Có lẽ bạn đã trông thấy các tấm thiệp với hàng chữ “Đời sống bắt đầu lúc bốn mươi,” hay ba mươi hay năm mươi tuổi.
Đừng tin chúng. Đời sống bắt đầu lúc rửa tội. Bí tích rửa tội là “dấu chỉ đời sống” tinh túy nhất. Chính Đức Giêsu nói về bí tích rửa tội theo diện bổn phận nghiêm ngặt: “nếu người ta không sinh ra bởi nước và Thánh Thần, họ không thể vào Vương Quốc Thiên Chúa” (Ga 3:5). Bí tích rửa tội là thực chất mệnh lệnh sau cùng của Người: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Khi các người dự tòng hỏi T. Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, họ phải làm gì, người tuyên bố một cách không sai lầm: “Hãy sám hối, và mọi người trong anh chị em phải được rửa tội” (Cv 2:38).
Cũng như sự sống tự nhiên của chúng ta không thể tiếp diễn nếu không có sự sinh hạ, đời sống siêu nhiên của chúng ta cũng không thể phát triển nếu không có bí tích rửa tội.
Trước khi rửa tội, có lẽ chúng ta đã có một con tim còn đập và tâm trí sống động. Có lẽ ngay cả một công việc quan trọng và nhiều bạn hữu – như thế không ai dám nói với chúng ta rằng hãy “tìm kiếm một đời sống”. Tuy nhiên, cho đến khi chúng ta được rửa tội, chúng ta không có loại đời sống mà Chúa Giêsu đề cập đến khi Người nói: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua ta” (Ga 14:6).
Lời tuyên bố của Người thì kỳ lạ, bởi vì quả thật người ta có thể đến với Thiên Chúa mà không qua con đường của Đức Giêsu. Ngay cả dân ngoại cũng có thể. T. Phaolô nói như thế trong thư gửi tín hữu Rôma: “điều có thể được biết về Thiên Chúa thì hiển nhiên đối với họ, vì Thiên Chúa từng cho họ thấy điều đó” (1:19-20). Nhưng đây là sự khác biệt: họ không thể biết Người là Cha. Và đó là bản chất của Kitô Giáo.
Thật dễ để chúng ta coi tư cách làm cha của Thiên Chúa là điều đương nhiên. Nó trở nên một sáo ngữ: Thiên Chúa là Cha chúng ta, và tất cả chúng ta là anh chị em, như thế hãy sống hài hòa với nhau. Chúng ta quên rằng loại khẳng định này từng khiến một người bị giết: “Đây là lý do người Do Thái tìm mọi cách để giết [Đức Giêsu], bởi vì Người… gọi Thiên Chúa là Cha” (Ga 5:18). Ngay cả ngày nay, người Hồi Giáo coi đó là sự phạm thượng khi gán tư cách làm cha cho Thiên Chúa.
Con cái, dù là con ruột hay con nuôi, phải chia sẻ cùng bản tính như cha mẹ của chúng. Tôi có thể cảm thấy rất yêu thích thú vật, nhưng tôi không thể làm cho chúng trở nên con của tôi, bởi vì chúng không có bản tính con người.
Vì thế, khi một người gọi Thiên Chúa là “Cha” – như các người cùng thời với Đức Giêsu nhận xét rất đúng – họ “coi chính mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5:18), bởi vì cha và con phải chia sẻ cùng bản tính.
Tư cách làm cha của Thiên Chúa là chân lý trong tâm điểm tin mừng cứu độ của Đức Giêsu. Khi chúng ta tái sinh trong bí tích rửa tội, chúng ta được sinh ra không bởi cha phàm trần, nhưng cha ở thiên đường: “Hãy coi Chúa Cha yêu chúng ta dường nào, đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa; và vì thế chúng ta là như vậy… hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ, nhưng chúng ta biết rằng khi Người xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người” (1 Ga 3:1-2).
Điều này có thể có nghĩa gì?
Các thần học gia từ thời xưa đã diễn tả ơn cứu độ của chúng ta là một “sự trao đổi kỳ diệu”. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa trở nên con người như chúng ta để như thế chúng ta có thể trở nên giống như Người. Con Thiên Chúa trở nên Con Người (Son of Man) để như thế con của loài người có thể trở nên con của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội chúng ta trở nên “người dự phần bản tính Thiên Chúa” (2 Phêrô 1:4). Chúng ta được rửa tội ở trong Đức Kitô, để như thế chúng ta có thể sống trong Người. Các Kitô Hữu tiên khởi dám gọi tiến trình này là thần hóa hay thiên chúa hóa chúng ta. Cũng như sự sinh hạ tự nhiên, nó là một quà tặng thuần túy, không có gì chúng ta có thể thực hành hay giành được cho chúng ta. Nhờ ơn sủng chúng ta trở nên điều mà đó là bản tính của Thiên Chúa. Đó là lý do Thiên Chúa trở nên con người, và đó là lý do tại sao Người ban cho chúng ta bí tích rửa tội.
Thiên Chúa có ý định như thế ngay từ khởi đầu. Các tông đồ thấy nước rửa tội được tiên báo đầy dẫy trong Cựu Ước (xem Chương 1). Tuy nhiên, T. Phaolô đã thấy bí tích rửa tội còn là một sự chu toàn thực hành xưa của người Do Thái đó là cắt bì các bé trai sơ sinh: “anh em đã được cắt bì với phép cắt bì không do tay người phàm, nhưng bởi lột bỏ thân thể xác thịt trong phép cắt bì của Đức Ki-tô; và anh em đã được mai táng với Đức Ki-tô trong bí tích rửa tội” (Col 2:11-12). Như vậy cắt bì trẻ em là một biểu hiện trước của bí tích rửa tội của những ai sẽ được “tái sinh” trong Đức Kitô. Nghi thức cũ đánh dấu “sự sinh hạ” của một đứa trẻ là con của Abraham; nghi thức mới đánh dấu một sự sinh hạ cao trọng hơn nữa là con của Thiên Chúa.
Nói chính xác: với việc cắt bì, một đứa trẻ đi vào giao ước của Thiên Chúa với gia đình ông Abraham. Một giao ước là một hành động hợp pháp dựa trên lời thề; mục đích là để tạo lập một mối giây gia đình giữa những người trước đây không liên quan. Hôn nhân là một giao ước. Nhận con nuôi là một giao ước. Thiên Chúa lập một giao ước với ông Abraham, như thế con cháu của Abraham qua Isaac sẽ là gia đình của Thiên Chúa ở mặt đất.
Cắt bì là dấu chỉ quan trọng của Cựu Ước (xem Công Vụ 7:8). Thiên Chúa đón nhận trẻ sơ sinh vào dân Ít-ra-en qua nghi thức cắt bì – nhưng đàn ông, cũng phải trải qua nghi thức đau đớn này nếu họ muốn gia nhập Do Thái Giáo.
Ngược lại, ngay từ sơ khai Giáo Hội đón nhận trẻ sơ sinh và người lớn – và mọi lứa tuổi ở giữa – vào gia đình của Thiên Chúa bởi bí tích rửa tội, “cắt bì không do tay người phàm.”
Cắt bì thì đau đớn. Nó tốn kém. Nó là tiền đặt cọc bằng máu được dùng như lời hứa của toàn thể đời người. Nhưng là phần tử của gia đình Thiên Chúa thì thật đáng giá.
Với bí tích rửa tội, phần thưởng còn lớn hơn nữa, nhưng tốn phí cũng lớn hơn. T. Ambrose ở Milan viết trong thế kỷ thứ tư như thế này. Một người trải qua sự cắt bì thì chịu đau đớn một phần thân thể trong một thời gian ngắn. Nhưng, người nói, bí tích rửa tội là “bí tích của thập giá.” Dù là trẻ em hay người lớn, Kitô Hữu nào “được rửa tội trong Đức Giêsu Kitô” là được “rửa tội trong sự chết của Người” (Rom 6:3). Cái chết đó có nghĩa một đời sống mới cho chúng ta, một “tạo vật mới” (2 Cor 5:17; Gal 6:15).
Sự cứu độ không miễn trừ chúng ta khỏi phải đau khổ. Đức Giêsu là “người tiên phong” của chúng ta chính vì Người đã chịu đau khổ (Dt 2:10 và 12:2). Người tiên phong không phải là người sau cùng bước vào một lãnh thổ mới, nhưng là người đầu tiên. Người đi trước chúng ta, trở nên một gương mẫu để noi theo, và để tăng sức chúng ta khi đi theo Người. Chúng ta sống đời con cái của Thiên Chúa khi chúng ta sống cuộc đời của Đức Kitô, khi chúng ta sống như Người đã sống, khi chúng ta đau khổ như Người đã đau khổ. Bởi sức mạnh của bí tích rửa tội, chúng ta có thể sống cuộc đời của Người cho đến mãi mãi trên thiên đường. Cho chúng ta cũng như cho Người, điều đó khởi sự ở đây và ngay bây giờ. Bởi bí tích rửa tội, chúng ta được “đồng hình dạng với hình ảnh của Con [Thiên Chúa]” (Rom 8:29). Chúng ta, ở đây và ngay bây giờ, “được thay đổi trở nên giống như Người ngày càng rực rỡ hơn” (2 Cor 3:18). Điều này xảy ra không phải không có sự đau khổ, nhưng qua sự đau khổ – mà, vì sự “trao đổi kỳ diệu” đó, nó hoạt động trong chúng ta với quyền năng Thiên Chúa, quyền năng cứu chuộc.
Chúng ta không được tự để mình ru ngủ bởi sáo ngữ về tư cách làm cha của Thiên Chúa. Giáo lý về bí tích rửa tội quá phong phú, quá căn bản, và quá cách mạng đến độ nó làm ông Nicôđêmô lạc hướng – có lẽ ông là người học thức nhất và sáng giá nhất trong các người bạn của Đức Giêsu (xem Ga 3:1-15). Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng ông cần ơn sủng của bí tích rửa tội để có thể hiểu được sự sinh hạ mới của bí tích rửa tội. Giáo Hội thời tiên khởi đã vâng theo Chúa khi dạy giáo lý về bí tích rửa tội cho người lớn, chỉ sau khi họ đã được rửa tội. Chỉ lúc bấy giờ họ mới có thể tiếp cận các mầu nhiệm này – và sống các mầu nhiệm ấy, bởi vì bí tích rửa tội có những hàm ý sâu đậm cho đời sống luân lý.
Và chúng ta là những người được rửa tội đang sống “trong Đức Kitô” (xem Rôma 8:1), và Đức Kitô sống trong chúng ta (Gal 2:20). Chúng ta là con cái trong Con đời đời của Thiên Chúa. Tuy Đức Kitô có “hình dạng Thiên Chúa” (Phil 2:6), Người đã trút bỏ tất cả để mặc lấy “hình dạng” con người (2:7) – có như thế chúng ta mới có thể ở trong Người và Người ở trong chúng ta. “Vì thế, anh chị em cũng hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Ki-tô Giê-su. Do đó, đừng để tội lỗi thống trị thân xác phải chết của anh chị em nữa, khiến anh chị em phải nghe theo những dục vọng của thân xác. Anh chị em đừng dùng chi thể của anh chị em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa, nhưng anh chị em là những người đã được đưa từ sự chết đến sự sống, anh chị em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh chị em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. Vì tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh chị em nữa, một khi anh chị em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng” (Rom 6:11-14).
Bí tích rửa tội không chỉ là một nghi thức. Nó là cửa ngõ để chúng ta đi vào một Giao Ước mới, một gia đình mới, một đời sống mới, một sự sinh hạ mới, một tạo vật mới. “Chúng ta là Kitô Hữu bởi vì một giao ước,” thần học gia Romano Guardini nói. Nhưng người cũng than thở rằng “thật kỳ lạ khi ý tưởng giao ước lại bị hoàn toàn tan biến khỏi nhận thức của Kitô Hữu. Chúng ta có nhắc đến điều đó, nhưng dường như nó mất ý nghĩa đối với chúng ta.” Chúng ta phải chăm lo để hiểu rõ bí tích rửa tội và đừng bao giờ coi thường nó – và không chỉ bí tích rửa tội của chúng ta, nhưng còn của các bạn hữu và nhất là của con cháu chúng ta. Bạn có biết ngày bạn được rửa tội thật rõ ràng như ngày sinh nhật của bạn không? Bạn có ghi dấu ngày ấy một cách đặc biệt nào đó không?
Khi suy nghĩ về quà tặng của bí tích rửa tội, T. Phêrô Tông Đồ phát biểu thành một bài ca: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lòng thương xót vô biên chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô từ cõi chết, và để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Phêrô 1:3-4). Và thánh nhân gọi các Kitô Hữu là những người đã được “tái sinh, không phải từ hạt giống mục nát, nhưng hạt giống bất diệt, nhờ lời sống động và tồn tại của Thiên Chúa” (1 Phêrô 1:23).
Với bí tích rửa tội, chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa trong Con duy nhất của Người là Đức Giêsu Kitô. Khi trồi lên từ nước trong hồ rửa tội, mọi Kitô Hữu lại nghe tiếng nói đã từng được nghe bên bờ sông Giođan: “Con là Con yêu dấu của ta; ta hài lòng về con” (Lc 3:22). Từ điều này chúng ta hiểu rằng ai đã được đi vào sự kết hợp với Con yêu dấu thì trở nên một người con nuôi (x. Gal 4:4-7) và là một em trai, em gái của Đức Kitô. Theo phương cách này, hoạch định đời đời của Thiên Chúa Cha cho từng người được thể hiện trong lịch sử…
Thánh Maximus, Giám Mục ở Turin, khi nói với những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, người lập lại cùng một tâm tình: “Hãy ngẫm nghĩ về vinh dự mà nó làm cho anh chị em trở nên người được chia sẻ trong mầu nhiệm này!” Tất cả những ai đã rửa tội được mời nghe lại những lời của T. Augustine: “Chúng ta hãy hân hoan và cảm tạ: chúng ta không chỉ trở nên Kitô Hữu, nhưng trở nên chính Đức Kitô… Hãy đứng lên trong sự kinh ngạc và hân hoan. Chúng ta trở nên Kitô.”