Trong khi tại Huế, Minh Mệnh tưởng là các thừa sai đã bị bắt hết không còn ai, thì tại Bắc Việt xảy ra vụ bắt Cha Cornay ở Sơn Tây vì bị tướng giặc tố cáo để chạy tội. Cha Cornay bị bắt ngày 20-6- 1837 và được trình về Vua Minh Mệnh. Lần này Minh Mệnh đổ dồn tâm trí vào việc bắt đạo tại Bắc Việt.
Cha Gispert nói rằng vua gửi 5 lệnh tất cả: một lệnh chung cho các quan đầu tỉnh và 4 lệnh cho mấy tỉnh đặc biệt. Tháng 11 năm 1837, tổng đốc Trịnh Quang Khanh, là một người ghét đạo, trông coi Nam định từ cuối năm 1836, bị gọi về kinh chịu khiển trách vì không bắt đạo cho tận tình. Năm 1838, mở đầu cuộc bắt đạo như vũ bão trên khắp các tỉnh Bắc Việt, và từ ngày 7-6 có người tố cáo Thừa Sai Candahl đang lén lút mở trường ở Dương Sơn, cuộc bắt đạo đẫm máu tại Huế bắt đầu. Thừa Sai Delamotte đang trốn tránh tại Nhu Lý đã viết về năm 1838 như sau: “Năm 1838 là một năm khốn nạn và bắt bớ tại Bắc Việt và Trung Việt. Lưỡi gươm bắt đạo đã mặc sức chém giết, nhưng nước trời lại thêm đông số các đấng tử đạo...”
Trong một chỉ dụ gửi cho các quan đầu tỉnh năm 1838, Minh Mệnh hạ lệnh: “Hãy bắt bớ đánh đập không thương tiếc. Hãy tra tấn. Hãy ra lệnh xử tử tất cả những người từ chối đạp ảnh thánh giá. Hãy biết rằng từ chối đạp ảnh là trở thành người phản nghịch. Không cần xét xử, hãy lấy gươm, búa, giáo, tất cả những gì có trong tay mà tiêu diệt những kẻ mù quáng và cố chấp, đừng để một người nào thoát chạy...”
-Ngày 7-3, Cha Jaccard bị bắt.
-Ngày 18-3, Trịnh Quang Khanh, tổng đốc Nam Ðịnh cho đặt thánh giá ở các cửa thành và bắt mọi người ra vào phải đạp lên trên.
-Tháng 4, tổng đốc còn bắt 500 lính công giáo phải bước qua ảnh. Chỉ có 15 người trung thành. Trong đó có ba binh sĩ tử vì đạo được phong thánh là Phạm Viết Huy, Bùi Ðức Thể và Ðinh Ðạt.
-Ngày 17-4, quan bắt được thầy giảng do Cha Viên sai cầm 6 lá thơ: 4 cái gửi cho hai đức cha và thừa sai, hai cái cho cha Việt Nam.
- Ngày 22-4, hai đức cha và cha chính Fernandez bỏ nhà trốn trong nhà giáo dân ở Kiên Lao, một xứ đạo toàn tòng có 5,000 giáo dân.
- Ngày 11-5, làng Vĩnh Trị bị vây, Cha Giacôbê Năm, ông Lý Mỹ và ông trùm Ðích bị bắt.
- Ngày 13-5, Trịnh Quang Khanh không nghe lời bàn của các quan gửi 6 thơ bắt được và phúc trình về cho Minh Mệnh.
- Ngày 22-5, lệnh của vua Minh Mệnh phải bắt cho bằng được 4 thừa sai Âu Tây và hai linh mục bản xứ.
- Ngày 25-5, Minh Mệnh đặt Lê Văn Ðức làm tổng đốc Nam Ðịnh, giáng Trịnh Quang Khanh xuống làm tuần phủ.
- Ngày 27-5, Nguyễn Hữu Hi tố cáo làng Kiên Lao có đạo trưởng Tây ẩn, quan liền mang 200 lính đến vâỵ
- Ngày 29-5, Ðức Cha Delgado bị bắt lúc 8 giờ sáng, Ðức Cha phó Henares, Cha chính Fernandez và Cha Jimeno trốn thoát. Cùng ngày, Cha Giuse Uyển bị bắt tại Tiên Chu, Hải dương.
- Ngày 2-6, ông Tú Khiết tố giác các Cha Khoa, Tự và Ðiểm ở Quảng Trị.
- Lê Văn Ðức nhậm chức tổng đốc Nam Ðịnh. Từ khi nhậm chức, ông ra ba lệnh khác nhau: bắt giáo dân từ 18 tuổi trở lên phải đến nhà quan để ký giấy xuất giáo, các linh mục phải đến ký giấy không theo đạo Gia Tô nữa, ai tố giác được thưởng.
- Ngày 3-6, Ðức Cha Havard phải lên núi ở tỉnh Ninh Bình (Bạch Bát), rồi trú dưới hầm trong rừng với hai thầy giảng, 16 ngày chỉ ăn gạo sống. Ðức Cha chết ngày 6-7 chưa kịp phong chức cho đức cha kế vị, nhưng đã viết di chúc chọn Cha Borie (cố Cao) hoặc Cha Retord.
- Ngày 3-6 Cha Duệ bị bắt ở Trung Lễ.
- Ngày 7-6, quan vây làng Dương Sơn vì có tin báo là Cha Candahl mở chủng viện ở đây. Cha Candahl và Cha Chiêu đã trốn kịp.
- Ngày 7-6 Cha Hạnh bị bắt.
- Cha Vinh Sơn Yến bị bắt ở Kẻ Sặt, Hải Dương.
- Ngày 9-6, Ðức Cha Henares và Thầy Chiểu bị lương dân phản, bắt nộp cho quan.
- Ngày 12-6, các quan Nam Ðịnh ra án cho Ðức Cha Henares và Thầy Chiểu. Vua phê chuẩn ngày 19-6.
- Ngày 14-6, quan làm án cho Ðức Cha Delgado.
- Ngày 18-6, Cha Fernandez và Cha Tuần trốn sang Ninh Bình và bị bắt. Ngày 22-6, Cha Fernandez và Cha Tuần bị kết án. Vua phê chuẩn ngày 18-7.
- Ngày 22-6, hành quyết Ðức Cha Henares và Thầy Chiểu.
- Ngày 29-6, Cha Tự và 6 người bị bắt tại Kẻ Mót, Bắc Ninh.
- Ngày 30-6, hành quyết Cha Ðỗ Yến ở Hải Dương.
- Ngày 4-7, hành quyết Cha Uyển.
- Ngày 10-7, xử án Cha Tự.
- Ngày 14-7, bắt giam Thừa Sai Jaccard.
- Ngày 15-7, Cha Tuần chết rũ tù.
- Ngày 21-7, Ðức Cha Delgado chết rũ tù, xác bị đem ra pháp trường chém.
- Ngày 24-7, hành quyết Cha Fernandez.
- Ngày 28-7, Cha Candahl chết khi trốn tránh.
- Ngày 1-8, quan Hà Thúc Lương bắt được Cha Viên, tác giả 6 bức thư. Cùng ngày, hành quyết Cha Hạnh và Duệ.
- Ngày 9-8, xét xử lại vụ Cha Tự.
- Ngày 12-8, hành quyết Cha Năm, ông Lý Mỹ và Trùm Ðích.
- Ngày 21-8, hành quyết Cha Viên.
- Ngày 24-8, bắt Cha Khoan, hai thầy giảng Thành và Hiếu.
- Ngày 27-8, bản án Cha Tự và y sĩ Cảnh.
- Ngày 5-9, hành quyết Cha Tự và y sĩ Cảnh.
- Ngày 8-9, có bão lớn.
- Ngày 21-9, hành quyết Thừa Sai Jaccard và Thầy Thiện.
- Ngày 13-10, Trịnh Quang Khanh được phục chức tổng đốc Nam Ðịnh, ông ra lệnh bắt giáo dân ký giấy xuất giáo và cứ 25 gia đình có một thầy giáo giảng dậy về việc cúng tế tổ tiên.
- Ngày 24-11, hành quyết Thừa Sai Borie, Cha Ðiểm, Cha Khoa.
- Ngày 17-12, Cha Vialle chết trong rừng.
- Ngày 18-12, hành quyết ba thầy giảng Mỹ, Ðường và Truật ở Sơn Tây.
Tổng kết nguyên trong năm 1838 có 23 đấng tử đạo đã được tôn phong, không kể các vụ bắt bớ khác và thừa sai chết, như Ðức Cha Havard, Cố Candahl và Vialle trên đường trốn tránh.
(bị bắt 9-6-1838, xử trảm 25-6-1838)
Thánh Phaxicô Chiểu sinh vào cuối thế kỷ thứ 18 tại làng Trung Lễ, tỉnh Nam Ðịnh. Ao ước được tận hiến đời mình cho công việc tông đồ phụng sự Chúa, người từ giã gia đình vào Nhà Chúa ngay từ hồi còn trẻ tuổi, và ở đó người được học hỏi luyện tập nhân đức dưới sự hướng dẫn của Ðức Cha Dominic Hernares (Ðức Cha Minh). Sau khi học nhà tràng La Tinh và Lý Ðoán xong, người được làm thầy giảng về giúp Ðức Cha Henares, Giám Mục Phó địa phận.
Hai sự việc sau đây chứng tỏ người có lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa và hăng say giúp đỡ người khác. Có một lần, ngay trước khi bị bắt, người gặp một người lính có đạo đến làng Kiên Lao tìm thầy cả xưng tội rước lễ để được trung thành giữ đạo Chúa trong những cơn thử thách bắt đạo. Người liền cầu nguyện chung với ông lính khá lâu, rồi sốt sắng khuyên bảo ông ráng chịu đựng những cực hình, thà mất mọi sự chứ chẳng thà mất ơn nghĩa cùng Chúa. Lần khác khi vừa mới nghe tin một người em bị bắt vì đạo và đã anh dũng tuyên xưng đức tin, người mừng rỡ vội vàng đi tìm Cha Hiền xin người dâng hai Thánh Lễ cầu cho em được sức mạnh kiên trì xưng đạo thánh Ðức Chúa Trời.
Vì người thường theo Ðức Cha Henares đi kinh lý các xứ trong địa phận đã quen, nên khi Ðức Cha phải đi ẩn trốn người cũng đi theo Ðức Cha chứ không bao giờ có ý định bỏ Ðức Cha chịu khổ một mình. Cũng vì thế mà người đã bị bắt chung với Ðức Cha tại nhà ông Nghiêm, làng Hạ Quang. Khi bị tù người có nói một câu khiến chúng ta nhớ đến hoàn cảnh tương tự của Thánh Lorensô, tử vì đạo, người Tây Ban Nha: “Trong thâm tâm tôi, tôi đã quyết định theo Ðức Cha Henares cho đến chết, cho nên Ðức Cha chịu khổ bao nhiêu tôi cũng sẵn lòng chịu bấy nhiêu. Chớ gì tôi được phúc tử vì đạo cùng Ðức cha.”
Quả thật Thiên Chúa đã nhận lời người cầu xin nên người được diễm phúc chết cùng một ngày và cùng một cách như Ðức Cha Henares.
Khi các quan đã bắt được Ðức Cha Henares và Thầy Phanxicô Chiểu, chúng đóng gông, và tịch thu tất cả mọi thứ của hai vị chỉ chừa lại bộ quần áo rách nát đang mặc, rồi đem hai người về phủ Xuân Tràng và sau đó về tỉnh Nam Ðịnh. Ở cửa thành có một cây thập giá lớn do các quan đặt, để mọi người ra vào cửa thành bắt buộc phải dẫm lên: nếu ai không dẫm lên, quân lính biết ngay là Kitô hữu liền bắt giam người đó. Bởi vậy khi đến cửa thành, Thầy Chiểu liền cố gắng hết mình cúi xuống để lấy cây thánh giá lên ôm vào lòng. Khó khăn lắm người mới cầm lên được vì cổ và tay người đều đeo gông nặng. Người đợi cho đến khi Ðức Cha đi qua cổng rồi mới hôn kính cây thánh giá. Người còn muốn lấy luôn cây Thánh Giá mang theo nếu quân lính không đánh đập và giật lại. Vào cửa thành rồi chúng điệu Ðức Cha ra tra hỏi còn Thầy Chiểu chúng bắt giam trong tù.
Thầy Phanxicô Chiểu bị điệu ra trước công án rất nhiều lần, nhưng lần nào người cũng anh dũng tuyên xưng đức tin, trả lời các quan những lời lẽ rất khôn ngoan không làm hại đến các nhà truyền giáo, các linh mục hoặc các Kitô hữu khác. Các quan bảo người nếu chịu khóa quá thì họ sẽ tha cho, còn nếu không nghe thì phải chết. Nhưng vị anh hùng tử đạo đã mạnh dạn trả lời và được ghi lại trong tài liệu của Ðức Cha Marti: “Ðức Chúa Trời là Thiên Chúa thật, là cội rễ mọi sự, người ta phải thờ phượng cùng kính mến Người trên hết mọi sự, cho nên tôi không dám bước qua. Dù phải chết tôi cũng nhất định không bằng lòng.” Các quan nghĩ rằng có lẽ người chỉ bạo miệng thôi chứ nếu đánh đập dữ tợn thì chắc người sẽ chết nhát mà bỏ đạo, nên các quan liền truyền đóng nọc chân tay người vào ba chiếc cọc dưới đất. Những cái roi liên tiếp giáng xuống thật dữ tợn trên thân xác người. Tới đòn thứ 30 mà vẫn không thấy dấu hiệu khuất phục của người, các quan bèn ra lệnh ngưng đánh đập và đem người trở lại nhà tù, nhưng không quên quàng thêm vào chiếc gông cổ người một dây xích thật nặng quấn chéo trước ngực để cột vào chân người. Thật không thể nào tưởng tượng được vị anh hùng tử đạo này đã phải chịu khổ những gì trong tù. Ðức Cha Marti kể lại trong bút ký của người như sau: “Mười lăm ngày sau, thầy Chiểu gầy đi một cách khủng khiếp, sắc mặt và sức lực không còn nữa.”
Dầu đã yếu đuối, người cũng ráng viết một lá thư cho Thầy Quỳnh, kẻ giảng, đề ngày 21 tháng 6. người viết: “Từ ngày tôi ở đây tôi đã phải chịu đau khổ kinh khủng. Tôi không còn lấy một xu để mua hạt gạo. Thầy có thể đến các cha truyền giáo xin họ giúp đỡ tôi được không. Thầy xin lỗi giùm tôi tất cả những ai mà tôi rất có thể đã làm mất lòng họ cách này hay cách khác. Không bao lâu nữa tôi sẽ chết vì nhờ ơn Chúa tôi đã nhất quyết sẽ không bao giờ khóa quá.”
Ngày 12-6, các quan viết án đệ trình lên vua xét xử: “Ðỗ Văn Chiểu đã theo học danh Trùm Hai (ám chỉ Ðức Cha Henares) những sự dối trá. Tên Chiểu đã không tuân lệnh chiếu chỉ vua truyền cấm đạo Giatô là tà đạo nên đã bị bắt giam. Dù đã tra tấn, tên Chiểu vẫn ngoan cố không chịu bỏ đạo ấy. Vậy tên này là kẻ nghịch không chịu lụy nhà nước nên phải trảm quyết....”
Chiếu chỉ của vua truyền trảm quyết người tới Nam Ðịnh ngày 25 tháng 6, cùng một ngày với án trảm quyết Ðức Cha Henares. Nhưng trước khi ca khúc Khải Hoàn Ca, người còn phải chiến đấu trận chiến ác liệt cuối cùng. Chiều hôm đó quan truyền mang người ra và cố gắng hết sức dụ dỗ cũng như đe dọa để bắt người phải khóa quá. Nhưng được gìn giữ bởi ơn trên, vị anh hùng đã vững vàng trả lời: “Nếu quan lớn có một người con trai rất yêu quí, mà khi quan lớn nằm nghỉ dưới đất, quan lớn có bằng lòng để cho đứa con ấy bước qua và đạp lên quan lớn chăng? Vì vậy tôi lại càng không dám bước qua hình ảnh Thiên Chúa của trời đất mà cả loài người phải tôn kính hình tượng Người. Dù quan lớn có cất sự sống phần xác tôi, tôi cũng không bao giờ dám làm chuyện đoù”.
Nghe người trả lời mạnh bạo như vậy, các quan giận dữ vô cùng. Một vị quan liền nói: “Ðợi hoài cũng vô ích, chúng ta đưa nó đi xử ngay cho rồi.”
Nhưng lúc bấy giờ trời đã tối lắm, nên các quan quyết định cho đánh đòn để hả cơn giận rồi ngày hôm sau mới trảm quyết người. Quân lính vâng lệnh các quan, đánh đập người thật dữ tợn đến nỗi da thịt nát hết và máu chảy ra ròng ròng. Như vậy mà bọn chúng vẫn chưa hả giận, còn căng người trên bàn chông mà lăn qua lăn lại nhiều lần. Cuối cùng khi đưa người về ngục chúng phải khiêng người đi vì người sống không ra sống, chết chưa chết hẳn, nhưng đức tin của người vững mạnh hơn bao giờ hết. Ai mà có thể tin là sức người có thể chịu đựng được những sự khốn khó như vậy nếu không phải là do ơn Chúa?
Ngày hôm sau quan truyền dẫn Ðức Cha Henares và Thầy Chiểu ra pháp trường. Trên đường đi Thầy Chiểu thấy nhiều Kitô hữu đứng khóc lóc liền yên ủi và khuyên bảo họ: “Các ông các bà hãy trở về đi, đừng khóc lóc nữa làm chi vì ngày hôm nay thầy trò tôi sẽ được vào nước thiên đàng là quê thật vui vẻ vô cùng.”
Một tên lính cầm bảng trước mặt và trên bảng viết những dòng chữ sau đây: “Ðỗ Văn Chiểu đã bị những người ngoại quốc lường gạt, lại không chịu tẩy sạch tim hắn khỏi những vết nhơ nhuốc gây ra bởi tà thuyết đạo Gia Tô, vì vậy vua đã truyền lệnh trảm quyết hắn.”
Khi đến nơi xử, quân lính đem Ðức Cha Henares ra khỏi cũi, người liền xin các quan đợi một chút để người dọn mình chết và phó linh hồn trong tay Chúa. Sau đó người xin quan được thấy Thầy Chiểu tử vì đạo trước. Thầy Chiểu quì dưới chân Ðức Cha để lãnh bí tích giải tội lần cuối cùng. Người đang quì gối sốt sắng đọc kinh phó linh hồn trong tay Chúa thì tên lý hình được lệnh tiến hành. Khi lưỡi gươm thứ nhất chém xuống gáy người, người ta còn nghe thấy người cung kính kêu tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần. Nhưng hình như lưỡi gươm sắc bén bị cái xích còn đeo trên cổ người chận lại, sức chém yếu đi, nên tên lý hình phải chém thêm ba lần nữa đầu của người mới rơi xuống đất. Trong khi đó người ta vẫn nghe thấy miệng người thầm thĩ cầu nguyện: “Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa.” Một tên lính liền tung đầu người lên trời ba lần theo thông lệ, để quan và mọi người đều nhìn thấy. Trong khi đó các Kitô hữu đã ào đến hôn kính xác vị anh hùng tử đạo dù các quan đã ngăn cấm và dọa nạt. Họ tranh nhau thấm máu đào của người, có người còn cắt cả râu tóc hoặc quần áo của người. Sau đó các quan cho phép các giáo hữu mang quan tài đến để bỏ xác người vào chôn ngay tại chỗ. Sau này họ đưa về táng ở làng Trung Lê, quê quán của người. Ðức Thánh Cha Leo XIII đã phong Á Thánh cho người và từ đó giáo dân các nơi tuốn đến viếng xác thánh người. Người ta nói đã có rất nhiều phép lạ xẩy ra nhờ lời bầu cử của người.
(bị bắt 9-6-1838, xử trảm 26-6-1838)
Bản tường trình gửi vua Minh Mệnh về cuộc tra khảo Ðức Cha Minh viết như sau: “Hạ thần rất ân hận mà trình rằng, mặc dù đã cố gắng nhiều cách vẫn không thể khai thác thêm chi tiết gì về tên tù phạm. Chính mắt và tai hạ thần đã xem xét thì không có cực hình tra tấn hay phương thế loài người nào có thể bắt nó cung khai những gì nó giữ kín”.
Qua bản tâu trình chúng ta biết được thâm ý của vua Minh Mệnh muốn biết tên và nơi trú ẩn của các đạo trưởng để trừ diệt tận gốc. Ðức Giám Mục Minh tên là Dominic Henares, sinh ngày 19-12-1765 tại tỉnh Cordova bên Tây Ban Nha. Năm 16 tuổi cậu Henares dâng mình cho Chúa trong tu viện dòng Ða Minh ở Niebla. Ngày 30-8-1783, cậu được mặc áo dòng và tiếp tục học thần học. Sau năm thứ nhất, Thầy Henares đã tình nguyện đi truyền giáo tại Á Ðông. Bề trên gửi thầy sang tiếp tục học tại Manila, Phi Luật Tân và được thụ phong linh mục tại đây. Ngày 20-9-1789, cha được lệnh sang Tonkin (Bắc Việt). Trước hết cha đi thuyền sang Macao và cùng với ba cha khác là Delgado, Vidal và Gatellepa. Ðoàn truyền giáo tới nhiệm sở ngày 28-10-1790.
Sau 6 tháng học tiếng Việt, cha được chỉ định làm bề trên chủng viện ở Tiên Chu dạy Latinh cho các chú. Tới năm 1802 cha được cử làm bề trên các cha dòng Ða Minh trong địa phận. Ngày 9-1-1803, cha được tấn phong Giám Mục tại Phú Nhai, phụ tá Ðức Cha Delgado. Ðức Cha nổi tiếng về lòng bác ái và đức khó khăn. Chính người khâu vá quần áo rách của mình và của người khác bỏ đi để đem cho các người nghèo. Cha Hermosilla viết về người như sau: “Người có đời sống đơn sơ, nhiệt tâm cứu các linh hồn và ước ao ơn tử đạo. Người luôn sẵn sàng giúp các linh hồn, dù nửa đêm. Lòng đạo đức của người rất trổi trang, say đắm trong kinh nguyện và chuyên cần học hỏi gương các Giáo Phụ. Ðức khó nghèo làm cho người rộng rãi với người nghèo và trở thành người cha nhân từ”.
Dù người ước ao được đổ máu mình xưng đạo thánh Chúa, nhưng là chủ chăn phải hướng dẫn đoàn chiên trong cơn bách đạo, người phải long đong trốn ẩn khỏi tay những kẻ tìm bắt. Ðức cha đổi tên là Trùm Hai. Ban đầu người rời Tiên Chu để về ẩn náu ở làng Kiên Lao là làng toàn tòng Công Giáo. Ở đó đã có Ðức Cha Delgado đang trú ngụ. Khi lính đến bắt Ðức Cha Delgado thì người chạy trốn sang nhà Bà Tư, ẩn sau cối xay khiến quân lính không thấy được. Ngay sau đó người sang làng Trung Thành, rồi chạy qua làng Quần Anh, làng Xương Ðiền. Trong suốt thời gian này thầy già Chiểu luôn theo giúp người. Sau cùng Ðức Cha quyết định trốn về Tỉnh Ðông. Ra tới biển thì gặp gió to. Thấy con thuyền lâm nguy, một người lương dân tên là Nghiễm, ở làng Cẩm Hà, xin đưa người vào trú tại nhà họ. Người lương dân nói với các tín hữu là đi tìm nơi trú an toàn hơn, nhưng thực ra ông đã đi sang làng bên cạnh báo cho quan đến bắt. Ngày 9-6-1838, quan đem 500 lính đến vây bắt. Người xin với quan là đừng làm tội tên Nguyễn Viết Phương, người đã cho đức cha trú vì lòng bác ái. Họ vẫn bị bắt và đem đi với đức cha. Người này đã bước qua thánh giá để được trả tự do. Trong cuộc thẩm vấn, quan tỏ ra mộ mến và kính phục đức cha và mời người uống trà. Quan dẫn giải đức cha về phủ Xuân Tràng và nhốt vào cũi. Còn thầy già Chiểu thì phải mang gông. Sau đó quan giải về tỉnh Nam Ðịnh.
Ngày 11-6-1838, đoàn người tới Nam Ðịnh. Khi tới cửa thành thầy già Chiểu ôm cây thánh giá lên hôn kính để đức cha đi qua khỏi cửa. Từ đó hai thầy trò phải lìa nhau, đức cha ở trong cũi đặt ở công đường, còn thầy già Chiểu bị giam trong ngục. Tại công đường, Ðức Cha Henares được gặp Ðức Cha chính Y (Ðức Cha Hermosilla) và cha chính địa phận.
Quan tổng đốc Lê Văn Ðức lấy lời khai để tâu trình về kinh, song người không nói gì nhiều. Các quan làm án và yêu cầu đức cha ký vào. Trước khi ký, đức cha yêu cầu họ đọc cho nghe trước. Trong bản án có viết chữ tả đạo và có câu dỗ dành người ta, nên đức cha phản đối yêu cầu sửa lại: “Ðạo Ðức Chúa Trời là đạo chân thật, còn tôi đến nước này là để rao giảng đạo chân thật, đường ngay nẻo chính. Tôi không có lừa dối ai. Vậy nếu quan còn để những chữ này tôi sẽ không ký”. Các chữ trên đã được bôi đi.
Một ngày sau khi đến Nam Ðịnh, các quan biết là không lay chuyển được người thì làm án tử. Bản án được vua Minh Mệnh châu phê ngay và còn viết bên lề mấy chữ như sau: “Dominic Henares dù có trăm mồm miệng cũng không thanh minh được các lời buộc tội”. Vua truyền lệnh thi hành án sớm hết sức và phải bêu đầu ba ngày tại chỗ có nhiều người trông thấy. Bản án về đến Nam Ðịnh là buổi trưa ngày 25-6 nên các quan để lại hôm sau cho đủ thời giờ chuẩn bị.
Các lính Công Giáo phải đút tiền để được chỉ định khiêng người ra pháp trường. Theo sau có đông giáo dân khóc lóc. Ði đầu là người mang bản án đã được vua châu phê, rồi đến cũi đức cha, tiếp đến là thầy già Chiểu, năm người lính khác cũng bị dẫn đi để khủng bố tinh thần, rồi đến các lính và võng các quan. Trong số năm người lính có ba người sau này cũng đổ máu mình xưng đạo, còn hai người đã chối đạo. Thỉnh thoảng quan cho thổi loa và một người hô lên: “Các người từ Ðông Tây Nam Bắc hãy nghe đây, người này là đạo trưởng Âu Châu đến rao giảng tả đạo Giatô. Vì lẽ đó vua đã ra lệnh chém đầu”.
Vào khoảng một giờ trưa ngày 26-6-1838, đoàn người tới pháp trường. Ðức Cha Henares được đưa ra khỏi cũi, liền khuyên người lính khiêng hãy tin tưởng vào Chúa. Người xin được mấy phút cầu nguyện và xin được thấy thầy già Chiểu phải chém trước để người có thể giúp thầy vững tâm. Hai cái đầu lần lượt rơi xuống và tung lên cao cho quan giám sát xem. Theo thói thường khi lính xử tử một tội nhân thì mọi người chạy xa vì sợ hồn người chết nhập vào làm hại, nhưng lần này mọi người xấn lại để thấm máu, có người lấy cả đất đã thắm máu đào. Cảnh chen lấn làm quan phải ra lệnh từ nay trở về sau khi có việc hành quyết cố đạo không được làm như thế. Xác đức cha được quân lính chôn ngay tại chỗ, còn đầu của Ðức Cha Henares được bỏ lại vào trong cũi để trên cọc cao ba ngày ở cửa thành. Sau đó quan ra lệnh bỏ đá vào trong cũi và vứt xuống sông Vị Hoàng để giáo dân không thể lấy được đầu của người. Thế nhưng ba ngày sau có người đánh cá đã vớt được. Mười sáu ngày sau hôm xử tử, giáo dân thừa lúc ban đêm định lấy trộm xác người. Khi vừa rỡ đất ra thì họ ngửi thấy hương thơm ngọt ngào và xác vẫn còn nguyên vẹn nên không dám đưa đi. Hai ba tháng sau có ba người giáo dân đến đem xác người về an táng tại nhà thờ Lục Thủy Hạ và sau đưa về Bùi Chu.
Trong bản án điều tra phong Á Thánh, thầy già Laurenso Khuê, 86 tuổi, quả quyết rằng trong thời kỳ dịch tễ thầy đã mang vải thấm máu đức cha đặt trên mình con trâu bệnh, tức thì con trâu khoẻ lại ngay. Có nhiều người chứng kiến phép lạ nói trên. Ðức Cha Dominic Henares Minh đã được Ðức Thánh Cha Lêo XIII tôn lên hàng chân phước ngày 27-5-1900.
(bị bắt 2-6-1838, xử trảm 30-6-1838 tại Hải Dương)
Thánh Ðỗ Yên là một linh mục rất tuấn tú khôi ngô. Người có gương mặt của một vị anh hùng cương nghị đầy lòng yêu thương mọi người, khi lính triều đình bắt người, họ phải ngạc nhiên vì đã bắt được một linh mục rất khôi ngô tuấn tú. Họ thốt lên: “May quá, chúng ta đã bắt được một linh mục thật kiểng trai”
Thực vậy, từ hồi còn nhỏ, cậu Yên đã tỏ ra là một cậu bé ngoan ngoãn và rất kháu khỉnh. Cậu sinh năm 1764 tại làng Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Cậu bằng lòng bỏ tất cả để dâng mình vào nhà Chúa lúc 12 tuổi. Trong trường học, cậu tỏ ra rất thông minh và đầy đức độ. Cậu không bao giờ làm mất lòng một người nào. Trong hồ sơ phong thánh cho cha, một nhân chứng đã quả quyết: “Cha Yến là một vị đầy lòng từ bi bác ái, tính tình rất dễ thương, đồng thời cũng đầy cương nghị, nét mặt lúc nào cũng vui vẻ. Khi sống giữa giáo dân người luôn luôn sẵn sàng lo lắng cho con chiên và tận tụy hết mình. Sống giữa anh em dòng, người luôn luôn quên mình và thích sống ẩn dật. Người không bỏ qua một cơ hội nào mà không giúp đỡ những người chung quanh. Người rất nhân từ, hiền lành vui vẻ và có trí phán đoán sâu sắc. Tất cả tâm hồn người tập trung mỗi khi dâng lễ và làm các phép bí tích”.
Năm 40 tuổi người chịu chức linh mục do Ðức Giám Mục Delgado, đại diện tòa thánh địa phận Ðông. Trong thời kỳ bắt đạo rất gắt gao của vua Cảnh Thịnh, ai cũng tưởng rằng công việc truyền giáo của cha rất ngắn ngủi. Cuộc bắt đạo rất dã man, Cha Yến đã bị tố giác và bị bắt bỏ tù. Họ đeo gông vào cổ người và xiềng chân bằng xích sắt. Người chịu đau khổ rất nhiều. Sau một tháng giáo dân đút lót cho lính và cha được thả tự do.
Khi trở về làng, cha lại hăng say bắt tay vào việc. Vì đã được nếm mùi đau khổ vì Chúa nên cha lại càng tha thiết muốn chết vì đạo và để dọn mình làm của hiến tế đẹp lòng Chúa hơn, cha đã xin vào dòng Ða Minh năm 43 tuổi. Ngày 22-7-1807, người lãnh áo tập viện và ngày 22-7-1808 người khấn dòng. Lòng mến Chúa mỗi ngày càng tăng lên từ khi người hiến thân trọn vẹn. Người siêng năng cầu nguyện, hãm mình và phục vụ Chúa trong mọi người một cách rất chu đáo.
Khi ra khỏi tù người được đổi về xứ Kẻ Một, sau ít lâu người lại đổi về xứ Kẻ Sặt. Tại bất cứ nơi nào người cũng tỏ ra là một vị linh mục rất đạo hạnh và hoạt động đắc lực cho Chúa.
Vào thời kỳ này có lệnh vua Minh Mệnh cấm đạo và Trịnh Quang Khanh hết lòng chu toàn sắc chỉ lùng bắt các linh mục mà họ gọi là đạo trưởng, vì thế Cha Yến phải trốn tránh nhiều nơi. Cha dự định ẩn trốn tại họ Lục Ðiền. Trên đường đi, cha mệt mỏi ngồi bên gốc tre để nghỉ mát. Có một người ngoại đạo đến dò la tông tích của cha. Cha biết thâm ý của hắn nên giả đò hỏi thăm đường lên Lục Ðiền và Kẻ Sặt. Thấy vậy, người này không còn nghi ngờ nữa. Cha lại tiếp tục lên đường. Sau một lúc người lại gặp một người lạ mặt khác tên là Khán Râu và người này biết chắc chắn người là linh mục. Chàng ta giả đò lo lắng cho Cha Yên và mời vào nhà mình nghỉ mát. Trong lúc đó chàng ta lên huyện báo cho lính bắt. Giáo dân nghe tin lên xin chuộc cha, nhưng cai Khán là tên phản, nhất định không nhận tiền chuộc vì hắn hy vọng sẽ được thưởng nhiều hơn nữa nếu vụ này tới tai vua. Sau đó, được lệnh quan, lính đóng gông, đeo cùm để lôi người về tỉnh Hải Dương, một tỉnh quan trọng miền Ðông. Tổng đốc Hải Dương và Quảng Yên lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ. Ông đã ra án cho Cha Yến, Cha Duệ và Cha Hạnh trong khi lùng bắt Cha Viên theo các lá thơ bị bắt được.
Tin Cha Yến bị bắt tới tai giáo dân Kẻ Sặt. Họ dự định chiêu mộ giáo dân về Hải Dương để đánh tháo cha. Nhưng khi nghe tin ấy người cản ngăn ngay. Và Cha Yến bị tống ngục ngày 2-6-1838.
Ngày 11-6-1838 người bị điệu ra tòa, quan tòa tra tấn người rất dã man và bắt người khai lý lịch rất tỉ mỉ. Mục đích là họ muốn bắt người khai tông tích những linh mục ngoại quốc. Cha Yến vẫn một mực yên lặng và rất hiên ngang nhận mình là linh mục Chúa Kitô. Quãng thời gian này, có một vị lương y tên Hân rất thương mến cha. Ông làm đủ cách để xin tha Cha Yến và đút lót để cha khỏi phải mang gông cùm như những người khác. Chẳng hạn, ông bảo cha nhận mình là lương y nhưng cha thẳng thắn nói: “Tôi không phải là lương y, tôi là linh mục Công Giáo. Phận sự của tôi là dâng thánh lễ và rao giảng tin mừng Chúa Kitô. Tôi muốn chết vì chức vụ này và tôi sẽ chết một cách sung sướng. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một ân huệ nào bằng cách nói sai sự thật”.
Các quan vẫn không chấp nhận lời cha nói và vì muốn làm hài lòng vị lương y Hân nên vẽ vòng tròn và bảo cha bước qua như bước qua thập giá vậy, Cha Yến lớn tiếng phản đối, nhất định không bước qua vòng tròn. Tất cả quân lính rất ngạc nhiên và cảm phục đức tin mạnh mẽ của cha. Họ nghĩ rằng bao nhiêu người tại Bắc Việt đã nói dối để được lợi lộc tí chút, còn Cha Yến, một vị linh mục đã 74 tuổi, già yếu mà nhất định đánh đổi đời mình cho Sự Thật là Thiên Chúa. Mặc dù các quan muốn kiếm cách tha để lấy tiền, đề nghị chuyển vụ án về tỉnh Nam Ðịnh, nhưng Minh Mệnh đã kết án Cha Yến như sau: “Ðỗ Yến, người bản xứ, đạo trưởng đạo Gia Tô đã theo tà đạo, nghiên cứu và dụ dỗ người khác, thần dân của trẫm. Hắn đã bị bắt và không chịu từ bỏ đạo này. Hắn quá mù quáng cố chấp không theo đường ngay. Hắn thật đáng ghét. Vậy hãy chém đầu Ðỗ Yến. Không cần phải đem về cho các quan án tỉnh Nam Ðịnh nữa vì nào có ích chi”. Sắc lệnh trên đến tỉnh Hải Dương ngày 30-6.
Ðứng trước sự cương trực và đức tin dũng cảm hiếm có của cha, quan không còn gì hơn là áp dụng lệnh vua. Cha Yến lúc đó đã quá yếu vì đã trải qua bao đau khổ, nhưng lý hình vẫn không tha và bắt cha đeo xiềng xích gông cùm. Cha đã ngã quỵ mấy lần, nhưng cuối cùng cha cũng bị lôi tới ngã tư gần Kim Ðôi, làng Bình Lao. Họ lấy manh chiếu trải ra trên nền đất gồ ghề và một mảnh chăn cũ đặt giữa, họ đẩy cha quỳ xuống. Cha xin một phút cầu nguyện, họ cho phép cha và sau một phút, cha đưa đầu ra cho lý hình chém. Chỉ một nhát kiếm, linh hồn người lìa khỏi xác. Lương cũng như giáo ùa tới thấm máu và lấy tất cả những gì thuộc về người. Ngã tư nơi Cha Yến bị trảm quyết rất gần Hải Dương và là ngã tư đường đi Nam Ðịnh và Hà Nội. Giáo dân chôn xác Cha Yến tại Bình Lao khoảng tám tháng, sau đó lại di chuyển xác về nhà thờ làng Thọ Ninh của họ. Khi quật xác lên, thì lạ thay xác vẫn còn tươi tốt như cũ, lại xông một mùi hương thơm tho lạ thường. Ðức Thánh Cha Leo XIII đã phong Á Thánh cho người.
Ngày nay các du khách từ Hải phòng ra Hà Nội vẫn phải đi qua trạm xe lửa của Hải Dương và du khách có thể nhìn thấy một ngôi nhà nguyện nhỏ bé xinh xắn đã được xây cất để ghi dấu nơi cả ngàn giáo sĩ và giáo dân bị trảm quyết vì đã không bỏ đạo.
(bị bắt 29-5-1838, chết rũ tù 4-7-1838)
Thầy Uyển là một thầy giảng, sinh tại làng Ninh Cường thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Ngay từ hồi nhỏ thầy đã có lòng mến Chúa một cách lạ lùng. Lòng mến Chúa đã thúc đẩy thầy xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh ngay từ lúc thầy mới 12 tuổi. Trong nhà Chúa, thầy hăng say học giáo lý và đã trở nên một thầy giảng giáo lý có biệt tài. Thầy được chọn làm bạn đồng hành với Ðức Giám Mục Henares trên đường truyền giáo của người. Trong mọi lúc, mọi nơi Thầy Uyển đã tỏ ra là một thầy dòng rất nhiệt thành hăng say phục vụ Chúa trong mọi hành động lớn nhỏ, vì thế thầy được các Bề Trên cũng như mọi người kính nể và tín nhiệm.
Trong thời kỳ Minh Mệnh bắt đạo rất gay go, đức giám mục giao cho thầy trách nhiệm giữ con chiên bổn đạo tại Tiên Chu, mặc dầu thầy chưa lãnh chức linh mục. Sống tại Tiên Chu rất nhiều năm và làm nhiều công việc mục vụ để coi sóc dân chúng, Thầy Uyển được mọi người yêu nể. Khi thầy 63 tuổi thì cuộc bắt đạo càng trở nên gay gắt hơn. Ngày 29-5-1838, lính vua bao vây làng Tiên Chu vì họ đã nghe tiếng Ðức Giám Mục Henares hiện đang lẩn trốn tại đó. Lính quan bao vây làng Tiên Chu nhiều ngày nhưng không bắt được Ðức Giám Mục Henares. Sau cùng họ rất phẫn nộ và đòi mỗi người trong làng phải ra đình để điểm danh và tra khảo lý lịch. Thầy Uyển cũng là một trong nhóm người có mặt. Sau khi tra khảo rồi và mỗi người tiếp tục ra về, Thầy Uyển là người sau cùng. Thình lình lính quan trông thấy áo Ðức Mẹ mà Thầy Uyển đang đeo giấu trong người chìa ra, họ lập tức bắt Thầy Uyển ở lại và tra khảo cặn kẽ. Ai trong giáo dân cũng nghĩ rằng Thầy Uyển đã sơ ý để lộ tông tích nên lính mới bắt gặp, nhưng thực ra ý Chúa nhiệm màu đã chọn thầy và ban cho thầy phúc tử đạo, vì tâm hồn của thầy như một ngành nho chĩu ngọt đã được ngắt đi làm lễ hiến tế. Khi thấy bản áo Ðức Mẹ, lính quan tra khảo thầy có phải là đạo trưởng không. Thầy trả lời là không phải. Bỗng đâu có một tên lính vua diễu cợt và mỉa mai, hắn sờ mũi thầy và nói lớn. “Ông này có mũi dài, chắc hẳn ông là cố Tây”.
Thầy Uyển chỉ lắc đầu và không một dấu tức tối nào ẩn hiện trên gương mặt hiền từ, cương nghị đó. Thấy vậy quan truyền đưa thánh giá để thầy bước qua, thầy nhất định không chịu, quan rất giận, lớn tiếng đe: “Nếu mày không bước qua, tao sẽ chém đầu mày!”
Thầy Uyển ung dung trả lời: “Bẩm quan, nếu tôi bị chém chết, thì tôi mới trông được sống lại”.
Ngay chiều hôm ấy, quan tức giận truyền trói thầy lại và điệu về Hưng An.
Khi đến nơi, quan Tuần lại hỏi thầy, có phải là đạo trưởng hay có chức sắc nào khác và có biết ai đạo trưởng khác ở đây chăng? Thầy Uyển nhất định giữ im lặng. Quan Tuần rất tức bực và giao thầy cho lính để đeo gông và xích rồi bị tống ngục.
Lúc sáu giờ sáng ngày hôm sau thầy lại bị điệu lên quan tuần. Nhưng quan thấy lòng dũng cảm của thầy và đức tin vẫn không bị lay chuyển, quan tuần truyền đem thầy tới tòa án hội đồng. Khi ấy, quan dùng mọi cách để bắt thầy chà đạp thánh giá và ký tờ xuất giáo, thầy khẳng định từ chối. Quan tòa dùng những lời dụ dỗ hoặc đe giết, thầy vẫn một mực cương quyết và tuyên xưng đạo càng mạnh dạn hơn nữa. Khi quan hỏi lẽ đạo, thầy lợi dụng dịp này để giảng giải mười điều răn rất rõ ràng và minh bạch. Khi họ tra hỏi về tông tích của các cha ngoại quốc đang truyền giáo thầy lại yên lặng. Quan Tuần thấy vậy, sai lính xô thầy xuống đất và đánh thầy 39 roi rất đau đớn. Khi chỗi dậy, thầy không thể ngồi lên được vì phần bị đòn quá tàn ác, phần thầy đang có bệnh kiết lỵ nên kiệt sức. Lính cai ngục thấy Thầy Uyển đuối sức nên cho phép thầy uống thuốc chữa trị trong hai tuần lễ. Sau khi thầy lấy lại sức, cai ngục lại điệu thầy ra trước tòa một lần nữa, hy vọng có thể lay chuyển thầy được chăng. Khi thấy thầy phải đeo gông nặng nề, quan tuần bảo thầy: “Lang Uyển hãy xuất giáo đi rồi ta cho về ở với vợ con và anh em”.
Thầy Uyển trả lời: “Thưa quan tôi ở độc thân”.
Quan lại nói: “Không sao, nếu muốn sống thì xuất giáo. Con chó còn muốn sống huống hồ ông là con người, hãy xuất giáo thì ta cho về ngay bằng không thì phải chết”.
- “Thưa quan, nếu quan thương thì tôi được nhờ, bằng không tôi sẵn sàng chết. Còn phải xuất giáo và bước qua thập giá thì tôi không bao giờ làm”.
Nghe thấy thầy nói vậy, quan giận tím mặt và truyền cho hai tên lính nọc thầy ra đánh 18 roi. Một trong những tên lính muốn lấy uy, rút gươm ra nói: “Tao sẽ chém đầu mày!”
Thầy Uyển, nét mặt vẫn bình an vui vẻ trả lời: “Anh cứ chém đầu tôi, tôi sẽ có đầu khác”.
Quan quân thấy đức tin của thầy rất mực anh hùng, họ đem tống giam lại lần nữa để tìm mưu kế khác thuyết phục. Khi ấy thầy đã bị kiệt sức quá nhiều, căn bệnh cũ lại đột phát dữ dội. Thấy vậy có người thương hại và khuyên thầy nên tìm cách chữa trị, thầy nói: “Tôi đã già yếu rồi, không trông sống được lâu, vả lại xin phép đâu có dễ dàng”.
Vài ngày sau, quan lại đòi người ra pháp đình và bắt người phải bước qua thập tự. Quan hứa nếu lần này thầy bằng lòng bước qua, quan sẽ tha cho về ngay. Thầy Uyển thưa lại: “Bẩm quan, tượng này là tượng của Chúa trời đất muôn vật, xứng đáng cho hết mọi người phải thờ lạy. Nếu quan lớn tha thứ tôi được nhờ, bằng không tôi xin chịu chết cách vui lòng”.
Hết mọi người nghe lời ấy thì động lòng thương hại năn nỉ thầy: “Ông chỉ có việc bước qua thôi để được sống, tại sao ông không làm?”
Thầy trả lời: “Ðời sống của tôi mau qua lắm! Tôi chỉ muốn dâng nó cho Thiên Chúa”.
Khi các quan thấy không còn cách nào để thuyết phục thầy, nên truyền bốn tên lính lấy gông mà khiêng thầy qua thập giá. Thầy dùng hết sức bình sinh để co chân lên kẻo chạm phải thánh giá Chúa. Thấy vậy một tên lính bên cạnh lấy gậy đập vào mình thầy rất đau đớn khiến máu tuôn ra và rơi trên thập tự. Trong lúc mê man vì bị đau đớn, người ta thấy thầy kêu tên cực trọng và xin thêm sức để chịu cho tới cùng. Khi thấy hình hài máu me, tiều tụy, một số tù và quan cười nhạo và quát tháo: “Vặt râu nó đi!”
Nhưng không ai dám làm vì thấy thầy gần hấp hối. Thấy lúc thầy gần chết, các quan tưởng rằng thầy có thể đổi ý nên lại truyền bước qua thập giá. Thầy lại tỉnh lại mà cương quyết chối từ. Thấy vậy các quan nói với nhau: “Tên này cả gan thật, bề ngoài như người đang hấp hối thế mà trong lòng nó vẫn khăng khăng không chịu xuất giáo”.
Sau cùng quan truyền đưa thầy vào tống ngục cùng với những người bị án chết. Chính tay quan đã viết bản án như sau: “Nguyễn Ðình Uyển là người bản quốc, hắn đi dông dài, theo tà đạo gọi là Gia Tô, hắn đã dối trá nhiều người và xưng mình là thầy dạy đạo, hắn đã biết lệnh vua cấm theo đạo, nhưng hắn vẫn lén lút và bất tuân lệnh trên. Hiện nay, hắn đang ở tù và bị sửa phạt cách nặng nề nhưng hắn vẫn không tuân phục hoặc muốn ăn năn. Vậy ta xin tuân lệnh vua ra ngày 29-4 về tên Ðỗ Văn Chiểu, vua đã viết Ðỗ Văn Chiểu là người bản quốc hắn đã bị lôi cuốn bởi người khác để theo đạo Gia Tô, hiện nay hắn đã bị bắt và bị tra tấn nhưng hắn không chịu xuất giáo, hắn đáng chết. Vì thế Ðỗ Văn Chiểu bị xử, do đó ta cũng nên áp dụng với tên Nguyễn Ðình Uyển như vậy và đệ vào kinh”.
Khi tin tới Thầy Uyển, thầy sung sướng mừng rỡ và ca ngợi Thiên Chúa. Ðồng thời thầy cũng xin được phép uống thuốc chữa bệnh để chuẩn bị cho ngày ra pháp trường. Nhưng ý Chúa lại khác, Người đã chấp nhận lòng tin yêu mạnh mẽ của thầy. Trong khi ấy bệnh tình thầy quá nặng và chiều ngày 4-7-1838 Chúa rước linh hồn thầy về với Người.
Khi nghe tin ấy, bổn đạo đến xin phép đưa xác thầy về và mai táng tại vườn của nhà Chúa thuộc xứ Tiên Chu, nơi thầy đã sống và phục vụ nhiều năm giữa họ.