Tuy Minh Mệnh lấy vương hiệu là Nhân Hoàng Ðế nhưng con người thật của Minh Mệnh lại độc ác đến nỗi các thừa sai phải gọi ông là Néron Việt Nam, hay có trái tim Néron. Sử gia Trần Trọng Kim dù cố gắng biện hộ cho vua Minh Mệnh cũng đã phải nhận ông là một vị vua khắc nghiệt.
Thừa Sai Miche ghi lại năm 1841, tức là ngay sau khi Minh Mệnh qua đời, ba sự kiện về Minh Mệnh được tuyên truyền. Sự kiện thứ nhất là khi có giặc nổi loạn ở miền Nam, Minh Mệnh sợ hãi và phòng xa cho cuộc chiến đấu nên đã giao cho một vương phi xây hầm bí mật để chôn cất tài sản. Ban đầu Minh Mệnh còn cho vị vương phi này nhiều đặc ân khiến mọi người khác phải ghen tương, nhưng khi việc đã xong ông hạ lệnh cắt lưỡi bà. Sự kiện thứ hai, Minh Mệnh muốn chiếm đoạt tài sản của một phú hộ ở kinh đô bằng cách lấy con gái ông làm nàng hầu. Sau khi lấy rồi Minh Mệnh bắt đầu hất hủi để ông nhà giầu dâng cúng từ từ hết cả cơ nghiệp. Cuối cùng người nàng hầu được cho về với gia đình. Sự kiện thứ ba, Minh Mệnh thường thích xem cọp cấu xé con vật. Ðể xem cảnh dã man đó, ông đã ra lệnh vất một vật vào chuồng cọp và bắt người lính cận vệ chui vào chuồng cọp để lấy. Người lính đứng trước cái chết không thể tránh thoát, một đàng nếu không vâng lời sẽ bị giết vì tội khi quân, còn đàng khác nếu vâng lời thì phải làm mồi cho thú dữ, nên đã vào chuồng cọp để Minh Mệnh được xem cảnh thú ăn thịt người. Nhưng cọp đã để người lính bình yên vô sự.
Tác giả Trần Thanh Mại cũng kể vài sự kiện về Minh Mệnh. Một hôm Minh Mệnh đang ngồi trên Ý Phong Ðài trông ra biển suy tư. Khi thấy có một vật nhấp nhô ngoài biển, ông ra lệnh chèo thuyền ra xem. Ðó là một viên suất đội sống sót sau khi cả tầu tuần dương bị quân Trung Hoa đánh bại. Sau khi nghe trình bầy sự việc, Minh Mệnh ra một bản án như sau: “Ngươi làm suất đội có phận sự giữ gìn bờ cõi cho quốc gia, coi trong tay 50 mạng người. Gặp giặc không đánh được giặc lại để thua, chết hết cả thủ hạ của mình, mà còn tham sống mong thoát một mình, không biết thẹn với cái chí khí làm trai. Chém đầu đi, chém đầu bêu ngay lên cây dừa cho ta”. Lần khác bắt gặp một viên coi việc đong lương không chịu dùng ống gạt miệng đấu, ông bèn truyền lệnh chặt đứt hai bàn tay của kẻ phạm lỗi, rồi lấy những vật đẫm máu ấy chấm lên mặt tất cả các viên chức thuộc sở đong lương.
Vào mùa Thu nhà vua thường xét lại các vụ án, Minh Mệnh đã bác bỏ bản án của phủ và tha bổng tội nhân. Minh Mệnh phê: “Thị Hai là con gái 20 tuổi, chị dâu nó 23 tuổi. Tuổi tác xê xích ngang nhau, tất nhiên sức lực cũng xấp xỉ ngang nhau. Nếu có cuộc ẩu đả thì tất cả hai bên đều phải bị thương gần như nhau và Thị Bụi không đến nỗi mang thương tích nhiều như thế. Dù cho Thị Hai có quá hung tợn và khoẻ mạnh mà ức hiếp chị dâu nó đến nỗi chị dâu không thể chống cự và tự vệ được tí nào, nhưng còn chồng nó ở đâu? Không nữa còn cha mẹ chồng nó ở đâu? Không nữa còn gia nhân tôi tớ nó, đến không có nữa thì hàng xóm tiếp cận nhà nó? Không có người này can ngăn thì có kẻ khác, có lý đâu họ chịu để cho Thị Hai hành hung đến nỗi Thị Bụi bị đánh lòi cả mắt, đứt cả tai, sập cả máu mũi và bầm tím cả thân mình mà chết? Sự đó chứng tỏ rằng kẻ bạc mệnh bình sinh cũng ngoa ngạnh lăng loàn lắm. Cho nên em dâu ghét đã đành mà đến chồng cũng ghét, ông già bà già cũng ghét, gia nhân đầy tớ không ai ưa, mà xóm giềng cũng chẳng ai có chút tình thương hại. Xảy ra cuộc ẩu đả mà không ai thèm can, mà có lẽ tất cả mọi người đều có dự phần vào đó nữa cũng nên, xem các thương tích nhiều và khác nhau cả như vậy thì đủ biết. Nay Thị Hai công khai nhận tội lấy một mình, ấy là vì sợ liên lụy đến cha mẹ, anh em, bà con, làng xóm, ấy là cao thượng. Nếu thị có tội thì bấy lâu nay bị tra khảo, giam cầm nhiều như thế cũng đã vừa. Nay phê cho tha bổng. Còn các án quan phủ và bộ vì điều tra không chu đáo, không thông minh, phải giáng nhị cấp lưu. Bộ hình phải trình tên những người can vào việc để thi hành trừng phạt”.
Năm 1816 Gia Long không nghe lời bàn của các quan đại thần đã đặt Hoàng Tử Ðảm, con vợ lẽ làm Thế Tử, thay vì con của Hoàng Tử Cảnh, viện lẽ rằng người ta đòi nợ thì đòi con chứ không ai đòi cháu. Từ khi được chọn làm thế tử, Hoàng Tử Ðảm đã tỏ ra không ưa thích các thừa sai. Năm 1817, ông nói với các thừa sai rằng nếu họ muốn giữ đạo thì về Âu Châu mà giữ. Tuy nhiên ông chưa dám làm hại họ vì Vua Gia Long còn sống và những người giúp lập nghiệp như Vannier, Chaigneau đang làm quan trong triều. Năm 1819 trước khi từ trần, Gia Long để lại một di chúc cho Minh Mệnh trong đó khoản 36 viết về tôn giáo: Ðạo Thiên Chúa, đạo Nho và đạo Phật đều tốt cả. Không được phép bách hại đạo nào vì sẽ gây ra các vụ rối loạn trong nước, có khi làm mất nước nữa. Nhưng châm ngôn của Hoàng Tử Ðảm là: Trong một nước không thể có hai đạo.
Khi Hoàng Tử Ðảm lên ngôi, lấy hiệu là Minh Mệnh, ông đã khôn khéo dung hòa để củng cố địa vị cho vững chắc. Ông không bao giờ ra mặt lên án đạo mà chỉ xúi bề dưới làm kiến nghị. Nếu phải xử thì ông giao cho các quan nghị án, nếu không vừa ý thì ông bắt các quan viết án lại cho tới khi theo đúng tim đen của ông. Tháng 1, 1821, khi các quan đề cập đến đạo Hồi Giáo Ma-Hô-Mét, Minh Mệnh nói: “Trẫm cũng ghét đạo của người Âu Châu. Trẫm sẽ cấm và bắt bớ đạo cho tới khi tận diệt gốc rễ.” Khi các quan trình bầy việc bắt đạo bên Nhật, Minh Mệnh cũng nói ngay rằng những cách ấy không khéo, người An Nam có cách hay hơn nhiều. Năm 1822 Minh Mệnh cho phép tầu buôn Anh đến nhưng cấm không cho mang theo thừa sai và thuốc phiện. Minh Mệnh cũng nói với các quan rằng trong nước có nhiều thừa sai nên ông sẽ trục xuất hết khi có tầu ngoại quốc đến. Từ năm 1825, Minh Mệnh không còn nói xuông ghét đạo mà đã bắt đầu kế hoạch diệt đạo từ từ. Tầu Thétis đến buôn bán có chở theo Cha Regéreau nhưng không được phép xuống tầu. Ban đêm giáo dân lén lút giúp người trốn xuống, nhưng sau đó bị lùng bắt nghiêm ngặt. Trong dịp này, các quan theo ý Minh Mệnh bàn việc cấm đạo nhưng nhờ có sự can thiệp của mẹ vua, thuyết phục ông là tất cả các vua bách hại đạo đều làm mất nước, nên mới không có lệnh cấm đạo.
Còn nhiều người chống đối việc bắt hại đạo, nhưng Minh Mệnh dùng trí xếp đặt một kế hoạch đại qui mô. Với danh nghĩa cần người thông dịch, Minh Mệnh ra lệnh tập trung các vị thừa sai về kinh đô, một hình thức giam lỏng và kiểm soát các hoạt động của các đấng. Thượng Công Lê Văn Duyệt phải khéo léo lắm mới có thể thuyết phục Minh Mệnh trả tự do cho họ. Nhưng Minh Mệnh để ý dò xét tìm cơ hội bắt lại.
Năm 1830, có hai vụ rắc rối tại Mông Phụ (Sơn Tây) và Dương Sơn (Quảng Trị), vua Minh Mệnh đã chuyển mọi lời vu cáo vào tội thực hành đạo Công Giáo nên ông ra lệnh trừng phạt hai họ đạo nói trên. Lệnh được sao gửi đi các tỉnh để theo đó làm mẫu xử các vụ liên quan đến người Công Giáo. Khi Lê Văn Duyệt chết rồi thì Minh Mệnh không còn sợ ai nữa, ra lệnh bắt đạo và giết các đạo trưởng. Từ đó thiên tai và giặc giã liên tiếp xảy ra khiến Minh Mệnh phải làm bản cáo tội với trời đất và nhân dân, đồng thời định ăn chay một năm. Nhưng ông không coi việc bắt đạo là nguyên nhân gây rối loạn và thiên tai trong nước. Năm sau, Minh Mệnh mô phỏng các điều trong đạo đặt ra 10 điều răn bắt phải học hỏi trong dịp lễ lớn, và rước sách bản điều răn nàỵ Khi bắt được Thừa Sai Marchand trong vùng giặc Lê Văn Khôi ở Gia Ðịnh, triều đình theo lệnh của Minh Mệnh tìm mọi cách bắt người phải nhận tội đã giúp quân phản loạn. Dù không được như ý, Minh Mệnh vẫn ra sắc lệnh cấm đạo, rêu rao bắt được người Công Giáo trong hàng ngũ phản nghịch. Một vài vụ án xử tử người Công Giáo, quan đầu tỉnh phúc trình là họ đã bỏ đạo. Minh Mệnh hả dạ được một chút thì có tin bắt được 6 bức thư, trong đó có 4 thư gửi đạo trưởng. Cơn thù ghét đạo lại nổi lên, Minh Mệnh ra lệnh dốc toàn lực để bắt hết các đạo trưởng. Từ năm 1838, máu tử đạo lại chan hòa khắp nơi. Bao nhiêu hình phạt giáng trên đầu những người ra tay bách hại. Cũng năm đó Minh Mệnh bị đau bụng trầm trọng, các y sĩ không biết cách nào mà chữa. Trong lúc ông đau đớn nhất, các con cái và những thượng quan đến thăm lại nói với ông vì bắt đạo Công Giáo nên phải chịu đau đớn này như là hình phạt. Tức thì Minh Mệnh nhỏm dậy, trợn trừng mắt quả quyết khi khoẻ lại sẽ bắt đạo và tận diệt cho đến cùng. Trong mấy năm cuối cùng, quả thực lòng thù ghét đạo Công Giáo của Minh Mệnh lên cực độ đến mức không nhịn được nữa ông đã bùng ra mọi cách bách hại đạo như một con thú dữ vồ mồi. Năm 1839, ông liên tiếp ra sắc lệnh giảng huấn, dựng chùa miếu và cho hạn một năm phải làm cho mọi người chối đạo để hả dạ. Nhưng chính Thiên Chúa đã ra hạn cho ông. Ðúng hạn ông đã ra cho các quan thì chính ông đã ngã ngựa và chết ngày 20-1-1841, năm Canh Tý, thọ 50 tuổi, làm vua được 21 năm. Thừa Sai Masson cho biết ngay sau khi Minh Mệnh chết, hai ngàn người được lệnh san bằng một quả núi. Nhưng thực ra xác ông được chôn cất bí mật trước để tránh kẻ thù không tìm đến xúc phạm phần mộ. Những người phải án tử hình thường phải làm công tác mật này và sau đó họ bị giết để bảo toàn bí mật. Chính ngày an táng trọng thể, trong quan tài của Minh Mệnh chỉ có ít viên đá.