Những biến chuyển trong nước và vùng Ðông Nam Á đã tạo nên bầu khí đầy nghi kỵ của triều đình đối với ngoại quốc và đạo Công Giáo do người ngoại quốc du nhập vào. Triều đình đã áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng trước những đề nghị hiệp thương của Pháp, Anh và Hoa Kỳ.
Trong nước, cho đến năm 1835, triều đình đã dẹp xong vụ nổi loạn của dân chúng miền Nam do Lê Văn Khôi khởi xướng, kéo dài hơn hai năm. Trong khi chiến tranh với vụ khởi nghĩa miền Nam, Minh Mệnh đã xin Thừa Sai Jaccard và Odorico ký vào bản hiệu triệu của các quan viết sẵn, hô hào người Công Giáo tại miền Nam phản lại Khôi. Hai thừa sai đã không ký, và nói rằng các đấng viết lá thư riêng. Trong thư, Thừa Sai Jaccard đã nêu gương anh dũng của các thừa sai đổ máu ra vì đạo chứ không làm giặc, và nhắc nhở giáo dân những hậu quả không những họ phải chịu mà những người đồng đạo phải liên lụy. Nhưng Minh Mệnh không hài lòng, tự ý viết một thư lấy danh nghĩa thừa sai gửi đi. Tuy nhiên giáo dân đã không tin và lá thư không gây được kết quả nào. Cha Jaccard và Odorico phải đi đầy sang Ai Lao. Theo Ðức Cha Cuenot, trong khoảng 1835 vua Minh Mệnh đã chỉ thị cho các quan ngưng mọi cuộc sách nhiễu người Công Giáo.
Ngày 8-9-1835 quân của triều đình vào được thành Sài Gòn bắt được 6 người đứng đầu và 1994 người khác. Hai chục ngày sau tất cả đám đông này bị tàn sát, còn các lãnh tụ và Cố Marchand Du bị giải về kinh. Ngay khi được tin binh triều chiếm được thành, Vua Minh Mệnh ra một tuyên cáo cho dân chúng biết đã bắt được 6 lãnh tụ, trong đó có đạo trưởng Tây Marchand và 6 người Công Giáo. Minh Mệnh đã gán ghép cho ba người là Công Giáo để có lý do bắt đạo sau này, chứ thực họ đâu có phải là Công Giáo.
Chính sách của Minh Mệnh là khi muốn làm việc gì thì truyền cho các quan làm kiến nghị trước. Ngày 6-1 âm lịch (25-1-1836) các quan trong hội đồng nội các trình lên Minh Mệnh kiến nghị mới về việc bế quan tỏa cảng và triệt hạ đạo Công Giáo. Mở đầu, các quan lớn đưa ra những lời vu cáo dựa trên sự kiện Cha Marchand bị bắt trong thành Gia Ðịnh và gán cho vị thừa sai tử đạo này đã thú nhận các điều vu cáo. Kiến nghị viết tiếp: “Các thừa sai dùng bánh nhiệm mầu để mê hoặc dân chúng và làm cho họ cố chấp giữ đạo. Các thừa sai còn lấy mắt người chết pha lẫn vào hương để làm thuốc chữa bệnh. Trong khi cử hành hôn phối, đạo trưởng bắt làm những điều tồi bại. Thừa sai Marchand đã thú nhận tất cả những đồi bại này vì thế cần phải đặt ra những biện pháp mới chống lại các đạo trưởng Tây Phương. Rõ ràng năm 1826 hoàng thượng đã công bố chỉ dụ rất khôn ngoan để ngăn cấm các đạo trưởng xâm nhập quốc gia, nhưng mặc dầu vậy, Marchand đã lén vào được trong nước và ẩn trốn nhiều năm. Có lẽ nhiều thừa sai khác nữa cũng còn ẩn trốn trong nước. Vì thế ngước trông hoàng thượng công bố những biện pháp sau đây: Cấm các tầu buôn mọi rợ không được đến các cửa biển ngoại trừ cửa Hàn. Quan coi cửa biển này phải nghiêm mật trông chừng tất cả mọi người nước ngoài đến đây buôn bán. Phải có phép quan trước mới được xuống đất để buôn bán và suốt trong thời gian này phải có người theo dõi, không được tách rời dù trong bất cứ nhà đặc biệt nàọ Khi họ đã buôn bán xong phải kiểm điểm số người trước khi dẫn lên tầụ Nếu có người nào tìm cách trốn ở lại sẽ bị bắt ngay và phải xử tử. Còn các tầu buôn người Trung Hoa có thể đến tất cả các cảng khác, nhưng vừa tới sẽ bị khám xét ngay và nếu trên tầu có đạo trưởng Âu Tây sẽ bị bắt và xử tử. Các đạo trưởng Âu Tây bắt được trong đất liền cũng phải xử tử. Người oa trữ cũng bị một hình phạt như thế. Các quan cũng sẽ bị trừng phạt xử tử nếu đạo trưởng bị bắt trong địa hạt của họ vì đã không chịu lùng soát cho kỹ để bắt”.
Dầu có lệnh nghiêm ngặt như thế, các quan tại các nơi trong Nam đã không bắt bớ giáo dân để tra hỏi, trái lại khi có biến thì đến nói trước để người Công Giáo kịp ẩn trốn. Ngày 16-6-1836, Ðức Cha Cuenot đã lẻn vào được Bình Ðịnh và trốn ở Gò Thị. Cùng đi với đức cha có hai linh mục Việt, học ở Penang và hai chủng sinh. Cũng năm đó, đức cha truyền chức linh mục cho 10 thầy giảng. Các thừa sai mới cũng lần lượt vào trong các địa điểm truyền giáo: Candahl, Jeanne, Lefebre, Vialle, Miche, Duclos, Chamaison. Ðức Cha Cuenot mở lại hai chủng viện ở Huế và ở Ðồng Nai.
Ngoài Bắc vẫn có những vụ hạch sách làng Công Giáo lẻ tẻ, vì các quan muốn làm tiền. Khi lệnh cấm đạo được công bố tại Bắc Việt ngày 2-2-1836, các thừa sai lại rút vào những hầm trú ẩn mà Cha Retord gọi là mộ chôn sống. Tại Kẻ Ðam có người dọ thám báo cho quan biết hiện đang có linh mục hành lễ. Vị linh mục mặc áo thường lẩn trốn. Khi lính vào cho bắt các người giúp giải về quan. Một người lương dân vô danh đến thưa với quan rằng ông có người bạn không phải là Công Giáo bị bắt đang khi cầy ruộng và xin quan trả tự do. Quan thấy những nén bạc trong tay thì nói với người thuyết khách: “Tôi hiểu, lính của tôi không sáng suốt đủ. Thật phải không được lẫn lộn người lương thiện với người phạm pháp”. Thế là các tù nhân được tha về.
Chỉ có hai vụ bắt không thể dàn xếp được, đó là vụ thầy giảng Phanxicô Xavie Cần bị bắt ở Kẻ Vác, gần Hà Nội ngày 20-4-1836. Thầy đã bị kết án xử giảo tại Hà Nội ngày 20-11-1837. Vụ thứ hai là Thừa Sai Cornay bị bắt ở Sơn Tây ngày 20-6-1837 và bị xử lăng trì ngày 20-9-1837. Thế nhưng hai con của Minh Mệnh bị phạt chết tức tưởi, 18 thuyền thóc của Bắc Việt nộp triều đình bị bão cuốn đi, làm nhiều người chết, trong đó có một quan bắt đạo dữ dội.
(bị bắt 20-6-1837, xử lăng trì 20-9-1837 tại Sơn Tây)
Người duy nhất trong các anh hùng tử đạo Việt Nam áp dụng một tập tục có từ thời các vị tử đạo xa xưa, là lấy danh nghĩa mình xưng đạo để xin xá giải cho một người đã chối đạo. Thừa Sai Cornay đã viết một lá thư bằng tiếng Latinh xin đức cha nhận lại người cộng tác cũ của mình. Thư viết như sau: “Thưa đức cha, mặc dù lời giới thiệu của con không đáng chú ý, nhưng con dám lấy danh nghĩa là người đã xưng đức tin bằng máu đào đã đổ ra, bắt chước tập tục của các anh hùng tử đạo xa xưa viết thư xin ân xá cho những người đã chối đạo. Vậy con xin đức cha bỏ qua lỗi lầm của người giúp con là Kim, xin nhận vào sổ các thầy giảng sau khi đã trả bài về các sách kẻ giảng. Con tin rằng khi được trở về như người con phung phá, thầy ấy sẽ chuộc được lỗi xưa bằng một đời sống gương mẫu. Con mong đức cha khấng ban”.
Cha Cornay sinh ngày 12-3-1809 tại Loudun thuộc giáo phận Poitiers bên Pháp. Cha mẹ người rất giầu và cũng rất đạo đức. Trong khi theo học tại học viện ở Saumur và Montmorillon, cậu Cornay rất tiến bộ trong việc học và được mọi người quí mến vì tính hiền lành. Năm 1827 cậu nghe tiếng Chúa gọi dâng mình đi tu trong chủng viện địa phận Poitiers. Sau ba năm thầy được phong chức Năm và bước thêm một bước quyết liệt khác là theo Chúa đi giảng đạo cho dân ngoại. Thầy xin gia nhập chủng viện thừa sai Paris. Ðể thử xem mình có sức chịu đựng những khổ sở mà các thừa sai phải chịu ở nước người xa lạ, đang đêm trời mưa to gió lớn, có sấm chớp vang trời, Thầy Cornay đi ra ngoài đồng ruộng tưởng chừng như đi vào nơi xa xôi hẻo lánh. Thầy tập ngủ trên một phiến đá và khi mặt trời mọc, thầy vào nhà thờ giảng về Ðức Chúa Trời rồi mới về nhà. Thầy ở chủng viện Paris học thêm và chuẩn bị chịu chức Sáu. Sau khi chịu chức Sáu, thầy được sai đi truyền giáo ở Trung Hoa. Vì đang có bắt đạo ở Trung Hoa nên đường đi vào nội địa phải qua Bắc Việt để theo đường bộ lên Tứ Xuyên. Ngày 12-7-1832, thầy cùng với 4 thừa sai khác đặt chân lên đất Bắc Việt. Phần thầy, thầy lên Sơn Tây để chờ người dẫn sang Trung Hoa. Dân Công Giáo thấy có cố Tây gióc tóc đuôi xam như người Tầu mà không làm lễ thì gọi là cố Sáu. Vì người đưa rước bị mắc bệnh mà chết, và đức cha địa phận Tứ Xuyên không liệu cách khác được thì cho phép thầy ở lại giúp Việt Nam. Thầy về Hà Nội chịu chức linh mục ngày 20-4-1834. Từ đây thầy trang phục như người Việt và mang tên là Cố Tân. Cha Tân được bề trên sai trở lại Sơn Tây làm việc và học thêm tiếng Việt tại xứ Bầu Nọ. Trong thời kỳ cấm cách, quan quân lùng bắt các thừa sai, tại đây vẫn tương đối là một nơi an toàn. Nhưng thánh ý Chúa đã định cho cha được đổ máu ra để củng cố đức tin giáo dân Việt. Tại vùng này, có tướng giặc tên là Ðức bị bắt, muốn chuộc tội, hắn cho vợ giả làm người học đạo để dò la chỗ ở của đạo trưởng. Khi biết chắc Bầu Nọ có đạo trưởng Tây thì báo cho quan.
Sáng sớm ngày thứ ba 20-7-1837 khi Cha Cornay đi làm lễ thì có tin báo quan sai 1.500 lính vây làng. Cha Cornay thuật lại việc bị bắt trong thơ gửi cho cha mẹ như sau: “Bấy giờ vì không liệu cách nào mà trốn được nên giáo dân mang con đi ẩn trong một khóm tre rậm. Lính đi qua đi lại khám xét nhưng không biết được. Ðến chiều khoảng 4 giờ lính đến gần bụi dùng giáo cán dài mà đâm vào. Thấy vậy con ra nộp mình cho họ bắt”. Trong khi cố đi trốn thì dân làng bị tập trung lại để điểm danh. Trong đó, có hai thầy già và một học trò khác cũng bị bắt và sau được phúc tử đạo. Quan muốn biết nơi ẩn trốn của linh mục nên đánh đòn tra tấn lý trưởng tên là Cuộc. Vì đau quá ông đã phải thú nhận có đạo trưởng trong làng và đã đi ẩn ở bụi tre.
Ngay sau khi bị bắt, Cố Tân phải mang gông và khi họ làm xong cũi tre thì giam người vào trong cũi. Cố tỏ ra vui vẻ và ca hát luôn. Vì làng chứa đạo trưởng nên lính tráng mặc sức phá phách cướp bóc cho tới chiều tối mới thôi. Các đàn ông trong làng được đưa đến một chỗ cao ráo để ngủ đêm, còn Cha Cornay được cho một cái chiếu rách, gối đầu trên gông mà ngủ. Nhưng cái đêm dài hãi hùng không cho cố nhắm mắt được, mà phải nhìn bầu trời đầy sao chờ sáng, chờ những cái khắc nghiệt của quân lính Việt Nam.
Sáng hôm sau 21-4, quan hỏi xem có còn thừa sai nào khác và các đồ đạo dấu ở đâu. Thực ra họ đã tịch thu được tới 20 gánh đồ đạo và sách. Quan lãnh binh đã lợi dụng cơ hội để lấy phần cho mình. Họ chỉ mang hai gánh về nộp cho quan tỉnh. Cha Cornay đã xin lại được 6 cuốn sách, ảnh thánh giá. Cầm từng cuốn sách, quan hỏi là sách nói gì. Cha Cornay phải giải thích. Sau đó họ mang tới một cái cũi tre để khiêng cha đi như một tên tướng giặc. Có 8 người khiêng. Ðoàn người đi về tỉnh. Buổi tối họ dừng lại ngủ. Cha Cornay trải qua đêm thứ hai ngoài trời. Cũng trong đêm này, cha biết được là quan đi bắt tướng giặc, nhưng giặc đã trốn chạy. Ngày 22-6, đoàn quân mới về đến tỉnh. Cha Cornay đã coi như mình được danh dự, biến cũi thành ngai có 8 người hầu cận khiêng, trước có 500 lính mở đường, sau có quan trên võng cáng và 10 giáo dân bị trói mang gông. Hai bên đường có vô số người ra xem.
Dinh của quan tổng đốc xứ Ðoài kiêm nhiệm hai tỉnh Hưng Tuyên, có lũy cao và hào chung quanh. Bên trong có đủ các dẫy nhà: nhà quan, nhà lính, tòa án, nhà kho... Quan tổng đốc đến xem xét rồi nói rằng trong vài ngày nữa sẽ giải về kinh để vua xét xử. Quan lớn lui đi thì các quan nhỏ và trẻ con bao vây hỏi han Cha Cornay đủ mọi câu, nhưng cha không trả lời. Có người tra vấn đứng bên cạnh, trả lời các câu hỏi tò mò của đám người chưa bao giờ nhìn mặt một người Tây. Ðến gần bữa ăn, họ bắt cha hát rồi mới cho ăn. Cha đã hát 4 câu trong ca vịnh Ðức Trinh Nữ. Tại tỉnh, họ chuyển cha sang một cũi khác bằng gỗ và bị xích cổ chân. Bề cao và rộng của cũi là 4 thước chân và chiều dài là 5 thước chân. Trên và dưới có ván, chung quanh có song gỗ rất dầỵ Tuy thế vẫn không dài đủ cho một người Tây có thể nằm thoải mái. Cha rất khổ cực, cộng thêm sức khoẻ yếu kém. Tuy nhiên quan để tự do cho người dân được đến gần. Có một bà dòng đến săn sóc và nhắn các tin. Quan còn cho giấy để cha viết tường thuật, và được phép gửi về gia đình. Sáng ngày hôm sau, quan lãnh binh, người đã bắt cha, đến với một địa bàn và thánh giá có chạm trổ để hỏi han. Cha cắt nghĩa cách xử dụng la bàn và xin thánh giá lại để treo vào cũi. Cha cũng ráng nói cho rõ ràng tiếng Việt cắt nghĩa các mầu nhiệm trong đạo, nhất là về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Quan lãnh binh tên là Tài còn hỏi các thừa sai làm những việc gì. Cha cắt nghĩa việc giảng đạo và 10 điều răn, về bí tích, sự tha tộị... Sau đó cha hỏi lại quan lãnh binh: “Khi chúng tôi giảng đạo như thế, có phải là chúng tôi xúi dục nổi loạn không?”
- “Không, đạo lý này rất tốt, không phải vì đạo mà ông bị bắt, nhưng vì có lệnh cấm của vua và vua không muốn ông ở lại trong nước”.
Một câu hỏi hiếu kỳ khác được nhắc lại luôn là cha có vợ có con không. Cha trả lời ngay là không và còn nói lên những cái lợi vì ở độc thân.
Ngày 24-7 quan lãnh binh đến nói với cha là quan tỉnh đã tha cho cha và dân làng, trả lại các đồ để cha sửa soạn về lại Áo Môn (Macao) với giá 100 lạng bạc. Giá này được kể là phải chăng, vì ngay lúc bắt quan lãnh binh đã đòi 1.000 lượng. Nhân tiện, quan hỏi thêm các cha làm sao sinh sống. Cha viết một lá thư cho dân làng trước mặt quan. Sau khi chào thăm họ cha nói đến nỗi vui mừng được chịu bắt bớ và khổ cực vì Chúa. Cha bày tỏ nỗi lo lắng về những người khác bị bắt và lời đề nghị của quan 100 lạng bạc để tha họ. Cha xin giáo dân vay mượn để giúp những người này được tự do. Riêng phần cha, cha muốn được chịu khổ vì Chúa.
Ngày Chúa Nhật 25-7, quan lại hỏi về gia đình, quê hương, phương thế đến nước này. Họ phiên âm tên cha là Cao-Lang-Nê. Các quan đã làm một tờ trình lên vua kể lại việc phát giác và bắt được một lãnh tụ nổi loạn cùng với nhiều đồ đạo, và 10 người đồng đảng. Tờ trình cũng kể công lao của quan án và quan lãnh binh và nhất là của tên tù tố giác. Mười bốn ngày sau bộ hình trả lời rằng vua giao việc xét xử cho quan sở tại.
Lần thứ nhất quan thẩm vấn ngày 20-7. Quan buộc tội ba người tên là Thiệt, Ba Nhờn và Thạch đã đến hỏi về việc chiến tranh. Quan đe dọa kìm kẹp, roi đòn để bắt Cha Cornay nhận là cố vấn cho bọn phản tặc. Trước những đe dọa và vu cáo, Cha Cornay chỉ nói lên sự thực và sẵn sàng chết hơn là nhận lời vu cáo và nói dối. Cha đã thấy, đã nghe những roi đòn đánh các người cùng bị bắt, thấy họ đánh các thầy giảng. Tiếng kêu của họ làm đau thắt con tim và cha chờ đợi đến lượt mình cũng phải chịu như thế. Hôm ấy cha bị lôi ra khỏi cũi, lột áo và cột vào cọc nhưng rồi buổi thẩm vấn kết thúc, cha không bị tra tấn.
Lần thứ hai vào ngày 11-8, họ mở cũi cho cha và bắt cha đeo vào một cái gông to lớn. Cha bị bắt ép nhận tội làm giặc. Mỗi lần cha phủ nhận là mỗi lần roi đòn quất lên người cha. Họ đe sẽ đánh cho đến chiều và mọi ngày cho đến khi cha thú nhận có làm cho giặc. Sau 50 roi họ cởi trói cho cha, và đẩy vào cũi như trước. Cha hát lên bài Salve Regina và nói với chú Kim rằng cha bị đánh mà không kêu một lời. Mấy ngày liền toàn thân thể cha đau đớn, nhức nhối. Lần ấy cha đã bị đánh bằng roi có nhiều sợi gắn cục chì làm máu chảy ra, theo các vết đòn.
Lần thứ ba xảy ra ngày 29-8. Trước hết quan bắt cha bước qua ảnh, nhưng cha đã quì xuống nhấc lên và ôm hôn cung kính. Vừa giựt lấy ảnh, lính vừa đánh cha ba roi. Sau đó đánh thêm 65 roi nữa rồi đẩy cha vào cũi trở lại. Họ lôi chân ra giữa các song. Cha nghĩ họ sẽ dùng kìm để lôi thịt sống, cha phó thác cho Chúa. Nhưng họ chỉ đặt thánh giá vào chân rồi hỏi có ưng thuận không. Cha đã cương quyết trả lời không bao giờ chiều theo.
Dầu bị tra tấn và khổ cực Cha Cornay còn hỏi cho biết 4 mùa bắt đầu từ ngày nào để ăn chay. Ngày 6-9 quan tỉnh cho họp hội đồng các quan để nghị án. Ngày 20-9 cũng là ngày thứ tư bốn mùa, Cha Cornay ăn chay. Vừa ăn cơm chay xong thì có người lính cầm cờ chạy đến báo tin hôm nay các quan đem cha ra hành quyết.
Trước đó, ngày 14-9, lễ Thánh Giá, Cha Cornay viết lá thư cuối cùng cho cha bạn là Marette, như là chúc thư của vị tử đạo. Cha nghĩ đến niềm vui cuối cùng được dâng hiến mạng sống cho Thiên Chúa. Cha viết: “Xin từ giã bạn, xin chào tất cả các bạn và đức cha khả kính. Nếu vì sơ xuất có làm điều gì các ngài buồn lòng thì xin tha thứ. Nếu cha có cách nào giúp tôi được lĩnh nhận ơn phép giải tội. Nhưng nếu không thể được thì lòng thống hối thay cho việc xưng tội và máu đổ ra thay cho phép xức dầu cuối cùng...”
Lúc ấy Cha Cornay có một mình. Ba trăm lính đến áp giải cha đến pháp trường Năm Mẫu, chung quanh là những lý hình, tay cầm sẵn giáo mác. Ngay trước mặt là người cầm bảng gỗ viết án, đàng sau cha là người lính cầm thanh la thỉnh thoảng đánh lên, và sau cùng là quan giám sát cỡi ngựa. Rất đông người tuốn đến xem vụ xử tử một người Tây Phương. Giáo dân ở gần nghe tin vội chạy đến, nhưng không dám tỏ ra một cử chỉ riêng nào với vị anh hùng tử đạo. Trong đám đông có Cha Thể giải tội cho người. Phần người, người bình tĩnh hát thánh ca và đọc các kinh trong sách. Hai mươi phút sau đoàn người đến một cánh đồng quen xử tội nhân. Họ mang cha ra khỏi cũi về hướng Tây Bắc, các lính làm thành vòng tròn, cắm giáo xuống đất. Quan giám sát ở ngoài vòng và đứng trên đường cái với người xướng và người cầm thanh la. Bảng gỗ viết án như sau: “Tên Tân cũng gọi là Cao Lang Nê, người Phú Lãng Sa thuộc tỉnh Loudun, có tội vì là đạo trưởng tà đạo lén lút trong nước và là lãnh tụ đám nghịch tặc. Sắc lệnh hoàng thượng truyền chặt thành từng mảnh, đầu bêu ba ngày rồi vất xuống sông. Bản án này làm gương cho mọi người khác. Minh Mệnh nguyên niên thứ 18, ngày 21 tuần trăng 8”.
Hình phạt lăng trì thường dành cho những người phản nghịch, được áp dụng cho vị thừa sai bị bắt nhận là nghịch tặc nhưng không bao giờ chịu nhận như thế. Lý hình mở nắp cũi, đặt Cha Cornay ngồi xuống đất, rồi bẻ các xích. Có mấy người Công Giáo làm tạp dịch xin vài kỉ niệm của vị tử đạo. Cha nhổ cho họ mấy sợi tóc. Lý hình trói chân tay cha vào 4 cọc, còn đầu thì buộc chắc vào giữa hai cọc. Sau 20 phút sửa soạn, quan ra lệnh lý hình chém đầu khi nghe tiếng thanh la lần thứ nhất, rồi đến các cánh tay, chân và phân thây làm 4 miếng. Lý hình đứng về phía trái ở đầu, ba người khác đứng bên phải ở tay và chân. Chiêng vừa dứt thì thân thể của vị tử đạo cũng được phân cắt ra từng mảnh như lệnh. Lúc ấy là ba giờ trưa. Sau khi chặt xong, lý hình vất mỗi mảnh một phía ra xa. Một người lính mổ bụng lấy gan chia cho các người khác. Họ ăn sống vì tin rằng họ sẽ được thừa hưởng lòng can đảm. Một y sĩ Công Giáo, hai tên lính và một chị dòng lượm nhặt các phần thân thể gói vào khăn. Tuy nhiên dân chúng tranh nhau thấm máu, trái với thói quen là họ sợ máu và xác chết của những tội phạm. Họ kháo nhau: “Máu bên đạo thiêng lắm, đem về nhà thì quỷ không dám quấy phá nữa”.
Giáo dân đào đất chôn cha ngay tại chỗ với ý định ban đêm sẽ đánh cắp. Ðầu người sau khi bêu ba ngày thì được giao cho một giáo dân tên là Bếp đào và chôn trong nhà thờ Chiêu Ửng. Bẩy tháng sau, 3-7-1838, giáo dân xứ Bách Lộc mới đưa xác về chôn ở Chiêu Ửng, trong gian nhà kho của nhà dòng. Từ đó giáo dân đến viếng gọi là nhà mồ.
Người ta thuật lại hai phép lạ đã xảy ra do Cố Tân cầu bầu. Một lần có quan quân đến lùng bắt, nhà dòng mang đồ đạo lên rừng, khi về nhà thì thấy nhà sáng trưng như có người thắp đèn. Lần khác có đám nhà cháy, các bà chạy ra mộ cố Tân cầu xin thì đám cháy ngưng ngay.
(bị bắt 20-4-1836, xử giảo 20-11-1837 tại Hà Nội)
Trổi trang nhất và đứng đầu sổ trong các thầy giảng là Thầy Phanxicô Xavier Cần, chết vì đạo lúc mới 34 tuổi. Ðức Cha Havard đã khen ngợi lòng dũng cảm của thầy như sau: “Ai có thể tin được một người như các con, không những đã tỏ ra can trường và nhân đức trổi trang hơn người mà còn đối đáp cho những người tra khảo không hỏi được nữa. Người đó đã làm vinh danh Thiên Chúa khi phải đi trước giao chiến một mình và đã để lại gương mẫu cho bao nhiêu người khác”.
Thánh Cần sinh tại Sơn Miêng, phủ Ưng Hòa, tỉnh Hà Nội năm 1803. Cha người tên là Hới có 5 người con, chú Cần là thứ 2. Gia đình không giầu nhưng có lòng đạo đức. Ngay từ nhỏ chú Cần đã muốn dâng mình cho Chúa nhưng mẹ cậu vì thương con không muốn cho đi. Chú Cần đã phải dọa rằng: “Nếu mẹ không cho con đi ở với cụ xứ thì con sẽ trốn đi ở với cha khác”. Không biết chắc chú Cần đã ở với cha nào vì các chứng nhân, người thì nói người ở với Cha Báu, người khác lại nói ở với Cha Duyệt, có sách lại chép người ở với Cha Nghị. Y sĩ Giacôbê Vũ Văn Thịnh đã cùng học với thầy Cần ở Kẻ Vĩnh làm chứng rằng: “Thầy Cần rất chăm chú làm tròn bổn phận và có cách sống gương mẫu không trách cứ được điểm nào. Thầy rất thông minh, học đứng đầu lớp. Mãn trường Latinh Thầy Cần được làm kẻ giảng về giúp Cha Duyệt mấy tháng rồi được lệnh giúp Cha Retord (sau làm Giám Mục), từ năm 1832.” Ngày 20-4-1836 Thầy Cần bị bắt tại Kẻ Vác.
Diễn tiến sự việc thầy bị bắt được chính Cha Retord và bà Matha Sơ thuật lại như sau: Hôm 19-4, thầy được sai đến làng Kẻ Chuông để hỏi ông trùm tại đây có sẵn sàng đón cha về làm phúc cho họ không. Khi biết được là cả họ sẵn sàng, Thầy Cần theo lệnh của Cha Retord đến làng Kẻ Vác để xin Cha Tuần đến làm phúc cho họ Kẻ Chuông. Khi tới họ Kẻ Vác thì lúc ấy đang có cuộc lùng bắt Cha Tuần, nhưng cha đã trốn được. Người đi lùng bắt là cai tổng Hào Tít đang tức giận thì gặp Thầy Cần đi tới, ông cai liền chận thầy lại hỏi:
- “Ði đâu mà không trình?”
- “Tôi đi qua đường”.
- “Có quen ai ở đây không?”
- “Tôi quen Lý Quang”.
Cai tổng ra lệnh bắt trói Thầy Cần và đánh đập năm sáu roi rồi bắt thầy phải nhận các đồ đạo là của mình. Nguyên Lý Quang là người Công Giáo đã xin quan lớn được tách riêng làng Công Giáo không phải nộp tiền cho các vụ cúng tế dị đoan, và vì vậy bị cai tổng ghét. Ngày hôm sau Thầy Cần bị dẫn giải lên quan huyện Thanh Oai cùng với Lý Quang.
Tại huyện, Thầy Cần bị tra tấn ba kỳ, cách nhau ba ngày. Lần thứ nhất quan huyện hỏi tên tuổi và quê quán. Thầy xưng tên là Cần, nhưng quan viên trong làng sợ phải nộp thêm thuế vì tên mới nên khai tên sổ bộ là Nguyễn Tiến Truật. Về việc bị bắt, Thầy Cần cứ đúng sự thật khai: “Tôi vừa ở ngoài đồng vắng vào đến làng, chứ chưa vào nhà Lý Quang thì đã bị bắt, còn đồ đạo thì chính cai tổng Hào đã bỏ vào”.
Còn tổng Hào nhất mực nói rằng bắt được Thầy Cần ở nhà Lý Quang. Thầy Cần bị đánh 40 roi, vừa đánh quan vừa dụ dỗ chối đạo để được tha về với mẹ già. Thầy Cần thưa: “Không được, tôi thờ kính một Chúa Trời dựng nên tôi làm sao tôi dám đạp dưới chân. Nếu quan tha thì tôi sống mà nếu quan bắt tội thì tôi sẵn lòng chịu chết”.
Thầy Cần cũng quay sang tổng Hào nói: “Ông cứ việc tố cáo mọi tội ông muốn, tôi sẵn lòng chịu để đền vì tội riêng của tôi”.
Thầy Cần bị căng giữa các cọc và bị tra tấn trong hai tiếng đồng hồ.
Lần thứ hai, cách đó hai ba ngày, Thầy Cần ngậm thuốc lào trong miệng để giảm cơn đau, và để mặc quan muốn đánh thế nào thì mặc sức chứ không muốn trả lời thêm. Quan bắt nhận các đồ đạo nhưng thầy chối ngay. Quan cho nọc thầy ra như lần trước và đánh 40 roi. Thấy nước bọt sùi lên ở mép thì quan sợ ra lệnh thôi. Hôm ấy nhà quan có đám giỗ nên Thầy Cần được quan cho ăn cơm tại nhà. Trước khi ăn, Thầy Cần làm dấu đọc kinh to tiếng. Thấy vậy quan hỏi thầy làm dấu gì vậy? Thầy Cần liền cắt nghĩa: “Khi dùng bữa chúng tôi làm dấu thánh giá đọc kinh, có ý tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên của ăn và đã ban cho chúng ta”.
Khi dùng bữa xong Thầy Cần cũng làm dấu và đọc kinh, quan liền hỏi thầy làm dấu gì nữa vậy? Thầy Cần cũng đáp: “Ăn cơm xong chúng tôi tạ ơn Chúa vì đã được ăn uống nuôi xác cho sống và được thờ phượng Ðức Chúa Trời”.
Quan huyện khen: “Làm thế rất phải. Hãy đọc thêm các kinh khác trong đạo nữa đi.” Thầy Cần đọc kinh 10 điều răn Ðức Chúa Trời, sáu điều răn Hội Thánh và lần hạt. Ðọc đến kinh nào thì thầy cắt nghĩa rõ ràng kinh ấy. Quan khen: “Như ông vừa cắt nghĩa, những điều này rất tốt và phù hợp với lẽ phải. Nhưng ta vẫn nghe trong đạo có nhiều điều trái lẽ khác. Ta nghe nói các linh mục thường móc mắt đàn bà ốm yếu bỏ vào chum nước có chó ngao rồi lấy nước làm bùa mê rảy trên dân chúng”.
Thầy Cần cực lực phản đối: “Ðó là một điều bịa đặt vu khống hoàn toàn. Các đạo trưởng rất thành thực và không bao giờ nói dối”.
Sau đó thầy Cần được đem về nhà giam. Còn lần thứ ba quan huyện cũng ép buộc thầy nhận các đồ đạo và đạp ảnh nhưng thầy mạnh mẽ từ chối. Quan nói: - “Ông là người khôn ngoan, lý sự, tôi rất thương ông. Sao không chịu bước quan ảnh đi. Nếu không thì cứ nhận là đã làm, để tôi viết vào tờ bá cáo trình lên vua là ông đã bước qua ảnh và ông sẽ được tự do”.
- “Nếu quan muốn viết về kinh rằng tôi đã chối đạo thì chính tôi sẽ về kinh để phản đối, và nói rõ rằng chính quan đã khiêng tôi qua thánh giá chứ tôi không bao giờ ưng chịu như vậy. Vua mà các ông phục vụ cũng chỉ là một người hay chết, thế mà các ông không dám đạp hình vua dưới chân, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao các ông lại muốn tôi chối bỏ Thiên Chúa tôi thờ. Chính Người là Chúa trời đất, là Vua các vua. Chính Người ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi không bao giờ dám tỏ ra vô ơn với Người...”
Quan ra lệnh căng thân thể thầy dưới đất và đánh đòn. Sau khi đã đánh đủ 40 roi, quan truyền cho lính khiêng thầy qua ảnh. Thầy co chân nói to lên: “Không bao giờ tôi chiều theo”.
Quan giận nói với thầy: “Ta đã làm hết sức để gỡ tội cho ông mà ông chẳng nghe, ta đặt tên cho ông là ông Lì”.
Quan truyền đem thầy về nhà giam. Nhà giam tại huyện rất đồi tệ, bẩn thỉu. Thầy Cần vừa bị khổ cực thể xác, vừa phải trải qua những lời phỉ báng dụ dỗ. Khi quan dụ dỗ thầy đạp ảnh, những người bên lương ở làng Sơn Miêng có mặt cũng ùa vào nói: “Nếu vua có bắt chúng tôi đạp trên đầu các bụt thần, các sư sãi chúng tôi sẽ làm ngay. Còn ông chẳng có lẽ gì mà sợ khi quan bảo bước qua tượng ảnh bằng đồng bằng sắt. Thôi hãy làm đi rồi nếu có tội thì đi xưng tội”.
Một số giáo dân kém lòng đạo cũng đến dụ dỗ: “Không có tội nào nặng đến nỗi Chúa không tha thứ. Thánh Phêrô cũng đã chối Chúa ba lần mà vẫn còn làm đầu giáo hộị Bao nhiêu vị Thánh cũng vậy, thầy đã biết. Thầy hãy bước qua ảnh đi để cả làng khỏi phải oan lây vì thầy”.
Có người còn táo bạo nói dối thầy là Cố Liêu (Cha Retord) có nhắn thầy cứ bước qua ảnh đi rồi về nhà sẽ hay. Thầy Cần đã sáng suốt trả lời: “Tôi không có làm hại người nào. Nếu giữa quan và dân có điều gay go là việc của họ. Làm sao tôi có thể xúc phạm đến Chúa để giải thoát làng xã được? Nếu có thiên thần đến bảo tôi rằng Chúa truyền cho tôi đạp ảnh, tôi sẽ coi khinh ngay và chẳng nghe lời, phương chi là Cố Liêu, nếu người có nhắn như các ông nói, tôi cũng chẳng làm theo lệnh ấy. Nhưng tôi biết chắc là cha không có nói như vậy”.
Cha Retord rất băn khoăn và lo lắng cho Thầy Cần. Sau cùng cha quyết định làm mọi cách để chuộc thầy ra. Cha giao cho mẹ thầy Cần 300 lạng bạc để đút lót cho quan. Bà khúm núm lạy lục quan, quan nhận tiền rồi lại đòi thêm 100, rồi 200 nữa. Cha còn cậy nhờ quan tỉnh Hưng Yên nói giúp. Nhưng vì tổng Hào có người dì là vợ lẽ của quan án trên tỉnh nên không dễ gì thu xếp. Quan lớn trên tỉnh bắt quan huyện phải làm án. Quan huyện làm án tới 4 lần mà không xong. Quan đã làm án cho Thầy Cần phải tạp dịch một năm rưỡi, nhưng quan án cũng muốn đem nội vụ lên tòa tỉnh và ra lệnh cho quan huyện giải tội nhân lên. Thầy bị giam giữ 8 tháng ở huyện Thanh Oai, còn Lý Quang sau khi đã tốn nhiều tiền lo lót cho quan thì đã được về. Trong thời gian bị giam, mỗi tuần có người em lên thăm và trả tiền ăn uống. Có lần bà mẹ thầy đến thăm và dụ dỗ thầy làm theo lối chữa tội của quan để được về. Thầy đã từ chối mạnh mẽ và bảo với lính canh từ nay đừng để mẹ người tới nữa. Thầy cũng nói với cô em đừng lui tới thường xuyên, hãy ở nhà làm ăn, đừng buồn chi đến việc thầy bị bắt. Cũng có 4 vị bô lão xứ Sơn Miêng đến để theo dõi nội vụ, có lần đã thuật lại lời Thầy Cần bảo họ: “Các ông vất vả chạy với quan lo cho tôi nhưng thật vô ích và sẽ uổng mất nhiều tiền. Thời buổi này vua bắt đạo dữ tợn, tôi không thể ra khỏi tù nếu không đạp thánh giá. Ðiều đó tôi sẽ không bao giờ làm”.
Thấy Cha Retord lo lắng, thầy cũng nhắn một người Công Giáo trình lại đừng lo cho thầy phải khổ, nhưng hãy an tâm.
Sau 8 tháng ở tù tại huyện Thanh Oai trong khi có những cuộc dàn xếp, Thầy Cần phải giải lên tỉnh Hà Nội, vào khoảng tháng 12. Vừa lên tới tỉnh, quan án đã ép buộc Thầy Cần quá khoá. Nhưng thầy mạnh bạo thưa: “Nếu muốn quá khoá để được tự do, tôi đã không đợi đến bây giờ. Vì tôi không bao giờ chịu nên mới bị giải về đây cho quan”.
Tới tháng ba quan mới cho gọi ra tòa và ép buộc thầy bước qua thánh giá. Không được như ý, quan cho lính cầm hai đầu gông khiêng thầy qua. Thầy nói lớn tiếng: “Lính của quan lớn mạnh sức, khiêng voi cũng được phương chi khiêng tôi. Tôi nhất quyết không chối đạo. Các quan đừng lừa dối thiên hạ về tôi”.
Khi lính khiêng qua thì thầy cố hết sức co chân lên phản đối: “Tôi không bao giờ dám bước qua cũng chẳng dám đụng chân tôi vào thánh giá Chúa”.
Sau đó các quan làm án tâu về kinh luận tội thầy phải xử giảo. Trong khi chờ đợi lời phê của vua, quan tỉnh hỏi han, ôn tồn dụ dỗ. Quan bảo: “Thôi ông hãy nhắm mắt lại mà bước qua thì chẳng có tội chi vì chẳng biết cũng chẳng tự yù”.
Thầy đáp lại: “Tôi có thể nhắm mắt được nhưng không thể che linh hồn, trái tim tôi và tôi vẫn phạm tội như thường. Bởi vậy tôi không bao giờ làm như quan bảo”.
Lần khác quan lấy hai thanh tre buộc lại làm chữ thập rồi nói: “Ông xem, đây không có hình ảnh Chúa gì cả, đây chỉ là chữ thập, ông hãy bước qua đi rồi mọi sự xong xuôi cả”.
Thầy Cần đáp: “Cái hình này là chữ thập chỉ bởi miệng quan nói ra mà thôi, trong tâm tư quan vẫn coi đó là hình thánh giá. Cũng vậy nếu quan bắt tôi bước qua một cọng rơm mà nói là hình thánh giá thì tôi cũng không bao giờ nghe lời. Tôi càng không có lý nào bước qua hình chữ thập”.
Tại tỉnh Hà Nội, Cha Retord còn vận động hai lần để quan trả tự do cho Thầy Cần. Lần thứ nhất cha nhờ một người thợ mộc làm một hộp chè rất xinh đem biếu quan tỉnh. Quan rất hài lòng muốn làm một cái để dâng vua. Ông thợ mộc mới nói là Thầy Cần là người bà con cũng làm thợ mộc. Quan tỉnh liền nói: “Hãy cho người này về nhà. Hắn không phải là trộm cướp hay nghịch tặc. Nếu các quan muốn giết những người không đạp ảnh thì cả nước này sẽ trở thành một lò sát sinh khổng lồ”.
Nhưng quan án đã vội vàng làm một bản án theo đúng pháp luật nhà nước. Cha Retord còn xin Ðức Cha Havard những lạng bạc cuối cùng để nhờ một quan ở Nam Ðịnh là bạn với quan tỉnh Hà Nội can thiệp, nhưng quan cho biết là bản án của Thầy Cần không thể sửa chữa gì được nữa. Bản tội trạng quan viết như sau: “Tất cả các quan đã nhiều lần và nhiều cách cố làm cho tù nhân bước qua ảnh, song hắn khăng khăng từ chối. Hẳn thật hắn đã bị mê hoặc bởi thứ tà đạo... Mặc dù hắn nhìn nhận những đồ đạo bắt được là đúng những đồ thờ của đạo Gia Tô, nhưng hắn vẫn không chịu nhận là của hắn. Hắn kể ra những nhân chứng để chạy tội song các nhân chứng đều chạy trốn hết. Mặc dù có thể bắt lại những người làm chứng, nhưng các chứng ấy có giá trị gì? Theo luật pháp việc cấm giảng đạo mới thì đã rõ ràng, không cần thêm chi tiết nào nữa. Luật ấy viết: 'Chúng cất giấu các đồ thờ phượng, chúng đốt hương, hội họp ban đêm và chỉ giải tán lúc rạng đông. Chúng giả bộ làm điều lành để lừa dối lòng người. Các đạo trưởng phải bắt bỏ tù để chờ hình phạt xử giảo, còn tín đồ thì phải đánh 100 roi và phát lưu suốt đời xa 300 dặm'. Vậy áp dụng luật nói trên chúng tôi xét rằng hắn là đạo trưởng chứ không phải là một tín đồ thường của đạo bị nghiêm cấm. Vì thế chúng tôi luận rằng hắn phải xử tử”.
Từ khi các quan làm bản án sau cùng đến lúc hành quyết, Thầy Cần trải qua một cơn bệnh, nhưng lại được một linh mục Việt đến an ủi và cha đỡ đầu Retord gửi hai lá thư khích lệ, sửa soạn cho thầy ra chiến trường. Nhờ bí tích giao hòa và thánh thể, Thầy Cần lấy lại được sức khỏe thể xác và tinh thần. Trong cuộc đàm đạo, Thầy Cần và linh mục Việt Nam đã cố ý nói to tiếng về những lẽ đạo và những giả dối của thần phật, với mục đích để cho lính canh và các bạn tù nghe, rất có thể ơn Chúa cũng đánh động tâm hồn họ. Quả thực, một người trong bọn họ đã nói: “Nếu người trẻ này được trở về quê hương, tôi chỉ ước mong mang áo dài đến phủ phục lạy 100 lạy trước mặt ông”.
Ông quan cai ngục cũng nói: “Ông ta cũng chỉ lớn bằng tôi nhưng đã có một trái tim bất khuất. Sau khi chết rồi chắc chắn ông ta sẽ làm thần và trở thành vị thần bảo vệ làng”.
Trong thơ thứ nhất Cha Retord gửi cho thầy, có chứa đựng những lời cao đẹp của hiền nhân về một cái chết oai hùng. Cha viết: “Thánh ý Chúa nhiệm mầu. Có ai tin được rằng khi sai con đi lo việc đạo thì cha đã sai con đi đến chỗ chết. Ai tin được rằng khi con vui vẻ lên đường một chốc nhưng rồi đã bỏ cha ở lại mà không trở về nữa. Cha nghe biết các quan đã ra án tử cho con. Tin này làm cha đau buồn tê tái nhưng cũng tràn ngập một niềm vui khôn tả.... Nỗi khổ cực của con, gông cùm của con còn đè nặng trên cha hơn là chính con. Từ khi con vào trong nhà tù, cha cũng bước theo vào đó và cha rùng mình ghê sợ.... Nhưng đức tin an ủi cha trước những khốn khó của con. Thật vậy, các quan đã làm vinh dự con khi kết án con như là một linh mục. Sợi giây thừng và luật lệ khép án giảo vào cổ là dành cho những người có chức linh mục mà thôi. Hỡi con, hãy can đảm. Con đã tạo nên một quang cảnh làm các thiên thần phải thán phục và con người được hãnh diện. Tên con sẽ vượt xa trùng dương, danh tiếng con sẽ còn tồn tại trong khi những người bách hại con rơi vào mồ sâu quên lãng. Con hãy nhớ lại lời chép trong sách Mạnh Tử: 'Người ta yêu thích xác con gấu, người ta cũng thích xác con cá, nhưng nếu phải chọn một trong hai thì người ta phải bỏ đi xác con cá mà chọn lấy xác gấu. Người ta vừa thích sự công chính và vừa thích sống nữa, nhưng khi phải chọn thì người ta bỏ sống mà lấy sự công chính'. Ðấy con xem, lời hiền nhân ngoại giáo rất đẹp sẽ được người Kitô đem ra thực hành. Hãy ôm ấp gông cùm với sức can đảm và lòng mến như Maria và Madalena ôm thánh giá của Chúa Cứu Thế. Một ngày kia các gông cùm sẽ trở thành hào quang chiếu sáng, hãy đặt chân con vào cùm với lòng sung sướng nghĩ rằng các quan đặt hoa hồng vào chân con, hãy nghĩ rằng đó là những bực thang đưa con lên trời, hãy khoác vào người màn tối tăm của ngục tù với niềm vui mơ tưởng đến tiền đường lâu đài tráng lệ thiên quốc.... Trong sách Thánh còn chép rằng: 'Những cơn gió lớn làm các ngọn cỏ mạnh thêm mà không nhổ được'. Cũng vậy cơn bách hại lung lay con là một cuồng phong. Con hãy là ngọn cỏ vững mạnh, không chịu để bật rễ, đừng tiếc nuối những khoảnh khắc vắn vỏi của cuộc sống khổ sở này. Tiên tri Hôsê (Hosea) đã ví cuộc sống này tan biến như mây buổi sáng như hạt sương đêm và như khói của lò bếp. Con hãy phó thác linh hồn trong tay Chúa, chỉ mong ước được hiệp nhất với Người trên trời. Cha không bao giờ quên cầu nguyện cho con. Trước đây cha coi con như người cộng tác nhưng bây giờ con thực sự là bạn chí thiết”.
Thầy Cần viết thư lại cho Cha Retord tỏ lòng con hiếu thảo cảm động vì lòng yêu thương săn sóc và tràn ngập an ủi được nhận lá thư duy nhất trong tù. Thầy Cần kể lại ngày 22 tuần trăng thứ tư, khi họ cột xích vào chân thầy thì khu phố bị phát hỏa, thiêu rụi 1330 căn nhà. Các quan tin rằng vì bắt bớ người Công Giáo mà Trời giáng họa. Thầy còn thuật lại lời một cai tổng cũng bị tù nói rằng, nếu được ra khỏi tù sẽ tin đạo và làm tất cả những gì đạo truyền. Thầy Cần cũng dùng những hình ảnh đơn sơ để diễn tả tâm tình cao cả. Thầy viết: “Người đời cũng giống như những con nhện rút ruột làm thành mạng lưới để bắt những con ruồi khốn nạn. Phần con, con lại muốn bắt chước con tằm cũng rút ruột nhưng lại nhả tơ xây dựng một tổ ấm để chết và tái sinh thành những con bướm rực rỡ đền đáp công ơn đã được nuôi dưỡng”.
Chính Thầy Cần đã thuật lại cho người bạn học cũ đến thăm về điềm báo ngày tử đạo. Hôm ấy vì thầy đem cho hết các lương thực, nên người bạn mới vặn hỏi tại sao. Thầy thú thực: “Ðêm qua có một thiên thần hiện ra với tôi, rất sáng láng và bảo tôi chỉ giữ lại một số gạo đủ cho đến ngày xử. Vì thế tôi mang gạo cho các anh em bạn tù vì tôi sẽ chết vào ngày mà thiên thần đã báo”.
Lời phê của vua vào bản án đến tỉnh Hà Nội ngày 20-11-1837. Quan Thượng còn truyền quan giám sát đến ngục ép buộc thầy quá khóa để được vua khoan hồng. Thầy Cần ngỏ lời cám ơn các quan và xin các quan cứ lệnh vua mà thi hành. Khi bị điệu ra trước mặt quan án trước khi đến pháp trường, quan án lại ép thầy chối đạo để viết tờ trình xin ơn xá. Thầy Cần quả quyết: “Nếu tôi muốn chối đạo thì tôi đã làm từ trước rồi chứ không để phải giam tù lâu như thế này”.
Quan án lại đem thầy ra trình diện quan Thượng. Quan lớn vỗ về: “Ngươi còn trẻ, hãy chối đạo đi ta sẽ giúp cho”.
Thầy Cần khẳng khái từ chối không làm theo ý quan. Quan lại nói: “Nếu ngươi sợ hình ảnh này thì nhắm mắt lại mà bước qua, nếu có tội sau đó sẽ xưng”. - “Tôi chết như thế này là vì tôi trung thành với đạo lý tôi theo. Ai cũng phải chết cả, người thì chết bệnh, người khác vì trộm cướp hay tham lam”.
Không khuyến dụ được thầy, quan giám sát được lệnh cỡi voi dẫn lính điệu Thầy Cần ra ngoài pháp trường. Thấy đám đông theo sau than khóc, thầy nói với họ: “Ðừng than khóc về cái chết của tôi, nhưng hãy vui với tôi vì tôi được đến gần Chúa tôi. Ðừng than trách những người đã bắt tôi, vì qua bàn tay họ mà tôi được ơn cao cả này”.
Người bên lương nói với nhau: “Ông này có gan thánh gan thần, mới có bấy nhiêu tuổi mà đã khôn ngoan quả quyết, thì phải biết đạo này là đạo thật”.
Thầy còn nói với họ: “Không phải vì trộm cắp cướp của mà tôi phải chết, nhưng chỉ vì lòng trung thành với đạo của Ðức Chúa Trời”.
Tới nơi xử là Ô Cầu Giấy, các lính làm thành một vòng tròn, còn Thầy Cần ngồi trên một tấm chiếu trải sẵn ở giữa. Theo tục lệ, lính mang thức ăn ra cho thầy, nhưng thầy từ chối xin được ít phút cầu nguyện. Sau đó lính cột thầy vào một cọc. Thầy Cần thấy có nhiều bổn đạo đứng đấy thì nói với họ: “Tôi xin cám ơn anh em của tôi. Anh em còn ở lại dưới thế này, phần tôi, tôi ra trước tòa Chúa”.
Sau đó lý hình kéo giây thật mạnh. Quan thấy có điều lạ nói với lý hình: “Tại sao những người khác khi bị thắt cổ thì nhắm mắt lại ngay và thè lưỡi ra, sao ông này vẫn cứ mở mắt? Hay là đạo của họ có phép làm cho sống lại? Hãy chặt cổ cho chắc ăn”.
Sau đó quan quân rút lui, ông Binh, ông Nhật, y sĩ Thanh và bà Ðức liền mang xác Thầy Cần về chôn tại Chân Sơn. Vài năm sau được đem về chôn tại quê là Sơn Miêng.
Cha Retord có lòng tôn kính người đặc biệt. Cha viết: “Tôi thường đi bách bộ tại vườn nơi chôn cất xác thánh nhân. Tôi vui thích nghe những lời cầu khẩn của giáo dân trên mộ người thầy giảng yêu quí của tôi. Tôi cảm thấy hãnh diện đã đào tạo con người trẻ ấy. Tôi vui sướng nhớ lại khi trước người anh hùng tử đạo vẫn gọi tôi bằng cha. Nhưng bây giờ trên trời, người là đấng bầu cử cho tôi. Chính tôi, mỗi ngày tôi quì gối trên phiến đá mộ người và cầu xin chóng mang tôi đến gần cùng với các bổn đạo tôi coi sóc”.
Ít lâu sau Cha Retord đã cho đưa một phần hài cốt Thầy Cần về Ðại Chủng Viện ở Lyon, Tòa Giám Mục và nhà xứ Thánh Georges. Cha Retord làm chứng rằng 11 năm sau cái chết của Thầy Cần, một trong các vị quan xét xử Thầy Cần đã tin theo đạo Kitô.