Tôi không phải là độc giả đầu tiên nhận xét rằng Kinh Thánh là một cuốn sách nói về câu chuyện tình – câu chuyện tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Như để nhấn mạnh đến điểm này, Giáo Hội xếp đặt Kinh Thánh để qui điển thánh kinh bắt đầu và chấm dứt với một lễ cưới. Trong sách Sáng Thế, cao điểm của tường thuật sự tạo dựng là Thiên Chúa hình thành người nam và người nữ, Adong và Evà, hai người đầu tiên trở nên một xương thịt (St 2:23-24). Trong sách Khải Huyền của Gioan, cực điểm ở phần tận cùng, trong thị kiến thiên đường, mà thiên thần hướng dẫn diễn tả là “tiệc cưới của Chiên” (Kh 19:9) – cử hành sự kết hợp của Chúa Kitô và Giáo Hội của Người.
Giữa hai biến cố này, một câu chuyện tình được khai mở. Khi Thiên Chúa nói với các ngôn sứ, Người trình bày giao ước của Người với Ít-ra-en như một hôn nhân. Người nói về chính mình, hay Mêsia của Người, đến như một chàng rể để chiếm lấy dân của Người như nàng dâu (xem Hôsê 2:16-24; Giêr 2:2; Is 54:4-8). Vì thế, hôn nhân loài người là một hình ảnh thế tục về tình yêu muôn thuở của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en.
Một số người sai lầm biếm học tôn giáo của người Ít-ra-en là “chủ nghĩa trọng luật” chỉ vì sự nhấn mạnh đến Lề Luật. Nhưng như Jon Levenson, một học giả Do Thái đương thời, đã làm sáng tỏ rằng, “Đó không phải là câu hỏi về luật hay tình yêu, nhưng luật được thai nghén trong tình yêu, tình yêu được bày tỏ trong lề luật. Cả hai là sự kết hợp.” Ông giải thích tiếp rằng Sách Thánh Do Thái thì không thể hiểu nếu không có yếu tố hôn nhân này: “Điều xảy ra trên núi trong thời xưa là tuyệt đỉnh của một chuyện tình lãng mạn, một hôn nhân mà trong đó ‘YHWH’ là chàng rể và Ít-ra-en… là nàng dâu.” Hôn nhân chính là ý nghĩa của mối liên kết giữa Thiên Chúa và tuyển dân. Đó là một giao ước – tiếng Hebrew là b’rith – một ràng buộc gia đình.
Tuy nhiên, niềm vui không chỉ dành cho Ít-ra-en. Vì mọi tạo vật bị cuốn vào sự cử hành “đám cưới” của trời và đất này. Qua ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa hứa: “Trong ngày đó, vì dân Ta,
Ta sẽ thiết lập một giao ước với thú vật đồng hoang, với chim chóc trên trời, với loài bò sát dưới đất: Ta sẽ bẻ gãy cung nỏ gươm đao, chấm dứt chiến tranh trên toàn xứ sở, và Ta sẽ cho chúng được sống yên hàn. Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ biết ĐỨC CHÚA” (2:20-22). Ông Levenson kết luận: “Trong đoạn thơ cuối của ngôn sứ Hôsê, mọi tạo vật tham dự lễ cưới. Bầu trời đáp ứng với trái đất, và trái đất đáp ứng bằng cách trưng ra sự mầu mỡ của mình… Toàn thể vũ trụ dự phần trong lễ cưới linh thiêng của ‘YHWH’ và Ít-ra-en”.
Rabbi Michael Fishbane lần tìm vết tích ảnh hưởng của biểu tượng hôn nhân từ Hôsê đến Giêrêmia (xem Giêr 2:2, 3:1). Nhưng, trên hết, ông viết: “Chủ đề giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và Ít-ra-en sau cùng được biểu lộ vui mừng trong những giải thích cổ điển của hàng giáo sĩ về Diễm Tình Ca.” Kitô Hữu có thể thêm rằng truyền thống này được thấy tiếp nối trong các thánh và học giả của Giáo Hội, từ T. Hyppolytus và T. Gregory ở Nissa cho đến T. Bernard ở Clairvaux và T. Tôma Aquinas cho đến T. Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.
Các ngôn sứ đã tiên báo một giao ước mới và vĩnh cửu, mà nó sẽ là một sự canh tân giao ước nguyên thủy giữa Thiên Chúa và Adong, Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa và mọi tạo vật. Thật vậy, nó bao gồm tất cả để trở thành một “tạo vật mới.” Hình ảnh của các ngôn sứ, mà đến lượt Đức Giêsu Kitô sử dụng, là hình ảnh hôn lễ và hôn nhân. Như thế, khi Đức Giêsu Kitô đến, Người tự coi mình là “chàng rể” và những ai được kết hợp với Người trong bí tích rửa tội thì được gọi là “nàng dâu” (xem Ga 3:29; Mc 2:19; Mt 22:1-14, 25:1-13; 1 Cor 6:15-17; 2 Cor 11:2).
Chính Đức Giêsu là người cho chúng ta sự giải thích rõ rệt đầu tiên về sách Sáng Thế. Nói cho cùng, chữ “hôn nhân”, không thấy xuất hiện trong câu chuyện của Adong và Evà. Tuy nhiên, chúng ta biết câu chuyện này là về hôn nhân vì Đức Giêsu nói như thế (xem Mc 10:2-16). Đức Giêsu nói rằng câu chuyện sách Sáng Thế phản ánh ý định của Thiên Chúa “từ lúc khởi đầu sự tạo dựng” và “điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, không ai được chia cách.”
Xa hơn nữa trong Tân Ước, T. Phaolô có một dẫn giải thâm trầm bí ẩn. Trong Thư gửi tín hữu Êphêsô, người trích sách Sáng Thế và giải thích rằng giao ước hôn nhân trong Vườn là một ám chỉ đến giao ước giữa “Đức Kitô và Giáo Hội” (xem Eph 5:21-33). Khi sử dụng điều ám chỉ hiển nhiên đến Adong và Evà trở nên một xương thịt, dường như T. Phaolô cũng làm sáng tỏ công việc và sự thất bại của Adong. Người giúp chúng ta thấy Adong đã không “hy sinh chính mình” cho nàng dâu như ông phải như thế; thay vào đó, ông tự để mình bị đe dọa bởi con rắn. T. Phaolô giúp chúng ta thấy rằng, trái lại, Đức Kitô đã thực sự “hi sinh chính mình” cho nàng dâu của Người, là Giáo Hội. Điều mà Adong đầu tiên thất bại, với hậu quả khốc liệt, thì Adong mới đã thành công, với quyền năng cứu độ.
Hãy nhận xét rằng T. Phaolô không bác bỏ nghĩa đen của bản văn Sáng Thế, ông cũng không nói nó không thực sự về chồng và vợ trong thực tại. Thật vậy, ông đã đem lại một giảng dậy mỹ miều về tình yêu mà vợ chồng chia sẻ. Tuy nhiên, ông nói với chúng ta rằng hôn nhân còn là một dấu hiệu về mầu nhiệm vĩ đại cao cả hơn nữa – tình yêu mà Đức Kitô dành cho nàng dâu của Người là Giáo Hội, tình yêu mà Thiên Chúa dành cho dân của Người.
Mầu nhiệm này được biểu lộ mạnh mẽ nhất trong cuốn cuối của Kinh Thánh, sách Khải Huyền của Gioan, được biết đến tên khác là “Apocalypse” – từ tiếng Hy Lạp apokalypsis, theo nghĩa đen là “vén màn”. Cũng như câu chuyện của Adong và Evà, sách Khải Huyền gợi lên hình ảnh vừa có tính cách hôn nhân và vừa có tính cách tư tế. Các tấm màn, xưa cũng như nay, là một phần căn bản của áo cưới của cô dâu. “Vén màn” của cô dâu là cao điểm của truyền thống tiệc cưới kéo dài một tuần lễ của Do Thái. Thật vậy, apokalypsis có liên quan đến giây phút đầu tiên của sự thân mật hôn nhân và sự kết hợp thể xác, là sự hoàn thành về thể chất của giao ước hôn nhân.
Cũng như một cô dâu, cung thánh của Thiên Chúa được khép kín, chỉ được vén mở với sự hoàn thành (tột đỉnh) của Giao Ước Mới (xem Mt 15:38). Nơi cực thánh trong Đền Giêrusalem là một phòng vuông được dát vàng (1 Các Vua 6:19-20). Phòng được che kín bởi một tấm màn từ trên trần đến sàn nhà, tấm màn được thêu hình thú vật và bông hoa trang trí. (Như thế, chính thiên nhiên giống như “tấm màn” biểu tượng của một thực tại vĩ đại hơn nữa). Nhưng tấm màn này đã bị xé ra, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, khi thân thể Đức Kitô bị xé ra trong tình yêu tự hiến của Người trên thập giá. Vì sự tự hiến này, “chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh nhờ máu của Đức Giêsu, nhờ con đường mới và sống động mà Người đã mở ra cho chúng ta qua tấm màn, đó là, qua thân xác của Người” (Dt 10:19-20).
Điều được che kín thì thánh thiện, chỉ được vén mở trong giao ước tình yêu. Điều Khải Huyền “vén mở” là sự hoàn thành (tột đỉnh) sau cùng của lịch sử, hôn lễ của Đức Kitô với nàng dâu, Giáo Hội (xem Kh 19:9, 21:9, 22:17). Nàng là “thành thánh, Giêrusalem Mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21:2). Cũng như nơi cực thánh, nàng dâu của Đức Kitô thì hình vuông và lộng lẫy với vàng ròng (Kh 21:16-18).
Bởi “vén màn” Giáo Hội, Chàng Rể tư tế của chúng ta tiết lộ món quà tình yêu của Người cho nàng dâu – thành Giêrusalem Mới – trong sự “lộng lẫy và mỹ miều” của Thánh Thần (xem Xh 28:2). Hôn lễ khai mở một tạo vật mới – “một trời mới và đất mới” (Kh 21:1).
Đó là một tái bản các chương mở đầu của sách Sáng Thế. Học giả thế kỷ thứ ba là Origen cho rằng sách Khải Huyền của Gioan là yếu tố then chốt để giải thích Phúc Âm của Gioan. Thật vậy, nhiều khía cạnh khó nghĩ của tiệc cưới Cana dường như được sáng tỏ khi chúng ta hiểu rằng Gioan đang diễn tả một Sáng Thế mới, một tạo vật mới, một “tiệc cưới” chung cuộc của Chiên Thiên Chúa.
Trong giao ước đầu tiên, chúng ta thấy sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ, Adong và Evà (xem St 2:23-24). Trong Giao Ước Mới, chúng ta thấy một người nam mới và một người nữ mới hiện diện trong một tiệc cưới. Thật vậy, Đức Maria là mẹ của Đức Giêsu, không phải nàng dâu. Nhưng để hiểu các chiều kích siêu nhiên của tính cách biểu tượng trong Kinh Thánh mà Gioan muốn nói ở đây, chúng ta cần gạt sang một bên cách hiểu “tự nhiên” của chúng ta. Là “phụ nữ”, Đức Maria trở thành tụ điểm của biết bao dấu hiệu và mong đợi trong Kinh Thánh. Đồng thời người là con gái của Ít-ra-en, mẹ của dân tộc mới của Thiên Chúa, và nàng dâu của Thiên Chúa.
Ở Cana, Đức Giêsu xuất hiện như một Adong Mới, trưởng tử của một sự tạo dựng mới. Điều T. Gioan ám chỉ thì được thấy rõ ở đâu đó trong Tân Ước. T. Phalô gọi Đức Giêsu là một “loại” Adong (xem Rom 5:14) và Adong mới hay sau cùng (xem 1 Cor 15:21-22, 45-49). Ở Cana, Đức Maria là Evà Mới, nàng dâu của Adong Mới, mẹ của sự tạo dựng mới.
Ở Cana xảy ra sự biến đổi nước thành rượu – một biến thể tiên báo tiệc Giao Ước Mới của Đức Giêsu: Thánh Thể, sự hoàn thành giao ước về thể chất giữa Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Chính trong Thánh Thể mà Đức Giêsu ban cho chúng ta Thân Thể của Người làm lương thực (Ga 6:26-58). Chính trong Thánh Thể mà Đức Giêsu lôi kéo toàn thể nhân loại đến tiệc cưới của Chiên. Chính trong Thánh Thể mà Đức Kitô có thể nhìn đến Giáo Hội như Adong nhìn đến Evà và nói: “Sau cùng đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2:23).
Trong Thánh Thể, chúng ta được trở thành phần tử của tiệc cưới, mỗi người chúng ta được ngồi ở bàn đầu của “lễ cưới” mà Đức Giêsu gọi là “tiệc của ta” trong các dụ ngôn của Người. Trong Thánh Thể, chúng ta đi vào chiều sâu của sự hiệp thông tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mỗi người. Trong bí tích rửa tội, mỗi một người chúng ta được “kết hôn với Đức Kitô” (2 Cor 11:2). Mỗi một Thánh Lễ là lễ cưới của chúng ta. T. Augustine nói, “Mỗi một cử hành là một việc cử hành đám cưới – lễ cưới của Giáo Hội được cử hành. Con của Vua sẽ lấy một người vợ và… khách lui tới hôn lễ, chính họ là Nàng Dâu… Vì Giáo Hội và nàng dâu của Đức Kitô.”
Điều đúng với Đền Thờ thì cũng đúng với nàng dâu này. Mối tương quan thì hiển nhiên trong tiếng mẹ đẻ của Đức Giêsu. Chữ Hebrew về thánh thiện là kiddushin, đó cũng là chữ được dùng cho lễ cưới Do Thái Giáo và cho tình trạng kết hôn.
Hôn nhân có Thiên Chúa là Tác Giả, và ngay từ ban đầu là một loại tiên báo về sự nhập thể của Con Thiên Chúa; và vì thế ở trong đó có sự thánh thiện và tôn giáo; không ở ngoài, nhưng bẩm sinh; không phát nguyên từ con người, nhưng được ghi khắc bởi thiên nhiên.