Bí tích Thêm Sức từng được gọi là “bí tích trong sự tìm kiếm thần học,” và một vị thánh đã đề cập đến Chúa Thánh Thần như “Vị Vô Danh Vĩ Đại.” Có thể nào giáo lý và cả lòng sùng kính của chúng ta quá nghèo nàn – đến độ chúng ta không biết món quà đó và cả đấng ban tặng không?
Cầu mong sao điều đó không bao giờ xảy ra cho bạn và tôi! Vì nếu chúng ta bỏ quên Chúa Thánh Thần và quên bí tích thêm sức của chúng ta, chúng ta thiếu sót chính lý do của sự cứu chuộc. Thiên Chúa trở nên một con người không chỉ để cứu chúng ta khỏi điều gì đó (tội lỗi của chúng ta), nhưng còn để cứu chúng ta cho một điều gì đó (sống như con cái của Thiên Chúa). Được cứu không có nghĩa gì khác hơn là được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa.
Và chúng ta được như thế nhờ ơn của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu nói với các tông đồ rằng Thánh Thần sẽ “lấy những gì của thầy và loan báo cho anh em” (Ga 16:14). Vậy chính Thánh Thần là đấng ban cho chúng ta sự sống trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì chính Thánh Thần là đấng ban cho chúng ta sự sống của Chúa Con.
Sai Thánh Thần đến là mục đích được Chúa Giêsu nói rõ. Người nói với các tông đồ: “Thầy đi thì có lợi cho anh em; vì nếu thầy không đi đấng Khuyên Bảo sẽ không đến với anh em; nhưng nếu thầy đi, thầy sẽ sai Người đến với anh em… Khi Thánh Thần chân lý đến, Người sẽ dẫn dắt anh em đến toàn bộ chân lý” (Ga 16:7-13).
Đúng với lời hứa, Đức Giêsu xuất hiện với các tông đồ và “thổi hơi trên họ, và nói với họ, ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần’” (Ga 20:22). Sau đó, trong ngày Pentecost Kitô Giáo đầu tiên, một sự tuôn đổ của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội (Cv 2). Biến cố này đã được tiên báo trong các lời ngôn sứ Cựu Ước về thời đại của đấng Mêsia (Is 44:3, 59:21; Ez 11:19, 36:25ff-27; Jl 2:28). Thật vậy, sự vĩ đại của quà tặng vượt quá mọi mong đợi.
Đó không phải là quà tặng vật gì đó, nhưng là Người Nào Đó. Đó là quà tặng Chúa Thánh Thần.
Sách Công Vụ Tông Đồ cho biết Pentecost hiển nhiên là một biến cố được dự định cho toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ người ưu tú, và không chỉ trong một ngày. Nó được dự định qua thời gian – được thể chế hóa – qua các bí tích. Ơn Chúa Thánh Thần đến với bí tích rửa tội nhưng cách nào đó ơn ấy được hoàn tất bởi một nghi thức khác. “Lúc bấy giờ các tông đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, họ cử ông Phê-rô và ông Gio-an đến với những người này. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần; vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ, nhưng họ chỉ mới chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Sau đó hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:14-17).
Truyền thống diễn tả bí tích Thêm Sức là “dấu ấn” của Chúa Thánh Thần. Trong thời xưa, mang dấu ấn của ai đó là được đồng hóa với người ấy, được nhận biết là con hay tôi tớ của người ấy. Bí tích Thêm Sức ghi dấu chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Nó ban một sự trưởng thành nào đó trên chúng ta và thêm sức cho chúng ta để làm chứng cho đức tin, bảo vệ đức tin, và sống có trách nhiệm trong Giáo Hội. Tất cả những hành động này là ơn sủng từ Thiên Chúa, và không tùy thuộc vào sức mạnh hay khả năng riêng của từng người. Tuổi được Thêm Sức có thể thay đổi khác nhau ở nhiều nơi. Một số giáo hội đông phương ban bí tích thêm sức cho trẻ sơ sinh ngay sau khi rửa tội, nhấn mạnh đến phần thưởng của ơn Chúa. Một số giáo phận tây phương trì hoãn bí tích này cho đến khi lên trung học hoặc tốt nghiệp, nhấn mạnh rằng đó là một dấu hiệu của sự trưởng thành, tự mình đi vào Giáo Hội. Giáo Hội dạy rằng, dù nhận lãnh khi nào, bí tích thêm sức “hoàn tất” bí tích rửa tội của chúng ta.
Chúng ta có thể ước được lãnh nhận bí tích này ở tuổi này hay tuổi kia – nhận sớm vì ích lợi của ơn sủng, hoặc sau này vì ích lợi của sự hiểu biết – nhưng đó không thực sự là điểm chính. Điều chúng ta cần làm là nhận biết rằng bí tích thêm sức là ơn sủng một lần trong đời, và chúng ta vẫn có thể cầu viện đến ơn này hàng ngày trong đời sống. Chúng ta nhận được tất cả những gì chúng ta cần để đạt được sự trưởng thành về tinh thần.
Chúng ta nhận được điều mà truyền thống Kitô Giáo gọi là “các ơn của Chúa Thánh Thần”: khôn ngoan, hiểu biết, tri thức, chỉ bảo, đạo đức, dũng cảm, và kính sợ Thiên Chúa. Chúng ta còn nhận được các hoa quả của Chúa Thánh Thần trong các ơn, tỉ như: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, tử tế, tốt lành, độ lượng, nhân từ, trung tín, đoan trang, tự chủ và khiết tịnh.
Khi chúng ta thấy những chia cách trong Giáo Hội – bất đồng, thiếu rõ ràng, ngoan cố – thì chúng ta thấy sự cần thiết của Chúa Thánh Thần. Thay vì nguyền rủa bóng tối, chúng ta phải cầu khẩn với Ngôi Thứ Ba.
Chúng ta phải duyệt xét chính mình về sự sùng kính Chúa Thánh Thần và biết quý trọng ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Chúng ta có cầu nguyện với Chúa Thánh Thần như cầu nguyện với Chúa Cha và Chúa Con không? Chúng ta có cầu xin Người một cách cá biệt không? Vì Người là một ngôi vị, không phải là một động lực hay một hoạt động hay một dụng cụ.
Nếu chúng ta được thêm sức, Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta. Chúng ta là đền thờ của Người (1 Cor 6:19). Chúng ta không phải đi đâu xa để biết đến Người.
Đức Kitô đến thế gian để ban Thánh Thần cho chúng ta. Người lên trời với Chúa Cha để như thế Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Giáo Hội. Trong những động này của Thiên Chúa, lịch sử cứu độ biểu lộ tiến trình của Thiên Chúa. Chúa Cha sai Chúa Con như một hình ảnh về Chúa Cha sinh ra Chúa Con từ đời đời. Sự ngự xuống của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội trong biến cố Pentecost là một hình ảnh của sự diễn tiến của Thánh Thần từ Chúa Cha và Chúa Con.
Vì thế, chúng ta cố gắng đừng lơ là hay coi thường đời sống của Thánh Thần trong Ba Ngôi, hoặc đời sống chúng ta trong Thánh Thần. Công việc cốt yếu của Thánh Thần là làm sinh sôi nảy nở đời sống, sự đau khổ, sự chết, và sự phục sinh của Chúa Kitô trong từng người và tất cả chúng ta. Nếu chúng ta sao nhãng Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng đang thờ ơ với Chúa Kitô.
Giờ đây bạn được “rửa tội trong Đức Kitô” và được “mặc lấy Đức Kitô,” bạn trở nên đồng hình dạng với Chúa Con (Gal 3:27; Rom 8:29). Vì Thiên Chúa “dự định cho chúng ta là con của Người” (Eph 1:5)… Vì thế, vì bạn “chia sẻ Đức Kitô” (Dt 3:14), thật đúng để gọi bạn là Kitô hay người được xức dầu… Bạn trở nên người được xức dầu qua việc lãnh nhận dấu chỉ của Chúa Thánh Thần. Vì bạn là hình ảnh của Đức Kitô, tất cả các nghi thức được thể hiện trên bạn đều có một ý nghĩa biểu tượng.
Đức Giêsu tắm trong sông Giođan, và thánh hóa nước ấy với sự hiện diện thần thánh của thân thể Người, Người dìm trong nước, và Thánh Thần đã đến thăm Người trong hình dạng quan trọng, như đến nghỉ ngơi trên người được ưa thích. Cùng một cách, khi bạn trồi lên từ hồ nước thánh bạn được xức dầu theo cùng một phương cách như của Chúa Kitô. Việc xức dầu đó là Chúa Thánh Thần, là đấng mà Isaia đã nói khi ông tiên báo về Chúa: “Thần Khí của Đức Chúa ngự trên tôi vì Người xức dầu tôi” (Is 61:1)…
Nhưng hãy biết chắc là đừng coi thường dầu ấy. Cũng như bánh của Thánh Thể sau khi cầu khẩn Chúa Thánh Thần thì không chỉ là bánh, nhưng là thân thể của Đức Kitô, dầu cũng thế sau khi cầu khẩn thì không còn là dầu thường nhưng là ơn sủng của Chúa Kitô, mà qua sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, thiên tính của Người thấm nhập vào chúng ta.