Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Một đại chủng sinh đang lái xe vào bãi đậu. Ðằng sau xe của anh có dán chữ ICHTHYS, cắt theo hình con cá. Một bà hiếu kỳ hỏi anh ta chữ đó có nghĩa gì. Anh cắt nghĩa đây là những chữ viết tắt của tiếng Hy Lạp. Có nghĩa “Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc.”
Anh cũng cho bà biết chữ ICHTHYS cũng có nghĩa là con cá. Ðó là lý do tại sao những Kitô hữu thời xưa thường dùng con cá để tượng trưng cho Ðức Giêsu.
Bốn chữ “Giêsu,” “Kitô,” “Con Thiên Chúa,” “Ðấng Cứu Thế” tóm lược bốn điều quan trọng về con người Giêsu. Chúng ta sẽ phân tích từng điểm một.
Ðiểm quan trọng của mỗi cá nhân là cái tên của mình. Cái tên xác nhận chúng ta thuộc về gia đình nhân loại--có bản tính loài người. Nó xác nhận mỗi người chúng ta là một phần tử độc nhất vô nhị. Bạn hữu, hàng xóm nói chuyện, phân biệt chúng ta với người khác bằng tên của chúng ta.
Tên của Ðức Giêsu cũng là một đặc điểm của Người. Nó xác nhận Ðức Giêsu cũng thuộc về gia đình nhân loại--có bản tính loài người. Ðây là cái tên mà bạn của Người gọi Người và nói về Người.
Nhưng trong thời Ðức Giêsu, cái tên còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn nữa. Nó nói lên điểm đặc thù của một người.
Tên của Ðức Giêsu cũng thế. Tên Giêsu có nghĩa là “Thiên Chúa cứu chuộc.” Tên này đã được chọn cho Người trước khi Người sinh ra. Một thiên thần đã hiện ra với ông Giuse (cha nuôi của Ðức Giêsu) trong giấc mơ và nói rằng:
”Ông sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu-- bởi vì Người sẽ cứu dân của Người khỏi tội lỗi.”
Mt 1:21
Như thế tên Giêsu chứng nhận Ðức Giêsu có bản tính loài người và có một nhiệm vụ đặc biệt.
Ðể hiểu danh hiệu này của Ðức Giêsu, chúng ta hãy nhớ lại một đoạn trong Tân Ước. Trong đoạn này, Ðức Giêsu hỏi ông Phê-rô, “Các con gọi Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa “Thầy là Ðấng Messiah” (Mác-cô 8:29).
Chữ Messiah trong tiếng cổ Do Thái có nghĩa là “Người được xức dầu.” Nó được dịch sang tiếng Hy Lạp là Christo, từ chữ này mà chúng ta có chữ Kitô (phiên âm tiếng Việt Nam). Vậy những chữ Messiah (Do Thái), Christo (Hy-Lạp), Christ (Anh) và Kitô chỉ là những chữ có cùng một nghĩa chỉ về một người: người này từ dòng dõi vua Ða-vít mà Thiên Chúa đã hứa ban như đã loan báo bởi các tiên tri Do Thái.
Ðức Giêsu lần đầu tiên cho biết Người là Ðấng “được xức dầu” khi trong giảng đường ở Na-gia-rét. Ðức Giêsu tuyên bố điều này khi Người đọc xong đoạn sách của tiên tri Isaiah:
”Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi (đã chọn)
để tôi loan tin mừng cho người nghèo khó,
để công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
cho kẻ bị áp bức biết họ được tự do...
và để công bố năm hồng ân của Chúa”
Luca 4:18-19
Sau đó Ðức Giêsu còn nói một điều thật đáng nhớ: “Hôm nay đoạn Kinh Thánh anh chị em vừa nghe đã được ứng nghiệm” (Luca 4:21).
Như thế Ðức Giêsu đã xác nhận Người là Ðấng “được xức dầu” bởi “Thánh Thần của Chúa” để bắt đầu một nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã trao phó cho Người. Tóm lại, danh hiệu Kitô nói cho ta biết Ðức Giêsu là người thuộc dòng tộc Ða-vít mà dân Do Thái đã trông đợi từ lâu, và vương quốc Người sẽ lan tràn trên khắp thế giới cho đến ngày tận thế.
Một bà ngồi cạnh lò sưởi suy nghĩ về câu chuyện giáng sinh của Ðức Giêsu. Càng suy nghĩ bao nhiêu bà càng thấy sự giáng sinh này khó tin được. Tại sao Tạo Hóa lại quyết định sinh ra làm một con người trong thế gian để sống với chúng ta? Một câu truyện như thế thật vô lý đối với bà.
Bỗng nhiên bà nghe tiếng động lạ ở bên ngoài. Bà lại gần cửa sổ nhìn ra thì thấy một đàn ngỗng đang lảo đảo trong cơn tuyết. Hình như chúng nó bị lạc khỏi cái chuồng ấm áp, đang bị lạnh và không tìm được lối về.
Bà đi vội ra ngoài, mở cánh cửa “garage” và cố gắng lùa đàn ngỗng vào trong. Nhưng bà càng cố gắng bao nhiêu thì đàn ngỗng càng sợ bấy nhiêu. Chúng chạy tản mát tứ phía trên sân tuyết.
Sau khi đã mất gần nửa tiếng để lùa đàn ngỗng nhưng không con nào chịu vào trong nhà xe ấm áp, bà đành chịu thua. Bà thấy những con ngỗng kia không hiểu rằng bà đang cố gắng giúp chúng khỏi chết lạnh.
Một ý tưởng chợt đến với bà: “Nếu mình có thể trở thành một con ngỗng trong khoảng khắc thôi thì mình có thể nói với chúng bằng ngôn ngữ của chúng, và có thể cắt nghĩa cho chúng hiểu là mình đang cố giúp chúng.”
Bỗng nhiên bà hiểu được câu truyện giáng sinh của Ðức Giêsu. Câu truyện của Thượng Ðế xuống thế làm người để sống với chúng ta, nói ngôn ngữ của chúng ta, và chỉ cho chúng ta biết con đường dẫn đến hạnh phúc.
Bây giờ chúng ta bàn đến danh hiệu quan trọng nhất của Ðức Giêsu: “Con Thiên Chúa.” Trong Cựu Ước danh hiệu này thường được dùng theo nghĩa tượng hình. Nghĩa là khi Cựu Ước gọi một người nào là “con Thiên Chúa” thì cũng giống như chúng ta gọi người tốt là “thiên thần,” hoặc người xấu là “quỷ.” Thí dụ Cựu Ước dùng chữ “con Thiên Chúa” để gán cho những vị vua dân Do Thái (2 Samuel 7:14) và chính dân Do Thái cũng được gọi bằng danh hiệu này (Hosea 11:1).
Trái lại trong Tân Ước, danh hiệu này được dùng cách đặc biệt theo nghĩa đen. Và danh hiệu này chỉ được dành riêng cho Ðức Giêsu. Danh hiệu này đã được dùng để gọi Ðức Giêsu gần một trăm lần. Thí dụ, Thánh Mác-cô đã mở đầu cuốn sách của người bằng những lời sau đây:
Khởi đầu Phúc Âm về Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Mác-cô 1:1
Tân Ước dùng danh hiệu “Con Thiên Chúa” theo nghĩa đen khi nói về Ðức Giêsu vì họ tin rằng Ðức Giêsu chính thật là con duy nhất của Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc một đoạn trích trong sách của Thánh Gioan:
Khi ấy ở thành Giê-ru-sa-lem, người ta mừng lễ cung hiến Ðền Thờ.
Bấy giờ là mùa đông. Ðức Giêsu đi đi lại lại trong đền thờ, dưới cổng Sa-lô-môn. Những người Do Thái vây quanh Người và hỏi:
”Ông để chúng tôi phân vân đến bao giờ nữa? Nếu ông thật là Ðức Kitô, ông hãy nói rõ cho chúng tôi biết.”
Ðức Giêsu đáp:
”Ta đã nói với anh chị em rồi mà anh chị em không tin. Những việc Ta làm nhân danh Cha Ta đủ làm chứng cho Ta... Cha và Ta là một.”
Họ liền lấy đá ném Người, Ðức Giêsu nói với họ rằng:
”Ta đã nhân danh Cha Ta mà làm bao nhiêu việc lành trước mắt anh chị em. Tại sao lại ném đá Ta?”
Người Do Thái đáp: “Không phải vì việc lành mà chúng tôi ném đá ông, nhưng vì ông nói phạm thượng, ông là người mà dám xưng mình là Thiên Chúa!”
Gioan 10:22-25, 30-33
Vì thế khi gọi Ðức Giêsu là “Con Thiên Chúa,” Tân Ước đã xác nhận rằng ngoài bản tính loài người Ðức Giêsu còn có thiên tính. Ðức Giêsu đã kết hợp tất cả trời và đất. Vì thế Người là người đặc biệt trên thế gian này.
Ðể cố gắng diễn đạt mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, nhà thơ Richard Crashaw đã viết như sau:
Ô kìa một truyện diệu kỳ,
Ðời đời được quyện trong cùng phút giây.
Ngày Ðêm hiện giữa rừng cây.
Trời trong trần thế, Chúa mang thân người.
Một ngày nọ, Ðức Giêsu gặp một bà bên cạnh giếng ở đầu làng. Vì quá cảm phục Ðức Giêsu bà đã chạy về làng loan báo cho mọi người biết. Khi kể lại câu truyện gặp gỡ với Ðức Giêsu, bà ta nói, “Phải chăng đây là Ðấng Messiah?” (Gioan 4:29). Những người trong làng liền ra gặp Ðức Giêsu và mời Người ở lại để giảng dậy. Sau hai ngày nghe lời giáo huấn của Người, họ nói với nhau rằng, “Người này thật là Ðấng Cứu Thế” (Gioan 4:42).
Ðức Giêsu cũng có ảnh hưởng nhiều đến người khác. Thí dụ Thánh Gioan đã viết trong thư gửi những tín đồ thời sơ khai:
Những gì chúng tôi đã xem và đã nghe, chúng tôi rao truyền cho anh chị em...
Chính Thiên Chúa đã gởi Con duy nhất của Người xuống trần làm Ðấng Cứu Tinh cho nhân loại.
1 Gioan 1:3, 4:14
Ðể hiểu rõ tại sao Ðức Giêsu được gọi là “Ðấng Cứu Thế,” chúng ta hãy nhớ lại tội lỗi đầu tiên của loài người. Vì tội nguyên tổ này mà sự dữ đã lan tràn trên mặt đất và loài người đã bị hủy diệt.
Thánh Phao-lô đã diễn tả tội tổ tông và ảnh hưởng của nó trong thế giới loài người như sau:
”Một người đã đem tội lỗi vào thế gian, và theo sau sự tội là sự chết,
thành ra mọi người phải chết vì mọi người đã phạm tội”
Thư gửi tín hữu Rô-ma 5:12
Sau đó Thánh Phao-lô tiếp tục thuật lại tại sao sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu đã cứu thoát loài người. Người viết:
”Vì tội của một người mà án phạt được tuyên bố cho mọi người thế nào,
thì nhờ công phúc của một người, ơn công chính ban sự sống cũng được ban phát cho mọi người như thế.”
Thư gửi tín hữu Rô-ma 5:18
Vì thế danh hiệu “Ðấng Cứu Thế” được dùng để xác nhận Ðức Giêsu là người sẽ cứu thoát chúng ta khỏi bị tiêu diệt bởi tội tổ tông.
Tóm lại, chữ ICHTHYS có nghĩa là “con cá,” đã được các cộng đồng Kitô hữu thời xưa dùng để biểu tượng cho một người. Người này là trung tâm điểm của đức tin chúng ta. Người này là:
Ðức Giêsu, là một người có nhân tính;
Ðức Kitô, là Ðấng Thiên Sai
Con Thiên Chúa, là một người có thiên tính
Ðấng Cứu Thế, là một người cứu chuộc trần gian khỏi mọi tội lỗi.