Khi Chúa Giêsu ủy thác nhóm Mười Hai, họ đi vào thế giới và nhìn thấy kết quả ngay lập tức. Trong Phúc Âm T. Máccô chúng ta biết rằng họ “xức dầu nhiều người bị bệnh và chữa lành” (Mc 6:13). Chắc các đấng rất ngạc nhiên khi thấy sức mạnh phát sinh từ họ. Tuy nhiên đó chỉ là một cái bóng của cả một công việc ở trước mặt họ. Vì, đâu đó trong Phúc Âm Máccô, Đức Giêsu nói rõ, tha thứ tội lỗi là một việc còn lớn lao hơn chữa lành bệnh tật (Mc 2:9).
Đức Giêsu chữa lành những người bệnh tật tai hại như một dấu chỉ của sự chữa lành tinh thần: “như thế để các ông biết rằng Con Người có quyền tha tội ở dưới đất này” (Mc 2:10). Các dấu hiệu về thể xác xảy ra là vì một thực tại tinh thần. Chúng là một nhượng bộ với sự yếu đuối con người.
Thật vậy, sau khi các tông đồ chứng kiến nhiều sự lạ lùng như thế, Đức Giêsu bảo đảm họ rằng, họ sẽ thực hiện được “nhiều việc vĩ đại hơn những điều này” (Ga 14:12).
Ngay từ khởi đầu sứ vụ, các tông đồ, giống như Đức Giêsu, đã khôi phục sức khỏe thể xác. Nhưng đó là một dấu chỉ của sự chữa lành sâu đậm hơn họ sẽ thực hiện, qua Giáo Hội sau biến cố Pentecost.
Chúng ta hé nhìn đến sứ vụ chữa lành tinh thần của Giáo Hội trong Thư của T. Giacôbê: “Ai trong anh em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến, và họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, nhân danh Chúa xức dầu cho người ấy; và lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh, và Chúa sẽ nâng người ấy dậy; và nếu người ấy đã phạm tội, họ sẽ được thứ tha” (Giacôbê 5:14-15).
Đây là bí tích ngày nay chúng ta gọi là xức dầu bệnh nhân.
Nhưng cũng tốt để đặt câu hỏi tại sao bệnh tật thể xác phải là một cơ hội để chữa lành tinh thần. Có nhiều lý do tốt, trong đó cũng tốt là sự đau khổ trầm trọng thường kéo theo những thử thách khó khăn về tinh thần. Khi trong cảnh cùng cực, chúng ta thường bị cám dỗ nghi ngờ sự tốt lành và quyền năng của Thiên Chúa – hay ngay cả sự hiện diện của Người. Vợ ông Gióp thành thật mong đợi chồng mình bị tuyệt vọng và “nguyền rủa Thiên Chúa” (Gióp 2:9).
Bí tích xức dầu đem cho chúng ta ơn sủng cần thiết để đương đầu với những thử thách đó. Hãy để ý đến ý nghĩa của dầu đối với Kitô Hữu tiên khởi. Dầu chữa bệnh, và dầu thêm sức mạnh. Nó là căn bản của nhiều loại thuốc. Nó cũng là dầu xoa bóp của các lực sĩ trong đấu trường. Dầu ôliu được xoa bóp để thêm sức cho các người đấu vật trong cuộc thi và giúp họ trượt khỏi sự nắm bắt của đối thủ.
Tất cả những giá trị trần thế này biểu tượng cho giá trị tinh thần của việc xức dầu đối với Kitô Hữu. Nó chữa lành về tinh thần, và nó thêm sức về tinh thần, và giúp chúng ta trượt khỏi sự nắm bắt của quỷ và kéo dài sự chiến đấu của chúng ta – và, hơn cả sự can trường, để chiến thắng, để “hơn cả những người chiến thắng nhờ Đấng đã yêu thương chúng ta” (Rom 8:37). Xức dầu còn đem lại điều kỳ diệu lớn lao mà Đức Giêsu đã ám chỉ trong Phúc Âm Máccô: sự tha thứ tội lỗi. Như thế chúng ta có thể đối diện với ngay cả sự chết mà tâm trí thanh thản và lương tâm an bình, với hy vọng hợp lý rằng sự chết sẽ là cánh cửa đưa chúng ta đến sự sống đời đời.
Nhiều khi, bí tích xức dầu cũng sẽ đem lại sự chữa lành thể xác, nếu sự chữa lành ấy sẽ dẫn đến sự cứu độ linh hồn. Điều đó tuyệt vời, nhưng bất thường; và thực sự, nó ít kỳ diệu hơn các ảnh hưởng thông thường của bí tích này. Xức dầu thường đem cho chúng ta những gì thực sự cần thiết: khiêm tốn chấp nhận sự đau khổ, trong sự hiệp thông với sự đau khổ của Chúa Kitô và trong sự đền tội, nhất là tội của chính chúng ta. Xức dầu giúp chúng ta biến đổi sự đau khổ phần xác thành điều gì đó để điều trị sâu đậm hơn, thực sự có tính cách cứu độ.
Đây là quà tặng vĩ đại của Chúa Kitô cho người đau khổ: sự chia sẻ tuyệt hảo hơn vào đời sống của Người. Giáo Hội thời tiên khởi đã nhận ra quà tặng này và tỏ lòng biết ơn sâu xa. Chúng ta thấy bí tích này được ca tụng trong các Kitô Hữu nói tiếng Syri bởi người tiên phong vĩ đại của họ, T. Aphrahat. Chúng ta thấy bí tích này được ca ngợi ở Ai Cập bởi T. Serapion, bạn của T. Athanasius. Chúng ta thấy ĐGH Innôxen I chỉ bảo cặn kẽ cách ban bí tích này cho giáo sĩ ở Rôma.
Đức Giêsu đến để đem lại ơn cứu độ, chữ này trong ngôn ngữ cổ, nó đồng nghĩa với “sức khỏe”. Sự chữa lành thể xác là dấu chỉ bên ngoài của một sự chữa lành sâu đậm hơn và lâu dài hơn về tinh thần. Có lẽ, tất cả những người được Chúa chữa lành trong sứ vụ thì đã chết một cách tự nhiên. Vậy, có lẽ sự chữa lành phần xác của họ thì quan trọng thứ yếu, ở dưới sự chữa lành lâu dài về tinh thần, mà nó tồn tại ngay cả khi thân xác đã chết.
Tuy những chữa lành chính yếu là tinh thần, Đức Giêsu vẫn thi hành điều đó qua các phương tiện vật chất – thí dụ, bôi một người với bùn và nước bọt (Ga 9:6-7). Tại sao Thiên Chúa lại biểu lộ quyền năng của mình qua các phương tiện khiêm tốn, thuộc về trái đất? Người đã dựng nên chúng ta, và vì thế Người biết loài người chúng ta học biết qua các dấu hiệu có thể cảm giác được và các bí tích.
Hơn thế nữa, Người có ý định rằng công việc của Người không chỉ dành cho một nhóm nhỏ trong một vùng đất ẩn khuất, trong một thời gian ngắn của sứ vụ. Người đã thiết lập Giáo Hội ở dưới đất để Người có thể mở rộng sự nhập thể – sự chữa lành, sự cứu độ – của Người qua thời gian và không gian.
Cựu và Tân Ước đem cho chúng ta một chỗ quan trọng đối với bệnh tật và sự chữa lành, dạy chúng ta biết nhìn đến sự tương quan của cả hai đối với công trình cứu độ. Bệnh tật có liên quan đến tội và quỷ; khi Thiên Chúa chữa lành thể xác, đó cũng để chăm sóc các linh hồn; chữa lành bệnh nhân, cùng với sự giải thoát khỏi sự chế ngự của quỷ, là một trong những dấu hiệu của sự ngự đến của Đấng Mêsia.
Chính bởi tội mà bệnh tật đến trong thế gian, với sự đau khổ của lao nhọc, sự đau đớn khi sinh con, và sự chết (St 3:15-19). Tuy bệnh tật không được nhắc đến rõ ràng trong lời nguyền của Adong và Evà, truyền thống thần học luôn luôn đúng khi nhìn thấy sự bao gồm này…
Tuy Đức Kitô chữa lành bệnh tật và ban cho Giáo Hội quyền lực trên bệnh tật, Người không hủy bỏ bệnh tật. Người cũng không hủy bỏ sự chết, sự đau đớn, hay cực nhọc. Tuy nhiên, giống như sự chết, bệnh tật đã bị chế ngự; thời đại Mêsia đã thiết lập một lần và mãi mãi. Trong Giêrusalem thiên đường, bệnh tật không có chỗ đứng; ở dưới đất chúng vẫn còn. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và Xatan, là nguyên do của tội. Vì thế bệnh tật đã mất đặc tính của một lời nguyền. Nó trở nên sự cứu chuộc, giúp cho Kitô Hữu trở nên giống Chúa Kitô trong sự thống khổ và đồng thời làm chứng cho quyền năng phục sinh của Đức Kitô trong Người. Khi T. Phaolô cầu xin để được giải thoát khỏi nộc độc đang tấn công thân xác người, Chúa trả lời: “Sức mạnh của ta được phát huy trong sự yếu đuối của con” (2 Cor. 12:9). Trong chính thân xác của mình, T. Phaolô thực hiện được cho Giáo Hội “những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô” (1 Cor 1:24). “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (1 Cor 4:10).