Thánh Phaolô nói về chính mình là “người tội lỗi đứng đầu” (1 Tim 1:15). Nhưng thánh nhân cũng biết rằng người là một vị thánh.
Với T. Phaolô, cũng như với tất cả Giáo Hội Công Giáo, mọi Kitô Hữu là “thánh” nhờ bí tích rửa tội. “Thánh” có nghĩa “người thánh thiện”, và Kitô Hữu được làm cho thánh thiện không bởi bất cứ gì họ học được hay thi hành được, nhưng bởi sự ngự trị của Thiên Chúa toàn năng. Chúng ta thánh thiện vì chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần – và, theo quan điểm của T. Phaolô, không có gì trên trái đất này thánh thiện hơn là Đền Thờ của Thiên Chúa.
Vì thế, Thư gửi tín hữu Côlótxê của T. Phaolô mở đầu: “Gửi các thánh và anh chị em tín hữu trong Đức Kitô ở Côlótxê. Chúng tôi luôn cảm tạ Thiên Chúa, Thân Phụ của Chúa Giêsu Kitô, khi chúng tôi cầu nguyện cho anh chị em, vì chúng tôi được nghe biết về đức tin của anh chị em nơi Đức Kitô Giêsu và tình yêu mà anh chị em dành cho các thánh… Cầu mong sao anh chị em được vững mạnh, nhờ sức mạnh vạn năng của Thiên Chúa vinh quang, anh chị em sẽ nên mạnh mẽ để kiên trì chịu đựng tất cả, cảm tạ Chúa Cha, đấng đã làm cho anh chị em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của các thánh trong ánh sáng” (Col 1:2-12).
Sự thánh thiện chỉ là ơn gọi chung của Kitô Hữu. Nhưng, trong đoạn ngắn của thư Côlótxê đó, T. Phaolô còn phân biệt giữa các thánh ở dưới đất (Col 1:2) và “các thánh trong ánh sáng” (Col 1:12) – sau này người Công Giáo đạo đức gọi là “Giáo Hội chiến đấu” và “Giáo Hội chiến thắng” theo thứ tự tương ứng. Thư gửi tín hữu Do Thái (12:1) nói với chúng ta rằng các thánh trên trời là “đám mây nhân chứng” bao quanh các thánh dưới đất.
Với các thánh ở dưới đất, họ chia sẻ ơn gọi của chúng ta, chúng ta yêu mến họ. Với các thánh trong ánh sáng, chúng ta trao tặng họ một vinh dự đặc biệt, gọi là sùng kính. Nó không cùng một loại vinh dự mà chúng ta chỉ trao tặng cho Thiên Chúa. Nó giống như sự tôn trọng sâu xa của chúng ta đối với cha mẹ, ông bà. Chúng ta yêu mến họ rất nhiều đến độ chúng ta đóng khung hình ảnh của họ và trưng bày ở một nơi đặc biệt trong nhà. Chúng ta không nên do dự xin cha mẹ cầu nguyện cho chúng ta; chúng ta cũng không do dự cầu xin tổ tiên trong đức tin của chúng ta.
Chính T. Phaolô xin sự can thiệp của “các thánh” trong thư Côlótxê (coi Col 4:3). Vì chúng ta chia sẻ sự sống và bản tính thần thánh của Đức Giêsu Kitô, chúng ta cũng chia sẻ trong chức vụ độc nhất của Người là “trung gian giữa Thiên Chúa và loài người” (1 Tim 2:5). Như thế T. Phaolô có thể “khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người” (1 Tim 2:1). Hơn thế nữa, người hứa với các thánh ở Côlótxê là thay mặt họ người sẽ cầu thay nguyện giúp: “chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh chị em” (Col 1:9).
Nhờ biết được từ Tân Ước, chúng ta có thể chắc chắn rằng sự cầu bầu của T. Phaolô không chấm dứt, ngay cả ngày nay. Sách Khải Huyền (6:9-10) cho thấy các vị tử đạo ở trên trời rất để ý đến các biến cố dưới đất, và lớn tiếng kêu xin Thiên Chúa khôi phục. Chính Đức Giêsu, trong một dụ ngôn, diễn tả sự can thiệp ở trên trời (Lc 16:27-28).
Các Kitô Hữu tiên khởi luôn sùng kính sự Hiệp Thông Các Thánh. Nó không chỉ là vấn đề tôn vinh tổ tiên, vì họ không nghĩ các thánh đã chết và vì thế mất đi sự hiện diện. Các thánh càng hiện diện với Giáo Hội ở trần thế hơn nữa, vì các đấng ấy hiện đang sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật vậy, các thánh không chết, họ sống động hơn là Giáo Hội dưới đất.
Việc sùng kính của Kitô Hữu tiên khởi được minh chứng trong hàng trăm di tích khảo cổ, trong các tác phẩm nghệ thuật và trong bích họa, trong đài kỷ niệm và trong vật dụng thông thường trong nhà. Tiếng kêu của Giáo Hội dưới đất không ngừng vang đến các thánh trên thiên đường: “hãy cầu cho chúng tôi” và “hãy chúc lành chúng tôi.”
Các thánh vinh hiển là một phần của đại gia đình của Giáo Hội, kỷ niệm ngày họ từ trần được mừng như “ngày sinh” bởi các Kitô Hữu còn sống, và nhiều đấng được kính nhớ hàng năm trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội.
Học giả Peter Brown thường nhấn mạnh rằng đây không phải là sự sùng kính dị đoan của “tiện dân”. Nó không phải là một điều còn sót lại của ngoại giáo. Thật vậy, dân ngoại thấy kinh hãi khi Kitô Hữu sùng kính các thánh, và họ lên án điều đó là không thích đáng!
Không, đó là các học giả Kinh Thánh vĩ đại nhất của Kitô Giáo tiên khởi, họ vẫn giữ việc sùng kính các thánh. Chúng ta thấy điều đó được nói rõ trong các văn bản của các vị nổi tiếng như T. Giêrôm, T. Au-gút-tin, và T. Gioan Chrysostom.
Việc sùng kính của T. Giêrôm quá mạnh đến độ người dành các buổi chiều Chúa Nhật để bước dọc theo hành lang đầy những di tích của các vị tử đạo trong hang toại đạo u tối.
T. Gioan Chrysostom, trong thế kỷ thứ tư, ngạc nhiên trước vai trò bị đảo ngược trong việc sùng kính các thánh. “Ngay cả hoàng đế… trong phẩm phục mầu tím và thường cúi đầu phủ phục trước ngôi mộ của vị tử đạo và xin thánh nhân cầu bầu” – một vị thánh mà khi còn sống, có thể là một thường dân hay không có gì đáng kể! Bây giờ thì ai run sợ? Thánh nhân còn nói về các bà vợ khiêm tốn xin sự bảo vệ của các thánh cho những ông chồng trên hành trình nguy hiểm.
T. Au-gút-tin thường giảng về đời sống các thánh, và người viết một vài bản văn dài để bảo vệ việc sùng kính các thánh của người Công Giáo. Hầu hết người trả lời những tấn công của phái Ma-ni-kê – những người lạc giáo mà lý luận của họ tương tự như những người bài bác đạo Công Giáo ngày nay. Người giảng, “Lời cầu nguyện của các vị tử đạo giúp đỡ chúng ta. Thật vậy, chính qua những ngày lễ của họ mà sự thánh thiện của quý vị được nhắc nhở đến… chúng ta đừng nghĩ rằng chúng ta đang ban cho họ điều gì đó khi cử hành các ngày lễ của họ. Các đấng ấy không cần những ngày lễ của chúng ta. Vì họ hân hoan trên trời với các thiên thần. Họ hân hoan với chúng ta nếu chúng ta tôn vinh họ là để noi gương họ.”
Một lần nữa, chúng ta nghe tiếng vọng của T. Phaolô, người nói, “Hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Đức Kitô” (1 Cor 1:11). Sùng kính T. Phaolô là vinh danh Chúa Kitô vì ơn huệ của Người được thể hiện trong đời sống của Giáo Hội dưới đất. T. Phaolô nói: “Không phải tôi sống, mà Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20). Thật vậy, Chúa Kitô sống trong các thánh, và Người làm cho họ trở nên tuyệt hảo hơn nữa.
Đó là một cảm giác đoàn kết sâu dậm, một cảm giác gia đình, mà Kitô Hữu chia sẻ với các thánh. Vị giám mục thế kỷ thứ tư là T. Paulinus ở Nola đã tự đặt mình dưới sự quan thầy của T. Felix, vị tử đạo. Trong một bài thơ, người đề cập đến Thánh Felix là “cha đáng kính, quan thầy bất diệt, người y tá của tôi, người bạn chí thân của Chúa Kitô”.
Trong lịch sử Kitô Giáo chúng ta nghe cùng những chữ đó được đề cập đến các thánh trong mọi thời đại: T. Giuđa Tađêô, T. Phanxicô Assisi, T. Antôn ở Padua, T. Ca-ta-ri-na La-bu-rê, T. Têrêsa ở Lisieux, T. Maximilian Kolby, T. Padre Piô.
Với các nhân vật đó, chúng ta không ngần ngại kêu lên, “Xin cầu cho chúng tôi!”
Thật đúng là Kitô Hữu tôn kính tưởng nhớ các vị tử đạo, vừa để khích động chúng ta noi gương họ và vừa để chia sẻ công trạng của họ và được họ cầu bầu. Nhưng chúng ta không làm bàn thờ cho bất cứ vị tử đạo nào, nhưng cho Thiên Chúa của các vị tử đạo, tuy bàn thờ là để tưởng nhớ các vị tử đạo. Không ai chủ sự tại bàn thờ được xây trên ngôi mộ của một vị thánh và nói rằng, “Chúng tôi dâng của lễ lên ngài, ôi Phêrô!” hoặc “Ôi Phaolô” hoặc “Ôi Cyprian!” Của lễ được dâng lên Thiên Chúa, đấng đã ban triều thiên cho các vị tử đạo, trong khi tưởng nhớ đến những người nhận được triều thiên này.
Cảm xúc được gia tăng bởi những liên đới đến nơi chốn, và tình yêu được khích động vừa đối với những người là gương mẫu của chúng ta, và vừa đối với người mà chúng ta có thể noi gương họ. Chúng ta nhìn đến các vị tử đạo với cùng sự thân mật trìu mến như đối với những người thánh thiện của Thiên Chúa ở đời này, khi chúng ta biết rằng tâm hồn họ được chuẩn bị để gánh chịu những đau khổ vì chân lý của Phúc Âm. Chúng ta càng sùng kính các vị tử đạo hơn nữa vì chúng ta biết rằng sự chiến đấu của họ thì đã qua; và chúng ta có thể tin tưởng lớn lao khi lên tiếng ca tụng những người đã chiến thắng trên thiên đường, hơn là những ai vẫn phải chiến đấu ở đây.
Điều thích hợp với sự thờ phượng Thiên Chúa, tiếng Hy Lạp gọi là latria, và chúng ta chỉ dâng lên Thiên Chúa trong giáo lý và cả trong thực hành. Với sự thờ phượng này là việc dâng lễ vật, như chúng ta thấy trong chữ idolatry, có nghĩa thờ ngẫu tượng. Theo đó chúng ta không bao giờ dâng lên, hoặc đòi hỏi bất cứ ai dâng lễ vật cho một vị tử đạo, hoặc cho một linh hồn thánh thiện, hoặc cho bất cứ thiên thần nào. Bất cứ ai rơi vào sự lầm lạc này thì được dạy bảo bởi giáo lý, hoặc trong cách sửa sai hoặc cảnh giác. Vì chính các thực thể thánh, dù là các thánh hay thiên thần, họ từ chối không nhận những gì họ biết là chỉ thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta thấy điều này trong Phaolô và Bácnabê, khi những người ở Lycaonia muốn dâng lễ vật cho họ như thần thánh, vì những phép lạ họ làm. Họ đã xé áo, và ngăn cản dân chúng, lớn tiếng nói với họ, và thuyết phục họ rằng các đấng không phải là thần thánh. Chúng ta còn thấy điều đó trong các thiên thần, khi chúng ta đọc trong sách Khải Huyền rằng một thiên thần không tự để mình được thờ lạy, và nói với người thờ lạy rằng, “Tôi cũng là một tôi tớ như ông, và như anh em của ông” (Kh 19:10)