Trước khi tôi là Công Giáo, tôi chống phá Công Giáo. Là một học sinh trung học tôi tích cực trong các tổ chức chống giáo hội để huấn luyện các phần tử nhằm vạch ra những “bác bẻ” đối với đức tin Công Giáo. Tôi thường đối chất người Công Giáo với những câu của Đức Giêsu: “đừng gọi ai dưới đất là cha” (Mt 2:3-9). Lúc ấy, tôi thường hỏi tại sao người Công Giáo gọi các linh mục là “cha”? Giờ đây tôi sợ hãi, không phải vì hiểu sai về đạo Công Giáo cho bằng hiểu sai về Kinh Thánh.
Sau nhiều năm nghiên cứu và cầu nguyện, hiển nhiên tôi thấy rằng quả thật Kinh Thánh trình bày các tư tế của Thiên Chúa như người cha. Trong tôn giáo dựa vào Kinh Thánh, một tư tế là một người cha – và hơn cả một người mà bạn hay tôi đã gọi bằng tên đó “ở dưới đất,” là cha ruột hay cha nuôi.
Hãy khởi sự ngay từ đầu. Khi nghiên cứu Cựu Ước, chúng ta có thể chia lịch sử chức tư tế thành hai giai đoạn: thời tổ phụ và thời Lêvi. Thời tổ phụ tương ứng với sách Sáng Thế, trong khi thời Lêvi bắt đầu trong Xuất Hành và kéo dài cho đến khi Đức Giêsu giáng trần.
Tôn giáo thời tổ phụ thì hiển nhiên khác với tôn giáo được Ít-ra-en thực hành sau khi ông Môsê nhận được Lề Luật trên núi Sinai. Tôn giáo tổ phụ được vững vàng dựa trên thứ tự gia đình tự nhiên, đặc biệt là thẩm quyền được truyền lại từ cha đến con trai – lý tưởng là con trai đầu lòng – thường dưới hình thức “chúc phúc” (xem St 27).
Trong sách Sáng Thế, chúng ta không thấy sự phân chia thể chế hay đẳng cấp tư tế. Không có đền thờ được đặt riêng làm địa điểm cúng tế. Chính các tổ phụ dựng các bàn thờ và dâng lễ vật tại nơi chốn và thời điểm họ chọn riêng (xem St 4:3-4, 8:20-21, và 12:7-8). Các người cha được ủy quyền là tư tế bởi sự tự nhiên.
Có những phẩm phục liên quan đến chức vị này. Khi Rêbécka lấy y phục của Esau, con trai đầu lòng của bà, và trao cho Giacóp (St 27:15), bà đã chuyển trao chức tư tế về biểu tượng. Một thế hệ sau, chúng ta thấy cùng tầm quan trọng về chức tư tế trong chiếc “áo dài” mà ông Giacóp đã cho con trai là Giuse (xem St 37;3-4), và chúng ta hiểu tại sao các người anh của Giuse đã rất ghen tị.
Tư cách làm cha là căn bản gốc của chức tư tế. Chính ý nghĩa của chức tư tế trở ngược về người cha trong gia đình – vai trò đại diện, thẩm quyền tinh thần, và phục vụ tôn giáo của ông. Con đầu lòng là thừa kế hiển nhiên của người cha, người này được chuẩn bị để kế vị quyền người cha và tư tế trong gia đình. Ngay từ đầu, chức tư tế thuộc về người cha và các con trai “được chúc phúc” của họ.
Khuôn khổ này tiếp tục đi vào sách Xuất Hành. Ở đó Thiên Chúa tuyên bố với Môsê, “Ít-ra-en là con trai đầu lòng của ta” (Xh 4:22) – đó là, trong nhiều dân tộc ở mặt đất, dân Ít-ra-en là thừa kế và tư tế của Chúa. Trong biến cố Vượt Qua, các con trai đầu lòng của dân này được cứu bởi máu của Chiên Vượt Qua, và vì thế họ được thánh hiến để phục vụ làm tư tế trong từng mười hai chi tộc và các dòng họ của Ít-ra-en (Xh 19:22-24). Thiên Chúa trao cho Ít-ra-en một ơn gọi độc đáo là trở nên một “dân tộc thánh thiện và một tư tế vương giả” – một “anh cả” trong các dân tộc. Như các con trai đầu lòng sẽ là tư tế trong gia đình thì Ít-ra-en hành động như con trai đầu lòng của Thiên Chúa trong các dân tộc.
Nhưng vẫn còn một khúc mắc. Tình trạng của Ít-ra-en tùy thuộc điều kiện lớn nhất trong lịch sử: “nếu ngươi vâng nghe tiếng ta và giữ giao ước của ta” (Xh 19:5-6). Trong điều này, Ít-ra-en đã thất bại. Khi dân chúng thờ con bê vàng, các chi tộc của Ít-ra-en đã đánh mất phúc lành tư tế cho một chi tộc, Lêvi (Xh 32:25-29). Vì chỉ có người Lêvi chống lại cám dỗ thờ tà thần.
Như thế chức tư tế của Ít-ra-en trở nên một chức cha truyền con nối được dành cho một thành phần ưu tú về văn hóa, và căn nhà không còn là nơi chính của chức tư tế và cúng tế. Về căn bản Thiên Chúa đã “hoàn tục” các chi tộc khác vì sự bất trung của họ. Chỉ một mình chi tộc Lêvi giữa được chức tư tế của Ít-ra-en qua các thế hệ, cho đến thời của Đức Giêsu.
Ngay cả như thế, trong sách các Thủ Lãnh chúng ta có thể thấy rằng Ít-ra-en vẫn xác định chức tư tế với chức vị làm cha. Trong chương mười bảy, chúng ta biết một người tên là Mica, ông thánh hiến con trai làm tư tế với mục đích thờ phượng trong ngôi đền tại gia.
Tuy vậy, khi một người Lêvi xuất hiện trước cửa nhà ông Mica, ông này khẩn khoản: “Hãy ở lại với tôi, và hãy là một người cha và một tư tế đối với tôi” (Thủ Lãnh 17:10). Một chương sau, lời nài van của ông Mica được thấy, hầu như nguyên văn, bởi dòng họ Đan khi mời người Lêvi làm tư tế cho toàn thể dòng họ: “Hãy đến với chúng tôi, và hãy là một người cha và một tư tế đối với chúng tôi” (Thủ Lãnh 18:19).
Điều đáng kể về các lời yêu cầu đó không phải là sự khẳng định nhưng là điều họ thừa nhận. Chỉ trong một vài chữ, ông Mica đem cho chúng ta một cái nhìn hiếm có vào giai đoạn chuyển tiếp của dân Ít-ra-en. Các người cha vẫn thiết lập các con trai như tư tế trong ngôi đền tại gia – một thói quen còn sót lại từ thời đại trước. Tuy vậy chức tư tế của người Lêvi được ưa thích hơn vai trò tư tế của con trai ông Mica – một gợi ý về chức thánh mới xuất hiện.
Trong lời của ông Mica, và được lập lại bởi dòng họ Đan, chúng ta còn thấy tư cách người cha vẫn được coi là một thuộc tính thiết yếu của thừa tác vụ tư tế – ngay cả sau khi chức tư tế ra khỏi cơ cấu gia đình.
Những đoạn trích ngắn đó từ sách các Thủ Lãnh là dữ kiện quan trọng. Nó cho thấy thực tại bao trùm của tư cách làm cha tinh thần của linh mục được in sâu như thế nào trong lịch sử tôn giáo của chúng ta – có nguồn gốc ngược trở về thời Ít-ra-en.
Vào thời gian viên mãn, Thiên Chúa Cha đã sai Đức Giêsu đến như một con trai đầu lòng trung tín (Dt 1:6) và một tư tế (Dt 10:21) – không chỉ để phục hồi chức tư tế tự nhiên, nhưng còn để thiết lập một chức tư tế siêu nhiên trong gia đình của Thiên Chúa, là Giáo Hội.
Như thế, với Đức Giêsu là sự khôi phục chức tư tế tự nhiên của những người cha và thiết lập một cương vị làm cha của các tư tế Giao Ước Mới. Theo Thư gửi tín hữu Do Thái, vai trò và căn tính của Đức Giêsu là con trai đầu lòng trung tín Con Thiên Chúa (xem Dt 1:6) giúp Người đủ điều kiện để làm người trung gian tuyệt hảo giữa Thiên Chúa, Cha của Người, và các em trai em gái của Người. Đối với Đức Kitô, chúng ta là “con Thiên Chúa được ban cho tôi” (Dt 2:13), “các con trai” (Dt 2:10), “anh chị em của Người” (Dt 2:12), “hạt giống mới của Abraham” (Dt 2:16), đấng hình thành “gia đình” của Thiên Chúa, mà Đức Giêsu xây dựng và cai quản (Dt 3:3) như một người con trai (Dt 3:6). Vì mọi Kitô Hữu được đồng hình dạng với Đức Kitô, Giáo Hội trở nên một “tập thể các con đầu lòng” (Dt 12:23).
Khi nói về Giáo Hội, T. Phêrô coi Giáo Hội đảm nhận tiêu chuẩn mà Ít-ra-en đã đánh mất trong sa mạc: “Anh chị em là một giống nòi được tuyển chọn, một tư tế vương giả, một dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Phêrô 2:9).
Giờ đây, một lần nữa, các linh mục là những người cha trong Giáo Hội, mà giờ đây trở thành “gia đình hoàn vũ của Thiên Chúa” (xem GLCG, các số 1 và 1655). Các tông đồ, các linh mục đầu tiên của Đức Kitô, hiển nhiên thấy vai trò của họ như một người cha. T. Phaolô xác nhận vai trò cha tinh thần của mình: “Vì tuy anh chị em có biết bao chỉ dẫn trong Đức Kitô, anh chị em không có nhiều người cha. Vì tôi trở nên cha của anh chị em trong Đức Kitô nhờ phúc âm” (1 Cor 4:15; cũng xem Phil 2:22; 1 Tim 1:2, 1:18; 2 Tim 1:2; Titô 1:4; Phlm 10). T. Phaolô là một người cha không vì kết hôn và gầy dựng một gia đình; người không như vậy. Người là cha vì người là một linh mục: “một thừa tác viên… trong công việc tế tự của phúc âm” (Rom 15:16).
T. Augustine cũng nhìn cùng một phương cách về chức giám mục mà người thừa hưởng từ các tông đồ: “Các tông dồ được sai đi như những người làm cha; để thay thế các tông đồ ấy, những người con trai được sinh ra bởi bạn là người tạo thành các giám mục… Giáo Hội gọi họ là cha, Giáo Hội là người sinh ra họ, đặt họ vào sự chăm sóc của những người cha… Đó là Giáo Hội Công Giáo. Giáo Hội sinh ra các con trai, trên khắp trái đất, họ tiếp tục công việc của những người cha đầu tiên của Giáo Hội.”
Đó là sự giảng dạy đích thực từ Kinh Thánh. Các linh mục thì cao hơn các quản lý hay các quan lại. Họ là những người cha. Cương vị làm cha không phải là một chức năng nghi lễ cho bằng một tương quan gia đình.
Như thế, cha sở là cha của một gia đình lớn. Trước Thiên Chúa, cha sở phải chịu trách nhiệm hàng ngàn người. Cương vị làm cha của người không chỉ có tính cách ẩn dụ. Cương vị làm cha đích thực bao gồm sự thông ban đời sống. Là một người cha tự nhiên, tôi thông ban sự sống con người về sinh học – nhưng, trong bí tích rửa tội và Thánh Thể, một linh mục thông ban sự sống Thiên Chúa và nhân tính thánh thiêng của Đức Giêsu Kitô.
Vì là cha tinh thần, một linh mục phải được tôn trọng – mọi linh mục, bất kể sự yếu đuối hay tội lỗi của họ. Khi Thiên Chúa nói, “Hãy thảo kính cha mẹ,” Người không đặt điều kiện, không có ngoại lệ. Khi một linh mục thất bại trong cương vị làm cha, chúng ta phải cầu nguyện cho họ, đối chất họ trong riêng tư, đối chất họ với các nhân chứng khác; và, nếu mọi cố gắng đều thất bại, chúng ta phải trình lên đức giám mục, trong khi vẫn tôn trọng họ, chức linh mục của họ, và cương vị làm cha của họ. Đây là những gì con cái phải thi hành cho cha mình (xem St 9:22-27).
Lý do mà Thiên Chúa, về việc sinh con không còn được kể đến, vì sinh con không còn ý nghĩa cho chúng ta, vì nhờ sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta có thể tận mắt quan sát hàng ngàn quốc gia và dân tộc từ các thành phố, vùng đất, và cánh đồng đến quy tụ nhờ sự giảng dạy phúc âm của Đấng Cứu Chuộc, để cùng nhau phụng sự Thiên Chúa qua việc giảng dạy phúc âm. Thật thích hợp cho các thầy dậy và sứ giả về việc thờ phượng Thiên Chúa đích thật là giờ đây họ thoát khỏi những ràng buộc về việc kiếm sống hàng ngày. Thật vậy, vì những người này giờ đây được lệnh phải cương quyết xa lánh hôn nhân để tận hiến cho vấn đề quan trọng hơn. Giờ đây họ lưu tâm với điều thánh thiện và không phải sinh con cháu. Và họ tự nhận lấy việc sinh sản không chỉ một hay hai đứa con nhưng một số không thể xác định để giáo dục và chăm sóc.