“Vì từ nay trở đi, mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người được chúc phúc” (Lc 1:48).
Mỗi lần chúng ta lần chuỗi Mai Khôi, chúng ta hoàn thành lời tiên báo đó tối thiểu năm mươi lần. Chúng ta gọi Đức Trinh Nữ Maria là “người được chúc phúc” với những chữ của Kinh Thánh. Chúng ta gọi người với lời chào của thiên thần Gabrien: “Mừng vui lên, người đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng ngài” (Lc 1:28). Chúng ta xưng tụng đặc ân của người khi dùng những lời của bà Êligiabét: “Em được chúc phúc trong các phụ nữ, và phúc thay hoa quả của lòng em!” (Lc 1:42). Lập lại những lời này là sự vui mừng, vì chúng dồi dào ý nghĩa, được khuếch đại bởi khung cảnh Phúc Âm mà đó là trọng tâm sự chiêm niệm của chúng ta.
Chuỗi Mai Khôi là một phương pháp chiêm niệm được minh chứng qua thời gian. Trong nhiều thế kỷ, các giáo hoàng từng đề nghị cách cầu nguyện này, các thánh lần chuỗi hàng ngày. Chuỗi Mai Khôi được yêu quý bởi người lao động, trẻ em, khách du hành, và các thiên tài khoa học. Đó là kinh được ưa thích nhất bởi nhà sinh vật học vĩ đại Louis Pasteur.
Khi lần chuỗi Mai Khôi, chúng ta lập lại những câu kinh trong khi suy gẫm các biến cố nào đó (“mầu nhiệm”) trong cuộc đời của Đức Giêsu và Mẹ Maria, và chúng ta đếm số kinh với các hột được cột với nhau thành nhóm mười hột. Tuy vậy, cũng như các việc sùng kính khác, chuỗi Mai Khôi là một hình thức cho phép có những thay đổi. Thí dụ, Chuỗi Bảy Sự Sầu Muộn, gồm bảy nhóm bảy hột. Một số người chấm dứt chuỗi Mai Khôi với kinh “Lạy Nữ Vương”, người khác lại đọc Kinh Cầu Loreto, và lại có những người đọc một chuỗi lời cầu cho đức giáo hoàng. Cũng có những thay đổi theo dân tộc: tỉ như, người Đức có thói quen ngẫu hứng thêm vào một mầu nhiệm nào đó trong mỗi kinh Kính Mừng. Thí dụ, trong khi suy gẫm về biến cố Truyền Tin, họ đọc “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ… Ngôi Lời hóa thành nhục thể.” Trong khi suy gẫm về sự Thương Khó, họ có thể đọc “Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ… Đấng đã chết vì tội lỗi của chúng ta.”
Giáo Hội chính thức công nhận hai mươi “mầu nhiệm” thích hợp để suy gẫm. Chúng ta tìm thấy các mầu nhiệm này trong Kinh Thánh để việc suy gẫm có kết quả hơn: năm sự Vui (Truyền Tin, Thăm Viếng, Sinh Hạ, Dâng Con, và Tìm Thấy trong Đền Thờ); năm sự Sáng (Chúa chịu Phép Rửa, Tiệc Cưới Cana, Công Bố Nước Trời, Biến Hình, và Lập Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly); năm sự Thương (Đau Đớn trong Vườn Cây Dầu, Chịu Đánh Đòn, Đội Mão Gai, Vác Thập Giá, và Khổ Hình Thập Giá); và năm sự Mừng (Sống Lại, Lên Trời, Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Mẹ Lên Trời, Đăng Quang Đức Bà). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đề nghị mỗi một bộ mầu nhiệm được đọc vào ngày nào đó trong tuần: năm sự Vui vào thứ Hai và thứ Bảy, năm sự Sáng vào thứ Năm, năm sự Thương vào thứ Ba và thứ Sáu, năm sự Mừng vào thứ Tư và Chúa Nhật. Cũng có các bộ mầu nhiệm “bán chính thức” được luân lưu, do kết quả của việc sùng kính Đức Maria. Thí dụ, sau nhiều năm tôi thấy có mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm Chữa Lành, và mầu nhiệm Giáo Hội. Tôi chưa bao giờ thấy có mầu nhiệm nào mà tôi không thích, tuy nhiên khi lần chuỗi, tôi thiên về hai mươi mầu nhiệm căn bản.
Chuỗi Mai Khôi hữu hiệu, ở cấp độ con người, vì nó khiến toàn thể con người bận rộn. Nó bao gồm lời chúng ta nói và nghe. Nó chiếm ngự tâm trí chúng ta và gợi cảm. Nó khiến ngón tay chúng ta làm việc. Nếu lần chuỗi trước một ảnh tượng, chúng ta lại suy gẫm qua một giác quan khác của thể xác. Đây là cách Chúa Phục Sinh xác nhận đức tin của các môn đệ: “Hãy xem tay và chân của thầy, đó chính là thầy; hãy chạm đến, và hãy nhìn xem” (Lc 24:39). Chỉ nghe Người nói thôi thì chưa đủ – đừng nói gì đến việc chỉ đọc lời Chúa. Chúng ta muốn Chúa chiếm trọn các giác quan của chúng ta.
Nhờ tình yêu của Mẹ Maria, Chúa chiếm ngự con người chúng ta. Trong Kinh Thánh, Mẹ Maria xuất hiện là môn đệ đầu tiên. Khi dân ngoại đến từ xa để tìm kiếm Đức Giêsu, họ tìm thấy “hài nhi với bà Maria, mẹ của Người” (Mt 2:11). Khi mẹ thấy người ta có nhu cầu, mẹ can thiệp cho họ (Ga 2:3). Khi Đức Giêsu chết trên thập giá, bị các môn đệ bỏ rơi, mẹ vẫn ở bên cạnh; và Đức Giêsu đã giao phó mẹ của mình cho “môn đệ yêu dấu” (có nghĩa là bạn và tôi), khi nói rằng: “Đây là mẹ của con” (Ga 19:27). Mẹ giúp đỡ chúng ta như đã từng giúp đỡ Đức Giêsu trong suốt cuộc đời.
Lần chuỗi Mai Khôi cách tốt nhất là khi chúng ta ngưng làm việc và gieo mình trong tay Đức Mẹ như con trẻ được mẹ nó ôm vào lòng. Cách tốt nhất để chúng ta thư giãn là bởi lần chuỗi Mai Khôi! Trong những năm ngay trước khi được chọn là Giáo Hoàng Bênêđích XVI, Hồng Y Ratzinger nói với người phỏng vấn: “lập đi lập lại là một cách để đưa mình vào nhịp điệu của sự yên bình. Nó không phải là cố gắng tập trung ý thức vào nghĩa của từng chữ, nhưng tự để mình được đưa vào sự êm đềm của lời kinh đều đặn. Càng nhiều càng tốt, vì các mầu nhiệm có nhiều hình ảnh và thị kiến và nhất là hình ảnh của Mẹ Maria – và rồi, qua mẹ là hình ảnh Chúa Giêsu – trước mắt tôi và trong linh hồn tôi.”
Những sự lập lại đó không vô ích. Cầu nguyện theo cách này là để vui lòng Chúa, Người đã nói với các môn đệ: “Và khi cầu nguyện, đừng lải nhải nói nhiều như dân ngoại” (Mt 6:7). Kitô Hữu đích thật, ngược lại, không bao giờ mệt để lập đi lập lại chuỗi Mai Khôi, là những câu ứng nghiệm.
Chỗ tốt nhất để lần chuỗi Mai Khôi là với gia đình. Khi Cha Patrick Peyton nói, “Gia đình cầu nguyện với nhau sẽ ở với nhau,” cha muốn nói về chuỗi Mai Khôi. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng cổ vũ lần chuỗi trong gia đình, và ngay cả đặt tên cho Đức Trinh Nữ Maria, “Nữ Vương Gia Đình,” mà người thêm vào cuối kinh cầu Đức Maria phổ thông nhất. Tất cả những khởi xướng này chắc chắn làm vui lòng Đức Mẹ. Sau khi Mẹ Têrêsa ở Calcutta nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ở Canvê, người ghi nhận rằng Đức Mẹ đã an ủi người rằng: “Đừng sợ. Hãy dạy họ lần chuỗi Mai Khôi – chuỗi Mai Khôi gia đình – và mọi sự sẽ tốt đẹp.”
Khó để gia đình lần chuỗi Mai Khôi khi ai ai cũng bận rộn với công việc. Trong gia đình tôi cũng thật khó để giữ các con còn mê thể thao ở trong nhà cùng một lúc. Nên chúng tôi làm những gì có thể. Chúng tôi nhìn đến thời gian mà hầu như mọi người đều có mặt – bữa ăn tối – và chúng tôi kết thúc bữa ăn với một chục kinh. Đây chỉ là “loại đặt cọc” của chuỗi Mai Khôi gia đình cho đến khi chúng tôi có thể chế ngự được thời khóa biểu của từng người.
Tuy chuỗi Mai Khôi gia đình là một ơn sủng mạnh mẽ, cảm nghiệm chuỗi Mai Khôi thì rất cá biệt. Người ta khác nhau trong khả năng cầu nguyện, cũng như chúng ta khác nhau về mọi thứ. Điều này đúng với ngay cả các giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô II nổi tiếng là lần nhiều chuỗi Mai Khôi hàng ngày. Đức Bênêđích XVI thú nhận rằng đôi khi suy gẫm ba mầu nhiệm cũng đã ngột ngạt, và người phải tạm ngưng việc đạo đức này.
Không phải tất cả chúng ta đều lần chuỗi Mai Khôi với cảm xúc như thế. Một số trong chúng ta thấy khó khăn để cầm lòng cầm trí – dù vận dụng mọi giác quan.
Tuy nhiên, đó là tội kiêu ngạo khi bỏ lần chuỗi chỉ vì chúng ta không thể đọc kinh sốt sắng. Với Thiên Chúa và Mẹ Maria, mọi nỗ lực cầu nguyện của chúng ta thì quý giá. Khi chúng ta kiên trì lần chuỗi Mai Khôi, chúng ta trở nên giống như trẻ nhỏ (xem Mt 18:3), con của Mẹ Maria, con của Cha trên trời.
Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, một người con của Mẹ Maria, có lời khuyên rất hay cho những ai cảm thấy chán nản vì không thể cầm trí khi lần chuỗi Mai Khôi. Những người này bỏ lần chuỗi với lời bào chữa rằng thà đừng lần chuỗi còn hơn lần chuỗi cách tệ hại. Đức giáo hoàng sửa sai họ khi nói rằng “lần chuỗi tệ hại” là người bỏ không lần chuỗi.
Chuỗi Mai Khôi, tuy hiển nhiên là về Đức Maria, nhưng tâm điểm lại quy về Chúa Kitô. Trong sự điều độ của các yếu tố, nó có mọi chiều kích sâu xa về sứ điệp Phúc Âm trong toàn bộ, mà qua đó có thể nói đó là một loại toát yếu. Nó là một âm vang kinh Magnificat, lời cầu của Đức Maria vì công trình cứu chuộc được bắt đầu trong lòng trinh khiết của người. Với chuỗi Mai Khôi, tín hữu Kitô ngồi trong lớp của Đức Mẹ và được đưa đến chiêm ngắm dung nhan mỹ miều của Chúa Kitô và cảm nghiệm được tình yêu sâu xa của Người. Qua chuỗi Mai Khôi, người tín hữu nhận được thật nhiều ơn sủng, như thể từ chính bàn tay của người mẹ Đấng Cứu Thế.