Nguyên tác: Lm Mark Link, S.J.
Thomas Merton lớn lên trong khung cảnh vô tôn giáo. Cha mẹ ông chết khi ông lên mười sáu tuổi. Vài năm sau ông trở thành một người cộng sản. Và khi hai mươi lăm tuổi ông trở lại đạo Công Giáo. Ông đã diễn tả hành trình đức tin của ông trong cuốn hồi ký, The Seven Storey Mountain. Cuộc hành trình đáng ghi nhớ đó đã xẩy ra vào những năm cuối của thời niên thiếu của ông.
Một đêm kia tự nhiên ông bị choáng ngợp bởi những hành động xấu xa trong thời niên thiếu. Ông viết:
Tôi tràn ngập sợ hãi bởi những gì tôi thấy...
Và giờ đây lần đầu tiên trong đời tôi thật sự bắt đầu cầu nguyện--
cầu nguyện không chỉ bằng môi miệng và với tất cả trí khôn và trí tưởng
nhưng cầu nguyện phát xuất tự gốc rễ của đời sống và của con người tôi...
Và đã có bao nhiêu nước mắt đổ ra, và nó làm tôi sung sướng... Tôi nhớ lại sáng hôm sau đó... Tôi đến Nhà thờ Thánh Ða Minh quỳ gối và với tất cả niềm tin tôi có, tôi đọc thật chậm rãi Kinh Lậy Cha
Cảm nghiệm cầu nguyện của ông Merton là bước đầu tiên lớn lao trong hành trình đức tin của ông.
Việc cầu nguyện có ảnh hưởng mạnh mẽ nơi ông Thomas Merton và nhiều người khác, khiến chúng ta tự hỏi: Cầu nguyện là gì? Tại sao nó có ảnh hưởng quá mạnh mẽ như vậy?
Một cậu bé theo dõi vị đạo sĩ Ấn độ cầu nguyện tại bờ sông. Khi người đạo sĩ chấm dứt, cậu nói, “Hãy dậy cháu cầu nguyện!” Vị đạo sĩ nhìn đăm đăm vào mắt cậu bé một lúc. Rồi ông nhấn đầu cậu xuống nước cho đến khi cậu bé vùng lên vì ngộp thở. Nó uất ức, “Ông làm như thế để làm gì?” Vị đạo sĩ nói:
Ta mới dậy con bài học đầu tiên về cầu nguyện.
Khi con thật sự muốn cầu nguyện như con cần hơi thở lúc con chìm dưới nước, thì lúc đó ta mới có thể dậy con.
Ðiểm mà vị đạo sĩ nêu ra thật quan trọng. Cầu nguyện là vấn đề của con tim hơn là của lý trí. Ðiều kiện đầu tiên để học cầu nguyện là ước muốn cầu nguyện.
Cầu nguyện rất giống như ăn kiêng. Chúng ta có thể biết những thức ăn nào tốt, nhưng nếu chúng ta không muốn ăn kiêng, thì kiến thức đó chẳng giúp gì cả. Việc cầu nguyện cũng giống như vậy.
Nếu chúng ta chặn bốn người vừa mới ra khỏi nhà thờ hay đền thờ và hỏi tại sao họ cầu nguyện, có lẽ họ sẽ đưa ra bốn lý do khác nhau. Tỉ như, họ có thể nói rằng cầu nguyện đem cho họ-
sự bình an mà thế giới không thể có,
sự khôn ngoan mà việc học không thể đem lại,
sức mạnh mà bạn hữu không thể có, và
sự trợ giúp mà chỉ Thượng Ðế mới có.
Ðây là những lý do tuyệt vời, nhưng nó không thể là nguyên do chính yếu cho việc cầu nguyện. Tại sao? Bởi vì nó liên hệ đến lợi ích của cầu nguyện. Không phải là cầu nguyện không có lợi. Chắc chắn nó có lợi! Nhưng lợi ích không thể là nguyên do chính của cầu nguyện. Tại sao? Có hai lý do.
Lý do thứ nhất có thể diễn tả bằng một thí dụ. Tình bạn có thể đáp ứng nhiều mục đích có lợi. Nhưng nếu lợi ích là nguyên do chính của tình bạn, thì đó không phải là tình bạn chân thật. Chúng ta không “sử dụng” người bạn. Ðiều này cũng đúng với Thiên Chúa. Chúng ta không “sử dụng” Thiên Chúa.
Lý do thứ hai mà việc cầu nguyện không thể định giá bằng lợi ích là vì: Khi lợi ích không còn nữa. Thí dụ, khi việc cầu nguyện không đem lại sự bình an. Hay khi Thiên Chúa dường như không đáp lời cầu nguyện. Nếu những điều này xẩy ra, cầu nguyện dường như vô ích, và chúng ta muốn bỏ cầu nguyện.
Như vậy, nguyên do chính của việc cầu nguyện là gì?
Nguyên do chính của việc cầu nguyện là: Cầu nguyện là phương cách để bày tỏ tình yêu. Nó là một cách bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa, là Ðấng đã tạo nên chúng ta, cứu chuộc chúng ta, và liên tục ban ơn cho chúng ta.
Như vậy có nghĩa là chúng ta không nên cầu xin Thiên Chúa điều gì đó, như sự trợ giúp, hướng dẫn? Không phải vậy! Chính Chúa Giêsu dậy chúng ta cầu nguyện cho những điều đó (Luca 11:9). Nó chỉ có nghĩa rằng lợi ích không thể là động lực chính yếu cho việc cầu nguyện. Ðộng lực chính luôn luôn phải là tình yêu.
Theo kinh thánh, cầu nguyện (sự tỏ lộ tình yêu) có bốn hình thức khác nhau, đôi khi được gọi là bốn mục đích của cầu nguyện:
thờ phượng
thống hối
cảm tạ, và
cầu xin
Việc thờ phượng nhắm đến mầu nhiệm của vinh quang Thiên Chúa. Thánh Tô-ma Tông đồ đã phải quỳ xuống trước sự vinh quang của Chúa Giêsu và nói rằng, “Lậy Chúa là Thiên Chúa tôi!” (Gioan 20:28).
Thống hối nhắm đến mầu nhiệm của lòng thương xót Thiên Chúa. Người thu thuế đứng ở đàng xa và cầu nguyện, “Lậy Thiên Chúa, xin thương xót tôi, là kẻ tội lỗi!” (Luca 18:13).
Cảm tạ nhắm đến mầu nhiệm của sự thiện hảo Thiên Chúa. Ðức Giêsu đưa mắt nhìn lên trời và cảm tạ Chúa Cha trước khi cho đám đông ăn (Luca 9:16).
Sau cùng, cầu xin nhắm đến mầu nhiệm của sự lo lắng yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ðức Giêsu nói với các môn đệ, “Hãy xin, và con sẽ được nhận lãnh” (Luca 11:9).
Henry David Thoreau là một nhà tự nhiên học của thế kỷ 19. Có một thời gian ông sống trong căn lều nhỏ cạnh bờ hồ Waden ở ngoại ô tỉnh Concord, Massachusetts. Tả về những đồ đạc trang trí đơn sơ của căn lều mà ông đã dựng bên cái hồ hoang vu này, trong quyển Walden ông Thoreau viết:
Tôi có ba cái ghế... một cho sự cô độc, một cho tình bằng hữu, và một cho xã hội.
Sự diễn tả của ông Thoreau cho thấy một điểm quan trọng về tâm lý con người. Nó có ba khía cạnh:
cá nhân (cô độc)
liên đới (bạn hữu)
cộng đoàn (xã hội).
Nói một cách khác, có những lúc chúng ta cần thời giờ cho riêng mình. Cũng có những lúc chúng ta cần sự nâng đỡ của gia đình và bạn hữu, thân thuộc. Và có những lúc chúng ta cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng.
Những gì đúng với đời sống tâm lý con người cũng đúng với đời sống thiêng liêng. Có những lúc chúng ta cần cầu nguyện một mình, cũng có những lúc chúng ta cần cầu nguyện với gia đình và bạn hữu, và có những lúc chúng ta cần cầu nguyện với toàn thể cộng đồng.
Thánh Kinh đã thuật lại sự cầu nguyện của Chúa Giêsu trong 3 khung cảnh sau đây:
riêng một mình
(Mác-cô 1:35)
với bạn hữu
(Lu-ca 9:28)
với cộng đồng
(Lu-ca 4:16)
Cầu nguyện hằng ngày với Chúa cách riêng tư cũng quan trọng như ăn và ngủ. Chúng ta cần của ăn thiêng liêng cũng như chúng ta cần của ăn thường ngày. Hơn nữa, trừ khi chúng ta biết cách kết hợp với Thiên Chúa nơi riêng tư, chúng ta sẽ không bao giờ có thể kết hợp với Thiên Chúa nơi cộng đồng. Cầu nguyện riêng tư là chìa khoá để mở cửa cho sự cầu nguyện trong cộng đồng, nhất là khi cộng đồng họp lại thờ lậy Chúa vào ngày Chúa nhật.
Khi đôi nam nữ muốn tìm hiểu nhau thêm, họ chọn địa điểm và thời gian để gặp gỡ nhau. Họ không để việc này xẩy đến trong may rủi. Sự tìm hiểu nhau quá quan trọng nên không thể để cho sự ngẫu nhiên định đoạt.
Giữa chúng ta và Thiên Chúa cũng như vậy. Bước đầu tiên để biết Chúa nhiều hơn qua sự cầu nguyện là tìm một địa điểm tốt để cầu nguyện.
Có một số người có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào: trên bãi biển, trên con đường chạy bộ, trên xe bus. Nhưng nếu chúng ta muốn cầu nguyện không bị gián đoạn thì thường thường chúng ta cần một nơi riêng tư.
Chính Chúa Giêsu đã tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Kinh Thánh thuật lại việc Chúa “đi lên đồi để cầu nguyện” (Lu-ca 6:12). Và Kinh Thánh cũng nói về việc Người “đi ra khỏi thành phố đến một nơi tĩnh mịch và cầu nguyện ở đó” (Mác-cô 1:35).
Ðiểm quan trọng của địa điểm là nó giúp ta dễ cầu nguyện. Cách hay nhất để tìm một địa điểm tốt là chúng ta phải thử xem nơi nào giúp chúng ta cầu nguyện một cách sốt sắng.
Bước thứ hai để hiểu biết Chúa hơn là xếp đặt một thời giờ trong ngày để gặp Chúa qua sự cầu nguyện.
Một số người cầu nguyện sốt sắng nhất vào buổi sáng; cũng có người cầu nguyện sốt sắng nhất vào buổi tối. Chúa Giêsu cầu nguyện sốt sắng cả hai lúc sáng tối. Chính Kinh Thánh ghi lại “Vào buổi sáng sớm hôm sau... Chúa Giêsu cầu nguyện” (Mác-cô 1:35). Và Kinh Thánh cũng ghi lại Chúa Giêsu “thức suốt đêm... cầu nguyện” (Lu-ca 6:12). Cần nhắc lại là để biết thời giờ nào thuận tiện cho sư cầu nguyện chúng ta cần phải thử.
Bước cuối cùng để biết Chúa hơn là tìm một tư thế để dễ cầu nguyện.
Một số người cầu nguyện sốt sắng khi nằm sấp. Có người cầu nguyện sốt sắng nhất khi đi bộ. Chúa Giêsu dùng nhiều tư thế vào nhiều lúc khác nhau. Thí dụ, Kinh Thánh thuật lại rằng Chúa Giêsu “quỳ xuống và cầu nguyện” (Lu-ca 22:41). Cũng có lúc Chúa “sấp mình xuống đất và cầu nguyện” (Mát-thêu 2:39).
Nói tóm lại, cách thức để tìm hiểu thêm về Chúa qua sự cầu nguyện gồm 3 tiến trình: Chọn một nơi chốn, đặt thời gian, và một tư thế giúp sự cầu nguyện được dễ dàng.
Một học sinh trung học ở Chicago đã viết bài dưới đây. Bài viết thật đơn sơ nhưng nó diễn tả rất hay về ba hình thức thường được áp dụng trong sự cầu nguyện.
Một ngày nọ sau khi chơi trong công viên tôi đến một vòi nước gần đó để uống nước, dòng nước lạnh thật ngon, tưới mát thân thể mệt mỏi của tôi.
Sau đó, tôi nằm xuống bãi cỏ và bắt đầu suy nghĩ. “Chúng ta cần nước để uống nhưng nước từ đâu mà ra?”
”Từ những đám mây!” tôi thầm nghĩ.
”Nhưng mây từ đâu mà ra?”
”Chất lỏng bốc hơi.”
Và tư tưởng này tiếp tục cho đến khi tôi chỉ còn lại câu trả lời duy nhất: Thiên Chúa! Và tôi nói chuyện với Chúa một lúc bằng những lời phát ra tự con tim.
Những phút sau đó, tôi nằm trên cỏ, nhìn lên bầu trời, và nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
Cảm nghiệm thật đẹp của học sinh này giải thích 3 kiểu thường xẩy ra trong lúc cầu nguyện:
suy niệm (meditation)
đối thoại
chiêm niệm (contemplation)
Gọi suy niệm là sự cầu nguyện bằng trí óc thì thật đúng. Kiểu cầu nguyện này gồm việc lấy một tư tưởng và suy niệm. Nói cách khác, chúng ta làm những gì mà người học sinh đã làm:
Sau đó, tôi nằm xuống bãi cỏ và bắt đầu suy nghĩ.
”Chúng ta cần nước để uống nhưng nước từ đâu mà ra?”
”Từ những ngọn mây!” tôi thầm nghĩ.
”Nhưng mây từ đâu mà ra?”
”Chất lỏng bốc hơi.”
Và tư tưởng này tiếp tục cho đến khi tôi chỉ còn lại câu trả lời duy nhất: Thiên Chúa!
Gọi đối thoại là sự cầu nguyện bằng con tim thì thật đúng. Kiểu cầu nguyện này gồm việc nói chuyện với Chúa từ con tim. Tức là, chúng ta làm như người học sinh đã làm:
Và tôi nói chuyện với Chúa một lúc bằng những lời phát ra tự con tim.
Gọi chiêm niệm là sự cầu nguyện bằng linh hồn thì rất đúng. Cách cầu nguyện này chỉ là yên nghỉ trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta làm điều mà người học sinh đã làm:
Những phút sau đó, tôi nằm trên cỏ, nhìn lên bầu trời, và nghỉ ngơi trong sự hiện diện của Thiên Chúa.
Nghỉ ngơi thầm lặng trong sự hiện diện của thần linh giúp cho ta thấy được tác động của Chúa Thánh Thần sâu thẳm trong con người của ta. Nó giúp ta nghe, với “cái tai” của linh hồn, “lời” của Chúa Thánh Thần trong ta.
Nói tóm lại, cầu nguyện có 3 hình thức:
suy niệm (cầu nguyện bằng bộ óc)
đối thoại (cầu nguyện bằng con tim)
chiêm niệm (cầu nguyện bằng linh hồn)
Thường thường ba cách cầu nguyện này kết hợp chặt chẽ với nhau thành một nên nhiều lúc khó mà phân biệt được lúc nào cách này bắt đầu và cách khác chấm dứt.
Cầu nguyện giống như chạy bộ. Khi thật sự muốn chạy bộ, chúng ta không nên ra khỏi nhà và bắt đầu chạy ngay. Trước tiên, chúng ta phải trải qua phần chuẩn bị: làm dãn chân tay và bắp thịt. Nếu không chúng ta dễ bị vọp bẻ.
Khi muốn cầu nguyện, chúng ta cũng làm tương tự như trên. Chúng ta không nên cầu nguyện ngay tức thì. Chúng ta phải trải qua phần chuẩn bị cầu nguyện. Mục đích của phần này là để chuẩn bị chúng ta sẵn sàng cầu nguyện. Chuẩn bị bao gồm hai phần.
Phần thứ nhất liên quan đến việc thoải mái ba cơ phận trên cơ thể: trán, cằm và ngực. Chúng ta bắt đầu từ trán và giảm bớt căng thẳng ở đây. Sau đó chúng ta đi đến cằm. Cuối cùng chúng ta đi xuống vai và ngực.
Phần thứ hai liên quan đến việc điều hoà hơi thở theo một nhịp điệu và theo dõi nó cho tới khi chúng ta cảm thấy sự lắng đọng trong cơ thể. Khi tâm hồn chúng ta lắng đọng, chúng ta mới có thể hướng về Chúa Thánh Thần đang ngự ở trong ta (1 Cô-rin-tô 6:19) và bắt đầu cầu nguyện.
Nhiều người dùng mô hình khi cầu nguyện. Mô hình chỉ là một cách hướng dẫn giản dị để giúp chúng ta cầu nguyện. Có hai mô hình mà một số người cảm thấy giúp ích cho sự cầu nguyện.
mô hình cuộc sống hằng ngày và
mô hình Kinh Thánh
Mô hình cuộc sống hằng ngày vừa giản dị và vừa tiện lợi. Nó rất thích hợp cho cầu nguyện lúc ban đêm. Khi chúng ta tìm được tư thế thoải mái. Chúng ta bắt đầu điều hoà hơi thở và để tâm hồn lắng đọng. Khi chúng ta cảm thấy sự bình an trong tâm hồn, chúng ta hướng về Chúa và bắt đầu cầu nguyện.
Mô hình cuộc sống hằng ngày dùng ưu điểm và khuyết điểm của một ngày để làm đề tài cầu nguyện. Cách thức này dùng cả ba kiểu cầu nguyện nói trên: suy niệm, đối thoại, và chiêm niệm.
Chúng Ta Suy Niệm
Trước tiên chúng ta xét lại những việc xẩy ra trong ngày và nhận ra những ưu điểm--những việc tốt mà chúng ta đã làm hoặc điều gì tốt đến với chúng ta. Khi chọn được một ưu điểm, chúng ta suy nghĩ về điểm này một cách sùng tín.
Thí dụ, ưu điểm trong ngày là chúng ta đã bình tĩnh trong một trường hợp gay cấn. Chúng ta tự hỏi chuyện gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta thiếu bình tĩnh. Hoặc xét xem làm thế nào để có thể bình tĩnh. Hoặc những lợi ích có được nhờ sự bình tĩnh.
Chúng Ta Ðối Thoại
Sau khi suy nghĩ về ưu điểm này, chúng ta bầy tỏ cảm tưởng của chúng ta với Chúa. Thí dụ chúng ta tâm sự với Chúa như sau:
Lậy Chúa, Chúa biết tính nóng nẩy của con. Nhiều khi có những chuyện chẳng đáng gì cũng làm con nóng giận. Nhưng hôm nay Chúa đã giúp con được bình tĩnh trong một trường hợp khó khăn. Con cám ơn Chúa! Con không thể nào tự con làm được nếu không có sự giúp đỡ của Chúa.
Chúng Ta Chiêm Niệm
Sau khi đã bầy tỏ những cảm nghĩ của mình với Thiên Chúa, chúng ta để tâm hồn lắng đọng nghỉ ngơi trong sự hiện diện thần linh của Người. Sau đó, chúng ta lắng nghe tự đáy lòng mình bất cứ những gì mà Chúa Thánh Thần muốn nói với ta.
Chúa Thánh Thần sẽ không nói với ta bằng “tiếng nói” mà chúng ta có thể nghe được bằng đôi tai. Chúa Thánh Thần sẽ nói với ta qua một phương cách rất tinh tế: sự rung động của con tim, một tư tưởng, một cảm hứng.
Chúng Ta Có Thể Lập Lại Tiến Trình Kể Trên
Sau khi cầu nguyện về một ưu điểm trong ngày, một số người lập lại những bước kể trên để áp dụng vào khuyết điểm của ngày đó. Họ suy nghĩ về những việc họ đã làm sai hoặc những việc không may đã xẩy đến. Họ dùng phương pháp kể trên: suy niệm, đối thoại và chiêm niệm.
Mô hình thứ hai mà người ta thường dùng là mô hình Kinh Thánh. Ðây là một cách cầu nguyện bằng Kinh Thánh và rút tỉa từ lời Chúa những tư tưởng thâm sâu. Mô hình Kinh Thánh rất tốt cho cầu nguyện vào buổi sáng. Nó dễ đánh động ta hơn khi đầu óc còn sảng khoái.
Cách thức cầu nguyện này rất đơn giản. Chúng ta mở Kinh Thánh tìm một đoạn văn mà chúng ta đã chọn trước. Sau đó chúng ta chuẩn bị cầu nguyện bằng phương thức: chọn một tư thế để thân thể được thoải mái, và điều hoà hơi thở cho đến khi tâm hồn ta lắng đọng. Sau đó chúng ta đọc một đoạn văn đã chọn. Thí dụ:
Trong lúc Chúa Giêsu, đang dùng bữa ở nhà ông Mát-thêu, có nhiều người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến ngồi cùng bàn với Chúa và các môn đệ.
Thấy vậy, vài người Pha-ri-siêu nói với các môn đệ rằng:
”Tại sao Thầy các ông ngồi ăn với những người này?”
Nghe những lời ấy Chúa Giêsu trả lời rằng:
”Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người đau ốm mới cần thôi.”
Mát-thêu 9:10-12
Chúng Ta Suy Niệm
Sau khi đọc xong đoạn văn này chúng ta bắt đầu suy niệm. Ðiều này liên quan đến việc suy nghĩ về hai câu hỏi: (1) Chúa Thánh Thần muốn nói gì với ta qua lời Chúa vừa đọc? và (2) chúng ta đáp ứng thế nào về những điều mà Chúa Thánh Thần muốn nói với ta?
Thí dụ, điểm chính của đoạn văn này đã được Chúa Giêsu nêu ra: “Người khoẻ mạnh không cần đến thầy thuốc, chỉ người đau ốm cần thôi.” Ðiểm này cho ta thấy tại sao Chúa Giêsu tiếp nhận những người thu thuế và những người tội lỗi: họ cần thầy thuốc.
Một cách áp dụng điểm này vào đời sống chúng ta có thể là: Chúng ta nên đến với Chúa như những người kể trên--vì biết rằng Chúa sẽ mở rộng vòng tay tiếp nhận chúng ta. Chính vì những người như chúng ta mà Chúa đến nơi trần gian này.
Chúng Ta Ðối thoại
Sau khi chúng ta thấy được cách áp dụng điểm này vào đời sống hằng ngày, chúng ta bắt đầu cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Thí dụ, chúng ta nói:
Lậy Chúa Thánh Thần, xin giúp con thực sự thấy được chính mình.
Xin giúp con thấy được sự bệnh hoạn trong con người của con và cần được Chúa chữa lành.
Xin cho con can đảm đến với Chúa để được chữa lành qua bí tích Giải Tội, bí tích mà từ trước đến giờ con thường hay tránh né.
Xin giúp con nhận thấy rằng qua bí tích này mà con được Chúa chữa lành, cũng như những người thu thuế và những người tội lỗi.
Chúng Ta Chiêm Niệm
Sau khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, chúng ta giữ thinh lặng và để tâm hồn chìm đắm trong sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng ta lắng nghe những gì mà Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta. Chúng ta nên nhớ rằng nhiều khi Chúa Thánh Thần không trả lời chúng ta ngay tức thì. Nhưng Người sẽ nói với ta, ngoài giờ cầu nguyện, trong lúc bận rộn của một ngày.
Ðiều kiện tiên quyết để học cầu nguyện là lòng muốn cầu nguyện. Vì cầu nguyện là sự biểu lộ tình yêu với Thiên Chúa, Người là tình yêu.
Cầu nguyện có thể xẩy ra trong 3 khung cảnh: một mình, với gia đình và bạn hữu, với cộng đồng. Cầu nguyện thường có hiệu lực nếu được qua giai đoạn chuẩn bị để tâm hồn lắng đọng trước khi tìm gặp Chúa.
Cầu nguyện thường qua ba hình thức, hoặc mô hình: suy niệm, đối thoại và chiêm niệm. Muốn cầu nguyện dễ dàng chúng ta nên dùng mô hình là cách hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.