Ảnh tượng từng là một phần trong đời sống người Công Giáo kể từ các thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy biết bao các đồ trang sức cá nhân như thế, phổ thông nhất là thánh giá. Một số được in khắc vào mề-đay, một số là tượng chịu nạn. Các ảnh tượng về Đức Trinh Nữ Maria cũng rất phổ thông, và các bảo tàng viện có những mẫu vật từ thời xưa. Ảnh tượng các thánh cũng được tín hữu mang trên mình từ lâu. Giáo Hội ở Ai Cập đặc biệt sùng kính T. Menas, và mộ của thánh nhân bên cạnh một con suối nổi tiếng về chữa lành. Hình của T. Menas được thấy trong kỷ vật xa tận ở nước Pháp.
Qua các thế kỷ, người tín hữu càng sùng kính thêm nhiều vị thánh. Lướt qua gian hàng bán sản phẩm Công Giáo, bạn có thể biết thánh nào phổ thông nhất bởi số ảnh tượng của các đấng. Một số thánh thì không thay đổi: T. Giuse, T. Giuđê, T. Biển Đức, T. Christopher, T. Têrêsa, T. Padre Piô.
Chúng ta còn mang áo “scapular”. Đó là mẩu vải thường được đeo trên cổ; và, giống như ảnh tượng, áo này có nhiều thay đổi. Thật vậy, nhiều đến nỗi chúng ta có thể viết một cuốn sách dành riêng về các áo này và ảnh tượng. Nhưng, thay vào đó, tôi muốn để ý đến áo mà tôi mang, như một thí dụ, áo “scapular” mầu nâu, vì cho tới nay, áo đó phổ thông nhất. Và, ngoài ra, đó là áo tôi thường nghĩ đến nhiều nhất!
Mang áo “scapular” là một hình thức quyết tâm với đời sống chiêm niệm. Nguyên thủy nó là một phần của tu phục đan sĩ – y phục đặc biệt để phân biệt với người khác. Thời xưa, áo “scapular” là tấm vải lớn khoác ngoài áo mầu trắng bên trong của đan sĩ khi họ làm việc. Nó thường làm bằng len, rộng ngang vai và phủ dài xuống phía trước của áo trong, như thế nó tạo thành hình giống chữ thập. Chữ “scapular” xuất phát từ tiếng Latinh có nghĩa cái vai, scapula. Sau thời gian, áo “scapular” trở thành hình thức độc đáo và riêng biệt của y phục đan sĩ.
Cũng qua thời gian, giáo dân tìm cách chia sẻ những ích lợi của đời sống đan viện. Chúng ta không thể sống kín đáo đằng sau bức tường đan viện, nhưng chúng ta khao khát sự chiêm niệm giữa thế gian. Vì thế chúng ta lấy một số thực hành về cầu nguyện và chiêm niệm, và chúng ta thay đổi chúng theo đời sống thường ngày. Tỉ như, một số người đọc kinh nhật tụng.
Áo “scapular” nhỏ là một dấu hiệu của sự chia sẻ đời sống tận hiến của các đan sĩ và nữ tu. Nó không lớn như áo “scapular” trọn vẹn. Nhất là, áo “scapular” mầu nâu là phương cách tôi chia sẻ những công trạng và việc tốt lành của dòng Camêlô.
Áo “scapular” mầu nâu gồm hai miếng vải vuông nhỏ được mang trước ngực và sau lưng, chúng được nối với nhau bởi sợi dây nhỏ. Khi tôi quyết định mang áo này, tôi xin một linh mục chúc lành áo với lời cầu nguyện được phê chuẩn cho mục đích đó. Khi giao cho tôi áo “scapular” này, cha ghi tên tôi vào dòng Camêlô (qua việc mặc áo “scapular” không có lời khấn, tận hiến, hay lời hứa trọn đời). Bất cứ linh mục hay phó tế nào cũng có thể cử hành nghi thức này.
Ngay từ đầu tôi đã để ý đến nguồn gốc Kinh Thánh sâu xa của thực hành này. Dòng Camêlô có nguồn gốc từ các ngôn sứ Cựu Ước Êligia và Êlisa, họ sống ẩn dật trên núi Camêlô xa cách, thuộc vùng đồi núi Samaria (xem 1 Các Vua 18:19 và 2 Các Vua 2:25, 4:25). Áo “scapular” mầu nâu gợi nhớ lại “áo choàng của Êligia” mà Êlisa đã mang lấy và coi như của mình (xem 2 Các Vua 12:14).
Ngôn sứ cuối cùng, T. Gioan Tẩy Giả, cũng mặc y phục nghèo nàn và đặc biệt – thô nhám bằng lông lạc đà (Mt 3:4) – và sống trong hoang địa. Vì thế ông đã bước đi trong “thần khí và quyền năng của Êligia” (Lc 1:17), và Đức Giêsu đã hiển nhiên đồng hóa Gioan với Eligia (Mk 9:13).
Kitô Hữu thời xưa đọc những đoạn Kinh Thánh đó và khao khát sống như các ngôn sứ này. Một số người hành hương đến Đất Thánh và sống như các ẩn tu trên núi Camêlô. Đó là khởi đầu của dòng Camêlô.
Sự chia sẻ của tôi trong đời sống đó thì không huê dạng hay anh hùng. Thật vậy, nó ẩn giấu – ẩn giấu trong dòng xe cộ tôi đi vào trên xa lộ, ẩn giấu trong văn phòng tôi làm việc hàng ngày. Nó ẩn giấu như áo “scapular” tôi mang trong người bên dưới áo sơ-mi. Nhưng nó không kém thực tế. Áo “scapular” nhắc nhở tôi rằng, trong tất cả những trường hợp đó, tôi đã gia nhập vào một gia đình tinh thần với các phần tử sống rải rác trên toàn thế giới và qua nhiều thế kỷ – một gia đình mà phần tử của nó chia sẻ một số lý tưởng và thói quen.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng áo “scapular” có sức mạnh chính là vì đó là một “habit” theo mọi nghĩa của chữ, vừa là một y phục và vừa là một thói quen tốt và nếp sống tốt. Nếu chúng ta trung thành mang áo này, chúng ta cũng sẽ trung thành với đời sống của dòng Camêlô – của Êligia và Êlisa và Gioan, và Đức Giêsu và Đức Maria.
Hàng ngày sau khi tắm xong, khi mặc áo “scapular”, tôi tự ý mang lấy một lối sống mà ngay bây giờ đã ở thiên đường. Làm thế nào tôi có thể sa ngã trên đường đến thiên đường? Thật không lạ khi nhiều người đã hôn áo này khi họ đeo vào người hàng ngày.
T. Têrêsa ở Lisieux nói: “Tôi thật vui thích chừng nào khi bạn mang chiếc áo ‘scapular’ thánh thiện này! Đó là một dấu chỉ chắc chắn của sự tiền định, và ngoài ra, qua phương tiện này bạn không kết hợp mật thiết hơn với các nữ tu ở Camêlô hay sao?”
Nhắc lại, có nhiều áo “scapular” ngoài áo mầu nâu. Các tu sĩ Biển Đức có một loại, các tu sĩ Đa Minh có một loại khác, các tu sĩ Norbertine lại có một loại khác nữa. Từ 1910, người Công Giáo được phép mang một ảnh “scapular” thay vì áo “scapular” bằng vải, và nhiều người làm như vậy. Ảnh “scapular” có in hình Thánh Tâm Chúa Giêsu một mặt, và hình Đức Maria ở mặt bên kia.
Dấu chỉ của áo “scapular” nhắm đến một linh đạo tổng hợp về Đức Maria, nó nuôi dưỡng lòng đạo đức của tín hữu và giúp họ nhạy cảm hơn đến sự hiện diện yêu thương của Mẹ trong đời sống. Áo “scapular” cốt yếu là một “thói quen”. Những ai nhận áo này thì nhiều ít liên kết chặt chẽ với Dòng Camêlô và hiến thân phục vụ Đức Bà vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Vì vậy, những ai mang áo này được đưa vào vùng đất Camêlô, để như thế họ có thể “ăn hoa quả và những điều tốt lành của nó” (x. Giêr 2:7), và cảm nghiệm được sự hiện diện yêu thương của Đức Maria trong sự quyết tâm mặc lấy Chúa Kitô và biểu hiện Người trong đời mình vì ích lợi của Giáo Hội và toàn thể nhân loại.
Như thế, hai chân lý được gợi lên qua dấu hiệu áo “scapular”: một đàng là sự bảo vệ không ngừng của Đức Trinh Nữ, không chỉ trên hành trình cuộc đời, nhưng còn lúc đi vào sự viên mãn của vinh quang đời đời; đàng khác, ý thức rằng việc đạo đức đối với Mẹ không bị giới hạn trong lời kinh và sự tôn kính trong các dịp lễ, nhưng phải trở nên một “thói quen”, đó là, thường xuyên định hướng lối sống Kitô Hữu của chính mình, đan quyện sự cầu nguyện với đời sống nội tâm bằng việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích và thực hành những việc thương xót về phần xác và phần hồn. Trong đường lối này, áo “scapular” trở nên một dấu chỉ của “giao ước” và sự hiệp thông hỗ tương giữa Đức Maria và tín hữu: thật vậy, nó cụ thể chuyển dịch món quà là mẹ của Người, mà trên thập giá Chúa Giêsu đã trao cho Gioan và qua Gioan đến tất cả chúng ta, và trao người môn đệ yêu dấu cũng như tất cả chúng ta cho Mẹ, đấng trở nên Mẹ tinh thần của chúng ta.