Nếu nước là một nguyên tố không thể thiếu thì Dấu Thánh Giá là một cử chỉ cần thiết. Đức Giáo Hoàng Bênêđích XVI từng viết: “Cử chỉ Kitô Giáo căn bản nhất là Dấu Thánh Giá và luôn luôn như thế.”
Đây là lời cầu nguyện phổ thông nhất của Kitô Hữu, và từng như thế kể từ khi thiết lập Giáo Hội. T. Phaolô nói về thập giá trong hầu hết các thư của người: “Tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà qua đó, đối với tôi thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá, và tôi đối với thế gian” (Gal 6:14).
Chúng ta có thể viết cả một cuốn sách về các chứng từ của Kitô Hữu tiên khởi về thực hành này. Đó là sự đạo đức ưa thích của họ vì nó không đòi hỏi kiến thức hay khả năng đặc biệt. Bạn không phải biết đọc biết viết để làm Dấu Thánh Giá, hoặc đủ giầu sang để mua được cuốn sách chỉ dẫn. Tất cả những gì bạn cần là ngón tay. Các vị tử đạo làm Dấu trước khi bị hành quyết. Ngay cả Julian, hoàng đế từng là Kitô Hữu nổi tiếng, cũng phải làm Dấu khi ông cảm thấy quỷ áp bức.
Dấu này được nhắc đến bất cứ đâu vì nó được thực hành ở bất cứ đâu. Vào cuối thế kỷ thứ hai, Tertullian tuyên bố: “Trong mọi cuộc hành trình và di chuyển của chúng tôi, trong mọi sự đi ra và đi vào, trong khi xỏ giầy, khi tắm, khi ở bàn ăn, khi thắp nến, khi nằm nghỉ, khi ngồi xuống, bất cứ công việc bận rộn nào, chúng tôi đều vạch dấu Thánh Giá trên trán chúng tôi.” Tertullian ca ngợi bà vợ vì các nhân đức, sắc đẹp, và y phục của bà, nhưng trước hết vì bà làm Dấu Thánh Giá trên thân mình và trên giường trước khi đi ngủ.
Các tường thuật xưa nói rằng Kitô Hữu vạch chữ thập với ngón tay cái trên trán. Họ còn vạch dấu ấy trên các đồ vật, tỉ như thức ăn, và trên các thành phần á bí tích: bánh, rượu, dầu, và nước.
Qua các thế kỷ, tín hữu phát triển nhiều cách thi hành ấy. Trong các nhà thờ Tây Phương, chúng ta tự chúc lành cho chúng ta với bàn tay phải đưa lên chạm các ngón tay vào trán, sau đó xuống ngực, rồi sang bên vai trái và cuối cùng sang bên vai phải. Một số người giải thích rằng năm ngón tay là một dấu hiệu của Năm Thương Tích của Chúa Kitô.
Trong Thánh Lễ, ngay trước khi nghe Phúc Âm, chúng ta cũng dùng một hình thức khác: một “Dấu Thánh Giá Nhỏ” được dùng ngón tay cái vạch trên trán và trên môi, và trên ngực chúng ta. Khi linh mục hay phó tế làm điều này, đôi khi chúng ta nghe họ nói thầm: “Xin Chúa ngự trong tâm hồn con và trên môi con để con có thể xứng đáng công bố Phúc Âm của Người.” Những ai dùng Thánh Giá Nhỏ trong việc đạo đức riêng đôi khi họ đọc tiếng Latinh Per signum crucis de inimicis nostris libera nos Deus noster (“Nhờ dấu thánh giá, Chúa chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tay kẻ thù”)
Kitô Hữu của Giáo Hội Đông Phương có cách làm Dấu riêng. Việc đặt các ngón tay của họ trở thành một loại sách giáo lý. Họ chụm ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa lại. Ba ngón này tượng trưng cho Ba Ngôi trong sự hợp nhất. Hai ngón còn lại – ngón út và ngón đeo nhẫn – được ấn vào lòng bàn tay, và cùng nhau chúng tiêu biểu cho nhị tính liên hợp: sự kết hợp của nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu.
Một số người, ở Đông và Tây Phương, có thói quen hôn các ngón tay này khi kết thúc làm Dấu.
Trên toàn thế giới và trong suốt lịch sử, có biết bao thay đổi trong cách thực hành và giải thích. Một trong những giải thích tôi ưa chuộng là của thánh quan thầy của tôi, T. Francis de Sales:
Trước hết chúng ta nâng bàn tay lên trán, nói, “Nhân danh Cha,” để tuyên bố Chúa Cha là ngôi thứ nhất trong Ba Ngôi Cực Thánh, từ Người mà Chúa Con sinh ra và từ Người phát sinh Chúa Thánh Thần. Sau đó nói, “Và Con,” bàn tay để xuống ngực, để diễn tả rằng Chúa Con phát sinh ra từ Chúa Cha, Đấng đã sai Người xuống lòng Đức Trinh Nữ. Sau đó bàn tay đưa từ vai trái sang vai phải, trong khi nói, “và Thánh Thần,” tuyên bố rằng Chúa Thánh Thần, là ngôi ba trong Ba Ngôi, phát sinh từ Chúa Cha và Chúa Con, Người là tình yêu đã kết hợp cả hai, và chúng ta, nhờ ơn sủng của Người, được dự phần trong kết quả của sự thống khổ. Vì vậy Dấu Thánh Giá là một diễn tả ngắn về đức tin của chúng ta nơi ba mầu nhiệm vĩ đại: đức tin nơi Ba Ngôi, sự thống khổ của Chúa Kitô, và sự tha thứ tội lỗi, mà qua đó chúng ta đi từ bên trái lời nguyền sang bên phải của lời chúc.
Ba Ngôi và chữ thập: đó không phải là một sự đạo đức mà tình cờ hai chủ đề này tập trung trong những lời và cử chỉ của lời cầu nguyện căn bản nhất và phổ thông nhất của Giáo Hội.
Thập giá là một hình ảnh trong thời gian của sự sống Ba Ngôi trong vĩnh cửu. Trên thập giá, Đức Giêsu Kitô đã trao ban toàn thể chính mình. Người không giữ lại gì cả. Đó là sự tự hiến của Con cho Cha, Cha cho Con. Mỗi đấng trao ban quà tặng trọn vẹn và yêu dấu là sự sống của mình cho người kia, và quà tặng đó, sự sống đó, tình yêu đó, là Thánh Thần. Dấu hiệu của tình yêu đó trong thế gian là Dấu Thánh Giá.
Lúc kết thúc cuộc đời, Đức Giêsu đã trao Thần Khí của mình (Ga 19:30) khi Người tuyên bố là công việc của Người “đã chấm dứt,” đã hoàn tất, đã chu toàn. Khi chúng ta làm Dấu Thánh Giá, chúng ta đáp ứng với ơn sủng đó. Chúng ta nhận được tình yêu Người ban. Chúng ta nhận lấy Thần Khí khi chúng ta đón nhận thập giá của Người. Chúng ta thấy Đức Giêsu trao ban chính mình trong tình yêu, và chúng ta nói, “Amen!” Chúng ta chấp nhận cuộc đời đó như của chính chúng ta.
Đó là điều không nhỏ khi làm Dấu Thánh Giá. Nó làm chúng ta hụt hơi – nhưng chỉ có như thế chúng ta mới được lấp đầy với một hơi thở khác, là Thần Khí của Thiên Chúa.
Đây là sự sống chúng ta nhận được khi rửa tội, khi chúng ta được ghi Dấu thánh và được cứu thoát khỏi tội. Các Kitô Hữu tiên khởi so sánh điều này với dấu trên trán của Cain (St 4:15), mà nó đã cứu ông khỏi bị hình phạt ông đáng phải chịu. Họ đã nhìn thấy dấu ấy tiên báo dấu máu trên cánh cửa để cứu sống các con trai đầu lòng của người Ít-ra-en trong biến cố Vượt Qua (Xh 12:7). Họ còn thấy dấu ấy sống động hơn nữa khi được diễn tả trong lời sấm của ngôn sứ Êgiêkien, ông nhìn thấy người công chính ở Giêrusalem sẽ được cứu bởi vì một “dấu trên trán” (Ez 9:4). Dấu đó là gì? Theo các giáo sĩ Do Thái xưa, đó là tav, chữ cuối cùng trong mẫu tự Do Thái, mà vào thời xưa nó được vẽ như một chữ thập. Trong Tân Ước, trong sách Khải Huyền, T. Gioan nhìn thấy các tín hữu trên thiên đường được phân biệt bởi Dấu này trên trán của họ (Kh 14:1, 22:4).
Thói quen này được truyền lại qua các thế hệ, và quả thật nó sẽ luôn luôn ở với chúng ta. Trong công trình đáng kể là Truyền Thống Thánh, T. Basil Cả nhận diện đó như một dấu ấn của đức tin tông truyền. Nó được vinh dự ngay cả trên thiên đường, và ngay cả bởi vị thánh vĩ đại nhất. Ở Lộ Đức, nước Pháp, năm 1858, khi Đức Trinh Nữ Maria hiện ra lần đầu tiên với cô Bernadette Soubious, trước khi lên tiếng, người làm Dấu Thánh Giá.
Cử chỉ đơn giản nhất lại phong phú nhất về tín điều. Nó vượt quá vô hạn. Nó tuyên xưng Ba Ngôi, sự nhập thể, và sự cứu chuộc chúng ta. Theo lời của ĐHY Ratzinger, nó là một “tổng hợp và tái chấp nhận bí tích rửa tội của chúng ta.” Khi là Giáo Hoàng Bênêđích XVI, người thêm: “Làm Dấu Thánh Giá… có nghĩa là một lời ‘xin vâng’ công khai và rõ ràng đối với Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta, đối với Thiên Chúa là đấng, trong sự khiêm hạ và yếu đuối vì tình yêu thì Toàn Năng, mạnh mẽ hơn tất cả quyền lực và sự thông minh trong thế giới.”
Khi chúng ta làm dấu, hãy để nó là một Dấu Thánh Giá đích thực. Thay vì một cử chỉ rụt rè, nhỏ bé không nói lên ý nghĩa gì cả, chúng ta hãy làm một dấu lớn, chậm rãi, từ trán đến ngực, từ vai này sang vai khác, với ý thức rằng dấu ấy bao bọc cả con người chúng ta, từ tư tưởng, thái độ, thân xác và linh hồn, mọi phần của chúng ta cùng một lúc, dấu ấy thánh hóa và thuần khiết chúng ta…
Hãy nghĩ đến những điều này khi bạn làm Dấu Thánh Giá. Nó linh thánh nhất trong các dấu hiệu… Hãy để dấu ấy làm chủ toàn thể con người bạn – thân xác, linh hồn, tâm trí, ý muốn, tư tưởng, cảm xúc, những gì bạn làm và không làm – và khi làm dấu ấy với chữ thập hãy kiên cường và thánh hiến toàn thể con người với sức mạnh của Đức Kitô, nhân danh ba ngôi Thiên Chúa.