Hãy tưởng tượng bạn cho một người quen mượn một ngàn đô la, sau đó người này đến gặp bạn và nói, “Bạn không thể tưởng được điều gì đã xảy ra. Tôi đi chợ và bị lấy mất tất cả số tiền ấy, và tôi không thể trả lại cho bạn được, tối thiểu trong sáu tháng.” Chắc chắn sẽ có sự căng thẳng, ngay cả trong mối tương giao.
Bây giờ hãy tưởng tượng một người bạn tốt gặp bạn và nói: “Tôi cầu nguyện cho con nợ của bạn… vì thế xin vui lòng tha cho số nợ ấy.” Nếu một ngàn đô la rất lớn so với ngân quỹ của bạn thì có lẽ bạn sẽ cười lớn. Lời đề nghị này ngược với cảm nhận công bằng của bạn, và đúng như vậy.
Một số người cố hình dung ra ân xá theo cách đó – như sự tha nợ trong lĩnh vực tinh thần. Nhưng một ân xá thì không phải sự tha thứ một món nợ. Đó là việc trả cho số nợ. Như thể ai đó xuất hiện và trả cho bạn một ngàn đô la thay cho con nợ.
Đó là những gì Chúa Kitô đã trao quyền cho Đức Maria và các thánh để thi hành cho chúng ta, và đó là điều Chúa Kitô đã trao quyền cho chúng ta để thi hành cho người khác, ngay cả những ai đã chết và hiện trong luyện tội.
Khi chúng ta có được một ân xá, Giáo Hội lấy ra từ kho tàng công nghiệp của Chúa Kitô và các thánh – một kho tàng vô tận – và áp dụng công nghiệp ấy cho chúng ta, giả sử rằng chúng ta trong tình trạng ơn sủng (chúng ta không phạm tội nặng), và chu toàn các điều kiện khác (xưng tội, rước lễ, và cầu nguyện theo ý đức giáo hoàng). Một ân xá có thể là toàn phần (đại xá), tha thứ mọi hình phạt vì tội, hoặc có hạn định (tiểu xá).
Đó là một ý tưởng xưa như Kinh Thánh, và nó thường là một phần của các tôn giáo dựa vào Kinh Thánh. Các giáo sĩ Do Thái xưa làm chứng cho điều này, cũng như các Giáo Phụ. Hãy xem xét ân xá trong Cựu Ước.
Abraham là một người công chính sống bởi đức tin, và đức tin của ông được thấy trong nhiều hành động. Thiên Chúa liên tục thử thách ông, và Abraham liên tục đáp trả với đức tin vâng phục. Trong Sáng Thế 22, ông đối diện với một thử thách sau cùng: Thiên Chúa ra lệnh ông hãy sát tế con trai yêu dấu của ông là Isa-ác. Abraham chứng tỏ quyết tâm của mình, và ông đi với Isa-ác lên núi Môria. Nhưng Thiên Chúa đã dung tha cho Isa-ác và thưởng cho ông Abraham với lời hứa chúc lành cho con cháu của ông.
Tuy nhiên, con cháu của ông đã đánh mất lời chúc ấy trong phương cách ghê tởm nhất: bởi đúc một con bê bằng vàng, và sau đó thờ lạy nó như một ngẫu tượng. Đó là một tội vô cùng lớn lao, một hành vi vô ơn đối với Thiên Chúa, đấng đã giải thoát Ít-ra-en khỏi nô lệ cho Ai Cập một cách lạ lùng. Khi phạm tội như thế, Ít-ra-en đáng phải chết.
Làm thế nào Môsê đã giải thoát họ khỏi hình phạt đáng phải chịu? Bởi cầu khẩn đến công nghiệp của tổ tiên họ. Ông nói với Chúa: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, Isa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (Xh 32:13).
Môsê đã không nài xin vì thế hệ hiện thời, ngoại trừ họ là miêu duệ của các tổ phụ vĩ đại. Trong câu chuyện này, chúng ta có thể thấy sự tha thứ hình phạt tạm thời. Thiên Chúa muốn tiêu diệt dân Ít-ra-en nhưng Người đã không làm. Chúng ta có thể thấy sự can thiệp của ông Môsê dựa trên kho tàng công trạng, công trạng của Tổ Tiên.
Khi các giáo sĩ Do Thái xưa thảo luận về câu chuyện này, họ không thể giải thích cách nào khác. Kho tàng công nghiệp giúp họ được che chở khỏi bị trừng phạt vì sự công bằng của Thiên Chúa và đồng thời được Thiên Chúa thương xót. Họ áp dụng các nguyên tắc này cho câu chuyện của ông Nôe, mà sự công chính của ông cứu được nhiều thế hệ tương lai khỏi bị lụt tàn phá, và Đavít, sự tốt lành của ông cứu được con trai là Sôlômon khỏi tai ương đáng phải chịu.
Các Giáo Phụ hiểu các câu chuyện Cựu Ước này là một bóng mờ của điều mà Thiên Chúa Cha giờ đây thi hành qua Chúa Kitô. Trong Cựu Ước, công trạng chuyển đi từ Abraham đến Isa-ác đến Ít-ra-en và sau đó đến các thế hệ con cháu của Ít-ra-en. Bây giờ, nó đi từ Chúa Cha qua Chúa Con qua Chúa Thánh Thần đến Đức Maria, các thánh, các vị tử đạo, và cũng như tất cả chúng ta.
Chúng ta sống trong sự hiệp thông với người khác. Điều đúng trong luật tự nhiên thì cũng đúng trong trật tự siêu nhiên. Các thánh mang các gánh nặng của chúng ta, và chúng ta cũng phải “mang gánh nặng của nhau” (Gal 6:2). T. Phaolô hiểu cách hoạt động của nó, và người nói: “trong thân xác của tôi, tôi chu toàn những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô vì thân thể của Người, đó là Giáo Hội” (Col 1:24).
Trên thánh giá, Chúa Giêsu tuyên bố, “Đã hoàn tất.” Công việc cứu độ chúng ta thực sự đã hoàn tất. Nhưng trong một ý nghĩa khác nó chỉ mới bắt đầu – vì, ở giây phút đó, Chúa Kitô trao Thần Khí: Người trao quyền cho chúng ta, qua Chúa Thánh Thần, để chia sẻ chính sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Người. Người chuyển xuống cho chúng ta mọi sự mà Người đã có công trạng. Và như thế, vào cuối hành trình dương thế của Người, Người có thể nói, “Đã hoàn tất,” và trao phó công trình cứu chuộc của Người cho Thánh Thần. Chúa Thánh Thần áp dụng cho các thánh – và cho mọi người chúng ta – những gì Chúa Kitô đã có công trạng qua sự sống, sự chết, và sự phục sinh của Người.
Tất cả những điều này là một thứ tự công việc. Đó là một “việc được quản lý” vì Thiên Chúa ban cho các tông đồ và những người kế vị, đức giáo hoàng và các giám mục, quyền trói buộc và tháo cởi (Mt 16:19, 18:18). Như thế ngày nay chúng ta thấy Giáo Hội hành xử thẩm quyền mà Môsê đã từng thi hành trên núi Sinai, quyền và bổn phận cầu khẩn đến công trạng của các thánh.
Giáo Hội phân phát các công trạng này bởi đính kèm với một số lời cầu nguyện, công việc, và những hy sinh mà chúng làm nên thân thể của Chúa Kitô – từ việc từ bỏ hút thuốc lá một ngày cho đến việc hành hương Đất Thánh.
Khi nói về ân xá, Giáo Hội nói trong bối cảnh “vui hưởng trọn vẹn những ích lợi của gia đình Thiên Chúa” (xem bên dưới). Như thế, hãy mạnh dạn vui hưởng. Hãy vui hưởng cho chính mình cũng như vì ích lợi của người khác – cho người sống cũng như người chết. Chúng ta được tự do thi hành như vậy vì Thiên Chúa thì chính trực, hay thương xót, và dễ dãi. Người là Cha của chúng ta. Và Người xếp đặt mọi sự để ngay cả sự sống siêu nhiên là một công việc của gia đình.
Có một sự liên kết siêu nhiên chế ngự giữa loài người, do bởi thánh ý nhiệm mầu và kín đáo của Thiên Chúa, qua đó tội của một người gây thiệt hại cho người khác cũng như sự thánh thiện của một người cũng có ích lợi cho người khác. Vì thế tín hữu Kitô trao cho nhau sự giúp đỡ hỗ tương để đạt được mục tiêu siêu nhiên của mình. Một chứng từ của sự liên kết này được thấy nơi chính Adong, mà tội của ông được truyền qua mọi người. Nhưng trong sự liên kết siêu nhiên này, quy tắc nền tảng và gương mẫu lớn nhất cũng như tuyệt hảo nhất là chính Đức Kitô để hiệp thông với người mà Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta…
Theo bước chân của Đức Kitô, tín hữu Kitô luôn cố gắng giúp đỡ lẫn nhau trên hành trình dẫn đến Cha trên trời qua sự cầu nguyện, trao đổi những ích lợi tinh thần và ăn năn đền tội. Càng hăng say làm việc bác ái bao nhiêu, họ càng giống Đức Kitô bấy nhiêu trong sự đau khổ của Người, họ vác thập giá để đền tội cho chính mình và người khác, họ biết chắc rằng họ có thể giúp anh chị em mình đạt được ơn cứu độ từ Thiên Chúa, là Cha giầu lòng thương xót. Đây là giáo lý cổ xưa về sự Hiệp Thông Các Thánh, qua đó đời sống của từng người con của Thiên Chúa trong Đức Kitô và qua Đức Kitô được kết hợp bằng một mối giây tuyệt hảo với đời sống của Kitô Hữu khác trong sự hiệp nhất siêu nhiên của Nhiệm Thể Đức Kitô cho đến khi làm nên một con người mầu nhiệm.
Như thế “kho báu của Giáo Hội” được giải thích … chính giá trị vô cùng, vô tận của sự đền tội và công trạng của Đức Kitô, Chúa chúng ta, được dâng lên trước Thiên Chúa để mọi người có thể được giải thoát khỏi tội và đạt được sự hiệp thông với Chúa Cha. Chính Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc mà trong Người sự chuộc tội và công trạng của Người tồn tại và có sức mạnh. Kho báu này còn bao gồm giá trị mênh mông, khôn lường và từ xưa của lời cầu nguyện và các việc tốt lành của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh trước mặt Thiên Chúa, họ theo bước chân của Chúa Kitô và nhờ ơn sủng của Người họ đã thánh hóa đời sống và chu toàn sứ vụ được Chúa Cha giao phó cho họ. Như thế, trong khi đạt được ơn cứu độ cho chính mình, họ còn cộng tác trong sự cứu độ anh chị em mình trong sự hiệp nhất của Thân Thể Mầu Nhiệm.
“Với tất cả những ai trong Chúa Kitô, có thần khí của Người, họ làm nên một Giáo Hội và gắn bó với nhau trong Người” (xem Eph 4:16)… Vì lý do này, giữa các tín hữu đã đạt được quê trời, họ đã đền tội mình trong luyện tội, và những ai vẫn còn lữ hành trên trái đất, chắc chắn có một mối giây bác ái vĩnh viễn và một sự trao đổi những điều tốt lành mà qua đó, với sự đền bù mọi tội lỗi của toàn Nhiệm Thể, sự công bằng của Thiên Chúa được xoa dịu. Vì thế lòng thương xót của Thiên Chúa dẫn đến sự tha thứ, để như thế, hối nhân thành tâm sám hối có thể được tham dự trong sự vui hưởng trọn vẹn các ích lợi của gia đình Thiên Chúa.