Đôi khi bạn nghe người ta nói kiêng khem và kỷ luật thể xác là những diễn tả “lỗi thời” của linh đạo Công Giáo. Nhưng điều đó không đúng. Một khi chúng ta theo Chúa Kitô, chúng ta sẽ phải từ bỏ những gì mà thân xác muốn. Chúa Giêsu nói: “Nếu người nào muốn theo tôi, họ phải từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình và theo tôi” (Mt 16:24). T. Phaolô còn nói mạnh mẽ hơn với tín hữu Côlótxê là “vì thế anh chị em hãy chết đi những gì thuộc về hạ giới ở trong anh chị em” (Col 3:5).
Mọi sự của thế gian thì tốt, vì Thiên Chúa đã tạo nên chúng. Nhưng không hồ nghi rằng sự khao khát của chúng ta thì ngoài sự kềm chế. Nếu có cơ hội, hầu hết chúng ta sẽ ăn nhiều hơn thân xác cần, và điều đó không tốt cho chúng ta. Thật vậy, điều này có thể xấu cho linh hồn hơn là thân xác. Vì chúng ta trở nên ràng buộc với các tạo vật và với khoái lạc mà chúng đem lại. Và có khi, chúng ta ưa thích sự khoái lạc hơn ích lợi tinh thần. Chúng ta thích ngủ hay xem truyền hình hơn là lần chuỗi Mai Khôi. Chúng ta thích nghe hội thoại trên truyền thanh dù biết là nó cám dỗ chúng ta vi phạm lòng nhân ái khi nói xấu các chính trị gia. Chúng ta thích uống thêm một loong bia dù biết bác sĩ đã ngăn cấm.
T. Augustine nói rằng tội được bắt đầu với việc xa lánh Thiên Chúa và quay sang những điều kém tốt lành hơn. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta không chọn sự xấu. Chúng ta chọn điều gì đó kém hơn Thiên Chúa và thánh ý của Người.
Xin nhắc lại, thân xác đưa chúng ta vào chiều hướng này. Kể từ khi tổ tiên loài người phạm tội, thân xác chúng ta thèm khát một cách vô trật tự. Do đó, một khi chúng ta còn thân xác, chúng ta cần phải chế ngự thân xác. Thân xác chúng ta thèm muốn nhiều hơn những gì cần, vì thế chúng ta phải cho nó ít hơn những gì nó muốn.
Chúng ta làm như thế nào? Phương pháp của chúng ta không giống như các phương pháp để đạt được các mục tiêu khó khăn ở trần thế. Nếu chúng ta muốn có thân hình rắn chắc, chúng ta phải làm gì? Chúng ta tập thể dục, nhịn ăn. Càng cố gắng bao nhiêu, kết quả càng tốt hơn bấy nhiêu. Nếu chúng ta muốn thăng tiến trong nghề nghiệp, chúng ta làm gì? Chúng ta bớt đi những vui thú và dành thêm thời giờ để làm việc. Hãy nghĩ về câu châm ngôn thúc đẩy chúng ta. “No pain, no gain” (không khổ sở, không có lợi). Một kế toán viên tôi quen nói với tôi rằng câu châm ngôn bán chính thức của sở ông là: “Don’t date – work late” (đừng hẹn hò, hãy làm việc trễ).
Vì các mục đích hạ giới hay thiên giới, thân xác của chúng ta cần được chế ngự. Thân xác chúng ta phải chịu khuất phục lý trí của chúng ta – hoặc trật tự sẽ bị đảo ngược: lý trí của chúng ta không bao lâu sẽ lệ thuộc vào thân xác. Các Kitô Hữu tiên khởi biết rõ điều này, và họ kiêng khem thường xuyên. T. Phaolô còn đi xa hơn nữa: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng” (1 Cor 9:27).
Khi chúng ta kiêng khem, chúng ta liên lỉ theo các tấm gương trong Kinh Thánh. Ông Môsê và Êligia kiêng khem trước khi hiện diện trước Thiên Chúa (Xh 34:28; 1 Các Vua 19:8). Nữ ngôn sứ Anna kiêng khem để chuẩn bị cho sự ngự đến của Mêsia (Lc 2:37). Đức Giêsu giữ chay (Mt 4:2), dù Người không cần sự thanh tẩy. Như thế Người thi hành việc này là để chúng ta noi gương. Thật vậy, Người giả sử rằng chúng ta sẽ theo gương của Người. “Khi anh em giữ chay,” Người nói, “đừng trông rầu rĩ như những kẻ giả hình” (Mt 6:16). Người không nói “nếu anh em giữ chay,” nhưng “khi”.
Giáo Hội đòi hỏi một vài kỷ luật nơi chúng ta. Chúng ta phải kiêng khem một giờ trước khi rước Mình Thánh. Đó là một hy sinh nhỏ, và nó có thể tạo ra một sự “đói khát bí tích” trong chúng ta – không chỉ đói bí tích, nhưng sự đói khát mà chính nó là dấu hiệu bên ngoài của một thực tại tinh thần: chúng ta khao khát kết hợp với Chúa. Chắc chắn đó là lý do các tông đồ kiêng khem để chuẩn bị cho phụng vụ này (xem Cv 13:2-3).
Hàng năm chúng ta buộc phải giữ chay thật đáng kể vào hai ngày. Thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh. Vào những ngày này, chúng ta chỉ có thể ăn một bữa no, và bữa đó không được nhiều hơn các bữa khác cộng lại. Vào hai ngày đó, và các ngày thứ Sáu mùa Chay, chúng ta không được ăn thịt. (Thực sự, Giáo Hội đề nghị chúng ta kiêng thịt mọi ngày thứ Sáu trong năm, hoặc thay thế bằng những hy sinh khác).
So với những hy sinh chúng ta làm trong các lĩnh vực khác – đi học, làm việc, nuôi con, ngay cả thể thao – tất cả những điều này không nhiều. Nhưng sự trung thành từ bỏ những điều nhỏ phải là một dấu chỉ của sự trung thành liên tục đối với sự từ bỏ hàng ngày mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta. Chúng ta phải làm cho nó thành một thói quen, và coi những hy sinh làm cho người khác được vui thích là ưu tiên: chọn cuốn phim mà vợ/chồng thích xem, hoặc để dành thức ăn cho con cái.
Khi tự ý từ bỏ chính mình, chúng ta trả về Thiên Chúa những gì thuộc về Người; và chúng ta chứng tỏ sự ưa thích những ích lợi tinh thần. Vào đúng kỳ hạn, chúng ta sẽ mất những điều tốt lành từng cái một. Thật tốt hơn cho chúng ta nếu chúng ta tự ý từ bỏ, vì tình yêu. Nếu sự từ bỏ chính mình trở nên thói quen, có lẽ chúng ta sẽ không cay đắng khi tuổi già lấy đi những vui thú của chúng ta, mà chắc chắn sẽ như vậy, mà không cần xin phép chúng ta. Tác giả Jorge Luis Borges viết một câu chuyện diễn tả những giới hạn của những khoái lạc về giác quan. Người kể chuyện, một ông già mơ rằng sự vui hưởng khoái lạc hạ giới của chúng ta bị giới hạn bởi một con số định mệnh: “Bạn sẽ dùng hết con số mà nó tương ứng với khí lực và bạn sẽ sống tiếp. Bạn sẽ dùng hết con số mà nó tương ứng với sự mịn màng của pha lê và bạn sẽ sống tiếp thêm một vài ngày.”
Tất cả chúng ta sẽ đối diện với tử thần một ngày nào đó. Một số người đối diện một cách trầm tĩnh và ngay cả vui vẻ, trong kỳ vọng chu toàn bổn phận và có lợi. Những người khác đối diện sự chết trong khổ sở vì họ mất mát.
Nếu tất cả đời sống là một chuẩn bị cho giây phút sự chết, lời khuyên của Chúa Giêsu về sự từ bỏ hàng ngày quả thật có ý nghĩa. “Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em và tâm hồn anh em sẽ vui mừng, và không ai lấy đi niềm vui của anh em được” (Ga 16:22).
Chúa Giêsu nói, “Khi anh em giữ chay, đừng trông có vẻ thiểu não.” Và chúng ta, những người giữ chay có mọi lý do để vui mừng. Khi chúng ta sống theo cách này, chúng ta bắt chước Chúa Kitô, đấng vui thích sự tự do tuyệt đối vì không ai có thể lấy đi bất cứ gì khỏi Người. Người đã tự ý từ bỏ mọi sự, ngay cả chính mình (Ga 10:17).
Noi gương Chúa cũng đã đủ. Nhưng chúng ta vẫn có nhiều hơn nữa. Chúng ta chia sẻ sự sống của Người và công trình cứu độ của Người. Chúng ta có thể áp dụng kết quả của sự từ bỏ chính mình cho người khác, như một nghĩa cử tình yêu. Như T. Phaolô, chúng ta có thể nói: “Giờ đây, vì anh chị em tôi hân hoan trong những đau khổ của tôi, và trong thân xác tôi, tôi hoàn tất những gì còn thiếu trong sự đau khổ của Chúa Kitô vì thân thể của Người, đó là, Giáo Hội” (Col 1:24).
Chúng ta hãy giữ chay, cầu nguyện, bố thí đúng lúc và dâng điều đó lên Thiên Chúa. Nếu quỷ gieo vào đầu chúng ta việc gìn giữ đất đai hay của cải, hãy nhớ rằng chúng ta không thể giữ chúng lâu. Nếu nó làm chúng ta sợ hãi phải lưu đầy và xa cách quê hương, hãy nhớ rằng chúng ta được sinh ra trong thế giới rộng lớn, và không như một cái cây cắm vào một chỗ, bất cứ chúng ta đi đâu, Chúa sẽ đi với chúng ta.