Đôi khi đạo Công Giáo được gọi là tôn giáo của “bells and smells” (chuông và mùi). Truyền thống của chúng ta thu hút cả con người. Thiên Chúa tạo nên chúng ta như một tổng hợp thân xác và linh hồn, và chúng ta quay về với Người trong sự thờ phượng. Chúng ta thờ lạy Người trong thần khí và sự thật (Ga 4:24); và trong “sự thờ phượng tinh thần” chúng ta cũng “dâng lên thân xác” chúng ta như “một lễ vật sống động” (Rom 12:1). Như thế, sự thờ phượng của Giáo Hội lôi cuốn tất cả con người chúng ta, gồm các giác quan về thể xác và tinh thần. Trong phụng vụ, chúng ta suy ngắm Phúc Âm, nhưng tất cả không chỉ có thế. Chúng ta nghe, nhìn, cảm thấy, nếm thử, và cả ngửi nữa. Chúng ta rung chuông để loan báo sự xuất hiện của Chúa. Chúng ta đốt hương trước bàn thờ.
Tôi nhớ lần đầu tiên tôi tham dự một sinh hoạt phụng vụ Công Giáo, là đọc kinh chiều trong một chủng viện Byzantine. Quá khứ Tin Lành của tôi đã không chuẩn bị cho tôi cảm nghiệm này – hương và các hình ảnh, việc bái quỳ và cúi chào, ngân nga và tiếng chuông. Mọi cảm giác của tôi được tham dự. Sau đó một chủng sinh hỏi tôi, “Ông nghĩ gì?” Những gì tôi có thể nói là “Bây giờ tôi mới biết tại sao Thiên Chúa ban cho tôi một thân thể để thờ phượng Thiên Chúa trong phụng vụ với dân của Người.”
Sự thờ phượng của chúng ta không chỉ tốt và đích thật. Nó mỹ miều. Chúng ta làm cho nó mỹ miều bởi vì nó dành cho Thiên Chúa. Một hai thế hệ trước đây, hương được dùng nhiều hơn trong Thánh Lễ. Tôi không phải là người trở lại đạo đầu tiên thú nhận rằng tôi bị quyến rũ khi lần đầu ngửi thấy mùi hương. Đó là một cảm nghiệm dễ chịu, một cảm nghiệm thẩm mỹ. Có lý do tốt tại sao người ngoài-Công Giáo lại liên tưởng chúng ta với chuông và mùi. Chúng có một ấn tượng mạnh mẽ.
Thật vậy, thật mạnh mẽ đến độ một số người e ngại rằng hương có phải là một sự xao lãng thờ phượng đích thật không. Họ lo rằng nó có thể làm phụng vụ giảm bớt chỉ còn một cảm nghiệm thẩm mỹ, một tôn giáo của những gì bề ngoài hơn là đời sống nội tâm đích thật. Thiên Chúa đã cảnh cáo người Ít-ra-en về sự phô trương đó; và, qua ngôn sứ Isaia, Người còn đi xa hơn nữa để nói với họ: “Đừng đem những lễ vật vô ích đến nữa; ta ghê tởm khói hương” (Is 1:13).
Tuy vậy Thiên Chúa không hủy bỏ những hình thức thờ phượng bên ngoài. Người muốn dân Người đừng bỏ quên các ý định bên trong. Thật vậy, qua Ngôn Sứ Malachi, Người tiên báo một ngày kia khi “từ bình minh cho đến hoàng hôn… hương được dâng lên mọi nơi để kính danh ta, và một lễ vật tinh tuyền” (Mal 1:11).
Thật vậy, hương là một phần quan trọng của tôn giáo Kinh Thánh – và vẫn như vậy – bởi vì chính Thiên Chúa muốn làm như vậy. Việc dâng hương là một bổn phận căn bản của các tư tế thời Cựu Ước, và luật xưa cẩn thận diễn tả mùi thơm, bình đựng, và nghi thức của nó (thí dụ, hãy đọc Xuất Hành, chương 30). Về thượng tế Aaron, Thiên Chúa nói: “Ta chọn nó giữa mọi chi tộc của Ít-ra-en để là tư tế của ta, để tiến lên bàn thờ để đốt hương” (1 Sam 2:28).
Và các tư tế đã làm như thế, từ thời Môsê đến thời Đức Giêsu, và xa hơn nữa. Ông Giacaria, bà con với Đức Giêsu, đã thi hành nhiệm vụ tư tế của mình là đốt hương trong Đền Thờ, khi thiên thần Gabrien hiện ra với ông. Hiển nhiên đó là một phong tục cho “toàn thể mọi dân tộc” để cầu nguyện “vào giờ đốt hương” hàng ngày (xem Lc 1:9-11).
Hương trở nên hình thức biểu tượng nhất của sự thờ phượng. Các hạt trầm, một khi được bỏ vào than hồng trong bình đựng, nó bay lên cao, tỏa hương thơm ngát. Nó được coi là một dấu chỉ bên ngoài của mầu nhiệm bên trong đó là sự cầu nguyện chân thành. “Ước chi lời con nguyện
như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan,” vịnh gia viết (Tv 141:2). Ẩn ý này vẫn có giá trị với T. Phaolô (xem Phil 4:18). Một thần học gia Do Thái của thế kỷ thứ nhất, ông Philô ở Alexandria, đã nhìn thấy hương trầm bay lên cao như một dấu hiệu của các phẩm chất tinh thần và lẽ phải của con người, được cấu tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Khi hương được dâng với vật tế lễ, ông nói, nó tượng trưng cho toàn thể bản tính con người, thân xác và linh hồn, được dâng lên cho Thiên Chúa.
Như thế hương rất nối kết với sự thờ phượng mà, với các ngôn sứ, hình ảnh của sự bất trung là dâng hương cho các ngẫu tượng. “Ta sẽ tuyên án phạt cư dân xứ này, lên án mọi hành vi gian ác của chúng, vì chúng đã bỏ Ta, đã đốt hương kính các thần khác và đã sụp lạy những sản phẩm tay chúng làm ra” (Giêrêmia 1:16).
Hình ảnh đó cũng được áp dụng trong các thế kỷ đầu của Kitô Giáo, khi luật La Mã đòi hỏi mọi công dân phải đốt hương trước thần hộ giá của hoàng đế. Khi dâng chút hương này, một số Kitô Hữu đã cứu được mạng sống mình (tạm thời), nhưng đã phạm tội trọng là bội giáo. Họ từ bỏ sự thờ lậy đích thực; và, khi làm như thế, họ tự tách biệt mình khỏi Giáo Hội. Những Kitô Hữu nào vẫn trung tín thì bị những kẻ phản bội ám chỉ là “bình đựng hương”.
Như thế, với mọi người xưa, đốt hương là một hành vi tôn giáo phong phú. Khi T. Gioan muốn dùng chữ để diễn tả sự thờ phượng của các thiên thần trên thiên đường, người diễn tả điều đó như được tham dự bởi khói bốc lên từ các hương trầm (xem Kh 5:8). Lời cầu nguyện của các thánh ở dưới đất, người nói, như hương bay lên trời (xem Kh 8:3-4).
Hương thuộc về sự thờ phượng. Nó không cần thiết, nhưng nó mỹ miều và diễn đạt, và xứng đáng với sự thờ phượng Thiên Chúa. Thiên Chúa diễn tả điều đó trong Lề Luật, không cho Người, nhưng cho chúng ta, để như thế chúng ta có thể thấy sự mỹ miều của sự thờ phượng qua dấu hiệu này.
Vào thời của Đức Giêsu, hương không chỉ được đốt trong Đền Thờ, nhưng còn trong tiệc “hiệp thông”, chaburah mà chúng ta đã nói đến trong phần I chương 4: Thánh Lễ. Các giáo sĩ Do Thái tranh luận nhiều về cách sử dụng hương thích hợp trong nghi thức này ở gia đình.
Chúng ta càng phải chăm lo hơn nữa để đưa dấu hiệu hương thơm này vào Thánh Lễ – tiệc hiệp thông Giao Ước mới của chúng ta.
Các tài liệu Kitô Giáo thời tiên khởi – sách Didache, T. Justin, T. Irenaeus – áp dụng lời ngôn sứ Malachi 1:11 vào Thánh Thể. Các đấng ấy nói, Thánh Lễ thuần túy là sự hiến dâng, luôn luôn-và-bất cứ đâu dâng hương lên Thiên Chúa của Ít-ra-en. T. Phaolô nói rất hay: “Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Ki-tô, tạ ơn Người là Đấng đã dùng chúng tôi mà làm cho sự nhận biết Đức Ki-tô, như hương thơm, lan toả khắp nơi. Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Ki-tô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất. Đối với những người bị hư mất, chúng tôi là mùi tử khí đưa đến tử vong; nhưng đối với những người được cứu độ, chúng tôi lại là hương sự sống đưa đến sự sống” (2 Cor 2:14-16).
Lậy Chúa Giêsu Tối Cao, ôi Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng tự do dâng hiến chính mình một của lễ vô tội trên thập giá cho Thiên Chúa Cha, là miếng than có hai bản tính đã chạm đến môi của ngôn sứ với cái kẹp và lấy đi tội lỗi của ông: xin cũng hãy chạm đến tâm hồn chúng con là kẻ tội lỗi, và thanh tẩy chúng con khỏi mọi tì ố, và dâng tiến chúng con ở bàn thờ thánh thiện của Ngài, để chúng con có thể dâng lên Ngài một tế phẩm ngợi khen. Xin hãy chấp nhận từ chúng con, các tôi tớ vô dụng, hương trầm này như một hương thơm ngọt ngào, làm thơm tho mùi xấu xa của linh hồn và thân xác chúng con, và thanh tẩy chúng con với sức mạnh thánh hóa của Thánh Thần vô cùng thánh thiện…
Xin hãy chấp nhận từ bàn tay chúng con, kẻ tội lỗi, hương trầm này, như Ngài đã chấp nhận của lễ từ Aben, và Nôe, và Aaron, và Samuen, và của tất cả các thánh, xin che chở chúng con khỏi mọi sự dữ, và xin gìn giữ chúng con để luôn luôn thờ lậy, làm đẹp lòng, và vinh danh Ngài…
Chúng con cảm tạ Ngài, Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa của tất cả, vì những điều thiện hảo Ngài đã ban cho chúng con, và cho chúng con được hiệp thông với những mầu nhiệm thánh và tinh tuyền của Ngài. Chúng con dâng lên Ngài hương thơm này, cầu xin rằng: Xin hãy giữ chúng con dưới đôi cánh của Ngài, và coi chúng con xứng đáng cho đến hơi thở cuối cùng để được tham dự vào các nghi lễ thánh thiện của Ngài để thánh hóa linh hồn và thân xác chúng con, hầu đáng được thừa hưởng vương quốc trên trời. Ôi lạy Chúa, vì Chúa là sự thánh hóa của chúng con, và chúng con dâng lời chúc tụng và cảm tạ lên Ngài, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.