Giáng Sinh là một ngày và một mùa không cần phải giới thiệu, đúng không? Từ sau ngày Halloween, truyền thông và các cửa tiệm không ngớt nhắc nhở chúng ta về sự gần kề của ngày lễ này. Lễ giáng sinh của Đức Giêsu là lý do cho sự tột đỉnh mua bán trong năm. Các nhà kinh tế theo dõi thật sát và phân tích không ngừng dịp lễ này như một dấu hiệu cho tình trạng kinh tế của quốc gia.
Và tôi không muốn ghen tị với họ chỉ một đồng xu. Hãy để các nhân vật Grinches và Scrooges càu nhàu cay đắng về việc thương mại hóa Giáng Sinh. Tôi sẽ coi đó như một vật triều cống cho Đức Kitô rằng mùa tặng quà của xã hội lại là ngày lễ giáng sinh của Người, ngay cả khi sự trao tặng phải được đi trước bằng mùa mua sắm.
Tuy nhiên, tôi buồn cho sự lu mờ của Mùa Vọng; vì mùa chuẩn bị tinh thần cho lễ Giáng Sinh của Giáo Hội chắc chắn bị trùm lấp bởi “mùa mua sắm Giáng Sinh” nó không ngừng lấn át. Mùa Vọng là một mùa chúng ta phải phục hồi, dù có cần đến những nỗ lực anh hùng.
Trong mùa Vọng, nghi thức phụng vụ mời chúng ta hãy sống lại giai đoạn mong chờ khi thế gian chờ đợi Đấng Cứu Thế. Chúng ta nghe những lời của các ngôn sứ, và coi đó như của chính chúng ta. Các ngôn sứ ước mong có được các tình trạng mà Ít-ra-en chỉ vui thích khi trung thành chu toàn giao ước. Thay vào đó, dân chúng rơi vào tình trạng tội lỗi một cách khó hiểu, và vì thế họ mất đi những ưu quyền mà Thiên Chúa ban cho họ: sự thịnh vượng và hạnh phúc trong một vùng đất chảy sữa và mật. Các ngôn sứ đau lòng chờ đấng Mêsia, đau lòng chờ đấng cứu chuộc, đau lòng chờ đấng giải thoát.
Sự giáng sinh của Đức Giêsu đã chu toàn mọi khao khát thánh thiện của nhiều thế kỷ. Đó là niềm vui trong ngày lễ Giáng Sinh, nhưng thật khó cho chúng ta cảm nghiệm được niềm vui này nếu trước đó chúng ta trải qua sự khao khát.
Đó là lý do Giáo Hội trước hết dẫn chúng ta qua một mùa không phải là mua sắm, nhưng là khao khát. Mùa Vọng đôi khi được gọi là “mùa Chay nhỏ,” vì đó là một mùa chuẩn bị trong chay tịnh và từ bỏ chính mình. Nó không dài như “mùa Chay lớn”. Thật vậy, nó có thể ngắn trong hai mươi mốt ngày. Nhưng nó vẫn phải là thời gian của những hy sinh nhỏ bé, hàng ngày. Các tông đồ giữ chay để chuẩn bị thờ phượng trong sự hiện diện của Chúa (Cv 13:2). Chúng ta cũng phải như vậy. Cảm giác trống rỗng đó phải là một dấu chỉ có ý thức về nhu cầu tinh thần của chúng ta.
Nó tốt cho chúng ta, tối thiểu mỗi năm một lần, để nhớ lại sự đau khổ và nghèo nàn của thế giới khi không có Chúa Kitô. Bây giờ trong nhiều thế kỷ, chúng ta sống trong một thế giới được định hình bởi những thừa nhận Kitô Giáo – những quan niệm Kitô Giáo về đúng và sai, về sự đoan trang, về công lý, và về phẩm giá con người. Giờ đây, khi thế giới quên đi Chúa Kitô, tất cả những ích lợi tự nhiên của sự trông đợi Chúa đến cũng dần tan biến. Trong tình trạng hậu-Kitô Giáo, chúng ta đã thấy quan niệm về nhân phẩm dần dà biến mất, kéo theo các quyền lợi của con người, bắt đầu với quyền được sống. Trong một thế giới hậu-Kitô Giáo, chúng ta đã thấy các dân tộc thiểu số mới nổi lên – và mãnh liệt – tiến hành các cuộc chiến tranh ly khai tàn bạo chống với các nước lân cận. Thế giới mau chóng mất đi cảm nhận về một gia đình xuyên quốc gia mà Chúa Kitô đã khai mở, là vương quốc mà người Ít-ra-en và dân Ngoại có thể sống chung với nhau trong hòa bình.
Nếu chúng ta muốn giữ được những điều tốt lành xuất phát từ Chúa Kitô, trước hết chúng ta phải duy trì một ký ức sống động về sự khác biệt mà Chúa Kitô đã tạo ra – sự khác biệt của lễ Giáng Sinh. Mùa Vọng kêu gọi chúng ta hãy ra khỏi sự tự mãn văn hóa của chúng ta. Giáo Hội lập lại lời các ngôn sứ, họ nói: “Khốn cho những ai sống yên ổn ở Xion” (Am 6:1), đó là, những ai cho rằng các quà tặng phi thường của Thiên Chúa là điều đương nhiên.
Nếu chúng ta được thúc giục phàn nàn về một nền văn hóa mà nó muốn quên Chúa Kitô, có lẽ chúng ta bắt đầu cảm được sự khao khát của các ngôn sứ.
Chúa Kitô đã đến, tuy nhiên chúng ta chờ đợi Người đến một lần nữa. Người đã cứu chúng ta, tuy vậy chúng vẫn chờ đợi một ngày mà “Người sẽ lau sạch mọi nước mắt… và sự chết không còn nữa, cũng không còn than khóc hay nước mắt hay đau khổ” (Kh 21:4). Chúa Kitô đã đến, và Người tiếp tục đến với chúng ta trong Thánh Thể. Nhưng Người sẽ lại đến, vào lúc kết thúc lịch sử. Vì ngày này, ngay cả các linh hồn trên thiên đường cũng phải kêu lên, “Bao lâu nữa?” như các ngôn sứ thời xa xưa (xem Kh 6:10).
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng vẫn còn hai chiều kích trong sự cứu độ: “đã có” và “chưa có”. Trong mùa Vọng chúng ta hát các bài xưa về sự khao khát và mong đợi, bài “O Antiphon” (bài tụng ca), vì chúng ta chờ đợi Đấng Cứu Độ đến một cách viên mãn, “sự giáng lâm hoàn toàn” của Người, như các thần học gia thường gọi. Khi Người đến vào lúc tận thế, Người sẽ không có sự vinh hiển hơn bây giờ như Người đã có trong Thánh Thể, nhưng chúng ta sẽ thấy Người đúng như vậy. Sự khác biệt sẽ không phải với Người, nhưng với chúng ta: “chúng ta biết rằng khi Người xuất hiện… Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3:2). Vì thế chúng ta mong đợi ngày ấy, và chúng ta giữ chay trong suốt mùa Vọng, vì, như chúng ta đọc trong câu kế tiếp của thư T. Gioan: “bất cứ ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì tẩy sạch chính mình như Người là Đấng thanh sạch.”
Như thế, một mùa Vọng thiêng liêng là yếu tố duy nhất để hoan hỉ mừng lễ Giáng Sinh. Kitô Hữu không thể giống như các phần của xã hội giầu sang mà một nhà phê bình xã hội gọi là “các linh hồn không khao khát”. Chúng ta phải biết thói quen khao khát, vì chúng ta từng tập khao khát tối thiểu hàng năm, trong mùa Vọng.
Mùa Vọng là thời gian tỉnh thức, cảnh giác, chờ đợi. Chúng ta trông ngóng sự ngự đến của Chúa Kitô, nên chúng ta chú ý đến đời sống cầu nguyện, đời sống luân lý, cách chúng ta đối xử với nhau, và cách chúng ta biểu lộ tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chúng ta không được để mình cảm thấy mùa “Giáng Sinh mệt mỏi” từ lâu trước ngày 25 tháng Mười Hai. Nếu cần, chúng ta phải ngừng nghe đài phát thanh để chúng ta không phải nghe cả một chuỗi những bài thánh ca sai mùa được bắt đầu ngay từ sau lễ Tạ Ơn, hoặc đừng xem truyền hình với những chương trình đã chiếu trước ý nghĩa của Giáng Sinh trong thời gian chờ đợi của mùa Vọng. Chúng ta cũng phải cho người khác thấy rằng mua sắm cho Giáng Sinh mà không quỵ lụy sùng bái chủ nghĩa thương mại là điều có thể.
Giáo Hội là một nơi nương náu khỏi cảnh sinh hạ quá sớm. Các nhà thờ Công Giáo cảm thấy khác trong mùa Vọng. Trong Thánh Lễ, chúng ta không hát kinh Vinh Danh, vì đó là một bài ca Giáng Sinh, bài ca mà các thiên thần cất lên ở Bêlem (Lc 2:14). Thật vậy, ca đoàn và nhạc công được mong phải kiềm chế không chơi nhạc Giáng Sinh trong các phụng vụ mùa Vọng.
Hy vọng là lý do cho mùa này, và Đức Giêsu Kitô thì đáng được chờ đợi. Chúng ta không thể mong đợi một món quà Giáng Sinh nào tốt hơn món quà mà ông Simon và bà Anna đã nhận được trong tuần bát nhật đầu tiên của lễ Giáng Sinh (Lc 2:25-38). Họ đã chờ đợi cả đời, không chỉ có bốn tuần. Cũng hãy nghĩ đến các nhà thông thái, họ đã thăm dò bầu trời mênh mông với hy vọng thấy được một dấu hiệu.
Chúng ta “đã biết” Người, nhưng vẫn “chưa biết”. Vì thế hãy hết sức tuân giữ những ngày này, hãy tìm kiếm những dấu hiệu và sau đó hân hoan trong mầu nhiệm nhập thể.
Mùa Vọng được cử hành trong bốn tuần lễ, có nghĩa Chúa đến bốn lần: có thể nói, Người đến với chúng ta trong thân xác con người, Người đến trong tâm hồn chúng ta, Người đến với chúng ta khi chết, và Người sẽ đến trong Ngày Phán Xét. Tuần cuối ít khi chấm dứt, để biểu thị rằng vinh dự của những người được tuyển chọn, khi họ nhận được vào tuần cuối mùa Vọng, thì sẽ không chấm dứt. Nhưng trong khi sự ngự đến trên thực tế là bốn lần, Giáo Hội đặc biệt lưu tâm đến hai hình thức, có thể nói là sự ngự đến trong thân xác và sự ngự đến trong Ngày Phán Xét. Như thế việc chay tịnh mùa Vọng thì vừa chay tịnh vui mừng và vừa chay tịnh sám hối. Đó là một chay tịnh vui mừng vì nó nhớ lại Chúa đến trong thân xác, và đó là một chay tịnh sám hối vì tiên liệu Chúa đến trong Ngày Phán Xét.
Với việc Chúa đến trong thân xác, ba điều phải suy nghĩ: đúng lúc, cần thiết, và ích lợi của sự ngự đến. Đúng lúc vì sự kiện rằng con người, bởi bản tính tự nhiên nên biết Thiên Chúa không đầy đủ, đã rơi vào sự sa ngã thờ ngẫu tượng, và buộc phải kêu lên, “Hãy soi sáng mắt tôi.” Thứ hai, Chúa đến trong sự “viên mãn của thời gian,” như T. Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Galát. Thứ ba, T. Augustine nói: “Vị y sĩ vĩ đại đã đến vào lúc toàn thế giới bất động như người tàn phế.” Đó là lý do Giáo Hội, trong bảy bài tụng ca được hát trước Lễ Giáng Sinh, nhắc lại các bệnh tật của chúng ta và thời điểm Thiên Chúa cứu chữa. Trước khi Chúa đến trong thân xác, chúng ta ngu dốt, phải chịu hình phạt đời đời, nô lệ cho quỷ dữ, bị xiềng xích với các thói quen tội lỗi, lầm lạc trong bóng đêm, xa lìa khỏi chính quê quán chúng ta. Vì thế các bài tụng ca công bố Đức Giêsu là Thầy, Đấng Chuộc Tội, Người Giải Thoát, Người Dẫn Đường, Người Khai Sáng và Đấng Cứu Thế của chúng ta.
Với ích lợi của sự ngự đến của Đức Kitô, nhiều thẩm quyền định nghĩa khác nhau. Chính Chúa, trong Phúc Âm Luca, nói với chúng ta rằng Người đến vì bảy lý do: để an ủi người nghèo, chữa lành kẻ bệnh tật, giải thoát tù nhân, khai sáng kẻ ngu dốt, tha thứ người có tội, chuộc tội loài người, và thưởng mọi người theo công trạng của họ. Và… T. Bernard nói, “Chúng ta đau khổ vì ba bệnh tật: chúng ta dễ bị lầm lạc, yếu đuối trong hành động, và nhu nhược kháng cự. Hậu quả là sự ngự đến của Chúa là điều cần thiết, trước hết để soi sáng sự mùa lòa của chúng ta, thứ hai để trợ giúp sự yếu đuối của chúng ta, và thứ ba để bao che sự mỏng dòn của chúng ta.”