Trong các truyền thống sống động nhất thời Giáo Hội xưa là việc sùng kính các thiên thần bản mệnh. Tuy nhiên đó là điều các độc giả ngày nay thường quên sót. Tình tiết ly kỳ của Công Vụ Tông Đồ được phát sinh bởi hành động của các thiên thần. Các thiên thần đã giải cứu các tông đồ khỏi tù ngục (5:19, 12:7). Một thiên thần đã dẫn đưa ông Philíp từ Giêrusalem đến Gaza cho cuộc gặp gỡ định mệnh với viên thái giám người Êthiôpia (8:26). Các thiên thần đã gây ra cuộc gặp gỡ giữa ông Phêrô và Cônêliô (10:3-5). Giây phút tôi thích nhất là khi ông Phêrô đến một nhà cầu nguyện, và dân chúng cho rằng đó không phải là ông Phêrô mà là thiên thần của ông (12:15)!
Câu chuyện của Giáo Hội tiếp diễn với các thiên thần dẫn dắt, bảo vệ, và phù giúp. Cuộc đời của chúng ta cũng thế. Các Kitô Hữu tiên khởi đã biết điều này. Đó là lý do họ dễ dàng nhầm lẫn một người với thiên thần bản mệnh của người ấy. Vì ông Phêrô bị cầm tù, một cách tự nhiên họ sẽ kinh ngạc khi thấy ông đứng ở cửa, nhưng họ không ngạc nhiên khi gặp gỡ thiên thần của ông ấy!
Chúng ta cần có loại đức tin như thế và ý thức sống động về các thiên thần bản mệnh. Vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta – mỗi người chúng ta – sự dẫn dắt, bảo vệ và phù giúp mạnh mẽ từ trời giống như thế.
Việc sùng mộ các thiên thần không phải là điều mới mẻ xảy ra với việc công bố Phúc Âm. Nó thường là một phần của Kinh Thánh. Các thiên thần đầy dẫy trong Kinh Thánh, từ mở đầu cho đến cùng, từ Sáng Thế cho đến Khải Huyền. Các thiên thần đóng vai trò then chốt trong tấn tuồng Vườn Êđen. Họ thường xuất hiện trong cuộc đời của các tổ phụ: ngay cả Giacóp vật lộn với một thiên thần. Họ đi trước người Ít-ra-en trong cuộc xuất hành. Họ chuyển giao lời của Chúa cho các ngôn sứ. Chính các ngôn sứ tiết lộ rằng ngay cả các quốc gia cũng có các thiên thần bản mệnh. Sách ông Tôbít cho thấy một thiên thần đã dẫn dắt một thanh niên như thế nào để phục hồi sự bất hạnh của gia đình mình, tìm được thuốc chữa bệnh mù cho người cha, và tìm được một người vợ xinh đẹp và đức hạnh trên hành trình!
Tân Ước mở đầu với các hoạt động của thiên thần. Ông Giuse và cả bà Maria dường như không ngạc nhiên khi nhận được sự giúp đỡ của các thiên thần.
Chính xác thiên thần là gì? Chữ này xuất phát từ tiếng Hy Lạp angelos, nó thường được dùng để dịch chữ Hebrew malakh. Trong các ngôn ngữ ấy, các chữ này, theo nghĩa đen, có nghĩa “người đưa tin” – một người đưa tin từ Thiên Chúa. Trong truyền thống vĩ đại, chữ thiên thần để áp dụng cho toàn thể các thực thể không có thân xác, thuần túy linh thiêng được Thiên Chúa dựng nên. Một số được Người dựng nên để thờ phượng ở ngai Thiên Chúa. Một số khác Người còn ban cho quyền cai quản trên các quyền lực tự nhiên của vũ trụ. Một số là người đưa tin. Trong Kinh Thánh, đôi khi các thiên thần xuất hiện trong hình dáng con người – hoặc ngay cả trong hình thức biểu tượng khiếp sợ, với nhiều con mắt (tượng trưng cho kiến thức phi thường) hoặc kích thước vĩ đại (tượng trưng cho sức mạnh siêu phàm).
Như chúng ta đã thấy trong hai chương trước, cả người Do Thái và Kitô Hữu trong thế giới xưa đều có một nhận thức lành mạnh về sự hiện diện của thiên thần nhất là trong nghi thức phụng tự. Thật thú vị để lưu ý rằng một trong những sách phổ thông nhất trong cộng đồng mà nó đã bảo trì Các Cuộn Sách ở biển Chết (Deas Sea Scrolls) là một cuốn cẩm nang về phụng tự được gọi là Nghi Lễ Thiên Thần.
Ngày nay cũng thế, khi chúng ta đến Thánh Lễ, giáo đoàn không bao giờ ít, dù nó không hiện diện về phương diện số người tham dự. Các thiên thần có ở đó, như được minh chứng trong các lời của Thánh Lễ, “Vì thế cùng với các thiên thần chúng ta đồng thanh tung hô rằng: Thánh, thánh, thánh…” Chính Thánh Lễ lên tiếng để chúng ta để ý đến các thiên thần của chúng ta.
Dĩ nhiên, chúng ta phải đặc biệt lưu ý đến các thiên thần bản mệnh của chính chúng ta, vì họ được đặc biệt chỉ định để chăm sóc chúng ta.
Việc sùng mộ các thiên thần chắc chắn sẽ khiến các người duy lý mỉm cười, họ sẽ tầm thường hóa điều đó như tấm thiệp vẽ một em bé đi trên chiếc cầu lung lay. Tuy vậy, các thiên thần luôn có một vai trò trong tôn giáo; và, ngay cả các triết gia đời cũng phải nhìn nhận, thật khó giải thích cho một vũ trụ bao la mà không có các thiên thần. Triết gia phái tự do của thế kỷ hai mươi là Isaiah Berlin theo đuổi sự cần thiết của các thiên thần. Triết gia Mortimer Adler tự nhận là một “người ngoại giáo” khi ông kết luận rằng các thiên thần là một phần của tấm áo vũ trụ.
Nếu chúng ta có thể nhìn thấy sự vật đúng như bản chất của chúng, và không chỉ như chúng xuất hiện, chúng ta sẽ thấy thật khó để giải thích về cuộc đời chúng ta mà không có một sự hiểu biết về vị trí của thiên thần.
Từ lúc còn bé, mỗi người đều có một thiên thần bản mệnh. Chúa Giêsu nói: “Hãy coi chừng, chớ khinh dể một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10).
Thiên Chúa ban cho chúng ta sự hướng dẫn này để chúng ta có thể có được sự giúp đỡ siêu phàm trên đường đến quê trời. Các thiên thần bản mệnh muốn giúp chúng ta hợp tác với thánh ý của Thiên Chúa, và họ muốn giữ chúng ta tránh xa dịp tội. Họ muốn giúp chúng ta để chúng ta giúp đỡ người khác – và họ muốn giữ chúng ta đừng làm vấy bẩn cuộc đời của người khác. Dĩ nhiên, trên hành trình họ có thể giúp chúng ta bước đi an toàn qua những chiếc cầu lung lay, nhưng chỉ khi nào điều đó chu toàn thánh ý của Thiên Chúa cho chúng ta và cho thế giới. Họ muốn sự tốt đẹp nhất cho chúng ta, mà nó thường không trùng hợp với những gì chúng ta khao khát nhất. Sự kiện khó khăn là những gì tốt nhất cho chúng ta thường không nhất thiết phù hợp với sự êm ấm, sức khỏe, hay sự an toàn của chúng ta. Đôi khi sự đau khổ thì tốt nhất cho chúng ta, nếu nó giúp chúng ta khỏi phạm tội hay cám dỗ người khác phạm tội.
Tuy thế, các thiên thần bản mệnh siêng năng hoạt động để chiếm được sự tin tưởng của chúng ta – vì điều đó quả thật có ích lợi nhất cho chúng ta. Và vì thế không nghi ngờ gì họ thường giúp đỡ chúng ta, nhất là khi chúng ta yêu cầu, để tìm một chỗ trống đậu xe hay để luồn lách qua những con đường chi chít trong thành phố. Các thiên thần tuân theo khuôn khổ cai quản của Thiên Chúa: đôi khi họ ban cho chúng ta những gì chúng ta muốn để như thế chúng ta sẽ biết cách xin cho những gì chúng ta cần.
Luôn nhớ rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Không ai dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái bằng Thiên Chúa. Tại sao Người lại phung phí quá nhiều cho chúng ta, khi tạo nên các thần khí hùng mạnh để trông coi chúng ta?
Vì Người yêu thương chúng ta, dĩ nhiên, và vì Người mời gọi chúng ta đến sự thánh thiện – một tình trạng nhiều ý nghĩa hơn là chỉ “tốt lành”. Trở nên thánh là được sắp đặt riêng cho một mục đích của Thiên Chúa, được dành riêng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên vườn Êđen là một nơi thánh, và Người đặt các thiên thần canh gác và giữ cho vườn ấy tinh tuyền (St 3:24). Khi Người ra lệnh lập nhà tạm và sau này làm Đền Giêrusalem, Người có ý định những nơi này là cung thánh của Người, và Người đặt các thiên thần canh giữ các nơi ấy (Xh 25:18; 1 Các Vua 8:6-7).
Chúng ta được dựng nên không chỉ là các phân tử cácbon, ốcxy, và hiđrô, nhưng như các đền của Chúa Thánh Thần (1 Cor 3:16, 6:19). Các thiên thần của chúng ta, cũng như thần phẩm kêrubim, được giao cho nhiệm vụ bảo vệ cung thánh và giữ nó tinh tuyền cho sự hiện diện của Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ được tốt lành khi cầu nguyện với kinh được dạy cho các trẻ nhỏ:
Lạy Thiên Thần của Thiên Chúa, Đấng bảo vệ thân yêu của con,
Tình Yêu Chúa thúc đẩy Ngài canh phòng bảo vệ con suốt ngày đêm.
Xin hãy ở bên con để soi sáng và bảo vệ, chỉ huy và hướng dẫn con. Amen.
Chúng ta cũng phải biết đến sự bảo vệ của T. Micae Tổng Lãnh Thiên Thần. Người xuất hiện trong Kinh Thánh như vị bảo vệ đặc biệt của dân Chúa trong Cựu Ước (Đan 12:1) và Tân Ước (Kh 12:7). Giáo Hội thường nhận biết vai trò của T. Micae trong cuộc chiến tinh thần. Người được cầu khẩn như một chiến sĩ chống với quỷ dữ và mọi thiên thần phản loạn. Kinh cầu Thánh Micae đặc biệt có uy thế khi chúng ta cần được giải thoát khỏi sự dữ. Trong nhiều năm, Kinh cầu Thánh Micae được đọc vào cuối Thánh Lễ. Nhiều người Công Giáo vẫn giữ thói quen ấy trong việc sùng kính hàng ngày:
Lạy Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, xin cứu giúp chúng con trong cơn giao chiến. Xin bảo vệ chúng con khỏi sự hiểm ác và mưu sâu của quỷ dữ. Chúng con khiêm tốn nài xin Chúa khiển trách chúng và xin Nguyên Soái Cơ Binh Trên Trời – nhờ quyền phép của Thiên Chúa – hãy quăng bè lũ satan và các thần dữ vào hoả ngục, đừng để chúng rong ruổi khắp thế gian tìm cách hãm hại các linh hồn. Amen.
Hãy dành đôi phút để nhìn đến sự xuất hiện của các thiên thần trong cuộc đời của Chúa Giêsu, vì nó sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về vai trò của họ – vai trò thiên thần – trong đời sống mọi người. Truyền thống Kitô Giáo diễn tả các thiên thần bản mệnh là những người bạn có thế lực, được Thiên Chúa đặt bên cạnh từng người chúng ta, để tháp tùng chúng ta trên đường. Và đó là lý do Người mời gọi chúng ta hãy làm quen với các thiên thần và xin họ giúp đỡ chúng ta…
Chúng ta phải đầy can đảm, vì ơn của Chúa không làm chúng ta thất bại. Thiên Chúa sẽ ở bên cạnh chúng ta và sẽ sai thiên thần để là bạn đồng hành của chúng ta, các cố vấn khôn ngoan của chúng ta trên đường, người hợp tác của chúng ta trong mọi công việc. Các thiên thần “sẽ nâng đỡ bạn với đôi tay để bạn không bị vấp chân vào đá,” như thánh vịnh có viết.
Chúng ta phải tập nói chuyện với thiên thần. Bây giờ hãy tìm đến họ… Hãy xin họ dâng lên Chúa thiện ý của bạn, mà, nhờ bởi ơn Chúa, sẽ phát sinh từ những khốn khổ của bạn như sen mọc trong bùn lầy. Hỡi các thiên thần bản mệnh: “hãy bảo vệ chúng tôi trong cuộc chiến đấu để chúng tôi khỏi bị tiêu vong trong ngày phán xét sau cùng.”