Khi dân Ít-ra-en dâng lễ trong Cựu Ước, họ thi hành giữa ánh sáng lấp lánh. “Vua Sa-lô-môn đã làm tất cả các vật dụng cho Đền Thờ ĐỨC CHÚA: bàn thờ bằng vàng, bàn đặt bánh tiến cũng bằng vàng. Các chân đèn: năm chiếc bên phải và năm chiếc bên trái, trước Nơi Cực Thánh, tất cả bằng vàng ròng; hoa, đèn, kéo cắt bấc đều bằng vàng” (1 Các Vua 7:48-49). Những chân đèn thật quan trọng đến độ chân đèn chính, “menorah” (giá đèn bảy ngọn nến) của Đền Thờ, trở nên biểu tượng đáng kể nhất của Do Thái Giáo. Nó xuất hiện trên đồng tiền, lá bùa, và các đèn trong nhà từ đời xưa. Khi hoàng đế La Mã Titô muốn ghi nhớ cuộc chiến thắng Giêrusalem, ông đã cho vẽ hình ảnh đoàn quân của ông cướp đi đèn mênôra.
Chúng ta có dấu chỉ rõ ràng cho thấy các tông đồ đã coi Thánh Lễ trong cộng đồng là sự tiếp nối với phụng tự Đền Thờ. Thật vậy, nó được trình bày như sự hoàn tất phụng tự Đền Thờ. Điều này được thấy hiển nhiên trong ngôn ngữ sùng bái được các Giáo Phụ sử dụng (đó là, hy sinh, dâng tiến, và bàn thờ); và nó cũng được nhìn nhận bởi các học giả Do Thái cũng như Kitô Giáo. Trong phần bình luận về sách Lêvi, Baruch Levine viết: “Sự thờ phượng Kitô Giáo trong hình thức lễ truyền thống đem cho tín hữu một cảm nghiệm về sự hy sinh, hiệp thông, và công bố rằng Thiên Chúa đang hiện diện. Vậy, nhà thờ Kitô Giáo là một đền thờ.”
Thế hệ các tông đồ nhận thấy sự tiếp nối đó trong nhiều phương cách, nhiều chi tiết được sử dụng trong phụng vụ mà trước đây có liên can đến phụng tự Đền Thờ. Điều này thì hiển nhiên trong cách sử dụng ánh sáng và đèn nến thời Tân Ước.
Một trong những diễn tả phụng vụ Kitô Giáo thời lịch sử sơ khởi, chúng ta thấy T. Phaolô rao giảng trong một căn phòng đầy người. T. Luca nhận xét rằng “Có nhiều đèn nến trong căn phòng trên, nơi chúng tôi tụ họp” (Cv 20:8). Quá nhiều ánh sáng trong một nơi nhỏ như thế thì thật quá mức cần thiết – trừ phi chúng được dùng cho mục đích nghi lễ hơn là thực dụng.
Khi đến sách Khải Huyền, phần cuối Tân Ước, T. Gioan cho thấy những hình ảnh thờ phượng thiên đường phản ánh với phụng tự ở dưới đất một cách thích hợp. Đâu đâu cũng có các chân nến. Ánh sáng chiếu tỏa như một dấu hiệu của đời sống Giáo Hội. Nếu một giáo hội hững hờ việc sùng kính, T. Gioan cảnh cáo rằng Thiên Chúa có thể lấy đi chân nến của nó (xem Kh 2:5). Trong một hình ảnh phụng vụ kinh ngạc, Đức Kitô xuất hiện, trong phẩm phục như một tư tế, giữa ánh sáng của nhiều ngọn nến (Kh 1:12-13). Chắc chắn đây là một hình ảnh quen thuộc – đó là giáo sĩ Kitô Giáo dâng lễ phụng vụ “trong con người Đức Kitô” (in persona Christi) (2 Cor 2:10).
Ngọn nến là một biểu tượng của Đức Giêsu Kitô, Đấng kiên định nói về Phúc Âm và ngay cả chính Người bằng ngôn ngữ ánh sáng. “Tôi là ánh sáng thế gian; ai theo tôi sẽ không bước đi trong tăm tối, nhưng sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8:12). Illumination (chiếu sáng – đôi khi được dịch là “giác ngộ”) là tiếng đồng nghĩa phổ thông nhất với bí tích rửa tội của Giáo Hội tiên khởi (xem Dt 10:32). Ngày nay vẫn vậy, vào ngày cử hành bí tích rửa tội trọng thể của Giáo Hội, phụng vụ Đêm Phục Sinh, linh mục nâng cao nến phục sinh và tuyên bố ba lần “Ánh sáng Chúa Kitô!”
Ngọn nến là một biểu tượng của Đức Kitô, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta. Nhưng nó còn hơn thế nữa. Đức Kitô đã đến không chỉ để soi đường cho chúng ta, nhưng còn ban sự sáng của Người cho chúng ta để nó trở nên như của chính chúng ta. Vị thần-nhân này, Đấng đã tiết lộ Người là ánh sáng thế gian, còn nói với các môn đệ: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5:14). Kitô Hữu thì đồng hình dạng với Chúa Kitô thật chặt chẽ đến nỗi, qua sự giác ngộ, chính chúng ta trở nên ánh sáng. Chúng ta là những người được dự phần vào ánh sáng thánh thiêng (2 Phêrô 1:4); nhờ ơn sủng nó còn trở nên chính bản chất của chúng ta! Vì thế chúng ta có thể thực sự hát lên rằng: Ánh sáng nhỏ này của tôi, tôi sẽ để nó tỏa sáng.
Các Giáo Phụ thời tiên khởi chứng thực việc sử dụng ánh sáng phong phú trong phụng tự Kitô Giáo. T. Giêrôm, học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất thời xưa, rất thích thói quen này trong Giáo Hội: “bất cứ khi nào Phúc Âm được đọc thì nến được thắp lên – dù rạng đông có thể ửng đỏ bầu trời – dĩ nhiên không để xua tan bóng tối, nhưng để bộc lộ niềm vui của chúng ta.”
Một lần nữa, ánh sáng tượng trưng cho sự sáng của Chúa Kitô, nhưng đó là ánh sáng Người chia sẻ với tuyển dân, với các thánh của Người. T. Giêrôm nhận xét rằng Đức Giêsu diễn tả Gioan Tẩy Giả như “một ngọn nến cháy sáng” (Ga 5:35). Vì thế, ngay cả ngày nay, Kitô Hữu theo gương của Chúa Giêsu khi chúng ta đốt nến trong nhà nguyện kính các thánh. T. Giêrôm kể lại tang lễ của một phụ nữ thánh thiện, T. Paula, mà thân xác của thánh nữ được rước đi với sự tham dự của nhiều giám mục tay cầm nến. Người còn diễn tả nhiều cây nến được đốt cháy tại đền các vị tử đạo. Và ngày nay vẫn vậy, chúng ta đốt nến tại đền các thánh. Chúng ta kết hợp lời cầu của chúng ta với lời cầu của các đấng ấy.
T. Athanasius ở Alexandria đề cập đến ánh sáng của các cây nến như một “lễ vật” của tín hữu. Khi nhiều nến được đốt lên – dù trước một hình tượng Chúa Giêsu, hay Đức Mẹ Maria, hay các thánh – nó đem lại vinh quang cho Thiên Chúa, Đấng đã chia sẻ vinh quang của Người với chúng ta.
T. Giêrôm nói: “Dưới hình ảnh của ánh sáng vật chất, ánh sáng đó được tiêu biểu cho điều chúng ta đọc trong Thánh Vịnh, ‘Lời Ngài là đèn soi chân con, ôi lậy Chúa, và là ánh sáng soi lối con đi’ (Tv 119:105).” Ánh sáng đó là Chúa Kitô. Và nhờ ơn sủng nó cũng là các thánh. Đó là bạn, và đó là tôi.
Hãy để nó tỏa sáng!
Các ngọn đèn mà bạn khơi lên là một bí tích của sự giác ngộ [bt rửa tội], bằng phương tiện này chúng ta sẽ gặp Chàng Rể như các linh hồn trinh nữ và tỏa sáng, với các ngọn đèn đức tin của chúng ta cháy sáng, không ngủ quên trong sự thờ ơ, để chúng ta không bỏ lỡ Người mà chúng ta chờ đợi nếu Người đến bất ngờ; cũng không hết dầu, và không nghèo nàn việc tốt lành, để chúng ta không bị đuổi ra khỏi khuê phòng [xem Mátthêu 25:1-13]. Vì tôi thấy thật tội nghiệp dường nào cho trường hợp như thế. Người sẽ đến khi có tiếng gọi tập họp, và những ai khôn ngoan sẽ gặp Người, với đèn của họ cháy sáng và dầu còn đầy.