Một tấm khảm vĩ đại, Christ in Majesty, bao trùm phần trên của Vương Cung Thánh Đường Đức Vô Nhiễm ở Hoa Thịnh Đốn, D.C. Đó là một chân dung mãnh liệt của Đức Giêsu, sự phẫn nộ của Người chỉ được kềm hãm bởi kiểu Byzantine cố định.
Đó là một hình ảnh âm vang trong tôi nhiều mức độ. Qua những năm đầu là một Kitô Hữu – qua thời thiếu niên, qua đại học và đại chủng viện Presbytery – sự huấn luyện của tôi tràn ngập truyền thống Tin Lành Calvin, nó nhấn mạnh đến sự tối cao của Thiên Chúa và sự phán xét của Người. “Vì Đức Chúa là thẩm phán của chúng ta, Đức Chúa là thủ lãnh của chúng ta, Đức Chúa là vua của chúng ta” (Is 33:22). Đó là cách Đức Giêsu xuất hiện trong Vương Cung Thánh Đường này. Sự cay đắng là quá khứ Calvin của tôi đã chuẩn bị tôi để nghĩ về Đức Kitô theo cách ấy, nhưng không phải thấy Người theo cách ấy – tối thiểu không ở đời này. Nhà cải cách John Calvin mạnh mẽ chống đối việc sùng kính ảnh tượng, ông ưa thích các bức tường trơ trụi của nhà thờ và ngay cả thập giá cũng trơ trụi. Ông chủ trương rằng những hình ảnh đó – ngay cả các hình của Đức Kitô – trưng ra một sự cám dỗ thờ ngẫu tượng, thờ một dấu hiệu tạm thời thay vì thờ Thiên Chúa tối cao và siêu việt.
Giờ đây, hơn hai thập niên tôi là một người Công Giáo La Mã. Tuy nhiên, mỗi khi tôi quỳ dưới tấm hình áp đảo đó tôi tự hỏi không biết có phải di tích Calvin còn sót lại bên trong khiến tôi rùng mình trước sự diễn tả Thiên Chúa tối cao không – tuy thế mà, chỉ người Công Giáo mới rùng mình trước một hình ảnh thánh thiêng.
Vài năm trước, một nhà văn tiểu luận đã đặt tên cho tấm hình này là “Scary Jesus” (Đức Giêsu Đáng Sợ). Và nó có chút khiếp sợ. Chắc chắn nó có vẻ vi phạm đến quy điển của kỹ nghệ làm thiệp Kitô Giáo. Các hình Kitô Giáo hiện thời mời chúng ta hãy hình dung ra Thiên Chúa là người thủ thành trong trận đá banh, hay các thiếu niên ôm hôn trong dạ tiệc tốt nghiệp trung học. Trong hình ảnh hiện nay, Đức Giêsu thường có vẻ dễ thương. “Scary Jesus” không phù hợp với trắc diện này.
Tuy thế, vẫn có một nghịch lý đáng lo ngại trong tấm khảm Christ in Majesty. Tấm khảm này trưng bày Đức Giêsu trong cảnh phán xét, như chúng ta có thể thấy trong sách Khải Huyền. Nhưng không phải đó cũng là cuốn sách trưng bày Đức Kitô như một con chiên, quá nhân từ đến độ Người có thể bị giết (Kh 5:6) hay sao? Không phải là Ngôi Lời đã trở thành nhục thể như một con người, đấng chúc phúc cho người hiền lành và không đánh lại hay sao?
Tấm hình này buộc chúng ta phải đương đầu với một điều có vẻ mâu thuẫn trong Kitô Giáo: Chúa chúng ta là một thẩm phán công minh, một người báo thù hùng mạnh, mà cơn thịnh nộ của Người có thể đưa kẻ tội lỗi xuống hỏa ngục; nhưng Chúa chúng ta thì hay thương xót và hiền lành như một con vật thấp kém trong chuồng khi sơ sinh.
Một số người tìm cách hòa hợp các hình ảnh này bằng cách đưa chúng vào tuần tự. Họ nói Đức Giêsu thì nhu mì và dịu dàng trong lần giáng lâm thứ nhất, nhưng với lần giáng thế thứ hai các bao găng tay sẽ lột bỏ, và sau đó không còn là Người Dễ Thương nữa. Điều này không hợp lý vì một vài lý do: thứ nhất, vì các Phúc Âm cho chúng ta thấy Đức Giêsu thực sự nổi cơn thịnh nộ với những người độc ác khi Người ở thế gian; nhưng cũng vì sách Khải Huyền trình bày Chúa chúng ta như một con chiên vào cuối cùng khi kết thúc lịch sử nhân loại.
Vậy chúng ta sẽ thờ phượng điều nào? Chúng ta sẽ chiêm niệm điều nào? Vị Thẩm Phán hay Chiên? Đức Giêsu Khiếp Sợ hay Người Dễ Thương? Chúa và Đức Kitô đích thật là gì?
Sự thật theo giáo lý thì chúng ta không cần chọn. Mầu nhiệm nhập thể đòi hỏi rằng chúng ta chấp nhận sự kết hợp tuyệt hảo của nhiều điều dường như không thể tương hợp: hữu hạn bao trùm vô hạn; vĩnh cửu đi vào thời gian; chiên hiến tế chủ tọa Ngày Thịnh Nộ.
Điều này không phải là sự tinh tế dành cho các thần học gia. Phu bến tàu và người chăn nuôi gia súc, thợ giặt và thợ may đều biết điều này kể từ khi Giáo Hội khai sinh. Ngay cả Kitô Hữu không biết đọc cũng biết sự thật về Đức Kitô nhờ các hình ảnh thánh thiêng như tấm Christ in Majesty.
Vào thế kỷ thứ tám có một phong trào phát sinh trong các giáo hội đông phương để hủy bỏ các hình ảnh tôn giáo. Đó là một phong trào của giới thượng lưu – trí thức, thần học gia, và hoàng đế. Họ nghĩ rằng hình ảnh là một sự xỉ nhục đối với vinh quang và uy nghi của Thiên Chúa, mà nó không thể thực sự trình bày được. Sự ưu việt của Thiên Chúa phải được thờ phượng chỉ bởi trí tuệ, họ nói như thế. Họ nhận được một giấy phép của vua chúa để tiêu hủy các hình tượng trong các nhà thờ và vì thế họ có tên iconoclast, những người đập phá ảnh tượng.
Tuy nhiên, các thánh chống với giới thượng lưu này, và các thánh đã thắng. Những người thánh thiện này tự gọi mình là iconodules – “những người tôn vinh ảnh tượng”. Họ lý luận rằng từ khi Thiên Chúa xuống thế mặc lấy xác phàm, thường dân có quyền chiêm niệm về Chúa trong thân xác. Người iconodules hùng biện nhất là T. Theodore ở Studion, đã viết rằng Đức Kitô “không hủy bỏ thực tại siêu phàm về thiên tính của Người, nó phi vật chất và không thể giới hạn; và tuy vậy chính vinh quang của Người đã tự hạ chính mình, trong một cách thức cao quý, xuống tầm mức của chúng ta mà giờ đây trong thân xác Người có thể bị giới hạn. Người trở nên vật chất, đó là: thân xác, Đấng duy trì mọi sự thì hiện hữu; và Đấng không bị xấu hổ để trở nên điều mà Người đã mặc lấy, và để được gọi như thế.”
Diện mạo nhân bản của Đức Giêsu được tỏ lộ trong cuộc đời của Người ở trần thế trong thế kỷ thứ nhất là gì thì ngày nay được tìm thấy trong hình ảnh thánh thiêng. Ngay cả một tấm hình trưng bày Đức Giêsu như một người cai trị và thẩm phán, nó trưng bày Người như một con người và nhắc nhở chúng ta về nhân tính của Người, và Người muốn kết hợp với tình trạng của loài người, với tất cả những yếu đuối của nó. Trong lịch sử, một số người bị tai tiếng vì Thiên Chúa mặc lấy xác phàm trong Đức Giêsu – qua sự đổ máu và chết. Họ muốn Người an toàn trở về thiên đường như một Thiên Chúa thuần túy. Nhưng điều đó không thể, bởi vì, như Phúc Âm Gioan nhắc nhở chúng ta, Ngôi Lời đã trở nên nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta – và Người vẫn có thân xác đó. Người không giũ bỏ nó như con rắn lột xác khi chết. Người tôn vinh thân xác ấy và giờ đây dâng hiến nó như tình yêu lên Chúa Cha. Điều tai tiếng về những hình ảnh này thì chỉ là sự tai tiếng về nhập thể, với mọi nghịch lý của nó.
Một số người thấy chúng ta có lỗi khi thờ lậy và tôn vinh hình ảnh của Đấng Cứu Độ chúng ta và của Đức Mẹ, cũng như của toàn thể các thánh và tôi tớ của Đức Kitô, họ hãy nhớ rằng ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của chính Người (St 1:26). Vậy, trên nền tảng nào chúng ta tỏ sự tôn trọng lẫn nhau nếu không phải là vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa? Vì theo Basil nói, câu đó giải nghĩa về những điều thiêng liêng, vinh dự được ban cho hình ảnh thì truyền sang nguyên mẫu… Tại sao dân thời Môsê tôn vinh lều tạm (Xh 33:10) mà nó mang một hình ảnh và những loại trên trời, thay vì toàn thể tạo vật? Quả thật Thiên Chúa nói với Môsê, “Hãy nhìn xem và làm theo mẫu đã chỉ cho ngươi trên núi” (Xh 25:40). Cũng vậy, thần phẩm Cherubim che phủ ngai thương xót không phải là sản phẩm của bàn tay con người hay sao (Xh 25:18)? Hơn nữa, việc cử hành ở Đền Giêrusalem là gì? Không phải là do tay con người làm ra hay sao (1 Các Vua 8)?...
Trong sự trắc ẩn sâu xa, Thiên Chúa đã trở nên một người thật để cứu độ chúng ta… Người sống trên mặt đất và ngự giữa mọi người (Bar 3:38), làm phép lạ, bị đau khổ, bị đóng đinh, sống lại và được đưa lên trời. Vì những điều này thực sự đã xảy ra và được nhiều người chứng kiến, chúng được viết lại để ghi nhớ và để dạy bảo chúng ta, là những người không sống vào thời đó, để như thế, tuy chúng ta không thấy, chúng ta vẫn nghe và tin, được Chúa chúc lành. Nhưng không phải ai cũng biết đọc; cũng không phải ai cũng có thời giờ để đọc. Vì thế các Giáo Phụ chấp thuận cho diễn tả những biến cố này bằng hình ảnh… để họ có thể nhớ chính xác. Chắc chắn rằng, khi chúng ta nhớ đến sự thống khổ của Chúa và nhìn thấy khổ hình thập giá của Đức Kitô, sự đau khổ cứu chuộc của Người được sống lại trong tâm trí, và chúng ta quỳ sụp và thờ lạy không phải vật chất nhưng điều mà nó diễn tả – cũng như chúng ta không thờ lạy vật chất mà các Phúc Âm được làm ra, cũng không phải chất liệu của thập giá, nhưng những gì chúng tượng trưng… Cũng giống như trường hợp mẹ của Chúa. Vì vinh dự chúng ta dành cho người thì ám chỉ đến Đấng được mặc lấy xác thể từ người… Vinh dự được trao cho hình ảnh thì chuyển đến nguyên mẫu.