tao đi chém sao?” - “Ðúng vậy”. - “Tao không sợ nghe!”
Thứ tự đoàn người đi như sau: 4 tên lính cầm gươm nâng 4 đầu gông, hai người khác đi trước và sau người, những lính còn lại vẫn cầm giáo đi hai hàng hai bên, sau cùng là hai quan cỡi ngựa giám sát vụ hành quyết. Họ đi về phía cửa thành, qua cây cầu đến chợ. Một người lính quát loa bố cáo rằng: “Tây dương nhân chi Tây Hoài Hoa, địa phương truyền thọ Gia Tô tà giáo vi nhân nã hoạch phương an xử giảo quyết”. Dân chúng đứng chung quanh hỏi nhau: “Người này đã làm gì mà tại sao giết người vô tội, một người can đảm như thế? Hoàng Ðế đúng là một ông bạo chúa”. Thấy cha bước đi hiên ngang vui vẻ, họ nói: “Có ai đã thấy một người đi chịu chết với vẻ điềm tĩnh như thế?” Mỗi lúc một đông người đến xem. Tới Bãi Dâu, nơi hành quyết, đã có một tấm chiếu trải sẵn, Cha Gagelin quì gối, lý hình cởi áo rồi trói hai tay vào cọc ở sau lưng, sợi dây thòng lọng cuốn chung quanh cổ và buộc vào cọc hai bên, mỗi bên có 5 người lý hình cầm giây sẵn sàng chờ lệnh để kéo giây. Sau khi được xiết mạnh 30 lần, sợi giây bị đứt nhưng Cha Gagelin đã về với Chúa, đầu ngả về một bên. Lý hình đốt chân làm chứng đã chết. Các quan và lính rút lui cho phép một thầy giảng đem xác xuống thuyền của quan thông ngôn Micae Khoan. Lúc ấy là 10 giờ sáng. Thuyền chở xác tới phủ Cam đã có Cha André chờ sẵn để làm các phép chôn cất. Xác Cha Gagelin được mặc áo lễ chôn cất trong vườn Phú Cam. Ông vua bạo chúa bán tín bán nghi vào lời Phúc Âm về việc người chết sống lại, ngày 18-10 ra lệnh các quan lấy xác lại. Sau cùng giáo dân phải đào xác lên, lột bỏ các áo chức và gói vào chiếu đem đến nghĩa địa chung ở Phủ Cam rồi báo cho quan. Quan cho khám xét và làm chứng xác không sống lại, rồi để nguyên tại chỗ thay vì chặt đầu và đem đi các tỉnh như đã dự định.
Hai vị quan phủ Thừa Thiên là Trần Tu Ðịnh và Trần Quang Tâm đã làm tờ trình vào năm Minh Mệnh 14, ngày 5 tháng 9 Âm Lịch. Nội dung như sau: “Ngày 4 tháng này chúng tôi được lệnh của bộ hình kết án Tây Hoài Hoa đã đi nhiều nơi gieo rắc tà đạo và còn táo bạo lấy sắc lệnh mật. Lệnh ngày mùng hai của Hoàng Ðế truyền xử giảo Tây Hoài Hoa. Lệnh được giao cho phủ Thừa Thiên thi hành. Ngày mùng 5, một quan phủ Thừa Thiên cùng với quan Viên Ngoại Huỳnh Văn Hiên của bộ hình và binh lính dẫn tù nhân Âu Châu đến pháp trường. Hai quan Trần Quang Tân và Huỳnh Văn Hiên đã theo 30 lính có trang bị khí giới đến nơi gọi là An Quan thuộc huyện Hương Trà và xử tại đó.”
(bị bắt 29-6-1838, xử trảm 5-9-1838)
Ông Giuse Cảnh sinh năm 1763 tại làng Hàng Ván. Từ thuở nhỏ ông đã được sống với Cha Huy. Mặc dầu cha đã già rồi nhưng cha vẫn chịu khó dạy người về đời sống đạo đức và hy sinh. Gương can đảm và chịu khó của người đã làm cho nhiều người tặng người một biệt hiệu là người tốt phúc, bạn của Thiên Chúa.
Ông kết bạn với một phụ nữ tại làng Thọ Bá và cả hai ông bà sống một đời gương mẫu hiếm có. Ông làm thầy thuốc bắc và nhờ vậy ông đã có dịp rửa tội cho nhiều trẻ em. Ông luôn lo lắng cho giáo xứ và giúp cha sở về vấn đề tài chánh, vì thế ai cũng kính nể ông về sự kiện này cũng như con người lương thiện của ông. Ông gia nhập Dòng Ba Ða Minh và là hội viên của Hội Mân Côi.
Khi đã gần 75 tuổi, cụ Giuse Cảnh bị ông Hương Bích tố cáo là một giáo dân sùng đạo. Khi nghe tin ấy, lính tráng tuôn đến để bắt nộp cụ. Nhân dịp cụ phải đi Bắc Ninh, chúng cho người dò la tin tức của cụ và khi biết rõ cụ đang nghỉ ở gần bờ sông, chúng áp tới để trói bắt và dẫn cụ tới làng gặp tri huyện. Chúng tống ngục cụ cùng với Cha Tự. Khi cụ bị bắt, cụ đã tin rằng mình có phúc được trở nên một lễ vật, nên cụ cố gắng làm sao để sống cho xứng đáng với lễ vật đó. Cụ qua những ngày tù bằng những lúc cầu nguyện với Chúa. Trong lúc tù tội, cụ bị gọi ra tòa rất nhiều lần và các quan quân tìm đủ cách để bắt cụ chà đạp thánh giá, nhưng cụ luôn luôn mạnh dạn xưng hô tên Chúa. Một người làm chứng rằng, một hôm nói với cụ: “Chúng tôi nhận thấy rằng cụ là một người tốt, và vì thế chúng tôi rất thương hại cụ. Cụ đã già rồi, những ngày còn lại rất ít ỏi, tại sao cụ không cố mà hưởng nó, cụ chỉ cần bước qua thập giá, là xong ngay”.
Cụ đáng kính này cố gắng không nghe tiếp nữa và nâng cao giọng cụ cầu xin: “Lạy Chúa Giêsu đường ngay nẻo thật, ai theo Chúa thì sẽ được sống rất hạnh phúc”.
Một dịp khác, quan lại nghe thấy cụ đọc kinh cầu các Thánh, ông ta rất đỗi ngạc nhiên vì cụ cầu cho các vua chúa quan quyền được sự bằng an. Quan không thể hiểu tại sao cụ có thể cầu cho những vua khát máu như Minh Mệnh, người đã tàn ác giết chết bao nhiêu người Công Giáo. Lại có những lúc họ bắt buộc cụ phải bước qua thánh giá, cụ quỳ xuống nâng niu thánh giá. Quan cảm thấy khó chịu, truyền cho lính lôi kéo cụ qua thánh giá, cụ co chân lên và cương quyết không để xúc phạm vào thánh giá. Thế rồi lính lấy roi và quật túi bụi vào mình cụ nhưng cụ vẫn khăng khăng không chịu thối lui. Quan bực tức quát tháo: “Vậy lão muốn chết ư?”
Cụ điềm tĩnh trả lời: “Tôi xin quan hãy ban án chết để tôi có thể chết với Cha Tự. Ðược như vậy, tôi sẽ sung sướng vô cùng”.
Trong một phiên tòa tra khảo Cha Tự và các tù nhân, quan hỏi đến cụ Cảnh: "Tại sao ông lại can đảm giữ đạo trong khi những người khác đã phản bội nộp cha của mình?”
Ông nói: “Cũng có một tên phản bội xấu xa là Giuđa đã nộp Chúa Giêsu cho lính bắt”.
Quan hỏi: “Họ bắt Chúa thì họ làm những gì?” - “Khi lính bắt Chúa thì Người hỏi họ đến bắt ai? Lính thưa là Giêsu thành Nazareth. Lúc ấy Chúa nói tôi chính là người ấy. Tức thì bọn lính ngã xuống đất. Chúa lại cho họ đứng dậy và để cho họ trói lại. Xem xiềng xích Cha Tự đeo kia cũng giống như xích Chúa đã phải mang”.
Quan hỏi: “Chúa vác thánh giá đi đâu?” - “Người vác thánh giá lên đồi Calvariô chịu chết và đền tội cho mọi người, trong đó có cả quan nữa”.
Lòng ước muốn tử vì đạo của cụ đã được thỏa mãn, vì ngày mồng 5-9 lệnh vua đã được báo cho Bắc Ninh. Cụ Cảnh bị án trảm quyết. Cụ lắng nghe với một bộ mặt thanh thản vui tươi và ao ước cho chóng tới ngày hạnh phúc đó. Khi người ta trao cho cụ một phần đồ ăn trước lúc chết, cụ trả lời: “Tôi không còn muốn gì hơn là chết theo Cha Tự, cái đó làm cho tôi sung sướng mãn nguyện. “
Cụ đeo trong người dấu hiệu của Dòng Ba Ða Minh và mang gông cùng bước theo Cha Tự đi đến nơi thọ hình. Trong lúc đi hai người trò truyện với nhau và cùng đọc kinh lớn tiếng.
Khi họ tới nơi xử tử, người ta tháo gông của cụ Cảnh ra, và bắt cụ quỳ cúi đầu. Một hồi chiêng vang dội, lý hình vung gươm chém và đầu cụ rơi khỏi thân xác. Các lương giáo xô nhau ra thấm máu và xô xé lấy những gì thuộc về cụ đến nỗi các quan cũng không thể ngăn nổi.
Sau đó người ta chôn cụ tại phía đồi nơi cụ bị chém. Ðêm thứ hai, mấy người lương tới đào xác lên với hy vọng là bán lại cho giáo dân. Người của xứ cụ sau cùng phải trả 36 quan tiền để lấy xác lại và đem đi chôn.
Trên đường đi tới nghĩa trang Chúa đã làm nhiều phép lạ để tôn vinh các thánh của Người. Những người mang xác cụ tới gần bờ sông Câu, chờ không tìm thấy đò để sang sông, trong khi nước dâng lên cao và họ không còn cách nào để qua sông được. Trong khi đó họ còn phải lo sợ những người vô đạo ở gần đó. Họ cầu xin Chúa hãy ban cho họ ơn phúc nhờ lời bầu cử của cụ Giuse Cảnh. Chúa nhận lời ngay. Nước từ từ hạ xuống tới mức mà họ có thể lội qua sông cách dễ dàng để đến nhà thờ, nơi họ muốn chôn cất cụ.
(bị bắt 14-7-1838, xử giảo 21-9-1838 tại Quảng Trị)
Cuộc đời truyền giáo của vị thừa sai này thật hi hữu, suốt mười năm trong bàn tay vua Minh Mệnh, từ làm quan thông dịch xuống đến làm lính, rồi phải lưu đầy, và sau cùng kết thúc bằng một cái chết vinh quang. Thái độ của Vua Minh Mệnh đối với Công Giáo được phản ảnh trong chuỗi năm gian lao của Cha Jaccard, vị thừa sai được người Việt gọi là Cố Phan, và chính Minh Mệnh đặt cho người một tên là Phan Văn Kinh.
Cha Francis Jaccard sinh ngày 6-9-1799 tại làng Annion, tỉnh Saubadia, nước Pháp, trong một gia đình đạo đức. Khi còn nhỏ cậu Jaccard học rất kém mặc dù đã siêng năng. Cậu chán nản bỏ trường về nhà tập làm vườn. Một hôm gặp chúng bạn, cậu Jaccard thấy có ơn thúc đẩy muốn làm linh mục. Cậu xin với cha mẹ cho trở lại trường và nhất định không bỏ học nữa. Sau khi học Latinh, Thầy Jaccard được gửi vào trường Chambery năm 1819 và được chịu chức linh mục năm 23 tuổi, lúc ấy cha người đã qua đời. Cha Jaccard nhất định không chịu ở lại Paris, nhưng quyết tâm đi truyền giáo. Ngày 10-7-1823, cha rời Paris và tới Việt Nam năm 1826, và ngày 2-2 vào được nhiệm sở ở trường Phường Rượu. Năm sau, 1827, Vua Minh Mệnh ra lệnh tập trung các thừa sai về Huế. Vì Cha Jaccard mới tới, các quan chưa biết nên cha có thể lẩn trốn tiếp tục dậy các chú. Nhờ sự can thiệp của Lê Văn Duyệt, Cha Taberd và Gagelin được trả tự do nhưng phải vào Sàigòn. Ðến năm 1828 khi vua có thơ từ nước Pháp cần người thông dịch thì các quan nói có cố Phan người Tây mới sang ở An Ninh. Ngày 14-7, quan đến mời người theo về Huế. Sau khi dịch thơ cho vua xong, người xin ở họ Dương Sơn để dậy các chú và nếu có thơ hay sách vua muốn dịch thì người dịch.
Tháng 9 năm 1830, xảy ra vụ làng Cổ Lão bên lương kiện làng Dương Sơn để lấy đất. Quan huyện xử cho làng Dương Sơn thắng. Các viên chức làng Cổ Lão được Minh Mệnh xúi kiện làng Dương Sơn chứa chấp cố đạo. Lần này Minh Mệnh giao cho các quan tỉnh xét xử. Các quan làm án đi làm án lại mà vẫn chưa vừa lòng Minh Mệnh. Nội vụ được đưa về Bộ Hình. Các quan thượng kết án tử cho cha. Vua Minh Mệnh tỏ ra khoan hồng đổi án cho cha làm lính và bắt vào trong triều đình làm thông dịch.
Năm 1833, Minh Mệnh cấm đạo và có loạn Lê Văn Khôi, vua bắt Cố Jaccard viết thư khuyên giáo dân đừng giúp giặc. Trong thơ có nhiều lời lẽ ca tụng đạo khiến vua nổi giận truyền các quan xét. Các quan ra án tử thì vua lại đổi thành án lưu đầy đi Ai Lao cùng với Thừa Sai Odorico, dòng Phanxicô. Có thời kỳ các cha khác bàn cho người trốn đi, song người nghĩ đến giáo hội thì nhất định ở lại để chịu mọi sự khó làm gương.
Ngày 9-9-1835, vua Minh Mệnh lại ra lệnh bắt người về Cam Lộ để dịch thơ và các sách đạo, dậy tiếng Pháp cho các học sinh thông ngôn. Làm việc cho quốc gia như vậy mà Cha Jaccard vẫn bị canh chừng ráo riết, không được phép tiếp xúc hay nhận thư từ. Nhưng với chút tiền đút lót, cha có thể liên lạc được với các thừa sai và giáo dân. Trong thời kỳ này Cha Jaccard viết thơ về cho mẹ như sau: “Mẹ ơi, con đã từ giã mẹ được 15 năm rồi. Suốt trong 15 năm ấy, con xem dường như giấc chiêm bao, đầy rẫy những khổ cực. Nhưng nào có can chi, mọi sự cũng qua đi. Nay sức con đã hao mòn kiệt quệ, chẳng còn mấy chốc được giải thoát, không còn biết đau đớn là gì nữa. Con nghĩ rằng nhờ việc chịu đựng mọi cay đắng cực khổ vì lòng mến Chúa Giêsu mà con sẽ được lòng nhân lành Chúa thương cho sống đời đời. Con chỉ ước mong được chết tại chỗ này vì đạo thánh của Chúa. Xin mẹ cũng cầu cùng Chúa cho con được như ý”.
Tháng 2 năm 1838, có người tố cáo với vua rằng có đạo trưởng Âu Châu mở trường dậy học ở Di Loan và liên lạc với Cha Jaccard ở Cam Lộ. Vua sai các quan đi truy lùng nhưng không bắt được Cố Candalh. Quan liền lên Cam Lộ điều tra Cha Jaccard. Chính người thuật lại như sau: “Ngày 7-3, quan tỉnh Quảng Trị dẫn 200 lính đến Cam Lộ để tra hỏi tôi về các thơ từ và bản đồ tôi đang dịch. Có rất đông người hiện diện trong buổi thẩm vấn. Quan truyền cho tôi tiến ra khỏi đám đông và đến gần rồi hỏi:
-Còn bao nhiêu người Công Giáo nữa?
- Tôi là người Công Giáo duy nhất ở đây, còn các nơi khác tôi không thể trả lời được.
- Vậy hãy bỏ đạo đi, ông có phải là người đứng đầu đạo này không?
- Tôi không bao giờ từ bỏ đạo, thời gian chỉ làm tăng thêm lòng xác tín của tôi vào đạo mà thôi và đạo càng ngày càng trở nên cao cả đối với tôi.
- Không được phép giữ đạo này, hoàng đế đã cấm, và lệnh của hoàng đế là lệnh của trời, vậy nếu ông còn theo nữa thì sẽ phải chết. Thật may cho ông đã thoát khỏi hình phạt chết cho đến ngày nay.
- Tôi ước ao được chết vì đạo càng sớm càng tốt, vậy chừng nào tôi sẽ được toại nguyện?
- Ai đã làm cho ông mù quáng đến thế?
- Tôi không phải là kẻ mù quáng vì đạo dậy sự chân thật và bởi đó tôi yêu mến và thực hành.
- Nhưng giữ đạo thì được ích lợi gì? Khi chết rồi thì ông còn hưởng được lợi lộc nào nữa?
- Khi người ta chết vì đạo thì chắc chắc sẽ lên trời, nếu vua muốn cho tôi được vinh hiển thì người chỉ việc chặt đầu tôi, chỉ một khoảnh khắc đau đớn tôi sẽ được phúc lớn lao và mãn nguyện hoàn toàn.
- Khi một người đã chết làm sao có thể lên trời được? Ðã có ai trông thấy một người bị chặt đầu lên trời đâu? Một khi chặt đầu rồi là chấm dứt mọi sự.
- Chính khi chết rồi, linh hồn mới ra khỏi xác và lên trời, như thế không những tôi không muốn sống, nhưng chính là vì tôi muốn đức vua chém đầu tôi sớm hơn và ước nguyện nồng nhiệt của tôi được thành tựu.
- Hẳn thật ông càng ngày càng tỏ ra mù quáng.
- Tôi không bao giờ bị mù quáng cả, nếu quan lớn cho phép tôi được trình bầy thì tôi tuyên xưng rằng đạo hoàn toàn phù hợp với lẽ phải.
- Ðạo hợp với lẽ phải ở chỗ nào?
- Ðạo dậy phải thờ kính một Chúa tạo dựng trời đất và mọi sự, vì trời đất và muôn vật không tự mình mà có, phải có một đấng đã dựng nên, điều đó hoàn toàn hợp lý. Cũng như một căn nhà có là do các người thợ đã xây cất, cũng vậy trời đất tồn tại là do đấng tối cao là chủ tể. Ðó là Thiên Chúa tôi tôn thờ.
Quan nói với thuộc cấp: - Ðủ rồi, ông này nói đến trời đất, rồi chủ tể mọi vật, ai mà hiểu được đạo lý này? Ta không thể nghe lời ông ta nói thêm được nữa, hắn đúng là một người cuồng tín, hãy dẫn về nhà giam”.
Sau đó hai quan văn, thường giúp Cha Jaccard dịch các sách, bị gọi về Huế và được lệnh của vua bắt canh chừng Cha Jaccard nghiêm ngặt, nhưng các quan tại Cam Lộ rất kính nể cha, nên vẫn để cha được đi lại tự do. Ngày 13-7-1838, quan đầu tỉnh trở lại Cam Lộ, đóng gông, xiềng rồi giải cha về tỉnh Quảng Trị. Các quan làm mọi cách ghép cho Cha Jaccard tội dính líu tới vụ Di Loan. Trong tù tỉnh Quảng Trị, cha gặp chú Thiện bền lòng xưng đạo thì mừng rỡ, vì số đông khác đã không chịu nổi đòn đánh mà chối đạo. Trong buổi thẩm vấn lần thứ nhất cha đã nêu ra sự khó khăn bị giam trong bốn bức tường cao làm sao có thể liên lạc được với Di Loan và với Cha Gioakim Chiêu (Tự). Cha bị giam trong tù với gông, xiềng và cùm trong vòng hai tháng. Có một người đàn bà có cơ hội đến gần đưa cho người chút cơm và nhờ bà cha có thể nhận lén lút thư từ bên ngoài.
Sau lần tra hỏi thứ nhất vài ngày, có lệnh vua truyền phải dùng mọi cách để ép buộc cha chối đạo. Quan cho điệu cha đến để tra tấn. Trước mặt đông đủ hội đồng các quan trong tỉnh, và các lý hình sẵn sàng hình cụ, quan dõng dạc hỏi cha: “Ông có sẵn sàng bỏ đạo Gia Tô không?” - “Ðạo của tôi không phải là thứ ân huệ vua ban mà bắt tôi từ bỏ theo ý vua”. - “Ông có liên lạc với giáo dân ở Di Loan Không? Có biết Cha Gioakim không?”
Cha Jaccard không chối nhưng nại bằng chứng. Quan nổi giận cho lệnh tra tấn. Cha bị nọc xuống đất căng chân tay vào cọc và đánh 4, 5 roi trong chín lần, và do các lý hình khác nhau, trong mỗi khoảng cách quan lại dục chối đạo. Mười hai roi bị gẫy, máu tươi vọt ra. Cuộc tra tấn từ chín giờ sáng đến giữa trưa. Cha im lặng chịu mà không kêu ca. Sau khi cởi trói và mặc áo vào, cha quì cầu nguyện hồi lâu cám ơn Chúa đã ban sức mạnh chịu đựng để danh Chúa được cả sáng. Quan quân cười nhạo: “Nó không muốn dậy hay còn muốn chịu đòn nữa?”
Cha đứng dậy, toàn thân ướt đầy máu, quần áo cũng bị nhuộm đỏ lòm những máu, và về nhà giam. Sau đó cha còn bị phơi nắng, bị kìm kẹp nữa. Nhưng kìm có nóng cũng không nóng bằng lửa sốt mến của cha.
Cha còn bị tra tấn một lần khác nữa, nhưng lần này vị quan mới tỏ ra thương hại nhiều hơn, chỉ đánh năm roi và tháo gông cho cha. Sau cùng, các quan làm bản phúc trình lên vua ngày 21-7-1838. Nội dung như sau: “Bùi Ngọc Quí, tổng đốc tỉnh Quảng Bình tâu trình: Ngày 4-6 Trần Hiên Ðoài và Nguyễn Huy Chấn, quan án tỉnh Quảng Trị đã khám xét hai làng Di Loan và Yên (An) Ninh là làng có đạo. Ngày 10-6, Trần Hiên Ðoàn đã bắt những người sau đây ở Di Loan: Hữu Sách, Văn Bao, Văn Cung, Quang Hiệp, Quang Ðệ, những người thuộc Yên Ninh: Văn Huệ, Trân Trung, Nguyễn Giao, những người ở Cổ Vưu và Quảng Bình: Trần Văn Thiện, một bà ở Mĩ Trà, và Phan Văn Kinh (Jaccard). Thay vì chỉ bắt hai người đứng đầu (Candalh và Chiêu), Trần Hiên Ðoàn lại bắt những giáo dân này thật có lỗi. Mấy người không Công Giáo thì giao lại cho quan sở tại, còn giam giữ Hữu Sách và Văn Bao vì đã xưng là Công Giáo và theo đạo từ nhỏ, hồi tháng hai có đạo trưởng tên Chiêu đến giảng đạo và trọ tại nhà Văn Bao, hắn cũng đến cả Cam Lộ nữa...”
Bộ hình phê án ngày 29-7 âm lịch: “Minh Mệnh nguyên niên thứ 19 ngày 29 tháng 7, chúng tôi Nguyễn Công Hoan, Phạm Thế Trung và Ðoàn Uẩn vâng lệnh vua viết án như sau: Tù nhân Phan Văn Kinh là tên mọi rợ từ tây phương đến cố tình dụ dỗ dân chúng theo tà đạo, trước đây đã được dung tha, chuyển thành án lưu đầy ở Cam Lộ. Hắn vẫn không khiếp sợ, tiếp tục lén lút liên lạc với tín đồ Công Giáo, chúng tôi lên án hắn phải xử giảo ngoài đồng.
Còn Trần Văn Thiện, Hoàng Bao, Hữu Sách đáng tội xử giảo sau khi giam tù. Hoàng Hiệp và Văn Cung phải đánh đòn và phát lưu nhưng đã đạp ảnh đáng được tha sau khi bị đánh 100 roi.
Quan Huyện Nguyễn Dặt Diều đã chểnh mảng phải phạt 100 roi và mất chức. Quan Trần Văn Chu cũng thiếu sót bổn phận phải mất chức. Bùi Ngọc Quí làm tổng đốc mà không biết có đạo trưởng Chiêu trong địa hạt của mình nên bị mất chức, ba tháng làm bài học. Trần Hiển Ðoàn tổng đốc Quảng Trị phải họp dân chúng lại, ai đạp ảnh thì cho về, ai không thì phải đánh đòn. Phải tìm bắt cho được đạo trưởng Chiêu”.
Ngày 21-9-1838, các quan và 50 người lính đến khám dẫn Cha Jaccard và chú Thiện đem đi xử. Có hai tên lính cầm hai thẻ án, hai tên khác cầm hai giây có thòng lọng, quân lính đi hai hàng, Cha Jaccard đi trước, chú Thiện đi sau. Hai vị anh hùng, một già một trẻ, nét mặt hiên ngang vui tươi bước đi. Tới bến đò, Cha An ở giữa đám đông làm phép giải tội cho vị thừa sai. Sau khi qua đò, quan cho dừng lại bên quán, dọn mâm cỗ cho hai tử tù. Chú Thiện mời cha ăn, nhưng Cha Jaccard từ chối không ăn. Ðoàn người lại đi đến làng Nhan Biều là nơi xử, quan viên làng này xin đưa ra xa hơn để tránh nơi có Miếu. Ði xa hơn khoảng 60 bước, quan quân dừng lại. Một người đàn bà trải chiếu xuống đất cho Cha Jaccard và chú Thiện. Hai cha con quì gối xuống chiếu để cho lý hình tháo gông xiềng. Trong khi lý hình đóng cọc thì Cha Jaccard hỏi xử hình gì? Lính thưa lại xử giảo cho toàn thân. Lính tròng giây vào cổ hai vị anh hùng và chờ lệnh. Sau ba tiếng chiêng, lính kéo giây. Cha Jaccard và chú Thiện trút linh hồn về với Chúa, để lại tấm gương kiên trung cho giáo hội Việt Nam.
Khi biết tử tội đã qua đời, lý hình đạp trên bụng rồi lật sấp, đạp trên hai vai. Họ lôi ra trong áo Cha Jaccard ảnh thánh giá và một giây da. Cả hai vị được chôn ngay tại chỗ xử.
(bị bắt 7-6-1838, xử giảo 21-9-1838)
Trong khi các thừa sai và linh mục phải chạy trốn thì chú Thiện lại tìm đến nơi đang lùng bắt. Chú nhất mực tìm cha bề trên chủng viện, vì có lệnh tìm chú vào trường ở Di Loan. Chú Thiện đã bị bắt cùng với một chú khác tên là Cơ và nữ tu Phụng cùng với các ông trùm tại Di Loan như ông Thuận, ông Lưu và bốn ông trùm khác thuộc họ An Ninh. Hôm đó là ngày 13-4-1838 âm lịch, sau lễ Hiện Xuống.
Chú Tôma Trần Văn Thiện sinh năm 1820 trong gia đình đạo hạnh tại Trung Quán tỉnh Quảng Bình. Cha tên là Hieronimo Miên, mẹ là Anna Kim, chị tên là Tương, em trai tên Tiến và em gái tên Ken. Theo lời tường thuật của bà Kim, hồi bốn tuổi bé Tôma Thiện đã hay theo cha đi lễ. Tới mười tuổi chú bắt đầu học chữ nho. Cũng năm này cha của Tôma qua đời. Bà dì tên là Nghị, bề trên tu viện Trung Quán, giới thiệu cho chú đi ở với Cha Chỉnh ở Kẻ Sen học Latinh để sửa soạn vào chủng viện. Sau khi Cha Chỉnh chết, chú Thiện về thăm nhà trước khi đi vào chủng viện ở Di Loan. Năm chú được 18 tuổi, ông trùm Năm (tử đạo), họ Mỹ Hương, nhờ chị Sao dẫn chú vào Di Loan. Tới Ðất Ðỏ gặp lúc bắt đạo dữ tợn nên hai người xuống miền quê, gần đến làng Trà Lịn thì gặp bà Phước Mađalêna Yến cho biết cha bề trên đi trốn và các chú đã về nhà cả. Chú Thiện nhất quyết đến Di Loan. Tại đây chú gặp Cha Tự (Chiêu) đang lo chạy trốn và được cha gửi tại nhà giáo dân. Hai ngày sau, quan quân gồm 300 người đến vây làng Di Loan để bắt Cố Kim (Candalh) nhưng cố đã trốn lên rừng. Lính gặp chú Tôma thì nghi là học trò nên bắt ngay cùng với khoảng 20 người ở Di Loan và An Ninh giải về huyện Minh Linh. Ngày hôm sau quan huyện giải về Quảng Trị.
Khi mới bị bắt và đeo gông, chú Thiện không quen ai nên phải bán một chiếc áo sơ mi để trả tiền lệ phí. Trên tỉnh, chú Thiện bị tra khảo nhiều lần. Lần thứ nhất quan hỏi tên tuổi và quê quán, lý do đến Di Loan. Chú Thiện trả lời vắn tắt:
- “Tôi người làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình đến đây để tìm thầy dậy học”.
- “Ngươi có phải là Công Giáo không?”
- “Phải, tôi là người Công Giáo, cha mẹ tôi cũng Công Giáo”.
- “Hãy bỏ đạo đi, ta sẽ tha cho”.
- “Ðạo dậy tôi thờ kính Thiên Chúa dựng nên trời đất là đạo thật, tôi không thể bỏ được”.
- “Có lệnh của vua cấm, nếu không bỏ ngươi sẽ bị chém đầu”.
- “Tôi sẵn sàng chịu chém đầu chứ không chịu bỏ đạo”.
Quan đổi chiến thuật, lấy lời ngon ngọt dụ dỗ:
- “Nếu cậu bỏ đạo thì ta gả con gái cho và giúp cho làm quan”.
- “Tôi chỉ ước mong làm quan, có địa vị trên trời, chứ làm quan dưới đất thì tôi không thèm.”
Quan tức giận vì thua một cậu thiếu niên, nên sai lính đánh 40 roi. Chú Thiện can đảm chịu đòn không kêu ca và khi thấy máu chảy ra còn nói lại: “Các ông xem máu tôi đã chảy ra”.
Quan bắt giam chú Thiện trong tù tại trại lính và bắt phải ngủ đất, đeo gông cổ và cùm chân.
Trong thời gian này chú Thiện còn phải chiến đấu với những lời dụ dỗ của những người đã chối đạo mà còn bị quan bắt giam với sứ mệnh phải cám dỗ những người khác. Họ giả vờ thương xót chú Thiện không có ai săn sóc, chia cơm cho chú và dụ dỗ hãy bỏ đạo như họ cho khỏi cực hình. Chú nhất mực không theo lời họ khuyên. Họ đổi thành giận ghét, để cho chú phải đói và mắng nhiếc chú, đổ tội tại chú mà họ không được tha về.
Ít ngày sau, quan đầu tỉnh Bùi Ngọc Quí lại cho mang chú Thiện ra công đường tra hỏi và ép chú chối đạo. Chú thưa lại: “Quan muốn làm chi thì làm. Phần tôi, tôi hằng nhớ lời thánh Phaolô là chịu mọi sự khó cho danh Chúa được cả sáng.”
Họ còn hỏi chú về cố Candahl và Jaccard. Chú chỉ thưa rằng có nghe cha mẹ nói đến rằng cố Jaccard bị tù đầy ở Cam Lộ. Lần này chú cũng bị đánh đòn 40 roi và sau đó truyền giam vào khám đường chung với Thừa Sai Jaccard. Lần này chú được ơn an ủi vì gặp linh mục để xưng tội và nghe lời khích lệ. Chú cũng bị tra khảo chung với Cha Jaccard ba lần nữa. Quan hỏi chú:
- “Tổ tiên mày ở xứ này, sao lại theo đạo ngoại lai”.
- “Cha ông tôi đều theo đạo Công Giáo. Tôi được vinh dự nối gót các đấng. Tôi nhất định không bỏ”.
- “Ngươi còn trẻ, khôi ngô tuấn tú, hãy đạp ảnh theo lệnh vua để được tha, rồi sau đó muốn giữ đạo thế nào thì giữ”.
- “Không, không bao giờ tôi làm như thế”.
Lần này quan cho phép lính đánh không thương tiếc. Chú Thiện không kêu ca chỉ than thở: “Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho con được chịu sự khó cho nên”.
Quan ra lệnh bắt hai cha con phải ngồi phơi nắng và cấm không cho ai mang thức ăn thức uống giữa trưa mùa hè. Cha Jaccard nói với chú: “Chúng ta hãy vui lòng chịu sự khó cho đến cùng”.
Phơi nắng xong quan lại lấy kìm nóng để tra tấn, thịt da cháy kêu xèo xèo và tỏa mùi khét. Quan lại tra tấn bằng kìm sống cho phải đau hơn. Quan làm như vậy vì có lệnh của Vua Minh Mệnh là phải làm sao ép được thừa sai và chú Thiện chối đạo. Quan lại tra hỏi chú Thiện: - “Sao, có bỏ đạo không?”
- “Không!”
- “Phan Văn Kinh là đạo trưởng tây không bỏ đã đành, còn ngươi hãy đạp ảnh đi sẽ được về nhà, bằng không thì phải khép án như chúng ta đã khép án đạo trưởng tây”.
- “Xin quan hãy làm như quan muốn, tôi không bỏ đạo”.
Vị quan đầu tỉnh cũ đã không ép được hai cha con bỏ đạo thì phải đổi đi. Quan mới chỉ hỏi han và đánh qua loa rồi làm án cho chú Thiện như sau: “Trần Văn Thiện, người An Nam, làm đạo trưởng bậc nhì, theo đạo Gia Tô, bị đánh đập mà vẫn cố chấp không từ bỏ, phải xử chém như thầy noù”. Vua Minh Mệnh đã sửa lại là xử giảo để cho thân thể được toàn vẹn. Từ khi quan làm án thì chú Thiện không phải tra tấn nữa. Trong tù chú nóng lòng hỏi Cha Jaccard: “Thưa cha họ còn để chúng ta sống lâu sao? Tại sao ngăn cản chúng ta được thấy Chúa sớm hơn và được đoàn tụ với Người?”
Chú Thiện biết ngày tử đạo sắp gần thì lo thu xếp mọi việc, xưng tội, viết thơ từ giã họ hàng. Tối hôm trước ngày bị xử, chú còn bị một phen cám dỗ dữ tợn nữa. Ông phó cơ Ðoan suốt đêm đã vào nhà tù năn nỉ chú Thiện: “Ông thương con, hãy chối đạo đi đã, rồi về nhà ăn năn sau”.
Ông vừa nói vừa vuốt tóc và mặt chú, nhưng chú Thiện nói lại: “Xin ông đi nghỉ, để mặc con. Ông không thương con mới nói những lời ấy”.
Ông Ðoan đi nghỉ một lúc, lại trở lại vuốt ve khuyên chú bỏ đạo, nhưng chú Thiện đã không nghe.
Sáng ngày 21-9-1838 cũng là ngày lễ Thánh Batôlômeo tông đồ, các quan và lính chừng 50 người đến nhà tù điệu hai tử tội ra pháp trường. Lính chia thành hai hàng, có hai tên cầm hai tấm thẻ, hai tên khác cầm hai khoanh giây đi trước, sau đó là cố Jaccard rồi đến chú Thiện. Tới một quán trọ, quan cho dọn mâm cỗ mời hai người. Chú Thiện hỏi: “Cha có ăn không?” - “Cha không ăn”.
Chú Thiện theo gương cha: “Con cũng không ăn uống gì, con chờ bữa tiệc trên trời”.
Quan quân và hai tử tội lại lên đường. Tới bến đò Sông Thạch Hãn có Cha An đứng ban phép giải tội. Qua đò họ đến làng Nhan Biều là nơi xử, nhưng các chức việc làng đã xin đi xa hơn một chút. Lính đóng cọc, tháo gông, tháo xiềng, cột dây vào cổ hai vị anh hùng tử đạo. Ban đầu lý hình vì sợ, cầm giây ở đầu cách xa, nhưng quan giám sát đánh đập chúng và bắt phải cầm gần để kéo cho chính xác. Sau ba tiếng chiêng, lính kéo giây ba lần linh hồn chú Thiện trở về với Chúa, giữ trọn vẹn lòng trung thành quả cảm. Lúc ấy vào giờ thứ chín. Sau khi tội nhân đã chết, lính đạp trên ngực và lật sấp xuống đạp trên hai vai rồi chôn xác cả hai người ngay tại chỗ. Năm 1847, hài cốt chú Thiện được đem về chủng viện Paris.