Từ lâu trước khi các cuốn Tân Ước được viết xuống – trước bất cứ nhà thờ nào được xây cất, trước khi môn đệ đầu tiên bị tử đạo vì đức tin – Thánh Lễ là tâm điểm đời sống cho Giáo Hội.
T. Luca tóm lược điều đó trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện” (Cv 2:42). T. Luca tìm cách đưa thật nhiều chi tiết vào câu duy nhất đó. Các Kitô Hữu tiên khởi theo bản chất là thánh thể: họ quy tụ để “bẻ bánh và cầu nguyện.” Họ được thành hình bởi Ngôi Lời của Thiên Chúa, “sự giảng dạy của các tông đồ”. Khi họ gặp gỡ thành một Giáo Hội, sự thờ phượng của họ lên đến cực điểm trong “tình bằng hữu” – chữ Hy Lạp là koinonia, hiệp thông.
Thánh Lễ là tâm điểm đời sống cho các môn đệ của Chúa Giêsu, và nó không thay đổi. Ngay cả ngày nay, Thánh Lễ là nơi chúng ta cảm nghiệm sự giảng dạy của các tông đồ và sự hiệp thông, lễ bẻ bánh và cầu nguyện.
Chính yếu, T. Luca chú ý đến những gì bên ngoài, là những gì vĩ đại, nhưng Thánh Lễ còn nhiều hơn thế nữa.
Các Kitô Hữu tiên khởi là người Do Thái, sống trong nền văn hóa Do Thái, chìm ngập trong hình thức thờ phượng của Do Thái. Họ nhìn thấy Thánh Lễ là sự chu toàn mọi nghi thức của Cựu Ước. Sự hy sinh của Đức Giêsu đã biểu hiện các lề luật nghi lễ cổ xưa của Ít-ra-en, nhưng nó không miễn trừ toàn thể nghi thức phụng tự. Chính Đức Giêsu thiết lập các nghi thức cho Giao Ước Mới: thí dụ, bí tích rửa tội (Mt 28:19), và bí tích tha tội (Ga 20:22-23). Tuy nhiên, Người dành nghi thức trang trọng nhất cho Thánh Lễ (Lc 22:20).
Phụng vụ của giao ước mới đã được tiên báo trong các nghi thức của cựu ước. Các Phúc Âm có kết nối rõ ràng giữa Thánh Lễ và tiệc Vượt Qua (Lc 22:15). Thư gửi tín hữu Do Thái nhìn Thánh Lễ trong ánh sáng của việc sát tế thú vật trong Đền Thờ (Dt 13:10). Nhiều học giả ngày nay đã nhận thấy những song song giữa Thánh Lễ với hy lễ thường được dâng tiến trong thời của Đức Giêsu: nghi lễ tạ ơn (tiếng Hebrew, todah). Todah là một hy tế gồm bánh và rượu, được chia sẻ với bạn hữu, để cảm tạ Thiên Chúa đã giải thoát. Sách Talmud ghi nhận sự dạy bảo của các giáo sĩ xưa rằng, khi Đấng Mêsia đến, “mọi hy lễ sẽ chấm dứt ngoại trừ hy lễ todah. Điều này sẽ không bao giờ chấm dứt cho đến đời đời.” Khi người Do Thái dịch Sách Thánh của họ sang tiếng Hy Lạp, họ dịch chữ todah là eucharistia, từ chữ này chúng ta có chữ “Eucharist”.
Tất cả các truyền thống phụng tự của Ít-ra-en thì giống như các con sông vĩ đại chảy vào đại dương không cùng của sự tôn thờ mà Chúa Giêsu đã thiết lập cho Giáo Hội. Chúng không tan biến, nhưng kiện toàn.
Nhiều năm trước khi là giáo hoàng, ĐHY Joseph Ratzinger đã viết một nhận xét khác về nghi thức cổ của Do Thái Giáo. Chaburah là chữ được dùng để diễn tả sự hiệp thông giữa các phần tử trong gia đình giao ước của Thiên Chúa. Họ chia sẻ chaburah với nhau. Họ cùng nhau ăn các bữa tiệc chaburah. Vào tối ngày Sabát hay ngày lễ, một giáo sĩ có thói quen chia sẻ bữa ăn tối với các đệ tử của ông. Khi người Do Thái dịch chữ này sang tiếng Hy Lạp, họ dịch chữ ấy là koinonia, hiệp thông. Giao ước Thiên Chúa đưa đến sự hiệp thông mạnh mẽ giữa những người dân của Chúa.
Nhưng người Do Thái không diễn tả thêm về chaburah giữa Thiên Chúa và con người. Họ tin rằng một sự hiệp thông như thế thì không thể có. Chính ý tưởng này sẽ là một sự khinh thường tính siêu phàm của Thiên Chúa. Nói cho cùng, Thiên Chúa thì vô hạn, tuyệt hảo, và toàn thiện. Chúng ta thì giới hạn, bất toàn, và tội lỗi. Làm thế nào hai phần tử quá khác biệt lại có thể hiệp thông với nhau, khi một phần tử hiển nhiên bất xứng?
Chính Thiên Chúa coi thường mối đe dọa bị xúc phạm; và bởi phương tiện là giao ước mới, chính Người thiết lập sự hiệp thông với dân của Người: tất cả chúng ta trong Giáo Hội, và mỗi một người chúng ta trong Giáo Hội. Có lẽ đây là lý do ngôn ngữ “giao ước,” thường được thấy trong Cựu Ước, lại ít xuất hiện trong Tân Ước; nó được thay thế bằng ngôn ngữ hiệp thông. Chúa Giêsu nói, Thánh Lễ “là giao ước mới trong máu của ta” (1 Cor 11:25); nhưng giờ đây, trong Giao Ước Mới này, Người đã nâng cao phần thưởng. Người đã ban cho Thánh Lễ như “một sự hiệp thông [koinonia] trong máu Đức Kitô” (1 Cor 10:16).
Các tông đồ nói rõ rằng sự cứu độ của Đức Giêsu đã làm tan vỡ không chỉ các ranh giới giữa Ít-ra-en và các dân tộc, nhưng còn giữa Thiên Chúa và thế gian. Phải, giờ đây sự hiệp thông giữa mọi dân tộc, cả Do Thái lẫn Dân Ngoại. Sau cùng gia đình của Thiên Chúa sẽ bao trùm tất cả.
Giờ đây, chính Thiên Chúa cũng chia sẻ sự hiệp thông với dân Người. Đời sống chúng ta trong Đức Kitô là sự chia sẻ, sự tham dự, sự hiệp thông của chúng ta trong đời sống của Thiên Chúa. Sau cùng, đó là chaburah giữa Thiên Chúa và loài người.
Người Ít-ra-en xưa luôn coi lễ nghi dưới đất là một sự mô phỏng sự thờ phượng trên trời. Những gì các tư tế thi hành trong Đền Thờ là một sự mô phỏng ở dưới đất những gì các thiên thần thi hành trên thiên đường. Tuy nhiên, nó chỉ là một sự mô phỏng, chỉ là một cái bóng.
Khi mặc lấy thân xác loài người, Con Thiên Chúa đã đưa thiên đường xuống trần thế. Dân của Chúa không còn thờ phượng theo sự mô phỏng các thiên thần. Trong nghi lễ của giao ước mới, chính Đức Kitô chủ tế, và chúng ta không chỉ mô phỏng các thiên thần; chúng ta tham dự với họ. Qua Thánh Lễ -- và trong mọi Thánh Lễ -- có sự hiệp thông giữa trời và đất.
Chúng ta có thể thấy thực tại đó thật linh động trong sách Khải Huyền, ở đây Giáo Hội dưới đất quy tụ tại bàn thờ với các thiên thần và các thánh ở thiên đường… ở đây chúng ta nghe “Thánh, Thánh, Thánh,” “Chiên Thiên Chúa”, tung hô Amen và Alêluia và các bài quen thuộc khác… ở đây, các linh mục trong phẩm phục ở cung thánh được trang hoàng với đèn nến… ở đây chén thánh được đổ đầy và các tín hữu ăn “manna ẩn giấu”. Tôi tin rằng không phải tình cờ mà sách Khải Huyền chia đều thành hai phần, phần đầu gồm các bài đọc và phần hai là “tiệc cưới của Chiên.” Cơ cấu này tương ứng với thứ tự thờ phượng Thiên Chúa xa xưa nhất.
Vì nghi lễ Kitô Giáo vẫn đi theo khuôn mẫu căn bản thờ phượng của Cựu Ước: một nghi thức bao gồm các bài đọc Lời của Chúa và cả sự dâng lễ. Chính Đức Giêsu đi theo kiểu cách đó khi Người xuất hiện với các môn đệ trên đường Emmau: “Bắt đầu từ Môsê và các ngôn sứ, Người giải thích cho họ tất cả những gì trong Sách Thánh liên quan đến chính Người”; và sau đó họ nhận ra Người “trong nghi thức bẻ bánh” (Lc 24:27, 35). Trong Thánh Lễ, chúng ta nghe các bài đọc Tân Ước cùng với Cựu Ước, và chúng ta nhìn đến toàn thể lịch sử cứu độ trong ánh sáng của Đức Kitô. Trong Thánh Lễ, chúng ta còn biết đến Chúa Giêsu, thực sự hiện diện, trong nghi thức bẻ bánh.
Quả thật, Giao Ước Mới là một điều mới, vĩ đại, và vinh quang. Nhưng chúng ta không được quên sự liên tục của nó với quá khứ. Nghi thức thờ phượng của Ít-ra-en được sắp đặt để tưởng nhớ đến giao ước (trong bài đọc) và canh tân (trong hy lễ). Sự thờ phượng Kitô Giáo cũng là một sự tưởng nhớ đến các công trình vĩ đại của Thiên Chúa trong lịch sử, nhất là sự thống khổ cứu chuộc và sự vinh hiển của Chúa Giêsu. Thánh Lễ Kitô Giáo vừa là sự canh tân giao ước và vừa là sự cảm tạ vì Thiên Chúa tiếp tục hiện diện giữa dân của Người.
Giờ đây sự hiện diện đó là một sự hiệp thông đích thực. Sự kiện này làm Kitô Hữu tiên khởi kinh ngạc, họ tuyên bố rằng Thánh Lễ là thiên đường ở trần thế, và bàn thờ trần thế cũng giống như ở thiên đường. Thánh Lễ là sự ngự đến của Đức Kitô mà tất cả chúng ta mong đợi. Thiên Chúa đến với chúng ta trong sự hiệp thông đích thực, và một “sự trao đổi kỳ diệu” xảy ra trên một chiều kích thịt-và-máu. Giờ đây chúng ta là con cái Thiên Chúa, và “con cái trong sự chia sẻ huyết nhục” (Dt 2:14).
Điều này không có nghĩa giáo dân chung quanh chúng ta sẽ nhắc chúng ta nhớ đến các thần phẩm trong tranh của Raphael. Đôi khi có tiếng khóc của trẻ con trong cái tả xông mùi hôi. Nó không có nghĩa là ca đoàn giáo xứ sẽ hát thật hay. Hoặc có nghĩa bài giảng của chủ tế sẽ luôn luôn hấp dẫn.
Nó có nghĩa điều mà sự nhập thể luôn luôn có nghĩa: “Ngôi Lời trở thành xương thịt và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14)… Người “tự trút bỏ” và “tự hạ” (Phil 27-8)… “nơi ngự của Thiên Chúa là loài người. Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, và chính Người sẽ ở với họ” (Kh 21:3).
Trong Thánh Lễ, Người là “Thiên Chúa với chúng ta” (Mt 1:23). Qua Thánh Thể, Người làm cho chúng ta giống như Người; Người hiện diện ở đâu Người biến đổi chúng ta từ vinh quang này sang vinh quang khác.
Ở đây chúng ta phải lưu tâm, và nghĩ đến sự khôn ngoan của các tông đồ; vì một lần nữa Người cho thấy sự thay đổi trong chức tư tế, là người “phục vụ một bản sao và hình bóng của cung thánh trên thiên đường” (Dt 8:5).
Những sự trên trời mà Người nói ở đây là gì? Những điều thiêng liêng. Vì, tuy chúng được thi hành dưới đất, nhưng chúng có giá trị trên trời. Vì khi Chúa Giêsu Kitô nằm chết [như một lễ vật], khi Thần Khí ở với chúng ta, khi Người ngự bên hữu Chúa Cha ở đây, … làm thế nào tất cả những điều này có thể nào khác hơn những sự trên trời?
Nhưng không phải là các bài thánh ca của chúng ta thuộc về thiên đường sao? Không phải chúng ta, những người dưới đất, cùng thốt lên với ca đoàn trên trời cùng những bài thánh ca sao? Không phải là bàn thờ cũng thuộc về thiên đường sao? Như thế nào? Không có gì trần tục, tất cả những điều thiêng liêng trở nên của lễ. Hy lễ không phân tán thành tro, hoặc thành khói, hoặc hương vị, nó làm cho mọi sự được đặt ở đó sáng chói và huy hoàng. Một lần nữa, làm thế nào các nghi thức chúng ta cử hành có thể khác hơn là thuộc về thiên đường? Vì khi Người nói, “Nếu anh em tha tội cho ai, họ được tha; nếu anh em cầm buộc tội của ai, họ bị cầm buộc” (Ga 20:23), khi các đấng có chìa khóa thiên đường, làm thế nào mọi sự có thể khác hơn là thiên đường?...
Không, người ta sẽ sai ngay cả khi nói điều này; vì Giáo Hội thì thuộc thiên đường, và không có gì khác hơn thiên đường.