Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Hãy tưởng tượng bạn là cây bút của đài NBC-TV. Bạn được trao cho trách nhiệm viết về ngày tận thế. Bạn tìm bộ Kinh Thánh và thấy một đoạn sau đây:
Trong ngày đó, trời sẽ nổ tung và biến đi,
mọi vật bị thiêu hủy và tan rã, trái đất và các công trình trên mặt đất sẽ bị thiêu hủy... Bởi thế, anh chị em thân mến, trong lúc chờ đợi, anh chị em hãy cố gắng giữ mình thanh sạnh, tinh tuyền để được an tâm gặp Chúa.
2 Phê-rô 3:10, 14
Sau khi suy nghĩ về đoạn văn này, bạn quyết định có ba cách mở đầu cho câu truyện tận thế của bạn. Bạn có thể mở đầu câu truyện:
ngay trước khi ngày tận thế xẩy ra
đang khi ngày tận thế xẩy ra,
ngay sau khi ngày tận thế xẩy ra.
Tác giả Thomas Blackburn đã viết về ngày tận thế ngay sau khi nó xẩy ra. Trong bài của ông có đoạn một người trên thiên đàng phỏng vấn bốn người trần gian về những gì họ đang làm khi ngày tận thế xẩy đến. Bài viết của ông bắt đầu:
Một bà nội trợ ở San Francisco nói:
”Tôi vừa đun nước nấu cà-phê...
Bỗng nhiên tôi cảm thấy cả căn nhà bắt đầu rung chuyển.
Sau đó tôi thấy một lằn chớp kinh hoàng và cả bầu trời nổ tung ra.
Và tôi nghĩ, trời ơi! Mấy đứa nhỏ sẽ bị ướt hết.
Một nữ sinh ở St. Louis thuật lại như sau,
”Tôi đang ngồi trong lớp sử ký. Ông Fenkle là giáo sư của lớp này.
Tôi nghiêng đầu qua bên Sally--bạn tôi--và nói nhỏ, 'Fenkle trông thật dễ thương'--và tôi vừa nói với Sally xong thì mọi vật chung quanh trở nên thật thinh lặng. Và tôi nhận thấy bầu trời bên ngoài thật khác lạ.”
Một người thủy thủ từ Nữu Ước thì lại có cái nhìn khác,
”Tôi đang ở trong quán rượu trên đường West 25. Ðang ngồi với con nhỏ tóc đỏ... Câu truyện giữa chúng tôi bắt đầu thú vị thì bỗng nhiên mọi vật chung quanh bắt đầu sụp đổ. Có một lằn sáng thật kỳ lạ ở trên trời.”
Và sau cùng, một người bạn từ Florida nói,
”Thành thật mà nói, khi nhìn thẳng vào vấn đề, mọi việc đã xẩy ra đúng như họ đã tiên đoán.”
Sense and Incense của Thomas Blackburn
Bất cứ khung cảnh nào chúng ta chọn để tưởng tượng ngày tận thế, trong đó phải có sự trở lại vinh quang của Chúa Giêsu. Sự trở lại của Chúa Giêsu trong uy nghi lẫm liệt sẽ kết thúc lịch sử đúng như giờ đã định và đánh dấu cao điểm của sự tái tạo nhân loại. Ngay trước khi về trời, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy đi để sửa soạn chỗ cho các con... Và Thầy sẽ trở lại đón chúng con” (Gioan 14:2-3). Và ngay sau khi Chúa về trời, các môn đệ đã được dặn thêm, “Các ông thấy Chúa Giêsu lên trời thế nào thì sau này, các ông sẽ thấy Người tự trên trời hiện xuống như vậy” (TDCV 1:11). Liên quan đến ngày giờ chính xác khi Người trở lại, Chúa Giêsu đã cho biết là nó sẽ xẩy ra lúc mọi người không ngờ. Chúa Giêsu đã diễn tả điểm này qua dụ ngôn Mười Trinh Nữ (Mát-thêu 25:1-13). Ðể hiểu dụ ngôn này rõ hơn, chúng ta hãy đọc câu truyện sau.
Mấy năm về trước, Tiến sĩ Alexander Findlay đang đi về ngôi làng nhỏ trong Ðất Thánh. Bỗng nhiên ông thấy mười hai cô gái mặc áo dạ hội tung tăng chạy nhẩy và ca hát trên đường làng. Họ nói với ông rằng họ đang đi dự đám cưới.
Ngày xưa, những đám cưới bắt đầu bằng một cuộc vui rước dâu, trong đó mười hai cô gái vui đùa bên cô dâu để nàng bớt cô đơn cho tới khi chàng rể đến. Khi chàng rể đến, mười hai cô này sẽ ra đón chàng rể và đưa đến nhà cô dâu.
Người ta cũng kể cho ông Findlay biết một tập tục nữa là chú rể sẽ cố ý đến bất ngờ để làm ngạc nhiên nhóm người rước dâu. Có vài chàng rể đã cố ý chờ đến nửa đêm mới đến. Tháp tùng chú rể đến nhà cô dâu lúc nửa đêm là một cảnh tượng thật linh động. Mỗi người trong đám rước mang theo một đèn dầu.
Chính trong khung cảnh kể trên mà chúng ta mới đọc dụ ngôn Mười Trinh Nữ.
Theo dụ ngôn, đám rước đang ở nhà cô dâu. Họ đang chờ chú rể đến. Mỗi người đều mang theo một đèn dầu đề phòng trường hợp chú rể đến ban đêm. Năm người con gái “khôn ngoan” đã mang thêm dầu dự trữ phòng khi khẩn cấp cần dùng. Năm người con gái “khờ dại” kia đã không mang theo dầu dự trữ. Thật bất ngờ, chú rể đã trì hoãn cuộc rước, và mười cô gái đã buồn ngủ và thiếp đi. Ðúng nửa đêm, có người đánh thức nhóm rước và la lên, “Chàng rể đến!”
Khi năm cô khờ dại thấy mình hết dầu, họ bỏ đi ra ngoài để mua thêm. Trong khi đó, chú rể đến. Năm cô khôn ngoan được rước chú rể vào nhà cô dâu. Khi năm cô khờ dại trở về thì đã quá trễ. Cửa đã đóng và khoá lại suốt đêm.
Ðiểm chính của dụ ngôn Mười Trinh Nữ là: Sự trở lại của Chúa Giêsu vào giờ cuối cùng cũng sẽ vào lúc mọi người không ngờ và nhiều người sẽ không kịp chuẩn bị--cũng giống như chú rể đến lúc nửa đêm là nhóm rước ngạc nhiên và nửa số người đã không chuẩn bị kịp.
Có một vở kịch xa xưa tên Everyman. Trong kịch này, Thiên Chúa gửi thần chết đến với người hùng trong vở kịch và cho biết sự sống anh ta sắp bị lấy đi. Sau cơn bàng hoàng, người hùng bình tĩnh xin thần chết vài phút để hỏi những người bạn của anh--Tiền Bạc, Danh Vọng, Thế Lực và Việc Lành--tháp tùng theo anh về bên kia thế giới. Anh thật ngạc nhiên khi nghe những người bạn trả lời, vì chỉ có Việc Lành là người sẵn sàng tháp tùng anh. Tất cả những người khác đều chối từ.
Vở kịch Everyman cho thấy một điểm quan trọng. Khi chúng ta chết, trong niềm hy vọng nơi Chúa Kitô Phục Sinh, chỉ có một điều đáng kể: những công việc lành mà chúng ta cố gắng làm khi còn sống.
Cuộc khảo cứu của Tiến sĩ Elizabeth Kubler-Rossa của đại học Chicago đã chứng nhận điều này. Bà phỏng vấn hàng trăm người mà nhà thương đã tuyên bố là chết phần thể lý nhưng sau đó họ đã sống lại. Những người này tường thuật lại kinh nghiệm chết đi sống lại của họ như sau: Họ thấy cuộc đời họ tái diễn ra trước mắt--đây cũng như “sự phán xét sau khi chết.” Tiến sĩ Kubler-Ross viết lại những tường thuật của những người này:
Khi người ta đến lúc này, họ thấy chỉ có hai điều đáng kể: những công việc mình làm cho người khác, và lòng yêu thương. Tất cả những điều mà chúng ta nghĩ là quan trọng như danh vọng, tiền tài, và thế lực, hoàn toàn không có nghĩa lý gì.
Death & Dying
Vở kịch Everyman và sự khảo cứu của Tiến sĩ Kobler-Ross đưa chúng ta đến một đề tài quan trọng trong Kinh Thánh: sự phán xét sau khi chết.
Khi nói về mục đích của sự phán xét, Thánh Phao-lô viết:
Mọi người chúng ta phải ra trước toà án Chúa Kitô, mọi người lãnh phần thưởng hay hình phạt xứng đáng, tùy theo sự lành hay sự dữ đã làm khi còn ở trong thân xác
2 Cor. 5:10
Kinh Thánh có đề cập đến hai loại phán xét sau khi chết:
cuối đời, tận thế và
riêng rẽ, kết thúc sự sống trên trần gian.
Một ngày nọ Chúa Giêsu nói với các môn đệ về sự phán xét cuối cùng. Chúa đã thuật lại như sau:
”Khi Con Người hiện đến trong vinh quang, có các thiên thần theo hầu và Người sẽ ngự trên toà vinh hiển. Mọi dân mọi nước sẽ tập hợp trước mặt Người; Người sẽ tách biệt kẻ lành với kẻ dữ, như kẻ chăn chiên tách biệt chiên với dê...
Lúc đó Vua phán cùng những kẻ bên phải rằng:
'Hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã dành sẵn cho anh chị em từ lúc tạo thành trời đất. Vì Ta đói, anh chị em đã cho ăn, Ta khát, anh chị em đã cho Ta uống, Ta không có chỗ trú, anh chị em đã cho chỗ trọ. Ta trần trụi, anh chị em đã cho mặc, Ta ốm đau anh chị em đã thăm viếng, Ta bị cầm tù, anh chị em đã đến hỏi han...'
Ðoạn Người phán cùng các kẻ ở bên trái rằng:
'Hỡi các kẻ khốn nạn! Hãy xô đi khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, đã dành cho ma quỷ và các thần dữ! ...
Ta bảo thật: mỗi lần các ngươi không làm những điều ấy cho một trong những kẻ hèn mọn đây, là các ngươi đã không làm cho Ta'”
Mát-thêu 25:31-32, 34-36,41,4
Lời tường thuật linh động của Chúa Giêsu gián tiếp cho ta thấy sẽ có một ngày mà tất cả mọi người phải chịu sự phán xét sau cùng. Sự phán xét này:
sẽ xẩy ra vào lúc tận thế, và
sẽ đánh dấu cao điểm của sự tái tạo loài người và thế giới của Thiên Chúa.
Ngoài sự phán xét cuối cùng, mọi người sẽ phải trải qua sự phán xét riêng khi từ sự chết đến sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã nói về sự phán xét riêng qua dụ ngôn hai người đàn ông sống trong một thành phố: một người thì giầu, người kia thì nghèo khổ. Người giầu sống trong dinh thự và được ăn ngon mặc đẹp. Người nghèo khổ, tên là La-gia-rô, sống trong cái chòi và không đủ cơm ăn. Nhưng người giầu không thèm để ý đến La-gia-rô.
Sau cùng cả hai đều chết đi. Người giầu rơi vào chốn khổ hình, còn La-gia-rô được rước vào nơi an lạc: trong lòng ông A-bra-ham. Người phú hộ lớn tiếng kêu rằng:
”Xin thương tôi, xin sai ông La-gia-rô nhúng ngón tay vào nước rồi nhỏ xuống làm mát lưỡi tôi, vì tôi khốn cực hết sức trong lửa này”
Luca 16:24
Ông A-bra-ham cắt nghĩa rằng có “một vực sâu” ngăn cách người ở bên này với bên kia. Sau đó người giầu van nài ông A-bra-ham sai La-gia-rô trở về thế gian để cảnh cáo gia đình của ông ta, nếu không gia đình ông cũng sẽ bị chung số phận như ông. Ông A-bra-ham trả lời rằng:
”Nếu họ không nghe ông Mai-sen và các tiên tri thì dù kẻ chết sống lại về bảo họ, họ cũng không tin”
Luca 16:31
Và chúng ta có thể kết luận rằng sự phán xét riêng
sẽ xẩy đến khi chúng ta lìa đời, và
sẽ đưa đến sự đoàn tụ vĩnh cửu với Thiên Chúa hoặc mãi mãi xa Chúa.
Kinh Thánh và thánh truyền dậy rằng sau sự phán xét riêng, số phận của mỗi người sẽ kết thúc trong:
hoả ngục
luyện ngục, hoặc
thiên đàng.
Một nhóm người du lịch sang bên Ý để xem ngọn núi lửa đang hoạt động. Khi thấy những phún thạch bắn ra từ núi lửa, một người bạn trẻ từ Nữu Ước buột miệng kêu lên, “Ồ, giống như hỏa ngục vậy.” Một người địa phương đứng cạnh đó, quay sang bạn cô ta và nói, “Quái, chỗ nào cũng có mặt những người Mỹ!”
Câu truyện trên cho ta thấy quan điểm thông thường về hoả ngục là “nơi đầy lửa.” Chính Chúa Giêsu cũng thường dùng hình ảnh lửa khi nói về hoả ngục. Như, một ngày nọ Chúa Giêsu đã kể về dụ ngôn Hạt Giống Tốt và Cỏ Lùng.
Ðức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện.
Ðầy tớ đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”
Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!”
Ðầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi đi gom lại không?”
Ông đáp: “Ðừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Ðến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.
Mát-thêu 13:24-30
Sau đó, khi các môn đệ hỏi Chúa về dụ ngôn này. Người giải thích như sau:
- cánh đồng là thế gian
- người gieo hạt giống tốt là Chúa Giêsu
- những hạt giống tốt là con cái của Thiên Chúa
- người trồng cỏ lùng là ma quỷ
- cỏ lùng là con cái ma quỷ
- mùa gặt là lúc tận thế
- những thợ gặt là các thiên thần của Chúa (Mát-thêu 13:38-39).
Chúa Giêsu kết thúc dụ ngôn Hạt Giống Tốt và Cỏ Lùng bằng những lời sau đây: cũng như cỏ lùng bị quăng vào lửa, những người làm ác sẽ bị đẩy vào “một lò lửa nóng bỏng” (Mát-thêu 13:50).
Câu truyện dụ ngôn Hạt Giống Tốt và Cỏ Lùng đưa tới hai câu hỏi. Thứ nhất, Chúa Giêsu muốn nói gì về hỏa ngục? Thứ hai, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu hình ảnh lửa trong Hỏa ngục như thế nào?
Kinh Thánh trả lời câu hỏi thứ nhất bằng ba điểm sau đây. Hỏa ngục là:
một nơi chốn
một tình trạng
một trạng thái.
Những người hiểu theo nghĩa đen tin rằng Chúa Giêsu dậy cho ta biết hỏa ngục là một nơi có thật. Ta có thể tưởng tượng về hỏa ngục theo cuốn Divine Comedy. Tác giả Dante phác hoạ hỏa ngục là nơi có nhiều tầng, mỗi tầng có một hình phạt khác nhau, tùy theo bản chất của tội phạm.
Những người hiểu theo nghĩa bóng thì cho rằng Chúa Giêsu không có ý nói hỏa ngục là một nơi chốn thật sự. Theo họ, Người có ý dậy cho chúng ta biết sự tự do của con người bao gồm cả quyền lựa chọn chối bỏ Thiên Chúa, là điều khủng khiếp.
Một số người hiểu theo nghĩa bóng cho rằng dễ hiểu nhất là coi hỏa ngục là một tình trạng. Họ nói rằng chối bỏ Thiên Chúa là chối bỏ chính sự hiện hữu của Bản Thể. Tức là, tự chọn sự hư vô, hoặc hư không. Nói cách khác, hỏa ngục là một tình trạng hư vô, không hiện hữu.
Một số người hiểu theo nghĩa bóng thì nói rằng có thể coi hỏa ngục là một trạng thái. Họ nói rằng điểm quan trọng của hỏa ngục là sống trong một trạng thái mãi mãi xa Chúa--và sẽ phải đời đời chịu bất cứ những đau khổ nào xẩy đến vì sự chia cách này. Truyền thống của Giáo Hội Công Giáo đồng quan điểm với cái nhìn này.
Thắc mắc này đưa đến câu hỏi: Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu hình ảnh lửa hỏa ngục như thế nào?
Một lần nữa, câu trả lời mà những nhà chú giải Kinh Thánh đưa ra được chia làm ba loại: Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu hình ảnh lửa hỏa ngục theo
nghĩa đen
biểu tượng
bi thảm hoá
Những người hiểu theo nghĩa đen tin rằng Chúa Giêsu nói về chữ lửa như ngọn lửa thật.
Trái lại những người hiểu theo nghĩa bóng thì tin rằng Chúa Giêsu không muốn chúng ta hiểu lửa theo nghĩa đen.
Họ cho rằng Chúa Giêsu dùng chữ lửa theo nghĩa bóng--nghĩa là Chúa Giêsu dùng chữ này như ta thường nói “nóng bừng lên vì xấu hổ.”
Một số khác thì cho rằng Chúa Giêsu muốn dùng chữ này để bi thảm hoá sự khẩn thiết phải tránh xa hỏa ngục. Chúng ta nên tránh xa hỏa ngục như tránh xa lửa đời đời. Chúng ta tránh đừng để xa cách Thiên Chúa đời đời bởi nếp sống hiện hữu của hồn xác chúng ta.
Bất cứ ý nghĩa nào chúng ta chọn để hiểu về hỏa ngục, chúng ta phải thấy rõ một điều sau đây. Sự tự do của con người có thể đưa đến tình trạng tự do lựa chọn xa Chúa--và chịu tất cả những hậu quả đau khổ mà nó đưa đến. Theo quan điểm này, Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta, nhưng chính chúng ta tự trừng phạt mình. Hai lối giải thích tương tự dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu điều này.
Nếu chúng ta tự ý chọn ngừng hít thở không khí, không khí không trừng phạt chúng ta bằng cách làm chúng ta ngạt thở. Chính chúng ta tự gây nên cho mình. Hoặc chúng ta đập tay vào tường đá, bức tường không trừng phạt chúng ta bằng sự đau đớn. Chính chúng ta tự làm mình đau đớn. Những hình phạt hỏa ngục cũng tương tự như trên. Trong ý nghĩa thực tế, Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta. Chính chúng ta tự trừng phạt mình qua sự tự do lựa chọn.
Ðiều này đưa ta đến quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về hỏa ngục. Cách tổng quát, giáo huấn này có thể được tóm lược trong hai câu vắn tắt và rõ ràng sau đây:
hỏa ngục có thật và đời đời
hỏa ngục có đau khổ, và điểm chính của đau khổ là mất Chúa, và chỉ có Người mới giúp sự hiện hữu của con người có ý nghĩa.
Một ngày kia, có vài người hỏi ông Samuel Johnson, một nhà văn nổi tiếng của Anh, nghĩ thế nào về đường lối dậy dỗ của đạo Công giáo về luyện tội. Ông đã khiến họ ngạc nhiên khi trả lời rằng đó là một điều dậy dỗ chí lý. Lời cắt nghĩa của ông rất thú vị.
Ông cho rằng hiển nhiên là phần lớn những người chết không hoàn toàn xấu đến nỗi phải vào hỏa ngục, nhưng họ cũng không hoàn toàn tốt để được lên thiên đàng. Vì thế, kết luận hợp lý nhất là phải có một nơi trung dung sau khi chết, để đền tội hoặc tẩy rửa mọi tội lỗi.
Truyền thống Kinh Thánh gián tiếp nói về luyện tội trong đoạn 2 của sách Maccabes 12:42. Trong đoạn này, người viết Kinh Thánh đã khuyên dân chúng hãy cầu nguyện cho những người quá cố để tội lỗi của họ “được hoàn toàn tẩy sạch.”
Chúa Giêsu đã dậy chúng ta dùng tài năng của mình để xây dựng Nước Trời trên trần gian bằng lối sống yêu thương và phục vụ. Nhưng đa số chúng ta không đạt được lý tưởng này vì lòng ích kỷ tự tôn của mình. Mục đích của luyện tội là để tẩy rửa lòng ích kỷ tự tôn này và hoàn tất tiến trình chết đi cho chính mình để cùng sống lại với Chúa Kitô trong cuộc sống vĩnh cửu.
Ðiều này đưa ta đến truyền thống dậy dỗ của Giáo Hội về luyện tội. Nói chung sự dậy dỗ này được tóm tắt trong hai điều sau đây:
Luyện tội có thật và chỉ tạm thời.
Luyện tội là nơi thanh tẩy tất cả những tội lỗi còn sót lại trong ta để cuối cùng có thể kết hợp với Thiên Chúa trên thiên đàng.
Một cặp vợ chồng đang tiến về hành lang để lên phi cơ. Chạy trước họ là đứa bé gái đang náo nức được đi máy bay. Nhìn em ta có thể cảm thấy niềm vui và hạnh phúc đang tỏa ra chung quanh em.
”Con đang đi đâu đó?” Mẹ em hỏi.
Vừa chạy vừa reo và không do dự em trả lời,
”Ði về Nội! Ði về Nội!”
Ðứa bé không trả lời “Về Việt Nam” hoặc “đi Cali,” nhưng “Ði về Nội.”
Câu trả lời ngây thơ của em cho ta thấy một điểm quan trọng. Niềm vui và hạnh phúc không phải là một “nơi” chúng ta đến mà là “người” chúng ta sẽ gặp.
Câu trả lời của em bé trên nhắc nhở chúng ta lời của Chúa Giêsu nói với bà Ma-ri Ma-đa-lê-na, sau khi sống lại:
”Con hãy đi báo tin cho các môn đệ của Thầy:
Thầy lên với Cha Thầy và cũng là Cha của các con, Thầy lên với Chúa Thầy và cũng là Chúa của các con.”
Gio-an 20:17
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về thiên đàng. Người đã dùng nhiều hình ảnh khác nhau. Chúng ta hãy xem một vài hình ảnh Chúa đã dùng: nhìn thấy Thiên Chúa, kết hợp với Thiên Chúa và đời sống mãi mãi với Thiên Chúa. Sau đây là những điều mà Chúa Giêsu nói về những hình ảnh kể trên.
- Nhìn thấy: “Phúc cho ai có lòng thanh sạch vì họ sẽ được xem thấy Thiên Chúa”
- Kết hợp: “Con cầu xin cho họ nên một với chúng ta. Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha.”
- Ðời sống: “Con Người đã từ trời xuống... để tất cả những ai tin Người sẽ không hư mất và còn được sự sống đời đời.”
Chúng ta sẽ đề cập đến các hình ảnh này.
Khi nói về hình ảnh thiên đàng như được xem thấy Thiên Chúa, Thánh Phao-lô đã viết cho cộng đồng Kitô-hữu ở Cô-rin-tô:
Bây giờ, chúng ta thấy lờ mờ như trong gương vậy, mai sau, ta sẽ được xem thấy tỏ tường.
1 Cô-rin-tô 13:12
Và Thánh Gio-an cũng nói về hình ảnh này:
Chúng ta biết rằng khi Chúa hiện đến, chúng ta sẽ trở nên giống như Chúa, vì chúng ta sẽ xem thấy Chúa nhãn tiền
1 Gio-an 3:2
Các nhà thần học gọi việc nhìn thấy Thiên Chúa là “sự chiêm ngưỡng vinh phúc” (beatific vision). Chữ beatific có gốc từ chữ La-tinh beatus, có nghĩa “vui sướng.” Hình ảnh Thiên Chúa trên thiên đàng là kết quả của niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng văn từ.
Khi nói về hình ảnh thiên đàng là sự hợp nhất với Thiên Chúa, Thánh Phao-lô đã viết một đoạn văn rất hay gửi cho cộng đồng tín hữu ở Côlossê:
Sự sống của anh chị em được tiềm ẩn nơi Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Ðức Kitô là sự sống của anh chị em, nên khi Người hiện đến thì anh chị em cũng sẽ được xuất hiện trong vinh quang với Người!
Côlossê 3:3-4
Sự kết hợp giữa chúng ta với Thiên Chúa là tột đỉnh của ý nghĩa đời sống mà Thiên Chúa muốn dựng nên chúng ta. Thánh Augustin đã diễn tả ý nghĩa tối cùng của đời sống con người trong những dòng chữ đáng nhớ sau:
Tâm hồn chúng con được dựng nên cho Người, ôi lạy Chúa,
và chúng sẽ không ngừng thao thức, cho đến khi được nghỉ yên trong Người.
Ðiều này đưa ta đến hình ảnh thứ ba mà Chúa Giêsu đã dùng để nói về thiên đàng: cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói:
”Con Người đã từ trời xuống... để hết những ai tin vào Người sẽ không hư mất và còn được sự sống đời đời.
Thiên Chúa đã quá yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của mình cho thế gian, để tất cả những ai tin Người sẽ không hư mất mà còn được sự sống đời đời.”
Gio-an 3:13, 15-16
Cũng một dịp khác, Chúa Giêsu nói với các môn đệ:
”Ta đến để các con được sống và sống trong sung mãn”
Gio-an 10:10
Chúa Giêsu muốn nói gì? Chúng ta không được dựng nên để sống cho cuộc đời này. Nhưng để sống cho một cuộc đời vinh quang hơn: cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Một tác giả Do Thái thời trung cổ đã viết:
Ngày chết là ngày hai thế giới gặp nhau với nụ hôn:
Cái thế giới này đi ra và thế giới vinh quang hơn đi vào.
Và như thế thiên đàng liên quan đến sự chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sự hiệp nhất với Thiên Chúa, và sự sống vĩnh cửu với Người. Thiên đàng là cực điểm của sự tái tạo loài người và thế giới của Thiên Chúa. Thiên đàng liên quan đến niềm hạnh phúc ngoài sức tưởng tượng của trí óc loài người. Ðây là những lời của Thánh Phao-lô: Những gì chưa ai bao giờ thấy hoặc nghe, những gì chưa ai nghĩ có thể xẩy ra, đó chính là điều mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu Người. 1 Cô-rin-tô 2-9
Ðiều này đưa ta đến giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về thiên đàng. Nói chung lời dậy dỗ này được tóm lược ngắn gọn trong hai câu sau đây:
thiên đàng có thật và liên quan đến sự chiêm ngưỡng, sự hiệp nhất và sự sống đời đời với Thiên Chúa nhân từ và yêu thương.
thiên đàng là cực điểm của sự tái tạo chúng ta và thế giới chúng ta.
Sự phán xét riêng đang đợi mỗi người chúng ta vào lúc cuộc đời chúng ta chấm dứt trên thế gian này. Nó sẽ xẩy ra ngay sau khi chúng ta chết và nó sẽ đưa ta đến:
thiên đàng, hiệp nhất với Thiên Chúa
hỏa ngục: xa lìa Thiên Chúa, hoặc
luyện tội: sửa soạn cho sự hiệp nhất với Thiên Chúa
Và ngày phán xét chung cũng đang chờ mọi người chúng ta. Nó sẽ xẩy ra vào ngày cuối cùng của lịch sử khi Chúa Giêsu trở lại trong vinh quang, và nó sẽ đánh dấu cực điểm của sự tái tạo loài người và thế giới của Thiên Chúa.