Xưng thú là đường lối dân Chúa thường nói về sự sám hối, chữa lành, và hòa giải. Hãy đọc những trang đầu của Kinh Thánh, và bạn sẽ thấy Thiên Chúa hỏi Adong, “Ngươi ở đâu?” Sau đó, Thiên Chúa hỏi tên sát nhân Cain, “Em của ngươi đâu?” Đấng Toàn Năng không tìm kiếm tin tức. Người đã biết rõ mọi sự. Người tìm kiếm một điều mà Adong hay Cain phải trao cho Người, nhưng họ đã không làm – và đó là sự xưng thú đầy đủ. Người muốn điều đó là vì lợi cho họ, để họ có thể sống trong chân lý. Không may, điều đó không xảy đến.
Tuy nhiên, duyệt qua toàn thể Cựu Ước, bạn sẽ thấy Thiên Chúa dạy bảo dân Ít-ra-en hãy xưng thú tội của mình bằng nhiều cách và sửa đổi – với các hy lễ, lễ vật đền tội, và của lễ toàn thiêu. Đó là một việc khó khăn, tốn kém và đổ máu. Một hối nhân phải tự tay mua con thú, đem nó đến bàn thờ, và tự tay giết nó. Nhưng họ có thể ra về với sự bình an, vì đã xưng thú và đã hoàn tất việc sám hối mà Thiên Chúa đòi hỏi.
Nhu cầu xưng thú của con người thì không tan biến với sự giáng trần của Đức Giêsu. Nhưng giờ đây nó được chu toàn trong một phương cách gần hơn, dễ hơn, và mạnh mẽ hơn. Đức Giêsu đã đáp lại nhu cầu đó một cách tuyệt hảo, bởi thiết lập một tác vụ và một bí tích sám hối trong Giáo Hội.
Có nhiều cách nhìn đến sự xưng tội, và tất cả đều có giá trị. Bạn có thể nhìn đó như một phiên toàn với thẩm phán là Thiên Chúa. Bạn có thể nhìn đó như một chương mục số nợ. Tôi nghĩ hữu ích nhất là nhìn đó như sự chữa lành – như bảo hiểm sức khỏe. Việc xưng tội làm cho linh hồn chúng ta những gì mà các bác sĩ, chuyên gia chữa trị, và các dược sĩ làm cho thân xác chúng ta.
Hãy nghĩ về những điều chúng ta thi hành để thân xác chúng ta hoạt động. Chúng ta đi khám bệnh, khám răng hay khám mắt thường xuyên. Và không ai phải nhắc chúng ta đánh răng, tắm rửa, và uống thuốc khi đau bệnh. Tất cả những điều này thì tốt cho chúng ta, và cũng tốt cho những người chung quanh nữa. Không ai muốn gần chúng ta nếu chúng ta không tắm rửa.
Nếu chúng ta dành nhiều nỗ lực để chăm lo cho thân xác chúng ta, tại sao chúng ta không dành nhiều thời giờ hơn cho linh hồn chúng ta? Nói cho cùng, thân xác chúng ta sẽ qua đi, nhưng linh hồn chúng ta sẽ sống đời đời.
Hơn nữa, quyết định của chúng ta về sức khỏe tinh thần và sự sạch sẽ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến những người chung quanh. Không điều gì phục vụ đời sống gia đình và động lực làm việc thật tốt cho bằng một linh hồn trong sạch và lời khuyên của một vị giải tội tốt lành. Ngược lại, không có gì làm thiệt hại những tương giao và sức khỏe tâm thần của chúng ta nhiều cho bằng gánh nặng tội lỗi. Xưng tội là sự chăm sóc sức khỏe miễn phí, và cũng là bảo hiểm sức khỏe miễn phí nữa! Chúa Kitô là y sĩ thần thánh; và, không như y sĩ trần thế, Người bảo đảm chúng ta sẽ khỏi bệnh. Thật vậy, Người có thể bảo đảm chúng ta sự bất tử. Bất cứ bác sĩ nào có thể làm những điều đó chắc chắn người ta sẽ xếp hàng tận đến cửa. Điều làm cho việc xưng tội bớt lo ngại là một đức tin mạnh mẽ nơi Chúa Giêsu và những gì Người có thể làm cho chúng ta.
Khi thân thể bạn đau yếu, bạn cần gặp một bác sĩ. Có thể bạn không muốn gặp bác sĩ. Có thể bạn không thấy việc gặp bác sĩ thì dễ chịu. Ngay cả bạn có thể sợ ngồi đợi ở văn phòng bác sĩ. Nhưng không có gì khác chữa lành được xương gẫy, trừ khử được vi trùng, hoặc khép lại vết thương rỉ máu. Đến gặp chuyên gia kế toán hay thợ sửa xe thì sẽ không giúp gì cho bạn.
Nghi thức Tân Ước khác với Cựu Ước vì bây giờ chính Thiên Chúa là thượng tế. Các luật sĩ và biệt phái rất đúng khi họ hỏi Đức Giêsu: “Ai có thể tha tội ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2:7). Điều họ không thể tin được rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể nói với thẩm quyền: “Này con, tội của con đã được tha” (Mc 2:5).
Chúa Giêsu có quyền để chia sẻ quyền năng ấy cho các giáo sĩ được tuyển chọn, các tông đồ của Người. Và đó chính là điều Người đã thi hành trong ngày phục sinh: “Người thổi hơn trên họ, và nói với họ, ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần. Nếu anh em tha tội cho ai, họ sẽ được tha thứ; nếu anh em cầm buộc tội của ai, họ sẽ bị cầm buộc’” (Ga 20:22-23).
Như thế Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ một quyền năng cao trọng hơn cả hàng tư tế Ít-ra-en. Các giáo sĩ Do Thái đề cập đến quyền năng tư tế xưa về diện “cầm buộc và tháo cởi”, và Chúa Giêsu dùng chính những chữ này để diễn tả những gì Người ban cho các môn đệ. Với các giáo sĩ Do Thái, cầm buộc và tháo cởi có nghĩa phán xét ai đó có được hiệp thông với tuyển dân – hay bị cắt rời khỏi đời sống và phụng tự của dân ấy.
Khi nâng chức vụ cổ xưa này đến mức hoàn thành, Chúa Giêsu đã thêm vào một chiều kích mới. Những người có quyền không còn thông qua một phán quyết chỉ có tính cách trần thế. Vì Giáo Hội được chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa nhập thể, quyền năng của Giáo Hội sẽ kéo dài đến quyền năng của Thiên Chúa. “Thật, thầy nói với anh em, bất cứ gì anh em cầm buộc dưới đất sẽ được cầm buộc trên trời, và bất cứ gì anh em tháo cởi dưới đất sẽ được tháo cởi ở trên trời” (Mt 18:18). Giáo Hội có thể tha tội nhân danh Chúa. Giáo Hội có thể làm nhẹ bớt hoặc tha thứ hình phạt vì tội.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó đòi hỏi phải có sự xưng thú. Trước khi các tông đồ có thể thi hành quyền năng của mình trên các linh hồn, họ cần được nghe xưng tội. Nếu không, họ sẽ không biết cầm buộc hay tháo cởi điều gì.
Các tông đồ thi hành thẩm quyền này và rao giảng sự xưng thú cho các Kitô Hữu tiên khởi. T. Gioan nói, “Nếu anh chị em xưng thú tội lỗi, [Thiên Chúa] thì trung tín và công bằng, sẽ tha thứ tội lỗi của anh chị em và thanh tẩy chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (1 Ga 1:9). T. Phaolô còn làm sáng tỏ hơn rằng “sự xưng thú” là điều bạn phải làm “với miệng của mình,” chứ không chỉ có lòng trí (Rom 10:10). T. Phaolô coi sứ vụ của mình là một “tác vụ hòa giải” (2 Cor 5:18) – xin nhắc lại, một vai trò từng có, trong thời Cựu Ước, được thi hành bởi các tư tế ở Giêrusalem, họ đã đem đến sự tha tội qua các hy lễ đền tội trong Đền Thờ.
T. Giacôbê đã đề cập đến vấn đề xưng thú vào cuối phần thảo luận về nhiệm vụ bí tích của hàng giáo sĩ. Chữ người dùng cho hàng giáo sĩ là tiếng Hy Lạp presbuterous, theo nghĩa đen có nghĩa “kỳ mục” (elders), nhưng đó là gốc cho chữ linh mục. Đây là điều T. Giacôbê nói: “Ai trong anh chị em đau khổ ư? Người ấy hãy cầu nguyện. Ai vui vẻ chăng? Người ấy hãy hát thánh ca. Ai trong anh chị em đau yếu ư? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa. Lời cầu nguyện do lòng tin sẽ cứu người bệnh; người ấy được Chúa nâng dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Vì thế anh chị em hãy thú tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để có thể được chữa lành” (Gia 5:14-16).
T. Giacôbê hiển nhiên đã đặt ra việc thực hành xưng tội có liên quan đến tác vụ chữa lành của linh mục. Vì các linh mục là người chữa lành, chúng ta mời họ xức dầu trên thân xác chúng ta khi đau yếu phần xác; và, vì thế, chúng ta lại càng hăng hái đến với họ để lãnh nhận bí tích tha thứ khi linh hồn chúng ta đau yếu vì tội lỗi.
Hãy lưu ý rằng T. Giacôbê không cổ vũ giáo đoàn chỉ xưng thú tội của họ với Chúa Giêsu mà thôi; người cũng không nói họ hãy xưng tội âm thầm, trong tâm hồn. Họ có thể thi hành tất cả những điều này với tất cả sự tin tưởng của họ, nhưng họ chưa trung thành với lời Chúa được T. Giacôbê rao giảng – cho đến khi họ xưng thú tội của mình với “người khác”, và đặc biệt là một kỳ mục, một linh mục.
Tất cả những điều này thì hiển nhiên với các giáo đoàn tiên khởi. Đó là sự giảng dạy mà chúng ta tìm thấy trong cuốn Didache, tài liệu Kitô Giáo xưa nhất có được ngoài Kinh Thánh. Trong đó chúng ta đọc: “Ngươi phải xưng thú những lỗi phạm của ngươi trong Giáo Hội và không được cầu nguyện với một lương tâm xấu xa.” Một chương sau đó nói về sự quan trọng của xưng tội trước khi rước lễ: “Vào ngày của Chúa khi quy tụ, bẻ bánh, và cảm tạ, trước hết hãy xưng thú tội lỗi của ngươi để như thế hy lễ của ngươi có thể được tinh tuyền.”
Việc xưng tội luôn luôn phải riêng tư, nghe rõ – đó là, bằng lời – và rõ rệt. Giáo Hội cho phép sự sám hối chung nhưng nói rõ rằng họ phải hướng dẫn tín hữu đến việc xưng tội cá nhân. Ngay cả khi bạn được tha tội chung trong trận chiến, bạn được cho rằng phải đến gặp một linh mục càng sớm nếu có thể khi cuộc chiến chấm dứt.
Trước đây không lâu, người Công Giáo đạo đức có thói quen xưng tội hàng tuần. Người ta xếp hàng xưng tội vào ngày thứ Bảy thì rất dài. Các thánh đề nghị chúng ta hãy đi xưng tội tối thiểu một tháng một lần.
Tại sao thói quen này lại suy giảm trong những năm gần đây, lại có một số giáo xứ chỉ nhận xưng tội “theo hẹn”? Các giáo hoàng gần đây cho rằng sự sút giảm này là vì mất ý thức về tội. Tôi nghĩ điều đó đúng. Văn hóa của chúng ta là loại văn hóa không-có-lỗi (no-fault). Chúng ta có loại bảo hiểm xe hơi không-có-lỗi và ly dị không-có-lỗi. Chúng ta tự trấn an mình rằng “Tôi bình an thì bạn cũng bình an,” bất kể chúng ta có những lựa chọn gì trong đời sống.
Nhưng sự thật là chúng ta không bình an, vì tất cả chúng ta đều có tội, và tất cả chúng ta đau khổ vì tội của mình và tội của người khác. Vì thế, chúng ta không còn hài hòa với Thiên Chúa, đấng đã dựng nên chúng ta và chúng ta không hài hòa với thế giới mà Người đã dựng nên cho chúng ta. Phải, Thiên Chúa yêu thương chúng ta dù chúng ta thế nào, nhưng Người yêu thương chúng ta quá nhiều đến độ không để chúng ta theo đường lối đó. Chúng ta cần cảm nghiệm sự tha thứ của Người để có thể được chữa lành, và sau đó tập tha thứ chính chúng ta.
Chúng ta cần tái khám phá một cảm nhận lành mạnh về tội, có như thế chúng ta mới có thể phục hồi sức khỏe tinh thần.
Xưng thú tội lỗi thì tốt hơn để con tim trở nên cứng cỏi.