(bị bắt 31-7-1838, xử trảm 24-11-1838 tại Quảng Bình)
Ngày 2-7-1838, Ðức Cha Havard trong những ngày trốn chạy cực khổ ở rừng Bạch Bát tỉnh Ninh Bình cảm nghiệm giờ chết đến gần, đã làm tờ di chúc như sau: “Tôi định như thế này: Cha Phêrô Borie sẽ kế vị tôi với tước hiệu Giám Mục Acanthe theo sắc lệnh Tòa Thánh đã ban, trong trường hợp Cha Borie qua đời trước khi được tấn phong thì Cha Retord sẽ kế vị. Ngoài ra tôi cũng quyết định đặt Cha Retord làm cha chính coi phần đàng ngoài của địa phận này cho tới khi đức cha phụ tá và kế vị tôi định thể khác”. Ba ngày sau Ðức Cha Havard qua đời, theo sau là hai đức cha địa phận Ðông bị xử tử, để lại toàn thể Bắc Việt không có giám mục. Cha Pierre Borie chưa nhận được tin thì đã bị bắt.
Cha Pierre Dumolin Borie sinh ngày 20-2-1808 tại làng Cor tỉnh Limousin, Pháp. Chú Borie được cậu ruột là linh mục hướng dẫn đã xin vào đại chủng viện năm cậu 18 tuổi. Trong thời gian này thầy quyết định đi xứ truyền giáo để giúp người xa lạ. Thầy bắt đầu tập chịu khổ cực trong cách ăn mặc cũng như thức ăn, sốt sắng cầu nguyện và thích ở một mình. Năm thứ ba thầy chịu tang cha và từ giã mẹ để vào chủng viện Paris. Thầy đã phải lẻn trốn mà đi vì biết rằng người mẹ ở lại phải đau khổ vô cùng. Trước lòng can đảm và cương quyết, tòa thánh đã chuẩn cho thầy được chịu chức linh mục sớm vào ngày 21-11-1838, vì chưa đủ tuổi. Ngày 1-12, cha xuống tầu sang viễn đông. Trước hết cha tới Macao ngày 15-7-1831, và năm sau, ngày 15-5-1832 tới Bắc Việt. Sau bốn tháng học tiếng Việt cha đã có thể giải tội. Bề trên sai cha đến coi xứ Nghệ An. Tại đây người Việt rất quí mến cha vì cha hoàn toàn đồng hóa như người Bắc Việt. Cha Masson làm chứng rằng: “Dù không hợp đồ ăn Việt Nam, Cha Borie đã ăn rất ngon lành làm như đã sinh ra ở Việt Nam vậy. Hơn nữa cha rất bình đẳng với dân chúng, đôi khi cũng nói đùa với họ nữa”.
Khi có lệnh bắt đạo năm 1833, các thừa sai tản mác, Cha Borie Cao coi xứ Bình Chính, Bố chánh tỉnh Quảng Bình. Cha phải đổi chỗ ở có đến 17 lần. Năm 1835, cha có ý định táo bạo muốn về kinh để biện hộ đạo trước mặt vua, nhưng các thừa sai khác phải can lại vì Minh Mệnh quá hiểu biết đạo rồi.
Năm 1838 vì có kẻ tố cáo cố Kim (Candalh) mở chủng viện ở Di Loan, Minh Mệnh ra lệnh cho các quan lùng bắt, lệnh đến cả vùng Bố Chánh. Trong dịp này có tên Khiết tố giác Cha Khoa. Cha Ðiểm cũng bị bắt theo. Một người giúp việc của Cha Khoa đã không chịu được đòn tiết lộ nơi ở của Cha Borie ở Hướng Phương, nên quan quân lùng bắt dữ tợn. Một người giáo dân tên là Tham đưa người đến trong một hang ở bãi cát. Quan bắt được người con gái 16 tuổi tra tấn nhưng cô cam chịu đòn chứ không khai chỗ trú, nhưng cha cô lại nhát sợ đã dẫn lính đi lẩn quẩn gần chỗ trú. Thấy vậy cha Borie đã chui từ hố cát lên nói với lính: “Các ông đi tìm ai?”
Lúc bấy giờ đang đêm, quân lính nghe tiếng hỏi thì sợ hãi không dám làm gì, xin người ngồi xuống, lúc ấy mới có một tên lính dám xông vào đánh người và bắt người. Hôm ấy là ngày 8-6 âm lịch. Sáng ra, tiếng đồn cha bị bắt lan rộng, chú học trò tên là Tự đã đến gặp cha khóc lóc. Lính thấy vậy thì bắt trói lại. Cha Borie Cao sợ chú nhỏ tuổi không chịu được cực hình thì xin chuộc cho chú, song chú mạnh bạo thưa: “Lạy cha, con trông ơn Chúa giúp cho con chịu sự khó cho đến cùng”.
Thấy vậy Cha Borie xẻ khăn đống đang đội trên đầu làm hai, cho chú Tự một nửa làm dấu kết nghĩa và nói: “Con hãy giữ miếng khăn này làm chứng lời con nói”.
Sau đó cha và chú Tự bị giải về Ðồng Hới. Tại đây cha gặp Cha Khoa, Cha Ðiểm và một số giáo dân khác bị bắt.
Cuộc xưng đạo của người được chính hai vị Thánh Antôn Nguyễn Hữu Năm và Phêrô Nguyễn Khắc Tự, cùng bị bắt và tử đạo, sau này tường thuật lại. Trước hết các quan ở huyện hỏi cha về những người đã chứa chấp cha, nhưng cha đã từ chối không trả lờị Viên ký lục Thông nói với cha: “Nhưng nếu người ta lấy roi sắt đánh trên thân thể, liệu ông có im lặng mãi được không?” - “Ðến lúc đó sẽ hay, tôi không khoác lác trước tòa án”.
Trong những ngày đầu bị giam giữ, Cha Cao đã dùng thời giờ ca hát những thánh vịnh, an ủi giáo dân. Khi các quan hỏi han về lẽ đạo người sốt sắng trả lời tỉ mỉ, giải đáp mọi thắc mắc. Một hôm quan Bộ (tuần phủ) nói cho cha biết sẽ trừng trị bằng những lời nói điên rồ thóa mạ đạo, cha đáp: “Thà rằng đánh đập cho thân xác tôi đẫm máu, xé thành từng mảnh như quan muốn hơn là dùng những lời nói thóa mạ”.
Phần dân chúng có vô số ngưới thích đến nghe cố Cao nói truyện về đạo. Lòng thương mến người và niềm vui phát ra từ nét mặt, mặc dù gông cùm khó chịu đã làm lương dân thán phục. Họ nói với nhau: “Vị đạo trưởng này thật mê say đạo của mình, nếu người có thể tiếp tục dạy chúng ta, chúng ta sẽ tin theo giáo lý của người”.
Từ đó các giáo dân ở các làng không còn bị lương dân sách nhiễu nữa. Thật vậy, có thể nói rằng vị chủ chiên bị bắt thì đoàn chiên được buông tha.
Khoảng tháng Tám, quan tổng cho lính xuống dẫn giải các cha về tỉnh. Ba cha được họ khiêng trên võng vì đường dài. Giáo dân khóc lóc theo chân. Tới bờ sông họ lội nước tới ngực để có thể theo đưa chân các cha cho tới cùng. Ngày hôm sau, 3-8, quan án bắt đầu tra hỏi cha tên tuổi, tầu nào mang cha tới Nam Việt, đã ở trong nước bao lâu, đi những nơi nào. Cha Cao lần lượt trả lời: “Tôi được 30 tuổi rưỡi, đến Bắc Việt trong tầu của một vị quan đại thần, tôi đã thăm viếng tất cả các phần đất trong tỉnh từ 5,6 năm nay. Không có gì quan trọng phải kê khai từng nơi tôi đã đi qua. Tôi đến đây một mình. Và giờ đây tôi bị bắt nhưng tôi không phàn nàn điều gì cả, còn dân chúng là đại gia đình của quan, nên tôi xin quan đối xử nhân từ với họ và để cho giáo dân Bình Chính được bằng yên chỉ vì tôi mà họ phải liên lụy”.
Quan lại nói: “Chúng tôi rất thương dân chúng và quyền lợi của ông, vì ông không phải là kẻ cướp ngoài đường, nhưng chỉ vì ông theo đạo Gia Tô vì thế có lệnh của vua truyền chúng tôi phải tra khảo ông”.
Sau đó lính đóng cọc xuống đất, đè Cha Cao nằm úp xuống rồi cột tay chân vào cọc, độn miếng gỗ dưới bụng cha và miếng khác dưới cằm. Sau đo họ đánh thẳng tay 30 roi. Trong 20 roi đầu cha không than thở một lời mặc dù máu chảy ra đầm đìa. Chỉ 10 roi sau cùng mới làm cho cha rên rỉ. Trong lúc bị đánh cha đã giét khăn tay vào trong miệng. Quan nói với lính: “Ðủ rồi, đánh đập chỉ mất giờ mà thôi”.
Ông lại hỏi Cha Cao xem có đau không. Cha nói: “Tôi là người có xương có thịt như các người khác làm sao khỏi đau được? Nhưng tôi không quan tâm, trước và sau khi đánh đập cũng thế mà thôi, tôi rất hài lòng”.
Thấy vậy quan nói: “Người Âu Châu can đảm không lay chuyển được, chúng ta hãy tra tấn đứa học trò vậy, roi đòn sẻ dậy cho nó biết khai ra”.
Thầy Tự bị tra tấn bốn lần, chịu 110 roi. Thầy Tự một mực cam chịu đòn không khai gì khiến các quan phải thán phục nói: “Cậu thiếu niên này quyết tâm trở thành đạo trưởng và quả thực cậu ta xứng đáng. Cậu được Chúa phù trợ ban sức mạnh và mẫu gương của thầy mình khích lệ”.
Cha Cao còn bị tra hỏi nhiều lần nhưng vẫn một mực im lặng. Quan hỏi tại sao cố chấp như vậy, Cha Cao đáp: “Bên Âu Châu khi một người bị cáo ra trước tòa án xét xử, ông ta sẽ được xét xử theo luật lệ trong nước. Nếu có tội thì bị kết án và đưa đầu ra cho lý hình chứ không có bị đánh đập bắt nhận tội. Ðánh đập chỉ là hành động tàn bạo. Vì lẽ đó mà tôi không nói”.
- “Nếu vua truyền lệnh đòi ông về kinh đô, có lò lửa nung kìm kẹp, thân xác ông sẽ bị lôi ra từng mảnh, liệu ông có thể chịu đựng nổi mà im lặng không?”
- “Khi nào vua ra lệnh sẽ biết, tôi không nói trước được”.
Ðứng trước lòng can đảm bền vững của ông Năm và Thầy Tự, quan đến hỏi Cha Cao, mấy người có đạo khác dễ dàng bước qua ảnh, sao Thầy Năm này lại không chịu. Cha Cao đáp: “Vì mấy người khác không biết đạo cho rõ, không tin cho mạnh, còn Thầy Năm thì đã thông lẽ đạo, lại mạnh tin vững vàng, cho nên không có lẽ mà phạm tội chối đạo bước qua ảnh được”.
Sau cùng ngày 9-11 cả ba quan họp lại mà ra án cho ba cha và tâu về kinh. Trong thời gian tù cha nhận được tin làm giám mục, cha viết thơ lại cho cố Nghiêm và các cha chủng viện Paris, trong đó có đoạn như sau: “Tôi chỉ còn sống ít ngày nữa thôi và tôi để tâm dọn mình cho được chiến thắng trận cuối cùng. Tôi vẫn một lòng tưởng nhớ công ơn giáo hội đã làm cho tôi và cảm ơn các vị đã lo lắng cho tôi. Lòng yêu thương hằng nối kết chúng ta lại với nhau càng làm cho tôi bền chí đến cùng. Chúng tôi phải ra trước tòa quan nhiều lần, và nhờ ơn Chúa chúng tôi đã xưng đạo Chúa là đạo chân thật trước mặt mọi người. Gông cùm, roi đòn có làm cho chúng tôi kinh sợ, song trông cậy vào ơn Chúa phù trợ chúng tôi sẽ được ơn bền đỗ, dâng mạng sống mà làm chứng đạo thánh Chúa”.
Cha Cao vẫn ước ao được sống cho đến ngày bị xử tử nên bảo giáo dân: “Anh em hãy lo thuốc men cho tôi để sống tới ngày vua ra án tử, để như thế tôi chết vì đạo sáng danh Chúa hơn là chết vì bệnh”.
Nếu người ta nói tới đút tiền để cha khỏi bị cơ cực thì người nói: “Tôi không còn sống lâu, cần chi phải đút lót để giảm bớt cơ cực, còn Cha Ðiểm và Thầy Năm đã già có phải gông cùm thì tôi xin chịu thế cho”.
Ngày 24-11-1838, lời phê án của vua Minh Mệnh ra tới tỉnh và được quan đến đọc cho các cha biết. Cha Cao vui mừng lạy tạ quan và nói: “Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề sấp mình lạy một người nào, nhưng hôm nay vì quan lớn đã liệu cho tôi được ơn chết vì đạo thì tôi xin lạy để cảm ơn quan”.
Quan lớn cảm động vội nâng người lên. Lúc ấy quân lính đến để dẫn giải các tù nhân ra pháp trường.
Cha Cao đi trước giữa hai hàng lính, bước chân nhanh nhẹn thỉnh thoảng ngoái cổ lại đàng sau để xem hai cha Việt Nam đi sau. Các đấng, cổ đeo gông chân mang xích, khua vang đường phố, hòa lẫn tiếng kinh đọc và lời ca hát của các đấng làm thành một hoà điệu thấu nhập vào lòng người. Một quan ghét đạo đến gần Cha Cao hỏi: - “Ông có sợ chết không?” - “Tôi không phải là một tên giặc hay là trộm cướp gì mà sợ, tôi sợ có một Ðức Chúa Trời mà thôi. Nhưng mà hôm nay tôi chết, ngày mai ngày mốt lại đến lượt kẻ khác, có gì mà sợ?”
Ông quan giận mắng lại: “Thật vô phép, lính đâu hãy vả vào mặt nó”.
Nhưng lính đi hai bên không anh nào dám làm. Cha Cao thấy vậy thì xin lỗi: “Thưa quan, tôi có thưa lời nào vô phép thì xin quan tha cho”.
Tới nơi xử, đã có sáu tấm chiếu mới trải sẵn, các cha quì xuống và cầu nguyện giây lát. Riêng Cha Cao ngồi xếp tròn, kéo áo xuống khỏi vai chờ lưỡi gươm của lý hình. Sau tiếng còi lệnh thứ ba, lý hình thắt cổ hai cha Việt Nam trước rồi đến người có phận sự chém Cha Cao thi hành nhiệm vụ. Bản án viết trên tấm gỗ như sau: “Tù nhân Âu Châu có tên là Borie Dumolin là ngoại nhân đã dùng lời khai trá, lén lút vào nước, đi đây đó giảng đạo Gia Tô xấu xa để lừa dối và dụ dỗ dân cứng cổ, làm mê hoặc lòng người. Lệnh phải chém”.
Bữa ấy anh lý hình, vì say rượu không tỉnh táo, chém lát thứ nhất trúng tai cha và cằm, lát thứ hai chém đứt một bả vai, và lát thứ ba chém trúng cổ, nhưng không đứt. Anh ta phải chém bảy lát mới kết thúc. Ngay sau đó giáo dân ùa vào tôn kính, thấm máu đào lưu giữ làm kỷ niệm. Theo luật, xác các đấng đã phải chôn tại chỗ xử và năm sau mới có người lén trộm xác ban đêm với sự đồng ý ngầm của quan. Di hài Cha Cao được chôn tạm ở Nghệ An. Năm 1842, được đưa về chủng viện Paris, Pháp.
(bị bắt 2-7-1838, xử giảo 24-11-1838 tại Quảng Bình)
Cha Phêrô Võ Ðăng Khoa sinh khoảng năm 1790 tại làng Thượng Hải tỉnh Nghệ An. Cha là Phaolô Tân, mẹ là Pia Phạm Thị Hoan. Năm chín tuổi cậu Khoa được cha mẹ cho đi học chữ nho. Các cha thấy cậu sáng dạ và ngoan ngoãn đã chọn cậu vào nhà Ðức Chúa Trời ở với Cha Hoa và Phượng. Sau đó chú Khoa được gửi về Kẻ Vĩnh học La Tinh và Lý Ðoán. Thầy Khoa được chịu chức linh mục năm 1830, lần lượt giúp các xứ Bạch Bát, Thanh Chương, Kẻ Ðông, Bình Chính trong hai làng Lu Ðang và Vĩnh Phước. Sau cùng cha được chỉ làm cha xứ Cồn Dừa.
Tướng mạo cha rất nghiêm trang khiến người mới gặp phải sợ hãi, nhưng một khi đã tiếp xúc thì mộ mến nhân đức và lòng ưu ái của người. Suốt đời cha phải cực khổ, đến khi bắt đạo lại phải trốn chạy, không nhà không cửa. Trong hai năm cuối trước khi bị bắt, cha đã trọ tại nhiều nhà vừa để tránh quan quân vừa để củng cố đức tin giáo dân.
Ngày 27-7-1838 Cha Khoa đi làm lễ ở Lễ Sơn bị Tú Khiết mang 15 gia nhân đến bắt. Vì từ 26-6 có lệnh triều đình lùng bắt cố Kim (Cha Candahl) ở 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị và Quảng Bình. Ngày 8-7, quan huyện giải Cha Khoa và 2 chú về tỉnh Ðồng Hới, và một tuần sau quan tra tấn Cha Khoa và tường trình về bộ hình. Cha Khoa cam chịu 79 roi không xưng tên một ai, nhưng chú Khang, học trò của người, vì bị đánh đau và nhát sợ nên đã khai nơi ở của cố Cao (Cha Borie) và một số cha khác ở Bình Chính. Ngày 26-7, quan huyện Nguyễn Tế Thế sai 60 lính đi Cồn Giữa để bắt cố Cao nhưng không được liền đến Hướng Phương như lời khai của chú Khang. Ở đây cũng không bắt được ai nên quan huyện cho lính càn quét các làng Ðan Sa, Diên Phúc và Mĩ Hòa. Vì thế họ đã bắt được Cha Ðiểm ở Ðan Sa ngày 27-7 và Ðức Cha Cao ở Mĩ Hòa ngày 31-7. Thầy Tự nóng lòng muốn biết Ðức Cha Cao gặp nạn thế nào liền đến Mĩ Hòa, nên thầy cũng bị bắt ngày 31-7-1838. Ðức Cha Cao, Cha Ðiểm và Thầy Tự bị giải về Ðồng Hới, nơi Cha Khoa đang bị giam giữ, ngày 2-8.
Khi cả ba cha và Thầy Tự bị giam tại Ðồng Hới, Cố Cao thay mặt trả lời các điều quan hỏi. Ngày 4-8, trong lần tra khảo thứ hai quan có hỏi riêng Cha Khoa: “Trước đây ông có biết hai người này không?”
Cố Cao thưa thay: “Bây giờ chúng tôi biết nhau, nhưng trước đây quan quân lùng bắt, mỗi người tan tác mỗi nơi không gặp nhau”.
Trong nhà tù Quảng Bình, ba cha vẫn cầu nguyện chung với nhau. Có hai người, ông Trùm Năm và Thầy Tự, cũng bị giam nhưng ở lầu dưới.
Ngày 9-11, các quan làm án cho ba cha phải xử tử, hai Cha Khoa và Ðiểm bị xử giảo, còn ông Năm và Thầy Tự giam tù chờ lệnh sau. Ngày 24-11, án của vua phê ra tới tỉnh nhằm ngày thứ Bảy, các cha đang ăn chay. Hôm ấy quan làm cỗ cho các tử tù, song ba cha không ăn chỉ uống một ít rượu cho đẹp lòng quan. Các tù nhân khác đều đứng dậy chào ba cha lần cuối trong nước mắt. Quan nói với các cha là không thể dời việc hành quyết lại ngày khác để các cha có thể ăn thịt được, rồi ông đọc bản án. Cha Cao lần đầu tiên lạy cám ơn quan vì ơn trọng được tử đạo vì danh Chúa, hai Cha Ðiểm và Khoa cũng làm theo. Sau đó ba cha bước theo lính đến nơi hành quyết. Hai hàng lính đi hai bên, ở giữa là Cha Cao đi trước, đến Cha Khoa rồi Cha Ðiểm. Cả ba vị hớn hở bước đi. Có bốn người lính nâng bốn góc gông của các đấng. Tới nơi xử gọi là Tân Ninh, giáo dân trải sẵn sáu tấm chiếu mới. Cha Khoa và Cha Ðiểm nằm sấp mặt xuống chân tay trói vào ba cọc như hình thánh giá. Hai bên đầu giây xiết cổ hai cha, đưa linh hồn các đấng về với Chúa. Tấm thẻ gỗ viết án Cha Khoa như sau: “Võ Ðăng Khoa thuộc làng Thuận Ngãi tỉnh Nghệ An, đạo trưởng Gia Tô phải xử giảo theo lệnh vua”. Xác các đấng được chôn tại chỗ xử, ngoài thành Quảng Bình bên kia sông.
Phêrô Trần Văn Thiềng đã tường thuật việc bốc xác ba đấng tử đạo như sau: “Cha Chính Nghiêm (Masson) coi sóc xứ Nghệ, sai tôi là kẻ giảng Phêrô Trần Văn Thiềng vào Quảng Bình sảnh, Bình Chính huyện, năm 1839, năm An Nam là Kỉ Hợi, vua An Nam là Minh Mệnh thập cửu niên (19).
Người dậy tôi rằng: “Con vào trong ấy mà lo liệu cất xác các đấng về cho cha, mà có đưa về cả được thì tốt, bằng chẳng liệu được cả thì cha cho phép lấy hài cốt các đấng cho dễ như thói An Nam đã quen.”
Tháng mười ta năm ấy tôi ở tại tỉnh Quảng Bình có Thầy Tự là con (thiêng liêng) cố Cao và ông Năm phải giam ở đó. Hai ông ấy bảo tôi rằng: “Ông phải lo liệu đưa xác các đấng ấy đi cho chúng tôi xem thấy, kẻo sau này quan xử chúng tôi rồi thì chẳng có ai đến đây làm chi nữa, mà bỏ các đấng mãi đó thì chẳng được.”
Tôi nói cùng Thầy Nguyên và chị Mễ xin lo liệu chung với tôi. Sau đó chúng tôi vào thưa quan xin người phủ làm đơn cho chúng tôi được lĩnh xác ba ông đạo trưởng, kẻo để các đấng nơi trâu bò đi lại thì chúng tôi lỗi đạo cùng các đấng, vì chúng tôi là đạo kẻ làm con.
Quan liền nói: “Ta chẳng dám phúc đơn vì vua đang ghét lắm. Bay có lấy trộm được thì ta cho phép.”
Chúng tôi bàn cùng nhau lấy trộm xác các đấng ban đêm vào tháng Mười năm ấy. Khi mở xăng Cố Cao ra thì không thối không thâm, trong xăng có nước đứng đến trên cổ chân. Người phải chém đầu, cho nên khi ấy tuốt một cái thì thịt ra một đàng, xương ra một đàng, chân thừa ra ngoài xăng độ hơn một gang thì thịt có mềm song không tuốt đi được. Còn từ vai trở xuống, thịt còn cứng không lấy xương ra được, phải khiêng lên đem vào nhà tế dượng, mà lấy xương ra một đàng, thịt ra một đàng, nhưng cũng không lấy được, vì thịt chắc lắm, cho nên phải đem vội xuống thuyền đến chợ Ðồng Hới một ngày một đêm. Khi đem vào nhà tế dượng, thì có phỏng chừng hơn mười lăm người xem thấy, kẻ có đạo khoảng 4, 5 người mà thôi, còn những người không đạo là kẻ ăn mày cũng xem thấy như vậy.
Ðến tối hôm sau mới lấy xác Cố Khoa thì thịt người có mềm hơn, song cũng chẳng lấy thịt ra một đàng xương ra một đàng được, lại phải khiêng xác xuống thuyền, đến hôm sau lại đưa cả hai xác lên nhà Thầy Nguyên ở làng Mỹ Hương huyện Lệ Thủy. Từ nơi lấy xác mà đến nhà Thầy Nguyên phải chừng nửa ngày đàng mới tới, chúng tôi đào lỗ xuống đất và để xác các đấng xuống, đoạn đổ vôi vào hai xác ấy cho nát thịt ra, để chỉ lấy xương, song thịt cũng không nát. Sau phải xé thịt ra mà lấy xương rồi mới lấy giấm và rượu để rửa, đoạn lấy giấy và vải bọc xác hai đấng ấy và bỏ vào bồ đậy lại. Ðoạn tôi đưa về Nghệ An, Thược Dược xã, Chân Lộc huyện, Kẻ Gốm thôn. Khi ấy hai cố ở đó là Cố Chính Nghiêm (Masson) và Cố Nhượng (Simonin). Hai cố ấy lấy làm mừng, cất xác Cố Cao cách trọng thể lắm.
Ðây là những lời chúng tôi, là kẻ lo việc, xin làm chứng rất thật chẳng dám thêm bớt chút nào, xin người thương cho. Petrus con mọn Thiềng ký”.
Cha Masson tỏ ra hối tiếc vì thầy giảng đã làm theo lệnh từng chữ, khiến không mang thân thể các đấng về toàn vẹn. Họ mang về lần thứ nhất xác Cha Cao và Khoa, lần sau xác Cha Ðiểm. Chiều ngày 2-12, xác các vị được đưa tới chỗ Cha Masson trú. Cha Masson dựng một nhà mồ để hài cốt các đấng, đốt đuốc trọn hai ngày đêm. Hai cố cùng với giáo dân cử hành nghi lễ an táng trọng thể. Trong thánh lễ có năm cha Việt Nam và nhiều Thầy Sáu, Thầy Năm. Sau lễ, hài cốt các đấng được chôn xuống lòng nhà thờ cũ.
(bị bắt 27-7-1838, xử giảo 24-11-1838 tại Ðan Sa)
Ông Phanxicô Nguyễn Văn Sang, người giúp việc và cùng bị bắt với Cha Vinh Sơn Ðiểm làm chứng rằng Cha Ðiểm người làng An Do (Quảng Trị) học La Tinh ở trường Hướng Phương và Lý Ðoán ở Vĩnh Trị, chịu chức linh mục khi đã nhiều tuổi. Cha được bổ nhiệm coi sóc giáo dân xứ Cồn Nầm tại Bố Chánh, tỉnh Quảng Bình. Giáo dân mộ mến cha vì cha hết lòng với họ, chăm giải tội và sai các thầy đi khuyên bảo, rửa tội cho trẻ em. Người dâng lễ mọi ngày và thường có giảng. Người đã nuôi được Cha Chinh, Cha Tự và Cha Triêm. Khi ăn cơm, các người nhà thay nhau đọc sách và nghe cha giảng dậy. Người có lòng kính mến Ðức Mẹ, và tuy tuổi già vẫn thường ăn chay hai ngày thứ Tư và thứ Sáu mỗi tuần.
Khi Cha Ðiểm hay tin Cha Khoa đã bị bắt liền sai ông Sang đi sang làng An Bài để xin giáo dân giúp trốn ẩn. Trên đường đi, ông nghe có tin quan quân đến nhưng ông vẫn cứ đi An Bài. Giáo dân làng An Bài không liệu cách nào được thì có hai ông tình nguyện đưa cha đi trốn. Sáng hôm sau chính hai người này đem lính huyện đến bắt cha và dẫn về Ðan Sa. Hôm ấy là ngày 6-6 âm lịch, cha vì tuổi già và bị đe dọa đã lỡ khai tên mấy gia đình đã cho cha trú. Ông Sang, Thầy Lang và mấy người này cũng bị bắt. Khi cha được dẫn đến quan huyện cùng với Cố Cao và Cha Khoa, cha đã thưa với quan: "Tôi đã già và quá sợ hãi mà khai tên một số người, tôi xin quan trả tự do cho hoï”.
Vì tuổi cao, gần 80, cha không bị các quan tra tấn. Có một lần quan đe sẽ đánh đòn thì Cố Cao đã xin chịu thay. Việc đối đáp cũng vậy, cha để cho Cố Cao thưa thay cho tất cả. Có một lần quan hỏi đích danh Cha Ðiểm: “Trưởng đạo Ðiểm, đã có luật vua cấm giữ đạo này, song nếu ông chịu bước qua ảnh tôi sẽ trả tự do cho ông ngay lập tức”.
Cha Ðiểm đã mau mắn từ chối: “Tôi thà chịu chết trăm lần chứ chẳng thà làm việc ấy”.
Quan đã làm án cho cha, Cố Cao, Cha Khoa, ông Năm và Thầy Tự. Phần của cha, quan viết: “Võ Ðăng Khoa và Nguyễn Thế Ðiểm là người nước Nam tòng phạm với tên Cao làm điều xấu xa, tự nhận là đạo trưởng, dùng những bùa phép kín đáo để dụ dỗ dân chúng đã bị bắt, tra hỏi và không chịu quá khóa. Thật cố chấp không tha được. Vậy phải xử giảo”. Án được châu phê ngày 4-10 âm lịch do các quan Lê Ðang Ðinh, Ðoàn Văn và Võ Trang Phong.
Ngày 24-11-1838, cha đã bị hành quyết cùng với Cố Cao và Cha Khoa, xác được giáo dân chôn ngay tại chỗ xử. Về sau Cha Tự cải táng người về Hướng Phương có xảy ra một sự kiện lạ. Một chú học trò đã lén trộm một miếng xương đốt ngón tay trỏ, liền bị đau bụng dữ dội. Cha Tự hỏi xem có lấy gì không. Sau khi thú tội, trả lại xương và đến cầu nguyện với Cha Ðiểm thì được khỏi ngaỵ
Một truyện khác được kể rằng có một gia đình Công Giáo nhưng không giữ đạo lắm, gặp lúc bắt đạo dữ tợn mà nhà ở gần mộ Cha Ðiểm thì sợ bị bắt, nên đã cả gan phá mộ đi. Ông ta đã phải chết khốn nạn. Năm 1867, một chủ điền thả bò ăn cỏ nơi mộ Cha Ðiểm, thì bò đã bị liệt hai chân. Ông chạy đến mộ cầu xin thì bò mới được khỏi.
(bị bắt 20-6-1837, xử giảo 18-12-1838 tại Sơn Tây)
Khi quan quân bắt Thừa Sai Cornay ở Bầu Nọ, Sơn Tây thì họ cũng bắt ba thầy giảng Mĩ, Ðường và Truật. Ban đầu các thầy bị kết án giam hậu nên không được tử đạo cùng với Cha Cornay. Trong suốt thời gian một năm rưỡi ở trong tù, Thầy Mĩ đã có công dẫn dắt các thầy kia và mạnh mẽ xưng đạo trước mặt quan.
Trong bản án ghi rõ quê quán của Thầy Mĩ như sau: “Nguyễn Văn Hữu, ở làng Sơn Nga, huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nội có tội vì theo đạo Gia Tô. Nó đã xưng nhận như vậy. Án của triều đình xét lại mùa thu năm nay truyền phải xử giảo. Minh Mệnh năm thứ 19 tháng 2 ngày 11 âm lịch”.
Thầy Mĩ sinh năm 1798 tại làng Kẻ Non. Cha mẹ tên là Hữu Ðắc vào bậc khá giả và có lòng đạo đức, dậy dỗ con cái biết chăm lo đến phần rỗi đời đời. Người là em trong số năm người con, anh cả tên là Nguyễn Văn Hữu còn tên người ở nhà là Hào.
Chú Mĩ đã dâng mình trong nhà Chúa, ở với Ðức Cha Longer, sau ở với Cha Luật, xứ Kẻ Ðam. Khi Cha Luật đổi xứ thì chú Mĩ về học ở Vĩnh Trị. Năm 1823, làm thầy giảng giúp Cha Luật ở Kẻ Trình. Năm 1834, thầy vâng lệnh bề trên đi lên miền núi ở Sơn Tây. Sau ba năm phục vụ, thầy đã được bề trên chọn lên chức linh mục, song ý Chúa lại định cho thầy được phúc tử đạo trước.
Ngày 20-6-1837, khi quan vây làng Bầu Nọ, Thầy Mĩ nhờ người đem Cố Cornay đi trốn, còn thầy mang các đồ đạo đi giấu, rồi cùng với các thầy khác theo lệnh quan ra đình làng để điểm mục. Quan vây làng và khám xét từ sáng đến trưa mà không bắt được ai thì định tâm rút quân, nhưng bà Yến là người tố giác đã quả quyết là có cố tây và chỉ mặt Thầy Mĩ, Thầy Ðường và Thầy Truật cho quan bắt. Các thầy bị đánh đòn tra khảo chỗ ở của Cố Cornay, song các thầy can đảm chịu đòn chứ không khai chỗ trú ẩn. Buổi chiều khi Cố Cornay bị bắt rồi, thầy mới khai nơi cất dấu đồ đạo một ít. Các thầy phải dầm sương giãi nắng suốt ba ngày theo đoàn quân về tỉnh Sơn Tây. Trong tù Thầy Mĩ và Ðường phải đeo gông và xích nặng, ban đêm có cùm chân. Trên gông có đề chữ Mĩ, Ðường tôi tớ của Cố Tân. Còn Thầy Truật trẻ, nên chỉ mang gông nhẹ và có thể đi lại tự do trong tù.
Chính ba thầy đã viết thư tường thuật tất cả mọi việc từ khi bị bắt và giam tù cho hội truyền bá đức tin. Về cảnh tra khảo các thầy viết: “Từ khi vào trong tù chúng tôi phải điệu ra trước mặt quan hàng ngày mặc dù chúng tôi đã nhất quyết phủ nhận không biết gì về tướng giặc cũng không bao giờ giúp họ. Các quan vừa đe dọa vừa dụ dỗ để ép chúng tôi tiết lộ về các thừa sai hoặc phải chối đạo. Thầy Mĩ bị coi là tội nhân chính đã phải ra trước tòa quan án 40 lần. Trước hết, họ lột quần áo chúng tôi. Chúng tôi phải nằm dưới đất, tay chân bị trói giang ra các cọc thật đau đớn. Sau đó họ đánh đòn. Lần sau cùng họ đã đánh bằng roi có nhiều sợi chì. Họ thay phiên nhau để đánh. Mỗi lần roi quất các móc chì lôi thịt ra làm thành những vết thương. Thầy Mĩ chịu 130 roi, Thầy Ðường 90 và Thầy Truật 60. Sau lần tra khảo ấy, hai người lính phải khiêng chúng tôi về nhà giam và sau nhiều ngày chúng tôi mới có thể mở miệng nói được vài lời. Mục đích các lần tra tấn là để bắt chúng tôi phải nhận là người phản nghịch và trộm cướp. Vì đã khai là người Kitô từ đầu nên không bị hạch hỏi về đạo nhiều. Chúng tôi đã cực lực phủ nhận lời tố cáo làm phản nghịch mà chỉ nói rằng chúng tôi có mỗi một việc là học đạo và dậy đạo mà thôị Họ bắt đầu quay sang hỏi chúng tôi về giáo lý, đọc các kinh và cắt nghĩa các dấu chỉ. Lời cắt nghĩa của Thầy Mĩ đã làm cho họ thích thú hỏi han thêm. Các quan hỏi: Ngươi thật vô lý, đã thấy hỏa ngục của thế giới mai sau chưa mà hiện giờ đang phải khốn khổ trong hỏa ngục tù đầy này. Các ngươi há không có thần chú bùa phép cho bớt đau sao? Các ngươi bị đánh đau hơn tất cả mọi người khác sao không thấy kêu la?
Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi chịu đựng mà không rên la để được phần thưởng. Dù các quan đánh đập nữa hay kết án tử chúng tôi cũng không giận dữ và không nguyền rủa các vị đâu. Chúng tôi rất sẵn lòng. Từ đó quan nói là không còn muốn kết án những người sung sướng được chết. Chúng tôi đồng thanh thưa lại: Nếu quan muốn làm ơn thì chúng tôi không từ chối ơn được sống, nhưng nếu quan muốn đổ máu thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng còn đạp ảnh thánh giá thì chúng tôi sẽ không bao giờ làm vì để được tự do mà phải làm như thế thì chúng tôi liều mình phải kết án đời đời cả xác lẫn hồn.
Chúng tôi còn bị tra hỏi như thế hai lần khác nữa trước mặt rất đông lương dân đứng chật công đường, trong đó có 8 người giáo dân chối đạo.”
Trong thư Thầy Mĩ không kể hết những điều quan tổng đốc Lê Văn Ðức đã hạch hỏi về đạo như đã có lệnh vua cấm sao còn theo, trong đạo có chuyện làm bùa mê, các đạo trưởng thông gian với phụ nữ, v.v... Thầy Mĩ đã thưa lại: “Thưa ba quan lớn, chúng tôi xả thân cầu đạo, nếu có khoét mắt người nào thì anh em con cái họ để chúng tôi sống chăng? Trong đạo chúng tôi có truyện đồi tệ như thế thì còn dậy bảo được ai. Mà nếu chúng tôi đi tu, nếu có ăn ở thể ấy thì vợ chồng người ta còn để chúng tôi đến nhà mình nữa chăng?”
Quan lại hỏi theo cố tây từ hồi nào và ở những đâu, Thầy Mĩ không thưa tên cố nào và ở nơi nào chỉ nói rằng: “Chúng tôi theo cụ tây mà đi giảng đạo, chúng tôi không thể chối đạo được, không dám bước qua thánh giá Chúa. Các quan muốn làm gì thì làm”.
Khi các thầy bị đánh đau như vậy có người hỏi làm sao chịu được, Thầy Mĩ đã nói: “Khi phải đòn đến bất tỉnh rồi thì quân lính khiêng xuống cuối sân, rắc ít lá vào vết thương thì bớt đau và không sưng lên, nhưng mà chẳng cần phải có thuốc gì, vì giữ đức nhịn nhục và chịu khó bằng lòng là thuốc tốt hơn cả, vì sự ấy làm cho mình được thêm công trước mặt Ðức Chúa Trời. Còn các quan đánh hay làm khổ mà chúng tôi không dám kêu ca là vì cố ý muốn làm đẹp lòng Chúa”.
Chính các thầy viết về cảnh sống trong ngục như sau: “Trở về ngục chúng tôi tiếp tục mang gông nặng và xiềng, phải chịu những hành hạ của lính canh. Chúng tôi phải ngửi mùi hôi thối trong nhà tù chật hẹp ẩm thấp, bao nhiêu những gai nhọn châm vào từ dưới chân lên đến đầu mà chỉ có chết mới được giải thoát. Rồi những vết thương nhức nhối vì tra tấn đánh đập. Bốn tháng đầu Thầy Mĩ và Ðường phải chịu như thế, còn Thầy Truật phải chịu khổ cực ít hơn, cho tới khi có án của Cố Cornay ngày 19-10-1837, và chúng tôi biết là bị kết án giảo giam hậu vì theo đạo Kitô”.
Ban đầu ba thầy bị giam riêng biệt nhau, sau mới được ở chung để có thể an ủi nhau. Cha Triệu được vào trong tù để đưa Mình Thánh Chúa đã không chịu nổi mùi hôi thối khi ra ngoài đã bị ngất xỉu. Các thầy xin Cha Marette gửi cho một cuốn sách ngắm sự thương khó để suy ngắm chung với nhau. Mỗi ngày các thầy lần hạt tràng trăm rưởi. Với người đến thăm, Thầy Mĩ thường khuyên họ chịu khó giữ đạo và làm các việc bổn phận cho nên. Với người nhà, thầy để lại cho họ mấy lời di chúc sau đây: “Thứ nhất anh em hãy ở hòa thuận với nhau trong nhà cũng như ngoài làng, phải giữ đạo cho sốt sắng vì anh em không ở mãi dưới thế này. Thứ hai về phần tôi, Chúa đã định cho được chịu khổ tôi sẵn lòng, khi hành quyết thì anh em hãy lên, để anh em mình được nhìn thấy nhau lần sau hết, và sau đó thì đem xác về nhà quê để được ở gần với họ hàng. Thứ ba, về của cải cha mẹ để lại cho tôi thì xin chia hai phần, một phần anh em giữ lấy còn phần kia anh em dâng cúng vào nhà chung, vì nhà chung đã nuôi nấng tôi và bây giờ tiếp tục nuôi người khác giúp việc hội thánh”.
Thầy Mĩ cố gắng thuyết phục những người đã chối đạo cùng bị giam song không thành công. Thầy cũng năng giảng giải đạo lý cho người bên lương. Thầy viết thơ cho Cha Marette tỏ lòng con hiếu thảo và nói lên quyết tâm trung thành xưng đạo tới chết. Thầy viết: “Vì mọi người đều biết con là thầy giảng đứng đầu và trông coi mọi việc trong nhà Ðức Chúa Trời nên họ đã tra vấn con nhiều. Con vui lòng chịu những khổ nhục dưới thế này để tránh hỏa ngục đời đời. Thánh Kinh đã chẳng viết là Chúa sửa phạt đứa con người yêu thương? Con vẫn không ngừng xin cho được ơn bền đỗ theo thánh ý Chúa”.
Với các nữ tu đã từng giúp các thầy trong những ngày tu, Thầy Mĩ viết thơ cảm ơn, an ủi họ và khích lệ họ can đảm như bà mẹ Macabê chứng kiến các con mình chịu chết. Thầy khuyên: “Chớ gì những bà lớn tuổi và sốt sắng hãy tỏ lòng ưu ái tới những người yếu đuối mới gia nhập đời sống tu, sợ rằng những chị này nản lòng và bỏ ngay đời tu khi thấy cơn sóng gió nổi lên. Các chị cũng đừng bắt chước những người hão huyền thích được phô bầy trước mắt người ta như bông hoa mùa xuân. Trái lại các chị phải nhắc nhở mình luôn đến mục đích đã bỏ đời đi tu, không bận tâm đến nỗi khổ cực của cuộc sống, nhưng tự nguyện hiến thân làm vinh danh Chúa và cứu rỗi anh em đồng loại. Nhà của các chị được gọi là nhà thánh giá, hay thánh giá chính là triều thiên của mọi khổ cực. Các chị đừng lấy làm lạ được thông phần vào thánh giá. Khi vâng lời, các chị đã đi đúng đường lối của mình, đừng nghĩ rằng ngọn núi khác dễ dàng leo hơn. Trên hết các chị đừng mở đường cho mối bất hòa, nhưng nếu lửa bất hòa có đến thì chỉ có nước giập tắt được đó là sự đoàn kết”.
Mùa thu năm 1838, triều đình có thói quen xét lại các vụ án mà không tra hỏi gì thêm. Ngày 17-12, bản án của vua đến tỉnh. Khi hay tin, Thầy Mĩ đang đan thúng liền bỏ đấy để lo dọn mình. Các thầy biên vội vào giấy gửi ra cho Cha Triệu và hẹn ngày phải hành quyết sẽ gặp nhau ở sân dinh quan để lãnh phép xá giải. Việc hành quyết đã không xảy ra ngay hôm đó vì nhằm ngày rằm tháng 11, mọi người kiêng cữ không muốn máu tội nhân đổ ra. Ngày hôm sau, lúc 10 giờ, ba thầy cùng bị điệu ra pháp trường Gò Sỏi với 16 tội nhân khác có 300 lính hộ vệ. Mỗi tội nhân có bốn lý hình đi theo: một người cầm bản án bằng gỗ, hai người cầm xích và gông và người cầm gươm đi sau. Sau cùng là người đánh phèng và hai sĩ quan cỡi voi. Các anh hùng xưng đạo vui tươi bước đi vững chắc, trong khi thỉnh thoảng giữa đám đông nghe thấy tiếng người nói to: “Xem kìa, toán lính của Chúa Giêsu”.
Tới nơi xử, các binh sĩ làm thành vòng tròn chung quanh các tội nhân, trong khi lý hình sửa soạn hình cụ. Thầy Mĩ và Truật bị cột vào cọc gần nhau trên những tấm chiếu giáo dân đã trải sẵn. Các thầy nằm sấp giang tay ra và chân bị trói vào một cọc, sợi giây vòng qua cổ chờ đợi lệnh. Vào khoảng một giờ trưa, lệnh quan vừa phát ra, lý hình kéo giây thật mạnh, các vị anh hùng lắc lư cái đầu trong cơn hấp hối. Ngay sau đó quan đội đã thỏa thuận cho người Công Giáo lấy xác và đem các đồ vật của các đấng đặt ở bên, như giây thừng, xích sắt, bản án. Ðêm hôm ấy hai cha, hai thầy giảng, năm nữ tu và 30 giáo dân đã làm lễ an táng cho các vị tử đạo tại xứ Cao Mai. Suốt trong tám tiếng đồng hồ, 14 cây nến đốt chung quanh, hương trầm tỏa bay nghi ngút cho đến bốn giờ sáng thì các cha rút lui trước, trở về nơi trú ẩn quen thuộc. Xác các thầy được chôn trong gian nhà cuối của bà góa tên là Tín. Bảy tháng sau họ hàng Thầy Mĩ lên đưa xác về chôn ở Kẻ Non là nhà quê như lời thầy đã trối trăn.
(bị bắt 20-6-1837, xử giảo 18-12-1838 tại Sơn Tây)
Phêrô Nguyễn Văn Ðường sinh năm 1808 tại làng Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nội. Gia đình nghèo khó nhưng rất đạo đức, có hai chú ruột làm cha, trong đó có Cha Nguyễn Văn Thi, Thánh tử đạo. Mới được chín tuổi, cậu Ðường đã xin với chú là Cha Thi cho đi ở nhà Ðức Chúa Trời. Cha Thi đang coi xứ Sông Chảy gửi chú Ðường ở với Cha Phượng là cha xứ ở An Tập. Sau sáu năm thì chú Ðường lại ở với Cha Trạch, xứ Bầu Nọ. Năm người được 26 tuổi, bề trên ban sắc cho làm thầy giảng và giúp xứ Bầu Nọ. Thầy Ðường rất vui tính, chăm chỉ làm việc và sốt sắng đọc kinh.
Trong thời kỳ bắt đạo cha xứ phải đi trốn, trong nhà chỉ có Thầy Mĩ, Thầy Ðường và Thầy Truật. Thầy Ðường mau mắn vâng lời thầy bề trên, và cần mẫn làm tràng hạt cho bổn đạo. Khi quan lãnh binh vây làng Bầu Nọ để bắt Cố Cornay, nhưng không được thì người tố giác đã chỉ mặt Thầy Mĩ và Thầy Truật là người của Cố Cornay. Thầy Mĩ và Thầy Truật chịu đòn vẫn không khai nơi trốn của cố, người tố giác lại chỉ mặt Thầy Ðường đang ngồi giữa đám dân chúng nói rằng, thầy cũng là người của cố Cornay. Thế là ba thầy bị bắt trước, rồi sau Cố Cornay cũng bị bắt.
Các thầy bị tra tấn ba lần hết sức dã man đến nỗi Cố Cornay ngồi trong cũi thấy vậy cũng phải hô lên: “Bên nước chúng tôi không có việc tra tấn như vậy”.
Thầy Ðường bị đánh 80 roi. Mọi lần Thầy Mĩ vẫn thưa thay cho cả ba. Thầy Ðường chỉ một mực nói: “Quan lớn muốn tha thì được nhờ phúc dư của quan lớn, mà nếu quan lớn bắt tội phải chém hay chết cách nào thì cũng sẵn lòng. Còn việc bước qua ảnh để chối đạo thì không bao giờ, vì cho dù làm vậy được thong dong ít lâu ở dưới thế này mà lại thiệt mất linh hồn và xác đời đời”.
Các quan làm án cho Thầy Ðường phải xử giảo nhưng Minh Mệnh đã sửa lại là giảo giam hậu.
Trong tù, Thầy Ðường có viết cho Cố Marette mấy bức thư mà cố đã trích lại trong bài tường thuật về tử đạo của ba thầy giảng xứ Bầu Nọ: “Con mọn là Ðường lạy cố ngàn lạy. Con có nhiều tội không đáng viết thơ cám ơn và cầu chúc cố, song tin vào lòng nhân lành của Chúa Giêsu Kitô, con xin Người gìn giữ cố hồn an xác mạnh để giáo hội Bắc Việt được tồn tại lâu dài, nhờ các việc lành của cố. Từ khi con được diễm phúc chịu khổ vì đức tin, con vẫn nương nhờ Thầy Cai Mĩ viết thay. Nhưng hôm nay, trước khi sắp lìa bỏ cõi đời, con tự nghĩ đến công ơn nhiều vô kể của cha, như là cây trên rừng và như hạt cát dưới bể, con sợ là vô ơn nếu không ít nhất một lần, bầy tỏ lòng biết ơn của con. Con chọn ngày hôm nay, là ngày được ơn trọng rước Mình Thánh Chúa. Sau khi tạ ơn Chúa đã đoái thương thăm viếng ủy lạo chúng con trong cảnh tù đầy, chúng con không quên người cha đã có công dậy dỗ săn sóc đến chúng con. Khi con nghĩ đến việc các anh em phải phiêu bạt tán loạn, đến các nguy khốn đe dọa các tôi tớ của Chúa, con đã có ý nghĩ trở về nhà với cha để chia sẻ những giây phút lo âu. Nhưng đàng khác con lại sung sướng nghĩ đến quê trời đang chờ đợi chúng con đến nỗi không còn ước mong điều gì khác nữa. Con dám xin cố nhắn với hai cha chú của con là Cha Thi và Cha Ðệ để làm cho con ba lễ theo ý chỉ sau đây: lễ thứ nhất cầu cho tất cả những người làm việc truyền giáo đã qua đời, là những người đã vất vả vì giáo dân và con đang chia sẻ nghĩa vụ. Lễ thứ hai cầu cho tất cả những ân nhân của con từ bé đến lớn, nhất là những người săn sóc con trong nhà giam. Lễ thứ ba cầu cho cha mẹ con và tất cả những linh hồn đang phải ở luyện ngục. Về phần con, con không xin gì vì tin chắc rằng cha sẽ không quên con sau khi đã chết, cũng như trong suốt đời con”.
Mùa thu năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), các quan triều đình xem lại án và truyền cho ba thầy phải xử giảo. Án lên đến tỉnh ngày 17-12, quan đề lao đã báo tin cho các thầỵ Hôm ấy các thầy cho làm một bữa cơm sang trọng mời các quan coi tù, các bạn tù và lính canh dùng để tỏ lòng cám ơn. Các thầy cũng lo xếp đặt những sự cần thiết và nhắn Cha Triệu đến giữa đám đông trong ngày hành quyết để ban phép giải tội lần sau cùng.
Ngày 18-12-1838, vào giữa trưa, quân lính đến dẫn các thầy ra nơi hành quyết. Mỗi thầy có bốn tên lý hình đi chung quanh. Người ở phía trước cầm thẻ gỗ đề án xử, hai người hai bên giữ gông xiềng và người đi sau cầm gươm. Bản án của Thầy Ðường ghi: “Nguyễn Văn Ðường ở làng Ninh Phú, huyện Thanh Liêm có tội vì theo đạo Gia Tô nó đã nhận. Án mùa thu năm nay truyền cho nó phải xử giảo. Minh Mệnh năm 19, ngày 2 tháng 11 ta”.
Ðến phố Nhi, các lính theo thói trong nước dọn mâm cỗ cho các tù nhân. Thầy Ðường từ chối không ăn gì, nói: “Chúng tôi kiêng không uống rượu là dấu chứng tỏ chúng tôi từ bỏ mọi vui sướng xác thịt và không thông đồng với giặc”.
Khi người ta ép thì thầy uống một chén trà và ăn một miếng giầu. Ðến nơi xử là Gò Sỏi ở Bến Mới (Mông Phụ) Cha Triệu lại ban phép giải tội cho thầy lần nữa. Các lý hình đã không sửa soạn đúng mức, nên khi vừa có lệnh đã kéo giây mà không thắt cổ ngay nên làm cho đầu Thầy Ðường phải vật vã hồi lâu, đập xuống đất. Sau khi chết, các lý hình phải đốt ngón chân cái để xem đã chết thật chưa, nhưng lính đốt cả bàn chân Thầy Ðường khiến dân chúng la lối và quan đánh phạt nó ba cái cán gươm.
Xác ba thầy được người Công Giáo đưa đến Cố Ðô thì tối và tiếp tục lên tới Kẻ Máy (Cao Mại). Nơi đó có Cố Marette, Cha Triệu và Cha Trình làm lễ an táng. Sau lễ, cả ba thầy được chôn trong nhà bà Tín. Sau Cha Phượng cho đem về táng ở gian thứ hai tại nhà thờ Kẻ Máy.
(bị bắt 20-6-1837, xử giảo 18-12-1838 tại Sơn Tây)
Các lý trưởng và hương chức đã nhiệt liệt ca ngợi tấm gương xưng đạo của ba thầy giảng, đặc biệt là Thầy Truật bằng những lời lẽ sau đây: “Chúng tôi không biết Trời đã phù hộ thế nào mà ba tù nhân vững mạnh như thế. Bởi vì lý trưởng và những người khác trong làng bị bắt, chịu tra tấn một, hai lần đã chịu nhận là thông đồng với giặc và chối đạo, trong khi ba thầy phải tra tấn ba lần vẫn một mực trung thành với đạo, không chịu bước qua ảnh”.
Thầy Phêrô Vũ Văn Truật sinh năm 1816 tại làng Hà Thạch, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây, trong gia đình rất nghèo và mồ côi cha từ lúc chín tuổi. Chú Truật lại có một thân xác yếu đuối không làm việc nặng nhọc được. Khi đi học chú thường ghé vào nhà thờ đọc kinh và tỏ ra hiền lành ngoan ngùy. Thấy vậy Cha Tốn nhận chú vào nhà Ðức Chúa Trời năm 1831, chú Truật được 15 tuổi. Nhưng sau một năm vì ốm yếu, cha lại cho chú về nhà với mẹ. Khi Cha Trạch về coi xứ Bầu Nọ thấy chú Truật buồn bã vì không được ở nhà thầy, nên nhận chú vào và cho làm việc nhẹ trong nhà. Nhiều lần chú đã được theo cha đi dậy kinh bổn cho các trẻ. Ðến năm 1836, Cha Trạch phải đổi thì chú Truật được giao cho Cố Marette Phan nuôi và làm việc như người giúp việc. Từ khi chú bị bắt và xưng đạo can đảm, Ðức Cha Tabud mới phong cho làm thầy giảng.
Các nhân chứng đều nói rằng ba thầy, Thầy Mĩ 40 tuổi, Thầy Ðường 30 tuổi và Thầy Truật 21 tuổi chịu tra tấn dữ tợn. Lý hình lấy gai tre cột vào roi để đánh cho nát thịt ra. Thầy Truật phải chịu 60 roi. Ban đầu, quan thấy thân xác ốm yếu của Thầy Truật thì nghĩ rằng có thể lung lay làm cho chối đạo được, nên không bắt đeo gông nặng và xích như hai thầy kia. Song khi thấy Thầy Truật mạnh mẽ xưng đạo thì cũng bắt đeo gông nặng và xích. Có một lần quan dụ dỗ Thầy Truật: “Mày còn bé thế này, hãy quá khóa đi để được về với bố mẹ”.
Thày Truật đã lý sự hỏi vặn lại: “Các ông có dám bước trên cha mẹ mình không?”
Trong tù, Thầy Truật ra sức khuyên bảo người khác và những người đến thăm phải bền bỉ giữ đạo, và bỏ những việc thờ lạy dối trá. Thầy cũng được Cha Triệu lẻn vào trong tù thăm và cho rước lễ bốn lần, mẹ thầy cũng lên thăm con hai lần. Thầy viết cho Cha Marette bức thư từ biệt sau đây: “Tháng 9-1838, con mọn là Truật dâng cố muôn ngàn vạn lạy. Con thật sung sướng được Chúa tiền định cho ơn phúc tử đạo. Con thành thật mà nói như thế không phải để khoe khoang trước mặt cha là người xét xử phải trái. Con không có ân hận vì phải từ bỏ cuộc sống nầy. Con chỉ buồn có một điều là cha con mình phải xa nhau. Trước đây còn được ở với cha sao bây giờ cha con mỗi người mỗi nơi? Có ai ngờ rằng cha và các thầy, anh em con, mỗi người phân tán vì cơn bão táp như đàn ong vỡ tổ, như bầy chim lạc đàn bay trong rừng núi. Thiên Chúa đã cho xảy ra như thế để sửa phạt các lỗi lầm của chúng con và đồng thời muốn làm cho chúng con trở thành đài kỷ niệm, để các thế hệ mai sau biết được cơn thử thách ghê gớm chừng nào. Có lẽ chỉ trong ít ngày nữa, con mọn cha chấm dứt công việc dưới thế. Than ôi, con đã chẳng giúp được gì cho cha và cho việc truyền giáo. Vậy mà cha yêu thương con với tình âu yếm hơn người mẹ. Cha đã thương giúp cả gia đình con nữa. Nhưng trên hết cha đã thương ban cho con chức thầy giảng mà con sẽ không cám ơn cha, vì con thấy mình chẳng đáng song chỉ vâng theo lòng tốt của các đấng bề trên. Con xin cha miễn cho con khỏi mang danh hiệu đó. Con không muốn làm thầy ai vì sợ rằng chỉ làm tăng thêm sự lẫn lộn. Con mọn cha sẽ không bao giờ quên những lời cứu sống cha đã ban trong những ngày cuối cùng này. Con còn cần nhiều lời chỉ dẫn của cha để bền vững ở giữa hốc đá nguy hiểm làm đắm tầu khi cơn bão táp đến không còn thấy đâu là bến bờ. Nếu con gặp phải tai nạn này thì đâu là hy vọng cứu rỗi cho con. Vì thế nhận biết mình yếu đuối con trải qua những ngày đêm này trong nỗi lo sợ. Xin cha hãy cầu nguyện nhiều cho con, để trong cơn chiến đấu Chúa ban cho con ơn sức mạnh giữa thử thách và ơn chết tử đạo như Thầy Cần. Con mọn xin chào từ biệt cha trước, đang lúc hoang mang về ngày sau cùng của đời mình và trong nỗi lo sợ trong ngày hành quyết có làm trọn tâm nguyện hay là làm tan nát cõi lòng của cha cũng như của con”.
Mùa thu năm 1838, triều đình xét lại án và truyền lệnh phải xử giảo cả ba thầy. Khi án về tới Sơn Tây, quan giám sát và thông lại vào tù báo tin, thì cũng khuyên Thầy Truật: “Mày còn trẻ mà liều mình mất các thú vui đời này, theo những lời hứa hẹn vu vơ đến phải chết thật là dại dột”.
Thầy Truật thưa lại: “Người nào chịu chết vì đạo thật chắc chắn về sau sẽ được phước thật đời đời, sao lại bảo tôi là dại dột?”
Trên đường ra pháp trường, Thầy Truật nhận ra Cha Triệu trong đám đông và đã nhận phép giải tội lần nữa. Thầy đi những bước vững chắc, nét mặt hân hoan vì nghĩ rằng mình đang đi về quê thật. Trông thấy gương mặt trắng trẻo tươi vui của Thầy Truật, lương dân đã phải thốt lên: “Thật uổng, ông ấy không chịu quá khóa phải chết như thế”.
Tới nơi, ba thầy ở giữa vòng lính, sát cánh nhau chờ giờ chết. Giáo dân đưa cho lý hình chiếu để trải. Các thầy trông thấy Cha Triệu thì quỳ xuống lĩnh phép giải tội. Sau đó lý hình tháo gông và xích, các thầy nằm úp mặt để họ sửa soạn công việc. Thầy Truật được lý hình kéo hai tay cột vào hai cọc, các ngón chân cái được cột lại với nhau vào một cọc khác. Có hai cọc lớn ở hai bên để cột hai đầu giây thắt cổ, ở giữa có nút thòng lọng mắc vào cổ tử tội. Người lính cầm bản án đi đến trước tội nhân. Ðúng lúc hành quyết thì cắm xuống đầu tội nhân. Mỗi đầu giây có hai người lính theo lệnh quan thì kéo thật mạnh. Lý hình kéo giây lúc thì về phía này lúc về phía đối diện trong thời gian khá lâu đến nỗi tử tội đổ máu nơi mũi. Sau đó họ đốt chân xem đã chết thật chưa.
Sau khi hành quyết xong, giáo dân xứ Bạch Lộc đem xác ba thầy đến Kẻ Máy nơi có sẵn Cố Marette và hai cha cùng giáo dân chờ đợi để làm lễ an táng. Gần sáng, xác ba đấng được chôn trong nhà bà Tín. Sau này khi cơn bắt đạo tạm yên, giáo dân đem xác các đấng về chôn ở nhà thờ Kẻ Máy. Ðến khi Cố Ðông lo việc làm hồ sơ án phong thánh lại đem xác Thầy Truật về Kẻ Sở. Tại Kẻ Máy chỉ còn xác Thầy Ðường mà thôi.