(bị bắt 30-5-1840, xử trảm 8-11-1840 tại Nam Ðịnh)
Cha Nghi không những được mọi người khen là duyên dáng thông minh mà còn được khen là có tài thuyết phục người khác và thông thạo việc đời.
Vì không biết rõ năm sinh của người, nên trong các người làm chứng, có kẻ nói người không ngoài 36 tuổi, người khác nói người 42 tuổi, người nữa nói người 50 tuổi. Một điều biết chắc là người chịu chức linh mục lúc 30 tuổi, làm cha phó tại Sơn Miêng một năm, tại Kẻ Bạc 4 năm, tại xứ Phúc Nhạc một thời gian ngắn, làm cha sở tại Ðá Phạn 10 năm và tại Kẻ Báng độ hơn hai năm thì bị bắt. Như vậy có thể nói lời chứng người bị bắt khoảng gần 50 tuổi và sinh khoảng năm 1790 là đúng nhất.
Tên thật của người là Giuse Nguyễn Ðình Kim, sinh tại Kẻ Vồi (Hà Hồi) thuộc huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội, sau khi làm linh mục người mới đổi tên là Nghi. Cha mẹ làm nghề buôn bán khá phát đạt. Từ bé cậu Nghi đã được học và vào nhà Ðức Chúa Trời, ở với Cố Liêm là cha xứ Hà Hồi. Khi vào nhà trường học, chú Nghi rất sáng dạ, tính tình vui vẻ hiếu hòa. Khi làm thầy giảng, Thầy Nghi được chỉ định giúp Cố Liêm. Thầy khéo ăn khéo nói nên làm cho nhiều người trở lại đạo, ai cũng nói với nhau thế nào rồi Thầy Nghi cũng làm cụ. Thật vậy thầy được bề trên gọi về học lý đoán rất sớm và đã được chịu chức linh mục lúc thầy mới có 30 tuổi.
Thầy già Phêrô Hạo theo giúp Cha Nghi trong thời gian ở Kẻ Bạc đã làm chứng về Cha Nghi như sau: “Thoạt mới trông thì Cha Nghi rất nghiêm nghị và khắc khổ. Gặp lần đầu phải hoảng sợ, nhưng sau vài lần thì mến người ngay. Những người làm việc trong tổng, nhất là ông tổng Chu, rất phục sự hiểu biết luật lệ và khôn ngoan của cha như chưa từng có cha nào lịch duyệt như vậy. Mọi người mến người, các cha chính cũng thích người, ai cũng muốn giữ người lại. Khi đang làm cha phó ở Kẻ Bạc giúp Cha Hanh thì được lệnh đổi về giúp xứ Phúc Nhạc. Cha Hanh xin người khoan giãn đừng đi vội để cha có thể kêu xin bề trên cho ở lại, nhưng Cha Nghi đã mau mắn đi đến xứ mới. Chỉ ít tháng sau Cha Nghi được bề trên sai đi làm chính xứ Ðá Phạn, lúc ấy mới chừng 36 tuổi.”
Về tài khuyên bảo người khác, sách có kể lại là khi thầy còn đang học tại Kẻ Vĩnh trong mùa Chay đi giúp tuần đại phúc, Thầy Nghi đã khuyên được ông Ðoan, 95 tuổi, khô khan và cứng lòng mà nhiều thầy già phải bỏ cuộc. Tại làng Kẻ Bạc có một người Công Giáo chỉ có danh mà không giữ đạo, chuyên cho vay nặng lãi, gả con gái cho người bên lương. Nhân dịp mẹ ông này ốm nặng, Cha Nghi khuyên ông ăn năn trở lại. Ông đã trở về với Chúa, trả lại tiền cho vay bất công và gả con gái cho người có đạo. Tại làng Trinh Hà thuộc xứ Ðá Phạn có một người Công Giáo đã được rửa tội nhưng chẳng bao giờ giữ đạo, trong nhà bầy bàn thờ cúng tổ tiên và làm việc dị đoan, Cha Nghi nhất định chinh phục ông cho bằng được. Cha nhờ ông tổng Chu đến đề nghị với người này làm ông từ quét dọn nhà thờ, mua dầu đèn v.v... với điều kiện ông lãnh lương thì phải đến nhà thờ dọn dẹp. Ông này nhận lời. Làm ông từ của nhà thờ ông phải có mặt trong các Thánh Lễ, nghe giảng giải nhiều, dần dà ông thay đổi tâm tình và biết sợ sa hỏa ngục. Ông xin với cha giúp làm hòa với Chúa và giữ đạo sốt sắng.
Ðối với người nhà, Cha Nghi rất hiền lành, nhỏ nhẹ bảo ban chứ không bao giờ quát mắng hay đánh đập. Khi đi làm phúc tại các họ đạo, người rất siêng năng giải tội. Nhiều người nói một khi nghe Cha Nghi giảng khuyên thì lời người có hấp lực không biết chán và không thể cưỡng lại được.
Trong thời kỳ cấm đạo gắt gao, mỗi khi nghe tin quan bắt cha nào người đều tỏ ra ước ao mình cũng được chết vì đạo, người còn xin với Chúa: “Chớ gì nếu con bị bắt thì bị bắt ở ngoài đồng ruộng để khỏi liên lụy cho người khác”. Vì thế người mang luôn trong mình một lạng bạc để nếu có bị bắt thì đút lót cho lính khai là bắt được ở ngoài đường. Người có thói quen ăn chay các ngày thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bẩy quanh năm. Nếu các thầy có can cha ăn chút ít để nếu có bị vây bắt mấy ngày còn đủ sức mà trốn, cha chỉ nói để mặc khi đến việc sẽ hay, không cần quan tâm đến nhiều làm gì. Lần khác cha Nghi nói rõ hơn ý định ăn chay của người như sau: “Cha ăn chay là cốt ý xin Chúa cho được ơn chết vì đạo, bị bắt tại cánh đồng để không ai phải khổ vì cha”.
Thầy già Phêrô Hạo kể lại là lúc quan quân bao vây làng Kẻ Báng thì thầy đang đi thu gạo ở Kẻ Mơ. Khi nghe tin làng bị vây thầy vội trở về, gần tới làng đã thấy lính bao vây kín làng. Vì một lý trưởng ngoại đạo tố giác làng này có đạo trưởng nên quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh và quan phủ Thiên Bản đã kéo dân đinh hàng tổng đến vây làng từ lúc ba giờ đêm. Khi trời sáng quan liền cho lính truyền loa gọi các người đàn ông, đàn bà và trẻ em ra đình điểm danh. Quan cũng bắt lính chặt tre làm lạt trói hết những người đàn ông lại và bỏ ra giữa trời nắng, chung quanh có lính canh. Sau đó lính chia thành từng đội 10 người đi lục soát các nhà. Ngày thứ nhất họ không bắt được gì khả nghi nên Trịnh Quang Khanh tưởng mình bị đánh lừa định rút lui. Lúc đó người tố giác, có tội với triều đình, liền thưa: “Xin quan lớn đóng quân đủ ba ngày, nếu không bắt được tây nam đạo trưởng thì xin nộp đầu”.
Quan lớn liền truyền đóng quân ở lại. Thế là các bà phải xin phép nấu cơm cho các người đàn ông bị giam giữ giữa trời nắng từ sáng. Họ tiếp tục bị giam ngoài trời như thế ba ngày và hai đêm.
Khoảng trưa ngày hôm sau, một toán lính bắt được đồ đạo tại nhà bà Anna Thuận và bắt bà trói lại. Lúc ấy một toán khác khám xét nhà bà Duyên bắt được Cha Nghi. Quân lính reo hò mừng rỡ. Chính Cha Nghi tường thuật lại việc bị bắt như sau: “Thấy toán lính đâm chọc các tường vách và nền nhà nên tôi bước ra nói với cai đội: “Tôi là linh mục sẵn sàng chịu mọi hình phạt vua quan sẽ định cho tôi. Tôi chỉ xin các ông một điều là tôn trọng đừng phá phách nhà này”.
Sau khi cho lính một nén bạc, họ cho bà Duyên đến tụ họp với dân làng ở đình. Thế rồi bọn lính tranh dành nhau cái công đầu trong việc bắt này. Kẻ thì giật tóc người, đứa thì lấy gậy đánh. Cha Nghi phải lên tiếng: “Tôi tự ý nộp mình thì đừng đánh nữa”.
Sau đó chúng điệu người đến trước mặt quan Trịnh Quang Khanh. Ông ra lệnh chặt tre làm gông đeo vào cổ Cha Nghi. Ðó là một cái gông rất dài làm bằng tre tươi nên rất nặng.
Ðến chiều họ bắt thêm được Cha Ngân tại hầm nhà ông Thọ. Còn Cha già Thịnh ốm suốt trong hai ngày nằm liệt tại nhà ông Chiền, cháu ông Cỏn. Mỗi lần lính đi qua hỏi, sơ Thanh, đang săn sóc cha lúc bấy giờ, trả lời cha tôi ốm nặng không biết gì. Thấy vậy lính bỏ qua. Sang đến ngày thứ ba lính đến hỏi nữa, lúc bấy giờ Cha Thịnh mới tự nhận là linh mục nên người cũng bị bắt luôn. Tối ngày thứ ba thấy bắt được cả ba cha nên Trịnh Quang Khanh lấy làm hài lòng cho lệnh rút quân, mang theo ba cha và 20 giáo dân trong làng.
Ðời sống trong những ngày đầu bị giam tại nhà lá của các đấng được bà Anna Thuận, bị bắt vì chứa đồ đạo của Cố Ðoan (Cha Charrier), tường thuật lại như sau: “Mỗi ngày, sáng cũng như chiều, chúng tôi lớn tiếng đọc kinh chung. Suốt ngày chúng tôi phải nghe những người tù khác lải nhải chửi rủa. Nhà tù ồn ào như một cái chợ. Sau khi cho họ ít tiền họ mới im đi. Tôi thấy ba cha, ông Thọ và ông Cỏn luôn luôn thầm thĩ cầu nguyện và ngắm Ðàng Thánh Giá. Cha Nghi và Cha Ngân thay nhau khuyên nhủ các bạn tù, đại ý nói: 'Ðây là thời giờ Chúa tuyển chọn để thử thách. Chúng ta hãy vững lòng chịu đựng'. Sau này khi chúng tôi đã trót chối đạo, Cha Nghi và Cha Ngân còn khuyên chúng tôi: 'Hãy kêu xin Chúa nhân lành vô cùng và Ðức Bà Maria đoái thương ghé mắt nhìn xem chúng con thật lòng thống hối tội lỗi và giúp chúng con được giữ đạo cho đến cùng'”.
Trong số 20 người giáo dân chỉ có ông Thọ và ông Cỏn là bền gan giữ đạo, còn các người khác sau hai lần tra khảo đã yếu lòng chối đạo. Trong các lần tra hỏi, quan không có lời nào xúc phạm mà chỉ nói: “Các đạo trưởng đã cho các ngươi ăn bánh gì mà các ngươi mất cả trí khôn như vậy?”
Lúc ấy Cha Nghi thưa lại: “Thưa quan lớn, các đấng trách chúng tôi theo đạo vô lý, thờ một người đóng đinh và ăn bánh thánh. các đấng sau khi đã nhắm mắt sẽ biết rõ thế nào là đạo của chúng tôi”.
các đấng bị tra khảo liên tiếp từ ngày mùng 1, mùng 3, mùng 6, 7, và 8 tháng 7. Cha Nghi luôn luôn thưa thay cho các cha khác và các giáo dân. Cha bị đánh đập nhiều nhất. Trong lần tra hỏi hôm mùng 3-7, Trịnh Quang Khanh bắt ép ba cha quá khóa, Cha Nghi thưa lại: “Bẩm quan lớn, trong đạo chúng tôi quá khóa là một trọng tội, chúng tôi không bao giờ dám phạm”.
Quan lại hỏi: “Trong miền này có bao nhiêu đạo trưởng Âu Châu?”
- “Thưa trong những năm vừa rồi có trưởng đạo Cao (Ðức Cha Borie) nhưng mà chúng tôi nghe rằng đã bị bắt và xử tử rồi”.
- “Các ông có biết đạo trưởng Vọng (Ðức Cha Hermosilla) không?”
- “Thưa quan, chúng tôi không biết và cũng không gặp bao giờ vì người giảng đạo ở địa phận Ðông”.
- “Nếu không khai các đạo trưởng ở đâu ta sẽ cho kìm kẹp”.
Quan vừa nói vừa chỉ anh thợ rèn đang thổi lò lửa.
Cha Nghi đáp lại: “Thưa quan, chúng tôi biết điều nào thì đã thưa điều ấy rồi, quan lớn không thương mà kìm kẹp thì chúng tôi chịu, nhưng không thể nói ra được điều quan hỏi vì không biết”.
Không được như ý, quan liền gia tăng hình phạt bắt giam ba cha ngoài trời nắng không cho ăn uống.
Ngày mùng 6-7 Trịnh Quang Khanh cho gọi ba cha ra ép buộc quá khóa lần nữa dọa nếu không sẽ phải chết. Cha Nghi đáp lời: “Quan lớn thương mà tha chúng tôi thì chúng tôi đội ơn quan lớn, còn nếu quan lớn muốn giết thì chúng tôi làm cho đất xanh thêm mầu cỏ”.
Quan lớn còn thúc giục nhiều lần nhưng Cha Nghi một mực thưa lại: “Ảnh chúng tôi thờ, chúng tôi chẳng dám đạp”.
Lần này quan truyền lệnh đánh mỗi cha 50 roi, Cha già Thịnh bị tới 60 roi. Quan cố ý làm vậy để cha già sờn lòng mà quá khóa. Các cha lại bị giam nắng cho khát. Cha Nghi xin lính nước uống không được liền nói với chúng: “Các anh cho thì hay mà không cho cũng chẳng sao. Chịu khổ như thế này chưa bằng Chúa chúng tôi phải khổ trên thánh giá”.
Ngày hôm sau, 7-7, quan lại bắt các đấng chối đạo và hỏi về những nơi đã ẩn trốn. Cha Nghi thưa: “Thưa quan lớn, chúng tôi đã đi nhiều nơi, nếu nói ra quan lớn làm tội người ta, chúng tôi không nói”.
Quan giận dữ truyền lính đánh thật đau cả hai Cha Nghi và Cha Ngân. Cha Nghi kể lại là lần ấy người cảm thấy đau nhất vì lính đánh vào những dấu đòn cũ, đau quá không còn đếm được là họ đã đánh bao nhiêu.
Ngày 8-7, quan lại cho đòi các cha ra hỏi lại như các lần trước. Lần này Cha Nghi thưa: “Xin ông lớn cho chúng tôi một lát gươm”.
Quan cho đánh đòn thêm 50 roi nữa. Từ đó các quan biết là không thể nào ép buộc các cha bỏ đạo được nên thôi không tra khảo nữa, làm án và giam các đấng vào ngục thất chờ ngày đem ra xử. Từ đó ban ngày các cha mang gông xiềng, ban đêm phải cùm chân. các đấng bị giam tù 5 tháng rưỡi.
Ngày 6-11, án của ba cha và hai giáo dân từ kinh đô được gửi tới Nam Ðịnh. Hay tin đó, các cha không cho ai vào thăm nữa để có thời giờ dọn mình. Ngày 8-11, quan cho gọi các đấng đến báo tin và truyền lệnh quá khóa lần nữa nhưng các vị đồng thanh nói: “Chúng tôi quyết tâm không thay đổi gì nữa”.
Quan thượng truyền đem các đấng đi xử tại pháp trường quen gọi là Bẩy Mẫu. Quan giám sát cỡi voi có 500 lính hộ tống và đông đảo dân chúng đi xem. Mỗi vị có một tên lính cầm thẻ viết án tử. Thẻ án của Cha Nghi viết: “Ðạo trưởng Nguyễn Ðình Nghi, sinh tại nước này thuộc tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc, làng Hà Hồi. Có sắc lệnh vua cấm truyền đạo Giatô nhưng đạo trưởng Nguyễn Ðình Nghi đã coi thường lệnh cấm, không biết sợ cũng không hối cải. Hơn nữa còn cả gan mang theo sách vở hành đạo lén lút. Hắn đã bị bắt và tra khảo cũng chẳng chịu đạp ảnh, chứng tỏ hắn cứng lòng cố chấp đáng tội chết. Lệnh phải chém đầu. Cứ thế mà thi hành”.
Tới nơi xử, các cha ban phép giải tội cho nhau xong thì lý hình vung đao chém một nhát, đầu Cha Nghi rơi xuống đất. Thầy Sự đem xác Cha Nghi và Cha Ngân về an táng trong nhà thờ họ Kẻ Báng. Mộ Cha Nghi ở phía Thánh Thư, mộ Cha Ngân ở phía Phúc Âm.
(bị bắt 30-5-1840, xử trảm 8-11-1840 tại Nam Ðịnh)
Bình thường Cha Ngân là người nhát sợ nhưng khi bị bắt người lại trở nên can đảm khác thường. Ðức Cha Havard nói về người: “Ðó là một linh mục rất tốt”.
Theo lời khai của thầy già Phêrô Hạo thì Cha Ngân sinh tại họ Cự Khanh, xứ Kẻ Bền trong tỉnh Thanh Hóa. Người cùng một lớp với Cha Nghi. Chính Cha Ngân kể lại có lần thấy Cha Nghi giữ luật cẩn thận nên muốn thử lấy thước đánh người 6 cái khi người đang cặm cụi viết nhưng Cha Nghi không nói một lời, chỉ lấy tay xoa chỗ bị đánh rồi tiếp tục làm việc. Một thời gian Cha Ngân làm phó xứ giúp Cha Huyên coi họ Duyên Mậu và các họ lẻ thuộc xứ Phúc Nhạc, nhưng người bị bệnh phải về điều trị tại nhà chung Kẻ Vĩnh. Khi khỏi bệnh, người đi giúp xứ Trình Xuyên ba năm và sau đó giúp xứ Cha Nghi tại Kẻ Báng. Trong thời gian bắt đạo Cha Ngân thường trú ẩn ở họ Kẻ Thừa.
Cha Ngân rất vui vẻ hoạt bát nhưng lại có tính nóng nên bảo người nhà: “Khi nào thấy cha nổi nóng thì chúng con hãy chạy trốn đi nơi khác cho đến khi nào cha nguôi thì trở về”. Ngoài ra cha còn có tính nhát nữa. Khi nghe tin các cha bị bắt và phải tra tấn thì sợ hãi rùng mình. Lúc quan quân vây bắt, người nóng lòng giục bổn đạo đem người đi trốn.
Hôm quan vây làng Kẻ Báng, Cha Ngân mới tới thăm Cha Nghi và để xưng tội. Cha Ngân mới đầu trú tại nhà ông Chuông nhưng khi quan vây làng cha được đem đến nhà ông Thọ vì ở đây đã có sẵn hầm trú. Ðến ngày thứ hai, toán lính bắt đầu dùng gậy sắt đâm chọc các bức vách cũng như nền nhà. Cha Ngân thấy chúng đâm xọc nền như vậy sợ chúng đâm phải người nên tự ý bước ra khỏi hầm. Tên cai đội hỏi người có phải là đạo trưởng Tây không, người đáp: “Hãy xem cho kỹ có phải là đạo trưởng Tây không, việc gì mà phải hỏi? Khi quan lớn hỏi thì tao sẽ nói chứ không nói với chúng mày”.
Cha Ngân về sau kể lại: “Lúc đó chúng nó lột áo tôi như là bắt được một tên giặc cướp, dầu vậy tôi vẫn vui tươi bình an lạ lùng. Chính quân lính phải nói: 'Xem kìa, ông này chẳng sợ ai, ông ta còn cười nữa. Khi tới chỗ công đường Trịnh Quang Khanh, tôi thấy đầu tiên là Cha Nghi đang đeo gông. Nguời ta tức thì đặt vào cổ tôi một cái gông tương tự. Khi họ vừa đặt vào cổ tôi, tự nhiên miệng tôi thốt ra lời 'Tạ Ơn Chúá (Deo Gratias), lòng tôi tràn ngập niềm vui, còn trí tôi nghĩ đến con đường lên trời qua những khổ cực sắp tới”.
Trong các lần tra hỏi trước mặt quan, người để mặc Cha Nghi thưa thốt. Cha Nghi phải đòn thế nào thì người cũng chịu như vậy. Người cũng lên tiếng khuyên bảo các bạn tù trung thành trong cơn thử thách Chúa gửi đến. Sau khi một số giáo dân chối đạo rồi, người khuyên họ tin tưởng vào Chúa nhân lành và Mẹ Maria giúp đỡ để thống hối cho trọn đời và bền lòng giữ đạo. Với những người đến thăm, người biểu lộ niềm vui, nói đùa với họ: “Bây giờ thì anh chị em không còn phải vất vả khổ nhọc săn sóc cha nữa”.
Trong thẻ án tử của người có ghi: “Ðạo trưởng Nguyễn Ngân, sinh quán tại tỉnh Thanh Hóa, huyện Ðoan Nguyên, làng Nam Ðàng”. Về tội phạm và hình phạt cũng viết y hệt như bản án của Cha Nghi.
Ngày 8-11-1840, trên đường điệu đi xử, với nét mặt hân hoan cha vừa bước đi vừa ngắm Ðàng Thánh Giá. Tới nơi người quì gối cầu nguyện và nghiêng đầu sẵn sàng đợi lát gươm đưa người về trời. Ðầu và xác người được Thầy Sự ráp lại và an táng phía Phúc Âm trong nhà thờ Kẻ Báng.
(bị bắt 31-5-1840, xử trảm 8-11-1840 tại Nam Ðịnh)
“Ông Cụ Thối” là biệt hiệu quan Trịnh Quang Khanh đặt cho người mỗi khi gọi đến người, vì người vừa già vừa bị bệnh lở loét ở má xông mùi hôi thối không làm lễ được nữa. Quan phải giam riêng người ra để tránh cho người khác khỏi phải khó chịu.
Cha Martino Thịnh sinh tại làng Kẻ Sét, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội. Cha mẹ là bổn đạo mới, có 9 người con, Cha Thịnh là con thứ 8. Năm 18 tuổi, cha mẹ xắng xả hỏi vợ cho người và dân làng cũng đã cắt người đi lính, nhưng Chúa đã chọn người làm tông đồ của Chúa.
Khi chịu chức linh mục, Cha Thịnh được chọn làm thư ký cho Ðức Cha Longer (Gia). Có lần người được theo đức cha ra mắt vua Gia Long ở Hà Nội. Ðến khi Minh Mệnh ra Hà Nội tấn phong, đức cha cũng cử Cha Thịnh đến chào vua nhưng không được vào. Trước hết Cha Thịnh giúp xứ Cửa Bạng, sau đến xứ Ðồng Chuốị Tại Nam Xang, người coi xứ 20 năm rồi đổi đi coi xứ Trình Xuyên. Ban đầu cha còn làm lễ được nhưng về sau vết lở ở má lan rộng xuống môi dưới và chảy nhiều mủ người chỉ làm lễ riêng, không còn giúp giáo dân nữa. Tính Cha Thịnh rất mực thước và nghiêm ngặt. Khi khảo kinh bổn các trẻ em Rước Lễ Lần Ðầu mà không thuộc thì người giam không cho, đồng thời gọi cha mẹ đến quở trách. Người ăn chay các thứ Sáu quanh năm và cũng khuyên bổn đạo giữ chay như vậy. Khi làm phúc được mời đến nhà giáo dân ăn cơm thấy dọn cỗ long trọng, người thường trách họ: “Cha đi làm phúc chứ không phải đi làm tốn của tốn tiền của giáo dân”.
Năm 1840 người đã 80 tuổi, người bỏ Kẻ Trình xuống nhà ông Chiền là cháu ông Thọ để chữa bệnh. Có dì phước Thanh đi theo để săn sóc. Cuối tháng 5 quan quân vây làng Kẻ Báng lúc đó người vẫn nằm trên giường vì đã yếu. Cha dặn dì Thanh: “Nếu lính có đến hỏi thì con lựa lời mà nói, cha làm thinh vì nếu nói ra là linh mục chúng nó làm hại đến làng và gia đình cho cha troï”.
Trong hai ngày đầu, lính đi qua đi lại thấy ông già nằm trên giường liền hạch hỏi, dì Thanh thưa lại: “Ðó là cha tôi đã già ốm lại bệnh tật nữa”.
Lính ngửi thấy mùi hôi thối nên sợ bỏ đi. Ðến ngày thứ ba, Cha Thịnh nghe tin Cha Nghi và Cha Ngân đã bị bắt, người không e dè nữa, định tâm nộp mình nên khi lính vừa hỏi có phải là đạo trưởng không, Cha Thịnh đã thưa lại ngay: “Phải tôi là linh mục”.
Lính vẫn bán tín bán nghi, trình lại quan trước khi bắt. Quan đến nhà ra lệnh cho Cha Thịnh đạp ảnh.
Cha trả lời: - “Tôi không dám đâu”.
- “Có phải ông là linh mục không?”
- “Vâng, tôi là linh mục”.
- “Ðạp ảnh chối đạo đi ta tha cho”.
- “Tới tuổi già này mà còn tham sống chối đạo sao? Tôi không bao giờ làm thế đâu. Tôi không dại gì mà sống thêm”.
Cha Thịnh liền bị dẫn giải về Nam Ðịnh cùng với Cha Nghi, Cha Ngân và giáo dân. Người bị giam riêng trong nhà tù ở Trại Lá. Một tháng sau quan mới cho đòi các tù nhân ra tra hỏi. Lần thứ ba, quan muốn bắt ép Cha Thịnh bỏ đạo, nghĩ rằng ông cụ già dễ sợ chết, đánh người một trận 60 roi thật đau, nhiều hơn cả hai cha trẻ. Nhưng Cha Thịnh một lòng cương quyết xưng đạo. Từ đó quan thôi không bao giờ đánh đập cha nữa mà chỉ gọi người là ông cụ thối. Cha cũng bị phơi nắng hai lần ngoài sân với các cha khác.
Trong bản án có kê khai lý lịch của người như sau: Ðạo trưởng Tạ Ðức Thịnh sinh quán tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, làng Thinh Liệt. Về tội phạm và hình phạt cũng giống như bản án của Cha Nghi và Cha Ngân.
Ngày hành quyết cha được hai người khiêng trên võng ra nơi xử. Vì già cả cha không quì đúng thế được nên lý hình phải chém tới ba nhát mới đứt đầu. Xác cha được giáo dân đem về an táng tại Nam Xang là nơi cha đã coi lâu nhất.
(bị bắt 30-5-1840, xử trảm 8-11-1840)
Ông Thọ và ông Cỏn là anh em họ đôi con dì trong xứ Kẻ Báng. Tên thực của ông Thọ là Nho, rồi sau người ta lấy tên con trai cả là Huy để gọi ông, và sau nữa lấy tên Thọ là con trai thứ 9 của ông. Ông Thọ bị bắt về tội chứa chấp Cha Ngân.
Khi bị bắt, ông Thọ được 53 tuổi, sinh khoảng năm 1787 tại làng Kẻ Báng, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh. Từ nhỏ ông Thọ đã có tính hiền lành ngoan đạo. Khi lập gia đình rồi ông sốt sắng đọc kinh chung với vợ con trong nhà, khi không thể đọc chung, ông ra đọc kinh riêng ngoài vườn. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong làng một thời gian rồi ông xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo, khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên con cái cứ đúng phép tắc mà làm chứ đừng phạm tội chỉ vì muốn làm đẹp lòng người khác. Dù làm việc công, ông vẫn hăng hái làm việc đồng ruộng của mình, tối về chăn tằm dệt vải. Nhờ làm việc siêng năng ông có thể rộng rãi với người nghèo, không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho người nghèo.
Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy ông nhận mọi việc cha xứ cậy nhờ. Trong buổi cấm đạo ông thường giữ các đồ đạo bị cấm. Tại nhà, ông đã làm sẵn bức vách dầy có chỗ trú ở giữa và hầm sâu hai thước dưới bếp. Quan vây làng Kẻ Báng cả thảy 4 lần, lần nào nhà ông cũng có linh mục, hay người nhà Ðức Chúa Trời trốn tránh. Khi có lệnh phá nhà chung, ông đem vợ con đến nhận làm nhà của mình và ở để khỏi bị tịch thu. Trước những hiểm nghèo có thể xảy ra, ông khuyên nhủ con cái tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, nếu có bị bắt phải chịu khó bền lòng xưng đạo, vì được chết vì đạo sẽ được lên thiên đàng ngay.
Khi nghe tin ông Lý Mỹ, ông binh Ðạt và Huy được chịu chết vì đạo, ông cũng ước ao được chịu chết vì đạo như vậy. Ông đến Kẻ Vĩnh viếng xác ông Lý Mỹ và ông trùm Ðích. Về nhà ông bảo vợ con: “Nếu Ðức Chúa Trời có định cho tôi bị bắt và chịu khó vì đạo như hai ông ấy thì mọi người hãy bằng lòng, dù có mất của cũng đừng phàn nàn. Nếu chúng con bị bắt thì cũng phải xưng đạo cho mạnh mẽ”.
Theo lời tường thuật của người con gái, làng Kẻ Báng bị bao vây đến ba bốn lần trong tháng 6 và tháng 10. Ngày 29-4 Âm Lịch, Trịnh Quang Khanh đem 1.000 quân lính và hai thớt voi đến bao vây làng lúc ba giờ rưỡi sáng, có cả ba quan lớn tham dự cuộc bao vây này, đóng quân tại Ba Tòa. Sau ngày thứ nhất lùng bắt mà không bắt được ai, quan đã định rút quân về, nhưng người trần tố, một lý trưởng ngoại đạo bị giam tù muốn lập công chuộc tội đã dẫn Trịnh Quang Khanh đến vây sau ba tháng rình mò Kẻ Báng, đập đầu nói: “Xin quan lớn đóng quân lại đủ ba ngày, nếu không bắt được đạo trưởng thì tôi xin nộp đầu”.
Quan đồng ý ở lại. Ngày hôm sau lính lục soát kỹ lưỡng hơn nên khám phá được một nơi bí mật cất dấu đồ đạo dưới hầm cách nhà bếp 10 thước. Lính mừng rỡ báo tin và quan ra lệnh chọc phá các bức tường và nền nhà để phát giác hầm kín tại các nhà khác. Thấy vậy Cha Nghi tự ý ra khỏi hầm nộp mình. Cha Ngân đang ẩn tại hầm nhà ông Thọ cũng ra nộp mình, thế là cha và ông Thọ đều bị bắt.
Ban đầu các cha và giáo dân bị giam tạm tại Trại Lá, sau khi bị tra hỏi các đấng được chuyển sang trại tù. Mấy người con của ông Thọ được phép đến thăm mấy lần. Ông cho các con xem vết thương do những roi đòn đánh đập trên thân xác, có một tảng thịt lở loét rộng bằng bàn tay, giơ cả xương, nước vàng lẫn với máu rỉ ra. Ông Thọ nói với các con là ông bị đánh đòn nhiều hơn hết. Ông còn nói có một lần ông bị đánh cả thảy 150 roi, 50 roi đầu ông cảm thấy khó chịu đau đớn, nhưng 100 roi sau nhờ ơn Chúa ông thấy nhẹ nhàng như gió lướt qua. Sau cùng ông khuyên các con của ông: “Thiên Chúa nhân lành định rằng cha không còn về với các con nữa, nhưng các con còn có mẹ, hãy vâng lời mẹ. Các anh chị lớn hãy lo đùm bọc các em nhỏ, các con nhỏ chịu khó vâng lời. Hãy can đảm làm việc chăm chỉ để phụng dưỡng mẹ, hãy trung thành đọc các kinh sáng kinh chiều và lần hạt. Thiên Chúa ban cho mỗi người một thánh giá, các con hãy vui lòng vác lấy và can đảm chịu khổ để giữ đạo. Cha không còn làm gì để giúp các con dưới trần này được nữa, cha chỉ còn lo sửa soạn ra đi, vậy sau khi cha chết rồi, chú Chấn và mẹ các con chết rồi, thì hãy chia nhau tài sản. Nếu sau này được phép, các con mang xác cha về chôn nơi cha bị bắt. Những gì cha đã làm cho các anh chị lớn khi còn ở nhà thì các anh chị lớn cũng phải làm như thế cho các em nhỏ”.
Sau một tháng bị giam tại Trại Lá, các tù nhân bị tra khảo 5 lần. Lần nào quan cũng tra hỏi có chịu đạp ảnh không, có biết chỗ các cha trốn ở đâu không và đồ đạo bắt được ở Kẻ Báng thuộc về ai... Lần tra khảo thứ nhất mỗi người bị đánh 50 roi, tất cả vẫn không chịu bỏ đạo, nhưng đến lần thứ hai chỉ còn ông Thọ và ông Cỏn. Trong lần tra khảo thứ hai ngày 3-7, chính quan Trịnh Quang Khanh tra vấn, ra lệnh lôi hai ông Thọ và Cỏn qua ảnh. Các ông đã co chân lên và phân phô: “Ðạo của chúng tôi ở tại trong lòng, nếu quan cưỡng bách như thế này chúng tôi chẳng có tội gì”.
Nói rồi hai ông liên lỉ kêu tên cực trọng Chúa Giêsu. Thất bại trước lòng dũng cảm của hai ông, Trịnh Quang Khanh để lộ con người tàn ác ghê rợn của mình, ông bắt ông Thọ và ông Cỏn liếm máu những vết thương của ba cha. Thấy ông Cỏn khen là máu các cụ ngọt, Trịnh Quang Khanh quay qua nói với quan án: “Ông hãy xem, nó kính các cụ như vậy thì nhất định là đã bị bỏ bùa mê. Các cụ đã cho nó ăn bánh thánh hóa ra chúng nó mê làm vậy”.
Sau đó quan ra lệnh hành hạ hai ông thêm cho đến buổi chiều, cấm ngặt không cho ăn uống.
Lần thứ ba quan lại tra hỏi họ về các thừa sai trốn ở những đâu. Ông Thọ và ông Cỏn thưa rằng chỉ biết có Ðức Cha Giacôbê Longer đã chết lâu rồi, các cố Tây khác thì vua quan đã xử tử hết, còn đạo trưởng Vọng (Ðức Cha Hermosilla) thì không biết. Các đạo trưởng người Nam cũng bị vua bắt xử nhiều rồi, còn lại số ít thì lưu lạc đây đó, bị giam ở đây thì làm sao biết được. Quan nổi nóng ra lệnh đánh ông Thọ 150 roi. Quan còn hành hạ nhiều lần bắt hai ông chối đạo. Có một lần quan truyền lệnh treo gông các ông trên xà nhà để các ông lơ lửng rồi cho lính đánh túi bụi vào cẳng chân, chân các ông bị nát hết, sau bị thối tha. Trong khi lính đánh các ông thì Trịnh Quang Khanh bảo ông Thọ hãy chối đạo đi để được tha, ông thưa lại: “Quan hành hạ thế nào thì tôi xin chịu vậy, nhưng quá khóa thì không bao giờ”.
Bấy giờ Trịnh Quang Khanh nghĩ ra một mưu, buộc ảnh thánh giá vào chân các ông để khi các ông đứng dậy bắt buộc phải đạp vào. Các ông mạnh bạo phản đối, nhất quyết giữ đạo trong lòng.
Thua keo này quan bầy keo khác. Lần này Trịnh Quang Khanh định bắt vợ con đến cám dỗ và hành hạ họ may ra các ông mủi lòng thương vợ thương con mà bỏ đạo. Biết được mưu chước thâm độc, các ông nhắn về nhà bảo vợ con trốn đi. Không bắt được vợ con, Trịnh Quang Khanh lại dụ dỗ đạp ảnh để được về nhà lo lắng cho vợ con, ông Thọ thưa: “Cửa nhà và vợ con tôi là của Ðức Chúa Trời, tôi chẳng có gì, chẳng tiếc gì. Tôi xin quan lớn cho tôi một lát gươm mà thôi”.
- “Nếu tao bắt được vợ con mày và làm khổ trước mặt, mày có bỏ đạo không?”
- “Dù quan có giết vợ con tôi, tôi cũng chẳng quá khóa bỏ mất phúc thiên đàng”.
- “Vậy mày ước ao thiên đàng lắm hả?”
- “Bẩm ông lớn, vì tôi mong ước phúc thiên đàng cho nên tôi mới vui lòng chịu khổ như thế này. Khi nào quan lớn thương cho tôi một lát gươm, bấy giờ linh hồn tôi sẽ bay thẳng lên Trời”.
Quan cười nói: “Mày có cánh đâu mà bay?”
- “Những gông xiềng quan lớn bắt tôi mang, những roi đòn quan đánh tôi là những cánh đem tôi lên thiên đàng vậy”.
Bị thua đau, Trịnh Quang Khanh hèn hạ bắt ông Thọ xuống lò nước tiểu của quân tù từ trưa cho đến chiều. Ngoài ra ông còn bị giam cơm 6 ngày liền. Ðến ngày thứ 6 thì ông kiệt sức. Thấy vậy con gái của ông là cô Thuyên xin lính canh cho cô vào săn sóc bố. Thấy cha mình bất tỉnh miên man, môi lưỡi cứng đơ, mắt nhắm lại, cô liền lấy nước xoa trên môi trên mặt dần dần cho mềm lại rồi cô cho ông uống nước. Ngày hôm sau ông mới tỉnh lại một chút.
Sự khổ cực của ông Thọ và ông Cỏn phải chịu còn nhiều hơn nữa. Mỗi đêm khi lính thay phiên thì được lệnh phải đánh thức các ông, không cho ngủ. Khổ cực như vậy mà các ông vẫn tươi tỉnh vui vẻ không ca thán. Hai ông còn thường an ủi khích lệ nhau can đảm. Ngoài giờ đọc kinh các ông còn được rước lễ mấy lần. Trong tù các cha bị giam ở trên còn các ông phải giam ở lầu dưới. Ngày 9-8, các quan khép án xử tử các ông tội chứa chấp và giấu đạo trưởng. Ngày 6-11, án phê chuẩn của Minh Mệnh ra tới tỉnh. Tới ngày mùng 8 khi các ông ăn sáng xong, quan còn hỏi lại xem các ông có quá khóa không, các ông thưa lại rằng đó là ngày các ông được về quê thật.
Hai ông và ba cha bị dẫn ra pháp trường Bẩy Mẫu. Ông Thọ bước đi nghiêm trang không quay ngang quay ngửa. Mặt ông sáng rạng vui tươi. Tới nơi, các ông quì xuống cầu nguyện và được các cha ban phép giải tội lần cuối cùng. Lý hình được lệnh chém một nhát, đầu ông Thọ rơi xuống đất. Các con của ông liền đem xác về nhà tại làng Kẻ Báng và táng tại nơi bị bắt đúng như di chúc của ông.
(bị bắt 30-5-1840, xử trảm 8-11-1840)
Dưới thời Minh Mệnh, người chứa chấp đạo trưởng cũng bị xử tội như đạo trưởng. Ông Cỏn biết rõ điều này nhưng lòng đạo đức đã thúc đẩy ông sẵn sàng chứa chấp những người ở trong nhà Chúa. Chính ông đã rước các chị dòng Mến Thánh Giá ở Kẻ Trình về nhà bổn đạo trong làng Kẻ Báng, và Cha Thịnh về nhà cháu ông là ông Chiền. Ông nói với họ, nếu có chuyện gì xảy ra thì ông đứng ra chịu tội.
Tên thực của ông là Bốn, về sau mới đổi thành Cỏn. Ông chỉ có hai người con gái duy nhất. Dù đã làm lý trưởng ít năm song nhà ông vẫn nghèo. Ông làm việc rất công minh và rất lý sự, cũng vì vậy mà ông bị cất chức. Ông tự nhận là mình không siêng năng đọc kinh bằng người khác, nhưng nếu cha cậy nhờ đưa đi kẻ liệt thì dù có bệnh ông cũng đi.
Khi nghe biết ông Lý Mỹ và ông Trùm Ðích vì chứa chấp các cha và đồ đạo mà phải chết, ông Cỏn thấy hoàn cảnh cũng giống mình, ông đi đón hai xác của hai đấng tử đạo đưa về cho tới Kẻ Vĩnh. Trở về nhà ông nói với vợ con: “Xác các đấng ấy tốt lành, linh hồn các ông ấy đã lên thiên đàng rồi. Ta chịu khó đưa chân các đấng đi ẩn náu thì sau này ta cũng nên thánh. Ta chịu khó giúp việc hội thánh dù có tội lỗi nhiều mà được một lát gươm thì cũng khỏi hết”.
Khi Cha già Thịnh bị bắt ở nhà ông Chiền là cháu của ông, ông Cỏn đã giữ đúng lời hứa, đứng ra nhận mình là người chứa chấp đạo trưởng. Suốt trong thời gian ở tù và bị tra tấn, ông Cỏn và ông Thọ vẫn luôn bên nhau để nâng đỡ, dù hết mọi người giáo dân khác đã chối đạo hai ông vẫn một lòng trung thành với Chúa. Các ông bị quan hành hình với ý định sẽ làm cho các ông chối đạo như những người khác. Vừa bị đánh đau các ông còn được lệnh phải liếm máu từ vết thương của các cha nữa. Với lòng khiêm nhường, ông Cỏn cúi xuống thân thể Cha Ngân và liếm máu. Trong lần tra tấn thứ ba, ông Cỏn mới chịu được 60 roi thì đã thổ ra máu, lính phải khiêng về. Vì yếu đuối nên ông bị đánh đập ít hơn ông Thọ, nhưng vẫn phải giam nắng, bỏ khát và đánh thức mỗi khi giao canh để không ngủ được. Trong một lần quan hỏi ai mang các đạo trưởng về, ông Cỏn mạnh bạo thưa: “Các đồ đạo và các đạo trưởng đến Kẻ Báng cũng là tại tôi cả”.
- “Các ngươi có sẵn lòng quá khóa và từ nay về sau chừa không dám rước đạo trưởng nữa chăng?”
- “Bẩm quan lớn, chúng tôi không quá khóa. Còn việc chứa đạo trưởng khi quan lớn tha về nếu chúng tôi gặp trưởng đạo Tây hay Nam thì chúng tôi cũng đón về ngay”.
- “Hãy chối đạo đi rồi sau này đi xưng tội với các cụ đạo các ngươi sẽ được tha”.
Hai ông Cỏn và Thọ không thèm để ý đến lời dụ dỗ, một mực nói: “Chúa chúng tôi thờ chúng tôi chẳng dám đạp”.
Những ngày phải giam tù, hai ông bị làm khổ hơn các cha, đồng thời có lệnh canh các ông nghiêm ngặt. Thầy Sự đã đút tiền cho lính để các cha được dễ dãi một chút nhưng lính canh ông Thọ và ông Cỏn không dám nhận tiền, trái lại còn thi hành những lệnh cấm tỉ mỉ của quan. Con cái ông Thọ lên thăm cha vài lần, cũng thăm ông Cỏn luôn. Ông Cỏn buồn hỏi các cô tại sao không dẫn con ông lên thăm. Ông nhờ nhắn với vợ dậy dỗ con cái cẩn thận và xin mọi người cầu nguyện cho mình và cho các bạn tù được sức mạnh chịu mọi sự khó cho đến phút cuối cùng.
Khi được tin án tử hình đã được vua Minh Mệnh phê và đã về tới tỉnh, ông Cỏn sốt sắng đọc kinh, không cho ai vào nói truyện nữa. Sang ngày 8-11 quan cho gọi hai ông ra để ép buộc quá khóa một lần nữa, ông Cỏn thưa lại: “Bẩm lạy quan lớn, chúng tôi không quá khóa, chúng tôi thà chết hơn là phạm tội ấy”.
Ông Cỏn thấy người ta điệu mình đi xử thì mừng rỡ nói: “Hôm nay chúng tôi được về quê”.
Nhìn thấy một người anh em khóc thì bảo: “Chúng tôi vui mừng thì anh cũng phải mừng với chúng tôi, lẽ nào anh lại khóc?”
Ông Cỏn tươi tỉnh ra pháp trường chào hỏi mọi người. Tại pháp trường ông quì gối cầu nguyện, giơ cổ ra cho lý hình chém một phát. Xác ông được đưa về an táng tại làng Kẻ Báng.
(bị bắt 13-4-1839, xử trảm 21-12-1840 tại Hueá)
Cuộc đời của Thánh Simon Hòa nêu cao đức tin có sức làm cho con người trở thành một công dân lương thiện, một người cha đức độ, một tông đồ nhiệt thành và một lính chiến anh dũng bảo vệ đạo thánh. Theo chứng từ của người con gái cả, đã theo lời cha trối đi vào tu viện, thì người có tên là Phan Ðắc Thu, con vị công thần Lại Bộ Thượng Thư Phan Ðắc Thục. Mẹ ông tên là Ðóa, vợ lẽ của quan thượng thư. Sau khi cha chết, bà ngoại người tên là Can dẫn hai chị em người bỏ làng Mai Vĩnh, tỉnh Thừa Thiên, để về ở làng Lượng Kim, tỉnh Quảng Trị. Tại đây hai chị em được ông Tảo, một người Công Giáo đạo hạnh tại làng Nhu Lý, nuôi dưỡng. Năm người 12 tuổi, hai chị em được rửa tội gia nhập đạo Công Giáo và người lấy tên là Simon. Về sau bà ngoại người cũng trở lại đạo Công Giáo.
Thấy cậu Hòa học chữ nho giỏi và có tư cách thông minh, ông Tảo cho cậu vào nhà Ðức Chúa Trời ở với Cha Nhân và sau đó vào chủng viện An Ninh. Sau này bề trên biết được Thầy Hòa là con vợ thứ thì cho thầy về. Trở về thế gian, Thầy Hòa đã 30 tuổi, đến ở nhà y sĩ Phương để học nghề thuốc và sau lấy con gái ông tên là Yêm, 18 tuổi. Hai ông bà có cả thảy 12 người con, trong đó có ba cô con gái đi tu. Thầy thường dẫn con cái đi dự lễ và xưng tội. Buổi chiều thầy đọc sách đạo cho cả nhà nghe. Ngoài ra thầy còn có lòng bác ái hay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt thầy hay nhường thức ăn của mình cho họ để chứng tỏ lòng quí trọng yêu thương họ nữa. Thầy làm thủ chỉ làng Nhu Lý, kiêm trùm họ về đạo và chánh trương hàng xứ.
Khi Vua Minh Mệnh bắt đạo, thầy làm nhà riêng, tường có hai lớp để các cha dễ trốn ẩn. Thừa Sai De La Motte từ khi về Nhu Lý thường ở với ông. Ngoài ra thầy còn cho người thăm nuôi Cố Jaccard ở Ai Lao và cả khi người về Cam Lộ, và sau khi Cố Jaccard bị xử tử thầy đem xác người về chôn tại Nhu Lý.
Lúc đó trong làng có sự bất thuận và dân làng không muốn chứa chấp đạo trưởng nữa vì dân ngoại đã phong phanh biết có đạo trưởng ẩn trốn tại làng. Một mặt thầy viết thơ cho Ðức Cha Cuenot cam kết trung thành với đạo, và liệu cách cho Cố Y ( De La Motte) trốn thoát. Thầy chỉ xin đức cha cầu nguyện cho thầy và xin đức cha mấy lời an ủi để mạnh sức xưng đạo nếu thầy bị bắt. Mặt khác thầy thu xếp với làng An Ninh để đưa Cố De La Motte sang bên đó. Ðêm ngày 12, rạng ngày 13-4-1839, thuyền của giáo dân làng An Ninh đến, thầy đem Cố Y xuống và mang theo Thầy Phê, bà Của, và chị Hậu để dễ bề thưa nói, làm như đò đi chữa bệnh. Dầu kín đáo việc ẩn lậu đã bị người ngoại biết được, nên khi đò vừa tới Hòa Ninh thì có lệnh hỏi đò ai, Thầy Hòa trả lời: - “Ðò tôi”. - “Ðò tôi là đò nào?” - “Ðò thầy thuốc Hòa”. - “Ðò nào thì đò cũng phải ghé lại”.
Biết là nguy hiểm, thầy ghé bờ để cho Cố Y chạy trốn trước. Cố Y chạy đến làng Lệ Mông thì vấp chân té, những người đuổi theo đánh gậy vào đầu người làm máu chảy ra. Dân hai làng Lệ Mông và Lương Kim hiệp nhau bắt những người còn lại. Ðến sáng ông Hòa thu xếp chuộc tiền với hai làng, song họ sợ quan trên nên không dám nhận, họ đóng gông và giải tất cả về huyện Ðăng Xương. Quan huyện cũng cho lệnh bắt thêm ông xã Phêrô Duyên và sau này Thầy Gioan Trang cũng bị tố cáo nữa. Tất cả là 8 người bị giam tại huyện, rồi quan huyện giải lên tỉnh Quảng Trị.
Tin một đạo trưởng Âu Châu bị bắt ngay sát nách đế đô làm Vua Minh Mệnh tức giận, nghi hoặc không biết còn bao nhiêu thừa sai lén lút nữa. Cố Y bị giải về kinh đô ngay, Thầy Hòa và các người khác thì hai tháng sau mới bị giải về kinh đô.
Từ khi bị bắt, Thầy Hòa bầy cách cho mọi người phải khai thế nào cho hợp. Người con gái cả, sau làm bà dòng, đã đến thăm, Thầy Hòa nói: “Hãy về nhà với mẹ, chị em giúp đỡ lẫn nhau, còn số phận của cha không thể tránh khỏi cái chết”.
Trong hai tháng bị giam ở Quảng Trị các con cái khác đều đến thăm, Thầy Hòa khuyên: “Cha rất vui mừng tuân theo thánh ý Chúa, các con đừng buồn. Mọi đứa phải vâng lời mẹ con, săn sóc cửa nhà tử tế vì cha không thể lo lắng gì hơn được nữa”.
Trong thời gian ở nhà tù Quảng Trị, Thầy Hòa chỉ phải đeo gông tre nhẹ và được mọi người kính trọng, được tự do đi lại.
Về nhà tù ở trấn phủ tại Huế, Thầy Hòa vẫn vui vẻ dọn mình lãnh triều thiên tử đạo. Có người học trò đến thăm, thầy khuyên: “Con đến thăm lần này đủ rồi, đừng đến nữa kẻo lính bắt, các con không chịu được các hình khổ. Sáng chiều con hãy đọc kinh và xin Chúa cho thầy được chịu chém vì đạo thánh Chúa. Khi đầu thầy rơi xuống rồi thì trò hãy năng đến thăm viếng an ủi bà và các con cái thầy. Các trò, thầy cũng coi như con và sẽ theo để phù giúp trên đường đời gian nan”.
Thầy luôn luôn khuyên bảo các người cùng bị giam mạnh sức xưng đạo và vui lòng chịu khổ vì Chúa. Các quan cũng đến dụ dỗ thầy chối đạo để được về với vợ con, thầy nói: “Dầu tôi phải mất vợ mất con mất hết của cải và cả sự sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ”.
Lần khác quan đến cột thánh giá vào chân rồi hô lên là Thầy Hòa chối đạo, Thầy Hòa la to hơn rằng đó là việc quan làm chứ người không ưng chịu. Tại nhà tù trấn phủ, Thầy Hòa phải đeo gông nặng hơn, tuy vẫn được các quan kính nể. Thầy cũng xếp đặt mọi cách để giúp Cố De La Motte nhưng quan giam biệt và cấm mọi liên lạc, phải ăn uống cơm của lính dọn cho tù. Cha De La Motte không chịu đựng nổi các khổ cực tra tấn và của nhà tù nên người đã chết trong tù ngày 3-10-1839 sau 6 tháng bị giam tù.
Chúng ta không được biết Thầy Hòa bị tra tấn bao nhiêu lần, riêng tại trấn phủ, người con trai tên Hưng nói là thầy bị tra tấn ba lần, mỗi lần 40 roi và bị kìm kẹp nữa. Có sách viết người bị tra hỏi hơn 20 lần. Có lần bị kẹp đau quá người xin quan cho phép nói vài lời. Ðược phép, người trình bầy các lý lẽ làm chứng đạo Chúa là đạo tốt lành chân thật. Người lương cũng đến dụ người bỏ đạo, nhưng người khuyên lại họ: “Ðạo tôi dậy chẳng những là phải giữ trong lòng, mà còn phải giữ bề ngoài và xưng ra trước mặt vua quan. Ðạo cũng cấm lừa dối cho nên tôi có chết cũng không bao giờ nói dối hay bỏ đạo theo lệnh vua được”.
Khi thầy Hòa bị giam ở trấn phủ, có lần vợ bồng đứa con nhỏ đến thăm, thầy ôm hôn nó vào lòng nói: “Khi cha bị bắt con mới có một tháng mà bây giờ đã tập tễnh biết đi”.
Với vợ hiền, thầy trối trăn: “Hãy can đảm đừng buồn sầu vì số phận tôi phải chịu. Cái chết của tôi làm vinh danh Chúa. Hãy xem việc gì đã xảy ra cho ông ký Ðạo bị giam tù chết vì bệnh thổ tả chẳng được lợi ích gì. Hãy khuyên bảo con chúng ta biết tuân theo thánh ý Chúa. Việc tương lai của chúng, tôi đã ghi trong tờ di chúc. Còn về phần các học trò của tôi hãy coi chúng như con vậy. Tôi đã chỉ dậy cho y sĩ Khiêm nhưng chưa giúp gì cho trò Thiện, vậy hãy tỏ tình thân ái và sau khi tôi chết đưa áo tang, giầy và khăn tang nếu bố của nó đồng ý, nếu bố nó không chịu thì thôi”.
Sau lần gặp gỡ vợ con này, Thầy Hòa nghe biết Minh Mệnh muốn bắt vợ con người, Thầy Hòa không còn được gặp lần nào nữa.
Sau cùng các quan Bùi Ngọc Quí và Võ Xuân Cẩn đã làm án cho Thầy Hòa. Nội dung bản án như sau: “Có lệnh cấm tà đạo nghiêm nhặt thế mà đạo trưởng Âu De La Motte vẫn mang theo các sách và đồ đạo lén lút ở trong nước để gieo rắc những sai lầm. Tên Phan Ðắc Hòa người bản xứ theo đạo Giatô đã chứa chấp đạo trưởng De La Motte trong nhà, cả gan làm tường hai lớp và có hầm để ẩn giấu. Hơn nữa khi bị lộ còn đem thừa sai đi trốn ở nhà mụ Khiêm, nhiều lần đến thăm và sai cháu là Thị Hậu cùng với người nhà tên Diên đến thăm nuôi. Ngoài ra còn sai tên Truật theo hầu, dẫn đường cho đạo trưởng... Sau nhiều lần tra hỏi không những nó đã thú nhân sự thật mà còn sẵn lòng chịu chết. Thật không thể thoát khỏi hình phạt. Sau đó theo những lệnh của đô sát viện cấm người Âu Châu ban hành năm Minh Mệnh thứ 16... người chứa chấp cũng chịu một hình phạt như đạo trưởng Âu. Một lệnh khác truyền rằng những người rao giảng tà đạo phải xử giảo chờ lệnh. Theo vụ án xử hai đạo trưởng Âu Trùm Cả và Trùm Hai ở Nam Ðịnh bị xử trảm quyết và bêu đầu. Các vụ án xử Ðỗ Văn Chiểu và những người khác phải tốc hành trảm quyết. Vậy chúng tôi phải áp dụng hình phạt như cho Trùm Cả và Trùm Hai cũng phải áp dụng cho đạo trưởng Âu De La Motte. Người chứa chấp là Phan Ðắc Hòa cũng phải chịu chém đầu và bêu đầu để làm gương cho người khác khiếp sợ”.
Ngày 13-11, chúng tôi các thượng quan bộ hình Lâm Duy Ngãi, Lí Bá Tú và Nguyễn Duy Chánh vâng lệnh Hoàng Thượng phê án: Tên Phan Ðắc Hòa, người bản xứ đã chứa chấp đạo trưởng Âu De La Motte, đào hầm và xây tường hai lớp để dễ trốn tránh. Thường xuyên trợ cấp và thăm viếng. Với tội phạm táo bạo như thế còn tìm hình phạt nào khác? Vậy chúng tôi truyền phải đem tên Phan Ðắc Hòa chịu gươm đâm và cắt đầu bêu cho dân chúng khiếp sợ.
Ngày 21-12-1840, quan lãnh binh và quan bộ dẫn 30 lính đến đem Thầy Hòa đi xử. Quan bộ cỡi ngựa đi đầu rồi đến quan giám sát, Thầy Hòa đeo gông vắn đi giữa 4 tên lính cầm gươm sẵn sàng và ở giữa hai hàng lính, trước mặt thầy một tên lính cầm bản ghi án. Một tên khác đi sau cầm gươm dùng để chém. Khi Thầy Hòa ra khỏi cửa thành có ba tiếng trống và quan tuyên đọc bản án. Khi đoàn người đến chợ An Hòa thuộc họ Ðốc Sơ, quan giám sát truyền lệnh dừng lạị Ông Quán trải hai tấm chiếu xuống đất và một tấm vải trắng để Thầy Hòa quì lên trên. Từ khi bước ra khỏi tù, khuôn mặt Thầy Hòa vẫn điềm nhiên và chiếu rạng vui tươi. Theo qui định trước, Cha Ngôn sẽ đứng đàng sau ông quan để ban phép giải tội cho Thầy Hòa. Lúc ấy Thầy Hòa biết chắc có Cha Ngôn liền quì xuống thống hối để đón nhận phép giải tội trong khi quan ra lệnh cởi gông và trói tay sau lưng. Bỗng nhiên quan giám sát ra lệnh ngưng lại và truyền một tên lính chạy về nhà từ trấn phủ lấy thánh giá ra để ép Thầy Hòa đạp lên. Ðặt thánh giá dưới đất trước mặt Thầy Hòa, quan khuyên: “Ðất ngươi ở, cơm ngươi ăn, nước ngươi uống thuộc về ai? Ngươi là tôi tớ của ai? Vậy mà Hoàng Ðế truyền lệnh ngươi dám từ chối không vâng lệnh. Vậy nếu ngươi không vâng lệnh, không đạp ảnh dưới chân chắc chắn ngươi phải chết, ngươi không thể mạnh hơn vua. Tốt hơn ngươi đạp ảnh đi và được trở về nhà với vợ con rồi ta sẽ cho ngươi tự do giữ đạo mà không sợ roi vọt bắt bớ về sau nữa. Nào đạp ảnh đi”.
Thầy Hòa thưa: “Tôi thờ kính một Thiên Chúa và tôi cầu xin được trung thành phục vụ người đến cùng. Tôi không đạp ảnh”.
- “Ngươi không muốn đạp ảnh thì hãy cầm lên đi và ném xuống đất ta cũng sẽ tha cho”.
- “Việc này không gọi là trung thành với Chúa được. Tôi xin cám ơn vua và quan lớn, xin hãy áp dụng hình phạt vua đã truyền xử tôi và đừng nài ép tôi nữa, không ích gì đâu”.
- “Tất cả mọi sự đã sẵn sàng xử ngươi”.
- “Vậy đủ rồi, hãy kết thúc đi”.
Các lý hình lại trói tay thầy Hòa và quan giám sát đọc lại bản án viết trên thẻ gỗ và ra lệnh sau tiếng trống thứ ba thì chém đầu. Thế nhưng mới tiếng trống thứ nhất, lý hình đã chém đầu thầy gần rơi khỏi cổ. Chúng lấy gươm cắt đứt đầu khỏi cổ và tung lên trời cho mọi người xem thấy. Ðầu rơi xuống đất ngay chỗ xác người. Sau đó các quan và lính rút lui còn lại một mình quan đội canh cái đầu. Sau quan đội giao cho làng Ðức Sơ ngoại đạo để bêu đầu đủ ba ngày. Mọi việc hoàn tất vào lúc quá nửa trưa. Các người lo việc an táng lấy vải cuốn xác giữ lấy chờ khi lấy được đầu sẽ mang về chôn ở Nhu Lý.